Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

HỒI KÝ NGOÀI VĂN CHƯƠNG / THẾPHONG viết về HÀ THƯỢNG NHÂN .

 Lời dẫn:

HỒI KÝ NGOÀI VĂN CHƯƠNG/ Thế Phong ,  bìa Khánh Trường, Đồng Văn xuất bản, California, Hoa Kỳ 1996 ( ISBN 1-886535- 07-8 Copyright 1996 by Đồng Văn , 260 trang / 12 usd/ cuốn.

... một cuốn sách của tôi in rất đẹp ở Huê Kỳ -   1996 - họa sĩ Phan Diên ở Mỹ   cầm về  cùng 500 usd do  chủ  nhà Văn Nghệ nhờ chuyển  .  Có lời cảm ơn hai bạn ta:  Phan  Diên và  KQ Nguyễn văn Phát chăm sóc, sửa mo-rát, và không quên   ông  Võ Thắng Tiết (  tu sĩ Từ Mẫn / Nxb  Lá Bối Saigon  trước 75) bỏ vốn in, phát hành trên toàn cầu.
Cuốn hồi ký văn chương  ra mắt ở Mỹ  đầu 1996,  thì giữa năm - một phóng viên Pháp  phỏng vấn  tôi  trước 30/4/1996 - trên lầu 3 Chi nhánh Nxb Hội Nhà văn  tại tp. HCM (Ý Nhi trưởng chi nhánh sắp xếp). Phóng viên  Marc Victor là chủ bút tạp chí" Le Mekong"  ở Phnom Penh / Campuchia)     hỏi :"  Hồi ký  ngoài văn chương  có phải là  Mémoires au dehors de la littérature không?."Sau hơn 30 phút phỏng vấn , ghi âm - phóng viên  kết thúc :." ...ngày mai 30 tháng tư kỷ niệm Saigon được giải phóng, ông có tham dự không?" . Tôi không được nghe bài phỏng vấn này được phát ở Paris ngày, giờ nào-  kể cả câu trả lời ' kết thúc buổi phỏng vấn" kia ?!
Có một bài điểm sách" Ngoài văn chương " , nữ sĩ Cao Mỵ Nhân viết đăng  trên Saigon Times (November  22, 1996) có đoạn:
"...... tôi viết theo yêu cầu của một số vị có chút ý kiến về cuốn  sách.... ngoài văn chương của ông THẾ PHONG đã không mất chút thì giờ" suy nghĩ" viết từ trong văn chương đến ngoài văn chương của ông, ông viết theo cái trớn cảm hứng, đến không muốn dừng lại ở những điểm không cần thiết . Cuối năm kia ( 1994), rất nhiều vị văn, thi sĩ, nhà báo, và - cả độc giả thường quan tấm đến những giai chương, giai thoại văn chương, đã điện thoại cho tôi về câu chuyện" T.T.KH., nàng là ai?"  do THẾ NHẬT, tức THẾ PHONG  và TRẦN NHẬT THU biên soạn, nội dung mô tả một T.T.KH. hậu chiến, cứ áp đặt nữ sĩ VÂN NƯƠNG là người T.T.KH. ấy, và, vì trong cuốn sách có đề cập ( tới- sic) Hội thơ QUỲNH DAO, mà nữ sĩ VÂN NƯƠNG, phu nhân của luật sư cựu Bộ trưởng Quốc Phòng thời đệ I Cộng Hòa. cựu Đại sứ Anh Cát Lợi thời đệ II Cộng Hòa là một trong 4 nữ sĩ sáng lập thi hội TRĂNG QUỲNH  nêu trên, tôi là người tham gia muộn nhất và nhỏ tuổi nhất đối với các nữ thi sĩ  QUỲNH DAO,  do đó tôi phải lên tiếng, để phần nào góp ý : NỮ SĨ VÂN NƯƠNG CÓ PHẢI LÀ T.T.KH.  xưa, như tác gỉa THẾ NHẬT khẳng định  không ?   Cuối năm nay ( 1996) cũng lại rất nhiều vị văn thi sĩ, và thân hữu của tác gỉa THẾ PHONG hỏi thăm và  " nhân thể" người thì cười vui vẻ, người lại bực bội nhắn gởi, cho rằng tác giả THẾ PHONG  không nên viết ra những sự việc ngoài văn chương như thế!   Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời:"- Ủa, nếu cuốn " T.T.KH, nàng là ai?" THẾ PHONG và TRẦN NHẬT THU loanh quanh trong  văn chương, không làm vừa ý ai cả, vì sự thực, nữ  sĩ VÂN NƯƠNG chẳng bao giờ là T.T.KH., thì quyển" Hồi ký  ngòai văn chương"  này, THẾ PHONG có luẩn quẩn tới văn chương gì đâu, ông ta chỉ kể lại một giai đoạn của đời ông ấy thôi mà .   Vậy quý vị muốn đề cập (  tới- sic ) chuyện chi trong sách đó ạ!.   Tiếng bên kia đầu giây trả lời buông sõng:"- Chuyện  thì... rất nhiều, nhưng sao phải kể ra chứ ?"   "- Hồi ký về chính mình, có khi không thoải mái với người được hay bị nêu tên trong đó.   Và hình như hồi ký thì thường là chuyện thực."  "- Thực nó cũng vừa thôi chứ, phải có một mức độ ( nào đó )"  "- Mức độ có khi lại bị chê là không thực, không đúng  100 % đấy." "- Tôi thấy  cũng có cô trong sách đó đấy, vậy chuyện thực 100% hay sai lạc, xin cho biết ?" " - Sai với lạc để làm gỉ , khi đã quá" date" khiếu nại, hoặc đính chính rồi ạ". -" Như ai chẳng hạn đấy, nhưng  cô không phải là tác giả, hay liên hệ với tác giả, hầu... lý giải, thì nói  tên họ ra cho cô hay làm gì ? ".  " - Tất cả những người viết hồi ký, hình như không  cần có nhiệm vụ lý giải thì phải ?" " -Thôi được, có ngày tôi gặp lại THẾ PHONG, tôi sẽ phân tích cho ra môn, ra khoai ". "_ -Cũng dễ thôi, quý vị có thể đIện thoại hay thư từ, hoặc có dịp về SAIGON , tìm ông ấy ở số X.. đường Trần..., Tân Định..." "- Được .." " - Vị khách buông thõng chữ".. Được , để xem thử coi " làm tôi... hoảng quá !  Chết nỗi, tôi có phải là tác giả "Hồi Ký ngòai văn chương" đâu chứ .  Quý vị bạn vừa đàm thoại trên, đã vô tình không thấy nơi trang sách trắng, trước khi vào chuyện, THẾ PHONG  đã ghi: " Riêng tặng NGUYỄN THỊ KHÊ -  người vợ tuyệt vời của tôi. T.P. ". Thứ hỏi, nếu phải vòng vo tam quốc để phát biểu đúng, sai, thì, hoặc tác giả, hoặc người được đề  tặng đủ điều kiện tiếp thu những ý kiến của độc giả, chứ ai lại nhắn gởi người hàng xóm lâu đời là tôi chuyển giùm; bởi  vì có khi tôi quên béng mất, hoặc tôi trộm nghĩ:" Chẳng phải việc mình, hơi  đâu vướng bận.." (....)Tuy nhiên, tôi vẫn có thể cống hiến quý vị thân hữu hay độc giả của nhà văn THẾ PHONG, những tin tức xác thực nhất, mà chẳng với ý đồ "đánh bóng" cho một tác giả vốn là người quen thân từ thuở tôi còn đi học.  Rằng để tìm hiểu hiện tượng THẾ PHONG trong làng văn trước 75 ở miền  Nam, THẾ PHONG đã tự vượt qua một chặng đường khá dài gian truân, mà ông thuờng ẩn náu qua ngòi bút luôn luôn bất mãn của ông. (...)
 [] CMN.
  " Hồi ký ngoài văn chương"   lại được thêm dịp,  được  đăng trọn   trên báo  mạng  tại Pháp . http://www.newvietart.com/ ( trang chủ : Từ Vũ  )- nhưng chương  này tôi tự ý  tạm cắt .  Nay, tôi cho đăng chương 5  ( đã  tu  chỉnh )  nói về Hà  Thượng Nhân . ( nguyên  trung tá Phạm Xuân Ninh ( 1920-  2011 )  qua đời ở San Jose ngày 11 Oct. .  Cũng có thể gọi là  chiêu niệm, nhưng " chương chiêu niệm đã  được xuất  bản từ 1996 " - tưởng đọc giả  nên biết thêm chi tiết : phu nhân Hà Thượng Nhân là em gái   Vân Nương  -  đã  đươc Cao Mỵ Nhân nhắc  trên kia   Rồi có một bạn tên   SEN  ĐẤT đã   gò lưng đánh máy " T.T.KH., NÀNG LÀ AI? phóng lên một mạng ở nước ngoài- còn khoe  mẽ,   có tới  hàng  chục triệu người đọc trên toàn cầu- mà   ebook này post lên tùy tiện -  không xin phép tác giả, nhà xuất bản - trắng trọn hơn  tự  ghi"  giữ bản quyền" vv.... Chuyện mới nhất là T.T.KH.  NÀNG LÀ AI?   lại BỊ hay  ĐƯỢC  Amazon.com , tổng giám đốc CEO Jeff Bezos  tung lên  Kindle Direct Publishing cộng thêm   sao chép vô tội vạ - được  gọi là " the used copy paperback" bán tới 30 usd  , chỗ khác ghi  giá 40 usd / per copy- không xin phép, mặc dầu  đã  có Hiệp ước bản quyền  ký kết   giữa Cộng hòa Xã   hội Chủ nghĩa Việt Nam ( thay mặt là Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn mạnh Cầm)  và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ ( bộ trưởng ngoai giao  Madeleine Albright  ) đã ký kết  ngày 27 tháng 6 năm  1997-  có  hiệu lực  của Hiệp định -  kể từ 26 / 12 / 1997 ( theo Quyết định số: 1130/TTg/ Hà Nội 26/12/1997- K/T Thủ tướng  chính phủ/ Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã ký )  -  vậy  thì Amazon. com coi phép nước , lệ làng , hiệp ước là đồ bỏ- chẳng  đáng giá  một  xèng !
Tác giả viết thư ngỏ đòi bản quyền, đăng trên báo viết  ,báo mạng  ngoại quốc ròng rã hai năm, đọc xong  thì làm lơ.  Cụ thể,  báo Calitoday.com đăng thư tôi  đòi bản quyền  T.T.KH. NÀNG LÀ AI? , báo ra  ngày 20 June , 2011- thì ngày  22 June, tôi nhận được  tập Newsletter từ  tổng hành dinh Amazon gửi  tới , qua  địa chỉ e-mail   thephongthephong@gmail.com  Nói chuyện "piracy- copyright infringement"  dễ nổi nóng, thôi tạm bỏ  bỏ qua- và  mời bạn cùng đọc:


                             Chương 5 / Hồi ký ngoài văn chương / Thếphong  nói về Phạm Xuân Ninh....



......Ba chúng tôi đang tán gẫu chuyện, một trung niên, kính trắng, dáng nho nhã, sơ mi trắng, quần tây, đi giầy; bước vào câu lạc bộ, đi sang bàn chúng tôi.    Tạ Tỵ  giới thiệu, khi anh hướng về  trung tá KQ Phùng ngọc  Ẩn:
-Đây, trung tá Ẩn, tác giả Bay trong hoàng hôn, và đây là chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến
Phạm Xuân Ninh nguyên  giám đốc Nha Vô tuyến truyền thanh, hiện  mang cấp bậc  trung tá, nói giọng Thanh hóa , ôn tồn trò chuyện với Ẩn:
-Tôi  biết anh qua  Phúc * và giới thiệu của Phúc - khi đăng truyện ngắn của anh.
Quay sang tôi ( giọng rất kể cả) , tôi trả cậu này lon chuẩn úy đồng hóa - cậu ta không chịu, chắc  cậu cho là nhỏ.- đến như Mặc Thu, Nguyễn Mạnh Côn mà cũng chỉ có thể cho mang lon thiếu úy đồng hóa mà thôi.  Bây giờ cậu ấy vào Không quân, chịu nhận  chức trung sĩ quèn , quả  Không quân các ông ( quay sang phân bua với Ẩn)  hào hoa nên cậu ấy chịu chứ gì ?  
Quay lại khúc phim cách đây nhiều năm, dạo ấy, tôi dự định lấy vợ -cưới một nữ sĩ cán sự xã hội mang  lon  chuẩn, thiếu úy chi đó - chẳng lẽ số mình may thế , được làm phu quân nữ sĩ quan trợ tá xã hội sao  ?   Tất nhiên người đẻ con là nàng, còn chồng trở thành bếp trưởng nấu nướng, trông con rồi ? Nên khi tôi qua   Nha tác động tinh thần ( tiền thân Nha Chiến tranh tâm lý) - hồi ấy anh Ninh đã mang  lon đại úy đồng hóa  ( nghe đâu được chính Tổng thống Diệm  ký sắc lệnh bằng tiếng tây cho Mr. Phạm Xuân Ninh,  Capitaine de Réserve - và  Tư lệnh tối cao quân đội  không  thể quên người đề bạt  -  chàng   cột chèo Lê Ngọc Chấn - đương kim Bộ trưởng quốc phòng.). Nha tác  động tinh thần chung phòng sở Bộ quốc phòng đặt tại 63 đường Gia Long- tôi còn nhớ lời   Phạm Xuân Ninh phán:
- Bạn cậu, Huy Sơn- Dương Quang  Thuận- cậu nhớ chứ, chỉ mang lon thượng sĩ 1- cậu lon chuẩn úy được quá rồi còn gì ?
Tôi không nói năng gì, chẳng trả lời nhận hay không nhận.   Ít lâu sau, thiếu úy cán sự xã hội ra trường , đổi đi một đơn vị ở mạn Lục tỉnh- biết rằng con chim ấy đã bay xa, thì ý định lập gia đình coi như bỏ.    Anh Ninh vẫn nhớ ,  không chịu quên chuyện này !
Đến nước này, không trả lời  hẳn không ổn - thôi thì nói luôn một lần cho xong.   Ý nghĩ  tôi nghĩ thế nào trước  kia, bây giờ phải nói bằng hết.   Tôi chậm rãi c hâm diếu thuốc lá, chiêu một ngụm cà phê,  tiếp lời :
 - Xin lỗi đã không trở lại  gặp anh ,   bởi  trước đó  tôi  dự tính lập gia đình.  Bây giờ người   tình bỏ  đi rồi -một thân ăn gì cũng  đươc gọi là no,  ngủ tạm đâu cũng qua cơn nhắm mắt - tôi lại  trở về đời sống phù du cũ , theo đuổi nghề làm văn  chương  nhiều  phù du. không kém !   Còn bây giờ anh nói tôi vào Không quân để nhận lon trung sĩ đồng hóa , vì quân chủng này hào huê ư ?  Không phải  đâu- hiện nay tôi đã có gia đình không thể trốn quân dịch, vào lính Không quân làm lính  kiểng  đấy !   Thật ra quân chủng Không quân chẳng hào hoa như anh tưởng đâu- nhưng anh Ninh ạ -  tôi xin lỗi, phải  nói thật  thôi, chẳng có gì  phải quanh co.   Bằng bối của anh, tôi không biết như thế nào, khả năng văn nghệ xưa kia ở Liên khu IV ra sao  hoàn toàn mù tịt - nhưng biết rõ một điều, anh được sắp xếp vào Tổ văn  - do văn sĩ viết tiếng tây Nguyễn tiến Lãng làm tổ trưởng.   Như vậy  phải thừa nhận  một điều rất chắc chắn: anh có khả năng văn chương  ! 
Thời kỳ tướng Nguyễn Sơn  tư lệnh Khu IV, ông tướng này chiêu  đãi  văn nghệ sĩ với con mắt xanh tuyệt diệu ! Bao  quanh  là Đặng Thai Mai, Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa, Thượng Sỹ-Nguyễn Đức Long, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn, Sỹ Ngọc , Tạ Tỵ cùng   nhiều văn nhân, tài tử danh tiếng lẫy lừng đất Bắc vv..  và vv..  -  chính tướng Sơn  chủ hôn  cặp  nhạc sĩ- ca sĩ tài năng Phạm Duy- Thái Hằng .  Sau  này  tướng Sơn "bị"  điều về trung ương, trở lại Trung quốc hoa lục ,  nhậm  chức tư lệnh phó quân đội  Trung Triều  tham dự trận chiến tranh Cao Ly- đầu thập niên 1950.
Tướng  có máu anh hùng văn nghệ ra  đi, thì đoàn văn nghệ sĩ  mất nàng ong chúa  -  bay tản mác  tứ tán khắp   ngả.  Đa số  trở về  tề -  thì  Hoàng Sỹ Trinh   cũng trực chỉ hướng dinh tê  Hà Nội thôi  , thay tên   đổi họ kiếm miếng cơm, manh áo nuôi thân  như mọi người ' dinh tê".  Riêng   cơ duyên  may,  gặp  dược Chánh sở Học chánh Bắc Việt Phạm Xuân Độ  - Hoàng Sỹ Trinh thay tên, đổi họ , trở thành Phạm Xuân Ninh  . Có  kẻ đánh giá thuộc loại hàn sĩ- chữ nho giỏi cỡ nào chỉ  đức  Khổng Tử biết - rồi   nhờ mấy chữ  nho  xưa kia   vừa ê a vừa   lùa  cơm nguội    ( tam tự kinh rình cơm nguội )   giúp ích vận mạng  đời anh hôm nay  không nhỏ  !. Khi gặp được cụ Diệm, qua đồng hao  Lê Ngọc Chấn tiến cử  - cơ may Chúa ban cho  anh trở  thành kẻ hầu hạ  chữ  Hán  cụ Diệm cũng đáng tin cậy.  Vậy là chức giám dốc Nha Vô tuyến truyền thanh được  cụ Diệm trao cho anh  ngay  tắp lự sau đó  . Nhớ lại, khi thủ tướng Diệm  nhâm chức    ngày 7/ 7/ 1954 -  do  tổng trưởng Thông tin tuyên truyền Phạm Xuân Thái  đề bạt - người đầu tiên được bổ nhiệm giám đốc Đài phát thanh quốc gia  là  Đoàn Văn Cừu . ( có đưa xu  nịnh   rêu rao " CẦU  viết sai nên   thành  CỪU! ". )  Thưa anh Ninh, có đúng vậy không?  anh còn nhớ chứ, cụ Diệm thích khóm trúc, dấu tròn Phủ tổng  thống cũng có cây trúc  dấu tròn   đóng trên công văn !   Anh Ninh ạ, nói đùa nghe chơi thôi, anh bỏ qua cho -  chứ anh  vào Không quân , nếu đúng dịp tôi được đồng hóa, có khi  chỉ được Tổng tham mưu ký quyết định mang lon hạ sĩ 1 như  nhà báo Trần Quang  Tinh  (  thi sĩ Thanh Chương, đồng  tác giả thi tập " Cỏ cháy"  cùng Hồ Phong thôi !.(  nghe rồi,  hơi bị choáng nét mặt  chàng  chủ nhiệm biến sắc, bèn  lấy tay sửa gọng kính, lấy khăn lau tròng ).
 -Xin lỗi anh,  cho tôi nói nốt-   là nhờ  ơn Trên một phần, phần thực tế còn lại phải cảm  ơn  bộ trưởng quốc phòng Lê Ngọc Chấn- anh  mới  trở thành  Capitaine  de Réserve assimilé đấy ! Nhưng tôi thừa nhận- anh là đại úy khác nhiều đại úy -  được người đời quan niệm : nhân   bất học bất chi lý / bé không học lớn làm  đại úy!.
.Đến nước này, kể cả trung tá Không quân Phùng ngọc Ẩn hay  trung tá họa sĩ Ta Tỵ chẳng biết  ăn nói sao nữa ? Còn tôi, vẫn chưa chịu buông tha, lại bồi thêm một chuyện vui khác- đúng ra tôi là một " tên thiếu đại lượng, hỗn sược, mà gọi là phường" ba que sỏ lá" cũng không sai !"
- Này anh Ninh ạ,  khi các báo đăng anh   hiện diện ở  Đại hội Nhạc Trẻ trong Sở Thú- anh   đóng vai 'cái bàn tọa di động của bà Trung tướng Trẩn Văn Trung đầm lai  làm  chủ tọa ngồi cho sướng đít  mà thôi.   Tôi nghe chuyện này, bèn cực lực cải chính - 100 phần ngàn tôi không tin- anh biết sao không? bởi anh là nho sĩ - không bạn  ,cũng là chắt Khổng Phu Tử nước Lỗ  - ai mà muối mặt   làm  vậy được ! Có đúng vậy không anh ?
Tôi nói xong, Tạ Tỵ bèn phán với giọng trọng tài:
- Ấy  Thế Phong mới viết thủ bút cho tôi- trong đó cậu ấy viết như thế này" Anh Tạ Ty ơi, anh vẫn thường trách tôi là tên tiều phu độc ác, thích đốn cây trong khu vườn văn chương"**. Ai mà cậu ấy chẳng phang, hôm nọ cục trưởng Cao Tiêu bảo tôi , muốn gặp cậu  Thế Phong  , mời cậu ấy vào chơi với ông -  tôi đưa vào gặp,  cậu ấy phang ông ấy  tối tăm mày mặt.
 Cái xử thế khôn ngona, khéo léo  đàn anh Tạ Tỵ là như thế ! Quả là  bữa ấy tôi đến thăm anh ở Cục Tâm lý chiến, anh mời tôi uống bia-  người được gọi mang thức uống tới  là  nhà văn - thiếu tá  bộ binh  Nguyễn Ái Lữ (  Nguyễn Duy Nhâm-tên thật  nhà văn Nguyễn Ái Lữ - có họ hàng  bên vợ   với anh Ninh ). Khi ấy,  trung tá Tạ Tỵ là  trưởng phòng Kỹ thuật  Cục, chức vụ tương đương tham mưu trưởng -  quyền uy đầy mình.   Anh Tỵ rất" hách "   với thuộc cấp -  tôi nhìn thấy thiếu tá Ái Lữ đứng ở vị thế nghiêm- trong lúc tôi  ngồi uống bia  . Tôi bèn với một chiếc ghế khác trước bàn Tạ Tỵ rồi lên tiếng mới anh cùng uống .  Anh  Lữ   đơợc sếp đồng ý, ngồi uống,hỏi chuyện  văn chương, báo chí Không quân .
Tạ Tỵ giục tôi cạn ly bia - sau rủ tôi lên thăm cục trưởng Cục tâm lý chiến  Hoàng  Ngọc Tiêu. Sếp lớn này được  thuộc cấp tôn   thi sĩ lớn Cao Tiêu  tôi thêm :  Cục này  tám lạng / Kia thì nửa cân! 
Tôi nói với anh Tạ Tỵ:
-Ông ơi, tôi chưa quen ông ta , đúng ra chỉ biết danh thôi- nên có điều không hào hứng gì khi gặp gỡ.  
Anh Tỵ nằng nặc buộc tôi cùng anh đến thăm ông ta bằng được .   Nể , nên theo sau  anh cùng đi. 
Buổi ấy, tôi mặc dân sự -  chiếc áo sơ mi vàng có sọc rất huê dạng, lả lướt, tăng sự làm đỏm thêm nhiều !  Anh Tỵ đi về phía văn phòng cục trưởng, tôi lẽo đẽo theo .   Khi qua phòng Ấn họa, khu vực thiếu tá Hà Huyền Chi cai quản - thằng này nhìn thấy, gọi giật lại - nó muốn tôi ghé lại chuyện trò  dăm ba câu. gì đó ?
 -Mày lên thăm ông Tiêu hả ?
Tôi gật đầu, thế là anh ta nói ngay :
-Tao biết mà, ông Tỵ giắt mày lên có lý do đấy- tao bảo cho mà biết, ổng  mới được cục trưởng cấp một phiếu xuất kho- tới hàng trăm ram blanc fin, chính tao ký giấy xuất kho mà !  
Anh Tỵ thấy tôi  lùi lại nói chuyện to nhỏ với Hà Huyền  Chi, rất nghi ngờ không biết nói chuyện gì có liên quan tới  anh không ?!"  
Anh Tỵ bước vào phòng  đại tá-thi sĩ trước - qua  viên trung úy chánh văn phòng ngồi bàn ngoài - anh này theo đúng thủ tục hỏi lý do- anh Tỵ trả lời ông này ( chỉ vào tôi)  là khách mời của  đại tá.   Bước vào phòng làm việc - cũng là  phòng khách -  rất choáng ngợp tiện nghi, sang trọng, tuy  cách bầy biện hơi" rustique" một chút.   
Thủ tục giới thiệu xong, ông mời chúng tôi ngồi - rót trà qua ly nhỏ, từ chiếc ấm tích- kiểu mời trà thời cổ Trung hoa -  gần hơn như Nguyễn Tuân tả cách uống trà trong Chiếc ấm đất.  Tôi   vốn sẵn thói quen gần như  chủ ý - không thân mật   người mới quen.  Theo đúng cách xưng hô trong quân ngũ- ông đeo lon đại tá - tôi xưng hô theo cấp bậc. Ông còn làm thơ ử ?  tôi bèn thêm hai  chữ thi sĩ ghép lại đại tá-thi sĩ.   Ông đi lính trước  làm thơ  tài tử - xưng hô   đại tá-thi sĩ-  đã là  lạm dụng  ngữ nghĩa- tuy nhiên gọi " đại tá-làm thơ"  nghe  chừng bủn  xỉn không  xuôi tai.   Tôi không quên câu  đầu tiên ,  hỏi -ông nhìn tôi mặc dân sự - áo sơ mi màu vàng sọc rất huê dạng -  sao hôm nay tôi không mặc quân phục- bây giờ là ngày làm việc.    Đúng  kiểu quan to súng dài, ra cái điều với  linh tráng  cấp bậc nhỏ.   Bật nhớ  đây lần thứ 2 gặp ông  này- lần trước còn   mang lon  trung tá, trong một buổi đưa tang Tam Ích tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.  Cũng là  Tạ Tỵ giới thiệu tôi - ông ta đứng  ưỡn người như khúc gỗ  giơ tay xiết chặt trong tư thế biết mình lon lá cao hơn người được bắt tay,  chàng này như là lính Không quân ?.  Tôi nói thẳng với ông :
- ... tôi rất bất mãn vì chính cục trưởng trung tá dự thi văn chương  giải Tổng thống - không được giải -  còn thượng sĩ Phụng tòng sự tại Cục lại  trúng Giải khuyến khích ? ( Phụng :  cùng mẹ khác cha với   Xuân Diệu) . Trung tá có thường đọc văn chương nước ngoài không nhỉ?  có  một văn sĩ Ba Lan- tác giả  tập truyện Con Voi giễu đại khái thế này :  trong quân đội,  một trung tướng viết văn, tất nhiên văn hay hơn  thiếu tướng - tạm gọi "tuần  tự cách xếp giá trị  lon lá +văn chương theo hệ thống quân giai : lon cao văn hay hơn lon thấp"! Nhưng ở đây,  chàng thượng sĩ  phải gió  này - không biết có thích được công kênh " thiếu tá láng"  không  - " kịch cọt"   tay Ngô xuân Phụng này được giải- còn trung tá  Cục trưởng thì  không " ăn giải" gì. Như thế là bất công, là   phá hoại"hệ thống quân giai trong quân lực  rồi !
Chẳng hiểu sao gặp cục trưởng ngay lần đầu, trí nhớ tôi  bén nhậy lạ-  biết ông từng làm chánh văn phòng đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng-  chính  đại  tướng ký lệnh phạt trung úy Lê Tất Điều  mấy chục củ  vì  tội   viết báo móc họng : " tướng Cao Văn Viên là tướng" hai hòn...." "  Hẳn tay  chánh văn phòng này có tham gia , báo công  vụ phạt- đúng vậy  rồi -  tôi không mấy cảm tình  là có lý do  đấy! .
Cũng có thể, ông CAO TIÊU này nhớ buổi nào đưa đám tang . tôi đã nói   đùa làm ông phật lòng, vậy thì   có đi phải có lại thôi !  Tôi   nói  -  trong quân ngũ thì số quân rất quan  trọng,  nó phân biệt rành mạch từng quân, binh chủng.   Thí dụ: Lục quân mang số 1 đầu, Không quân số 6 , Hải quân số 7... hiện nay tôi mang số quân  56 / 600 595- 2 số đầu cho biết năm sinh , 6 đầu biết quân chủng KQ- nếu đại tá không mang số đầu, tất mang số 1  bộ binh  rồi,  phải không ? Dĩ nhiên chối cãi bằng thừa, tôi lính KQ khác đại tá  bộ binh- hẳn là  điều  khó cãi .  Đại tá  "ắc ê" từ thời Tây  còn trên đất nước này- cái tên bataillon vietnamien - bản in  trong sách tôi  cho tĩnh từ  giống cái- bị đàn em Sếp đái công-  chê dốt tiếng phú lãng sa  , thích" bợ váy đầm- chữ nào cũng cho là  giống cái  cả , sao  như vậy được?! - thiếu tá Đặng Trần Huân viết  vậy  đấy .  Cái tên bataillon viênamien    có khởi điểm từ   hình ảnh  một partisan đến chiến binh quân lực - kể cả  văn thơ nữa, có phải  vậy không đại  tá  thi sĩ ?
 Anh Tạ Tỵ lấy chân khều chân tôi báo hiệu câu chuyện có vẻ nặng nề - tôi lắc đầu cho biết  chưa đâu ? 
-Vậy thưa đại tá, Không quân khác Bộ binh- làm việc trên trời  lại lượm kết quả ở    dưới đất.  Tôi cũng vậy, làm việc như đi chơi, đi chơi như làm việc.   mặc dầu  hạ sĩ quan không được phép mặc thường phục đi  làm, cấm quân, cấm trại phải mặc treilli, kể cả lúc lên giường làm công tác dung tục gây nòi giống.   May cho tôi, nhà báo   Không quân được cấp Công vụ lệnh do Tư lệnh quân chủng ký- được phép mặc thường phục, xuất trại kể cả cấm trại, mang  máy chụp hình, vào khu vực cấm,phỏng vấn các quan chức-  vậy đại tá còn điều gì phiền không ?  
Ông đại tá lắc đầu,  -lần này đưa ra một chiêu thượng thừa   bậc trưởng thượng -   khoe  rất thân  Tư lệnh KQ. Nói thao thao bất tuyệt, kể chuyện thân tình với Tư Lệnh Trần văn Minh ra sao- nhất là lời dặn " tối nay tổ chức buổi ra mắt tập thơ-nhạc giao duyên, in màu rất đẹp, có chú thích Anh Pháp, lại  được tổ chức tại nhà hàng  chả cá Như Ý.Thế nào cũng mong đuợc sự có mặt Tư lệnh KQ đấy nhé ! "  Đại tá Lục quân nhấn mạnh- đây là tác phẩm để đời  , thơ được dịch sang Anh, Pháp -  các  nhạc sĩ tài danh phổ , kể cả lời  cũng dịch sang  Anh, Pháp luôn. Người trông coi mo-rát là nhà văn Nguyễn Đình Toàn . Cũng   đã gửi thiệp    mời Tư lệnh KQ- chiều nay anh  v,ề nhớ lên  báo cáo  Tướng  Minh  không thể vắng mặt .     Còn  thiệp mời  không nhỉ ?  -đại  tá quay sang trách Tạ Tỵ in thiệp  quá ít - " tôi không có thiếp mời  ông bạn này !" -đại tá nói vậy - rồi  tiếp lời, thôi  anh em trong nhà  mời mệng vậy  - hỏi   biết quán  chả cá NhưÝ không nhỉ  ?
Từ lúc nãy chỉ một mình ông nói, ông nghe -  tôi lắng tai nghe nữa-  bây giờ phải xin lỗi ngắt lời :
 - ...xin lỗi , đại tá nói nhiều quá, mà tôi cứ tưởng đại  tá  đã là  đại tá Không quân. giọng nói thượng cấp hiểu thị như chúng tôi được nghe  vào thứ hai ở sân cờ  Bộ Tư lệnh KQ.  Ý  đại tá muốn phô bày buổi tham dự ra mắt tập thơ nhạc giao duyên- có sự đóng góp  ca khúc phổ thơ  của nhạc sĩ  tài danh, họa phẩm họa sĩ tài thượng thừa- như họa phẩm anh  Tạ Tỵ đây.  Nói chung có sự đóng góp  các văn nghệ sĩ Cục, đại úy, thiếu tá, trung tá có đủ m ặt  -  từ  thi sĩ đại úy nổi tiếng Du Tử Lê chăm sóc kỹ thuật, .morasse Nguyễn Đình Toàn phụ trách- như đại tá cho biết-  còn sự đóng góp  tận tình của các vị  : trung tá Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn, Hà Huyền Chi,  Văn Quang, Phạm Xuân Ninh, Phan Lạc Phúc vv và vv... lại được ra mắt tại quán chả cá nổi tiếng Như Ý ở  mạnTân Định.
  Anh Tỵ chỉ cười mím chi, không tham gia- hẳn như vậy rồi- họa sĩ đưa tôi lại thăm ông đại tá  lần đầu thì rất không nên làm ông phật lòng.
Tôi chậm rãi châm điếu thuốc lá, nhấp hụm trà. để tách  nghiêng rất êm vào đĩa, thưa lại giọng lễ phép , ôn tồn , hòa nhã hiếm thấy !
-Đại tá thì nổi tiếng rồi,  Lục quân ai cũng biêt, nhưng KQ hẳn chỉ có một  số người thôi -  nhưTư  lệnh KQ chẳng hạn.    Hẳn đại tá rất thân với Tư lệnh KQ- vậy đại tá có nhớ cái nhà trắng nhỏ, đầu não Bộ Tư lệnh KQ - nơi tướng Minh làm việc, ăn ngủ.   Cho  nên, Tư lệnh KQ cho thiết kế một phòng nhỏ - đúng nghĩa cabinet d'aisance - nơi làm cho con người được  xà uế thì  bụng dạ sẽ dễ chịu hơn - nhất là vị nào bí tiểu gặp được phòng dễ chịu, hẳn chẳng có ai   lại  không thích ?!  Tướng KQ mắc bệnh trĩ  luôn luôn ngồi lâu trong toilet-  vì thế, ông cho trang bị phương tiện tối tân phục vụ cho sự dễ chịu càng hơn lên.   Nào  xà bông quái quỉ gì của Mỹ - tôi nhớ ra rồi Safeguard -  rửa tay một lần thơm  dài lâu,  thuốc lá Pall Mall  trắng king size  bao trắng hàng tút, nào sách vở tây, anh mỹ ngữ ưa thích không thiếu.  Trong số sách vở, sách được kính tặng nhiều hơn mua - tôi chỉ là thuộc cấp nhỏ  nhất, chưa thể liệt hàng tri kỷ- sách tôi tặng tướng chưa  thèm  bày ở rayon- sách tặng  chiến hữu văn nhân thân quí- tôi thóang thấy tác phẩm thơ phú gì của đại tá - tập thơ   có ít bài viết khi  hứng cảnh sinh tình , sáng tác tắp lự trong khách sạn Evergreen  ở  Đài Bắc  .   Thưa có đúng như vậy không ạ ?

 Anh Tạ Tỵ lại dùng chân khều chân tôi- lần này đá một cái cho tỉnh trí trước -  báo hiệu nên xì-tốp ngay.    Tôi lên tiếng xin lỗi anh Tỵ- tiếp tục nói liên miên thưa  chuyện cùng đại tá- thi sĩ  mà không sợ phải kiểm duyệt.   Đem chuyện trong quân ngũ ra kể - từ anh binh nhì đến đại tướng đi nữa- đại khái có trên  30 nấc - tôi chỉ  đứng ở nấc thứ 6, đếm từ dưới lên- dễ gì xin gặp Sao  cao nhất Bầu trời K.Q? Tôi xin lỗi đại tá không thể chuyển lời đại tá  tới Tư lệnh KQ được-  đại tá cứ  gọi thẳng  đại tá Đỗ Văn Ry, chánh văn phòng là tiện nhất. lại đúng hệ thông quân giai nữa.   Ông đại  tá Ry  này cũng hách xì xằng với lính tráng- nhưng lính tráng nào có chút máu văn nghệ, văn gừng , ông ta thông cảm dễ  lại  xử sự bình d ân nữa.   Thưa đại tá Cục trưởng - đại tá Ry KQ chúng tôi là con trai nhà xuất bản Mai Lĩnh  ở Hà Nội xưa kia đấy !.  
Tiếp đến việc đại tá ưu ái mời tôi bằng chính lời mời từ miệng  nhà quan, nói có gang có thép- tôi sẽ được tham dự buổi ra mắt sách không cần thiệp  - điều này chẳng hại gì ?  Như vậy là tôi sẽ được tham dự buổi ra mắt thơ nhạc giao duyên- nhạc của nhạc sĩ tài danh, họa  phẩm họa sĩ nổi tiếng thương thừa- như tranh anhTạ Tỵ đây chẳng hạn- rồi các  trung tá, thiếu tá, đại úy, thiếu úy, trung sĩ văn nghệ chăm sóc kỹ thuật- nổi tiếng kha khá đại úy Du Tử Lê, morassechuyên viên hót lời giới thiệu nhạc tiền chiến, kiêm văn sĩ Nguyễn Đình Toàn, Hà Huyền Chi, Phạm Huấn,  Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Xuân Ninh, Phan  Lạc Phúc vv...
 Cũng xin thưa với đại tá, - tiệm Như Ý là một trong 2 tiệm người Bắc cũ ở đất Saigon này mà tôi được biết khi vào Saigon-  không phả nhờ  tàu há mồm  hải quân Mỹ- mà do tiền túi, đâu trên 1000 đồng bạc Đông dương mua vé tàu thủy Ville  de Saigon - hai đêm ba ngày-đến Saigon đúng trưa ngày thứ bầy ngày 4 tháng 5 năm 1954.  Sở dĩ phải thưa  chuyện cùng đại tá   lai lịch tiệm chả cá Như Ý- lẽ tiệm này là 1 trong  2 tiệm tôi tới ăn , tìm hương vị bếp nước Hà Nội đấy. Tiệm ăn cơm tám giò chả Ngọc Sơn trên đường Gia Long, tiệm Như Ý trên đường Barbier lịch sử  ( đường  Lý Trần Quán )  miền  chợ Tân Định.    Tôi rất khó quên kỷ một buổi  tới ăn chả cá tại quán Như Ý!   Cá   có mùi  tanh mấy đi nữ, rồi  sẽ được khử ngay trong chảo mỡ sôi sùng sục, rau  thì là giội trên nữa thì mùi tanh cá trở thành ngon miệng. Bâygiờ đại tá- thi sĩ ra mắt tập thơ nhạc  họa, phụ đề tiếng phú lãng sa, tiếng anh- mỹ ngữ - chắc phải mất  hàng chục ký thì là, hàng chục lít mỡ sôi-  liệu mùi tanh cá có bị nhạt nhòa ?   Thực khách ra về cầm theo quà tặng tập thơ kia - tất nhiên hương vị chả cá quyện vào, khó mà nhạt nhòa được hết mùi?   
Tôi  vô cùng đội ơn, và cảm kích lời mời -  nhưng  mạnh dạn từ  chối  không tham dự buổi ra mắt sách tại quán chả cá Như Ý. 
Không hiểu cảm tưởng đại tá nghĩ thế nào, nhưng anh Tạ Tỵ nhìn đồng hồ tay , báo hiệu cuộc  chuyện trò bù khú văn chương, nghĩa lý nên chấm dứt ở đây.   Và tôi nói với anh Tỵ- chính tôi cũng đang chờ đợi đấy !
 Anh Tạ Tỵ còn nhớ trước khi đến văn phòng thăm Cục trưởng - tôi gặp trưởng phòng Ấn họa -  câu chuyện gì đó đáng nghi ngờ lắm , liệu tôi có thể nói cho anh biết không ?  Đáp lời :
-..., anh Tỵ ơi chuyện tầm phào ấy mà !
Anh vẫn hỏi  tới hỏi lui  , tôi đành trả lời theo  kiểu   quốc âm ba lối :
- Kỳ này sáchMười khuôn mặt văn nghệ hôm nay bản thường chắc cũng in giấytốt, phải không anh?   Chắc chắn anh sẽ cho tôi 1 bản  trắng tốt, phải vậy không  anh Tỵ ?
-Tất nhiên rồi, sao cậu lại hỏi vậy?  Buổi nay tôi rất không hai lòng  vì đã đưa cậu thăm Cục trưởng.
- Đúng 100%, với quân đội thì ông ta là nhà - thơ- đại- tá -  với nhà văn thơ, thì-đại -tá -thi -sĩ.  Anh Tỵ ơi , câu nói kia  nhại theo lời bông phèng triết lý của   lý thuyết gia đảng Cộng sản Pháp  Henri
Lefèbvre : " đối với văn thi sĩ , thì Jean-Paul Sartre là  chính -trị -gia-văn sĩ-  còn với chính- trị -gia thì Sartre  văn- sĩ chính trị gia . Có thế  thôi anh Tạ Tỵ ạ !
Phùng ngọc Ẩn đưa bài báo cho Tiền  Tuyến xong ra xe díp cầm lái - tôi ngồi bên phải .  Trung tá phi công nói thẳng, anh ta không  hài lòng, khi nghe câu chuyện vừa trao đổi với chủ nhiệm Tiền Tuyến Phạm Xuân Ninh. Ẩn  chửi thẳng :
- Thế Phong ơi, mày là thằng  mặt trơ trán bóng, mất dạy hết ai dạy nổi  rồi !
 Còn anh Ninh bảo :
-..." cậu có giọng ba que xỏ lá khá  mất dạy  đấy !
- Thì tôi có chối đâu, tôi chỉ thưa lại - chính nhờ câu nói có  ba, bốn  chữ ba- que- xỏ -lá, mà anh không ngờ trên quốc kỳ cũng có ba -soọc đỏ đấy ! hỡi  ông  Hoàng Sỹ Trinh - đã từng  giám đốc  Nha vô tuyến truyền thanh Saigon.-   nay  trung tá  ( thâm niên  đâu đó,  tới 5, 6 năm ) Phạm Xuân Ninh, đương kim  chủ nhiệm nhật báo quân đội  Tiền Tuyến  / Việt Nam Cộng Hòa - mang danh tiền tuyến  - thì  tòa soạn an toàn  vẫn  phải  đặt ở 2 bis Hồng thập Tự thôi - hỡi quý đọc giả  thân mến   ạ ! []
 THẾ PHONG
---------------------
* Phan Lạc Phúc, trung tá chủ bút nhật báo Tiền Tuyến- tức KÝ GIẢ  LÔ RĂNG.
** thủ bút và  chữ ký in trong" Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay / Tạ Tỵ /  Nxb Lá Bối Saigon 1972.
--------------------------
( trích" Hồi ký ngoài văn chương"- từ tr.63-72)
--------------------------------------------------------------------------------------------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ