Lady Borton được mệnh danh là người phụ nữ Mỹ hiểu Việt Nam một cách cặn kẽ nhất. Bà đã đến cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ để giúp đỡ người dân. Lady Borton quyết định sang Việt Nam dù lúc này chiến tranh đang diễn ra. Năm 1969, ở tuổi 27, bà là y tá thuộc tổ chức Quaker Service (Mỹ), một tổ chức nhân đạo đến Việt Nam tình nguyện giúp đỡ cả hai phía, thúc đẩy hòa bình và công lý, khắc phục hậu quả chiến tranh. Bà đã nỗ lực đưa bệnh nhân đến và đi khỏi bệnh viện, đồng thời làm việc trong các đội dọn dẹp vùng đất bị ô nhiễm.
“Tôi là người tham gia phong trào hòa bình nhưng tôi là một người làm việc trực tiếp chứ không phải một người ra đường biểu tình. Vì thế, tôi muốn có mặt tại đó, muốn làm cái gì đó để giúp đỡ người dân Việt Nam. Lúc mà sang Việt Nam thì ở Quảng Ngãi, tôi thấy người dân quá nghèo, quá khổ do ảnh hưởng bởi chiến tranh.
Tôi chưa bao giờ hỏi người Việt Nam đứng ở đâu về mặt chính trị. Chúng tôi đối xử công bằng với bất cứ ai mà không đứng về phía nào. Bệnh nhân của chúng tôi là nông dân, nhiều người trong số họ là trẻ em bị cụt chân do bom mìn khi đang chăn trâu.
Tôi cũng thấu hiểu sự mất mát đau thương của cả người Mỹ khi họ tham gia cuộc chiến tranh này… Nước Mỹ chúng tôi cũng có rất nhiều những thanh niên bị Mỹ ép, bắt đi lính hoặc có một số ít họ đi lính tự nguyện nhưng nhiều người trong số đó họ đã không trở về hoặc họ bị thương, bị tàn tật hoặc họ bị mất tích... Là một người phụ nữ Mỹ trung thực, tôi cũng rất đau xót”, bà Lady Borton tâm sự.
Lúc chiến tranh kết thúc, để lập lại quan hệ phải có những người liên lạc. Theo bà Lady Borton, có hai người rất đặc biệt, đó là ông Dave Elder và một người nữa là ông John McAuliff. Họ đã đi lại giữa Washington và New York, lúc mà mới chỉ có đại diện của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.
Năm 1977, Bộ Ngoại giao Mỹ không cho phép đại diện chính phủ Việt Nam được đi ra ngoài khu vực Manhattan mà họ phải ở khu vực của Liên Hợp Quốc. “Mùa hè đó, chúng tôi cũng xin phép Bộ Ngoại giao Mỹ để mời họ đi vào Philadelphia dự picnic vào cuối tuần cùng với những người Mỹ trong phong trào hòa bình và cũng có một số người Việt tại Mỹ để gặp gỡ nhau. Đó không phải là những cuộc hội thảo hay họp hành mà chỉ là những cuộc họp mặt vui vẻ để mở ra quan hệ. Theo tôi, thời gian đó rất quan trọng, nếu không có những người tổ chức những sự kiện như ông Dave Elder và ông John McAuliff thì bây giờ để kỷ niệm quan hệ hai nước chắc là chưa thể có”, bà Lady Borton kể.
Ông John McAuliff cùng Quỹ Hòa giải và Phát triển đã triển khai cũng như lập kế hoạch kết nối, tăng cường trao đổi giữa các cá nhân và tổ chức phi chính phủ của Mỹ và Việt Nam. Ông đã có những nỗ lực trong ngoại giao nhân dân với Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua cũng như giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Kể từ lần đầu tiên năm 1969, bà Lady Borton đã đi lại giữa Việt Nam và Mỹ nhiều lần đến mức bà không thể đếm được. Bà đã trở lại nhiều tháng trong những năm 1980 để viết cuốn sách “After sorrow” (Tiếp sau nỗi buồn) - Một cuốn hồi ký về thời gian bà ở vùng nông thôn Việt Nam trong chiến tranh, giúp ích rất nhiều cho sự hiểu biết, bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh.
Tác phẩm của bà gần gũi với người dân vùng quê Việt Nam và là tiếng nói của sự hòa giải, đổi mới. Trong lời tựa cho cuốn sách “After Sorrow” của Lady Borton, nhà văn và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng Grace Paley đã viết: “Tôi hiểu rằng bà ấy đã thề yêu thương và thấu hiểu nhân dân Việt Nam, tất cả mọi người”.
Phải đến những năm 1990, bà mới chuyển đến Hà Nội để làm việc. “Tôi thích ở Mỹ nhưng khi tôi ở Hà Nội, nó giống như một cuộc sống khác. Đây là nhà của tôi bây giờ. Tôi cảm thấy như thể mình có cội nguồn ở đây, đây là nơi có bạn bè và cuộc sống của tôi”, bà chia sẻ.
Từ năm 1993 - 2004, là Trưởng Văn phòng đại diện của tổ chức Quaker tại Việt Nam, bà đã chỉ đạo thực hiện các dự án thủy lợi, nước sạch, giúp vốn cho phụ nữ nghèo cải thiện đời sống, giúp hiệu đính tiếng Anh cho các cơ quan báo chí, xuất bản ở Việt Nam, tổ chức nhiều cuộc giao lưu giữa các hội nhà văn và nhà xuất bản Mỹ và Việt Nam.
Có xuất thân hoàn toàn trái ngược nhau, bà đã kết bạn với nhiều người Mỹ chung chí hướng. Bà Lady Borton gặp Đại tá Thủy quân lục chiến Chuck Meadows vào cuối những năm 1990 khi ông trở lại Việt Nam nhằm khắc phục những thiệt hại mà chiến tranh Mỹ đã gây ra. Ông là Giám đốc điều hành của PeaceTrees Vietnam, một tổ chức giúp người Việt Nam tìm kiếm và vận chuyển an toàn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Khi một nơi nào đó được dọn sạch bom mìn, tổ chức này sẽ trồng cây ở đó. Ông Meadows cho biết các đội xử lý đã dọn sạch “hàng chục nghìn mẫu đất hiện có thể sản xuất được”.
Một người bạn khác là Mike Fey, người nhập ngũ năm 1967 và phục vụ trong một sư đoàn của quân đội Mỹ tại tỉnh Quảng Trị. Sau chiến tranh, ông trở thành nha sĩ. Lòng vị tha đã đưa ông đến với PeaceTrees Vietnam. Bà đã khuyến khích Mike làm một cuốn sách gồm nhiều bức ảnh chụp ở Việt Nam. “Tôi sẽ luôn biết ơn sự động viên và khích lệ của bà ấy”, ông viết trong cuốn “Một nơi xa xôi: Thăm lại Việt Nam”.
Bà cùng họa sĩ David Thomas cho xuất bản cuốn sách “Hồ Chí Minh - Một chân dung” nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2003) và giúp Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn cuốn sách “Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông 1931-1933 (Tư liệu và hình ảnh)” với những tư liệu mà bà thu thập được từ nhiều nước. Bà được Chính phủ Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị năm 1998.
Nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam, Lady Borton còn có tên tiếng Việt là Út Lý. Với rất nhiều công việc như viết báo, viết sách, dịch giả, làm từ thiện, bà không có mong muốn gì hơn là giúp thế giới hiểu rõ về lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam. Rất nhiều người biết nữ nhà văn Mỹ Lady Borton qua những tên gọi: “Sứ giả đem văn hóa Việt sang Mỹ và thế giới”, “Người phụ nữ Mỹ hiểu Việt Nam cặn kẽ nhất”, “Nhà văn đã sáng tác nhiều tác phẩm về Việt Nam”…
tác giả: Nguyên Bách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét