bài 3: Vai Cảm nghĩ Nhân Đọc Cuốn TTKH. NÀNG LÀ AI'
VÀI CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC CUỐN “TTKH,NÀNG LÀ AI “CỦA THẾ NHẬT
(Kỉ niệm 71 năm ngày TTKH xuất hiện trên thi đàn Vịệt Nam)
Lê Ngọc Bửu
TTKH, NÀNG LÀ NGƯỜI TA VẪN CHƯA BAO GIỜ KIẾM GĂP
Trong dòng thi ca lãng mạn tiền chiến,mỗi bài thơ mà Hòai Thanh Hoài Chân,tác giả”Thi Nhân Việt Nam”,tuyển đăng đều mang một sắc thái riêng,rất tiêu biểu và ít nhiều làm cho ta rung động.Nhưng có một bài thơ không được Hoài Thanh trân trọng đưa nguyên bài vào Thi Nhân Việt Nam lại là bài thơ sau này có sức quyến rũ kì diệu,cùng với tên tuổi tác giả bài thơ,ngự trị Thi đàn Việt Nam 71 năm qua: Đó là “HAI SẮC HOA TI-GÔN”của TTKH.
Ngay từ buổi đầu,khi”Hai sắc hoa Ti-gôn” và “Bài thơ thứ nhất” xuất hiện trên tiểu thuyết Thứ Bảy năm 1937,Hoài Thanh đã liền cho ta biết: “Xóm nhà văn bỗng xôn xao…”
Cùng với hai bài thơ còn lại,tất cả theo dòng năm tháng,đã tạo nên huyền thọai TTKH Huyền thọai TTKH không thực sự xuất phát từ vẻ quyến rũ của bài thơ đó,mà xuất phát từ mối tình lãng mạn đượm màu bi thương giữa tác giả “Hai sắc hoa Ti-gôn” và người-tình-thơ của Nàng. Mối tình thơ này đã làm ngún cháy không biết bao nhiêu bút mực, đã làm xói mòn không biết bao nhiêu tâm tư của những người yêu thơ,nhất là yêu thơ TTKH.Cũng chỉ vì ta muốn biết TTKH là ai và ai là người-tình-thơ của Nàng. Sau khi để lại bài thơ cuối cùng,bỗng dưng Nàng mất hút.Một sự im lặng lạ lùng,mời gọi và ngây ngất bảy mươi mốt năm qua…Thỉnh thoảng Nàng như muốn hiện nguyên hình không chỉ là bóngdáng mỹ nhân mà còn có niềm riêng e ấp của Nàng nữa.Nhưng rồi Nàng bị vây bọc bởi làn mây ảo giác mơ hồ êm ả…
Cách đây khoảng mười năm,nghi án văn học này lại ngỡ được đưa ra ánh sáng.Người bỏ công rất nhiều là Thế Nhật(T-N),tác giả “TTKH,Nàng là ai”.Cuộc hành trình như có nhiều hứa hẹn.Tác giả đã lót đường mời chúng ta qua một số bài đăng ở báo Thanh niên,Nghệ thuật Thứ Bảy,NS Văn hóa,đài truyền hình TPHCM,và có thể còn đâu đó nữa.
Đạo diễn T-N đã cho quay chậm,quay rõ cuốn phim”TTKH,Nàng là ai”.Xóm yêu thơ lại bỗng xôn xao dị kỳ.Người thì thỏa mãn vì bắt gặp bóng dáng nguyên thủy của Nàng .Người thì minh họa cho rõ nét từng chặng đường phá án,từng bước đi uyển chuyển theo sát cuộc hành trình khảo cứu nghi án văn học này.Người thì bàng hoàng và
ngỡ ngàng như Nai Vàng của Lư Trọng Lư…!
I- THƠ TTKH VÀ THƠ VÂN NƯƠNG KHÔNG THỂ LÀ MỘT:
Không là tuyệt tác như những bài thơ tình của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư…, thơ TTKH vẫn có sức cuốn hút kì diệu với phong thái riêng của nó.Thơ TTKH không trau chuốt,không bóng bẫy,mà lại CHÂN TÌNH.Đây là nguồn mạch cảm thông truyền thấm tận lòng người yêu thơ,đưa người yêu thơ,nhất là giới trẻ mang tâm sự bi thương đồng điệu,đến gần với TTKH hơn nhiều tác giả đồng thời. Lời thơ TTKH như lời nói thường tình xuất phát từ nỗi đau chân thực.Nhưng mỗi chữ,mỗi câu thơ là những giọt tình rướm máu, rỉ chảy,nhỏ xuống từ trái tim bi thương.
Một ngày sau khi”Hai sắc hoa Ti-gôn” chào đời,thơ TTKH đã ngự trị trong ta.Giờ đây gần tròn 71 năm sau,và có thể 100 năm sau hay nhiều trăm năm nữa…thơ TTKH vẫn ngự trị trong ta,vẫn như một thứ gia bảo của người yêu thơ. Là một dòng thơ mới lãng mạn bi thương,thơ TTKH khác biệt với dòng thơ cổ điển,khuôn sáo,ước lệ của Vân Nương thường sử dụng. Ta hãy đọc thơ Vân Nương (bút hiệu của Trần Thị Vân Chung)qua
Tơ Sương,1962,bài thứ nhất của 10 bài liên hoàn,để đối chiếu:
Sầu thu
Ba thu dọn lại một chiều nay
Bàng bạc mây trôi gió chuyển đầy
Thất tịch sầu nghiêng hồ lệ thảm
Hoàng hôn bóng ngã cánh hoa gầy
Tâm tư ấp ủ tàn năm tháng
Thương nhớ lan tràn úa cỏ cây
Thu tới thu đi người vẫn vắng
Sầu thu ghi lại mấy dòng đây
(Trích”TTKH,Nàng là ai”,trang 161)
Thật là một khoảng trời khá xa cách biệt giữa thơ TTKH và thơ
Vân Nương!Đồng hóa thơ TTKH với thơ Vân Nương là làm băng họai thiên tài TTKH.
Do đó,TRẦN THỊ VÂN CHUNG (tức Vân Nương) không thể nào là TTKH.
II- CHÌA KHÓA CỦA CÁNH CỬA MỞ VÀO MÊ LỘ:
Ai đẩy Elissa vào KHUNG CỬA HẸP?
Ai xô Kiều vào ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH?
Ai làm băng hoại THIÊN TÀI TTKH?
Định mệnh ư?
Định mệnh khắt khe đã đẩy Elissa vào”Khung cửa hẹp”,xô Kiều vào “Đọan trường tân thanh”,nhưng định mệnh không làm băng hoại thiên tài TTKH mặc dù định mệnh đã đưa TTKH vào ngưỡng cửa đau thương trên ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ.
Thế là ai?
Ai có chìa khóa mở vào mê lộ?Phải chăng là câu thơ:
“TTKH phương xa Có còn nhớ đến loài hoa tim này” trong bài”Hoa Tim”(NPTL,Những dòng thơ hoa,1994)
Bài thơ nhắc lại chuyện tình TTKH.Bên dưới bài thơ,tác giả lại trịnh trọng viết thêm lời ghi chú “Xin kính gởi người chị thơ xa mà tôi đã dành nhiều yêu mến.”
Ai đọc đến hai câu thơ trên và cả lời ghi chú này cũng có thể tự hỏi:”Phải chăng tác giả “Những dòng thơ hoa” biết TTKH là ai,và ở đâu bây giờ?”
Tại sao ĐTL (tức NPTL)hé mở cho ta biết “Trần Thị Vân Chung làTTKH”?
Trên nền tảng nào ĐTL tưởng TTVC là TTKH?
Hai câu hỏi này là bí ẩn của mê lộ.
III- THANH CHÂU LÀ NGƯỜI TRÂN TRỌNG THƠ TTKH,NHƯNG KHÔNG LÀ NGƯỜI-TÌNH-THƠ
Trong cuộc tình thơ này,Thanh Châu chưa phải là NGƯỜI TRONG CUỘC.Ông vẫn là NGƯỜI NGÒAI CUỘC,ông không nhập cuộc.vẫn chưa là chứng nhân duy nhất,nhưng là người có MỐI QUAN TÂM ĐẶC BIỆT đến thơ TTKH.
Sau khi “Hai sắc hoa Ti-gôn” ra đời,ÍT LÂU SAU,Thanh Châu viết “Những cánh hoa tim”.Ông lại trân trọng đưa câu thơ của TTKH,mà ông lấy làm đắc ý,lên hàng đầu thay lời tựa nhỏ:
“Bảo rằng hoa dáng như tim vỡ“
Thanh Châu là một trong những người trân trọng giữ ngôi vị NỮ HOÀNG THƠ LÃNG MẠN BI THƯƠNG TIỀN CHIẾN của TTKH.Cuối bài thơ đó,ông đã tha thiết: “Tôi mong đừng ai nên tách bạch thơ TTKH làm gì”. Ông không là nhà thơ,nhưng ông có tâm hồn thơ.Ông sợ sự tách bạch lạnh lùng có thể gây:”Lòng yêu thơ TTKH cũng vỡ thôi”
Là cây bút đứng đắn,thận trọng với tia nhìn sắc sảo,Thanh Châu đã đẩy lùi một vài HƯ CẤU VỀ HUYỀN THOẠI TTKH vào BÓNG TỐI HOANG ĐƯỜNG.Đúng ông là người bạn chân tình của TTKH,nhưng vẫn không thể xem ông là NGƯỜI TÌNH-THƠ của TTKH.Thanh Châu thành thật thú nhận:”…Hồi đó tôi còn trẻ nên KHÔNG MẤY QUAN TÂM đến các bà phụ nữ làm thơ”(trích bài “Nói thêm về TTKH”của Thanh Châu,199o)
Ở một đọan khác,cũng trong bài trên,Thanh Châu thỏ thẻ:”…Vì vậy ngày Trần Huyền Trân còn chưa bệnh nặng,tôi đã HAI LẦN GẶNG HỎI anh về MỐI TÌNH CỦA THÂM TÂM VÀ TTKH:có thực hay không?…”
“Không mấy quan tâm” gần như đồng nghĩa với”thờ ơ,hờ hững”.Làm sao ta có thể gọi NGƯỜI TÌNH khi người ấy “THỜ Ơ,HỜ HỮNG”?Làm sao ta có thể gọi NGƯỜI TÌNH khi người ấy đi”gặng hỏi”ở một người khác về mối tình của chính mình?Làm sao ta có thể gọi NGƯỜI TÌNH khi người ấy đã từng”vuốt tóc”người “viết thư xin chữ ký” và đã từng “thở dài trong lúc “người đi xin chữ ký”vui?
(“Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui…”)
IV- NGUỒN CẢM XÚC TẠO NÊN “HAI SẮC HOA TI-GÔN”
Có người cho”Hai sắc hoa Ti-gôn” hình thành do cảm hứng từ truyện ngắn “Hoa Ti-gôn”của Thanh Châu.Thế Nhật còn hùng hồn hơn:”Nó (Hoa Ti-gôn)là nhân vật chính trong cuôc tình thơ của TTKH.Nếu không có”Nó”,chắc chắn sẽ không có TTKH.”
Rất nhiệt tình nhưng hơi vội vàng!
Truyện ngắn “Hoa Ti-gôn” và thơ TTKH là hai thực thể không đồng nhất.Có tâm sự là có thơ .Thơ là tiếng lòng của thi nhân.Nỗi lòng TTKH cô đọng thành thơ TTKH.TTKH có thể lấy cảm hứng từ truyên ngắn “Hoa Ti-gôn” nhưng không thể nào là sản phẩm của
“Hoa Ti-gôn”.Thơ TTKH là tự phát và tự tại.Không có truyện ngắn”Hoa Ti-gôn”,TTKH vẫn xuất hiện trên Thi đàn Việt Nam.”Hai sắc hoa Ti-gôn”vẫn ra đời vì mối tình của TTKH.qua bao mùa thu u uẩn,đã biến thành trái sầu tương tư chín mọng.Ta lắng nghe Nàng tâm sự:“Buồn quá hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa” “Ai cũng” có nghĩa là “có nhiều”,it nhất là hai:
Một có thể mượn ý từ truyện ngắn “Hoa Ti-gôn”:”…một dây hoa”Tigôn” nhỏ ép rời ra:những nụ hoa chum chúm HÌNH QUẢ TIM VỠ, ĐỎ HỒNG như nhuộm MÁU đào.”
Một nữa-ít ra là một nữa-TTKH mượn ý từ GÁNH HÀNG HOA của Khái Hưng:”Hoa leo Ti-gôn sắc ĐỎ sắc HỒNG,sắc TRẮNG,năm nào cũng vậy,MỘT MÙA TÀN lại MỘT MÙA NỞ.Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người…”
Trong thơ TTKH,Nàng lấy HAI MÀU hoa làm ĐỀ TỰA bài thơ:HAI SẮC hoa Ti-gôn (đỏ và hồng là một)và HAI MÙA THU:-mùa thu nở ,Nàng và người-tình-thơ trên đường vào tình sử,ngọai cảnh không lay động tâm tư Nàng:
“Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn”
Tình Nàng trong trẻo quá:
“Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp:MÀU HOA TRẮNG
Là chút lòng trong chẳng biến suy”
-Mùa thu tàn :Định mệnh đã đưa TÌNH NÀNG vào NGÕ CỤT BI THƯƠNG,
khép kín một mối tình.Ngọai cảnh lần này tác động vào Nàng làm Nàng run sợ:
“Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu HOA ĐỎ rụng chiều thu…”
-Giữa hai mùa thu NỞ-TÀN:dòng thời gian chuyên chở mối tình “Hai sắc hoa Ti-gôn”.Giữa dòng bồng bềnh theo năm tháng, linh cảm trong Nàng như mách bảo:
“Cánh hoa tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm phai”
Và hiện thực tình Nàng diễn ra như linh cảm.Tiếng nấc từ trái
tim Nàng rung lên thành lời bi thiết;
“Nếu biết rằng tôi đã có chồng
Trời ơi! người ấy có buồn không,
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai,tựa máu hồng?”
V- GIỌT LỆ DÀNH CHO NHÀ THƠ NGUYỄN BÍNH:
Trước mộ Đạm Tiên,Kiều nhỏ lệ,giọt lệ của Khách đa tình thương người đồng điệu.
Bài thơ “Cô gái vườn Thanh” là kết tinh của những giọt lệ thương cảm mà Nguyễn Bính rung động vì chuyện tình của một thiếu phụ:
“Đêm đêm bên cạnh chồng già
Và bên cạnh bóng người xa hiện về.”
Hài hòa cùng tiếng lòng vang vọng từ thơ TTKH qua “Hai sắc hoaTi-gôn”,một hòai niệm thiết tha đối với Nguyễn Bính:
“Truyện xưa hồ lãng quên rồi
Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh
Bao nhiêu gian khổ vì tình
Cớ sao giống hệt chuyện mình GẶP xưa”
Chuyện tình đó nhà thơ Nguyễn Bính đã GẶP chứ không phải DẤN THÂN vào.Và rồi nhà thơ bâng khuâng:
“Phài chăng mình có nên NGỜ
Rằng người năm ấy bây giờ là đây?”
“Ngờ” nghĩa là không xác quyết.Chuyện lòng giống chuyện lòng.
Vậy sao ta có thể nghĩ nhà thơ cố ý dấn thân vào chuyện tình TTKH được?
Lại nữa,khác với Thâm Tâm làm thơ để GỞI,Nguyễn Bính làm bài thơ “Cô gái vườn Thanh” để TẶNG TTKH,vi mối cảm thông đồng điệu.”Gửi” là nói với,là đối thoại.”Tặng” là tự nguyện “Trao”,không mong được trả.
Nguyễn Bính là một thi sĩ,nghĩa là:
“…ru với gió và vơ vẩn cùng mây”
Đặc tính lãng mạn này là cốt tủy của Thi nhân.Với Nguyễn Bính,chất lãng mạn còn phong phú hơn nữa:
“Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”
Mỗi nơi Nguyễn Bính đi qua,nơi đó có vết hồn Nguyễn Bính lưu lại trong thơ.Bề rộng thơ Nguyễn Bính dàn trải khắp bốn miền đát nước.Chuyện gì cũng có thể làm Nguyễn Bính xúc động:từ thoáng bướm bay sang nhà hàng xóm…cho đến cô lái đò lỡ tuổi xuân….
Vì thế ta không thể xem Nguyễn Bính viết bài”Cô gái vườn Thanh”
là vì CHÚT DƯ HƯƠNG tên tuổi TTKH.
Lại nữa,khi tên tuổi TTKH được ghi vào văn học sử thì Nguyễn Bính đã là chủ nhân một gia tài thơ gồm hơn một nghìn bài(theo Thi nhân Việt Nam).Nếu ta nói Nguyễn Bính là nhà thơ lớn:chắc không ngoa?
Ta có một giọt lệ giao cảm dâng cho người nghệ sĩ tài hoa này cũng là lẽ thường tình của người có trái tim đồng điệu..
VI- THÂM TÂM,NGƯỜI CHÍNH THỨC ĐỐI THOẠI VỚI TTKH TRONG CUỘC TÌNH THƠ TTKH
Một chứng tích văn học chưa thể-có thể là không thể-xóa đi được sư hiện diện:
*Bốn bài thơ ký tên TTKH:
.Hai sắc hoa Ti-gôn(Tiểu thuyết thứ Bảy-số 179)
.Bài thơ thứ nhất(TTTB-182)
.Đan áo (Phụ nữ Thời đàm)
.Bài thơ cuối cùng(TTTB-217)
*Ba bài thơ ký tên Thâm Tâm:
.Màu máu Ti-gôn(Gởi TTKH)
.Dang dở (Tặng TTKH)
.Các anh (Gởi TTKH)
BẢY BÀI THƠ này neo chặt nhau như mắt xích,tạo nên cuộc tình thơ TTKH.
.Cùng với NGƯỜI-TÌNH-THƠ BÍ ẨN,cuộc tình thơ này đã tạo ra”Huyền Thoại TTKH”,một huyền thoại thi ca CÓ-MỘT-CHƯA-HAI trong văn học Việt Nam.
Có người cho bài thơ”Đan áo” không chắc của TTKH,nhưng ta làm sao giải thích khi “Bài thơ cuối cùng” có đọan nhắc đến bài”Đan
áo”:
“Chỉ có ba người đã đọc riêng
Bài thơ “Đan áo “của chồng em
Bài thơ “Đan áo” nay rao bán
Cho khắp người đời thóc mách xem”
Nếu công nhận bài”Đan áo”là của TTKH,ta không thể phủ nhận bài
“Các anh” của Thâm Tâm,người DUY NHẤT và là người CÓ THẨM QUYỀN
BẬT NHẤT đối thoại với TTKH:
“Kéo dài một chiếc áo len
Tơ càng đứt mối Nàng càng đứt dây
…
Em về ĐAN nốt tơ duyên
Vào tà ÁO mới đừng tìm duyên xưa”
Giả sử cả hai bài ấy đều không phải của hai tác giả đó,thì tại sao cả Thâm Tâm lẫn TTKH đều không lên tiếng phủ nhận?Chẳng lẽ họ thờ ơ với những đứa con tinh thần của họ đến thế sao?!
Cà hai người đều thực hiện lời hẹn:
“Cố quên đi nhé câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ”
Quả thật cả hai người đã đạt đến tuyệt đỉnh của IM LẶNG
-NÀNG MẤT HÚT:Nàng là người mà giới yêu thơ đã và đang tìm kiếm
nhưng vẫn chưa-hy vọng sẽ không bao giờ-GẶP:Phải chăng Nàng là
người đi theo dấu chân Lưu Nguyễn?
-CHÀNG THÌ HIỂN NHIÊN”CÂM MÀ NÍN”:Chàng là người giới yêu thơ
muốn biết:có phải là người-tình-thơ của TTKH không?
Người có thể thay thế Chàng trả lời câu hỏi này là tâm thức lãng mạn của người yêu thơ..
Tôn Nữ Bích Vân @ 22:21 12/04/2009
Số lượt xem: 941
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ