Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

Xem tranh THÂN TRỌNG MINH qua email / Nguyễn Lệ Uyên -- trích : www. vanchuongviet.org>

 


Xem tranh Thân Trọng Minh qua email
Nguyễn Lệ Uyên

 

(Chân dung Thân Trọng Minh)

 

Thân Trọng Minh, [ bút danh ] Lữ Kiều hai cái tên gắn bó suốt chặng dài lao vào nghệ thuật bên cạnh ống nghe tim phổi lủng lẳng hai tai. Như vậy, ông vừa là người “cứu đời” vừa “ cứu người”: Một bác sĩ tận tụy, nhà viết kịch đào sâu vào tận cùng nỗi đau của thế hệ ông, lại vừa là một họa sĩ.


Tôi không và chẳng đề cập đến thiên chức “cứu người” của ông; nhưng về nghệ thuật, tôi đã từng viết về tác phẩm kịch “Kẻ phá cầu” từ cái nhìn của ông về cuộc đời phi lý, những  phận người oằn oại tan chảy, một sự hủy diệt kinh hoàng từ những con người với nhau… Tôi cũng viết về những tùy bút, những bài thơ đặc lềnh những thao thức của ông… với sự chia sẻ của người cùng thời bị “lịch sử chọn” (chữ của Lữ Kiều).

Cách đây mươi ngày, tôi vào trung tâm HH khám bệnh nhân tiện ghé thăm ông. Chúng tôi nói chuyện về văn học, nghệ thuật… về sự khốn đốn của người cầm bút hiện tại. Tôi nói, tôi chẳng hiểu gì nhiều về hội họa, nhưng lại rất thích bức tranh ông vẽ tặng Khuất Đẩu làm bìa sau cho tập  “Buồn như ly rượu cạn”. Và, Khuất Đẩu tưng tửng ghi dưới tranh “Tôi tìm thấy tôi trong tranh Thân Trọng Minh”. Nhìn kỹ, lật ngược, xoay ngang, lộn đầu bức tranh thì quả thực, đó là khuôn mặt nội tâm của Khuất Đẩu trước thế sự nghiêng ngã, lộn tùng phèo mọi giá  trị đạo đức truyền thống, đầy dẫy những trí trá gian manh… với khuôn mặt trợn trừng vừa ngạc nhiên trong cái thản nhiên, vừa khinh bạc với đôi mắt méo mó và miệng thì như mếu như cười khẩy. Ba con cá Thân Trọng Minh vẽ quanh khuôn mặt trên nền màu đen như một sự kiếm tìm sự thật vô vọng, tréo ngoe mà con người vẫn phình cổ ra hít thở thứ cặn bã của lũ buôn thần bán thánh, cả đám dân đen ngu lơ ngơ hơ hãi. Tôi không quan tâm đến màu sắc của bức tranh (yếu tính của hội họa) mà chỉ chăm chăm vào những đường nét kỷ hà học, như một sự cố tình của ông (TTM) ám thị cho người xem về một thế giới người thu nhỏ, như bốn, năm năm trước tôi đã nhìn ngắm những bức tranh này của ông trong cuộc triển lãm chung với Đinh Cường ở Đà Lạt, có sự khác biệt giữa hai họa sĩ về màu sắc và đường nét. Tranh ông đập vào mắt tôi, len vào đầu óc tôi với nhưng ấn tượng khó giải từ độ ấy.


Ba ngày sau khi quay về cố xứ, tôi nhận email của ông, kèm theo 12 bức tranh trong thư với dòng chữ “gửi NLU vài bức tranh mới, biến tấu quanh chữ OM…”.

Tôi không rõ những bức này ông vẽ bằng sơn dầu hay màu nước, bởi nó là hình chụp, khó phân biệt, xác định… Lại những con cá quanh mặt người lặng lẽ nhìn nhau mà không nhìn, gần nhau nhưng xa lạ. Có vẻ như một nửa người này là của người kia, mà sao lạnh lẽo như một thỏi băng. Có lẽ bức tranh ông vẽ không như tư thế tôi paste trong bài. Tôi cố tình để vậy. Tôi thích ngắm tư thế hai mặt người sắp sửa chồng khít lên nhau, rất gần mà cũng thật xa, xa lắc trong một tích tắc rất gần!


 

Rồi lại con rắn và mặt người tôi cũng đặt nằm ngang và ngắm. Tất cả đều trong tư thế của sự hiện hữu trước ngọn đèn dầu không hắt bóng. Tôi nghĩ, nếu như để xuôi bức tranh và nhìn, có lẽ mọi sự đều biến mất, kể cả ngọn đèn, con rắn và mặt người?


Bức tranh tôi đặt ngang để có thể thấy và cảm rằng con rắn (biểu thị sự hủy diệt) cuốn  bên lề một khuôn mặt không mấy quan tâm tới cái ác, tới những bừa phứa, lộn xộn trong đời sống đầy rẫy những tội ác khệnh khạng trên chất lương thiện. Nhưng khuôn mặt kia như không thấy, không nghe tiếng khò khè giận dữ của con rắn mà, vẫn “tỉnh bơ”, vẫn thản nhiên với điếu thuốc gắn lệch trên môi Ca Diếp khiến tôi thích thú, bởi, hình như ông và tôi và cả bầy lũ chúng ta đang bị xoay trong cái trục mỏi mòn và ráng tìm ra cho riêng mình một sự ẩn náu, một cách nhìn đời khác hơn, mới mẻ hơn trong tâm thức “tính bổn thiện” của đứa trẻ chưa bập bẹ! Ý nghĩ vu vơ này, vô hình trung “lòi” ra cái hèn của thế hệ chúng tôi, những người hiểu quá nhiều mà chẳng hiểu gì cả về sự đời dị dạng!


 

Đáng chú ý nhất là những bức tranh ông vẽ “cá” một con, nhiều con cùng các “nhân vật phụ” đi kèm với đủ loại hình dạng, sắc màu… có vẻ như chúng đã và đang hốt ngộ, lúc trên nền đen thẫm, khi thì trên mặt nước xanh hay xám soi sáng bởi cây đèn hột vịt rất “phiêu hốt”.

Hẳn nhiên, ở đây, ý tôi muốn nói tới là một sự liên tưởng bắt vòng quanh co chợt nảy ra trong đầu rằng, giữa bức tranh trên đây của Thân Trọng Minh chẳng có liên quan gì đến mấy câu thơ sau của Phạm Phú Hải (1990 – 2009), nhưng sao có vẻ như hai người ngộ cảm được nhau trong cách nhìn, cách suy nghĩ, hành xử về vị trí con người trên thế gian này?:


Bà già đứng tắm dưới trăng
Trăm con rắn nhỏ vùng vằng chui ra
(…)
Bà già tắm suốt đêm dài
Trăng rùng mình gửi tà cài gốc mây
(…)
Lão bà ơi có tiếng gà lạc canh
(Bà già tắm)

 

 

 

 

 

 

Và rồi, cũng lại những con cá. Những con cá trong tranh ông, dưới cây cọ trong bàn tay ông, trên tấm vải “toang” rất chi an nhiên tự tại trước những lưỡi dao nhọn, những chén, những đũa, ly tách… Nhìn những cặp mắt, những vây, những vảy, những đuôi… dựng đứng hay nằm ngang thảy đều vượt qua, đứng ngoài thực tại, thản nhiên và “bình thường tâm” trước mọi việc chung quanh; như thể những thứ đó không hề tồn tại quanh chúng, là những khái niệm thừa thãi trong một thế giới lệch, chỉ còn lại bềnh bồng mây trắng và khí trời trong suốt!

 

 

 

 

Rồi cũng lại hốt nhiên, từ những bức tranh trên của Minh, tôi lại nhớ đến mấy câu thơ, cũng của thi sĩ phiêu hốt bên trời mây trắng Phạm Phú Hải, bài A, AA, AAA, AAAA… mà tôi đọc được trên bán nguyệt san Thời Tập của Viên Linh đâu gần giữa năm 1974:


Lạnh mùa thu ở trong núi đá
Có con cá nhỏ chết bên cầu
Có con chim nhỏ vì vui quá
Cũng chết bên cầu ấy, bữa xưa
(…) Có một thư sinh trên núi đá
Hỏi thăm đường tới chốn Bất lai
Trăng khuya úp mở sau ngàn lá
Bướm đỏ đàn đàn chấp chới bay
(…) Trăng khuyết xuôi, trăng tròn, trăng khuyết ngược
Bứt tháng, hái ngày, phơi khô năm
Năm khô, râu cũ đùn râu mới
Sợi sợi ấn ngòi Vô lượng quang…


Tôi không có ý so sánh tranh Thân Trọng Minh có sự liên hệ gần gũi với thơ Phạm Phú Hải. Nhưng chất thơ trong tranh Minh có chút gì đó rất gần với những câu thơ như tranh vẽ trong giây phút xuất thần của Phạm Phú Hải.


Vâng, chỉ trong một “sát na”, cả hai, Minh và Hải đều cất lên một tiếng OM vang dội tận cõi lòng của cả hai và tiếng OM vang dội ấy lại lan sang tôi, ít nhất dưới con mắt nhìn và cảm thức chủ quan?


Có hay chăng một Lữ Kiều, một Thân Trọng Minh tách đôi và hòa một như một “nghệ sĩ” tài hoa, nói theo Nguyễn Thị Khánh Minh thì ông là “chàng  lãng  tử  của  thời  gian

Vâng, thời gian đưa đẩy để cuối cùng ông cũng thốt được tiếng OM tiệm ngộ!


(Xứ Xương Rồng, tháng 6/2016)

(https://sangtao.org/2016/06/26/xem-tranh-than-trong-minh-qua-email/)

 

 

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 54
Ngày đăng: 18.02.2024
[ Trở lại ] [

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét