T.VẤN
& Bạn Hữu
Văn Học và Đời Sống
Ngộ Không:
Chữ nghĩa làng văn (Kỳ 250)
Thuật nhi bất tác
Trong văn chương chữ nghĩa thỉnh thoảng có tác giả đề ra “Thuật nhi bất tác”. Hiểu theo nghĩa là truyện viết chỉ là chuyện kể, chứ chẳng sáng tác gì!
Thực ra câu này của Khổng Tử. Khi dịch thuật các Kinh, làm sách Xuân Thu để rao giảng đạo Nho của mình. Khổng Tử nói “Thuật nhi bất tác” hàm ý khiêm tốn là chỉ thuật lại đạo của người xưa chứ chẳng sáng tác chi!.
(Nguyễn Tử Quang – Điển hay tích lạ)
Chữ nghĩa hiện thực
Vạn sự khởi đầu nan.
Gian nan bắt đầu nản.
Ca dao tình tự (1)
Nói đến ngoại tình:
Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát, phần chồng, quả ngọt phần trai
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, nhớ trai thì nhiều
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)
Triết lý củ khoai
Lúc bé, vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi, là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó, rồi đi đó, như mưa bóng mây, hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy, có đó rồi mất đó. Và thật sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất.
Chữ Việt cổ (II)
Nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền (phường Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ), là người từ bao năm nay đã lặng lẽ bỏ bao công sức đi tìm và giải mã chữ Việt cổ.
Ông bắt đầu lặng thầm trên con đường tìm chữ Việt cổ. Ông tìm thấy bộ chữ 17 ký tự gọi là hoả tự (nhìn giống ngọn lửa cháy) của Vương Duy Trinh (năm 1903 Tổng đốc Thanh Hóa) viết trong “Thanh Hoá quan phong” in năm 1903 đã cho rằng đây là chữ Việt cổ còn sót lại ở Tây Bắc. Vương Duy Trinh viết: “Vì thập châu (vùng Tây Bắc) là nơi biên viễn (biên giới xa) nên dân ta còn lưu giữ được thứ chữ ấy. Các nơi khác, Sĩ Nhiếp (186) bắt bỏ hết để học Hán tự”. Ông tìm thấy bộ chữ Thái thổ tự của Phạm Thận Duật phát hiện năm 1855 cũng ở vùng Tây Bắc.
Ông đọc sách Thông giám cương mục của Chu Hi đời Tống nói: “Đời Đường Nghiêu thứ 5 (2352 trước công nguyên) người Nam Di Việt đến chầu, hiến con rùa lớn…”. Theo cổ sử Trung Quốc “vào thời Vua Nghiêu ( năm 2357 trước công nguyên) có sứ giả Việt Thường đến kinh đô tại Bình Dương (phía bắc sông Hoàng Hà – tỉnh Sơn Tây ngày nay) để dâng một con thần quy, vuông hơn ba thước, trên lưng có khắc chữ Khoa Đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở trở về sau”. Vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Lịch. Sách Lĩnh Nam Chích Quái của ta cũng ghi rõ điều này.
Trong một bản Ngọc phả từ thời vua Trần Thái Tông cũng ghi: “Nghiêu thế, Việt Thường thị kiến thiên tuế thần qui, bối hữu Khoa đẩu” nghĩa là thời vua Nghiêu, nước Việt Thường tặng rùa thần nghìn tuổi, lưng có chữ Khoa đẩu. Nhà nghiên cứu Lê Trọng Khánh cũng nhắc đến chữ khoa đẩu thời tiền sử của dân ta.
(Trần Vân Hạc – Chữ Việt cổ)
Tứ cố vô thân
“Cố” được hiểu theo nghĩa là cũ như “cố nhân” (người xưa), hoặc chết như “quá cố”.
Nhưng “cố” đây nghĩa là ngoảnh, quay đầu lại.
“Tứ cố” ngoảnh cổ, quay đầu lại bốn phía.
Câu “tứ cố vô thân” có nghĩa là “quay đầu lại bốn phía chẳng có ai là người thân”
(Duy Lý – báo Tự Do)
Đất lề quê thói với phong tục cổ truyền
Mới đẻ chưa đặt tên con
Theo phong tục, một người từ sinh ra đế khi chết mang rất nhiều tên gọi: Mới lọt lòng thì thằng Cu, thằng Cò, con Hĩm, thằng Mực, con Cún, thằng Chắt em, con Chắt ả… thường là đặt tên xấu cho dễ nuôi, đến khi lớn lên thì anh Hai, anh Ba, chị Bảy… lấy vợ lấy chồng thì anh Nhiêu, anh Đồ, chị Xã…Có con gọi theo tên con, có cháu đích tôn gọi theo tên cháu, đến khi chết thì đặt tên hèm gọi là hiệu để cúng, người có học thì tự đặt tên tự, người có chức tước thì đặt tên thuỵ, người có chức tước học vị cao sang thường được xưng tôn theo họ, hay tên địa phương: Cụ án Mai, Cụ Tam Nguyên Yên Đổ, ông Trạng Trình, ông Tú Vĩ Xuyên, Quan Thám Nam Sơn… Đó là theo phong tục xưng hô của Trung Hoa. Trong nhiều tên gọi nhưng chỉ có tên huý là chính: Tên huý là tên đặt khi vào sổ họ, khi vào làng ghi trong sổ hộ, khi đi học đặt khi vào sổ họ, khi vào làng ghi trong sổ hộ, khi đi học.
Tại sao mới đẻ chưa đặt tên chính (tên huý)?
Ngày nay đẻ ra la khai sinh, có thủ tục hộ tịch chặt chẽ. Ngày trước mỗi làng xã cúng có hương hộ lo sổ sách sinh tử, giá thú nhưng không chặt chẽ, Làng xà chỉ quan tâm đến sổ đinh (từ 18 tuổi), sổ điền để thu thuế và bắt lính, bắt phu, vì vậy vào sổ làng càng muộn càng hay, lớn lên đỡ được vài năm thuế thân, phu phen tạp dịch.
Ngày xưa, tình trạng hữu sinh vô dưỡng khá phổ biến, ít có gia đình sinh năm đẻ bảy được vuông tròn, vì vậy qua các tuần cữ mới tạm yên tâm, khi đó mới đặt tên huý.
Các họ mỗi năm tế tổ một lần. Trong dịp tế tổ, các gia đình có con cháu mới sinh sắm sửa cơi trầu, chai rượu, hương hoa, lễ vật đến nhà thờ họ yết cáo tiên tổ và vào sổ họ cho các con trai trước lễ yết cáo, ngày đó mới có tên huý chính thức, được họ hàng công nhận.
Trong khi vào sổ họ phải đối chiếu gia phả để xem có trùng tên các vị tiên tổ hoặc ông bà chú bác trong nội thân hay không. Nếu có tức là phạm huý thì phải đổi tên. Không những phải tránh phạm huý tổ tiên bên nội mà còn phải tránh phạm huý can cụ ông bà ngoại mặc dầu khác họ, tránh phạm huý hiệu của thành hoàng, thánh mẫu, linh thần từng làng xã, các vị có uy vọng trong làng, trong họ thường được dân chúng biếu trầu rượu và nhờ đặt tên cho con. Người đặt tên được gia đình đó nhớ ơn suốt đời.
Lâm dâm
Lâm dâm: nhỏ
(nói lâm dâm)
(Tự điển tiếng Việt cổ – Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện)
Làng nấu rượu
Năm 1933, do tình trạng buôn và nấu rượu lậu khó kiểm soát, do nguồn thu từ sản xuất và tiêu thụ rượu góp phần không nhỏ vào ngân sách, đồng thời, công nghiệp phát triển dẫn đến yêu cầu cồn ngày càng nhiều, rượu sản xuất công nghiệp không đủ đáp ứng yêu cầu của người dân. Vì thế chính quyền bảo hộ đã để cho một số làng nghề thủ công có truyền thống lâu đời nấu rượu thủ công ở Việt Nam, như:
Làng Vân (Bắc Giang), Kim Sơn (Ninh Bình), Xuân Lai (Sóc Sơn), Quan Đình (Từ Sơn), Đỗ Xá (Hải Dương), Văn Điển (Hà Nội) v.v. Họ tiếp tục sản xuất rượu để bán. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ của chính phủ bảo hộ để thu thuế.
Truyện hậu hiện đại (3)
Nếu chúng ta không thoát ra được một số những thành kiến văn hoá gắn liền với những khái niệm căn bản của “thể truyện”. Như chữ “tiểu thuyết” hay chữ “truyện”, chẳng hạn.
Tuy nhiên, điều không thể hoài nghi được là một số những ấn tượng xưa cũ gắn liền với chữ “tiểu thuyết” như là những câu chuyện lặt vặt và nhảm nhí ở đầu đường xó chợ chưa chắc đã được gột sạch khỏi tâm thức người Việt Nam. Cảm giác ít nhiều khinh thường tiểu thuyết dĩ nhiên không ngăn cản người Việt Nam mê đọc tiểu thuyết. Dù vậy, nó cũng khiến người ta đọc tiểu thuyết với chút gì như rẻ rúng, chủ yếu là để giải trí. Mà cũng chỉ giải trí một cách hời hợt: Được phiêu lưu theo cốt truyện.
Chính chữ “truyện” ấy là điều rất đáng nói. Trong tiếng Anh cũng có chữ truyện tương tự: story. Tuy nhiên, như là một thuật ngữ văn học, chữ story rất ít được dùng, phần lớn chỉ xuất hiện trong khái niệm truyện ngắn: short story. Còn với tiểu thuyết thì đã có chữ fiction hoặc chữ novel. Cả hai từ đều có nghĩa định tính hơn là chỉ thuần mô tả. Novel, ngoài nghĩa là tiểu thuyết, còn có nghĩa là mới. Hai ý nghĩa sóng đôi ấy tồn tại như một sự nhắc nhở âm thầm: Viết tiểu thuyết là viết một cái gì mới mẻ, chưa ai kể bao giờ. Chữ fiction cũng vậy, vừa có nghĩa là tiểu thuyết vừa có nghĩa là hư cấu và văn học tưởng tượng nói chung.
Hai ý nghĩa sóng đôi ấy lại cũng tồn tại như một sự nhắc nhở âm thầm: Viết tiểu thuyết là đi vào một thế giới tưởng tượng. Trong tiếng Việt, ngược lại. Ý nghĩa của sự nhắc nhở khác hẳn: Viết tiểu thuyết là viết truyện. Mà viết truyện là kể một câu chuyện.
(phỏng theo Nguyễn Hưng Quốc – Truyện: Một số vấn đề mỹ học)
Ca dao tình tự (2)
Nói đến ngoại tình:
Của chua ai thấy cũng thèm
Em cho chị mượn chồng em vài ngày
Chồng em đâu phải trâu cày
Mà cho chị mượn, cày ngày, cày đêm
(Bùi Kim Chi – Khảo luận về ca dao dân ca)
Chữ quốc ngữ (1)
Cho đến bây giờ, chúng ta chưa tìm biết được ai là tác giả đã đặt tên cho thứ chữ ghi âm theo mẫu tự La tinh là “chữ quốc ngữ”.
Thực ra đây là một trường hợp sử dụng từ sai lầm vì “quốc” là nước, “ngữ” là “tiếng”. “Quốc ngữ” là tiếng nói của một nước.
Như thế khi ta dùng từ ngữ “chữ quốc ngữ” để chỉ chữ viết của nước ta là sai hoàn toàn bởi lầm lộn giữa “văn tự” và tiếng nói (ngôn ngữ). Trong Việt Nam Văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm đã nêu vấn đề trên, nhưng theo ông thì “Từ ngữ này mọi người đã quen dùng rồi không đổi được nữa”.
(Trần Bích San – Văn Khảo)
Chữ nghĩa làng…nhậu
Rượu kim lan ve vàng chước tửu,
Em mở miệng chào bạn hữu tương tri
Bá Nha vắng mặt Tử Kỳ
Ôm đờn luống chịu sầu bi một mình.
Chữ Việt gốc Tầu
Có thể nói khoảng từ 50% tới 60% những chữ trong tiếng Việt là tiếng Hán Việt. Còn Chữ Việt gốc Tầu (hay tiếng Việt gốc Tầu) là những chữ, những âm mà ta dùng thẳng từ của người Tầu hiện tại và dùng âm của mẫu tự quốc ngữ viết lại (có khi hơi nói trại đi một chút vì không có chữ tương đương). Và khi ta nói lên tiếng đó, người Tầu “liên hệ” có thể hiểu được.
Thí dụ như:
Xí lắt léo là chữ Việt gốc Tầu. Chữ nguyên thủy Hán Việt là “tử liêu”. Triều Châu có nghĩa là…”chết”. Ta đọc trại đi là…xí lắt léo.
Hui nhị tì nghĩa là…chết, là về…nghĩa địa. Chết tiếng Quảng Đông và Triều Châu là hui. Tiếng Hán Việt là về.
Hò, xử, xang, xê, cống, líu là từ ngữ của cổ nhạc Nam phần. Nguyên gốc Hán Việt đọc là “Hà, sĩ, thượng, xích, công, lục”.
(Nguyễn Hữu Phước – đặc san Phù Sa Sông Cửu)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Đắng cay chua ngọt đã từng.
Anh mà bỏ rượu, em đừng có mơ.
Mì hay phở
Lần ghé thăm Đà Nẵng, được anh bạn rủ đi ăn mì Quảng. Mì là bánh phở làm bằng bột gạo. Ăn đang ngon, tôi lỡ dại buột miệng: “Mì ăn với… bánh phở à? Tưởng là mì thì phải ăn với mì chớ?” . Anh bạn hơi lúng túng : “Từ hồi nào tới giờ tiệm vẫn làm như vậy.
Ngày chia tay được ông anh của người bạn tặng cho cuốn Hương xưa của Lam Hà (Hội văn học nghệ thuật Quảng Nam, 2003). Tôi say mê đọc những bài viết của Lam Hà. Đặc biệt là bài Mì Quảng. Tình cảm sâu đậm. Hương vị ngất ngây. Lam Hà cho biết :
Gần như định lệ, tại xóm quê nào, ít ra cũng có đôi nhà sắm cối xay bột hoặc lò tráng để từ đó mọi gia đình có thể nhờ vả phương tiện tự túc làm mì. Với số gạo mùa đã vuốt và ngâm tự lúc nửa đêm, bây giờ đem xay và tráng, với mớ rau cải quơ quít quanh vườn, dầu mỡ có sẵn trong chai, gà trong chuồng đã nhốt, hoặc nếu cần, nách rổ qua một thôi đường chợ, người ta đã có một bữa mì tươm tất.(tr. 119).
Đúng là sợi mì Quảng truyền thống được làm bằng bột gạo. Tráng thành bánh, thái thành sợi. Hoàn toàn giống bánh phở. Hết thắc mắc sợi mì Quảng…Nhưng tôi vẫn còn thắc mắc tại sao mớ bánh phở pha nghệ kia lại được gọi là mì ?
(Nguyễn Dư – Chim viêt.free.fr)
Về hai câu thơ
Hai câu thơ:
“Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi”
Nguyên thủy là của Trần Danh Ánh thời Lê Mạt:
Phá toái lăng hoa tầm cựu ảnh
Trùng phong khâm tử hộ dư hương
Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương
Một hôm có hai ông bạn làm thơ, ông Thanh Tâm Tuyền và ông Cung Trầm Tưởng lên chơi. Chúng tôi ngồi dưới gốc chôm chôm, chuyện phiếm. Ông Cung Trầm Tưởng lai rai đọc thơ Quang Dũng, bài Đôi Mắt Người Sơn Tây: “Vừng trán em vương trời quê hương, Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương”. Nhà thơ tác giả Tiễn Em vốn ngày xưa học ở bên Pháp, chợt nghiêng đầu mà hỏi: “Sao lại buồn Tây Phương, sao lại có beauté grecque [vẻ đẹp Hy Lạp] ở đây kìa”.
Và Lô Răng trả lời, Tây Phương là chùa Tây Phương ở Sơn Tây.
(Nguyễn Quốc Trụ – Tạp ghi của ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc)
Chữ nghĩa lơ mơ lỗ mỗ
Ông Sui: là bố mình thân mật gọi bố của vợ mình.
Chứ không có nghĩa là “Mr Unlucky” đâu.
(Nguồn: từ sổ tay của một người Mỹ học tiếng Việt)
Mười phương
Từ chữ “thập phương”. Người ta thường nói “chín phương trời, mười phương Phật”, nghĩa là nhiều nơi tụ lại. Trong truyện Quan Âm có câu “Mười phương Phật chín phương trời – Chưa hay đến sự dưới đời oan ru ”.
Mười phương gồm có:
Đông, tây, nam, bắc, đông bắc, đông nam, tây bắc, tây nam, trên trời, dưới đất.
Ngộ Không
(Sưu Tập)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét