The New York Times & hành trình kiếm quán cà phê ngon nhất Sài Gòn -- Tô Cường / Tp. HCM -- trích : tuoitreonline/ tphcm.
The New York Times và hành trình tìm kiếm quán cà phê ngon nhất Sài Gòn2
Các phóng viên của tờ The New York Times đã rong ruổi khắp Sài Gòn nhộn nhịp, hối hả để tìm ra những quán cà phê có hương vị tuyệt vời nhất ở đây.
Trong bài báo có tên "Đi tìm hương vị cà phê ngon tại TP.HCM", nhà báo Seth Sherwood cùng phóng viên ảnh Justin Mott đã đi sâu vào khám phá những nơi lưu giữ văn hóa cà phê Sài Gòn từ truyền thống đến hiện đại.
Đồng thời cũng không quên chia sẻ với độc giả quốc tế về những địa điểm thưởng thức cà phê nổi bật nhất nơi thành phố chục triệu dân này.
Ngoài Brazil, không quốc gia nào sản xuất nhiều cà phê hơn Việt Nam.
Đến từ những năm Pháp thuộc thế kỷ 19, ngành công nghiệp cà phê Việt Nam hiện đạt giá trị khoảng 3 tỉ USD và chiếm gần 15% thị trường toàn cầu, đưa Việt Nam trở thành gã khổng lồ cà phê của Đông Nam Á.
Chất lượng của cà phê Việt đã bắt đầu theo kịp sản lượng khổng lồ.
Nhờ sự phổ biến của hình thức cung cấp trực tiếp từ nông trại đến cửa hàng, hoạt động kinh doanh bán lẻ cà phê đang bùng nổ khi ngày càng nhiều các nhà rang xay tại chỗ và quán cà phê đặc sản mọc lên giữa lòng Sài Gòn.
Từ những địa điểm vui chơi mang phong cách bohemian kín đáo như RedDoor đến những chuỗi cửa hàng đầy phong cách như Là Việt - nơi có trang trại cà phê riêng gần Đà Lạt.
Có thể nói thành phố này có đủ loại cà phê để chiều lòng những người sành sỏi nhất.
Cà phê Cheo Leo
Với vị đắng đặc trưng và lượng caffeine cao trong hầu hết các loại hạt Robusta, không có gì ngạc nhiên khi người Việt Nam có truyền thống làm dịu đi độ nặng của cà phê bằng một ít sữa đặc, tạo ra một món uống tương tự như sữa lắc.
Xuyên qua những hang cùng ngõ hẻm trong lòng quận 3, sẽ đến địa điểm tuyệt vời nhất để thưởng thức món "sản vật quốc gia" này, đó là một trong những quán cà phê lâu đời nhất thành phố: Cà phê Cheo Leo.
Đây là nơi bà Sương và hai người chị "cử hành nghi lễ" mà gia đình họ đã thực hiện không ngừng nghỉ suốt gần 100 năm qua (tác giả ví việc rang, xay và pha chế cà phê như một lễ nghi cổ xưa của gia đình bà Sương - người dịch).
Khi những bản nhạc Việt trữ tình vang vọng trên những bức tường, mái ngói và trần nhà đã mang dấu ấn thời gian, những người phụ nữ trong quán vẫn miệt mài làm việc dưới một bóng đèn duy nhất trong căn bếp nhỏ.
Họ đổ hỗn hợp cà phê Robusta, Arabica, Culi xay lọc qua chiếc vợt vải, vào những chiếc ấm nhôm đang được đun nóng bằng than củi.
Sau lần lọc thứ hai qua loại nước được trữ trong những chiếc bình đất nung lớn để tạp chất chìm xuống đáy, cà phê được rót vào ly có sẵn sữa đặc để khách thưởng thức.
Tác giả còn không quên nhắc rằng nếu cà phê ở đây chưa đủ độ beo béo theo khẩu vị Âu Mỹ, bạn có thể xin thêm một ít bơ Pháp để dùng cùng cà phê.
Cà phê Lacaph
Đó là một quán cà phê khá sang trọng nằm ở quận 1, ngay gần Bến Nghé, bên con kênh đô thị nhỏ ngoằn ngoèo xuyên qua thành phố.
Lacaph được trang trí bằng ván gỗ tối màu và hệ thống đèn chiếu sáng.
Lacaph phục vụ từ những đồ uống độc đáo như nước chanh hòa cùng mật ong hoa cà phê đến những món truyền thống như cà phê phin, cà phê dừa nhà làm.
Cà phê dừa ở đây là một hỗn hợp pha trộn cà phê cold brew, sữa dừa, siro dừa và kem dừa.
Cũng có nhiều lựa chọn ít đường hơn bao gồm espresso, latte và cascaras.
Cascaras là một thức uống giống trà được làm từ vỏ cây cà phê và vỏ quả cà phê.
Điểm thu hút chính của quán là không gian trưng bày những thứ liên quan đến cà phê.
Với poster, bản đồ, máy móc và thậm chí một chiếc xe máy cổ - phương tiện giao thông ưa thích của những người trồng cà phê Việt Nam - phòng trưng bày này cung cấp cho thực khách những kiến thức thú vị về lịch sử cà phê của quốc gia, các vùng, loại hạt, phương pháp canh tác và kỹ thuật sản xuất.
Cà phê 96B
Cà phê 96B nằm ở khu Tân Định, nổi tiếng với Nhà thờ Tân Định màu hồng từ thế kỷ 19 và khu chợ có mái che đông đúc.
Với tông màu chủ đạo sáng và lối kiến trúc hậu công nghiệp, quán cà phê nhỏ này chứa đựng tham vọng cho thực khách biết thêm nhiều kiến thức về cà phê và ngành pha chế bằng cách liên tục tổ chức những buổi workshop đa chủ đề, từ rang hạt đến nghệ thuật pha cà phê.
Những người đam mê cà phê có thể tham gia trình tự "huấn luyện giác quan", hai khóa học truyền đạt nghệ thuật nếm cà phê như một người chuyên nghiệp, từ hiểu độ chua đến đánh giá vị ngọt.
Nhưng sứ mệnh của 96B không chỉ là học thuật. Quán còn phục vụ năm loại cà phê Việt Nam pha tay với ghi chú thử nếm và từng ấm nhỏ riêng lẻ (cà phê tại đây được đối xử như rượu vang cao cấp) kèm với những thức uống thử nghiệm như Solar Cold Brew, một sự pha trộn của cà phê lạnh, siro gừng, mứt gừng, cordial chanh và hương thảo.
Ngoài ra, khách hàng có thể mua "The Vietnam Coffee Atlas", bộ sưu tập hạt cà phê Việt Nam của cửa hàng trưng bày tám loại hạt cà phê của các vùng và phong cách cà phê khác nhau.
Cà phê The Workshop
Có lẽ không có nơi nào tốt hơn để thử nghiệm kỹ năng thưởng thức của bạn hơn một quán cà phê theo kiến trúc công nghiệp.
Nội thất của The Workshop giống những căn hộ sang trọng tại New York ngay cạnh phố Đồng Khởi nhộn nhịp.
Tại đây, khách hàng sẽ được gợi ý nhiều loại hạt cà phê địa phương và quốc tế, cũng như vô số phương pháp chuẩn bị, từ espresso đơn giản đến các phương pháp rót qua phin và thiết bị ngâm phức tạp hơn.
Nếu muốn một ly cà phê được chế biến hiện đại và cầu kỳ, hãy chọn siphon - một thiết bị phức tạp gồm các bóng thủy tinh, ống và núm (hệt như đang coi quá trình giả kim). Công nghệ nhỏ giọt chậm sẽ thử thách sự kiên nhẫn của bạn và thưởng cho vị giác của bạn.
Ngoài ra còn có cà phê muối, một phong cách uống cà phê sữa độc đáo bắt nguồn từ cố đô Huế, với lớp kem muối được ưa chuộng tại Việt Nam.
Cà phê trứng Little Hà Nội
Tên của chuỗi quán cà phê địa phương này nói lên tất cả những gì bạn cần biết về điểm đặc sắc của nó.
Một tách cà phê trứng ngọt ngào, bọt bồng bềnh, một loại cà phê cổ điển của Hà Nội được làm từ lòng đỏ trứng đánh bông, sữa đặc, đường và hương vani.
Không gian tại địa điểm chính (119/5 đường Yersin) mang phong cách vintage: ghế tay vịn bằng tre, đệm in hoa, chăn kẻ caro, tivi có vách gỗ, máy chơi băng cối và kệ sách đã đóng bụi.
Nhưng đám đông mọi lứa tuổi lại thích thú với bầu không khí như quay ngược thời gian này.
Cà phê Bel
Âm thanh indie rock êm dịu và những ngón tay gõ phím máy tính sẽ là thứ chào đón thực khách bước vào không gian tối giản trông như căn phòng trưng bày này.
Đây cũng là nơi những bạn trẻ "sành điệu" và những du mục toàn cầu (khách nước ngoài du lịch trải nghiệm tại Việt Nam) ngồi nhâm nhi món uống hấp dẫn.
Được trang trí bằng những bức tranh trừu tượng đầy màu sắc trên tường, quán cà phê phục vụ đồ uống espresso (bao gồm một ly cà phê làm từ siro lá dứa), nước trái cây pha hỗn hợp và túi hạt cà phê rang "homemade" để mang đi.
Cà phê vợt
Nếu đã đọc đến đây, có lẽ bạn đã thực sự phụ thuộc vào caffeine.
Vậy thì bạn không hề cô đơn và ở TP.HCM có một địa điểm mở 24/7 để cung cấp cà phê ngon cho bạn cho cả ngày.
Được biết đến với cái tên Cà phê vợt, không gian nhỏ giống như một gara này nằm khuất tại 330/2 Phan Đình Phùng, một con hẻm hẹp ở quận Phú Nhuận, phía nam của sân bay.
Ban ngày, các nhân viên hối hả dỡ các thùng sữa đặc trong khi bà Tuyết và ông Côn chuyền nhau đổ hạt Robusta đã xay vào trong những cái vợt.
Cuối cùng là qua một nồi nước nóng đặt trên bếp than được chế từ một quả bom B-52 tái chế.
Theo bà Tuyết, ngọn lửa rang cà phê, đun nước của Cà phê vợt chưa bao giờ tắt kể từ khi lò được đốt lần đầu tiên vào những năm 1960. Bản thân cửa hàng này có từ những năm 1950.
Đến đêm, họ giao lại quán cho nhân viên và nghỉ ngơi trong căn gác nhỏ của mình phía trên cửa hàng.
Nhưng dòng người đi bộ và xe máy chờ cà phê mang đi tưởng như như không bao giờ ngừng nghỉ, được biết mỗi ngày quán bán hơn 500 ly cà phê.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ