Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Từ đây người biết thương người / Thái Kim Lan -- 30/04/ 2024. -- nguồn : văn việt / trích: giao blog/ hanoi.

 Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Từ đây người biết thương người

Thái Kim Lan

image 

Tôi vẫn còn nhớ như in cảm xúc của mình khi lần đầu biết được bài hát ấy, Mùa xuân đầu tiên, không những biết qua nghe, mà chính mình cũng tập hát giai điệu ấy nữa, hát đến thuộc lòng, dù không hát hay.

Năm ấy 1976, mùa xuân, dịp Tết. Thường lũ chúng tôi, những kẻ tha hương, sau này gọi tên là Việt kiều, cũng ăn Tết và làm văn nghệ Tết, Mùa xuân đầu tiên đến đúng dịp, đúng đề tài, mà tác giả là Văn Cao, Văn Cao của Thiên Thai, của Buồn tàn thu, của Suối mơ, của Bến xuân, những bài hát của thời thanh xuân mà không ít người trong chúng tôi thời học sinh, đã từng hát và đã từng sáng tác thành vũ khúc theo nhạc trong những buổi văn nghệ trường tổ chức. Cho nên chúng tôi mừng rỡ đón nhận bài hát như một tiết mục văn nghệ mừng xuân đầy ý nghĩa và đầy chất văn chương. Đối với lớp hậu sinh Văn Cao đã là hiện thân của thần tượng âm nhạc, mà Trịnh Công Sơn đã có lần gọi ông là Thánh nhạc. Chúng tôi đã hát và tin Văn Cao, giao trọn lòng tin vào âm giai nhịp điệu và lời ca ấy.

Mùa xuân 1976, miền Nam "bị mất" đối với người thoát chạy hay "được có" đối với người chiến thắng. Đã 8 tháng kể từ tháng 4/1975, đất nước còn ngỡ ngàng trong Cuộc Mới. Và nghe đâu những khúc ca đại thắng đang rung chuyển cả bầu trời nước Việt. Bài hát đến với chúng tôi vào mùa xuân ấy, và Văn Cao gọi tên là MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN. "Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên" và bước chân của mùa xuân, hay của Văn Cao, rất nhẹ nhàng và rất khẽ: bước của khói bay trên sông, bước của nắng trải mênh mông và của tiếng gà bên sông. Những bước đi êm không gây một chút huyên náo, không làm sướt một làn da, không gây tổn thương, một bước vô thanh, và nếu có tiếng thì chỉ là âm thanh của tiếng gà trưa, một âm thanh vang từ ngàn đời của quê hương.

Mộc mạc và đơn sơ ca từ ấy, khác với một Văn Cao lồng lộng ca từ mỹ lệ hay hùng tráng trong những bài ca bất hủ vang dội khác. Mùa xuân đầu tiên kiệm lời, chân chất từng chữ, tuồng như đã đạt đạo giới ngữ của một Trần Thái Tông, văn hay có thể làm xa chân lý, và... xa trái tim. Từ những con chữ đơn sơ ấy, nhẹ như tơ ấy, Văn Cao đã bộc lộ hết tấm lòng, trái tim mùa xuân đầu tiên của con người

"TỪ NAY NGƯỜI BIẾT QUÊ NGƯỜI, TỪ NAY NGƯỜI BIẾT THƯƠNG NGƯỜI, TỪ NAY NGƯỜI BIẾT YÊU NGƯỜI"

Thấy được quê hương, chữ "quê" ấy, có lẽ là chữ nòng cốt nhất của loài người khi sinh ra, nó làm rúng động trái tim của mỗi người, nặng kiếp hành nhân, "quê" như nơi trú ẩn cuối cùng cho bao kiếp lang thang, không chỉ trong văn chương Việt mà cả trong văn chương thế giới. Thấy biết được quê hương, đó là hạnh phúc. Và đối với những kẻ lìa quê, nhận diện được quê hương, đó là niềm vui đầu tiên trong cuộc đời trần thế. Quê nhà như nơi trú ẩn cuối cùng (hay đã là đầu tiên) của hiện sinh trần thế, và đó phải là nơi nuôi dưỡng tình thương... TỪ ẤY... VÀ NƠI ẤY CON NGƯỜI BIẾT THƯƠNG NGƯỜI YÊU NGƯỜI.

Chưa bao giờ ca từ của Văn Cao lại chất phác đến như thế trong mùa xuân mà ông nghĩ tiếng súng từ nay im bặt trên quê hương. Chân thành và chất phác từ con tim của người nghệ sĩ cảm nhận, khi mùa xuân mà ông mơ ước, lần đầu trở nên hiện thực, trong đó người thương người như mẹ được ôm con trở về... ấm áp tình thương người.

Ca từ mộc mạc như tấm chân tình, mà nhạc điệu lại sang trọng tây phương, điệu valse ấy, như thể cả thành phố nhảy múa trong mùa xuân ấy, nhảy múa trong một nhịp điệu mà J. Strauss đã một thời làm rộn rã thành Vienne với Khúc hát thanh xuân. Mùa xuân đầu tiên ấy "bình thường" cho tất cả mọi nhà, mọi con người không phân biệt, Văn Cao gọi là "mùa vui" của mọi trái tim Việt, nhưng lại tân kỳ lắm, Văn Cao đã biến chất quê thành một tác phẩm

cho mọi người… Có lẽ Mùa xuân đầu tiên là khúc ca xuân với âm giai valse tình tế nhất, Văn Cao đã giảm tính cuồng nhiệt có thể có giai điệu valse thành những lướt đi nhẹ nhàng như gió thoảng, lưu luyến như nắng trên sông... để tác phẩm mùa xuân này trở nên giai điệu mùa xuân Việt sánh vai trong nền nhạc quốc tế.

Khi bản nhạc của ông sau đó bị cấm ngay tại chính trên quê hương đang sục sôi chiến thắng, mùa xuân đầu tiên tắc thở chính trên quê hương của nó, thì tiếng hát lại cất lên tại thành phố Mạc Tư Khoa, và đã được đón nhận như tác phẩm Việt Nam độc đáo, hơn nửa vòng trái đất, và có lẽ cũng nhờ vậy mà bản nhạc đến tay chúng tôi tại thành phố Munchen???

Gần 20 năm sau kể từ 1976 ca khúc mới được phép hát chính thức và... có tai nghe. 45 năm sau khi nhớ lại bài hát, ngổn ngang thế sự đã chất đầy, tù đày, vượt biên, xác chìm biển sâu khó kể, phân biệt khai trừ giữa người và người đan chéo nhau như mắc cửi, sân hận chồng cao như núi, tham ái thế lực không thôi, người Việt vẫn phân lìa, tiếng chửi rủa vẫn đầy oán giận, nỗi buồn chia rẽ vẫn chưa thôi. 30/4 sắp đến trên mạng tiếng oán thán vết thương hầu như càng sâu...

Cho đến ngày mất của mình, người nhạc sĩ lão thành ngày một còng lưng cảm nhận ngậm ngùi biết mấy mùa xuân đầu tiên chưa về, hay chỉ là giấc mơ thôi... Và khi bản nhạc bắt đầu được nghe, ông đã không còn.

Nhưng âm giai còn đó, con tằm đến thác hãy còn vương tơ...

Tơ lòng ấy, từ nay người có biết thương người không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét