NINH THẾ GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN
Thi sĩ Đinh Hùng: Cúi mặt u huyền khép áo xuân
Đinh Hùng cũng là một trong số ít các nhà thơ thời kỳ tiền chiến tiếp tục nuôi dưỡng và tuôn chảy dòng thơ lãng mạn sau cột mốc 1945 bằng tập “Đường vào tình sử” (1961). Tài năng nhưng đoản mệnh, thi sĩ họ Đinh đã giã từ cõi thế vào ngày 24 tháng 8 năm 1967, hưởng thọ 47 tuổi. Tính đến nay, đã hơn nửa thế kỷ từ ngày Đinh Hùng qua đời.
Tuổi thơ đặc biệt cùng những bóng hình ám ảnh
Đinh Hùng quê gốc ở làng Phượng Dực, tỉnh Hà Đông (cũ), thân phụ là cụ Hàn Phụng, làm đến chức Hàn lâm thị độc. Trong thời gian phụ trách sứ quán Đông Pháp bên Philippines, ông bà Hàn đã hoài thai Đinh Hùng nhưng rồi lại sinh Đinh Hùng ở Việt Nam tại làng Trung Phụng, ngoại thành (nay thuộc nội thành) Hà Nội vào ngày mùng 3 tháng 7 năm 1920.
Mối lương duyên hải đảo – đất bằng để sinh hạ thi sĩ họ Đinh phải chăng đã tạo ra một tâm cách riêng biệt của ông, như chính những câu thơ ông đã viết trong bài “Thoát duyên trần cấu”: “Nghìn năm chưa thoát cơn mê sảng/ Ta thác sinh vào ngọn hải đăng/ Hỏi bao quần đảo vừa ly tán/ Trần tục là đâu? Hỡi đất bằng!”.
Cố thi sĩ Đinh Hùng. |
Tuổi thơ Đinh Hùng sớm chịu nhiều ám ảnh về cái chết của những người thân, là những giai nhân hồng nhan bạc mệnh, điều này làm nên những chấn thương tâm lí sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ. Đầu tiên là cái chết của chị Tuyết Hồng năm 1931, người chị gái thứ ba của Đinh Hùng. Nói như Vũ Hoàng Chương, Tuyết Hồng “vì giận hờn với tình duyên mà quyết mượn làn nước trong rũ sạch nợ trần thế”.
Cái chết của Tuyết Hồng ở Hồ Hoàn Kiếm đã làm rúng động cả Hà Nội thời ấy, mở đầu cho cả một “mùa tự tử” sau này, như cách gọi của báo “Đàn bà mới”. Ba năm sau (1934), người chị lớn nhất của Đinh Hùng là chị Loan cũng qua đời khi còn rất trẻ. Tiếp đến là cái chết của Liên, cô em họ xa và cũng là người Đinh Hùng yêu tha thiết.
Ngoài cái chết của những người phụ nữ trong những khoảng thời gian rất gần nhau như vừa kể, Đinh Hùng còn phải chịu tang song thân và tiễn biệt người bạn thân nhất của mình là Thạch Lam (1910 - 1942).
Một loạt cái chết dồn dập như vậy khiến cho thơ Đinh Hùng mang những ám ảnh đặc biệt và kỳ dị về cái chết, về một thế giới khác, về các thi ảnh, biểu tượng như “hồn ma, bóng ma, yêu ma, yêu tà, yêu quái, lệ quỷ, xương khô, hài cốt, tử thần, tử khí, u ngục, địa ngục, nấm mồ, đỏ máu, hoang dại, cuồng điên...”.
Một thế giới thi ca mê ảo
Theo thống kê của Đỗ Lai Thúy, tập “Mê hồn ca” (19 bài thơ) có tới 85 chữ hồn, được hiểu theo năm nghĩa: 1. Linh hồn (người): “Em có mấy linh hồn bao nhiêu mộng” (Bài ca man rợ). 2. Hồn cầm thú: “Cảnh diễm lệ ngẩn ngơ hồn cầm thú” (Người gái thiên nhiên). 3. Hồn cây cỏ: “Mùi cỏ lá bỗng thoảng hồn mong nhớ” (Người gái thiên nhiên). 4. Hồn những vật vô tri: “Hồn gỗ đá nặng nề vừa tỉnh giấc” (Mê hồn ca). 5. Hồn những thứ trừu tượng: “Cảm hồn trời bao dãy núi trầm tư” (Trời ảo diệu).
Còn theo thống kê của chúng tôi, tập “Mê hồn ca” cũng xuất hiện tới 14 lần hình ảnh nấm mộ được biểu hiện bởi các từ ngữ: “mộ, mồ, cổ mộ, cửa huyệt”. Có thể trích ra đây vô số câu thơ kỳ ảo của Đinh Hùng: “Ta hát bài kinh thoảng dã hương/ Từng đêm chiêu niệm bắt hồn Nàng/ Lời ra cửa biển tìm sao rụng/ Rỏ xuống mồ em giọt lệ thương” (Màu sương linh giác); “Chúng ta khóc như một bầy thú dữ/ Lòng dã man nghe trái đất tan tành” (Mê hồn ca); “Cửa ngục sông hồ run ánh lửa/ Trăng mê màu huyết, loạn hồng vân/ Hoang sơ, tuổi đá bừng cơn mộng/ Cúi mặt u huyền khép áo xuân” (Hồi sinh – Lạc hồn ca)...
Người đương thời không phải ai cũng cảm và hiểu được thơ Đinh Hùng, nhưng những người đã hòa điệu được với hồn thơ Đinh Hùng thì luôn dành cho ông những đánh giá thật đặc biệt. Bùi Giáng đã phải thốt lên: “Nguồn thơ của Đinh Hùng trong “Mê hồn ca” là nguồn thơ lạ nhất trong thi ca Việt Nam”.
Còn trong Từ điển Văn học (bộ mới), Văn Tâm nhận xét: “Thơ Đinh Hùng hàm súc, lối thao tác "tụ" và "tán" nhanh chóng, những "từ" và "tứ" đột xuất, khiến thơ ông có khả năng gây được cộng cảm, dễ lưu vào tâm trí người đọc”. Sau “Mê hồn ca”, tập “Đường vào tình sử” (1961) gồm 57 bài của Đinh Hùng được chính quyền Sài Gòn trao giải nhất Giải thưởng Văn chương và thi ca năm 1962.
Với tập thơ này, Bùi Giáng cũng có nhận xét, đó là những bài thơ “bát ngát ở lại buồn bã vô song”: “Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú/ Những ngôi sao buồn suốt một chu kỳ/ Những đám tinh vân sắp sửa chia ly/ Và sao rụng biếc đôi tay cầu nguyện/ Ôi cặp mắt sáng trăng xưa hò hẹn/ Có nghìn năm quá khứ tiễn nhau đi/ Anh vịn tay số kiếp dẫn em về/ Nhìn lửa cháy những lâu đài mặt biển” (Đường vào tình sử).
Ít ai biết được rằng, với hầu hết các thi phẩm của mình, thi sĩ họ Đinh có thói quen nằm mà viết: “Anh nằm vắt chân chữ ngũ, đặt tập giấy lên đùi. Có lẽ lâu ngày nên quen, trong tư thế đó, chữ anh viết vẫn bay bướm, rõ ràng, không dập xóa, do đó trông bản thảo nào cũng sạch sẽ, xinh đẹp” (Mặc khách Sài Gòn – Tô Kiều Ngân).
Các tác phẩm của cố thi sĩ Đinh Hùng. |
Mối duyên với âm nhạc của Đinh Hùng
Theo “Mặc khách Sài Gòn” của Tô Kiều Ngân, Đinh Hùng học nhạc từ nhỏ và là một tay chơi vỹ cầm điêu luyện. Ông đã có công lớn trong việc đóng góp phần lời cho hai ca khúc “Chiều tím” (nhạc Đan Thọ) và “Mộng dưới hoa” (nhạc Phạm Đình Chương).
Có thể nói, “Chiều tím” là ca khúc để đời của nhạc sĩ Đan Thọ, nhưng ít ai biết được rằng, đây là ca khúc có phần nhạc xuất hiện trước phần lời chứ không phải một bài hát phổ thơ như nhiều người lầm tưởng. Ra đời năm 1956 và được đón nhận một cách nồng nhiệt, gần nửa thế kỷ trôi qua, bài hát đã được biết bao thế hệ ca sĩ thể hiện, từ các ca sĩ hải ngoại như Lệ Thu, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Ngọc Lan, Ý Lan... đến các ca sĩ trong nước như Mỹ Linh, Hồng Nhung...
Và nếu như không có những ca từ mượt mà say đắm của Đinh Hùng thì không thể làm nên sự trọn vẹn của một giai phẩm như thế: “Chiều tím, chiều nhớ thương ai. Người em tóc dài, sầu trên phím đàn, tình vương không gian, mây bay quan san, có hay? Đàn nhớ từng cánh hoa bay, vầng trăng viễn hoài, màu xanh ước thề dòng sông trôi đi. Lúc chia ly còn nhớ chăng?...”
Còn “Mộng dưới hoa” cũng là một ca khúc nổi tiếng không kém, được Phạm Đình Chương phổ nhạc khoảng năm 1957, dựa vào bài thơ “Tự tình dưới hoa” (sau được in trong tập “Đường vào tình sử”). Thế nhưng thực chất ca từ của “Mộng dưới hoa” chỉ có 8 câu đầu là dựa vào bài thơ “Tự tình dưới hoa”, bắt đầu từ điệp khúc của lời một cho đến hầu hết lời hai đều do Đinh Hùng viết thêm lời, Phạm Đình Chương chỉ đóng góp chút ít. Ca khúc thường được các đôi song ca chọn để thể hiện này có phần nhạc du dương và phần lời có thể nói đạt đến độ tuyệt mỹ: “Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng/ Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng/ Mắt xanh là bóng dừa hoang dại/ Âu yếm nhìn tôi không nói năng/ Ta gặp nhau yêu chẳng hạn kỳ/ Mây ngàn gió núi đọng trên mi/ Áo bay mở khép nghìn tâm sự/ Hò hẹn lâu rồi - Em nói đi/...”.
Tiên cảm về giây phút lâm chung
Đinh Hùng ngoài tài thơ và tài nhạc còn nổi danh về uống rượu. Họa sĩ Tạ Tỵ kể rằng: “Ở tuổi hoa niên, tôi quen nhiều bạn biết uống rượu nhưng chưa thấy ai uống bằng Đinh Hùng và Văn Cao, riêng Đinh Hùng có thể uống hai lít đế không cần đồ nhắm. Vì thế, Hùng mới có khả năng đối ẩm với Tản Đà hàng nửa ngày trời”.
Có lẽ do uống rượu quá nhiều nên khi mới 47 tuổi, thi sĩ đã mắc bệnh nặng về gan và giã từ cõi thế vào lúc 5h sáng ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn. Sinh thời, trong bài thơ “Cung đàn tưởng niệm” (tập “Đường vào tình sử”), Đinh Hùng viết: “Khi anh chết các em về đây nhé/ Vì chút tình lưu luyến với nhau xưa/ Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ/ Tay cầm hoa xõa tóc đứng bên mồ...”.
Không ngờ trên thực tế đã xảy ra đúng như những điều thi sĩ viết trong thơ và điều này không hề là một sự sắp đặt cố ý. Gia cảnh nhà thơ lúc đó rất khó khăn, may sao có một vị tướng mến mộ tài thơ của Đinh Hùng đã đứng ra tổ chức tang lễ cho ông, thậm chí sau đó đã tặng cho bà quả phụ Đinh Hùng một căn biệt thự ở Khánh Hội.
Trong tang lễ của thi sĩ họ Đinh, người ta thấy có đến hai chục thiếu nữ mặc áo trắng, xõa tóc, tay cầm hoa lặng lẽ sắp hàng theo sau linh cữu. Họ đến bên mồ và lặng lẽ thả những bó hoa xuống lòng huyệt, tiễn đưa người thi sĩ...
Đinh Hùng đã đi xa, nhưng vị trí của ông là khó thay thế trong lịch sử thi ca hiện đại Việt Nam. Xin được khép lại bài viết bằng những câu thơ trong tập “Đường vào tình sử” mà tôi rất yêu thích: “Em tự ngàn xưa chuyển bước về/ Thuyền trên sóng mắt dẫn trăng đi/ Những dòng chữ lạ buồn không nói/ Nét lửa bay dài giấc ngủ mê/ Em đến mong manh vóc ngọc chìm/ Tàn canh hồn nhập bóng trăng im/ Ta van từng đóa sao thùy lệ/ Nghe ý thơ sầu vút cánh chim....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét