Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

HỒI ỨC VỀ MẸ / Nguyễn Thụy Long 1938- 2009 -- trích: Internet/ Hải ngoại.

 

HỒI ỨC VỀ MẸ (Nguyễn Thụy Long)

Nhà văn Nguyễn Thụy Long – tác giả truyện dài nổi tiếng Loan Mắt Nhung trước 1975 ở miền Nam Việt Nam – qua đời lúc 2 ngày giờ chiều, ngày 3 tháng 9 năm 2009 vì nhiễm trùng đường tiểu, tại Sài Gòn, hưởng thọ 71 tuổi.

Trước đó, ngày 26 tháng 9 năm 2004, thân mẫu của ông  từ trần tại Bệnh Viện Fountain Valley, California. Nhà văn Nguyễn Thụy Long lúc ấy sống ở Saigon, không được cùng hai em ở bên Mẹ lúc cụ lâm chung. Từ bên kia đại dương, nơi căn nhà cũ số 156/3 (25/12) đường Nhiêu Tứ, phường 7, quận Phú Nhuận, nhà văn viết :

Hồi Ức Về Mẹ

Đã mười mấy năm nay, mỗi buổi sáng tôi không còn nghe tiếng dép quen thuộc của mẹ nữa ở phòng bên cạnh. Cụ dậy thật sớm, quét tước nhà cửa rồi pha lấy một ấm trà, một ly cà phê, cụ ngồi nhâm nhi chờ trời sáng hẳn.

Nằm ở phòng bên này nhà, mái tôn chung, chỉ ngăn cách bằng một bức tường lửng và tấm cửa gỗ mỏng, tôi tưởng tượng ra được đủ thứ, từng công việc của mẹ. Nào là lúc cụ pha trà vào cái bình trà nhỏ xíu có hình tiên ông, ly cà phê cụ pha vào cái phin bằng đồng của tôi được người ta tặng hồi làm báo, mà bà giữ rất lâu, mấy chục năm trời. Cái phin này cụ giữ mới còn, nếu vào tay tôi hồi đó thì đã ra chợ trời lâu rồi. Thời gạo châu củi quế, cái gì cũng bán được ngoài chợ trời. Thuở ấy sao mà khổ thế, sau ngày 30 tháng Tư năm 75, miền Nam bại trận, tôi thất nghiệp, hết thời. Sau khi sách báo xuất bản ở miền Nam trước năm 1975 đều bị người thắng trận đốt sạch, và ký giả, nhà văn thì bị bắt bỏ tù coi như tội đồ, đổ cho nhiều thứ tội. Nhà báo, nhà văn chúng tôi bị kỳ thị ra mặt, bị coi như cùi hủi. Những nhà báo nhà văn chế độ cũ, còn một chút gì trong đầu phải tự gác bút mà thôi, tôi ở trong số người ấy. Niềm đau ấy còn mãi đến bây giờ. Mặc dầu tôi từng được công an khuyên nên quên đi để xây dựng đất nước, nhưng làm sao tôi quên được, khi niềm đau của tôi vẫn còn mãi trong ký ức. Bao nhiêu là đám giỗ của người thân quen vào ngày 30 tháng Tư, mà phải đổi lại ngày âm lịch là ngày 19 tháng Ba năm ấy, để khỏi bị làm phiền, trong khi người ta ăn mừng chiến thắng tưng bừng, cờ xí rợp trời và những phát biểu của vị nguyên thủ quốc gia cùng những người có công trong chiến thắng ấy. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất, mang lại hoà bình cơm no, áo ấm cho toàn dân. Sao những người như tôi vẫn thấy đau, vẫn khốn khổ. Vì nhiều thứ, từ những cuộc chia ly người gia đình, mà tưởng chừng như không bao giờ còn gặp lại nữa và tiễn những người thân vượt biên ra đi, để có người còn trở lại, có người vĩnh viễn nằn dưới lòng biển đông.

Những buổi sáng như thế, ở ấp Đông Ba xưa, nay là phường Bẩy quận Phú Nhuận. Căn nhà xưa của gia đình, mẹ tôi gìn giữ nó, không để cho bị tịch thu, vì anh em tôi đều bị đưa đi học tập cải tạo hết rồi. Mẹ ở một mình trong căn nhà ấy, đồ đạc trong nhà có gì bán dần, bán mòn đi để ăn và thăm nuôi hai anh em chúng tôi trong trại học tập. Cụ lặn lội vượt hàng trăm cây số đường rừng để đến với con, những đứa con tù tội khốn khổ của bà. Tới trại tù, trước khi được thăm nuôi người ta dạy mẹ tôi và những thân nhân thăm tù, gặp mặt phải khuyên bảo và giáo dục những người tù như chúng tôi câu: “Con ráng học tập tốt rồi nhà nước nhân đạo, khoan hồng tha cho về xum họp với gia đình”.

Bây giờ đã mấy chục năm qua, khi ai nhắc hoặc nghe lại câu này tôi vẫn có cảm giác muốn buồn nôn. Tôi biết sau khi phải học vẹt như thế thì họ mới cho thăm nuôi con mình, không biết cụ đã nghĩ gì. Nhưng có lẽ mẹ tôi rất là đau khổ, tôi chỉ biết thương mẹ và cảm ơn mẹ, khi mẹ gầy hốc hác ngồi trước mặt tôi. Không chừng mẹ đã phải nhịn đói, nhịn khát để mang miếng cơm vào cho con. Một chút gạo, quí giá như những hạt châu ngọc. Vậy mà tôi từng bị tịch thu những hạt gạo ấy, bỏ vào kho, hoặc cho ai ăn không biết, có thể là mấy thằng khốn nạn, có thể lợn gà. Với mẹ, tôi vẫn là đứa con nhỏ bé, dù tôi đã lớn, đã trưởng thành, nhưng những hạt cơm của mẹ cho, tôi coi quí giá như những hạt châu ngọc. Vào thời tù tội đó, mỗi khi ra cổng trại để đi lao động và thoáng gặp những bà mẹ tay xách, nách mang đi thăm con. Tôi lại giấu những giọt nước mắt của mình, lúc đó tôi rất nhớ mẹ tôi.

Tôi và những bạn bè có những nỗi đau giống nhau, có thể họ có những mất mát lớn hơn tôi nhiều, vậy mà chúng tôi vẫn cố gắng sống, chỉ người nào chịu đựng không nổi nữa thì chỉ còn một lối thoát là chết hoặc câm lặng để sống mòn. Tôi không đủ can đảm nên chọn cách sống mòn và mấy chục năm qua, tôi đã là một lão già ốm đau dặt dẹo, gần đất xa trời, chưa biết bao giờ thì xa lìa trần thế.

Nhận được tin sét đánh mẹ ra đi do bạn tôi (Từ, Nhã) báo tin qua điện báo, tôi rất buồn. Hồi ức về mẹ sống dậy trong tôi.

Tôi tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, dắt díu vợ con về sống bên mẹ, trước những ngày mẹ sẽ đi nước ngoài do em gái tôi bảo lãnh cho cụ. Tôi là người không có hộ khẩu, không có gì hết ngoài tờ giấy ra trại, và cũng đã từng bị đuổi khỏi nơi cư trú vì không có quyền công dân. Nhưng tôi cứ liều trở về ngôi nhà cũ để sống bên mẹ, dù có bị kết tội là “cư trú bất hợp pháp trên căn nhà mình làm chủ”. Và sẵn sàng khăn gói quả mướp đi tù thêm một lần nữa, nếu họ muốn bắt tôi về tội ngoan cố hoặc chống đối gì đó, tôi cũng thây kệ cha nó!

Buổi sáng khi tôi nghe những tiếng động và tiếng dép của mẹ ở phòng bên cạnh, ngăn cách bằng một bức tường lửng, cánh cửa thông sang. Tôi cũng thức giấc, sửa soạn cho một chuyến đạp xe thồ xuống tận Long An buôn vài giạ gạo để kiếm tiền chênh lệch về nuôi vợ con. Thằng con trai út của tôi, thằng Cua, lẫm chẫm xách bị quần áo của cụ, mà vợ tôi giặt chiều qua mang ra trước cửa sổ để đưa cho bà nội. Con chó Ki của bà nội, lẩn quẩn bên chân bà mừng rối rít. Nó phởn phơ, hạnh phúc. Nó cũng thương bà cụ, tôi biết tối nào nó cũng nằm ngủ dưới gầm giường của cụ để canh chừng. Phòng của bà cụ có cửa sổ nhìn qua hàng rào sang chùa Huê Nghiêm. Ở căn nhà này gia đình tôi đã nghe tiếng tụng niệm tiếng cầu kinh đều đều cả mấy chục năm trời, với tiếng chuông chùa buồn vang vọng lan xa tới những nếp nhà tranh cuộn mình trong khói lam chiều, và cũng từ nơi này tôi trở thành nhà văn, nhà báo.

Hồi ức về mẹ thì nhiều lắm, với một bà cụ sống gần trọn thế kỷ. Từ những ngày thơ ấu ở Láng ngoài Bắc, trận chết đói năm Ất Dậu, 1945, rồi ngày Hà Nội nổ súng kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, ngày mà nhiều người yêu nước trẻ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch để trở thành chiến sĩ vô danh, những ngày chạy tản cư lên mạn ngược, bố tôi từng theo kháng chiến, mẹ tôi phải gói những chiếc bánh gai đi bán, nuôi anh em tôi thời thơ dại, tiếp tế cho bố, đang đeo đuổi cuộc kháng chiến chống thực dân. Gia đình tôi hồi cư về Hà Nội, mục đích chính là để cho tôi được học hành, không phải là học để trở thành một thứ nhi đồng, sẵn sàng đấu tố cha mẹ hoặc tố cáo cha mẹ là Việt gian hoặc được dậy dổ phải căm thù tầng lớp trí thức tiểu tư sản, mà cha mẹ tôi là những người thuộc tầng lớp ấy, làm vừa lòng những ai đó đang cầm quyền sinh sát ngoài vùng kháng chiến. Bố tôi cũng trở về Hà Nội mang theo bệnh sốt rét kinh niên. Trước ngày chia đôi đất nước, gia đình tôi đã vào miền Nam sinh sống, chính xác là Sài Gòn, rồi bố tôi mất, khi đó tuổi ông còn rất trẻ.

Sau đó cuộc di cư vĩ đại của người miền Bắc năm 1954, mang theo bao nhiêu bạn bè đồng hương của tôi, căn nhà gỗ lợp tôn của gia đình tôi ở hẻm Phát Diệm, mà ngày xưa có tên là sở rác Nguyễn Tấn Nghiệm, vùng Cầu Kho, đã đón bao nhiêu những người bạn nhỏ của tôi, khi đó các anh còn ở trại học sinh Phú Thọ. Những bữa cơm Bắc kỳ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua rau đay của mẹ mời, làm các anh cũng ấm lòng, đỡ nhớ quê hương.

Chúng tôi mon men theo nghiệp thơ văn. Căn gác của tôi lưu lại biết bao nhiêu là thơ văn của Trần Dạ Từ, thơ của Đỗ Quí Toàn, nét bút tài hoa của Lê Đình Điểu, anh thường sang nhà tôi chơi, thơ lục bát của Viên Linh và nhiều những bài thơ, bản thảo của các bạn khác nữa, những bài thơ viết lên vách ván hoặc giắt trên mái tôn. Từ cửa của căn gác gỗ luôn luôn mở rộng tôi nhìn lên thấy tháp chuông nhà thờ Huyện Sĩ và nhìn xuống thì thấy con hẻm lầy lội, cái máy nước suốt ngày đông đảo người gánh, đôi khi xảy ra xô xát, cãi vã, cả chửi thề, chính anh em chúng tôi cũng phải đứng canh để xách nước cho gia đình, trong xóm lúc nào củng ồn ào, có tiếng ca cải lương của một cô gái nào đó mơ ước một ngày nào mình trở thành đào cải lương, sáng chói trên sân khấu, thời đó là thời của Út Trà Ôn, của Thành Được, của Hữu Phước, của Út Bạch Lan v.v.. những chuyện nhậu nhẹt ăn nói lung tung của những anh bất mãn đời vì nghèo.

Căn nhà đó không còn nữa khi mẹ tôi thất bại trong chuyện làm ăn, bà phải bế đứa em gái nhỏ của tôi đi Lào cùng với bà Dì tìm đời sống khác, tiếp tục nuôi anh em chúng tôi, dưới mắt bà chúng tôi vẫn là những đứa trẻ nhỏ dại, cần đến sự săn sóc của bàn tay người mẹ.

Ngày mẹ tôi đi Lào thật nghèo nàn, tôi tiễn mẹ ra sân bay Tân Sơn Nhất, mẹ mặc áo cánh trắng quần đen, trên tay bế đứa em gái tôi, xách theo một bị quần áo, không có lấy chiếc va ly, mẹ còn kịp cho tôi mấy chục đồng bạc, tiền bà còn sót lại không thể tiêu được ở xứ người. Mẹ tôi đi vào phòng cách ly cùng với đám hành khách đông đảo, tất cả mọi người đều ăn mặc sang trọng, riêng mẹ tôi và em gái tôi thì nghèo nàn đến thảm hại. Khi đó nước mắt tôi mới chảy ra, mẹ và em tôi khuất bóng sau cửa kính tôi mới quay đi, tôi ra bãi cỏ trước phi trường nằm ngửa mặt nhìn lên trời nắng gắt xem chiếc máy bay nào đưa mẹ và em tôi đi. Thằng em trai tôi thì ở lại sống nhờ vả họ hàng, hy vọng còn được học hành đàng hoàng. Đó là lần thứ hai trong tuổi đời còn non trẻ của tôi phải chịu đựng nỗi buồn xa mẹ. Lần thứ nhất khi còn ở Hà Nội, tôi chia tay với mẹ, để mẹ cõng thằng em trai tôi lên chiến khu tìm bố. Buổi sáng hôm ấy Hà Nội có sương mù, tôi đứng trên bao lơn ở số nhà 38 ngõ Hoà Mã, nhà của bác tôi nhìn mẹ khuất trong sương mù ở đầu chợ Hôm. Những chục năm đã qua, mẹ vẫn tần tảo nuôi con, bây giờ mẹ lại phải ra đi vì cơm áo.

Tôi rời công viên, đạp xe lang thang trên đường phố Sài Gòn, tôi chẳng thiết ăn uống gì, mặc dầu trong túi có mấy chục bạc của mẹ cho, tôi phải mang về chia cho thằng em, nó cũng cần đồng quà tấm bánh của mẹ. Thôi xa rồi những bữa cơm canh cua rau đay cà pháo chấm mắm tôm. Tôi đạp xe qua trường học, các bạn tôi đã vào lớp, hôm nay vắng mặt tôi và có lẽ sẽ vắng mặt vĩnh viễn.

Buổi chiều tôi đạp xe về khu trường đua Phú Thọ, qua con đường Nguyễn văn Thoại, còn là rừng cao su rợp bóng cây, bên phải con đường rải rác những nếp tranh toả khói lam chiều, sau lùm cây kia là xứ Nam Hoà, xứ đạo của người Bắc di cư, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ và nghe tiếng cầu kinh bài kinh Lạy Cha: “Lạy cha chúng con ở trên trời…chúng con nguyện danh Cha cả sáng…nước Cha trị đến… ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời…Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con…như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ…A men..”, nắng chiều thoi thóp và tiếng cầu kinh sao mà buồn thế.

Tôi có hẹn với Hoài Nam, tức Trần Dạ Từ, ở nhà Nguyễn Nhật Duật ở Bình Thới thuộc khu Phú Thọ. Khi đó tôi đói meo, nhưng vẫn không ăn gì. Trần Dạ Từ, có lẽ từ trong trại học sinh Phú Thọ ra, hỏi tôi câu đầu tiên:

– Mẹ đi rồi hả?

– Ừ mẹ đi rồi.

Tôi trả lời thế, vì Trần Dạ Từ coi mẹ tôi cũng như mẹ anh. Tình thân ấy kéo dài suốt mấy chục năm trời cho đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn. Những đứa con của mẹ không bao giờ quên mẹ.

Tôi đói quá, hỏi Nguyễn nhật Duật:

– Nhà còn gì ăn không?

– Cơm thì hết rồi, nhưng miếng cháy làm rượu thì còn, cậu ăn tạm nhé.

Gia đình Nguyễn Nhật Duật thuở ấy nghèo lắm cũng như bao nhiêu người di cư khác, ông bà phải cất rượu đi bán để nuôi bầy con. Tôi ăn miếng cháy cơm rượu sao mà ngon thế, lần đầu tiên tôi phải ăn nhờ và tôi nhớ mãi không quên.

Đêm hôm đó trăng sáng vằng vặc, khu Bình Thới, giáp ranh với đường Lạc Long Quân là một vườn hoa nhài, người miền Nam gọi là Hoa Lài thơm ngát. Sau một chầu cà phê ở quán Con Nhạn, trong khu vườn lài, chúng tôi ra ruộng hoa lài ngồi chơi, ngắm trăng, lòng dạ tôi rối bời vì nhớ mẹ, mẹ bây giờ đã ở bên Lào rồi, có lẽ mẹ cũng đang nhớ đến những đứa con của cụ. Không biết đêm nay cụ và em tôi ngủ nhờ nhà ai? Bà dì tôi đã thu xếp được một căn nhà nào chưa? Tôi lại muốn khóc. Khi đưa cụ đi tôi chưa khóc được, hoặc mới khóc được một ít.

Tiếng thổi tiêu tài hoa của Trần Dạ Từ cất lên vi vút, tôi nhớ tiếng sáo này khi mới quen anh ở quán cà phê Gió Bắc ở đường Phan Đình Phùng, hoà với tiếng ở cái đĩa hát đa mòn hát bài Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ. Ngày hôm sau và nhiều hôm sau nữa tôi và Trần Dạ Từ bắt đầu cuộc sống bụi đời, chúng tôi thuê căn gác ở Bình Thới, nhìn xuống con đường Lạc Long Quân, đêm đêm nghe tiếng bánh xe bò di chuyển không biết nó về đến đâu, tiếng xe bò nghiến trên mặt đường đá âm thanh khô khốc… cái đèn bão treo ở gầm xe đung đưa. Chúng tôi không có nghề nghiệp gì, nghiệp thơ văn thì quá eo hẹp, những bài thơ của Trần Dạ Từ đăng báo thì không có tiền, những truyện ngắn của tôi viết còn dở quá nên bị toà báo vứt vào xọt rác là chuyện thường. Những buổi chiều bụng hai thằng đói meo, chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch thường xuyên xẹp lốp đi kiếm ăn, đúng ra là nhờ bạn bè cũng chưa có nghề nghiệp như hai đứa chúng tôi khúc bánh mì, hoặc quí giá là bao tô hủ tíu ăn không đủ no bụng…của đứa trẻ tuổi đang lớn.

Rồi tôi nhập ngũ thời gian sau, từ trại huấn luyện tôi viết thư về cho Từ, Từ hồi âm, tôi còn nhớ câu Từ viết : “…cũng may mà cậu có cơm ăn, không còn đói như tớ bây giờ nữa, cố gắng lên…hãy ghi nhận lại tất cả.”. Giòng đời không xuôi chảy, sau đó tôi ở tù khám Chí Hoà mất một năm. Khu quân phạm. Mẹ tôi nghe tin từ bên Lào trở về, thăm nuôi tôi cụ mang vào cho tôi một bát canh cùng những đồ ăn thăm nuôi. Tôi nhớ mãi bát canh ngày hôm đó. Sau này tôi viết thành một truyện ngắn nhan đề là Bát Canh Của Mẹ, tôi trúng giải nhất của một tờ tuần báo. Rồi từ đó tôi vào hẳn nghề làm báo viết văn, cùng với bạn bè ngày xưa nay cũng đeo đuổi nghề làm báo viết văn. Từ đã có vợ là Nhã Ca, cũng là người làm thơ viết văn. Chúng tôi trôi nổi với nghề nghiệp qua nhiều chục năm trời. Mẹ tôi từ Lào lại về, gia đình đoàn tụ, thế là đủ…

Cho đến ngày tôi trở thành kẻ ngã ngựa, rồi tù tội, mẹ vẫn không bỏ con, bỏ những đứa con không còn nhỏ dại gì, nhưng chúng quá khổ. Tôi lại gặp cụ ở phòng thăm nuôi, già yếu hốc hác. Con đường rừng hiểm trở, người thăm nuôi phải vịn nhau mà đi. Dù khổ sở nhưng tôi muốn được ở mãi bên mẹ.

Buổi sáng sớm tinh mơ tôi không còn nghe tiếng dép lẹp kẹp của mẹ ở nhà bên cạnh nữa, những âm thanh quen thuộc mà thân yêu ấy cho đến ngày hôm nay và đã vĩnh viễn mất hẳn, như nhiều cái tôi đã mất trong đời. Mẹ tôi đã có lần hứa về thăm quê hương, nhưng sức khoẻ cụ không cho phép.

Hai giờ rưỡi sáng, tôi đạp xe đạp vào phi trường tiễn mẹ. Phi trường đêm ấy lồng lộng gió. Tiễn mẹ đi đêm ấy, tôi linh cảm thấy không bao giờ còn được gặp mẹ nữa…Dáng cụ xiêu xiêu đi vào phòng cách ly, cụ lại dúi cho tôi những đồng tiền Việt Nam còn sót lại trong túi, như hồi mấy chục năm về trước. Phi trường bây giờ mở rộng khang trang hơn trước nhiều. Vì nghĩ chẳng bao giờ được gặp mẹ nữa, nên nước mắt tôi chảy ra, tôi khóc, như hồi nào ở số 38 ngõ Hoà Mã Hà Nội ngày mẹ tôi lên đường đi tìm cha tôi ở chiến khu Việt Bắc. Ngày đó tôi cũng sợ mất mẹ như bây giờ. Ngày đó chiến tranh dữ dội, mạng sống con người không có gì bảo đảm. Quê hương tôi vậy đó.

Đoán chừng mẹ đã đi rồi, tôi đạp xe ra khỏi phi trường, ánh đèn huỳnh quang vàng dọc theo lối đi dài sao mà buồn thế. Phi trường vẫn lộng gió. Tôi đạp xe vòng sân bay qua Ngã Tư Bẩy Hiền, xuống chợ Bà Quẹo, ngồi uống cà phê ở một quán cóc bên đường nhìn lên trời lúc gần về sáng. Tôi hy vọng rằng mẹ tôi từ trên máy bay nhìn xuống thấy quê hương, thấy Sài Gòn, thấy Biên Hoà nơi để mộ phần của bố tôi. Tôi nhỏ bằng hạt bụi trong mắt cụ không thể nhìn thấy được, nhưng cụ tưởng tượng ra đứa con của cụ đứng lóng ngóng ở đâu đó trong đám chúng sinh nhỏ bé này.

Nhiều buổi sáng thằng con út của tôi xách cái giỏ không ra cửa sổ đứng đón chờ bà nội để đưa quần áo giặt. Nó làm vì thói quen, vì nhớ bà nội. Con chó Ki thì bỏ ăn, nó nằm trên cái áo rách của mẹ tôi, về sau nó già quá rồi chết. Mười năm sau mưa gió đất xói mòn, bây giờ tôi không còn biết nấm mồ nó ở đâu, chỉ biết xương nó còn trong vườn.

Tất cả chúng con đều nhớ mẹ, bàng hoàng khi nhận được tin mẹ qua đời. Cụ thọ vào bậc nhất rồi nhưng sao tôi vẫn buồn. Cụ mất ngày 13 tháng 8 âm lịch bên Mỹ, còn hai ngày nữa là tết Trung Thu ở Việt Nam. Hôm nay ở đây tôi làm lễ phát tang cho mẹ, đúng vào ngày rằm Trung Thu, tôi e rằng trời lại mưa, như nhiều năm tôi ở miền Nam không bao giờ tôi được ngắm trăng rằm. Ở miền nam này nói đến chuyện rước đèn đêm rằm Trung Thu là chuyện hy hữu. Vì mùa này là mùa mưa bão ở miền Nam, tôi chưa thấy trăng rằm tháng Tám bao giờ trong 50 năm sống ở miền Nam. Mấy hôm nay tin khí tượng lại cho biết một cơn áp thấp nhiệt đới thổi qua đất nước tôi.

Thế mà đêm nay trời quang mây tạnh, tôi ra vườn sau ngồi pha trà ngắm trăng rằm. Tuy không sáng không đẹp như trăng rằm Trung Thu miền Bắc mà tôi đã sống thời thơ ấu. Tôi nhớ những đêm rằm trung thu ở Láng, mẹ tôi bầy cỗ cho tôi được chơi trò phá cỗ, rước đèn vòng quanh sân gạch. Rồi tôi ngủ thiếp đi trong lòng mẹ, trăng rằm trung Thu sáng vằng vặc.

Tuổi thơ ấu không bao giờ trở lại với tôi nữa. Tôi muốn khóc vì nhớ mẹ, nhưng còn nước mắt nữa đâu. Một đời mẹ gầân một thế kỷ nổi trôi theo vận nước. Những đau thương này thay cho những giọt nước mắt của đứa con nay đã già.


Rằm tháng Tám năm Gíáp Thân 2004
NGUYỄN THỤY LONG

--------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét