Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Tôi thành lập Đại Nam Văn Hiến Xuất Bản Cục như thế nào ? / Thế Phong -- trích: www.vanchuongviet.org> -- tphcm

 


Tôi Thành Lập Đại Nam Văn Hiến Xuất Bản Cục Như Thế Nào?
Thế Phong

“…Chúa ơi, xin Ngài tha thứ tổng giám đốc Jeef Bezos ( b. 1962 ,   d.-----    ) đừng vội ngắt hơi thở, để anh ta được sống lâu hơn, mãn nguyện cung cách làm giàu trên xương máu các tác giả, và tiếp tục thực thi dài dài kiểu” piracy- copyright infringement” – thu lượm quả ngọt trên cành , lại quên khuất công lao kẻ trồng!. Amen !”

 

 

Gặphọc giả  Nguyễn Hiến Lê  lần đầu từ bao giờ thì đành chịu, nhưng mải mải nhớ lại-   tôi gặp ông  tư gia , 50 đường Monceaux, Tân Định vào một buổi sáng. Tiếp tôi ở căn phòng nhà ngoài, nơi  cô giáo dạy  tư, nhưng buổi này không có lớp. Khi  tôi đang  nói chuyện với ông, thì một khách đứng tuồi, thân hình mập mạp, khuôn mặt chữ điền, từ ngoài đường bước vào- ông Lê giới thiệu ,đó là ông Nguyễn Hữu Văn, công chức Bưu điện, mới di cư vào Nam. (Nguyễn Hữu Văn, tên thật

Giản Chi).


 Ông này là tay dịch truyện Lỗ Tấn, chí đứng sau nhóm Hàn Thuyên là  Đặng Thái Mai mà thôi.  Tôi  không hỏi ông Văn dịch tác phẩm nào của Lỗ Tấn, song nhớ đích xác, ông ta dịch

một tập truyện Lỗ Tấn trước năm 1954 do nhà xuất bản Thế Giới ở 112 Phố Huế, giám đốc Nguyễn Văn Hợi  in và  phát hành.

 

Từ đó, tôi đến thăm ông thường xuyên hơn, nhất là sau 1957, tôi từ Rạch Giá trở về, với một va li đầy ắp bản thảo- đã đưa một số bản thảo đến Nha Thông tin Nam Phần xin cấp phép thì bị từ

chối.


 Ấy là tôi không phải kẻ xa lạ, vì giữa năm 1954- đầu 55,  từng tùy viên báo chí Tổng trưởng Thông tin và tuyên truyền Phạm Xuân Thái, hẳn chẳng lạ lùng gì với giám đốc Nha Thông tin Nam Phần Phan (?)Quang Bổng.. Tôi đưa ý kiến này bàn bạc cùng Nguyễn Hiến Lê, liệu có đương đầu với chính quyền.  Ấy là tôi đã có cuốn truyện đầu tay “ Tình sơn nữ “do Hoa Mai( Saigon)  xuất bản cuối 1954, và đầu năm 1955, Thế Giới ( Saigon) lại in và phát hành” Muốn hiểu chính trị” hay là” Tổ chức chính trrị thế giới” ( chủ soái nhóm Hàn Thuyên, nhà văn  Nguyễn Đức

Quỳnh viết tựa dưới bút danh Hà Việt Phương).  Ông Lê  đọc bản thảo xong,  trao “ Lược sử văn nghệ Việt nam / Nhà văn hậu chiến 1950-1956” với giấy phép đã cấp của Nha Thông Tin Nam Phần.,(*).


--------------------------------------

- (*) Tập này dầy 232 trang, khổ  21x27, in rô nê ô, năm 1996, bán 200 đồng/ cuốn – và tới 1996,  nhà phê bình  Thượng Sỹ

 ( 1906- 1997) tặng lại với hàng chữ  nguệch ngoạc” Kính tặng lại nhà văn Thế Phong, 1996 - Saigon ngày… THƯỢNG SỸ “…

- Tập này hiện cũng được lưu giữ tại Cornell University Libraries: ( Southeast Asia Catalog / Volume 6/ Vernacular Monographs : BurmaCambodiaVietnam, Chinese, Japanese  * Serials / Asia, BurmaCambodia/  G.K.Hall & Co., 70 Lincoln StreetBoston Massachusetts, 1976.(U.S.A.)

 

In xong,  ngoài việc gửi cho 30 đọc giả mua dài hạn, tôi đem một số sách ký gửi tại nhà sách Xuân Thu, ( Portail cũ -  do  gia nhân gíam mục Ngô ĐìnhThục mua lại Portail của Pháp- Cảm ơn Chúa vô cùng, vì họ nhận gửi bán và trưng bày sách ngoài tủ kính lớn  trông ra mặt đường Tự Do, ai đi qua đều nhìn thấy, nhưng số sách bán ra ít hơn nhiều, nếu so với sạp bán sách báo của

cô NGUYỆT ( góc đường Công Lý và Lê Lợi Saigon 1).

 

Ngoài việc ký gửi sách ra, tôi còn gửi thư  tới một số  văn hữu quen, báo tin Đại Nam văn hiến xuất bản cục do tôi chủ trương, hàng tháng sẽ xuất bản 1 đến 2 cuốn sách in rô nê ô, yêu cầu

mua ủng hộ ( sách dưới 100 trang với ấn phí 30 VNĐ, trên 100 trang  50 VNĐ – thư gửi đi, nếu không hồi âm trong vòng tháng , mặc nhiên văn hữu chấp nhận mua sách.. Sách, thư từ, tiền bạc gửi qua  Hộp thư 1123  Saigon,  Đường bá Bổn đứng tên quản nhiệm, bưu phiếu đề tên Đỗ mạnh Tường.).

 

Con dấu Đại Nam Văn Hiến rất lớn, khoảng 7cm x 7cm như một thách thức ngạo mạn  so với con dấu khá lớn Phủ Đầu Rồng của Tổng thống Diệm - tôi dùng một skectch của họa sĩ Ngọc Dũng phác họa đôi nam nữ qua vài nét- hàng chữ ĐẠI NAM VĂN HIẾN, SAIGON VIỆT NAM  viền xung quanh. Hồi đó, thời Đệ nhất Cộng hòa, muốn khắc dấu phải có Giấy giới thiệu, chẳng hiểu lý do nào chủ khắc dấu trên đường Nguyễn trung Trực ( Saigon 1) nhận làm mà không đòi Giấy giới thiệu.?  Tiền khắc dấu do thi sĩ Khải Triều ( Nguyễn Văn Tuy)  chi  trả, còn địa chỉ Đại  Nam văn hiến xuất bản cục đặt tại địa chỉ  504 Hồng Thập Tự ( Saigon 3), buộc phải in trên bìa sách-(nhà văn  Nhật  Tiến và Đỗ Phương Khanh đồng ý cho mượn )– cũng như sau này chuyển về 201/ 11 Nguyễn Huệ/ Phú Nhuận, được thi sĩ Diễm Châu và phu nhân Phạm Thị Sáng gật đầu chấp thuận.

 

Tập 1  “ Nhà văn tiền chiến 1950-1956”  được ký tặng đầu tiên ngày phát hành gửi tới tạp chí

Bách Khoa, 160 Phan Đình Phùng ( Saigon 3), báo Journal d’ Extrême Orient, nhật báo Ngôn Luận, tạp chí Sinh Lực …- như một tín hiệu  thông báo cho giới báo chí, làng văn Saigon biết.

Riêng về quảng cáo đăng ½ trang báo Bách Khoa, chủ biên  Lê Ngộ Châu đăng ròng rã khoảng 16 năm, không lấy một đồng quảng cáo. Lời cảm ơn muộn tặng Lê Ngộ Châu, được ghi trong sách” Nhà văn hậu chiến 1950-1956” bản  giấy nhũ (chưa in ).

 

Văn hữu đầu tiên tán đồng nhiệt tình việc in sách rô nê ô, đó là Nguyễn hiến Lê.. Thư tay, anh viết: :

 

”…điều thứ ba:  Sự phán đóan của  anh gần hợp với ý của tôi; phần nhiều những tác phẩm anh khen thì tôi cũng nhận là có giá trị, những nhà văn anh chê thì tôi cũng không thích. Những nhận xét của anh về Triều Sơn, Hoàng Thu Đông( Hoàng Trọng Miên- TP chú thích) đều đúng cả. Anh không nên ghi nhiều chữ Pháp quá. Đó là những nhận xét của tôi. Tôi nhắc lại, tôi phải phục sức đọc, sức viết và sức nhớ của anh. Cảm ơn anh một lần nữa…” ( thư riêng đề 17/ 4 / 1959).

 

Nhà văn Thanh Hữu (bút danh Lê Công Tâm) viết trên tạp chí Sinh Lực:

 

 “….Có lẽ đã lâu lắm, từ ngày Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan ‘ mác xít hóa”  tác phong; bộ môn phê bình cảo luận vắng teo những người” hướng đạo” cho du khách vào thăm vườn văn nghệ Việt Nam. Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng, giới” hướng đạo” cho du khách đã giải nghệ: họ chỉ lẳng lặng rút lui về một nhiệm vụ khác tương đối ít trách nhiệm hơn, điểm sách như chúng tôi đang điểm sách, một cách tùy hứng trên báo chí, tập san văn nghệ .(….).Phi thường vì chắc không dám bỏ 3 năm cặm cụi bên đèn để làm một công việc theo ý tưởng của mình, không một hy vọng mỏng manh hay một sự tán trợ nào, trong khi công nợ eo sèo và thêm phận mình nghèo” rớt mùng tơi”.. (….)

 

Không đi vào chi tiết; chúng tôi chỉ muốn đưa ra những ý kiến có tính cách giới thiệu và tổng luận.

Rất có thể ý kiến của tôi sai lầm hay còn nhiều điều tôi chưa đề cập. Một điều đáng quí: anh dám làm. Lại còn dám làm trong suốt 3 năm ròng rã với kiên nhẫn của các cụ già và lòng hăng hái của tuổi trẻ, dám vượt lên bao nhiêu trở lực ngổn ngang trong sự nghèo túng của mình- đó là một việc làm đầy sĩ khí đáng ca tụng. (….)

 

Hôm nay Thế Phong còn có thể có ít nhiều nhầm lẫn. Nhưng với khả năng rạt rào của tuổi trẻ, với lòng yêu văn nghệ đến đam mê, anh còn tiếp nhiều bước đi ngạc nhiên nữa trên lãnh vực này, để đào xới lại mảnh đất hoang phê bình cảo luận, bị bỏ quên trong nhiều năm.

 

Sự cố gắng của Thế Phong là sự cố gắng hoàn toàn văn nghệ, của một người văn nghệ biết mỉm cười cho chiều đi văn học sử. (….)… đôi lúc Thế Phong phê phán có vẻ độc tài và tàn nhẫn nữa; nhưng ta vẫn thấy rằng đó là một sự độc tài và tàn nhẫn không có tính cách tự cao, tự đại hay dao to búa lớn gì; mà nhiều tinh thần thẩm mỹ - dĩ nhiên là chủ quan nữa.  Ta quí sự nhận thức ấy

 ( tạp chí “ Sinh Lực”- chủ nhiệm Võ Văn  Trưng, Saigon 1959).

 

Nhật báo tiếng Pháp duy nhất ở Saigon, tờ Journal d’ Extrême Orient ( sau này tôi mới biết, đó là nhà báo, nhà văn Phạm Phạm chấp bút) thì anh viết như thế này :

 

“…Lược sử văn nghệ Việtnam, Histoire de la littérature viêtnamienne par Thế Phong).” Histoire de la littérature vietnamienne, òu l’auteur passé en revue les écrivains d’avant guerre 1930-1945. Cette oeuvre tirée sur  ronéo avec une triage limité, fruit de minutieuses recherches et d’une riche documentation donne une vue d’ensemble des diverses  sépoques et tendances des écrivains, des poètes  du Viet Nam, de leurs oeuvres, d’une littérature riche de plusieurs millénaires suivant le cours de l’ histoire.  C’est une synthèse remarquablement coordonnée, annotée par le critique literature éminent qu’est  Thế Phong qui  l’ achevée dans les derniers jours de Juin 1956.

( Jeudi, Décembre 1959 ).

 

Văn sĩ nhà báo  Triều Đẩu cộng tác với tạp chí Bách Khoa, cấm cuốn sách phê bình nhà văn hậu chiến 1950-1956 tới tận 504 Hồng Thập Tự đòi gặp tác giả. Cô Chi ( em vợ nhà văn Nhật Tiến) thấy một trung niên mặt mày bậm trợn, vẻ tức giận, đòi gặp Thế Phong, cô trả lời cách sỗ sàng:” ông gặp tác giả  để làm gì, ông ấy đi vắng rồi!”

 

Ít lâu sau trên báo Bách Khoa, một bài ngắn viết về” Lược sử văn nghệ Việt nam-Nhà văn hậu chiến 1950-1956”:

 

“… Ông Thế Phong vừa cho ra một loạt phê bình văn học. Đó là điều ai nấy đều mong đợi, bởi vì sau một thời gian,  chưa có người tiếp tay Vũ Ngọc Phan, chốc đà đằng đẵng 15 năm trời – đúng một thời gian luân lạc của cô Kiều. Ông Thế Phong đã có thiện chí làm việc tiếp tay ông Vũ Ngọc Phan, mặc dầu giữa thời đại đáng lẽ tiến bộ về mọi phương diện này, ông đã không được may mắn có những phương tiện ấn loát và trình bày như Vũ Ngọc Phan, Lỗi đó nhất định không phải hoàn toàn ở ông rồi. A ha ! Thời cuộc !...”

 ( Bách khoa số 56).

 

Tôi còn biết thêm được đôi ba chi tiết khác ở Pháp, nhắc tới  bộ sách phê bình văn học này :

 - giáo sư Maurice M. Durand và bác sĩ Nguyễn-TrầnHuân trong cuốn” Introduction à la littérature vietnamienne- tủ sách UNESCO xuất bản năm 1969 ( Paris), ghi chú:”  Lược sử văn nghệ Việt Nam- Histoite sommaire de la littérature vietnamienne làm tài liệu tham khảo văn học Việt nam hiện đại. .

 

-Giáo sư Bùi Xuân  Bào trong cuốn” Le Roman Vietnamien ContemporainSaigon 1972) dùng cuốn

 “ Lược sử văn nghệ Việt nam-Nhà văn tiền chiến 1930-1945” làm tài liệu tham  khảo’ chính’ luận -án -phụ tiến sĩ văn chương. ( Sorbonne 1960-1961 ). Dùng cụm từ” tham-khảo-chính”- bởi  ông Bào đã “ đạo” khá nhiều tư liệu văn học, thoát dịch, đưa vào luận án tiến sĩ văn chương từ đầu thập niên 60-  nhật báo “ Sóng thần”  thực hiện cuộc phỏng vấn” bỏ túi”  phanh  phui chuyện làm nhức đầu đương kim Khoa trưởng Đại học văn khoa Sài gòn dạo nào

. .

Dư luận việc in rô nê ô làm khó chịu không ít nhà văn. Thi dụ giám đốc Nha truyền thanh Saigon,

Pham Xuân Ninh nói thẳng vào mặt tôi -( khoảng 1961 ở Câu Lạc Bộ Văn Hóa, 142 Tự Do Saigon : “ đại để miền Nam no ấm, phồn vinh, sao phải in sách rô nê ô, như vậy làm mất mặt sĩ diện quốc gia là điều khó tránh khỏi?”

          

Chẳng bao lâu, Phạm Xuân Ninh đi tham dự văn bút quốc tế - chẳng lẽ chỉ vác bộ mặt trần trụi dự hội thảo sao?  Vậy là tập thơ “ Tiếng hát tự do”, ký bút danh Hoàng Trinh ra đời- điều đáng nói tập thơ này in rô-nê- ô.

      

Vậy thì cổ nhân dạy đâu có sai, chớ” cười người hôm trước, hôm sau bị người cười!”

Cũng có văn hữu vin cớ bị nhức đầu mỏi cổ, rướn mắt đọc sách rô nê ô, soi mói độc địa hơn, cho rằng tác giả trẻ tuổi háo danh, chẳng nhà xuất bản nào thèm in sách, nên phải in rô nê ô.

Khi in sách rô nê ô, tôi đã có vài tựa sách in ty pô xuất bản: Tình sơn nữ ,( truyện , Saigon 1954),  “ Đợi ngày chiến thắng”, (truyện ,Saigon 1955), Muốn hiểu chính  trị ( Saigon 195.5).


Một văn hữu khác, rất nhiều tài” vặt”, viết truyện cũng được, làm báo chẳng kém ai,  ngâm thơ, thổi sáo được trả cachet cao , viết báo được mời đòi  trả nhuận bút sộp, chế độ lính tráng thì từ

lính lác leo tới cấp  tá- tuy chưa đứng hàng” văn thám gia nô”, nhưng ngón nghề trị” bọn văn chương làm loạn” giao cho anh ta thì đàn áp rất hiệu quả ! Đó là Tô kiều Ngân, có một lần nói

với tôi:


:” .. sao TP ra được nhiều sách rô nê ô thế! Chẳng cần phải sai phái bọn viết báo” gia nô”  viết chửi bới làm gì cho tốn giấy mực, cứ tòm thằng cha nào cung cấp giấy stencil, giấy in duplicateur là xong ngay! “

 

Cũng có khi túng tiền mua giấy stencil, cả thức ăn hàng ngày, tôi tới nhà,  dạm hỏi Nguyễn hiến Lê có chịu mua sách quí hiếm không? Anh gật đầu, tôi đem “ Textes philosophiques” của Biélinsky ( Nhà xuất bản ngoại văn Mạc tư Khoa ấn hành ) gả bán, bây giờ không thể nhớ là được anh trả bao nhiêu?

 

Lúc này Sao Trên Rừng đến xin ở với tôi, anh em thổi cơm, đun nước, quét nhà, ta đều chung nhau gánh vác, kể cả gạo hết thì tôi phải xoay mua  gạo bằng được đổ đầy khạp. Tôi rất ngại khi đi vay tiền, hoặc phải cấm tiền của bạn  bè- vậy là tôi nhờ Sao Trên Rừng cầm sách Bíelinsky , kèm  thư gửi  ông Lê ở 123/ 3C Kỳ Đồng; dặn Sơn rất kỹ,  nhớ cầm tiền về cho đủ.

 

Ít lâu sau,  ông Lê viết thư hỏi, đã bán sách rồi ,còn hỏi vay thêm tiền, mà sao không thấy đề cập trong thư? Ông khen tập thơ in rô nê ô” Những bài tình đầu” của tác giả trẻ Sao Trên Rừng, khá nhiều  ý tưởng mới- nhưng” anh xác định là vay thêm tiền thì tôi mới đưa!”.

 

Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, ‘ thi sĩ Đoàn Thêm” cũng từng nhắc khéo, có anh bạn trẻ cầm thư tới, nhân danh  em của  Thế Phong đòi vay tiền.” Chàng đổng lý Phủ Tổng thống xem ra thạo đời, biên thư hỏi lại, xác định đúng, thì món tiền vay sẽ được trao ngay! Tuy không vay tiền, tôi vẫn chịu ơn  “ tay  nhà giàu làm thơ thì chau chuốt, dịch sách rất hoàn hảo, biên khảo thật giá trị’- sau 1975,  một vị đã qua đời đã mượn  tạm sách khảo luận của Đoàn Thêm  đưa vào tác phẩm. Một bài báo nhỏ ‘ bóc trần” vụ này, vị’ đạo văn”  can đảm nhận,  nhưng đổ tội cho con gái làm ở thư viện quên ghi chú thích. Quả:” ở đời muôn sự của chung / có hay là đã biết dùng hay không ?”- “ Nghĩa tử nghĩa tận”, ông ấy qua đời, nên xin chỉ  ghi tắt  tên ‘ đạo văn” kia là T.Q.V v. Lại còn một tay nữa, trẻ hơn, háo thắng, ngông nghênh, hãy  còn sống, viết biên khảo, sách luận về phê bình văn học ( cuộc sống ngông nghênh chẳng kém gì văn chương)  đã từng “ đạo sách dịch Đoàn Thêm” làm của riêng. Tôi nhớ anh ta mang họ Đỗ, không hiểu có phải cùng tổ tông ĐỗThích không ?  - nhưng cùng họ Đỗ với tôi là điều chắc chắn.

 

Tôi rất giận Sao Trên Rừng- khi  Đại Nam Văn Hiến mới in xong tập thơ cho cậu ấy-  tiền nợ nhà in rô nê ô chưa trả xong, mà cậu ấy  làm vậy thì chẳng ra sao cả. Cậu  về  tới nhà là leo lên cây trứng cá phía trước sân, tay ngắt trái chín , tay kia lùa vào miệng nhóp nhép,  nhằn hột rất khéo léo. Mời cậu xuống hỏi chuyện một chút, hỏi thẳng cậu cầm thư tôi tới ông Lê, ông Thêm,  sao cậu lại nhân danh em của thế Phong vay thêm tiền,  nhưng chưa kịp viết trong thư tay?  Cậu rất can đảm, gật đầu; tôi vốn nóng tính, bợp tai một cái, phán : “ … hai chục năm sau hãy trở lại gặp tôi”

 

Tới thập niên 90, tôi mới gặp lại Nguyễn Đức Sơn  (  Sao Trên Rừng ) ở  Chi nhánh Hội nhà văn tại phía Nam-  nữ thi sĩ  Ý Nhi, hình như biết chuyện xưa kia tôi từng bạt tai STR, chị cười cười giới thiệu,::”.. hai anh bắt tay nhau đi, vì bây giờ mới có cơ hội gặp lại, phải không ? ”.  Đành gật đầu vui vẻ, bắt tay thân thiên, tuyệt nhiên không nhắc chuyện xưa- tuy vậy, trước đó, tôi đã đọc một bài viết về  ‘ cái bạt tai mà  Nguyễn Đức Sơn phải gánh chịu, từ bàn tay hộ pháp Thế Phong, từ trước 1975”- do  văn hữu trẻ “ nằm vùng” Thái Ngọc San viết trên tạp chí “ Sông Hương”( Huế) dạo nào !

 

Từ 1961 đến 1963, in được nhiều tác phẩm rô nê ô, nào” Những bài tình đầu” / Sao Trên Rừng, “ Thơ Mỵ / Cao Mỵ Nhân, Người đàn bà không tóc/ Thế Phong, 11 nhà thơ mới nhất hôm nay/ Đường Bá Bổn, Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh / Thế Phong, và hai , ba tập thơ của

Thiết Tố ( Đinh Hoàng Trọng).,Năm chương tự ngôn ( hối  ức Triều Đẩu), Sau 20 năm ( hồi ký lịch sử  của Mai Lâm -Nguyễn Đắc Lộc., Hồi chuông tắt lửa / Thế Nguyên, Miền lưu đầy / thơ Ninh Chữ, Vun xới vườn tình/ thơ R. Tagore- Liên Hoàn dịch,  vv..

 

Văn hữu thường tới thăm tôi ở xóm đạo Tân sa Châu khi ấy là  thi sĩ Hoài Khanh từ Biên Hòa về, Cao Thế Dung, Khải  Triều, Uyên Thao, Nhị Thu, Cao Mỵ Nhân, Đào Minh Lượng, Triệu Bá Thiệp,  Vị Ý, Thế Nguyên, Diễm Châu,  Kiều thệ Thủy, vv…

 

Còn vài ân nhân nữa cấp stencil và giấy in rô nê ô - nhiều nhất là giám đốc Phan Văn Thức tòng sự tại Bộ Canh Nông, 58 Nguyễn Bỉnh Khiêm ( Saigon 1), sếp  của kỹ sư Bùi Tiến  Khôi  ( anh làm thơ ký Huy Lực). Đôi lần tôi lai tìm sếp Thức, nếu không gặp,  kỹ sư Khôi thường dắt tôi xuống căng tin uống cà phê.

 

Một sĩ quan cấp tá khác, chỉ huy trưởng trường Quân báo Cây Mai thường sai trung úy tùy viên Nguyễn văn Dưỡng (thi sĩ Văn Nguyên  Dưỡng, tác giả một  thi tập rất độc đáo)  đem tặng tôi

hàng chục ram giấy duplicateur. Phải cảm ơn ân nhân thôi, đó là soạn giả” Việt sử tân biên” , tập đầu  có`tựa của giáo sư Nguyễn Đăng Thục.

 

Nhóm tạp chí “ Văn Mới” của Thế Nguyên, Diễm Châu- Phạm văn Rao trước 1963- tiền than

nhóm “Trình bày” ( sau 1963)

Mời cùng đọc một bài viết Trần Trọng Phủ đăng trên” Văn Mới” số 2:

 

“….. Không” Sáng tạo”, không” Bách Khoa” , nhóm thanh niên rất gần Tô thùy Yên; qua những tạp chí “ Sinh Lực” ‘ Sống” ( Ngô Trọng Hiếu chủ nhiệm)  và trong những ngày gần đây qua loại sách quay rô nê ô của” Sùng chính viện” do Uyên Thao chủ trương và” Đại Nam văn hiến” do Thế Phong làm chủ biên đã đòi hỏi sự chú ý của những người yêu Thơ. Một sự đòi hỏi chính đáng.

 

Tủ sách” Sùng chính viện” của Uyên Thao giới thiệu Nhị Thu với” Mây Hà Nội”, Hoàng  Nguyên tức Bùi Bình Hiếu với” Thiết tha”, Đào Minh Lượng với” Vô cùng” và Thế Phong với “  Sai Biệt”… thì ngưng hoạt động.

 

Thế Phong vốn sẵn dùng phương tiện” ronéotypé” này từ trước, nay lại tiếp tay với Uyên Thao trong loại sách” Sùng chính viện”, khổ nhỏ hơn những tác phẩm trước do” Đại Nam văn hiến”, cho quay ronéo rẻ hơn qua những thi phẩm mà Uyên Thao cho ra đời- Thế Phong giới thiệu chính mình qua” Vương miện Mai- A”, và giới thiệu Cao Mỵ Nhân qua” Thơ Mỵ”..

 

Những tập thơ” Mây Hà Nội”, “ Thiết Tha”, và” Vô cùng”  hiện nay rất khó kiếm. Bạn đọc có thể có một ý niệm sâu rộng về” Mây Hà Nội” và “ Vô cùng”, hiện nay rất khó kiếm. Bạn đọc có thể có một ý niệm sâu rộng về “ Mây Hà Nội” và” Vô cùng”, qua nhận định của  Thế Phong- Đường Bá Bổn / Mưới hai nhà thơ mới nhất hôm nay”:

 

“…” Mây Hà Nội”  gồm những bài thơ lục bát, năm chữ, thơ mới. Tuy có mang đề tài bất khuất với xây dựng cuộc sống mới cách mạng, nhưng kỹ thuật quá hiền lành, âm thanh, từ ngữ tròn trịa kiểu thơ tiền chiến.

 

“ Vô cùng” của Đào Minh Lượng hùng hồn hơn, xác định vị trí một người trí` thức trẻ tuổi mang trong mình hoài bão, cũng như nỗi thống khổ của cuộc sống hiện tại.  Tâm trạng Đào Minh Lượng dẫn ông tới tư tưởng siêu hình rất dễ dàng,(nhưng)  kỹ thuật đặc sệt lối viết thơ Jacques Prévert. Còn ý tứ thơ cũng chưa vô cùng đủ…( nhưng dầu sao) .“ Vô cùng” ( vẫn)  là một trong những tập thơ đáng được tìm đọc nhất hôm nay…”

 

Còn ông Hoàng Nguyên- Bùi  Khải  Nguyên với tập” Thiết tha”, đã cho người đọc thấy rõ tâm hồn tha thiết tác giả  đối với cuộc sống lý tưởng, tình yêu và xã hội.  Từ những bài đầu tha thiết như “ Tóc mun” , ông đã đưa người đọc vào một thế giới của nổi loạn. Màu sắc xã hội rõ rệt nhất trong nhà thơ này là tập ” Thiết tha”. Tuy vậy, ở một vài bài, Bùi Khải Nguyên quá lộ liễu, khiến ngưới đọc có cảm nghĩ là ông tuyên ngôn thơ nhiều quá.  Những bài thơ ghi lại kinh nghiệm đớn đau , uất hận, cũng là cách giãi bày như” Ẩn ức” có sức chiêu dụ tột độ…

 

Đến Thế Phong, một tiểu thuyết gia cách mạng lãng mạn của Hà Nội 1948-1954, một cây bút bình luận dưới bút hiệu Đường Bá Bổn, một người hoạt động vô cùng, tưởng như anh hùng không biết thấm mệt ;trong mấy năm gần đây ở Saigon, còn là một nhà thơ.  “ Thơ” và” Sách” của ông từ giai đoạn ông viết LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆTNAM tới nay đều được quay ronéo.

 

Việc quay ronéo này không có gì lạ ở ngoại quốc, như ở Mỹ chẳng hạn, thi sĩ kiêm phê bình gia Yvor Winters quay tờ báo” The Gyrocope” bằng ronéo. Từ đó ( ở Saigon)  việc quay  bằng ronéo, chỉ thấy ở Thế Phong- Đường Bá Bổn là tha thiết hơn cả. In với giá bán 100 đồng, 200 đồng- một tác phẩm quảng cáo không công cho những hãng kính thuốc !  Tới nay, ông nghiên cứu quay những tập ronéo, với những mẫu bìa hấp dẫn hơn, và gía rẻ hơn; thì kết quả có phần khả quan hơn trước.  Chúng tôi được một người bạn của Thế Phong tiết lộ: “ ít lâu nay con số các thi nhân mới tìm tới Thế Phong cậy in tác phẩm ngày càng đông.”

 

Thế Phong đã cho quay ba tập thơ tất cả:” Nếu anh có em là vợ”, “Sai biệt”,” Vương miện Mai  A”. Thế Phong đối với cách mạng, với những hoài bão xây dựng lại cuộc đời. Và cuộc đời nhược tiểu được sắp xếp lại, theo nhà thơ, thì:

 

“…Nhân loại ấy anh có em là vợ

con nhà cách mạng chính trị gia

và khi ấy hai ta

anh và em

chúng ta trẩy hội

chúng ta r a biển cả

chúng ta lên rừng khơi

chúng ta khắc thơ lên đá

em mỉm cười

nhìn nhân loại đại đồng…”

 

Giai đoạn 1959 này ( chịu) ảnh hưởng Trần Dần, Phùng Quán. Chúng tôi bỏ qua thi phẩm” Sai biệt”( chúng tôi mới có dịp lướt qua, nên chưa đủ thâu nhận một thi phẩm hiện nay không thề kiếm( ra) được ).

 

“ Vương miện Mai A” là thi phẩm thứ 3 của Thế Phong, không phải là lối thơ của nhóm” Sáng tạo”, nó chẳng khác gì về sự tước bỏ niêm luật; nhưng khác ở chỗ ý tứ.  Gay gắt hơn, thấm thía hơn, tha thiết và đậm tin tưởng ở tương lai, ở cuộc đời hơn. ( Bởi) Thế Phong vẫn tự hào là cách mạng đến xương tủy –trong thời gian giao tiếp với một lãnh tụ văn nghệ ở đây, (nói  về Nguyễn Đức Quỳnh, chủ soái”  Đàm trường viễn kiến “ - TP chú thích) Thế Phong mang thêm trong thơ ý tưởng đập phá, với cái lối coi con người như một phương tiện.

 

Mối tình của Thế Phong với một nữ sĩ hiện nay đã xuất ngoại cũng khiến ông viết được mấy bài thơ cảm động ( nói  về nữ văn sĩ Linh Bảo- không cần phải che giấu nữa,  bởi Tạ Tỵ đã viết ra rồi- TP chú thích) , Hãy tim đọc” Dạy dỗ”  trong” Vương miện Mai A”  để thấy cái khí phách và nhân bản tính ở một cá  nhân đầy rẫy điều tiếng như Thế Phong- Đường Bá Bổn.

Đừng đòi hỏi ‘ thơ” ở Thế Phong.

Hãy coi ông làm cách mạng.

 

Nhà thơ được Thế Phong giới  thiệu trong” Loại sách “ Đại Nam văn hiến” là  cô Cao Mỵ Nhân.

Thực ra, tập “ Thơ MỴ” này, Uyên Thao đã định in ở” Sùng chính viện”. Nay Thế Phong lựa lọc những bài thơ mà ông cho là hay nhất của cô Cao Mỵ Nhân để trình bày với độc giả. (*)

 

“ Thơ MỴ” in rõ những nét đời sống của cô. Những bài lục bát của cô mạnh dạn như thơ của nam giới, cô còn viết những bài thơ kiểu tiền chiến nói về cây cỏ, đất nước, tình yêu.  “Cây cỏ”,” đất nước”… được nhìn qua con mắt hướng đạo viên.  Tình yêu thì nhỏ nhẹ, tha thiết, nhưng đôi lúc len vào một thoáng hoài nghi và lắm khi lại xen cả những tình ý bạo dạn, liều lĩnh. Đ6i khi thơ cô có  điệu già nua, vay mượn. Tưởng thế thôi, chứ đọc tiếp, ta vẫn lại phải nhìn nhận rằng những nét già nua chỉ là thoáng bắt, và diễn tả lý thú hơn cả tính độc lập trong cuộc sống của Cao Mỵ Nhân.

Tóm lại, “ Thơ MỴ” giản dị, đáng yêu”.


TRẦN TRỌNG PHỦ (**)

 

(*)  THƠ MỴ, Đại Nam văn hiến, Saigon 1961.

 

(**) TRẦN TRỌNG PHỦ là bút hiệu chung 2 người: THẾ NGUYÊN và DIỄM CHÂU-  bài viết thường đăng trên tạp chí VĂN MỚI  ( trước 1963), từ 1970 trên tạp chí”  Trình bày” ,’ Đất Nước”…vv Khi tác phẩm “ NGHĨ GÌ?” do Nxb Trình bày xuất bản, chính Thế Nguyên  ký tên trên sách đề tặng tôi. Riêng bài viết trên đây ( Văn  Mới) , tôi tin chắc đó là bút pháp của Diễm Châu hơn là Thế Nguyên.

(TP chú thích).

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Năm 1962 tôi cho xuất bản tập thơ” Cho thuê bản thân” ( in ronéo, không xin cấp phép), phổ biến hẹp trong  anh em văn nghệ- tuy nhiên một số bản vẫn gửi bán ngoài phố; duy nhất ở sạp bán sách, báo của  Cô Nguyệt dám nhận( ngã tư Lê Lợi + Công Lý, trước của Pharmacie DiệuTâm - , Saigon 1) – có một cuốn bán rất chạy, đó là” Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh”.

 

Sách in chừng 100 cuốn, bán hết vèo, cô Nguyệt đòi giao thêm – mà tôi lại chưa dám trở lại tiệm Ronéo in tiếp- vì tôi nhớ rõ ngày phát hành là ngày 19 tháng 5 năm 1963- từ khi tôi đem sách từ nhà in về, chở trên chiêc xe hơi Hillman cà tàng của Đào Minh Lượng;  đến đoạn đường tàu nằm trên đường Võ Tánh thì bị cảnh sát ách lại tra hỏi giấy tờ. Thường ra và các ngày lễ 19/5/ 19 tháng 8, hoặc 2  tháng 9 vv…- ngày lễ phía bên kia- lính thì bị cấm trại, cấm quân; còn dân chúng ra đường thường bị ách lại kiểm tra giấy tờ. Cũng may lần này, Tòa Lượng chở sách in ronéo không giấy tay chào, cung kính mời thẩm phán Đào minh Lượng lên xe, không cần khám xét nữa. Hú vía thật rồi  !

 

Giả thiết thôi nhé, nếu tôi chở đi một mình, bữa ấy chắc chắn sẽ cùng 100 cuốn ” Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh”  vào Tổng Nha Cảnh Sát là điều khó tránh khỏi!

 

Lại nhớ có lần, tôi tới chỗ quầy báo cô Nguyệt nhận tiền bán sách; cô cho biết-  một ông i  có dáng dong dỏng cao, mặt dài như mặt ngựa, ăn vận lại chỉnh tề, đi bộ, tay cầm chìa khóa xe hơi tung tẩy, ghé  quán báo, cầm cuốn” Nguyễn Đức Quỳnh” ngắm nghía, kêu gói lại, xong rồi ton ton cầm đi một mạch. Không thấy khách trả tiền, cô  Nguyệt ới lại, chưa kịp đòi, thì ông khách cười cười, nói:

- Cô không biết tôi là ai à ?  Không phải tôi không có  tiền trả hay là quên không trả tiền đâu, “ thằng tác giả “ này nợ tôi nhiều lắm. Cứ nói rằng  nhà văn  Mai Thảo lấy một cuốn , anh ta biết ngay  tôi  là ai thôi ?

Cô Nguyệt  hỏi tôi :

- Vậy chú có biết  ông ấy không?  Tên Thảo … Mai chi đó..

- không phải Thảo Mai  đi bán  tơ đâu?.  Chủ nợ của tôi đấy, vì từ 1955,  ông  ta cho mượn một chiếc máy chữ cũ xì Remington đánh bản thảo. Tôi không trả máy, đem tới tiệm cầm đồ  lấy tiền

 “ mua cơm xã hội”! Cô cứ việc trừ tiền cuốn ấy nhé.

 

Tòa Lượng vừa lái xe, vừa nói bâng quơ:

-  “ … thằng cha này giàu lắm, “  tiền cho gái  rất “ sộp”, còn mua sách có 50 đồng, bủn xỉ lại

mua thiếu ?

Nhà báo Phan Nghị viết điểm sách trên báo “ Mới” ( ngày 18/3/1963), viết thế này:

“…Cuốn”Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh” chỉ là một bản thảo in rô-nê-ô như tất cả những cuốn từ trước tới nay do Thế Phong tự xuất bản: “ dạy học được đồng nào bỏ ra in sách hết”. Đọc” Nhân diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh”, người ta có cái khoái, là biết được rất nhiều cái sự bí mật về nhóm Hàn Thuyên và tên mật thám Cút- Xô, về ông Nguyễn Đức Quỳnh, người khác mệnh danh là” tay phù thủy văn nghệ”  và nhiều thứ vv… khác; nó là mối tương quan giữa ông Quỳnh và các tay tổ văn nghệ khác ở Saigon.

Cuốn” Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh”  chỉ in 100 số.  Thiên hạ thi nhau đọc và mượn loạn cả lên.”[]

một  tập thơ khác của tôi được tác giả” Khi người chết trở về”  bình:

 

“…. …”  CHO THUÊ BẢN THÂN”- Thế Phong – Đại Nam văn hiến xuất bản cục , Saigon 1962- 28 trang in rô-nê-ô- khổ 21x 26- Giá 50 đồng.

            

Hai mươi tám bài thơ, nhưng mà đọc từ bài đầu đến bài cuối, hai mươi tờ thơ in rô-nê-ô này chiếm thì giờ người đọc bằng cả trăm bài thơ in ty-pô.  Ấy là với tập thơ này, kĩ thuật đánh máy và quay rô-nê-ô của tác giả, kiêm giám đốc, kiêm người chạy giấy của Đại Nam văn hiến xuất bản cục đã tiến bộ nhiều lắm rồi.

 

Nhưng có ai chê trách chi nhà xuất bản, có ai chê trách tác giả, khi mà lòng say mê Nghệ Thuật và ý chí trình diện những đứa con tinh thần của chính mình, của các bạn thân mình nó thiết tha đến nỗi không nề lỗ lã, chẳng ngại chê cười, cứ hàng năm, lại có vài  tập hoặc thơ, hoặc truyện, hoặc khảo luận ra đời với phương tiện thủ công, với cái bề ngoài bà con nghèo, và cứ thế đều đặn đã mấy năm nay.

 

Và nay, trong tập thơ mới nhất của Thế Phong, chúng ta thấy càng rõ dấu vết của cuộc đời lạ lùng, chật vật cùng những ý tưởng không giống người của tác giả, thì âu đó cũng là điều quá dĩ nhiên.

 

Và những ai thích thơ Đường luật, từng mê thể lục bát… cho rằng thơ phải du dương, phải dễ hiểu thì xin đừng tìm đến Thế Phong. Vì chắc chắn rằng các bạn ấy sẽ bỏ cuộc sau ba bài !

 

Xin chớ tưởng rằng đây là văn xuôi, tuy trong Cho Thuê Bản Thân cũng có đôi bài không có lấy một vần, hoặc rõ ràng; hẳn là văn xuôi đi mất ( rồi), như bài” Chàng ơi! Chàng đừng quên em !”.

Nhưng thơ Thế Phong là một thứ ngựa rừng, đã không chịu mang yên, ngậm vàm, mà lại  thây kệ những con đường mòn có sẵn.

 

Mời các bạn hãy đọc qua một bài thơ mà tác giả chọn làm tên cho toàn tập :

 

“ Ngày hôm nay sao dài dằng dặc

tám tiếng đồng hồ làm quần quật chưa đủ kiếm cơm

vì anh tin công việc làm còn phải mạng” đăng ten”

đôi giầy da Thụy Sỹ vẫn cần xi đánh bóng

thiếu tiền mua tặng nem chiếc áo bông màu

một con búp bê quà sinh nhật tặng sinh nhật con gái đầu lòng

mà đêm qua em không nói…

anh hiểu nó tủi thân khóc miết..”[]

 

Bản thân nhà thơ, buồn, cực, chẳng ra gì, gần như bất lực; thì Thế Phong có cho ai thuê đi, ta cũng chẳng lạ; nhưng mà còn Nguyễn Du, vì sao Thế Phong lại cho thuê đi nốt vị thi hào khả kính dân Việt ?

 

“…. Tôi hy vọng học trò không bằng lòng lời tôi khen giảng

áo cổ cồn thắt vòng cổ

tôi đấm tôi trong gương soi

cho thuê Nguyễn Du

sự cần thiết không lấy bồi thường

 

Thì ra tác giả đem Nguyễn Du ta giảng giải cho học trò, và thấy rằng Nguiyễn Du không xứng đáng:

 

….tôi khinh tôi ra mặt chót khen tràn cổ nhân

tôi phỉ nhổ tôi thực sự phê bình Kiều danh tiếng

trong văn học sử tôi sổ toẹt tên thi hào vỏ

chỉ đại diện cho một góc cạnh  nhìn đời nho nhỏ…

( Cho thuê Nguyễn Du)

 

Thơ Thế Phong thiếu nhạc, thiếu cả tiết điệu, do đó khổ đọc là điều ta phải chịu khi muốn làm quen với thơ Thế Phong. Nhưng độ sống lắm chiều của tác giả, những ý tưởng ngược đời của người thơ cũng phản ảnh được cái gì của cái thời hỗn tạp hậu chiến.

 

Trắng trợn, sỗ sàng, tàn nhẫn, ta đều thấy đó đây trong thơ Thế Phong; nhưng  sự chân thành, không bao giờ vắng mặt.  Âu đó cũng là một điều đáng kể cho người tự cho mình là kẻ bị lưu đày:

                                               

“ Tôi mang  sự lưu đày tù ngục giam trong đôi ngươi

ra đường mình kẻ xa lạ mọi người

khi bản án chung thân tự mình ký nhận

khi chán chường không thể bộc lộ cho đời…”

 

Một nhân vật tự lưu đày của J. Paul Sartre ( Frank trong Les Séquestrés d’ Altona )  khi ngồi trong phòng kín, thường lên tiếng trần tình trước một bầy cua. Nhân vật đó tự dối mình, dối người, dối cả bầy cua, là những sinh vật duy nhất chịu nghe những lời lảm nhảm.  Thế Phong cũng tự cho mình là người tự lưu đày. E sợ người đồng thời không hiểu nổi mình, anh xoay lưng lại cuộc đời, ghi lấy thi thần, để giãi bày những từ khước, những chối cãi, những phủ nhận, những mộng ảo…

Kể ra làm  thi thần của kẻ tự lưu đày cũng là điều khổ hạnh lắm thay !  “[


NGUYỄN NGU Í

( trích báo” Tin sách”  ( Saigon) / chủ nhiệm: Nguyễn Ngọc  Linh, số tháng 10 / 1962)

           

                                                                                                                                                    

Tác giả “ Thơ điên”, truyện” Khi người chết trở về”, sách biên khảo” Sống & Viết” với… “  ký  Nguiễn Ngu Í (*)”-  anh nhắn tin, lại còn muốn được phỏng vấn thêm một lần  nữa – hình như tôi từ chối – thật sự vì không thể trả lời; vì đã không còn ý định tiếp tục viết “ Có một nền văn nghệ Việt nam trong tương lai ?”- mà độc địa thay, thiện ý chót loan tin vội vã tới bạn bè, báo chí- quả thật đây là một điều dại dột  không tưởng ?! Cúi đầu xin lỗi bạn văn, cả bạn thù, và bạn đọc thân mến !

Xóm đạo Tân Sa Châu- Saigon- đầu tháng 2 /  1962.

 (- đọc lại có sửa chữa, bổ sung).

 

THẾ PHONG.


(*) Nguiễn  Ngu Í ( 1921-1979 Saigon). Tên thật Nguyễn Hữu Ngư, quê quán: Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Các bút danh khác: Nghe Bá Lý, Trần Hồng Hùng …Học trường Pétrus Ký Saigon, và năm 1942 đã cộng tác với” Nam Kỳ Khởi Nghĩa” ( chủ nhiệm: Hồ Biểu Chánh),” Phương Đông”  1954 (  chủ nhiệm: Hồ Hữu Tường)( Saigon ) vv…Tác phẩm chính: “ Khi người chết có mặt”,( Saigon 1962), “ Sống và viết với…”  ( Saigon 1966), “ Hồ Thơm-Nguyễn Huệ / Quang Trung” ( Saigon 1967),” Có những bài thơ” ( Saigon 1972,” Khi người chết trở về”   vv…  

Thái Tú Hạp, chủ nhiệm báo Saigon Times ( Huê Kỳ)  nhận xét về Nguiễn  Ngu Í :

”…Trước thời điểm lịch sử đầy nghiệt ngã, đau thương 1975 – trong những sinh hoạt văn nghệ gây nhiều chấn động bất thường nhất ở miền Nam, là hiện tượng Nguiễn Ngu I , Nguyễn Đức Sơn (Sao Trên Rừng), Thế P hong và Bùi  Giáng…”

 ( Thái Tú Hạp / Giang sơn một gánh dị thường / web Xứ Quảng. com / Sunday, 22 May 2005).

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

( trích lại từ “ Hiện tình văn nghệ miền Nam: 1957-1961 / Thế Phong / Đại Nam văn hiến xb, Saigon 1962)

 

Cũng khó quên ‘ kẻ thù ta đâu có phải là người”, nói như Phạm Duy- ấy là một cách không quên  tác giả Hoàng Trọng Miên, soạn giả” Việt Nam Văn học toàn thư”, bị lên đoạn đầu đài tội ” đạo văn”, khi tôi viết bài lên án trên báo “Văn hóa Á châu”-  anh ta trả thù, bằng cách viết bài trên báo” Văn hữu” – lên án việc in ảnh thật lớn trên bìa sách,  là có thâm ý, chẳng hạn  khi bị đưa đi ” chỉnh huấn”  thì có kẻ thương nhớ nhìn thấy mặt.  Hình như phong trào in ảnh lớn trên bìa tác phẩm chưa ai hơn tôi, thời  Đệ nhất Cộng hòa Tổng thống Diệm- nếu so sánh, ảnh in trên bìa sách, họa chăng chỉ thua bích -chương - ảnh các vị dân biểu, thượng nghị sĩ dán la liệt trên tường, mỗi lần tranh cử mà thôi. Có lần tôi đã nhắc chuyện nhật báo ” Tiếng dân”, trung tá Nguyễn văn Châu chủ nhiệm, loan tin 2 cột trang 1: kịch sĩ Năm Châu , nhà văn Thế Phong bị đưa đi chỉnh huấn tại Vĩnh Long”- bản tin tiếng Pháp, Anh, Việt  / ViêtNam số 4019 đề ngày 23/3/1963 đính chính :


“D’après le journal “Tiếng  Dân” lancé la nouvelle que l’essayiste Thế Phong est actuellement détenu par les autorités Vietnamiennes pour lavage de cerveau. Les mensonges des communistes ont fait long feu

“ Tiếng Dân” souligne que le monde peut voir Thế Phong dans ses promenades journalìeres rues Lê Lợi et Tự Do….”.

 

Đó là năm 1961, khi tôi đang thuê nhà ở xóm đạo Tân Sa Châu, cha xứ nhà thờ, linh mục Mai Ngọc Khuê vẫn thường mặc áo choàng đen đi bộ qua nhà  trọ  tôi, thuộc địa hạt Ngài cai quản.  Tiếp tục ở đây được vài tháng nữa, đã 3 tháng không trả tiền thuê nhà. Không một nơi nào đăng bài để có tiền độ nhật, tôi bị đẩy vào thế bí nhất- người yêu đã mang lon chuẩn úy ra trường, đổi đi miền Lục tỉnh-  thôi thì đành phải trốn thôi. Bó thư tình của người yêu xem chừng nặng tới ba ký, gọi bán ve chai thì không nỡ-  tôi đem thư ra gốc cây trứng cá đốt, chừng đâu cả  nửa tiếng đồng hồ, bỗng một cơn gió lốc thổi ào tới báo mưa giông, than mỏng thư tình bay tỏa khắp vườn.


Cũng đành phải giã từ xóm đạo Tân Sa Châu -- thôi thì đành bỏ  lại nơi nhà thuê  tủ quần áo, sách vở - sáng mai mua vé xe đò trực chỉ về Bà Rịa, nơi ẩn trú tạm thời tại nhà bà cô ruột, chú dượng ở Bà Rịa vậy.

 

Thời kỳ in sách rô- nê ô đã không phép, lại còn gửi tặng Tông Giám đốc Nha  Thông tin, thật chẳng khác gì:” lạy ông tôi ở bụi này” --  vì thế một công văn khẩn từ Nha Tổng Giám đốc Thông tin trực thuộc Bộ Công Dân Vụ gửi tới: ( - đề ngày 10/ 7/ 1963)

:

“….Quý Ông đã có nhã ý gửi tặng tôi   bản dịch” La Cravache” của Gheorghiu do “ Đại Nam văn hiến”  phát hành, chúng tôi xin kính gửi lời chân thành cảm tạ.


Song le, trên phương diện kiểm duyệt, Nha tôi nhận thấy” Đại Nam văn hiến xuất bản cục”  đã hiển nhiên vi phạm vào luật lệ hiện hành, vì đã không nạp duyệt tác phẩm trước khi xuất bản.


Ông Giám Đốc ( ý nói  về  Thế Phong - TP chú thích)  cũng đã thừa rõ những phiền phức có thể xảy ra với hành vi phạm pháp trên đây. Nhất là, khi nhận được lá thư gửi ‘Anh, Chị làm nghệ thuật và độc giả”- Nha chúng tôi tại công văn số 3491- CDV-TT / HĐKD ngày 2 tháng này, lưu ý yêu cầu ông Giám  Đốc gửi duyệt những tác phẩm mà Đ. N. V.H.X.B.C. định cho ra mắt độc giả.


Vì lẽ đó mặc dầu tôi rất quí trọng ( Tổng giám đốc Phan Văn Tạo còn là tác giả tập truyện ngắn” Cái bong bóng lợn”- TP chú thích) các văn phẩm, Tôi không thể nào với tư cách Tổng giám Đốc Thông Tin, nhận gủi tặng một tác phẩm không kiểm duyệt, dù là bản này in ronéo.


Tôi xin phép được trả lại quý Cục cuốn sách trên.


Tôi cũng lại xin dành quyền hành động, theo các điều 6 và 7 nghị định số 275- PTT/ TTK ngày 5/4/1954 ấn định thể lệ kiểm duyệt các ấn loát phẩm trong nước.

Vài lời thành thực mong Ông Giám Đốc thông cảm và xin trân trọng kính chào ông Giám Đốc .[]

 

Kính thư

PHAN VĂN TẠO

(   ký -- đóng dấu)



 

Chế độ Ngô Đình Diệm chấm dứt vào cuối năm 1963.


Từ 1964, tôi được cấp giấy phép cho xuất bản, in ty pô dăm cuốn: Việt nam bi thảm Đông Dương ( dịch  L. Roubaud), Nhận diện vóc dáng Nguyễn Đức Quỳnh / Thế Phong, Thiết Tha ( thơ Bùi  Khải Nguyên, Đôi  kính tập kịch ngắn  Đinh Xuân Cầu- hai  cuốn này đặt  in tại nhà in siêu đẳng Kim Lai Ấn Quán, do Lãng Nhân làm giám đốc và tổng lý Nguyễn Doãn Vượng..  Thi sĩ thiếu tá Bùi  Khải Nguyên và  chính trị gia Đinh Xuân Cầu nói:


- Ông cứ đưa in  linograph tại Kim  Lai Ấn Quán, đắt bao nhiêu ta trả đủ ,không thiếu một xu! Cho  bõ xưa nay Đại Nam văn hiến toàn phải in  tác phẩm ronéo !


- Bìa 4 tập kịch” Đôi Kính” in chình ình dấu tròn 7cm x 7 – hàng chữ  ĐẠI NAM VĂN HIẾN  to đùng, chắc không thua dấu tròn bụi tre Phủ Đầu Rồng là bao ! (  họa sĩ Ngọc Dũng cầm trên tay  tập sách xít xoa khen vậy đấy) !

 

*

Vào thập niên đầu thế kỷ XXI, Amazon. com tung lên mạng nhiều cuốn sách chuyển ngữ tiếng anh của tôi, do anh Đàm Xuân Cận dịch, in và  phát hành trước 1975. Theo tôi biết một số Thư viện Mỹ đều có sách của tôi, chẳng hạn  Cornell University Libraries, Library of Congress,  Thư viện Đại học Iowa, SIU, Thư viện Cộng đồng Houston ( bang Texas), Thư viện Quốc gia  Úc châu vv…


 Ở Mỹ, nhà xuất bản chỉ vào thư viện lục ra đem phổ biến, không cần xin phép tác giả, bị phát hiện, bị khiếu nại trả bản quyền, thì thủ thế im lặng.  “ Thephong by Thephong, the writer, the work & the life- “ “  1 use from $64,99 và tung lên mạng Kindle Store, dạng ebook  để bán máy đọc sách.

 

một vài  nhà xuất bản  khác:


www.Booknear.com; Dai nam Publisher Books ; Booknear.com : A Brief Glimpse at the Vietnamese Literary Scene, 1900-1956 by The Phong…

www.Booknear.com/Dai-Nam-publisher_ihtm-19k Cached- Similar pages

 

-  bây giờ,nói  tới số phận cuốn T.T.KH., NÀNG LÀ AI ? lại  vi phạm bản quyền một cách trắng trợn!

( piracy / the crime of making and selling illegal copies of computer programs, books  -theo định nghĩa từ điển American English-Mac Milan ) một cách tồi tệ đã làm- như một Amazon.com của tổng giám đốc Jeef Bezos?!

 

Tôi  dâng lời cầu nguyện:


” Chúa ơi, xin Ngài tha thứ tổng giám đốc Jeef Bezos ( b.1962, d.---   ), đừng vội ngắt hơi thở, để anh ta được sống lâu hơn, mãn nguyện cung cách làm giàu trên xương máu  tác giả, thực thi dài dài kiểu “ piracy- copyright infringement” – thu lượm quả ngọt trên cành lại quên khuấy công lao kẻ trồng.


 Amen ! “.

 

Saigon 27 July 2011

Thế Phong


Số lần đọc: 1873
Ngày đăng: 28.07.2011
Số lần đọc: 1873
Ngày đăng: 28.07.2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét