Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2024

DẤU THÁNH / Ngân Hà [ i.e. X .... ] -- trích : Việt Văn Mới, 26/04/ 2024 - Troyes-France.

 Việt Văn Mới

          


tranh của họa sĩ Hồ Hữu Thủ

DẤU THÁNH


1.

Chiếc xe ca mười hai chỗ chở chúng tôi bị kẹt cứng trên đường Nguyễn Thông, phường 19, quận 3. Sở dĩ tôi vẫn nhận ra nó sau hơn hai mươi năm bỏ xứ ra đi là vì những gốc cây bàng già nua, chúng vào đời trước tôi dăm bẩy năm, hôm nay mang trên người đầy thương tích bởi những vết thù của bầy thú hoang, oằn oại với những mùa hè dầu sôi lửa bỏng và những mùa đông ưu phiền đồng dạng với những mái tóc đã bạc mầu bơ vơ trên mảnh đất tạm dung, những con tim thất lạc nhau trong bão tố, và đây là con hẻm quen thuộc bên cạnh nhà thuốc Gác, bây giờ đổi ra thành tiệm massage và tắm hơi, nơi các quan ra vào. Con hẻm sâu ngày xưa lát bằng gạch vuông sạch sẽ phẳng phiu dấu đi những vết đời một thời tăm tối, nhưng luôn lưu lại những vết chân “ Bồ tát” có mặt ở khắp nơi lấp đầy những hố sâu ngăn cách, xoa dịu những khổ đau của chúng sinh, con hẻm với những lối đi dọc ngang, có nhà người em gái nhỏ của tôi chằng rõ bây giờ còn đó hay đã trôi dạt phương nào, chắc gì còn trụ lại trong cái thế giới hỗn mang vô thường này.

Trước mắt tôi đây là nhà Ga Sài gòn, bóng người nữ tu ( Sư cô ) khoác trên người chiếc áo dài tu phục mầu nâu gần chấm gót chân với túi vải cùng mầu đeo qua vai vừa lướt ngang qua tôi, vẻ hối hả len lỏi giữa đám đông trong khu nhà chờ đợi ở bến xe lửa Ga Sài gòn giữa lúc phái đoàn y tế của chúng tôi đang chật vật với đống hành lý ngổn ngang đang chất xuống sân ga từ một chiếc xe vận tải để mang theo với chúng tôi cùng chuyến xe lửa về ga Nha trang. Cái đám đông hổ lốn chen chúc nhau dành dựt nhau từng bước, người lớn với trẻ con cứ như đang chạy trốn cơn hoạn nạn đang diễn ra đâu đây, lẫn trong tiếng gọi nhau âm thanh như bị nhốt kín trong cái khung nhà lồng không thoát được ra ngoài làm bọn tôi muốn chóng mặt.

“…Người, người ở đâu ra mà lắm thế, thật vậy, nếu sai tôi ra đây đón ai đó thì chắc là tôi chịu thua”.Tôi đang lụng bụng một mình.

Thảo nào khi còn ở bên đó nghe người ta nói dân số ở đây lên đến cả chục triệu rồi và như thế bà Sư cô chỉ trong nháy mắt đủ biến mất trong cái rừng người ở chốn này. Tôi nhớn nhác nhìn theo bóng của bà đang biến mất trong đám đông, tiếc ngẩn ngơ muống đi tìm người nữ tu đó quá nhưng không biết phải làm thế nào, người đàn bà nhỏ thó như cánh bèo trôi giữa đám lục bình trên dòng đời ô uế, mà trôi về đâu, tôi đang bị chôn chân bởi đống hành lý ngổn ngang và phái đoàn chúng tôi phải tự lo liệu về đống hành lý này toàn là thuốc tây, dụng cụ y khoa dành cho đa khoa và dental đủ dùng cho ba tuần lễ liên tiếp trong các trạm khám bịnh và phát thuốc dọc từ Nha trang ra tới Đà nẵng, liệu ba mươi phút nữa chúng tôi sẽ sẵn sàng ngồi xuống ghế với chiếc vé trong tay hay chưa. Nghi lắm. Biết rằng bay nửa vòng trái đất về tới đây đâu phải để đi tìm Sư cô, nhưng nếu đây đích thực là người mà tôi muốn đi tìm thì quả thật là tôi vừa đánh mất cơ hội ngàn vàng và tôi sẽ không còn cơ duyên để gặp lại, chẳng khác nào như mây trời bay theo chiều gió, có bao giờ bay trở về chốn cũ. Bà là ai, tôi không biết tên, chưa một lần gặp gỡ, từ đâu tới và đang trên lộ trình đi đâu. Đúng là tôi đang tạo ra những rắc rối cho chính mình. Tại sao tôi lại không thanh thản, tự tại với xâu chuỗi trên tay như bà Sư cô vừa rồi, bước vội vã nhưng trong lòng vẫn ung dung trong cõi niết bàn mặc cho trần thế ngày đêm khuấy đục lẫn nhau trong kiếp ta bà. Giá mà giữa lúc này có một thiền sư nào gióng lên một hồi chuông chùa ngân nga như chiêu hồn đức Thế tôn trở về thì liệu Pháp thuật của Ngài có vãn hồi được cảnh chúng sinh đang sôi sùng sục như lúc này không ? Dĩ nhiên là mỗi người chúng tôi trong phái đoàn không thể có đủ thái độ từ bi như Sư cô vừa rồi, nhưng chúng tôi cũng không muốn ở mãi trong cảnh ô trọc này, mặc dù chưa biết đoạn đường sắp tới dài lê thê gần bẩy trăm cây số bầu khí trên xe lửa có hơn gì chỗ này không hay là phải trả một bài học thuộc lòng hơi đắt giá với Đức Thế tôn thế nào là cõi ta bà.

2.

Không rõ là sau lúc xe chuyển bánh đem chúng tôi ra khỏi cái xã hội bất đắc dĩ đó, tôi có còn nhớ gì về chuyện đã nhìn thấy Sư cô dáng mặt từ bi lúc vừa tới ga Saì gòn hay không, nhưng điều chưa quên được là bữa cơm chiều hôm đó theo lối hàng không service thì quả thật là khó quên vì món ăn chính lại cay đến bỏng miệng bao nhiêu năm xa quê không thể tin được người trong nước hôm nay ăn cay hơn cả dân Ấn độ, thảo nào mà thời nay họ trở nên nóng nảy hơn ngày xưa, không rõ đoán như vậy có đúng hay không hay là họ đánh mất sự kiên nhẫn và lòng vị tha bởi một nguyên tố nào khác.

Qua lớp kính nhìn ra ngoài, trời đang xuống, đám người lam lũ trong những rẫy nương đang trở về trên vai vác theo gùi khoai sắn và rau quả, con tầu đang đi về hướng bắc bên phải con tầu là hướng đông bên trái là hướng tây, nó ung dung chẻ đông tây ra làm hai phần bằng nhau đi ngay chính giữa, nó lịch sự vừa rúc lên hồi còi dài để chào tạm biệt cho cây cối hai bên đường và hẹn gặp lại mặt trời vào hừng đông sáng hôm sau trên bầu trời Nha trang với khuôn mặt hớn hở. Tiếng bát đĩa vẫn còn khua lanh canh ở phía cuối toa làm như món ăn cay quá khiến cho bữa ăn kéo dài hơn chăng.Từng hàng cột điện hay telephone gì đó đua nhau chạy giật lùi cùng với những làng mạc vài con phố nhỏ dọc hai bên đường đã lác đác lên đèn mặc dù ánh nắng cuối ngày vẫn còn vương vãi trên những chỏm cây cao, từng đàn chim gì không biết tên đang rủ nhau sải cánh quay về tổ, đời chúng thế mà may mắn, chẳng bị ai làm phiền chẳng ai có thể áp đặt lên đầu, lên cổ chúng chế độ độc tài hay tự do, sống có bầy nay đây, mai đó đói thì ăn, khát thì uống, vui thì hót, mệt thì tìm về tổ không một mảy may lo lắng u phiền thế chẳng phải là hay hơn loài người sao.Chúng chắc gì đã học được bài từ bi nào từ Đức Thế tôn, thế mà đời sống của chúng không khác chi trong cõi niết bàn. Bầu trời bỗng bị che lại vì con tầu đang lạc vào rừng cây phía trước, nó đã bỏ phố xá lên rừng “ Cớ sao lại buồn bỏ phố lên rừng…” không còn gì để nhìn, nên hai con mắt cũng không muốn đi rong chơi nữa, chúng đang muốn say “ Good night”.

Trong bóng tối nhận ra tôi đang lơ lửng bên ngoài con tầu, à mà không, tôi đang đi ngược về ga Sài gòn nghĩ đến lúc phải giáp mặt với cái ga khốn nạn ấy với đám người ngợm chết tiệt nháo nhào trong tiếng động nhốt kín trong nhà lồng làm tôi hoàng sợ, chưa hết, sau đó thì tôi phải làm thế nào mà trở lại với phái đoàn của tôi nữa chứ nhỉ, họ sẽ nhớn nhác đi tìm rồi có lẽ chương trình của họ sẽ bị xáo trộn, họ sẽ chia nhau đi tìm như tìm đứa trẻ thất lạc. Họa chăng chỉ có quyền phép của Đức Thích Ca mới tìm ra tôi, chiếc lá thu lẻ loi đang bị cuốn trôi theo dòng đời xuôi ngược. Tôi thấy tình trạng trước mắt quả là không ổn, nhưng sao tôi bất lực không tự làm chủ được mình như lúc trước, còn đang lúng túng chưa biết tính sao thì tôi đã về tới ga Sài gòn từ lúc nào.

Trước mặt tôi đám người lao xao như kiến lúc trước đã giải tán hết, bến ga hoang vắng như cõi lòng của một góa phụ vừa trải qua cơn bão đời quét sạch mọi dư âm hạnh phúc trôi theo dòng nước mắt mặn đắng xót xa, vài người hành khất thất thểu đi lại, trên những hàng ghế chờ đợi dăm ba người vô gia cư nằm co quắp ngủ gối đầu lên bọc hành trang, mớ gia tài chất chứa khổ đau, bên cạnh lũ mèo hoang đang sục sạo tìm tòi đồ ăn trong những thùng rác xung quanh và có thể sau mèo là lũ chuột cống chui lên như âm binh làm chủ tình hình đêm nay. Các phòng bán vé đã đóng cửa, người gác đêm lầm lũi đi lại làm nhiệm vụ nhưng vẫn để mặc mọi người và vật đang hiện diện mặc trên người chiếc áo đen có phản chiếu lấp lánh dưới ánh đèn. Nhưng về phía cuối nhà ga nơi không đủ ánh sáng đèn rọi xuống có ai dáng dấp một người đàn bà ngồi nơi hàng ghế cuối cùng kiên nhẫn âm thầm như pho tượng như chờ đợi ai làm tôi nhớ đến Sư cô hồi trưa tôi đã thấy. À, mà đúng thật là bà khi tôi chỉ còn cách lối mười thước làm tôi vô cùng hoang mang “Lý do tại sao, động lực nào xui khiến tôi trở lại đây với mục đích gì đã là điều khó hiểu rồi, thêm chuyện gặp lại Sư cô lại càng khó hiểu hơn, bức màn bí hiểm như tấm khăn liệm mầu đen bao trùm nhốt chặt tôi vào giữa…” pho tượng Sư cô đột nhiên hắt lên người tôi ánh mắt rạng ngời khi tôi vừa tiến đến gần, cặp mắt to đen lánh cho tôi nhận ra người vừa nhìn tôi là ánh mắt của một chân tu, nhân từ, chưa kịp mở lời thì Sư cô đã đứng dậy, cúi thấp đầu chào tôi như đã từng quen biết:

-Nam mô Adi đà Phật, xin tha lỗi cho kẻ hèn này, thầy có phải là TT mới từ nước ngoài về ?. Lời chào của Sư cô vừa khiêm tốn nhưng vừa xác quyết một sự thật không thể chối cãi được là giữa Sư cô và tôi đang có một mối liên hệ không biết từ đâu, ra sao , và sẽ như thế nào, bao nhiêu câu hỏi đang xoay mòng mòng và những con chữ đang gõ lên liên hồi. Tôi cố dằn chúng xuống và nhìn thẳng vào hai con mắt tinh tường như ánh sao đêm, đang chờ đợi một câu trả lời.

-Vâng, thưa Sư cô, chính tôi, chẳng hay Sư cô muốn gặp tôi có chuyện gì. Bản thân tôi không giỏi, tài hèn nhưng nếu như tôi có thể giúp Sư cô được điều gì thì tôi sẵn lòng.

-Nam mô Adi đà Phật, Nam mô Adi đà Phật, quả thật Ngài là Đấng siêu nhiên. Thưa thầy, kẻ hèn chỉ đáng là tiểu muội nương thân dưới bóng bồ tát có đâu dám làm phiền khách viễn phương nhưng vì câu chuyện mà tôi sắp thưa với thầy hơi dài dòng, ở đây thật không tiện chút nào cho thầy và cho cả tiểu muội, am của chúng tôi cách đây không xa lắm, kính mời thầy quá bộ, nơi cửa Phật tuy nghèo nàn nhưng thầy sẽ được an toàn thanh tịnh, không bị ai làm phiền.

Vừa đi vừa quan sát gương mặt Sư cô để tìm ra những nét giống như trong tấm hình trắng đen mà tôi còn cất giữ trong bóp với tôi đã ngoài hai mươi năm đang bị thời gian làm cho ố vàng. Cũng cặp môi cuộn tròn vuôn hai bên mép lõm vào trong thật ngây thơ nũng nịu tạo cho hai má tròn trĩnh lạ thường muốn cắn, cũng vết mụn ruồi nhỏ trên bờ môi ( mà ngày còn bên nhau, tôi gọi là dấu thánh, mặc dù ngày đó cả hai chẳng hiểu dấu thánh là dấu gì ! ) mọc gần cánh mũi và đôi mắt to đen lay láy vẫn phản chiếu bầu trời tuổi thơ.Chiếc mũ len cùng mầu với áo do ai đan rất khéo tạo dáng tươi trẻ như một Sư cô người mẫu. Tôi cũng muốn nhân cơ hội này tìm ra một vài chi tiết cần thiết để có thể giúp tôi tìm ra manh mối :

-Tôi có nên được biết quý danh của Sư cô không nhỉ.

-Nên lắm chứ thầy, gia đình gọi tôi là Phương Thảo, còn Pháp danh là Diệu Hoa, tùy thầy gọi tên nào cũng tiện hết. lời nói nghe ngọt ngào như miếng đường phổi của Sư cô cho tôi hiểu lần gặp gỡ kỳ lạ không hề báo trước này sẽ mang đến một hy vọng hoặc niềm vui bất ngờ.

3.

Chiếc lá bàng xanh, xanh hết cỡ của nó hứa hẹn với tôi một mùa xuân đầy hy vọng và một mùa thi may mắn cho cô học trò bé nhỏ của tôi vừa rụng xuống trong sân nhà nàng một cách tội tình, “ Ai đã gây nên tội để chiếc lá bàng phải chịu nỗi oan khiên thêm một nỗi bất công mà chỉ có Tiên Phật mớt giải oan cho kiếp phù sinh này” tôi ngỡ ngàng vội lượm nó lên như lượm một nỗi buồn của chính mình chứng tá của một chuyện không may. Không muốn cho nàng biết sẽ ảnh hưởng xấu đến tương lai của nàng và đem dấu kín trong cặp của tôi, lấy lại gương mặt vui tươi như mọi lần, vì nét mặt của tôi trong giờ dạy học đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự cố gắng và niềm tin của nàng đem ra đánh cuộc trong mùa thi này. Tính từ hôm nay chỉ còn đúng tháng nữa nàng phải đủ điều kiện để thi ra trường, cơn lo như chiếc bào đang bào mòn cơ thể của nàng, cặp mắt to đen lánh ngày nào trở nên thâm quầng vì thiếu ngủ, tóc tai biếng chải trông đến tội nghiệp, nhưng bướng bỉnh lắm không muốn nghe ai nói lời tội nghiệp vì tự ái cao hơn người, nhưng lại thích được nghe những lời mật ngọt.

Tôi đánh bóng đời nàng lên như người ta đánh bóng cái lư hương ngày tết và quả nhiên người con gái đã bước hẳn bàn chân vào trong giấc mơ mà tôi mới cài vào tim nàng, soi mình trong lăng kính vạn hoa thấy mình là cô tú và chỉ bước ra khi giấc mơ biến thành sự thật, nàng đã ra trường với số điểm rất cao làm tôi cũng không ngờ. Bước thành công có khi chỉ nhờ những lời khen tạo đươc cảm hứng, niềm tin như đứa bé học được cách buông diều.

Trong bữa tiệc mừng cô tú mới, cha mẹ nàng trong lời giới thiệu đã coi tôi như một nhà dìu dắt làm các bà cô, ông cậu ở những bàn bên cạnh bắt đầu xì xèo bàn tán. Những cơn nắng hạ đang giảm bớt cường độ vì những làn mây trắng bỗng xuất hiện rủ nhau lang thang bay về phía cuối trời vô tình không biết rằng trong sân trường tiếng ca của loài ve trên hàng phượng đỏ đang hát khúc tạ từ. Những cánh hoa phượng sau cùng như màu môi con gái rơi lã chã mang tâm sự buồn thay cho khi một số tà áo trắng phải xa rời bút nghiên để bước xuống đời, hoặc theo chồng như phiến lá thu bay qua khung trời bâng khuâng tuổi nhỏ không kịp chào tạm biệt ngôi trường, những hàng cây xanh, con phố nhỏ hay một lời hứa hẹn vì đâu biết trước bến đục, bến trong.

Trước khi quay về trường cho niên học mới, tôi trở lại con hẻm cũ đường Nguyễn Thông. Tiếng còi tầu nghe ray rứt lúc ra đi, như người ta không đành đoạn dứt áo ra đi giữa mùa màng mang hơi hướm hạnh phúc, phải, nàng có bao giờ bận tâm đến tiếng còi ai oán ấy không, nó cũng sẽ có lần thét lên như vậy trong lòng tôi một ngày không còn xa. “Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe…. người chia tay nhau cuối đường, ngày đi đêm tới, còn chút hao gầy…”. Thật vậy mọi người rồi sẽ rời ta khi họ tới bến, chỉ còn lại mình ta với bóng đêm trên tường ngồi đếm những hao gầy.

Nàng ngoan ngoãn đan tay trong tay tôi để tôi dìu đi, cảnh chùa vào thu càng thêm đìu hiu hay chính lòng tôi đang đìu hiu cũng không rõ nữa nhưng nàng không dấu được nét vui tươi mỗi lần đưa nàng tới đây. Chưa một lần nhõng nhẽo đòi được ngồi quán cà phê hoặc đi ăn kem hoặc cine hay mua sắm như những cô gái khác đồng lứa, em biết em đẹp và em trân quý nét đẹp tự nhiên nên không đòi hỏi không chưng diện, trong nhà không có nổi cái bàn phấn gương lược, hồi đầu tôi rất lấy làm lạ, nhưng sau lâu rồi cũng quen, vì thế không dễ để biết là em có cảm tình với tôi hay không đó là nét đẹp trong cảnh Phật, hay là nàng chỉ kính trọng tôi như người thầy kiên nhẫn và hy sinh vì nàng biết rõ là tôi không hề quan tâm đến những đồng bạc mà cha mẹ nàng trả cho tôi hàng tháng, nhưng tôi đọc được qua ánh mắt nàng vui tươi với cảnh chùa vắng lặng mùi hương trầm dường như làm cho nàng ngây ngất và tiếng chuông chiều làm cho tâm hồn bay bổng đâu đâu, tôi dìu nàng ngồi xuồng hai chiếc đôn bằng sứ đối diện với tôi, mắt hơi cúi xuống để tôi được tự nhiên ngắm nàng trong khu vườn nhà chùa cây cảnh rậm rạp tiết thu nhưng chưa có lá vàng dường như nàng đang muốn bộc bệch một tâm sự chiều nay. Tôi đưa nàng vào bánh xe lăn tròn:

-Em đã ghi danh ở phân khoa nào chưa, có lẽ em đã biết thời gian ghi danh gần hết rồi phải không.

-Dạ em biêt, nhưng em chưa ghi danh, môn em chọn có thể ghi danh trễ cũng được.

-Vậy, có lẽ chiều nay em có điều gì quan trọng muốn nói với anh. Qua câu trả lời ngắn gọn, nàng đang gián tiếp mở ra cái cánh cửa mà từ lâu nàng vẫn khép kín. Không có ngôi vườn nào kín đáo bằng ngôi vườn của người con gái, nhưng chiều nay nàng sẽ mở cổng để tôi bước vào:

-Tuy không nói ra nhưng có lẽ anh đã hiểu lòng em cũng như em đã biết lòng anh. Anh là cái vai mà người đàn bà nào cũng ao ước được có để dựa đầu vào. Giá mà em không đeo đuổi một lý tưởng nào khác như hầu hết mọi người con gái thì anh ơi, chính anh là người em phải chọn. Anh biết em yêu anh, nhưng xin anh đừng buồn, anh ơi lần sau gặp lại nhau thì em đã khoác lên người em bộ áo nâu xồng mất rồi, nhưng dầu vậy, không có nghĩa là mình sẽ mất nhau mãi mãi.

Hai chúng tôi không còn gì để nói thêm với nhau nữa, chiều xuống nhanh, hoàng hôn bóng tối sẽ tràn vào chia hai chúng tôi mỗi người một ngả. Nàng đến bên ôm lấy tôi và tôi ôm gọn nàng vào lòng hôn em nồng nàn đôi môi nàng run lên chờ đón nụ hôn đầu đời thơm tho chưa từng vướng bụi trần đôi môi trinh nguyên chưa từng nói tiếng yêu ai và không quên hôn lên cái “dấu thánh”, lần đầu và cũng là lần cuối. Người phật tử còn trẻ như nàng mà đã biết quán triệt tư tưởng nhà Phật một cách tiến bộ đâu là tình yêu cao thượng không thể đem đồng hóa với tội lỗi, trái lại cần phải được bộc lộ và thăng hoa như đóa sen xuất thân từ bùn lầy mà có, nếu quan niệm bùn lầy cũng như tình yêu, nụ hôn trai gái dành cho nhau là tội lỗi, thì chúng sinh vô phương thoát ra khỏi sáu kiếp luân hồi. Tôi cũng mong cho nàng học thông suốt kinh sử hướng dẫn giới trẻ sau này biết cân bằng cương giới và thế tục theo tinh thần Đạo Pháp cởi mở tiến bộ mang đến cho nền Phật học luồng gió mới vui tươi không còn câu nệ vào hình thức và những cương giới khô khan cùng sánh vai với những tôn giáo khác xây dựng thế giới Phật giáo sống đạo giữa đời ngay tại trần gian tạo nên nhịp cầu bước qua cõi Niết bàn bên kia, vòng luân hồi sẽ không còn lý do tồn tại nữa vì Niết bàn đã được xây dựng ngay tại cõi trần, chúng sinh sẽ không còn cảnh trầm luân, địa ngục và ma vương củng tự nó phải giải thể.

Từ nhà nàng ra về nhìn những phiến lá bàng không còn xanh sẽ làm tê tái một đêm đông khi những hạt mưa đầu mùa gõ đều trên mái nhà đồng điệu và lê thê, tiếng còi xe lửa tối nay sao da diết, thê lương đến thế như dao sắc cứa vào tâm hồn kẻ ở người đi trong đó có chúng tôi mỗi người một ngã rẽ hai con tầu hai thiết lộ, có bao nhiêu chông gai, bao nhiêu niềm vui bao nhiêu nỗi buồn đang chờ tại mỗi trạm ngừng, ga đời, ga tầu như nhau thôi, một sân khấu đời những ngọn đèn vàng bệch không soi rõ niềm đau vì ngày đêm làm nhân chứng cho những giọt nước mắt làm ướt át cuộc chia tay. Đèn đường hiu hắt soi bóng lè mình tôi trên hè phố và biết mình trở thành xa lạ trên những đoạn đời dọc ngang như con hẻm sẽ quên vết chân tôi.

4.

Tôi nhận ra đang đi về phía con hẻm cũ ngày xưa vẫn còn đây nhưng trơ tráo nhìn tôi như tên bụi đời. Một kỷ niệm đẹp đã rách nát theo bước chân người đi, và cũng chính căn nhà này, hôm nay đã xây tường gạch xung quanh, và cổng sắt làm theo mẫu bánh xe luân hồi, cây bàng trong sân hôm nay không còn nữa, nhưng rải rác nhiều chậu kiểng, bóng tối nhạt nhòa làm tôi không thể phân biệt được những loại cây gì. Phất phơ mùi hương trầm bay ra tận đầu ngõ. Phần hậu liêu hôm nay chính là mảnh sân nhỏ ngày xưa, hàng ghế gõ bày trong phòng khách vẫn còn đây, nhưng người xưa đâu rồi. Bao nhiêu kỷ niệm cũ chôn dấu bấy lâu bao nhiêu mùa thu đã qua đi bao nhiêu tuổi xuân đã hao mòn làm bạc trắng mái đầu tưởng như đã mòn mỏi theo thời gian, nhưng không chúng mãnh liệt như con sóng đang cồn cào tràn lên bờ làm đắm đuối tâm hồn tôi. Con sóng mang theo biển mặn làm lòng tôi vừa đau xót vừa quyến luyến .Có lẽ Sư cô nhận ra điều này nên chờ cho luồng sóng nguôi ngoai rút ra khơi rồi mới nhập đê bằng giọng rụt rè.

- Lúc ban đầu gặp nhau thầy đã nghi tiểu muội chính là Hương Thảo phải không. Sự kiện này chính là do cô học trò đã giữ kín với thầy trước đây thôi. Hương Thảo và tiểu muội là hai chị em song sinh giống nhau đến nỗi không ai phân biệt được từ gương mặt đến tính tình và giọng nói, chính cha mẹ đôi khi còn bị lầm lẫn, nếu thầy nghi thì cũng là chuyện thường.

Tôi nhận ra câu chuyện đang bắt đầu bằng những yếu tố không những mang dáng vẻ siêu thực mà còn siêu hình nữa, nó đang quyện lấy tôi như một đám mây và có lẽ trong đám mây sẽ xuất hiện điều tôi đang mong đợi. Lòng tôi bỗng se lại:

-Vậy, Sư cô hiện đang dấu người xưa của tôi nơi đâu, vui lòng cho tôi xin lại. Tôi không cố ý nói điều này ra, nhưng đã trễ không lấy lại được nữa. Điều này làm tôi khổ sở hơn.

-Tiểu muội đã hiểu lòng thầy đang nhầu nhĩ và tiểu muội xin với Đức Thế tôn cho tiểu muội can đảm nói lên điều thầy đang mong đợi.Sau khi tiểu muội cạn lời,hy vọng là thầy sẽ nhìn lại người xưa bằng xương, bằng thịt. Làn sương mù trở nên dầy đặc hơn lúc trước, giữa đêm hè mà sao băng giá như giữa mùa đông tuyết rơi, không chỉ bao vây lấy tôi mà còn bao vây luôn cả ngôi chùa như sắp diễn ra một sự nhập định mà từ trước tới giờ chỉ nghe nói bâng quơ rồi bỏ qua chứ không có thật, cơ hồ như những lời truyền tụng trong dân gian mà thôi. Tôi kiên nhẫn chờ xem hiện tượng giới như thế nào, trong thế giới quan của Phật giáo, một tín ngưỡng “ Vô thần” nhưng lại ngạt ngào thần linh.

-Người xưa của thầy ngày xuất gia đầu Phật hành trang là chí hướng chân thành,nàng chọn cho mình một cảnh giới để tu trì khác hẳn với cảnh giới của tiểu muội là phải sớm từ bỏ “ tự ngã”để lo vươn lên hàng “chân ngã”, nên chỉ nương cửa Phật được hơn một năm và nhận ra tiếng gọi của tình yêu mới là cái nghiệp của đời mình. Điều này rất bình thường và như bao nhiêu tập sinh khác khám phá ra nghiệp giới của mình trong những năm đầu, họ quay về sống đời vợ chồng rất hạnh phúc không hẳn chân tu là đã đắc đaọ, vợ chồng biết sống hài hòa là đắc đạo rồi. Chỉ tiếc rằng đời thì vô thường không có gì trụ lại mãi như mùa thu mỗi năm thay lá, em về thì thầy đã xa rồi, có ngọn gió chướng nào buồn nghe lời khấn vái của em để mang phiến lá xưa trả lại cho người. Khó quá. đường vào tình yêu mịt mùng và rưng rưng như khói hương vì chính tự tay em đã khép lại. Em đành tìm quên bằng con đường khoa cử và chờ cơ hội vượt biên. Em sống mà trái tim, linh hồn như đang lưu lạc chân trời góc bể tìm lại người mình yêu, cha mẹ cảm thông đành cho em quá giang trong một chuyến đi đầy may rủi, con thuyền lá tre giữa mùa biển động hoặc bị cướp biển không ai rõ, mọi người đã đi vào lòng biển khơi như một hành trình không may.Lòng đại dương bao la thật nhưng muôn đời khép kín.Mỗi kiếp nhân sinh một nghiệp chướng khép kín như nhau, bí hiểm như lòng đại dương.

Trời Phật- nói theo từ ngữ dân gian- cảm thương cho số kiếp bọt bèo nhưng tu thân tích đức đã nhiều đời nên dùng tình thương vô biên của Đức Thế âm bồ tát cho người xưa của thầy hôm nay được phép tái sinh vào kiếp người (Manusya ) cùng chung một xương thịt với tiểu muội. Trong hoàn cảnh hiếm hoi như hôm nay, nhằm ngày giỗ năm thứ 21, Hương Thảo đã báo mộng cho tiểu muội hãy ra sân ga Sài gòn sẽ gặp lại thầy cũ.

Vậy từ giờ phút này, tiểu muội tạm thời lui ra để hai người được gặp lại nhau.

Trong giấc mê đời, chiếc lá bàng xanh năm nào lúc này đang nằm gọn trong vòng tay của tôi, nhớ nhau đến nhức nhối và trong cơn nhức nhối ấy chúng tôi cùng quên đi quá khứ đau buồn và tôi đã thực sự cùng nàng bước vào khu vườn cấm mà nàng vẫn dành cho tôi.

5.

Tôi bị đánh thức dậy bởi những tiếng sấm nổ như súng đại bác và tiếng sét gầm gừ, hăm he như xé đât xé trời, làm gẫy đổ giấc mơ, nếu không, có lẽ tôi vẫn còn quanh quẩn trong giấc chiêm bao kỳ lạ như dòng suối chẩy lanh quanh không nhớ đường ra biển. Tôi tự dặn lòng sẽ ghi lại hết mọi chi tiết về giấc chiêm bao bắt nguồn từ câu chuyện tình có thật trong đời, sau hai mươi năm lẻ tình cờ nhìn thấy bà Sư cô có những nét đặc biệt như người tôi yêu xưa để vấn ý khi có dịp hội kiến với một vị thiền sư nào đó. Chiêm bao có bao giờ trở nên nhịp cầu ứng nghiệm để bước vào đời thực hay không, điều này không đủ hấp lực quyến rũ niềm tin của tôi cho tới ngày phái đoàn y tế đã hoàn tất mọi công tác. Chuyến xe lửa đưa chúng tôi trả vê cái ga quái ác mà ba tuần trước đây tôi vẫn chưa quên, nhưng lần này tôi tỏ ra hào hứng hơn nhiều, chẳng phải vì sắp được ăn các món lạ thuộc loài thời thượng nghe vừa lạ tai, lạ mắt và lạ miệng như thịt heo xề giả làm lợn rừng ăn vớt rau tiền vua uống rượu rắn hổ mang làm bằng plastic đang bơi trong hồ hoặc ngắm các em hầu bàn quảng cáo bộ đùi và gò nổng phơi ra từ những tấm thân “ bồ tát”, nhưng là hy vọng sẽ được gặp lại Sư cô và lần này tôi sẽ đi theo bắt sống nàng mang về nước để tìm cho ra sự thật, cứ như trong giấc mơ thì Sư cô cũng là em gái tôi thương và điều này làm tôi mãn nguyện.

Con tầu đang vào ga Sài gòn, đêm đã ập xuống từ lúc nào, trươc mắt tôi cái cảnh hỗn độn trước đây lạ hiện ra, nhưng lần này trong số kiến càng ấy không phải chỉ có một Sư cô mà là vô số Sư cô họ đang trà trộn trong đám đông và hớt hải đi tìm con tầu mà họ boarding, trời về đêm ánh đèn lúc tỏ lúc mờ khó mà nhận diện trong khi mọi người đang chờ tôi lên xe để về quán trọ.

Đêm sau cùng kiểm điểm lại hành lý để sáng sớm mai ra phi trường, tôi tìm thấy chiếc mũ len nâu của Sư cô trong backpack của tôi, lại thêm một bằng chứng khác không lý giải được, từ thực biến thành ảo rồi từ ảo trở nên thực. Có thể người từ thế giới bên kia đã “ nói” với tôi: “ Em vẫn là của anh đồng hành cùng với anh trong đời, hãy nói với em những lời mà anh chưa có dịp nói trước đây” thì cũng là điều hạnh phúc cho tôi. Nghĩ vậy, tôi thầm cám ơn em và sẽ giữ mãi nó trong đời.

Sau giờ check in một cách vất vả với những thủ tục rườm rà, những câu hỏi có tính các soi mói tạo sự khó dễ mà ai hay về xứ này cũng đều đã biết tẩy bầy hầy nhỏ mọn của họ, thì cũng vừa tới giờ bay, đã bước tới gần người soát vé, nhưng tôi lại có cảm giác một luồng nhãn điện đang rọi vào tôi với hấp lực rất mạnh khiến tôi dừng lại, ném cái nhìn về hướng đó, tôi đụng ngay vào ánh mắt sáng trưng của Sư cô, người tôi gặp trong chiêm bao, ngồi hàng ghế sau cùng cách tôi một cổng, đang chờ chuyến bay Domestic “ Diệu Hoa, Diệu Hoa…Diệu H..o..a..a” tôi gọi tên nàng, cả hai chúng tôi đều nhận ra nhau, đưa tay vẫy chào nhau, tôi bước đi mà trong lòng tạnh ráo, không còn bão nổi gió gào, sương tuyết bỗng tan đi và nhận ra mùa xuân đang nở hoa trên các ngón tay khua vẫy của nàng.

“ Vẫy tay, vẫy tay chào nhau
Một lần đầu và một lần cuối
Vẫy tay, vẫy tay chào nhau và trọn cuộc đời…”*
*CL

(Dec. 2021)




VVM.11.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét