Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

" TRÔI" - vùng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư - - Trần Bảo Định -- trích: vanhocsaigon, 27/ 02/ 2024.

 

“Trôi” – Vùng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

                                TRẦN BẢO ĐỊNH 

Từ những năm đầu thập niên 2000, Nguyễn Ngọc Tư đã ghi dấu ấn trên văn đàn. Cùng với nhiều thế hệ cầm bút khác nhau, có thể nói, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã góp phần ít nhiều làm phong phú, sôi động văn học Nam Bộ trong đời sống văn học nước nhà buổi đương thời – nhất là, đã giúp bạn đọc gần xa hiểu thêm, yêu mến hơn những tác phẩm văn chương đậm đà bản sắc văn hóa Nam Bộ. Trôi – tập truyện mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa được nhà xuất bản Trẻ ấn hành quý IV năm 2023 – cho thấy, nhà văn Cà Mau này đã và đang tiếp tục miệt mài cùng chữ nghĩa; cũng như tiếp tục mở rộng biên giới sự nghiệp văn chương của mình.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư

1. Trôi – tập truyện mới nhất của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư – quen mà lạ. Chất Nam Bộ (biểu hiện ở giọng điệu, ngôn từ) trong tập truyện này vẫn còn đậm đà nhưng bạn đọc cơ hồ thấy quá trình “đô thị hóa” trong quan niệm nghệ thuật, tư duy nghệ thuật và tất nhiên cả trong bút pháp nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư. Quen phần vì có dấu vết hình bóng những nhân vật mà bạn đọc đã biết (như hình tượng người đàn bà ngoại tình) nhưng lạ vì dường như làn sương bí ẩn, thủ pháp mờ hóa, khuynh hướng huyền ảo khiến cho văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư dao động giữa hư và thực, giữa thực và hư; khiến cho trang viết của cô không còn nhắm đến việc kể một câu chuyện mà nhằm tạo ra một cảm thức, một trạng thái liên miên nghĩ tưởng nào đó khi đối diện với các “vấn đề” đời sống do cô đề cập đến. Kể không phải để cho thành chuyện, kể để tạo ra cảm giác. Và, cảm giác này, nên được hiểu là thứ trạng thái thuộc về tầng sâu, trạng thái nhập nhằng giữa ý thức – tiềm thức – vô thức.

“Mơ người” – câu chuyện khoác lên vẻ bí ẩn như hành trình phá án, như thể loại trinh thám. Nhưng, đúng hơn, đó là hành trình đi sâu vào tâm lý, khám phá miền u uẩn trong tâm hồn con người. Những con người bí ẩn, kỳ quặc, thậm chí biến thái (như nhân vật Tường). Kiểu nhân vật này dường như báo hiệu một “đại dịch” u buồn của nhân tính. Nguyễn Ngọc Tư không quy kết, chẳng lý giải và hình như, cũng không nghĩ đến việc lý giải hành vi kỳ lạ của Tường khi lẻn vào nhà người khác chỉ để nhìn người ta ngủ. “Ngắm thật lâu những người ngủ sâu, ta có thể nhìn thấy giấc mơ của họ” (tr.18). Không giải thích cho hành động kỳ quặc đó, Nguyễn Ngọc Tư chỉ lặng lẽ nhớ lại, rà soát lại những kỷ niệm. Cuộc sống của nhân vật xưng anh, với Tường, với dượng Lê và người mẹ tự dưng một ngày biến mất không rõ tung tích. Tất cả những nhân vật trong truyện Mơ người đều hư vô, không đầu đuôi. Dường như Nguyễn Ngọc Tư không chuyển tải hiện thực cuộc sống nào, cô chỉ muốn tạo ra một cảm thức mơ hồ về cuộc sống. Ngôn từ của Nguyễn Ngọc Tư như thể thôi miên! Trôi, vì thế, chính là cảm thức trôi!

2Trôi – mà có lẽ, nhiều tác phẩm sau này của Nguyễn Ngọc Tư – cơ hồ đều là những phát hiện. Truyện là chuỗi trần thuật của những phát hiện ấy. Thế nên, đọc Trôi cần nhấn nhá, nghiền ngẫm, thấm ngấm… Những chi tiết được tác giả phát hiện phần nhiều đều là những gì mà cô đã ngộ ra được giữa dòng đời. Con người – hay những dạng sống nào khác nói chung, thí dụ như lục bình – đều là những sinh vật mắc kẹt. Đến nỗi, sống tức là mắc kẹt. “Sau này khi bụi lục bình mắc kẹt vào chính nó (trên đường đi nó sinh con đẻ nhánh, kết cụm kết bè và rồi tự cầm tù mình trong một con kinh nào đó), anh nhớ lời của vợ, rằng mắc kẹt là chung cuộc được mặc định, không ngoại lệ nào, kể cả những thứ có sinh mệnh nổi trôi” (tr.24). Nếu chỉ vin vào nhân vật, cốt truyện, … e rằng bạn đọc khó phát hiện thông điệp của tác giả. Thế nhưng, trong suốt quá trình tiếp nhận, bạn đọc sẽ thường xuyên rơi vào những chi tiết mang tính phát hiện và bộc lộ nhãn quan của người viết về đời sống, về con người, về chính mình. Có lẽ, thông điệp và tư tưởng của tác phẩm chính là ở những chi tiết như thế!

Nhưng, cách Nguyễn Ngọc Tư gửi thông điệp không phải như cách người ta nghĩ có đầu có đuôi. Cảm giác, cô chỉ gửi một nửa thông điệp! Những chi tiết, những suy ngẫm như thế chỉ trưng ra đó, nửa phần bí ẩn, nửa phần dở dang. Loại thông điệp để cảm chứ không phải để suy lý. “Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời” (tr.39). Cuộc đời “ông cố” của đứa chắt trong truyện “Khởi đầu của gió” và hàng loạt thanh niên trong làng được nhà văn so sánh với hàng loạt đồ vật trôi nổi xô dạt vào bãi biền. Sống cho thành đời tức là sống như là trôi dạt. “Nước lớn ròng để lại trên bùn nhão vô số những món đồ trôi dạt. Cố nhìn vào chúng, đoán xóm mình nằm ở giữa biển và thị tứ nào đó, chỉ không rõ khoảng cách với hai nơi nọ bao xa” (tr.38). Bến bờ không quan trọng, không nghĩa lý, chỉ có sự trôi dạt từ bến này sang bãi nọ mới đáng kể, đáng chú ý.

Tập truyện “Trôi” của Nguyễn Ngọc Tư

Chính vì vậy, Ngọc Tư không lôi kéo sự chú ý của độc giả vào nhân vật và suy nghĩ của nhân vật mà lôi kéo sự chú ý của bạn đọc vào cuộc trôi dạt của nhiều thứ khác nhau: con búp bê hư, trái banh da, chiếc dép, kẹp cài tóc, bông bần, trái mắm, ông nược, cái chân giả,… cho tới mỗi con người trong cái xứ sở nào đó cũng lần lượt rời quê, rời khỏi bến bờ ban đầu để trôi dạt về muôn ngàn phương hướng. Đời tức là trôi dạt và cũng vì vậy, người ta hay nói cuộc đời ba chìm bảy nổi chín lênh đênh, thực có lý lắm! Và, thường thì, không ai biết từ đâu mà trôi đến đây, cũng không ai biết đời mình sẽ trôi về đâu – về đâu…? Đó là huyền nhiệm của đời chăng!

3. Truyện “Trôi” trong tập cùng tên dễ khiến người ta liên tưởng đến cảnh sạt lở ngày càng xảy ra phổ biến ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Nhiều bản tin đề cập nhà này nhà nọ chỉ ngủ đêm sáng đã mất trắng gia tài sự sản. Những vạt đất ven sông, kinh, rạch dần dà trôi tuột vào lòng nước, biến mất, tiêu tan. Nhưng liệu có phải Ngọc Tư đề cập chuyện thời sự xã hội. Khó nói! Nhưng có thể thấy, “Trôi” trong tập cùng tên khiến bạn đọc lờ mờ nhận ra bóng hình quê hương tan rã. “Ông già Ba Hào, người cả đời không ra khỏi nhà vì chẳng nỡ xa mớ của cải chồng chất quanh mình, cũng đành chịu trôi trên cái ghế cẩn xà cừ, khóc nấc từng hồi khi rẻo đất ông ngồi cứ chia tách không thôi, mang theo mớ tủ bàn chạm trổ, những món đồ sứ cổ” (tr.59). Còn Chị Vẹn trôi với đống củi trâm bầu ướt; Tư Điền trôi cùng cái máy may của vợ; Chương móm trôi với bộ bàn đá có mặt kẻ ô cờ; cậu Chín Cung thì có qua nhiều thứ không biết trôi theo cái nào; thằng nhỏ Mười Hai thì không có gì để trôi theo nên trôi một cách bơ vơ;…

Những nền nếp đời sống vốn có dần dà phân hủy. Lòng người tan rã khiến những khúc sông, những miền quê lần hồi tan rã. “Nhưng những gì còn sót lại của một cù lao phân rã không là bao. Vài ba mái nhà lấp ló trên mặt nước, một vài cái lu, những rẻo đất đủ rộng cho một người ngồi thì cũng có, lại trôi đờ đẫn đằng xa. Mãi mới có mảnh đất trôi gần, đúng lúc nó rùng mình nứt hai. Nó từng là vườn sau nhà ai đó, mình có thể nhìn thấy mấy bụi khoai báng lúp xúp cao ngang đầu gối. Cú chia tách tạo vài lượn sóng vỗ vào vách thẳm bên dưới chỗ mình ngồi” (tr.68). Vách thẳm đó là sự sụp lún của đời người, là gánh nặng chấp niệm nếu một mai không chống đỡ nổi trọng lượng của chính nó thì nó sẽ tự sụp đổ. Mỗi người gánh lấy chấp niệm của riêng mình để từ đó mất dần liên hệ với nhau. Mối liên kết người gãy đổ, tình thân đứt đoạn, đó là nguồn cơn tan rã. Cuộc sống con người tưởng chừng như bục vỡ.

Cấu trúc đối lập giữa nhân vật “em” và nhân vật xưng “tôi” trong truyện “Trôi” cơ hồ tạo ra thế đối lập giữa thực dụng và hư huyễn, giữa mất và còn, giữa cái ăn được và cái không ăn được. Tưởng chỉ nói bâng quơ, nhưng nếu bạn đọc ngẫm lại, thấy rằng: không chờ đến lúc tan rã, chẳng chờ đến khi trôi theo dòng nước mới rơi vào tình thế mất/còn, ăn được/không ăn được, thực dụng/hư huyễn, … mà thường trực trong đời sống chẳng phải chúng ta vẫn phải liên tục chọn lựa như vậy sao? “Trôi” chỉ là cái tình thế giúp Nguyễn Ngọc Tư xây dựng để cuộc sống hiện ra bản chất bộn bề, ngổn ngang, xáo trộn, dịch chuyển thường xuyên … ẩn chứa trong ấy, lòng người bị căng xé, dồn nén, ép buộc phải trôi về phía nào đó. Nhưng, cho dù trôi về phía nào thì cũng tức là đánh mất phần còn lại.

4. Ẩn ức về người đàn bà ngoại tình! Hình tượng người đàn bà trong truyện của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hoặc thương khổ bởi chồng con; hoặc người đàn bà phụ bạc, dan díu, ngoại tình. Hình tượng này liệu phản ánh ẩn ức gì trong tâm lý sáng tạo? Hẳn phải chờ thêm những cứu xét từ khoa phân tâm để minh định rõ hơn. Nhưng, có thể nói ngay, từ người đàn bà bỏ chồng trong Cánh đồng bất tận cho đến nay, từ người mẹ bỏ con, người vợ bỏ chồng trong truyện Mơ người và người đàn bà bỏ chồng trôi theo ông chủ vựa trái cây trong truyện Trôi đều nhất quán một nghĩa lý: tình người và lòng người thật có những làn sương mờ phủ muôn vàn sợi khói ảo không thể thấu hiểu cho đến ngọn ngành. “Vợ mình trôi cùng với ông chủ vựa trái cây bên Láng Sen, cả hai quấn chung trong một tấm vải trải giường, người ta kể lại vậy, nhưng mình cãi cổ nói với tôi là đi chợ Vàm, đâu mà qua tận bên mé đó. Em gái lúc ấy hay nhìn vào đầu mình, cười rũ, “đầu đồ ngu ông mọc sừng kìa”” (tr.65) Và, cái hiện tượng dan díu ấy, đôi khi thấy vậy thì biết vậy, thật không thể nhất thời đánh giá. Vì khi bạn đọc thử mổ xẻ thì chỉ càng thấy thêm nhiều ẩn khuất, nhiều ẩn tình đa đoan mơ hồ và khó nói.

Nhìn rộng hơn, bạn đọc sẽ thấy rằng hình tượng người đàn bà ngoại tình xuất hiện khá nhiều trên văn đàn thế giới. Lev Tolstoy với Anna Karenina, Gustave Flaubert với Bà Bovary, Tanizaki Junichiro với Hai cuốn nhật kýRobert James Waller với Những chiếc cầu ở quận Madison, Paolo Coelho với Ngoại tình,… Phải chăng, hình tượng người đàn bà ngoại tình biểu thị những góc khuất, những mâu thuẫn, những đối nghịch ngổn ngang vốn có trong tâm khảm con người (bất kể dân tộc, giới tính, tuổi tác). Và, Nguyễn Ngọc Tư vì thế cũng chẳng ngoại lệ. Hơn ai hết, người cầm bút luôn là người thường trực đối diện với những đối nghịch ngổn ngang trong lòng mình. Rồi, khi người cầm bút nhìn ngó cuộc đời, ba đào thế sự càng khiến cho những đối nghịch nội tại đó trỗi dậy sóng cồn, càng sâu càng tĩnh lặng trên chiều mặt nổi. Trước khi những nhân vật trong truyện Trôi thực sự trôi theo con nước thì người tạo nhân vật đã trôi trước đó rồi!

5. Bạn đọc có thể nhìn thấy sự lạc trôi của Nguyễn Ngọc Tư qua: tốc độ kể, nhịp kể. Hai biểu hiện này của văn phong Nguyễn Ngọc Tư khiến ta liên tưởng đến về lục bình bồng bênh trên mặt nước. Hoàn toàn lạc lỏng, hoàn toàn bơ vơ – tâm trí người cứ trôi vô định – vô định. Vẫn như thế, một cảm thức mà thôi, Nguyễn Ngọc Tư gieo vào tâm khảm bạn đọc. Và, cảm thức đó, cũng khiến ta cảm giác như đang ở trong tình thế của những ngày tháng tàn lụi. Kiểu như sống trong những ngày tàn tháng lụn, dần kết thúc cái gì đó chẳng rõ. “Và khi hồi nhớ những cú rơi ghi được từ máy quay dính theo bụi lục bình, thử nhét một vài thứ vào bao tải sao cho gần giống một người trưởng thành, ngắm nó chìm vào lòng hồ, anh bỗng nghĩ có giả lập được chính xác đến mấy thì cảm giác khi rơi, chới với ấy, thảng thốt ấy, rồi yên tĩnh ấy, anh không thể nào mô phỏng” (tr.31). Ta bần thần nhận ra: cũng tốc độ kể, nhịp kể và giọng điệu kể tưởng như tương đồng mà lại khác. Cái cách kể như thế có thể bạn cũng nhận ra ở Nương trong Cánh đồng bất tận, ở Đậm trong Giao thừa, ở người đàn bà đuổi theo đám thợ gặt trong Cái nhìn khắc khoải, … nhưng ở Trôi lại khác. Bạn nhận ra phong cách tự sự này là phong cách tự sự đang phân hủy. Sự phân hủy của cảm giác, của tri giác, của tư tưởng, … Trôi ở đây phải chăng nên được hiểu như ý thức đang dần tàn lụi. Mỗi truyện ngắn trong tập Trôi đều kết thúc trong im lặng, chưng hửng, hụt hẫng, hoặc không gì cả.

Mỗi truyện trong tập Trôi đều có tính độc lập tương đối. Thế nhưng, giữa chúng, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chìa ra một chi tiết bé xíu để bạn đọc thấy rằng giữa các truyện trong tập thống nhất và liên đới với nhau. Phải chăng, cuộc sống cũng thế thôi, cũng chỉ là một cuộc đời chung chung. Nói rằng tách rời nhau cũng không phải, nói rằng dính líu với nhau cũng không đúng, mà chỉ là những liên kết mơ hồ (ví dụ như người vợ trong truyện “Giữa đây và kia” là người mẹ bỏ chồng bỏ con ra đi không một lý do trong truyện “Mơ người”). Có thể hơi vội vàng và cần thêm cứu xét, nhưng ta có thể nói Nguyễn Ngọc Tư đang dần dịch chuyển đến chặng đường khác trên con đường văn chương của mình.

***

Chí ít, từ Biên sử nước đến Trôi, độc giả có thể nhận ra một Nguyễn Ngọc Tư khác. Trong hình thức văn chương phảng phất nhiều dấu ấn của chặng đường trước, nhưng có một nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khác đã dần hình thành từ tư duy nghệ thuật đến quan niệm nghệ thuật về thế giới và quan niệm nghệ thuật về con người. Điều đó cho thấy: sự dịch chuyển về hình thức nghệ thuật theo sau sự dịch chuyển về tư tưởng nghệ thuật. Tập truyện Trôi của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, khiến người đọc nhận ra: đời sống vốn khó lòng cắt nghĩa. Một khi thực hiện việc cắt nghĩa tức là đã thiên lệch mất rồi. Có lẽ, bởi vậy, tác giả trong tập truyện này chẳng khi nào cắt nghĩa, đánh giá, phán đoán đời sống. Nhà văn nữ họ Nguyễn chỉ đóng vai người quan sát, ghi nhận và tường thuật. Chuyện vậy, thì kể ra vậy; người đọc hiểu sao hiểu. Quyền hiểu đó, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trao lại cho người đọc. Chẳng phải cuộc sống vốn dĩ thế sao! Cùng hoàn cảnh, người này nói khác và người kia, có khi nói khác. Sự khác nhau của đời, hóa ra chỉ là sự phản ánh cái khác nhau ở tâm người mà thôi!

TRẦN BẢO ĐỊNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét