QĐND - Là một gương mặt tiêu biểu của văn xuôi nữ sau Đổi mới, Nguyễn Thị Thu Huệ ngay từ những truyện ngắn đầu tiên đã nhanh chóng xác lập được vị trí của mình trên văn đàn. Không thuộc số những nhà văn viết khỏe, Thu Huệ chỉ viết khi câu chuyện đã đầy ắp trong tim óc cần hiện diện ra thành câu chữ. Vì thế, hơn hai mươi năm cầm bút, số lượng truyện ngắn chị viết không thật nhiều. Chúng được tập hợp trong sáu tập: Cát đợi (1992), Hậu thiên đường (1993), Phù thủy (1995), Nào ta cùng lãng quên (2003), 37 truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ (2010) và gần đây nhất là Thành phố đi vắng (2012). Chị cũng là nữ nhà văn đã tạo dựng được phong cách riêng và đặc biệt có duyên với các giải thưởng: Giải nhất cuộc thi sáng tác về Hà Nội, Giải nhất cuộc thi Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Tặng thưởng Hội nhà văn với tác phẩm Hậu thiên đường.

Bước vào thế giới truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ là bước vào lãnh địa rất riêng tư của phụ nữ. Ở đó, tác giả xây dựng bức tranh đời sống nhiều màu vẻ nhưng mối quan tâm lớn nhất, trở thành tâm điểm hút xoáy những vấn đề khác chính là phụ nữ, những vấn đề xoay quanh số phận người phụ nữ. Rất hiếm khi nam giới trở thành nhân vật chính trong truyện ngắn của chị (Những đêm thắp sáng, Nước mắt đàn ông, Minu xinh đẹp là những ngoại lệ hiếm). Quan tâm đến phụ nữ, Thu Huệ nhận ra: Trong xã hội hiện đại, nỗi ám ảnh phái yếu không phải là tiền tài, danh vọng, không phải là bổn phận và trách nhiệm, càng không phải những giá trị đạo đức mà xã hội mặc nhiên khoác lên vai họ. Nỗi ám ảnh đau đáu, duy nhất chính là tình yêu. Những nhân vật phụ nữ của Thu Huệ dù già hay trẻ, dù đã yên ấm gia đình hay đang đổ vỡ, dù thiếu nữ hay thiếu phụ đều có một điểm chung nhất, đó là những tâm hồn khát yêu, luôn luôn tất tả trên hành trình khám phá, kiếm tìm tình yêu, dâng hiến, hy sinh  cho tình yêu đến kiệt cùng tuổi trẻ và hạnh phúc. Đó là cô bé mười sáu tuổi, chập chững trên đường kiếm tìm hạnh phúc, chập chững nhưng đầy “liều mạng”, mê đắm trong thiên đường với người đàn ông hay văng tục, người có mùi khai của nước đái trẻ con (Hậu thiên đường), đó là cô gái mới lớn “to gan”, bỏ nhà vượt mấy trăm cây số đến với người đàn ông hơn mình mười hai tuổi vừa bỏ vợ (Biển ấm)… Điều thú vị là nhà văn phát hiện ra không chỉ những người phụ nữ tỉnh táo mới đắm đuối vì yêu mà những người dở tỉnh dở mê, dở âm dở dương cũng lạc lối trong vườn yêu muôn nẻo (Cõi mê; Nào, ta cùng lãng quên).

Đi sâu vào thế giới phụ nữ, truyện ngắn Thu Huệ còn là những phát hiện về tổ ấm thời hiện đại. Bằng sự tinh tế, bén nhạy của trái tim phụ nữ đa cảm, chị nhanh chóng nhận thấy những vết rạn trong tế bào xã hội. Không đề cập tới những sóng gió và biến cố nhưng truyện ngắn nào cũng mở ra hình ảnh một tổ ấm không vẹn nguyên. Những gia đình tan vỡ, những ông bố, bà mẹ ngoại tình, những người mẹ đơn thân, những đứa trẻ bơ vơ, cô đơn và cô độc. Mỗi gia đình nhỏ như con thuyền tròng trành trong bão, có thể lật úp, có thể rạn vỡ, có thể tan tác mà rất ít khả năng giữ được nguyên lành. Đó có phải là hệ quả tất yếu của xã hội hiện đại ngày càng đầy lên những giá trị vật chất mà nghèo nàn, thảm hại những giá trị tinh thần. Hay phải chăng, nó phản ánh sự đổ vỡ không cách nào cứu vãn trong tâm hồn những người giữ lửa. Khi người mang trọng trách giữ lửa (người mẹ, người vợ) trong mỗi gia đình nhận ra mình không có lửa, không còn lửa hoặc ngọn lửa mình đang nắm giữ chỉ là ảo ảnh, họ không tiếp tục cam chịu  giữ gìn biên giới của gia đình truyền thống mà lao vào cuộc kiếm tìm hơi ấm cho riêng mình. Tổ ấm biến thành tổ lạnh. Những nếp nhà hiện đại hoang vu trong ồn ã tiếng người. Đáng giận, đáng thương hay đáng trách? Thu Huệ không trả lời. Mỗi truyện ngắn là một vết cứa sắc vào lòng độc giả, đầy gợi mở suy tư về thân phận con người, đặc biệt là phụ nữ.

Viết về phụ nữ hiện đại với những vấn đề đương đại nhưng Nguyễn Thị Thu Huệ sử dụng lối viết khá truyền thống. Phần lớn truyện ngắn của chị có kết cấu chặt chẽ, lô-gích, có thể xáo trộn về thời gian, không gian nhưng vẫn dễ dàng tìm ra trật tự tuyến tính của cốt truyện. Tính cách nhân vật khá nhất quán, số phận nhân vật thường đặt trong mối quan hệ nhân quả, có thể đoán biết trước. Sự hấp dẫn của truyện ngắn Thu Huệ nằm ở lối viết đằm thắm, nồng nàn hơi ấm nữ tính. Mỗi truyện như một lời tâm tình, chia sẻ hướng tới những tri âm. Sôi nổi, nồng nàn, nồng nàn ngay cả trong hoàn cảnh cay đắng và chua chát nhất là giọng điệu chính chi phối sáng tác Nguyễn Thị Thu Huệ. Giọng điệu ấy khiến truyện ngắn của chị dù đề cập đến nhiều đổ vỡ, mất mát nhưng vẫn là sợi dây neo đậu niềm tin vào hạnh phúc và tình yêu.

 Năm 2012, Thu Huệ “trở lại” văn đàn với tập truyện ngắn Thành phố đi vắng. Tác phẩm ghi dấu những đổi thay rõ nét trong đề tài và lối viết của chị. Ở tập truyện mới nhất này, Thu Huệ quan tâm nhiều đến vấn đề đô thị hiện đại. Thay vì kiếm tìm tình yêu, tập truyện là những ưu tư về tình người ngày một cạn kiệt thậm chí biến mất trong đô thành hiện đại. Tình người băng giá, sự vô cảm, nỗi bất an và cái chết trở thành những ám ảnh trong đời sống đương đại. Lối viết khách quan, trung tính, tiết chế cảm xúc tối đa, mỗi truyện ngắn trong tập sách mới như một bản tường thuật đời sống. Ở đó nhà văn chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là tường thuật trung thành, không tham dự, không mách bảo người đọc.

Hơn hai mươi năm cầm bút, Nguyễn Thị Thu Huệ luôn là cây bút nữ không (chưa) mệt mỏi trên hành trình sáng tạo.

Thạc sĩ NGUYÊN HƯƠNG