'Vua tiếng Việt' vừa trở lại
đã bị nhặt sạn
Vừa trở lại đã mắc lỗi
Game show Vua tiếng Việtkhai thác sự phong phú, giàu có và cả sự thâm thúy của tiếng Việt qua từ vựng, ngữ pháp, ca dao tục ngữ trong đời sống. Trải qua hai mùa, Vua tiếng Việt thu hút lượng khán giả khá lớn bởi đây là game show về kiến thức hiếm hoi trên truyền hình trong một vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên chương trình cũng nhiều lần mắc lỗi khiến chuyên gia ngôn ngữ phải lên tiếng. Mùa 3 vừa lên sóng đã mắc lỗi.
Ở tập 2 của mùa 3, Vua tiếng Việt dẫn ngữ liệu: “Đời hồi này như một ghánh phở bánh chương mỡ nguội đóng váng”, và đưa ra câu hỏi có bao nhiêu lỗi sai chính tả. Người chơi trả lời có hai lỗi. Chương trình chấp nhận và đưa ra đáp án hai lỗi sai chính tả đó là "ghánh" và "chương".
Nội dung gây tranh luận trong tập 2 của mùa 3. |
Tuy nhiên Vua tiếng Việt không cho biết cụ thể cách viết đúng của hai từ này.
Riêng với từ “chương”, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công - tác giả cuốn Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu - chỉ ra sai sót của chương trình. Theo ông "chương" trong "bánh chương" không hề sai chính tả.
"Chữ trướng (Hán) mà chữ Nôm mượn để ghi âm chương (bánh chương, cơm chương), chướng (chướng bụng), trướng (trướng bụng), rướn (rướn cổ)… trong Hán ngữ cũng có nghĩa là phình ra, trương lên, sưng phù... Cách đọc trương, chương, hay trướng, chướng… đều có nghĩa là phềnh lên, trương lên, nở ra, phình to...", nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công giải thích.
Ông khẳng định trong tay có ít nhất hơn 10 cuốn từ điển uy tín ghi nhận “chương” với nghĩa là “phềnh lên”, “chướng lên”, “nở ra” do để lâu, hoặc ngâm nước quá nhiều...
Trong đó có cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Viện Ngôn ngữ học). Đây chính là cuốn từ điển mà chương trình Vua tiếng Việt dùng để tra cứu.
Chương trình không ít lần bị nhặt sạn. |
Lần khác, cũng ở Vua tiếng Việt mùa 3, khi nói đến câu: “Cháy nhà ra mặt chuột”, cố vấn chương trình là TS. Đỗ Thanh Nga cung cấp thêm một phiên bản khác là “Cháy nhà ra mạch chuột”.
TS. Đỗ Thanh Nga giải thích: "mạch chuột là đường mà con chuột vẫn thông qua thông lại trong nhà để len lỏi kiếm ăn, khi cháy nhà mới phát hiện ra chỗ này chỗ kia có cái hang của chuột".
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công lại cho rằng câu “Cháy nhà ra mạch chuột” hoàn toàn vắng bóng trong những cuốn sách uy tín về tục ngữ.
Theo ông về mặt nghĩa đen, câu nói này chỉ là một “nguỵ bản” của một cá nhân nào đó, không phải là sản phẩm của dân gian.
Khó tránh sơ suất
Chuyên gia ngôn ngữ nêu quan điểm việc bổ sung ngữ liệu trong chương trình giúp người chơi và khán giả có thêm hiểu biết. Tuy nhiên ban cố vấn cần phải có sự suy xét, phân biệt thật giả, đúng sai, tránh “dĩ hư truyền hư”.
TS. ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ - thành viên ban cố vấn của Vua tiếng Việt - từng khẳng địnhsơ suất là khó tránh trong những chương trình truyền hình.
"Không chỉ tiếng Việt mà ngôn ngữ nào cũng vậy, không ai có thể biết tất cả từ vựng tiếng mẹ đẻ. Nếu đặt ra vấn đề cần biết giải thích và hiểu rõ về từng trường hợp thì học đến cả đời cũng không hết được bởi ngôn ngữ cũng là lịch sử, văn hóa, phong tục", TS. Đỗ Anh Vũ nói.
Ông khẳng định những người làm cẩn thận đến mức tối đa để tránh sai sót khi nhận lời làm cố vấn chương trình.
Ban cố vấn Vua tiếng Việt mùa 3 gồm nhà thơ Hữu Việt, TS văn học Đỗ Thanh Nga, PGS. Phạm Văn Tình, nhà thơ Lữ Mai, TSKH Đoàn Hương, nhà văn Trương Quý, TS Đỗ Anh Vũ.
================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét