Thứ Năm, 16 tháng 5, 2024

- Không Quân Chỉ Số 001 / Võ Ý [ 1940- Hoa Kỳ -- trích: Internet/ hải ngoãi.

 

Không Quân Chỉ Số 001



VÕ Ý 


Tôi ở trong quân chủng 13 năm, trải qua 4 đời tư lệnh. Tôi không có vinh hạnh thân
thuộc với một vị nào. Vị tư lệnh cuối cùng, trung tướng Trần Văn Minh, từ đầu thập niên 70, những lần lên thăm Sư Đoàn 6 / Không Quân , tôi có gặp và thỉnh thoảng có cụng ly. 

Môt chút kỷ niệm với vị tướng lãnh như hạt bụi bay, chẳng ra cái thá gì; nhưng tôi cũng xin kể ra đây gọi là chút lưu tình tặng vị tư lệnh lúc còn sinh tiền -- nhỡ mai này ông có cỡi hạc quy tiên, thì cũng có chút gì mang theo. Chứ lúc đó viết văn tế cho hay cách mấy ông cũng không thưởng thức được !


Tôi không có ý trù yểm tư lệnh. Thời ông còn đương quyền, tôi không nịnh bợ xin xỏ ông môt điều gì. Tôi cũng không bị ông phạt oan uổng để sinh tâm thù hằn. Giữa ông và tôi là tình huynh đệ chi binh, cùng chung một màu cờ, cũng chung một bầu trời, cùng chung một nỗi niềm.

Tháng 7/1992, tôi may mắn được Hội KQ Bắc Cali của anh Nguyễn Quí Chấn mời qua tham dự Đại hội Không quân. Trong đêm dạ tiệc, tôi được vinh dự chụp hình chung với tướng. Trong đêm dạ tiệc, trông tướng còn phong độ lắm. Bộ ria mép gia truyền còn bóng mượt, giọng nói còn rèn vang, nhất là khi tướng xài tiếng Đan Mạch, thì nhích mép, nháy mắt rất điệu nghệ và có pha một chút đắng cay.

Bức ảnh có 5 mạng. Tôi không nhớ tên một mạng. ba mạng còn lại là tôi, ông Dật Dờ và ông Đào- Vũ- Anh -Hùng [ tên thật Đào Bá Hùng] , không ai bề thế uy nghi bằng tướng. Xét về ngoại diện thì càng thua xa. May ra chỉ có tôi là có thể so sánh dung nhan mủa hạ với tướng thôi. Sau đây lá lý do để tôi lộng ngôn.

Khoảng năm 1972, tôi từ Pleiku bay về Đà Nẵng, ghé Câu lạc bộ Phi đoàn 110 của thầy Mạnh ( Le Fort ) điểm tâm..... Trong câu chuyện thăm hỏi xã giao, ông Cồ Báu khen tôi giống ông tướng. Tôi chớp ngay thời cơ, tỉnh bơ xác nhận là tôi là em ông tướng. Kỳ lạ thay, bữa điểm tâm ấy tôi được đối xử như khách mời !.

Bây giờ hoàn cảnh đã đổi thay, tướng đang trong cảnh thanh bần và bệnh hoạn, càng nhiều người nhận mình là em, là bà con của tướng, chắc tướng vui; chứ lúc đương quyền nếu biết có một đứa cà chớn như tôi dám mạo nhận là em của tướng, không hiểu tướng phản ứng ra sao ?

Tháng 12/ 1993, Không quân Missouri thân mến mời tướng qua dự Đêm không gian, chúng tôi chuẩn bị đôi điều tiếp đón tướng, trong đó có sưu tầm về tuổi ấu thơ của tướng. Đại khái, lúc nhỏ học ở Bạc Liêu, rất giỏi toán và Pháp văn, tính tướng ít nói và cộc, nhưng là một người con chí hiếu. Một người con hiếu thảo sẽ là một người bạn thủy chung, một tướng lãnh nguyên tắc, nhưng cũng dễ cảm thông. Không đoàn 72 Chiến thuật Pleiku đã biết khai thác yếu huyệt này của tướng vào năm 1972. Vì nhu cầu chiến trường, Căn cứ 92 Chiến thuật biến thành Không đoàn 72 vào năm 1971. Vị chỉ huy đầu tiên là thiếu tá Nguyễn Văn Bá. ( tục gọi Bá Lèo ).

Là đơn vị tân lập nên còn nhiều bề bộn, nhiều nhu cầu mới nẩy sinh, vấn đề nơi ăn chốn ở của sĩ quan là một trong những thách đố đối với tài lãnh đạo đơn vị trưởng. Ông Bá Lèo vừa cắn ống vố, vừa đăm chiêu bài toán nhà ở cho nhân viên phi hành các Phi đoàn tân lập 235, 118 và 350.

Tôi làm quân sư thầy dùi, kề tai ông Bá Lèo nói nhỏ. Ông đập ống vố xuống bàn cái cạch và bảo :

OK, cứ thế thi hành !

Toàn ban tham mưu được ông đưa ra phố ăn phở sau đó. Quây quần bên ông có mấy kiện tướng như ông Bá Đạo- - ông Thanh Mắt Trừu--  ông Bút Quắn --ông Hải Hổ --  ông Hưng Ma Cà Chớp --  ông Bằng Lòng ( quân báo ) --   Mệ Quốc và tôi !

 Một tuần sau, tôi và ông Bút lãnh sứ mạng bay về Sài Gòn. Gặp tướng 14: 30 giờ. Cất cánh về Pleuku 15 giờ. Đáp Pleiku 17 giờ. Ông Bá Lèo đón sẵn tại phi đạo và chở chúng tôi đi ăn phở.

Công tác thành công mỹ mãn. Gia đình vợ con thân nhân thuyên chuyển đến KĐ 72 tân lập đã có chỗ ở chính thức. Đó là hai dãy cư xá vừa xây xong kề sát Bộ Tư lệnh Quân đoàn II. Đây là một điểm son trong tài lãnh đạo của ông Bá Lèo. Vậy công tác gì mà chưa thấy nói ?

Ai cũng biết tướng còn là một nhà văn. Ông đã xuất bản 2 tập truyện lúc đương quyền, đó là 'Chết non''Trong đục'. Trong 'Chết non' có một truyện rất thực, rất cảm động là 'Cái nhà'.

Căn nhà là ước vọng của một cặp vợ chồng, trong đó có ước vọng của một chàng phi công mới lập gia đình. Chàng hàng ngày thi hành biết bao phi vụ hiểm nghèo, ước ao sao có một cái nhà gần phi trường để hú hí với vợ con sau những phút căng thẳng với tử thần. Mộng ước đang xanh tươi thì chẳng may người phi công chết non.

Trong Đoàn Tiếp liệu Pleiku, có một nghệ sĩ tài hoa. Nghệ sĩ này được giao công tác cắt xén giấy báo, tạp chí ghép thành bức tranh mang tự đề 'Cái nhà'. Khi hoàn thành ai cũng khen là tuyệt phẩm. Chúng tôi đã chở bức tranh Tô Tần này về Sài Gòn kính tặng tướng Tư lệnh. Khi nhập đề, tôi trình bày nhu cầu chỗ ở của gia đình nhân viên phi hành các Phi đoàn tân lập. Tôi cũng gợi ý có hai dãy cư xá do Công Binh xây cất chưa sử dụng, nhưng vì 'mót quá', có mấy gia đình KQ đã vào ở đại, xin tướng can thiệp. Tướng rất thông minh ( là cái cẳng rồi ). Ông nhanh chóng chấp nhận đề nghị và can trhiệp hiệu quả. Vấn đề coi như đã giải quyết thỏa đáng.

Đây là một kỷ niệm thuộc loại mã thương, có thể nhạt nhòa với tướng; nhưng đậm nét trong trí tôi. Và trong trí tôi vẫn còn đậm nét về tập truyện 'Trong đục'. Tôi là một trong những người được vinh hạnh nhận tập truyện này của tướng xuất bản đầu năm 1973 thì phải ? Quà tặng có thủ bút và chữ ký nguyên vẹn tên họ chữ lót của tác giả. 'Thận tặng văn chiến hữu Võ Ý '; nó chạy qua văn phòng tư lệnh Sư Đoàn 6/ Không Quân , sau đó mới đến tay tôi.

Cái khoản đi vòng này thê nào cũng gây cho tư lệnh SĐ6KQ, nghĩ rằng tôi thân với tướng lắm, và nhờ đó biết đâu đã giúp tôi giữ được cái ghế Phi đoàn trưởng cho đến ngày đi học Chỉ huy tham mưu liên quân. Đây là điều 'suy luận hợp lý', cũng có thể 'suy luận trật lất' không chừng ? Bởi vì, khi tướng Sang nắm tư lệnh SĐ6KQ thì tướng đã sút ông Lê Bá Đạo ra khỏi cái ghế Không đoàn trưởng 72 CT, đưa ông Bút lên thay. Ông Bút là vị không đoàn trưởng trẻ nhất trong quân chủng Không quân. Trước khi thuyên chuyển về Nha Trang bằng xe đò, ông Bá Đạo có đến chào từ biệt tôi và 'báo mộng':

- Sau 'moa' là tới ' toa' đó, liệu mà giữ.

Tài hoa như ông Định mà không được tin dùng dzậy cà ? Tại ông 'cứng' quá hay tại ông 'xui' ? Ông khuyên tôi liệu mà giữ ? Tôi biết cóc gì mà giữ ? Tôi đành theo số mạng vậy ! Và số mạng đó đã mang tập truyện ngắn 'Trong đục' đến. Tôi còn nhớ trong đó có truyện tựa đề là 'Xui'.

Chuyện kể một chàng phi công khu trục ngồi chầu trìa mạt chược trong phong hành quân. Sở dĩ chầu rìa, vì xui, cháy túi. Trong 4 tay đang mó, một tay được lệnh gọi đi bay. Tay này đang say sưa cơn phát xồi, nhờ tay chầu rìa bay hộ và chi cho vài ghim trà nước. Tay chầu rìa vui vẻ mang dù ra phi cơ. Trên vùng hành quân, tay chầu rìa bị phòng không bắn trúng, phải nhảy dù, được trực thăng bạn cứu thoát an toàn. Về tới Phi đoàn, nhờ có chút tiền bay mướn, tay chầu rìa ngồi vào bàn mó tiếp, vài ghim trà nước kia cũng sạch tuốt luốt. Thật là xui tận mạng !!!

Chuyện này vừa vui vừa vô lý. Vô lý ở chỗ 'văn kiện lập quy' do tướng Tư lệnh KQ ký, có điều khoản, ghi rõ : phi công khi lâm nạn phải được đưa vào bệnh xá, bệnh viện có y sĩ phi hành khám nghiệm đủ các cái. Sau đó phải khai báo với an ninh, với kỹ thuật lý do gây tai nạn.

Thì giờ đâu còn mó với xoa ?

Khi tướng ghé Pleiku, tôi trình bầy điều vô lý này, vừa như chứng tỏ cho tướng biết là tôi có nhận quà tặng, có đọc, và có nghiền ngẫm; it ra cũng làm các vị khác thấy mà ngán chơi, vì tôi quen thân với tư lệnh.

Khi tôi trình bày xong, tướng vừa nói vừa cười:

- Ờ ha ! Có dzậy mà quên đó toa !

Một dịp khác. Trong một buổi họp tham mưu sư đoàn, có phái đoàn Bộ Tư lệnh KQ tham dự, sau đó trao tôi phân thưởng hạng III về phi diễn Ngày Quân Lực, tướng Tư lệnh KQ thân mật hỏi :

- Ê, độ rày toa có 'giếc' gì không ?
Tôi hiểu sai câu hỏi, vừa móc sổ tay vừa trả lời :

- Thưa tướng tôi có sẵn sổ tay, tướng cần điều gì liên quan đến Phi đoàn, tôi xin trả lời.
- Không phải moa hỏi độ rày có sáng tác già không ? Thì ra thế, tôi cười tẽn tò :

- Thưa tướng có lai rai.

Phòng họp lúc đó cười rộ lên. Tôi liếc nhìn tướng tư lệnh sư đoàn và thấy sắc diện người tươi tỉnh, tôi cũng yên lòng.

Xin mở dấu ngoặc ở đây. Khi tướng [Phạm Ngọc]  Sang nắm sư đoàn, ông có lối chỉ huy rất nguyên tắc. Ông ra lệnh : sĩ quan cấp trưởng đoàn, trưởng phòng trở lên phải có 'Sổ tay đơn vị', nhật tu mọi điều có liên quan, để bất kỳ lúc nào thượng cấp hỏi, là có thể trả lời nhanh, chính xác. Câu hỏi tướng đã được hiểu theo nghĩa này. Xét cho cùng, tôi cũng gương mẫu đấy chứ ! Xin đóng ngoặc.

Hơn 20 năm qua, tôi mới có dịp viết đôi lời cảm ơn tướng ( Tư lệnh KQ ) tỏ ra thân tình với tôi trong thời gian tôi tình nguyện trấn sơn, bình hải ở Pleiku. Tôi cũng xin cảm ơn tướng đã tặng 'Trong đục'.

BÂY GIỜ ĐÃ TRẢI QUA MỘT CUỘC BIỂN DÂU, CHẮC TRONG LÚC NẰM BỆNH VIỆN, TƯỚNG THẤM THÍA CÂU CA DAO : 'MỘT DÒNG NƯỚC TRONG, HAI DÒNG NƯỚC ĐỤC'.**

Tôi chưa dám chắc mình nằm ở số 100 hay 1 chục, nhưng tôi lúc nào cũng cố như dzậy, cũng là 'chiến hữu' của tướng như lời đề tặng sách. Còn 'văn hữu' thì tôi chưa dám. Trong cung mạng của tôi chỉ có 'sao đào hồng', chứ không có 'văn xương', 'văn khúc' như tướng, thành thử khó thành 'văn sỡi' lằm ! Về khoản này, tôi chân thành cầu chúc tướng sớm lấy lại phong độ, để thực hiện ý định ra chung một tuyển tập, như gợi ý của tướng trong cuộc điện đàm vào cuối năm 1993 vừa qua.

Đánh đu kiểu này để thành 'văn hữu' của tướng chắc thời buổi này không ai chê là
'dựa hơi' ?!.
Điều cần thiết là tướng quyết phải sống cho đến khi có một ngày về, dù nay tướng đang đi vào lớp tuổi 'cổ lai hy'. Vào tuồi này, theo thiển ý, cần tập thở khí công, 'thanh tâm quả dục' thì mới chết già, chứ tướng cúng sao, giải hạn, và uống rượu ngâm toa 'lục giao' thì 'die sooon' ( chết sớm ) đấy !

Trước đây, tôi nghĩ 'Trong đục' chỉ nói lên thê thái nhân tình, nay có sống ở Mỹ, tôi mới vỡ lẽ ra, dù 'trong dù đục, ao nhà vẫn hơn !'.

Chắc tướng không lấy gì đồng ý lắm ?

Hoặc giả CÕI TRẦN NÀY KHÔNG CÒN HẤP DẪN NỮA, TƯỚNG MUỐN VỀ SỐNG CÕI CỰC LẠC TÂY PHƯƠNG, BỎ ANH EM BỎ BẠN BÈ; THÌ TÔI CŨNG MÃN NGUYỆN LÀ ĐÃ KỊP GỬI CHÚT TÌNH ĐỂ TƯỚNG MANG THEO . **


Saint Louis, 4/ 1994.

VÕ Ý

-----------

* Tựa bài của tác giả : 'Chút lưu tình mang theo'.

- Không Quân chỉ số 001 -- chỉ số này dành cho Tư lệnh Không quân ( VNCH ).
          ( tựa bài do Biên tập đặt ).

- TRẦN VĂN MINH ( 1932 - 1997 Hoa Kỳ ), tác giả tập truyện ngắn
 '   Cái nhà'   ( tái bản 1967 ), 'Trong đục' ( 1973 ) ...

** Biên tập in chữ hoa.

( trích LÝ LỊCH DỌC NGANG CỦA THẢO / VÕ Ý
Cội Nguồn xb. San Jose, Cali 2003. -tr.: 76 – 82 ).



===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ