Ở quốc gia này, quốc gia khác, ở chỗ này, chỗ khác, vẫn có những nhà văn, nhà thơ “co vòi từ trong trứng”. Có khi vừa viết vừa lo: Không biết viết thế này, liệu các báo, các tạp chí, các nhà xuất bản có chấp nhận mình không? Hoặc mình có bị làm sao không?
BẢN LĨNH NGƯỜI CẦM BÚT
ĐẶNG HUY GIANG
Đối với người viết, bản lĩnh chính là sự tự tin, tự làm chủ mình trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, đến mức tuyệt đối. Bên cạnh đó, không chạy theo người khác, không giống người khác, cũng là một đòi hỏi và cũng đến mức tuyệt đối. Chính nhờ bản lĩnh, tất nhiên là còn nhờ ở tài năng, mà sự khác biệt, độc đáo mới được hình thành, được xác lập.
Nếu không có bản lĩnh, chắc chắn ở thời kỳ đổi mới, Liên Xô cũ sẽ không có tiểu thuyết “Trái tim chó”, tiểu thuyết “Những đứa con phố Arbat”, tập thơ “Sợi dây thần kinh” của Bulgakov, Rybakob, Vyxotxki và một số tác phẩm khác, mới được công bố và được thừa nhận. Những tác phẩm này vẫn được các tác giả viết trước đó, ở thời kỳ có nhiều thứ bị cấm kỵ và bị trói buộc.
Với họ, đăng được, in được hay không, không quan trọng. Cái quan trọng là phải viết từ sự trung thực, từ sự đòi thúc bách của chính họ, để giải tỏa những ghìm nén của họ vì con người, vì những giá trị phổ quát của nhân loại. Họ viết như một nhu cầu tự thân và cũng vì thiên chức của nhà văn, nhà thơ.
Trong khi ấy thì ở quốc gia này, quốc gia khác, ở chỗ này, chỗ khác, vẫn có những nhà văn, nhà thơ “co vòi từ trong trứng”. Có khi vừa viết vừa lo: Không biết viết thế này, liệu các báo, các tạp chí, các nhà xuất bản có chấp nhận mình không? Hoặc mình có bị làm sao không? Thế rồi tác phẩm không hoàn thành hoặc chết yểu và nếu có hoàn thành hoặc không chết yểu thì ngay trong quá trình viết đã vội vã đổi hướng, thay màu và biến chất. Họ không dám đối diện với họ, đối diện với trang giấy. Đó là những tác phẩm viết không tới và thường là những tác phẩm vô thưởng, vô phạt, có khi còn vô bổ, vô ích nữa.
Có một thời, không ít nhà thơ bỏ sở trường, chạy theo sở đoản. Vốn viết thơ tình rất hay, nhưng lại xoay ra viết thơ sản xuất, chiến đấu...cho hợp thời. Rồi thơ sản xuất, chiến đấu...cũng chẳng đâu vào đâu và trở nên bất cập. Ấy là sự xa rời mình nên không thể trở thành mình. Ấy là sự tự đánh mất mình và đương nhiên trở thành người viết không có bản lĩnh.
Có người làm thơ viết về nông dân thì giống nông dân, viết về công nhân thì giống công nhân, viết về cán bộ thì giống cán bộ...không thể hiện được cá tính sáng tạo của mình, cái riêng của mình. Cũng có nhà thơ cả đời chạy theo đề tài, coi đề tài là mục đích viết, cứ như là tin rằng đề tài sẽ làm nên tên tuổi của mình. Nên nhớ, đề tài không phải là tất cả, đôi khi chỉ là cái cớ để viết. Bài thơ lớn hay nhỏ không hoàn toàn phụ thuộc vào đề tài. Có khi viết về một hạt cát, một ngọn cỏ lại hay hơn, có lý hơn viết về một đại dương, một khu rừng. Nói như cách nói của những người cầm bút lớp trước thì đó là hiện tượng: “Như sắn, như khoai, không sợ sai, không sợ kiểm điểm”.
Có một thời, thơ đăng báo rất khó. Cả nước chỉ có Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Tác phẩm mới đăng thơ. Còn những tờ báo không chuyên về văn nghệ, mỗi tuần (thường vào chủ nhật) mới đăng một bài thơ. Vì thế, để đăng một chùm thơ từ hai bài trở lên trên các báo, tạp chí kể trên, là rất khó. Và số người được in một lúc một chùm thơ, cũng không nhiều. Người nào được giới thiệu một chùm thơ năm, bảy bài một lúc, đã được coi là nổi tiếng. Tất nhiên là đặt trong điều kiện văn chương còn thiêng liêng, còn có vị thế, còn được nhiều người yêu thích, còn có nhiều độc giả. Chứ không như hiện nay, đến người viết còn không đọc của nhau, không quan tâm đến tác phẩm của nhau. Đây là một dấu hiệu đáng báo động.
Ở mảng xuất bản một thời, cũng vậy. Mỗi năm mỗi nhà xuất bản có dính dấp đến văn chương, thường chỉ ra được trên dưới 20 đầu sách. Cho nên, một tác giả được in riêng một tác phẩm cũng không dễ, thường phải in ghép hoặc in chung với một hoặc vài người khác. Đối với người trẻ làm thơ hồi ấy, được in một, hai bài thơ trong các tập thơ mang tên “Sức mới”, “Hoa trăm miền”...đã là vinh dự và may mắn lắm rồi.
Những cái khó ấy cũng làm cho các tác giả phải không ngừng trui rèn bản lĩnh.
Ngày nay, việc đăng thơ quá dễ. Ai cũng có thể đăng thơ chùm trên các báo, tạp chí. Ai cũng có thể xuất bản được sách. Sinh thời, nhà thơ Quang Huy từng nói: “Có một cái đáng chống nhất thì lại không chống. Đó là chống chất lượng nghệ thuật yếu kém”. Còn việc tự xuất bản thơ qua facebook thì dễ dàng và tự do hơn nhiều. Nhà nhà, người người cứ việc làm thơ, công bố thơ.
Việc công bố thơ dễ dàng như thế cũng là một thử thách về mặt bản lĩnh đối với người viết, nhất là đối với những người không có tài, lại có phần ngộ nhận mình. Và trong trường hợp này, sự tự tin, sự tự làm chủ mình trở nên thái quá, trở nên phản tác dụng một cách nhãn tiền. Nên nhớ: Bản lĩnh của người viết chỉ thực sự được tôn cao nếu như người viết thực sự có tài.
Nêu thế để thấy: Trong cái khó luôn có cái khó của nó (đã đành) nhưng trong cái dễ cũng có cái khó của nó. Có khi cái dễ còn tạo ra thách thức hơn cái khó.
Trong thơ Việt hiện đại, Trần Dần là một nhà thơ có bản lĩnh. Ông theo đuổi quan điểm nghệ thuật, cách nghĩ, lối viết của mình đến cùng. “13 mi ni” dưới đây của ông là một minh chứng:
1. Tất cả diễn ra trong khói một tia nhìn.
2. Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời.
3. Tất cả những gì tôi có đều do tôi sắm lấy
Bằng-nhiều-mất-ngủ-chân-mây.
4. Chưa hưởng mùa xuân đã phải chịu mùa hè.
5. Phải chịu đau rồi mới hết đau.
6. Mưa rơi không cần phiên dịch.
7. Tôi như kẻ đi đày trên sa mạc tờ giấy.
8. Người ta thích nói thi sĩ đầu bù
Nhưng nếu anh cạo trọc đầu
Người ta lại nói: Nhà thơ đầu trọc.
9. Tôi không thừa nhận một thứ thơ nào nhân tạo
Mà không có khổ đau và nổi loạn.
10. Em hãy giữ gìn đôi mắt lệ
Đừng lau mắt lệ hạ huyền
Nỗi buồn sáng thế còn nguyên.
11. Ở trong tôi còn một tia hy vọng mồ côi.
12. Tôi chẳng muốn mang sang gì cả
Nỗi buồn ga cuối còn nguyên.
13. Hãy ôm thế giới này, tha thứ cho nó
Hãy thắp sáng mọi chòm cao cũ
Cả những vì sao đá tắt lụi từ lâu.
Bản lĩnh của người viết có phần giống như Yến Lan quan niệm qua “Đọc Nam Hoa Kinh”:
Sáng đọc Nam Hoa Kinh
Đêm nằm không hóa bướm
Mừng mình chủ được mình
Dậy thổi nồi khoai sớm.
Và cao hơn, bản lĩnh của người viết có phần giống như thiền sư Quảng Nghiêm (đời nhà Đinh) qua “Đừng giẫm bước Như Lai” - một biểu hiện của bản lĩnh thiền:
Đã tịch diệt mới bàn tịch diệt
Sống vô sinh mới thuyết vô sinh
Làm trai chí cả xung trời thẳm
Đừng hướng Như Lai - lối đã thành.
Riêng Chế Lan Viên viết có phần khác. Ông “đào sâu, xoáy mạnh” về một hiện tượng có thật trong làng thơ. Ông chê những nhà thơ không dám là mình, đã không làm nên cơm cháo gì, mà còn khoe khoang một cách buồn cười hết chỗ nói. Đấy là sự đánh mất mình từ bản lĩnh đến tư cách. Đây cũng chính là một bi kịch đối với một người viết:
Những nhà thơ tuổi hổ
Lại nghĩ mình phận mèo
Đã liếm cá trong đĩa
Lại còn kêu meo meo.
ĐĂNG HUY GIANG
==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét