nhà văn linh bảo

  •                 người dịchÐoàn Thanh Liêm

                         trích từ 

“Các nhà văn nữ tại miền Nam Việt Nam                                       (1954-1975)”

                            Nguyên tác Anh ngữ:

       “Women Writers of South Vietnam (1954-1975)

 

          Tác giả: Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang


…  Một tên tuổi [khác] hay được nhắc chung với Nguyễn Thị Vinh, đó là Linh Bảo. Hai người xuất hiện trên diễn đàn văn học gần như cùng một lúc, và cả hai cũng đều được Nhất Linh giới thiệu. Tên thật là Võ Thị Diệu Viên, sinh năm 1926 tại tỉnh Thừa Thiên, Linh Bảo đi học ở lục địa Trung Hoa năm 1947 và chuyển qua Hongkong vào năm 1950, sau khi cộng sản chiếm được lục địa.

Tại Hongkong, bà gặp Nguyễn Thị Vinh và đưa ra cuốn nhật ký viết khi còn là sinh viên trong các năm xáo trộn ở Trung Hoa cho bà Vinh coi. Nguyễn Thị Vinh bèn đem cho Nhất Linh đọc cuốn hồi ký này. Nhất Linh gợi ý cho Linh Bảo viết lại cuốn hồi ký này, bằng cách sử dụng ngôi thứ ba thay vì ngôi thứ nhất trong khi kể chuyện, vì lý do độc giả người Việt không quen, mà cũng ít thiện cảm với loại “tiểu thuyết do tác giả xưng danh chính bản thân mình”. Linh Bảo đã sửa lại theo gợi ý của Nhất Linh, và cuốn tiểu thuyết Gió Bấc được nhà xuất bản Phượng Giang của Nhất Linh cho phát hành vào cuối năm 1953. (21)  Linh Bảo trở về Việt Nam năm 1957 và ở lại đến năm 1959, trong thời gian này và sau đó lúc ở ngoại quốc, bà tiếp tục cộng tác thường xuyên với tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh và cả các tờ báo khác như Mới, Người Việt Tự Do, Tân Phong, Vui Sống, và Bách Khoa. Tác phẩm đã xuất bản của bà gồm: Gió Bấc (tiểu thuyết, 1953), Tàu Ngựa Cũ (truyện ngắn, 1961); và Những Đêm Mưa (tiểu thuyết, 1961). Hai tác phẩm nổi tiếng nhất là Tàu Ngựa Cũ và Những Đêm Mưa. (22)

Nhà văn Linh Bảo --   hình chụp năm 2004

Tàu Ngựa Cũ gồm chín truyện ngắn đã từng đăng ở Văn Hóa Ngày Nay và Tân Phong từ năm 1958 đến đầu năm 1960. Tập truyện này đã đem lại cho Linh Bảo Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961. Hai chuyện ngắn trong đó là Áo Mới và Người Quân Tử đã được dịch ra Anh ngữ và đem dự thi tại cuộc Thi Truyện Ngắn do P.E.N. Club Quốc tế tại Luân Đôn bảo trợ năm 1962. Tác phẩm của Linh Bảo là một trong 26 tác phẩm được lọt vào vòng chung kết tuyển lựa. Truyện “Áo Mới” kể sự tích nhiều tà áo dài, mà vì lý do này hay lý do bất ngờ khác, cô gái nhỏ đã không có cơ hội được khoác những áo đó, rồi tác giả còn kể thêm nỗi chán chường của cô gái khi bà mẹ đã không còn sống để mà vui thích với những chiếc áo mới mà nhờ đi làm cô đã có thể mua sắm thêm được. Truyện “Người Quân Tử” mô tả những hoàn cảnh đáng thương của một cô gái trẻ, ngây thơ bị dẫn dụ vào việc đóng nhiều vai trò của người thư ký không được trả lương, người tình, người vợ, người tớ gái, do sự sắp đặt của một người đàn ông đóng vai làm người che chở bảo bọc và cung cấp nơi ăn chỗ ở cho cô bé. Truyện “Tàu Ngựa Cũ” (là nhan đề của tập truyện) mô tả cuộc gặp gỡ tình cờ và cảm động trên một con tàu của hai người yêu cũ đã lâu không gặp nhau, rồi đến sự xuất hiện của người vợ, khiến làm cho người đàn ông trở về với thực tế, mà ông ta coi mình như con ngựa quay trở về lại đúng với căn chuồng quen thuộc của mình. Truyện “Biên Giới” trình bày những rào cản giả tạo do một người đàn ông Việt Nam tưởng tượng ra ngăn cách giữa ông ta với cô con gái Ấn Ðộ mà ông ta gặp trên con tàu và ông để ý đến cô gái. Truyện “Quà Tết” mô tả món quà Tết từ một người chị có lòng nhưng lại không có tiền, món quà gồm bốn hộp gỗ đựng trái cây đã bị người ta liệng bỏ đi, mà người chị phải vất vả nặng nhọc khuân vác về nhà cốt ý để dùng làm củi đốt làm sưởi ấm cho cô em gái đang bị đau bệnh. Truyện “Một Chuyến Lên Bờ” tập trung vào chuyến đi ngắn lên bờ của một chàng trai Việt Nam với cô gái Nhật Bản, mà vì chàng trai thiếu tháo vát, nên đã khiến cho cô gái mất hết đi sự quyến luyến lúc ban đầu đối với chàng. Trong truyện “Một Truyện Ngắn Hay Nhất”, tác giả cho người đọc coi lối suy nghĩ và tưởng tượng của một phụ nữ dự tính viết về mối tình lãng mạng tay ba bao gồm những tình cảm cao thượng của các nhân vật liên hệ, nhưng bà ta lại thấy cái tình tiết diễn ra lại vượt khỏi tầm tay của mình khi các nhân vật tưởng tượng ra lại biến thành cái chuyện tình tay ba cụ thể ngay tại nhà hàng xóm bên cạnh nhà mình. Truyện “Đông Sương Ký” mô tả lối sống của bốn phụ nữ độc thân đã quá lứa, mỗi người phải đối diện với nỗi cô đơn của mình vào ngày cuối năm. Và sau cùng, trong truyện “Ngày Giỗ Mẹ”, ta thấy một người đàn ông người Đức sinh sống ở Paris thay đổi thái độ trái ngược với mẹ, khi anh ta chứng kiến nỗi đau buồn và tình yêu thương của ba anh chị em người Việt đối với bà mẹ của họ nhân ngày giỗ mẹ.

Truyện Những Đêm Mưa có thể coi như hoàn tất cái vòng tròn mà cuốn Gió Bấc đã mở ra tám năm trước. Gió Bấc là truyện về một người phụ nữ trẻ lớn lên ở Huế và mơ ước được đi du học ở hải ngoại, và rồi nàng được toại nguyện khi được đi qua Hongkong và [Thượng Hải] Nam Kinh. Nàng cố gắng làm lụng cật lực tại Hoa lục để có thể tự lập, cho đến khi gặp được một nam nhi muốn chia sẻ cuộc sống với mình. Truyện Những Đêm Mưa tiếp nối câu chuyện bỏ dở của “Gió Bấc”, với hai bạn trẻ cưới nhau. Cuộc sống lứa đôi chẳng bao lâu đã trở thành quá ít thơ mộng, chẳng an lành như người con gái từng hy vọng; nhiều mâu thuẫn trái nghịch xảy ra đem tới sự bế tắc. Người đàn bà đành phải thu xếp hành trang và đem đứa con gái trở về xứ Huế để thăm viếng cha mẹ trong thời gian không hạn định. Đã vỡ mộng với cuộc hôn nhân của mình khi về lại quê nhà, chị ta lại còn phải chứng kiến nỗi đau đớn thầm lặng của mẹ mình bởi lý do người cha quá mê say, chỉ một mực chăm lo cho người vợ lẽ. Sau khi người cha chết, bà mẹ trao cả căn nhà cho bà vợ lẽ và tìm chốn nương tựa tại một ngôi chùa. Rốt cuộc, người phụ nữ đã đi đến quyết định là chỉ còn biết trông cậy vào chính bản thân mình, chứ không phải nương tựa vào một ai khác, và nàng đi kiếm một việc làm và không còn dự tính trở lại với người chồng ở bên Hongkong nữa.

Hầu hết các tác phẩm của Linh Bảo đều được viết ra từ hải ngoại, và cốt chuyện thường xảy ra ở bên ngoài Việt Nam, mặc dầu hầu hết các nhân vật trong truyện đều là người Việt. Họ có nguồn gốc khác nhau và tình cảm, xúc động trong tâm tư họ không phải lúc nào cũng cao thượng, hạnh phúc. Thực ra, ta gặp đủ loại nhân vật, nhiều người cô đơn, mà Linh Bảo cũng chẳng ngần ngại mô tả cái mặt đen tối của họ với một sự thẳng thắn đến mức tàn bạo. Khác với Nguyễn Thị Vinh và các nhà văn nữ khác lớp trước hay cùng thời với mình vốn thường chú tâm để giữ một khoảng cách giữa nhà văn với các nhân vật của mình, Linh Bảo có thể coi như là một nhà văn nữ chủ quan đầu tiên. Điều này có thể được phán đoán qua sự thể là cuốn tiểu thuyết đầu tay của bà bắt nguồn từ cuốn nhật ký của bà, đó là cuốn tự truyện được che giấu đi bằng cách sử dụng ngôi thứ ba. Cũng vậy, cuốn tiểu thuyết thứ nhì bao gồm kinh nghiệm của bà về nạn lụt ở Huế vào thời gian bà từ hải ngoại trở về thăm quê nhà. Nhân vật nữ trong các tác phẩm của Linh Bảo thường cũng biểu lộ một khía cạnh trong nhân cách của tác giả. Tuy nhiên, đó chỉ là một mặt của vấn đề, cái phần liên hệ tới chủ đề.  Ngay trong nghệ thuật viết, tính chủ quan của bà cũng được biểu lộ một cách độc đáo. Thường xuyên trong các tác phẩm của mình, Linh Bảo xác định cá tính của mình qua sự phê phán với giọng văn khôi hài chua cay về những tình huống liên hệ đến phụ nữ. Cái thái độ hoài nghi yếm thế đó khác hẳn với giọng điệu của các nhà văn nữ cùng thời với bà. Trong ý hướng đó, nếu tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Thị Vinh củng cố niềm tin rằng sự bao dung và hy sinh tận tụy hết mình của nữ giới sẽ giúp phục hồi lại  cuộc sống bình thường, thì tác phẩm của Linh Bảo đưa ra sự cần thiết phải đánh giá lại tính cách vững bền lâu đời của cái lối chịu đựng như vậy, có tác dụng kéo dài sự thất bại của nữ giới để mong đạt được hạnh phúc chân thực. Đọc xong chuyện của bà, độc giả có cảm giác bất an, lại hơi buồn rầu ngồ ngộ với cách tác giả đặt sát cạnh nhau những yếu tố đối chọi nhau. Cái nội dung nghịch lý ăn khớp với lối viết khôn khéo, nghịch ngợm, đặc biệt trong các đoạn đối thoại. Bà sử dụng loại ngôn ngữ thường do phụ nữ khôn ngoan, tinh tế phát biểu. Những câu văn của bà trôi chảy như lối nói thường ngày, khác hẳn với bút pháp trau chuốt của những nhà văn  theo trường phái của tự Lực Văn Đoàn, và rõ ràng biểu lộ ưu điểm của sự chính xác về văn phạm.

nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ