T.VẤN
& Bạn Hữu
Văn Học và Đời Sống
Ngộ Không:
Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 251)
Truyện hậu hiện đại (2)
Ở Việt Nam, ở đâu văn học cũng nhanh chóng thay hình đổi dạng, biến những thành tựu rực rỡ nhất và táo bạo nhất thì sau đấy trở thành khuôn sáo lỗi thời, văn học Việt Nam vẫn tiếp tục chìm đắm trong những cuộc khủng hoảng triền miên. Trong khi ở những nơi khác, nếu có khủng hoảng, sự khủng hoảng ấy thể hiện chủ yếu trong thơ; ở Việt Nam, ngược lại, sự khủng hoảng, theo tôi (Nguyễn Hưng Quốc), chủ yếu nằm ở thể truyện, từ truyện dài đến truyện ngắn.
Liên quan đến sự khủng hoảng của thể truyện, tôi có ba bằng chứng chính. Thứ nhất, trong khoảng trên dưới mười năm trở lại đây, tức từ sau sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài, thể truyện Việt Nam không còn sự thay đổi nào mang tính đột biến nữa.
Thứ hai, trong lúc khá đông nhà thơ biết thơ mình chưa hay cũng như chưa mới và không ngừng trăn trở tìm cách làm cho nó mới hơn và hay hơn, từ đó, tạo nên một số những thử nghiệm thú vị, có khi hơi ồn ào. Ngược lại, trong giới viết truyện, người ta lại chứng kiến một sự thinh lặng và hơn nữa, một sự bình yên một cách lạ lùng. Dường như ai cũng đã biết là mình sẽ viết như thế nào. Vấn đề còn lại chỉ là cảm hứng. Có cảm hứng là có tất cả. Những người viết không hay là bởi vì cảm hứng của họ đã cạn hoặc không còn nồng. Điều một số người tha thiết với tiền đồ văn học là tạo không khí sinh hoạt để nuôi dưỡng cảm hứng…
Thứ ba, như một trong những bằng chứng cho thấy sự khủng hoảng của “thể truyện”, là các quan điểm có tính chất “lý thuyết về thể truyện” tại Việt Nam phát triển rất chậm, cực kỳ chậm, chậm đến đáng kinh ngạc: Nghe những lời phát biểu về tiểu thuyết, đâu đó, trên báo chí, có khi từ những cây bút thành danh từ lâu, người ta không khỏi có cảm tưởng như đang sống ở thế kỷ… 19, thậm chí, đầu thế kỷ 19.
(Phỏng theo Nguyễn Hưng Quốc – Truyện: Một số vấn đề mỹ học)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Nhà tôi: Không phải là cái nhà để tôi ở mà là người bạn đời của mình hay theo tiếng Mỹ mình là…”một nửa kia”.
Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt
Chữ Việt gốc Tàu
Chữ Việt gốc Tầu là một đặc thù của văn hóa Đồng Nai – Cửu Long, là những chữ, mà ta dùng thẳng từ của người Tầu và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại.
Như:
Xá li – Trái lê Tầu. Hán Việt là “tuyết lê”. Ta gọi…ổi xá lị.
Yến – Đơn vị đo lường ngày xưa, khoảng 10 cân hay 6 kí lô.
Xính xáng – Tiên sinh hay thầy hoặc cô giáo.
Xế – Xe, tài xế là người lái xe.
Tía – Cha (Quảng Đông, Triều Châu gọi là dượng. Tía rất thông dụng ở miền Hậu Giang.
Con cò nó mổ con lươn
Bớ chị ghe lườn muốn tía tôi không
Dụ khị là…dụ khị. “Khị” là nó.
Và: Mũ là…cái nón.
(Lê Ngọc Trụ – Tầm nguyên tự điển Việt Nam)
Triết lý củ khoai
Lúc bé, thích định nghĩa về tình yêu A, ..là X, bây giờ lớn lại cuống cuồng, vì hoang mang, không biết tình yêu thật sự là gì cả
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Lại quả
Lễ thành hôn, tơ hồng, hợp cẩn xong xuôi, hai vợ chồng tân hôn trở về nhà gái mang theo lễ vật để tạ gia tiên ông bà cha mẹ, đi chào họ hàng thân nhân bên nhà gái sau đó đón bố mẹ và vài thân nhân sang nhà chú rể. Kể từ buổi đó, mẹ cô dâu mới chính thức tới nhà chú rể và nhà thông gia, vì trong lễ cưới, mẹ cô dâu (có nơi cả bố) không đi đưa dâu. Lễ lại mặt thường tiến hành vào ngày thứ hai hoặc thứ tư sau ngày cưới (gọi là nhị hỷ hoặc tứ hỷ) tuỳ theo khoảng cách xa gần và hoàn cảnh cụ thể mà định ngày.
Phỏng theo tục cổ Trung Hoa: nếu trong lễ lại mặt, có cái thủ lợn cắt lỗ tai tức là ngầm báo với nhà gái rằng nhà trai trả lại, vì con gái ông bà đã mất trinh (Đêm tân hôn có lót giấy bản, gọi là giấy thám trinh, để xem người con gái còn trinh tiết hay không. Nếu còn trinh thì trên giấy bản sẽ có mấy giọt máu. Mã Giám Sinh sau khi cưỡng ép phá trinh nàng Kiều xong dùng “Nước vỏ Lựu”, “Máu mào gà” hòng lường gạt làng chơi tưởng nhầm là Kiều vẫn còn trinh).
Chữ nghĩa làng…nhậu
Nàng rằng nàng chẳng sợ ai
Sợ thằng say rượu “ấy” dai đau nàng
Rượu ty (2)
Một mặt chính phủ bảo hộ đưa ra chính sách ngăn cấm các làng nghề, ngăn cản người dân tự nấu rượu, mặt khác lại bắt người dân phải tiêu thụ theo định mức các loại rượu do nhà máy rượu của chính phủ bảo hộ sản xuất (rượu công ty, còn gọi là rượu Ty).
Nhà nào đóng môn bài đặc biệt mới được cấp tấm bảng to bằng cỡ miếng gạch tàu vẽ chữ “RA” (viết tắt của Régie d’Acool – Sở rượu) về treo trước cửađể bán sản phẩm của Công ty rượu Đông Dương (Société françaises des Distilleries de l’Indochine, thường được dân gian gọi là Công ty Fontaine vì công ty này do A.Fontaine thành lập năm 1901, hãng độc quyền sản xuất kinh doanh trên toàn cõi Đông Dương loại rượu tương đối nhạt được nấu bằng gạo và ngô.
Ca dao: Điệp âm
Điệp âm là lối chơi chữ từ Trung Hoa, các nhà nho ta đã mang dùng trong ca dao, làm cho âm hưởng của từ ngữ dài ra. Bài ca dao dưới đây đã tận dụng lối chơi chữ này:
Năm năm, tháng tháng, ngày ngày
Lần lần, lữa lữa, rày rày, mai mai
Hoặc giả như:
Duyên duyên, ý ý, tình tình
Đây đây, đó đó, mình mình, ta ta
Năm năm, tháng tháng, ngày ngày
Chờ chờ, đợi đợi, rày rày, mai mai
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)
Hoa chúc
Ta có câu “Động phòng hoa chúc”, “hoa chúc” do chữ đuốc hoa tức cái đèn cầy, hay nến đốt trong phòng đêm tân hôn.
Tiếng “chúc” thời cổ là “đuốc”. Tức bó đóm to, tiếng Hán là “hỏa bả”. Bó đuốc chưa đốt gọi là “tiêu”. Đóng cọc xuống đất mà đốt gọi là “đình liệu”.
Vậy mà sau 15 năm lưu lạc, Kim Trọng xin Kiều xe tơ kết tóc, Kiều từ chối:
Chữ trinh đáng giá ngàn vàng
Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa
(Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)
Các ông Nghè thời xưa (8)
Thi cử tổ chức theo “tam khoa”: Thi Hương, thi Hội và thi Đình.
Hương là làng. Thi Hương là thi ở địa phương. Thi Hương qua được 3 kỳ gọi là sinh đồ, vượt qua 4 kỳ gọi là hương cống.
Hai danh hiệu này thời Minh Mạng 1829 đổi là tú tài và cử nhân, (tú tài, thi hai lần gọi là tú kép)..
(Thời Nguyễn có 8 trương thi địa phương: Hà Nội, Nam Định, – Thanh Hóa, Nghệ An – Thừa Thiên, Bình Định – An Giang, Gia Định – Riêng phố Tràng Thi, Hà Nội xưa là trường thi).
Thi Hội: Đỗ hương cống (cử nhân) thì được thi Hội. Hội là hội họp, tập trung lại ở khu vực lớn hoặc kinh đô. Nếu đỗ được gọi là tiến sĩ. Tiến sĩ là kẻ sĩ có tài được tiến cử cho vua dùng.
Thi Đình, sau 2năm thi Hương vào kinh đô thi đình, kỳ thi này không loại bỏ ai, chỉ sếp loại tiến sĩ thành 3 loại gọi là “tam giáp”.
– Tiến sĩ đệ nhất giáp chia làm tam khôi: Trạng Nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
– Tiến sĩ đệ nhị giáp gọi là Hoàng giáp.
– Tiến sĩ đệ tam giáp là tiến sĩ xuất thân.
Đỗ đầu cả 3 kỳ thi Hương, Hội và Đình được gọi là Tam nguyên.
Trước nhà Lý, Trần, Lê đỗ đầu thi Đình được gọi là trạng nguyên. Sau nhà Nguyễn bãi bỏ chức danh này. Khi tiến sĩ tân khoa đợi dưới mái hiên (miền Trung gọi là nghè) để vào vua ban thưởng. Vì vậy tiến sĩ còn được gọi là…ông Nghè.
(Trần Ngọc Thêm – Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam)
Chén thù chén tạc
Trong tửu lạc vong bần có câu “chén thù chén tạc” là uống hai người: chủ và khách. Bên chủ là bên “tạc” có nghĩa là chúc mừng. Bên khách là bên “thù” có nghĩa là uống đáp lại.
Tiếng Việt trong sáng
Trong chuyến du lịch Tam Đảo tôi (Nguyễn Dư) nghe lỏm được tại một khách sạn.
– Em làm giấy tờ cho anh để về thanh toán với cơ quan.
– Dạ vâng. Thế tên anh “nà” gì nào ?
– Lê Đức Linh,
– Nê Đức Ninh.
– Anh tên là Linh. Không phải Ninh.
– Ninh… Ninh… Thế tên anh viết bằng “nờ” dài hay “nờ” ngắn?
– Cái nhà cô này thật là ỡm ờ. “Nờ” của anh dài. Vừa ý chưa ?
Cô gái cười giòn tan :
– “Nờ” dài. Tí nữa thì em cắt cụt.
– Tưởng là chỉ có dê trên (d), dê dưới (g), i dài (y), i ngắn (i), bây giờ lại có cả “nờ” dài (l), nờ ngắn (n). Còn em, tên là gì ? Có trên dưới, ngắn dài gì không ?
– Dạ, em “nà” Xuân.
– Tên hay nhỉ, nhưng phải sờ mạnh (s) hay sờ nhẹ (x) mới chịu ?
Cô Xuân đỏ mặt, cười duyên :
– Nhè nhẹ thôi anh.
(Nguyễn Dư – “I” ngắn, “I” dài)
Huyên thiên
Huyên thiên – Huyên: tiếng nói ồn ào. Thiên: trời. Ý nói ầm ỹ vang lên tận trời. Người Tầu có câu huyên thiên náo địa.
Người Việt thì nói…huyên thuyên.
Truyện ngắn, truyện dài
Hỏi: Anh viết truyên dài nhiều hơn truyện ngắn, có phải truyện dài đối với anh dễ viết hơn truyện ngắn?
Đáp: Tôi không nghĩ là cái nào dễ cái nào khó. Chỉ là tùy hứng, chỉ là tùy đề tài. Có một điều là bây giờ, ở đây, tôi viết truyện dài không được, mà viết truyện ngắn thì cũng rất khó nhọc, thỉnh thoảng mổ mấy chữ mấy câu mấy dòng… cho nên cả năm trời mới mổ được một cái vài chục trang. Hồi xưa khi còn trẻ tôi viết lúc nào cũng được, ngồi đâu viết cũng được. Bây giờ già yếu bệnh tật, cái đầu còn tốt, nhưng sức thì không tốt, thế cho nên có khi phải lấy cái cũ mèm ngày xưa ra đem trả nợ ân tình.
Hỏi: Tiếp theo xin hỏi anh có nhận xét như thế nào với lập luận “truyện ngắn là một truyện dài thu gọn lại”, trong khi đó có những truyện ngắn (hay) nhưng lại gần như không có bố cục?
Đáp: Truyện ngắn không bao giờ là truyện dài thu gọn lại. Truyện ngắn là truyện ngắn. Nếu ai thu gọn một truyện dài lại thì đó có thể là một bản tóm tắt rút gọn, nó không phải là một truyện ngắn. Về bố cục thì có khi không bố cục là một bố cục.
Hỏi: Khi anh viết truyện ngắn hoặc truyện dài, kỹ thuật mà anh sử dụng có giống nhau không?
Đáp: Tôi nghĩ là có khác. Kỹ thuật viết một truyện ngắn thường phải xúc tích ngắn gọn, các tình tiết cần phải được gạn lọc, lựa chọn lấy những gì là điển hình nhất để đưa vào sử dụng mà thôi. Khi hành văn thì càng ngắn càng tốt.
Với truyện dài có hơi khác vì một đề tài mình muốn viết thành truyện dài là do vấn đề mình muốn nói trong đó cần phải có một cốt truyện dàn trải ra với những tình tiết diễn tiến để dẫn tới điều mà mình muốn tác phẩm ấy phải đạt tới… Tôi không biết nói sao thêm vì tôi không có khả năng lý luận văn học.
Tôi chỉ thấy là có khác biệt khi mình làm một tác phẩm ngắn và khi mình xây dựng một tác phẩm dài. Nhưng tôi không có ý nói một tác phẩm lớn phải là truyện dài hoặc thật dài còn một tác phẩm nhỏ thì không thể lớn.
(Đặng Phú Phong phỏng vấn nhà văn Thảo Trường)
Lâm
Lâm: chảy nhỏ mà lâu
(mưa lâm thâm)
(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Giai thoại làng văn xóm chữ
Tài nói láo
Truyện dân gian có nhiều, lâu nay bị thất lạc. Muốn cho đầy đủ thì quả là khó khăn, và cũng chưa biết đến bao giờ mới đạt được. Nên phải góp nhặt từng phần từng mảng, nhưng chúng tôi vẫn bằng lòng hàng chục năm nay với sự thu góp ấy.
Xưa, có một anh rất rành về khoa nói láo. Những câu chuyện anh ta bịa ra thần tình, khéo léo đến nỗi nhiều người đã biết tính anh ta rồi mà vẫn mắc lừa.
Nhờ cái tài ấy, anh ta nổi tiếng khắp vùng. Tiếng đồn đến tai quan. Một hôm, quan đòi anh ta đến nha môn, chỉ vào chồng tiền và một cây roi song to tướng để trên bàn:
-Ta nghe đồn anh nói láo tài lắm, lâu nay thiên hạ bị anh lừa nhiều rồi. Bây giờ anh hãy bịa ra một câu chuyện gì lừa được ta thì ta thưởng cho ba mươi quan tiền. Trái lại, anh không lừa nổi ta, thì sẵn chiếc roi song kia, ta cho anh ba chục roi.
Anh nói láo nghe xong, gãi đầu gãi tai bẩm:
-Lạy quan lớn, đèn trời soi xét. Quả bấy lâu nay con mắc tiếng oan, con có nói láo bao giờ đâu ạ ! Nguyên con có ông tằng tổ đời xưa đi sứ bên tàu, đem về được một bộ sách nói toàn chuyện lạ, con xem thấy hay hay, đem kể lại, nhưng chẳng ai tin, cứ bảo rằng con nói láo…
Câu trả lời gợi tính tò mò của quan. Quan liền bảo:
-Thế à? Vậy anh có thể cho ta mượn xem được không?
-Trăm lạy quan lớn. Ngài xá cho, vì….. con làm gì có sách ấy! Con nói láo đấy mà !
Bấy giờ quan mới ngã ngửa người ra.
(Vũ Ngọc Khánh – Kho tàng truyện dân gian)
Phù kiều
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thày
Kiều là cầu vì vậy “cầu kiều” đúng ra là phù kiều.
Vì “phù kiều” là cầu nổi. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có nhắc tới: Đội quân nọ bắc phù kiều…
(Bút Chì – Hiểu đúng thành ngữ, tục ngữ, điển tích)
Ngộ Không
(Sưu Tập)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét