Mùa Xuân Nghe Các Nhà Văn Kể chuyện Thi Sĩ TẢN ĐÀ -- trích : Việt Văn Mới 02/02/ 2024 -- Troyes- France.
NGÀY XUÂN NGHE CÁC NHÀ VĂN
KỂ CHUYỆN THI SĨ TẢN ĐÀ
T ản Đà là một trong những nhà thơ hiếm hoi mà cho tới lúc này vẫn còn được rất nhiều người yêu thích, kính phục. Người viết đặc biệt kính phục Tản Đà ở chỗ ông chưa hề bao giờ để đồng tiền chi phối và luôn luôn sống theo đúng cách ông thích, tóm lại ông bao giờ cũng chính là ông, và chẳng bao giờ sợ là mình “chẳng giống ai”.
Xin giới thiệu với quý bạn đọc bản tin một vài truyện về Tản Đà do các nhà văn cùng thời với ông như Lan Khai, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan kể lại, đồng thời cũng xin mời quý bạn xem thủ bút của nhà thơ.
PHÁC HỌA CHÂN DUNG TẢN ĐÀ
…Thi sĩ Tản Đà là một người đàn ông đẫy đà, hơi thấp; đầu đội chiếc khăn xếp không che kín mái tóc theo kiểu bàn chải, mình mặc áo sa bóng. Thi sĩ có một gương mặt nở nang và thường đỏ hồng vì men rượu; - tiên sinh nổi tiếng về rượu cũng như về thơ; tiên sinh lại đã tự bào chữa trước sự đùa cợt của thế nhân bằng hai câu thơ rất tài tình:
Đất say, đất cũng lăn quay;
Trời say, mặt cũng đỏ gay ai cười?
Gương mặt ấy sáng tươi luôn luôn bởi cái miệng môi mỏng lúc nào cũng mủm mỉm cười và bởi cặp mắt cười nhiều hơn miệng. Cái nhìn của tiên sinh có vẻ ngạc nhiên, thẳng thắn, tỏ ra không bao giờ biết dối trá hết. Tự dáng điệu, cử chỉ của tiên sinh, bốc lên một thứ hương quý của lòng chân thành mà tiếng cười của tiên sinh làm cho rõ rệt thêm. Ồ, chẳng rõ các bà, các cô và các ngài đã từng nghe thi sĩ Tản Đà cười bao giờ chưa? Thi sĩ cười luôn và cười rất to, sau mỗi câu thơ hay mỗi câu chuyện mà thi sĩ lấy làm khoái chí. Thi sĩ là người đã để tất cả tâm hồn mình trong tiếng cười (1). Ấy chính cái thói quen ầm ĩ ấy nó khiến nhiều người; thoạt đến gần tiên sinh phải tan mộng. Là bởi, phần đông, những người ấy đều đợi chờ ở thi sĩ một vẻ kín đáo hơn, xa xăm hơn. Ngay tôi, lần đầu diện kiến thi sĩ, tôi cũng có cảm tưởng như tan mất một cái mộng tuyệt đẹp! Nhưng, cảm tưởng ấy chỉ thoảng qua. Người ta ở đời, ai không có ít nhất là một tật khó chịu? Người ta chẳng phải là thần thánh cũng không đến nỗi là quỷ sứ; người ta chỉ là người. Và, chính vì người ta chỉ là người nên người ta mới có thể đáng yêu. Thi sĩ Tản Đà rất là người thành thử dù ai khó tính đến đâu sau cũng phải yêu mến.
Vả, không mến yêu sao được, cái tâm hồn thuần túy ấy, cái tâm hồn Á đông còn sót lại trong thời buổi mà người ta, nếu muốn sống, không thể không mưu cơ, xảo quyệt.
Một nhà phê bình Pháp, ông Albert Thibaudet, đã nói: “Tuổi thơ ngây là một thiên tài thi sĩ mà thiên tài thi sĩ tức là sự kéo dài tuổi thơ ngây”. Câu nói rất đúng, nếu ta đem nó áp dụng vào cái trường hợp thi sĩ Tản Đà. Thực vậy, thi sĩ Tản Đà chính là một tâm hồn thơ ngây lạc loài trong xã hội người nhớn, một xã hội người nhớn tinh khôn. Thi sĩ vì thơ ngây nên đã tạo ra trong trí bao nhiêu là mộng lớn mộng con. Thi sĩ vì thơ ngây nên đã thất bại nhiều phen trong sự thực hiện những mộng lớn mộng con hết sức thơ ngây của mình. Thi sĩ lại đã vì ngây thơ mà, dù bao phen thất bại, vẫn không chán nản, cứ mơ mộng hoài, mơ mộng cho đến tận trước khi nhắm mắt. Và, mỗi lần thất bại, thi sĩ chỉ biết ngạc nhiên không hiểu, cười rõ to lên một chút để rồi, một lúc sau, lại mơ màng toan tính những việc xây bên xứ Tây Ban Nha một tòa lâu đài khác đồ sộ hơn!...
LAN KHAI
(Trích bài diễn thuyết nhan “Phác họa hình dung và tâm tính thi sĩ Tản Đà”
Tao Đàn, số 9-10, tr.790-795)
(1) Đêm ấy ba chúng tôi nói chuyện với nhau lâu. Thì ra tôi thấy ông Hiếu vui tính, hay cười và nhũn nhặn lắm. Sáng ngày ra, tôi liền khoe với ông Dương Bá Trạc: “Đêm qua tôi có gặp ông Tản Đà rồi”. Tôi lấy sự gặp được ông Hiếu làm hân hạnh, thật tình! (Phụ chú này tòa soạn VĂN rút trong bài “Tôi với thi sĩ Tản Đà” của ông Phan Khôi.)
TẢN ĐÀ, MỘT KIẾM KHÁCH
Bây giờ mới đến chuyện ông Tản Đà múa kiếm.
Hồi năm ngoái, vào tiết sen tàn đã cụp lại trên mặt ao những chiếc lọng rách, pha vào cái già nua của cây cỏ một màu dỉ sắt, tôi và vài ông bạn nữa kéo nhau về làng Hà Trì ở gần tỉnh Đơ. Ông Tản Đà đã đính ước cùng chúng tôi là gặp nhau ở đấy. Hôm chủ nhật, đánh chén. Gặp ông Tản Đà, thường bao giờ cũng lấy rượu ra làm đầu sai; nếu không đại yến được thì ít ra cũng phải tiểu ẩm. Hôm ấy, thịnh soạn. Thi nhân khoe rằng vừa mới lĩnh (!) được một món tiền nhuận bút. Thảo nào, rượu hôm ấy có lẫn mùi đảng sâm. Và sớm hôm ấy, tôi thấy được một ngày không có giờ. Trong lúc chủ khách thu ẩm, sự đời cứ chầm chậm, nhè nhẹ như cái hồi nước Cổ Việt Nam chưa bị nhà nước Pháp tới ở, có những người tuổi tác vào lớp cha anh chúng ta, ăn bữa gỏi cá sinh cầm mất những một ngày một đêm. Đôi câu đối:
“Nhãn tiền nhất bôi tửu;
Bách thế nhân hậu danh.”
Do chủ nhân đề vào giấy hồng điều dán phủ lên cột nhà, đã có sức mạnh cám dỗ bọn tôi nên quên hết mọi cái băn khoăn ở đời và lúc này chỉ nên say. Biết trước bữa ăn phải kéo rất dài ra cho nó họp với phong tục trong túy hương, tôi nhỏ nhẻ, gắp rất chậm. Bao giờ cho tôi quên được cái con cá chắm nướng, mình dài đúng một thước ta nằm trên tàu lá chuối giữa bàn ăn. Thuận tay, tôi ngồi gỡ con cá nướng, trong ruột nhồi đầy những lá thơm tho. Tớp xong một hớp rượu có mùi khê khê, tay tôi gỡ cá ra từng mảnh nhỏ, miệng tôi nói với đám tiệc:
- Trước khi gần Tần Thỉ Hoàng để hành thích, có lẽ ngươi Chuyên Chư học nướng cá mấy năm ròng ở đất Ngũ Hồ, cũng chỉ khéo đến thế này là cùng.
Cả bàn tiệc cười xòa. Ông Tản Đà giục mọi người cầm đũa:
- Anh em mình ăn ngay cho nóng. Kệ lão ấy gỡ cá. Hắn có tài, thì hắn phải làm đầy tớ bọn ta. Sự đời thường vẫn thế! Hề, hề.
Lúc gần triệt soạn, tôi nằn nì với chủ nhân:
- Người ta đồn cụ múa kiếm có nhiều đường đẹp lắm. Anh em hôm nay muốn được xem.
Mỗi người thêm một câu. Rút cùng, Phục – người con thứ thi sĩ – đã đưa cho cha một con dao phay. Như trước khi bình thân, ông Tản Đà đã thét người nhà lấy mấy tấm liếp bằng cót che kín mặt nhà trước lại. Và đóng kín cả hai tấm cửa sổ ở phía sau nhà trông ra vườn nữa.
Tôi đã hiểu thầm tại sao ông Tản Đà có sự cẩn thận này. Đấy là dớp sợ hãi của những năm Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục còn để sót lại trong người thi nhân. Cái sợ đó, cái cẩn thận đó là những cái lo lắng chính đáng của những nhà nho sống vào thời cụ Quận Thái Xuyên Hoàng Cao Khải, vào thời quan Khâm sai Lê Hoan, mà vẫn nhớ luôn là trong nhà mình có quyển Sấm Trạng Trình, một cuốn binh thư và trong cái đòn ống gác bếp, vẫn có một thanh quất ép lưỡi vào tấm bìa một cuốn sách tính số Thái Ất. Trước khi múa kiếm, ông Tản Đà nghiêm trang như một võ sĩ sắp lên tỉ thí trên lôi đài nói với mọi người:
- Môn kiếm này của Tư Đạt truyền cho tôi.
- Tư Đạt?
- Con ông Đô thống Thuật ấy mà. Ngày xưa, tôi năng tập, công phu lạ. Bỏ đã lâu lắm, chả biết bây giờ có đi được cả bài không. Ấy thế mà dù có nhớ, cũng khó mà đi hết được.
Trong gian nhà tối lờ mờ, mọi người nhận thấy một cái bóng trắng lượn múa trên hai bộ ngựa ghép sát lại. Ông Tản Đà mặc áo trắng dài. Cũng tiến lên, lùi xuống, bước đi gò theo một luật phép rất khắc khổ. Cũng múa trên, đỡ dưới. Chưa bao giờ tôi tập đánh kiếm. Nhưng hồi còn ở lao, có mấy người tù đàn anh đã đi cho tôi xem cả môn độc kiếm, cả môn song kiếm và giảng sơ sơ cho tôi về môn kiếm thuật. Căn cứ vào những nhời xa xôi ấy, tôi thấy ông Tản Đà hôm ấy múa tròn lắm, đường kiếm lúc nào cũng che kín người. Và có những đoạn loạn đả, ông Tản Đà có những miếng sả và tuốt cũng lợi hại lắm. Chả biết lúc sự thực phải cho đổ máu thì kiếm thuật sẽ như thế nào, nhưng ở phút múa kiếm sau cơn rượu, tôi thấy thi nhân đẹp lắm. Và nhớ tới một cuộc bút chiến, ông Tản Đà đã lên án chém ông Phan Khôi mà tôi sợ.
Tôi nhìn xuống nhà dưới thì ở khung cửa nhà ngang, bà Tản Đà đang thập thò với vẻ khiếp sợ rõ rệt. Nghỉ múa kiếm, ông Tản Đà gọi thứ nam:
- Phục ơi! Ờ, con bỏ quần áo vào va-li cho cậu. Chiều nay cậu ra Hà Nội.
Rồi quay lại phía chúng tôi, ông nói về chuyện kiếm:
- Tứ phương, bát diện. Những lúc tứ diện thụ địch, những lúc hỗn chiến, thanh kiếm sát phạt đã nhiều lắm, chư hiền ạ.
Vẫn không quên sắp hành lý để chẩy ra Hà, thi nhân bỏ vào va li một cái nghiên mực, một đĩa son và một tập cổ thi. Cái va li ấy là một chiếc va li cũ kỹ đã bật cả khóa, chẳng khác gì cái va li của một ông Đồ Nghệ mới ra Bắc làm thuốc. Say ruợu, rồi múa kiếm; cất kiếm rồi hỏa tốc sắm va li lên đường như là một khách không nhà, sao người ta lại không sống vào thời Trung Cổ để làm một kẻ hiệp sĩ nhỉ? Chưa bao giờ, tôi buồn một cách rất thi vị như buổi chiều ấy.
Cái buổi chiều ấy là một buổi chiều ông Tản Đà khởi hành ra Hà Nội để rồi đi mãi mãi, đi… thẳng luôn vào Lịch sử, của nước Việt Nam văn chương.
NGUYỄN TUÂN
(Tao Đàn, số đặc biệt, tr. 89-93)
ÔNG SOÁT VÉ XE LỬA VỚI THI SĨ TẢN ĐÀ
Năm 1932, báo An nam tạp chí bị đình bản lần thứ ba, ông Tản Đà mới tính sự đem báo vào Vinh.
Vì thế ông năng phải đi Vinh luôn.
Đã có một lần, sáng ông ở Hà Nội vào Vinh, và đêm lại đi luôn xe lửa ra Hà Nội.
Chuyến ấy tôi cùng đi với ông ở Vinh về.
Hành lý của ông là một cái chai, một cái cốc, dăm quả nem và một cái khăn mặt ướt, đựng trong cái rỏ tròn, bằng tre đan, có quai xách.
Thường lúc buồn ông vẫn uống rượu trên tầu.
Xe chạy được vài ga, ông trùm vạt áo lên mặt để ngủ cho đỡ gió. Tôi hết chỗ nằm, phải ngồi cạnh ông để ngủ gật.
Đến một ga, một ông soát vé lên đánh thức hành khách rầm rĩ để làm bổn phận. Ông ta gắt người nọ, cự người kia. Đương đêm, ai phải dậy không khó chịu, và ai có thể nhanh nhẩu lấy được vé ra cho ông ta khám ngay.
Nhưng lạ một nỗi là ông ta không đánh thức ông Tản Đà, mà chỉ ngó nhìn vào cái rỏ, có lòi cái cổ chai ra mà thôi, rồi yên trí, hỏi vé tôi là người bên cạnh.
Thấy sự kỳ quặc, tôi hỏi, thì ông ta trả lời:
- Thôi, để ông ấy ngủ, ông ấy say đấy mà.
- Ông nào mà ông biết đích thế?
- Ông Nguyễn Khắc Hiếu chứ ai! Lần nào đi tầu không thế.
NGUYỄN CÔNG HOAN
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ