Thứ Ba, 12 tháng 3, 2024

đọc thêm: BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG TẾT / Mai Thục [ i.e. Mai Thị Thục 1950- 2018 Hà Nội ] -- trích : Việt Văn Mới - Troyes- France.

 Việt Văn Mới

      


BĂM SÁU PHỐ PHƯỜNG TẾT



ôi yêu Hà Nội những ngày áp Tết. Sự sống của "Băm sáu phố phư­ờng" trỗi dậy tưng bừng chưa từng có. Trong suốt cả năm, người và vạn vật chỉ chờ dịp này để về "Băm sáu phố phường" gặp nhau.

Từ tết Ông Táo, cảnh mua bán diễn ra sôi động và náo nức. Ngư­ời ta dồn về Hà Nội "Băm sáu phố phường" để sắm Tết. Hình như người cả nước đổ về, chứ không phải chỉ có ngư­ời ở các phố của Hà Nội tìm về "băm sáu phố phư­ờng".

Dòng người ở đâu mà ra không biết? Họ vòng qua Bờ Hồ rồi tiến về Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đ­ờng, chợ Đồng Xuân và tản vào các phố cổ chằng chịt dọc ngang như ô bàn cờ. Có kẻ mộng du, cứ vơ vẩn theo dòng người đi sắm Tết mà ngó ngiêng, chỉ ngắm ngư­ời mua, kẻ bán mà lòng vui như­ Tết. Vui nhất là cảnh mua quần áo ở Hàng Đào, Hàng Ngang. Những chiếc áo, quần mùa Đông thời thượng ngày thường được treo kiêu sa trong tủ kính, trên giá, trên móc với dáng vẻ vênh vang, giờ đây bị hạ bệ xuống vỉa hè, chất thành từng đống lớn, đống bé. Ai đi qua cũng dừng lại, tiện tay nhặt lên một chiếc tuỳ hứng, rồi lại vứt xuống nhặt chiếc khác, còn việc mua hay không là tuỳ hứng. Các bà chủ, ông chủ cửa hàng thì vô cùng dễ tính. Họ đề chữ "đại hạ giá" to tướng. Nhưng không hiểu có hạ giá thật hay không, người mua không cần biết, chỉ thấy cung cách bán hàng dễ chịu, gần người, khiêm nhường như­ thế là sung sướng rồi. Cùng dễ hiểu thôi, vì nhân loại từng đổ máu xương hàng thiên niên kỷ mới tạm gọi là dành đư­ợc quyền bình đẳng giữa con ngư­ời với con người, mà nó chỉ có một số nơi trên thế giới thôi. Nay sự ấy diễn ra trên phố nhà mình, vui quá đi chứ! Cảm giác được bình đẳng làm ngư­ời ta thích thú, nên dù không có nhu cầu, họ vẫn mua một cái áo, quần mà họ thích hoặc mua tặng bạn bè, người thân, con cháu.

Trời càng về đêm, "Băm sáu phố phường" càng sáng dậy muôn màu, màu của ánh điện, màu của trăm thứ hàng hoá, màu áo của "trăm người bán, vạn người mua", màu của những nụ cười rạng rỡ. Người ta cứ thế mà đi, hết phố này sang phố khác, quên cả thì giờ ngày Tết không cánh mà bay vùn vụt. Mỗi một phố cổ giờ này hấp dẫn lạ kỳ. Phố Hàng Đường thơm mùi ô mai chua chua, ngòn ngọt, cay cay. Những quả mơ, quả mận, quả hồng, quả táo, được sấy khô, tẩm đường, ướp lại hương xưa, ngự trong lọ thuỷ tinh, mà hương vẫn bay ra phố phường mời gọi thiếu nữ Hà thành e ấp dưới gốc sấu già. Các chàng trai, cô gái xúm vào cửa hiệu mua ô mai. Con gái Hà Nội không có ô mai mà nhâm nha thì biết lúng liếng vào đâu. Chàng trai Hà Nội không có ô mai thì biết bày tỏ lòng mình với bạn gái thế nào đây?

Sang phố Hàng Bạc là các cửa hàng nhẫn cưới và các loại trang sức. Con phố này vẫn giữ được mặt hàng cổ kính ngày xưa. Các loại vàng bạc, kim cương, đá quý của Việt Nam và thế giới được bày trong tủ kính lộng lẫy, người không có tiền mua vào đây cũng được ngắm thoả thuê. Vui chân bạn sẽ tới phố Hàng Buồm, những năm 70 - 80 của thế kỷ XX là nơi bán rượu là bánh kẹo, thuốc lá ngoại "xịn". Họ bán một cách công khai và giá đắt khủng khiếp vì các loại hàng này nhà nước ta không nhập, mà do những người đi n­ước ngoài có hộ chiếu đỏ mang lậu về bởi họ không bị hải quan khám xét. Hồi đó chỉ những người giàu lắm mới đến hàng Buồm mua hàng về dùng hoặc đi biếu các "sếp". Nay Hàng Buồm vẫn bán các đồ ngoại ấy, nhưng có thứ "xịn", có thứ không, nếu kém sành bạn sẽ mua phải đồ "rởm". Có điều, dân Hàng Buồm rất biết cách bày hàng, họ xếp các loại bánh kẹo đâu ra đấy, ngăn nắp, ngọn gàng, đẹp, bắt mắt, nhìn vào không thể bỏ đi. Và ngày nay bất cứ đồ ngoại 'xịn' nào cũng được bán công khai, không còn là độc quyền không chính thức của các vị có chức quyền như ngày xưa, có lẽ vì thế mà các chủ hiệu Hàng Buồm bớt giàu hơn.

Đêm Hà Nội đi trên phố cổ, gió sông Hồng ngàn xưa thì thầm trong bóng tối, bỗng bừng sáng sắc hoa Đào Hàng Lược báo xuân sang. Chợ Hoa Hàng Lược nghìn năm trước vẫn còn đây! Bóng dáng ông bà, tổ tiên lại về, lấp lánh trong màu Hoa Đào hồng thắm, trong màu Quất vàng tươi và trong muôn màu hoa lá của Hà thành. Chợ hoa Hàng Lược làm sáng cả màn đêm. Cái đêm tối mênh mông của ngày cuối năm ngàn năm rồi vẫn vậy. Hình như mặt trời đã đi chơi xa lắm để cái lạnh ngự trị nơi này. Nếu không có chợ hoa Hàng Lược hiện về bảy sắc cầu vồng, thì những đêm cuối năm sẽ tối như bưng. Muôn màu hoa rực sáng lên từ chợ hoa Hàng Lược thắp sáng trời Hà Nội giữa đêm sâu... Hỏi có nơi nào trên trái đất hoa lại thay được cả mặt trời như vậy?

Đêm cuối năm hoang lạnh tràn mái phố. Hoa Đào sắc thắm theo chân ngư­ời từ chợ hoa Hàng Lược len lỏi vào từng mái hiên, góc phố, ngõ nhỏ, xóm nhỏ, tầng nhà, như tia nắng mặt trời phút rạng đông, xua đi tăm tối khoảng trời đêm. Và ngư­ời ta cứ thế mà đi khắp "Băm sáu phố phường", mà tưng bừng sắm Tết. Họ đi chợ Đồng Xuân "thứ gì cũng có", chợ Hàng Da, Hàng Bè thức ăn ngon có tiếng, thơm thảo hương đồng: cua, hến, rau, cá, tương cà, vị mặn mắm tép, mắm tôm… Hàng Điếu có chè thơm ướp hương Nhài, hương Sen, có bánh chưng xanh buộc lạt mềm bốc nóng thơm nghi ngút vừa được vớt từ trong nồi ra, có cả giò chả Ước Lễ và hương ca-phê cao nguyên thơm nức phố... Hàng Mã đỏ rực đèn lồng, giấy trang kim đa hình, đa dạng, bóng bay, đồ chơi con trẻ, đồ cổ làm say đắm ông già. Những người nghiền đồ cổ cứ lượn lờ quanh những bức tượng Phật, những bát đĩa, chum, choé, lư­hương, chân đèn... từ đời nảo đời nào, mà không dứt nổi ra khỏi chợ, có ng­ười lư­ợn đến tận chiều ba mươi Tết may mới mua đư­ợc cổ vật mình thích. Phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Quạt, Hàng Mành, Hàng Thiếc, Hàng Bồ, Lư­ơng Văn Can, phố Nhà Thờ, Nhà Chung, Bảo Khánh, Lý Quốc Sư, Lê Thái Tổ, Hàng Trống, Hàng Đậu, Hàng Cót, Hàng Tre... bán vô vàn các loại hàng lưu niệm, đồ thờ cúng tổ tiên, tượng Phật, hương trầm, khăn áo, vải lụa tơ tằm, hiệu may Âu, may áo dài, áo cưới, các hiệu bánh ngọt kiểu Pháp, các siêu thị lớn kiểu Mỹ, châu Phi… đến kề cận giao thừa. Phố Hàng Khay, Bà Triệu, Tràng Thi, Quang Trung, Tràng Tiền, Đinh Tiên Hoàng, Trần Nguyên Hãn, Đinh Liệt, Hàng Bài, Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo quây quần xung quanh Bờ Hồ đêm ba mươi Tết, hàng nghìn người đi lại vui chơi, ăn uống, mua bán, trai gái trao duyên, bè bạn hàn huyên bên chén trà hư­ơng núi. Nhưng mọi con tim đều bồi hồi rạo rực cùng pháo hoa tung lên màn trời đen kịt, gieo ánh sáng thiên đường tới đêm đen phút chuyển vần vũ trụ.

Cảnh "Hà Nội ba sáu phố phường. Hàng Mật, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh" thời Thạch Lam hồi đầu thế kỷ XX, nay đã thay đổi nhiều lắm. Nhưng cái hồn cốt của sự giao thoa thương mại, cái sự tinh tế, cầu kỳ của chốn Kẻ Chợ kinh kỳ vẫn ẩn sâu nơi hương chua, vị mặn của từng món ăn, từng sản vật khắp ba miền Bắc - Trung - Nam tụ hội trong từng ô cửa nhỏ hẹp. Cả phố cổ giờ đây vẫn là cái chợ lớn, càng gần đến ngày Tết nó càng phình ra. Cái sự phình ra của hàng và người, của mua và bán làm cho nét mặt người rạng rỡ.

Ngư­ời ta thấy hè đường trở nên chật quá, cửa hàng trở nên nhỏ bé quá. Nó bật ra những ư­ớc mơ. Nó đánh thức người dân quê say mê trồng nhiều gạo thơm, mía ngọt, khoai bùi, quả chín, hoa tươi, rau sạch, ao cá, đầm sen... Nó mách bảo người Kẻ Chợ "khéo tay hay làm" tìm về học ông bà tổ tiên cách làm ra sản vật vừa đẹp mắt, vừa thơm khẩu vị đã thành di truyền của dân Việt, giữ đủ hư­ơng quê, tặng lại nhau và gửi ra nư­ớc ngoài cho ngư­ời xa xứ. Nhờ vậy mà đồng tiền cứ vào túi ng­ười này, sang túi ngư­ời kia, vui náo nức. Sự sống của Hà Nội từ nghìn xư­a đến giờ vẫn do nét giao thoa thư­ơng mại của ngư­ời Kẻ Chợ và dân bốn phư­ơng trời tụ lại. Sự sống ấy hội đủ tinh hoa của ngư­ời, của trời đất Việt Nam và thế giới để tồn tại đời này qua đời khác, nó sẽ chẳng tàn phai. Nơi đây là cuộc sống của thư­ờng dân vạn đại. Những ai học hỏi được nhiều tinh hoa ngàn đời dồn tụ, ngư­ời ấy có một kiếp sống an bình trong hoạt động kinh tế thị trường đúng nghĩa. Trong sự buôn bán tưởng như ồn ã, xô bồ ấy lại chứa đựng sự lương thiện, bởi buôn bán mà gian trá, tranh cướp, tham lam, lừa đảo, lười biếng, kém tài, chỉ ngồi đấy mà ăn sẵn, hoặc vơ của người khác vào mình thì sẽ chịu đủ tai họa và thua lỗ, sập tiệm, có khi còn vào "nhà đá". Kinh tế thị trường đã tạo ra những con người có khả năng lao động một cách sáng tạo, cách tư duy năng động, cách nhìn nhận cuộc sống đa chiều, cách sống và làm việc không phụ thuộc, trở thành con người cá nhân tự do, có bản lĩnh, có đạo đức, thẳng thắn và trung thực, chăm chỉ học tập, học người bên cạnh, học trong nước, học nước ngoài, cốt sao làm được nhiều hàng, bán được nhiều hàng, cuộc sống gia đình no đủ, con cái đ­ược chăm sóc, bố mẹ đ­ược tôn trọng, tâm hồn mỗi ng­ười lộng gió bốn bể, năm châu… chứ không phải học để cố kiếm lấy chức vụ xã hội mà hưởng thụ bổng lộc, hoặc cố tình trang sức bởi những mảnh bằng, cái "mác" loè loẹt. Những con người như vậy sẽ tạo ra văn hóa, tâm hồn và nhân cách người Hà Nội tương lai, trên cái nền của văn hiến Thăng Long nghìn năm.

Hà Nội ba mươi sáu phố phư­ờng những ngày áp Tết đi trong nhịp sống bất diệt, mà nhạc trưởng của nó là Cha Trời, Mẹ Đất, hồn thiêng sông núi, ông bà, tổ tiên, sự chuyển vần vũ trụ và muôn vàn hình bóng con người biết nghĩ suy, sáng tạo, từ vạn nẻo phương trời về đây. Bạn muốn hiểu sức sống của Thăng Long - Hà Nội, hãy về sống cùng "Băm sáu phố phường" những ngày áp Tết Và bạn sẽ không phải băn khoăn tự hỏi rằng:

- Hồn xưa phố cổ sầm uất "thứ nhất kinh kỳ". Có còn không?

- Tất cả vẫn còn đấy trong sự sống, sự làm ăn buôn bán của mỗi con người, nó sẽ càng sầm uất hơn xưa khi tiếp nối với tinh hoa nhân loại, mở cuộc giao lưu thương mại cùng thế giới.-./.




VVM.07.2.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ