CÁC NHÀ THƠ
VIẾT VỀ NGƯỜI BẠN ĐỜI CỦA MÌNH
N gạn ngữ phương Tây có câu :“Đằng sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của người phụ nữ”. Nói như thế có nghĩa là người vợ đóng góp trí tuệ và công sức không ít cho sự nghiệp của chồng.
Ngày xưa, ở Trung Hoa cũng như ở nước ta, phụ nữ không được coi trọng như nam giới, nhưng đối với nhà thơ thì người bạn đời bao giờ cũng là niềm khích lệ và an ủi. Có bà chịu thương chịu khó lo cho cuộc sống của chồng con như bà Tú Xương, có bà không ngại hiểm nguy lặn lội đến chốn đế kinh để minh oan cho chồng như bà Bùi Hữu Nghĩa, có bà là tri kỷ của chồng như bà Phan Bội Châu…. Những tấm gương ấy đời đời hãy còn truyền tụng.
Ông Ngô Thì Nhậm (1746-1803) sinh trong một gia đình đại thế tộc, đời đời đỗ đại khoa và nhận tước lộc cao quí của triều đình nhà Lê. Sau ông làm quan dưới triều Tây Sơn, gặp lúc đất nước loạn lạc, triều đại suy tàn, ông nghĩ đến vợ và viết bài thơ “Hoài nội” (Nhớ vợ) trong đó có mấy câu tỏ lòng thương vợ và ân hận:
Hối chẳng cùng vui cảnh ruộng đồng,
Đỉnh chung để lụy khách khuê phòng.
Ta lầm chân tới đường gai góc,
Nàng dắt con đi bước ngại ngùng.
(Nguyễn Sỹ Lâm dịch)
Ông hối tiếc đã không theo nghề nông, lại ham phú quí để lụy cho nàng, nhất là lúc nàng phải một mình dắt con chạy loạn. Lời thơ đầy vẻ hối tiếc, xót xa.
Ông Phan Thanh Giản (1796-1867) lúc từ giã vợ đi làm quan có mấy câu thơ lời lẽ rất thân mật, dặn dò rất ân cần :
Đường mây cười tớ ham giong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.
Ơn nước, nợ trai đành nỗi bận,
Cha già, nhà khó, cậy nhau cùng.
(Giã vợ đi làm quan)
Làm trai lo cho vẹn chữ trung thì khó tròn chữ hiếu nên phải nhờ vợ thay mình phụng dưỡng cha già trong cảnh nhà bần bách. Lời ủy thác ấy ân cần và tha thiết biết bao !
Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) lúc vui thì làm thơ trào phúng để cười đời, lúc buồn, khóc vợ thật ai oán xót xa. Đôi câu đối khóc vợ của ông tràn ngập tiếc thương và chan chứa cảm tình :
“Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, le te chân trước chân sau, vì tớ đỡ đần trong mọi việc,
Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, lấy ai kể lể chuyện trăm năm”.
Đôi câu đối toàn Nôm, không dùng chữ Hán, cũng không có một điển tích nào, thế mà lời hay ý đẹp biết bao ! Ấy cũng vì tình thì chân thật mà nghĩa lại mặn nồng.
Ông Tú Xương (1870-1907) mải theo đuổi nghiệp văn chương và ăn chơi phóng túng, chẳng mấy khi nhớ đến cuộc sống của vợ con. Có lúc nghĩ lại mới thấy cảm thương cho người vợ hiền tần tảo của mình đã bao năm cam chịu cảnh nhọc nhằn vất vả để lo cơm áo cho chồng, cho con, khác nào thân cò nơi quãng vắng :
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Khen vợ rồi lại tự trách mình :
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc !
Có chồng hờ hững cũng như không.
(Khen vợ)
Một câu chuyện thật cảm động là chuyện bà Bùi Hữu Nghĩa ; lúc ông Bùi làm tri huyện ở Vĩnh Long (1) dưới quyền của Tổng đốc Trương văn Uyển và Bố chánh Truyện, vì ghen ghét, hai tên này vu cho ông đã xúi dân Miên phá đập nước của người Hoa gây ra trận huyết chiến khiến nhiều người thiệt mạng và nhân đó buộc ông vào tử tội. Không nề gian nan vất vả, bà Bùi Hữu Nghĩa (tên thật là Nguyễn thị Tồn) ngồi ghe bầu lặn lội ra Huế để minh oan cho chồng. Bà đến Tam pháp ty khua ba hồi trống “kích cổ đăng văn” để kêu oan. Nhà vua cảm động vì tình thương chồng và lòng can đảm của bà nên tha tội tử hình cho ông Bùi Hữu Nghĩa nhưng buộc phải “quân tiền hiệu lực” để lập công chuộc tội.
Vợ ông từ kinh đô trở về, vì quá vất vả nên đến nửa đường thì bị bệnh mất. Ông đang ở trong quân ngũ, không về kịp, lúc về thì việc ma chay đã xong, ông làm bài văn tế vợ có những câu thật là thống thiết :
“Nơi kinh quốc mấy hồi trống gióng, biện bạch nầy oan nọ ức, đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng,
Chốn tỉnh đường một tiếng hét vang, hẵn hòi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều mất vía”.
Ông còn làm đôi liễn thờ vợ như sau :
“Ngã bần khanh năng trợ, ngã oan khanh năng minh, triều quận giai xưng khanh thị phụ,
Khanh bệnh ngã bất dược, khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu”.
Nghĩa là :
(Tớ nghèo mình lo giúp, tớ oan mình lo kêu, chòm xóm đều khen mình đáng vợ,
Mình đau tớ chẳng nuôi, mình chết tớ chẳng táng, non sông thẹn phận tớ làm chồng).
Bên Trung Hoa, thi hào Lý Bạch (701-762) đời Đường say rượu quanh năm suốt tháng, đôi khi tỉnh rượu chợt nhớ tới vợ, thấy mình quá vô tình nên làm bài thơ “Tặng nội” (Đưa cho vợ) :
Tam bách lục thập nhật, 三 百 六 十 日
Nhật nhật túy như nê. 日 日 醉 如 泥
Tuy vi Lý Bạch phụ 雖 為 李 白 婦
Hà dị Thái thường thê? 何 異 太 常 妻
Tản Đà dịch :
Ba trăm sáu chục ngày trời,
Ngày ngày say bét như đời con nê (2).
Vợ chàng Lý Bạch ta kia
Như ai vợ Thái thường xưa khác gì.
Thái thường tức Chu Trạch, làm quan Thái thường đời Hậu Hán. Ông có nhiệm vụ coi sóc tôn miếu của các vua nên giữ gìn trai giới rất nghiêm, thường ngủ ở nhà trai, ít khi về với vợ.
Lý Bạch so sánh như thế để tỏ ý thương vợ và tự trách mình không mấy khi quan tâm đến vợ và cũng xao lãng việc gối chăn.
Thi hào Bạch Cư Dị (772-846) đời Đường cũng có bài thơ “Tặng nội” lời lẽ thật thủy chung, chân thành và cảm động :
Tình lúc sống một nhà cùng ở,
Chết ra tro, một hố cùng chung.
Khuyên nhau thiên hạ cũng cùng,
Nữa chi mình vợ, ta chồng cùng nhau.
(Tản Đà dịch)
Nguyên văn :
(Sinh vi đồng thất thân, 生 為 同 室 親
Tử vi đồng huyệt trần. 死 為 同 穴 塵
Tha nhân thượng tương miễn, 她 人 尚 相 勉
Nhi huống ngã dữ quân). 而 況 我 與 君
Rồi ông nhắn nhủ vợ :
Giữ sao nghèo sạch nếp nhà,
Cùng nhau cho đến tuổi già cùng vui.
Nói chung, dưới mắt các nhà thơ, người vợ của mình bao giờ cũng là niềm an ủi, khích lệ, là bóng râm cho mình khi thất bại trên đường đời hay khi gặp những nỗi buồn đau thất vọng. Như thế, người bạn đời kia há chẳng phải là tri kỷ của chồng sao?.-./.
(1) Từ điển nhân vật lịch sử của Nguyễn Q. Thắng ghi là Trà Vinh.
(2) “Nê” là tên một con trùng sinh ở miền bể đông, có nước thì sống, cạn nước thì như bùn, vì thế gọi tên là “nê” (“nê” nghĩa là bùn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét