LANG THANG ĐÊM GÍANG SINH HÀ NỘI / Hoàng Bích Nga 1949 - Hà Nội -- trích: Việt Văn Mới, 18.12. 2023 / Troyes-France.
nhà thờ lớn Hà Nội Giáng sinh .
LANG THANG ĐÊM GIÁNG SINH HÀ NỘI
C ứ mỗi lần đi qua phố Nhà Thờ và những con phố nhỏ quanh Bờ Hồ, là tôi nhớ đến nao lòng, những ngày đã qua, bên người yêu dấu của mình và bạn bè thân thiết của anh, khi mùa Giáng Sinh đến, cách đây đã hơn 40 năm.
Khi ấy chúng tôi còn trẻ lắm và có cái thú, thích đi lang thang vào những đêm đông, vào mùa Giáng Sinh để ngắm nhìn Hà Nội, ngắm nhìn những đường phố đẹp nhất của Thủ đô, ven Hồ Gươm, quanh Nhà Thờ Lớn.
Đêm Noen năm 1969, chúng tôi có sáu người, do anh Đỗ Chu đề xướng, quyết đi chơi thâu đêm, để ngắm Hà Nội. Chúng tôi cùng sở thích, thích lang thang.
Năm ấy, sao trời rét thế, gió hun hút thổi từ Hồ Gươm lùa vào các con phố chúng tôi đi qua. Dạo chơi, lang thang vô định, áo thì mỏng manh nhưng chẳng ai thấy rét. Khi đi qua ngôi nhà 79 hàng Trống chúng tôi dừng lại ngắm nghía. Xưa, đây là trụ sở của Hội Khai trí Tiến Đức sinh hoạt, tuyên truyền cho văn hoá dân tộc. Anh Đỗ Chu, lúc ấy đã là nhà văn trẻ, anh hiểu khá nhiều và kể cho chúng tôi nghe lịch sử Hội Khai trí Tiến Đức, được thành lập ngày 2/5/1919, học giả Phạm Quỳnh làm Tổng thư ký, cử nhân Hoàng Xuân Chung làm Hội trưởng. Những nhân vật có tên tuổi như Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, con trai của Kinh lược đại thần Hoàng Cao Khải, Thượng thư Bộ binh Thân Trọng Huề, Louis Marty, chánh sở Liêm phóng và Nhà Chính trị Đông Dương cũng đứng tên trong Hội, bởi Hội này còn có chủ trương giao lưu với văn hoá Tây phương. Năm 1922 Hội đã mua được căn nhà ở 79 Hàng Trống (ngày nay) để làm nơi sinh hoạt. Nơi đây, biết bao trí thức đã gặp nhau, bàn về khai trí dân sinh, mở mang dân trí, tổ chức các cuộc diễn thuyết, hội thảo, tổ chức lễ truy niệm thi hào Nguyễn Du( 1924), truy điệu doanh gia Bạch Thái Bưởi (1932)... Mặc dù năm 1945 Hội giải tán, nhưng giới văn chương, chí sĩ không bao giờ quên những hoạt động sôi nổi của Hội.
Ngôi nhà 79 hàng Trống, sau này, nhiều cơ quan của Nhà nước đã trưng dụng đặt trụ sở làm việc. Năm 2000, là nơi làm việc của Cục Văn hoá Thông tin cơ sở Bộ Văn hoá Thông tin. Nay, Cục Biểu diễn của Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch quản lý. Và nơi ấy, bây giờ, có nhiều quán ăn, và nơi thể nghiệm biểu diễn của Cục.
Nhà xưa còn đó nhưng bóng dáng của Hội Khai Trí Tiến Đức như mờ phai, ít có những cuộc họp bàn về chấn hưng văn hoá dân tộc sôi nổi như thời của Hội Khai trí Tiến Đức mới thành lập.
Vừa đi chúng tôi, tôi và anh ấy, người thân nhất của tôi rủ rỉ nói chuyện. Chị Hoàng Yến, bạn của anh Đỗ Chu là nói nhiều nhất, có lúc chị hoa chân múa tay như muốn bay lên với các vì sao. Anh Đỗ Chu thỉnh thoảng nói vài câu, về tình yêu của anh với Hà Nội, tình yêu đó cứ lặng lẽ, ngấm vào anh tự bao giờ. Còn hai anh bạn kia vừa đi vừa ngắm đêm Hà Nội.
Các anh hay kể về kỷ niệm thời xưa, khi các anh còn đang học phổ thông trung học. Cứ vào ngày mồng Một tết Nguyên Đán hàng năm, sau khi cúng gia tiên ở nhà xong là anh Đỗ Chu, cùng chồng tôi (sau này) và mấy người bạn đạp xe từ Bắc Ninh sang Hà Nội. Họ đến quán phở rất ngon ở phố Bát Đàn, mỗi người chỉ ăn một bát phở, sau đó lang thang khắp các phố mà họ thích, đến khuya mới về Bắc Ninh. Họ thích phở Hà Nội và hương vị Tết của Hà Nội. Nếu mồng Một mà không sang Hà Nội thì họ cảm thấy chưa được ăn tết…
Chúng tôi đi loanh quanh qua những con phố gần Nhà Thờ Lớn để cảm nhận không khí đêm Giáng Sinh. Người đến lễ đông nghịt, mặc dù nhiều người Hà Nội vẫn ở nơi sơ tán. Những người đến Nhà Thờ lớn, bước đi nhẹ nhàng, giọng nói khẽ khàng như không muốn lay động không khí trang nghiêm đón chờ giờ khắc điểm, đúng 12 giờ đêm, Chúa Giáng Sinh.
Chen chúc mãi chúng tôi mới vào được Nhà Thờ. Tôi ngắm nhìn ngôi Nhà Thờ cổ kính, uy nghiêm. Nhà Thờ Lớn Hà Nội, được khánh thành đúng vào Lễ Giáng Sinh năm 1887. Nhà Thờ Lớn là sự tiêu biểu và đặc trưng nhất của nghệ thuật kiến trúc thời Trung cổ được các nghệ nhân xây dựng ở Hà Nội. Với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên đỉnh trời, đón ánh sáng, bên trong kiến trúc Gotic thể hiện rõ hơn. Lối kiến trúc này luôn cho người xem ấn tượng về một không gian tôn giáo uy nghiêm. Nhà Thờ Lớn, giáo dân và cả những người ngoại đạo nhộn nhịp đến đón Giáng sinh, với bao lời cầu ước tốt đẹp đến với cuộc đời... Khi nghe ca đoàn hát Thánh ca, tiếng ca trầm hùng, hoà với tiếng đàn Oocgan, tiếng đàn dương cầm, ta như thấy mình được bay theo Chúa, vào không gian sâu thẳm, bí ẩn, linh thiêng, với những ước mơ mà mình cầu nguyện.
Sau những nguyện cầu, sau những lời thỉnh đạo ấm, âm vang của Cha chỉ giáo về ngày Chúa ra đời, mọi người thấy tâm mình sáng lên như được khai minh. Đêm Giáng Sinh, đêm Chúa Ngự trên trái đất này đã đem lại cho Con người một niềm an ủi khi gặp những khổ đau, có được niềm tin vào những điều tốt đẹp tồn tại ở đời.
Rời Nhà Thờ Lớn, chúng tôi lặng lẽ đi bên nhau, với bao tâm sự. Ngày Chúa ra đời, cách lúc đó là 1969 năm, thời gian xa lắc, nhưng Chúa nhân từ đã cứu rỗi bao chúng sinh lầm đường, lạc lối. Và, sự thật là, nhiều người có Đạo tin Chúa luôn mang lại điều lành nên họ ít khi làm điều ác.
Anh Đỗ Chu nói, bây giờ ta đi uống càfê. Phố Nhà Thờ là phố của những người nghiền càfê.
Anh Đỗ Chu hay uống cafe ở phố này. Anh nói, uống Ca fe chỉ ngồi ở hè phố Nhà Thờ mới thú.
Rất gần Hồ Gươm, đồng thời là "hàng xóm" của "Hàng Hành" - con phố ruột của dân nghiện cà phê Hà Nội, vui chân đến phố Nhà Thờ, ai đó có thể vào một quán cafe nào đó hoặc ngồi ngay ở hè phố mà thưởng thức. Cafe fin, từng giọt, từng giọt, sóng sánh, người uống cũng, từng ngụm, từng ngụm, nhẹ nhàng như trong mơ. Phố ngắn và nhỏ, nên cũng thật dễ điểm mặt nhớ tên những địa chỉ vàng của các quán cafe ngon.
Chúng tôi ngồi bên nhau, đêm thì lạnh, gió thổi buốt thấu xương, nên cầm trong tay tách cà phê nóng, bốc hơi nghi ngút thật là thú.
Cách đây 40 năm, phố này, nếu không đúng vào đêm Noen hoặc các ngày lễ trọng khác của Công giáo thì phố cũng vắng, nhưng các quán cafe thì lại có khá nhiều và lúc nào cũng đông khách. Các văn nhân, nghệ sỹ hay đến đây. Có thể, gặp nhau, chỉ ngồi bên nhau, bên cốc cafe, nghĩ sự đời, nói rất ít, ngồi ngắm người, ngắm cảnh, đêm, lung linh với những ánh đèn thấp thoáng (chứ không có nhiều đèn như bây giờ). Nay thì, trên phố, những quán xưa đã được mở, to hơn, lịch sự nhưng vẫn mang nét thanh lịch của các quán xưa, không ồn ào, náo nhiệt, trầm tư, cổ kính.
Cứ thế, chúng tôi, vừa thưởng thức cafe vừa nghĩ xa xôi. Hà Nội, những năm sau nữa, sẽ ra sao, đường phố có còn nhỏ như bây giờ, các phố xưa liệu còn hay mất. Và chiến tranh, liệu sẽ kéo dài bao lâu nữa. Hà Nội có bị tàn phá không? Bởi, lúc chúng tôi đi lang thang trên mấy phố nhỏ của Hà Nội, chiến tranh vẫn còn dai dẳng chưa chấm dứt. Bởi thế, chúng tôi quí những giây phút bên nhau, bên Hà Nội hầu như vẫn nguyên vẹn, chưa bị chiến tranh tàn phá mạnh. Lúc đó chưa bị B.52 cày xới vào năm 1972, Hà Nội vẫn bình yên.
Bây giờ, hơn 40 năm đã trôi qua, mỗi khi gặp lại nhau, người còn, người mất, nhớ những kỷ niệm xưa lại cảm hoài, thương nhớ. Hà Nội nay rộng hơn, đẹp hơn, nhưng những nét đẹp ngọt ngào, sâu xa, lắng đọng của Hà Nội xưa phôi pha nhiều lắm. Những cảm xúc, về tình bạn, tình yêu, về Hà Nội xưa, về Hà Nội thời chưa mở cửa cứ dâng trào trong chúng tôi. Cái trầm hùng của quá khứ vẫn còn ghi đậm trong ký ức của mỗi người dân Hà Nội, những con phố nhỏ, mỗi con phố có lịch sử riêng, có linh hồn riêng trên vùng đất địa linh nhân kiệt. Đi trên các con phố nhỏ, thân quen chúng tôi thường hay lang thang thời trai trẻ, nay tuổi đã cao, đi trên đó vẫn thấy bồi hồi.
Những con người nhẹ nhàng, thanh lịch của Hà Nội vẫn còn đó, những cô gái đáng yêu và những chàng trai lịch sự vẫn điểm tô cho Hà Nội đẹp. Trên xe bus, họ luôn nhường chỗ cho người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai…Làm phiền ai họ vẫn biết nói lời xin lỗi, và được giúp đỡ họ vẫn biết nói lời cám ơn. Những giọng nói nhẹ nhàng, thân thiện, lịch sự, tinh tế vẫn còn, tuy ít hơn rất nhiều so với trước đây.
Hà Nội nay có sô bồ hơn, có người hài hước đã ví, có thời, Hà Nội bị “nông thôn hoá”, nhưng những người có ý thức vẫn thấy, ở đây, ta sẽ học được một điều gì đó, rất tinh tế, cao sang mà chỉ đô thành ngàn năm văn hiến mới có được. Và họ sẽ học, học cái lịch sự, văn minh của đất Hà Thành.
Chẳng thế mà, tôi luôn cảm hoài cái xa xưa ấy của nền văn hóa đô thành, và tin, chất văn hoá Hà Thành sẽ được chọn lọc qua thời gian để tồn tại, Hà Nội sẽ vẫn xứng tầm với vị trí là trung tâm văn hoá của đất nước.
Một chút thoáng qua, với những kỷ niệm nhỏ, nhưng chẳng thể quên. Hà Nội xưa, con người Hà Nội xưa luôn đẹp trong nỗi nhớ của tôi, và tôi mong Hà Nội vẫn đẹp mãi, trường tồn và phát triển với vốn văn hoá tinh tuý của cha ông để lại./.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ