Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

TRẦN TRUNG ĐẠO giới thiệu tác phẩm ÂM NHẠC - NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ của nhà văn Vương Trùng Dương [ i.e. Trần Ngọc Dưỡng 1946- Hoa Kỳ ] -- nguồn: https: uyennguyen.net/2024/... -- trích : Giao Blog ( Hà Nội).

 

Trần Trung Đạo:

  Giới thiệu tác phẩm ÂM NHẠC & NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ của nhà văn Vương Trùng Dương


Hai anh em chúng tôi gắn bó với nhau bằng nhiều tình cảm, tình đồng hương Quảng Nam – Đà Nẵng, tình học trò ở Hội An và tình văn nghệ từ những ngày anh mới đặt chân tới đất Mỹ.

Lần nào tôi qua California cũng đều được anh dắt đi uống café và giới thiệu đến các anh, các chị trong giới cầm bút để tôi được làm quen. Mười chín năm trước tôi đến California giới thiệu thơ, anh là người chụp hình, viết tin, làm phóng sự. Năm 2013, tôi sang giới thiệu Chính Luận cũng thế, anh lại bận bịu vì đàn em. Anh quan tâm không chỉ vì tình văn nghệ hay tình đồng hương mà một phần lớn vì bản tánh anh hào phóng, chân thật và tận tình với anh chị em trong giới sáng tác. Anh đối xử với phần đông anh chị em văn nghệ đều như vậy chứ không phải chỉ dành cho riêng tôi.

Đầu tháng 12 năm ngoái, 2023, tôi trở lại California để phụ lo Lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng Tuệ Sỹ, anh cũng đóng góp một phần ý nghĩa về cả vật chất lẫn tinh thần trong lễ tưởng niệm. Bảy năm gặp lại, ông anh Vương Trùng Dương vẫn không thay đổi nhiều, hoạt bát, hăng say, nhiệt tình, chiếc mũ nỉ trông không già hơn xưa mấy, trong khi chú em của anh thì khác, đuổi theo sắp kịp anh, tóc trắng và nhiều nếp nhăn trên trán. Nhà thơ Tô Thùy Yên thường nói khi gặp anh em văn nghệ “Lần gặp nhau là một lần hạnh ngộ”, có thể trong cùng suy nghĩ đó, dù bận rộn, anh Vương Trùng Dương đều có mặt trong hầu hết các buổi hẹn hò của chúng tôi.

Nhà văn Vương Trùng Dương thuộc thế hệ đàn anh. Thời các anh vung bút trên văn đàn chú em này chưa cầm bút. Bạn văn của anh khi bước vào quân trường cách đây 57 năm… Anh lớn hơn tôi gần một giáp, khi anh viết báo ở Sài Gòn chú em của anh còn ngồi trong trường trung học Trần Quý Cáp ở Hội An.

Qua Mỹ, không gian sinh hoạt thu gọn lại trong quãng đời tỵ nạn. Mọi thế hệ ngồi chung nhau. Được ngồi chung với các anh chị là một vinh dự nhưng với anh Vương Trùng Dương còn mang một ý nghĩa khác. Anh dành nhiều thời gian để viết về tác giả và tác phẩm. Nhờ đó thế hệ chúng tôi và nhiều thế hệ sau này biết được thêm những tác giả, những câu chuyện văn nghệ trước 1975. Các tác giả Việt Nam rất ít người chịu ngồi xuống viết lại đời mình và những người biết về họ cũng ít ai viết. Họ nghĩ là “tự trọng” tránh viết về “cái tôi”. Nhưng cũng vì tính “tự trọng” đó mà văn học Việt Nam và văn hóa Việt Nam có nhiều khoảng trống và thậm chí nhiều ngộ nhận.

Khi viết phiếm luận anh thường ký các bút hiệu khác nhau cho vài tờ tuần báo. Năm 2004, ấn hành tác phẩm Ngẫm Chuyện Nhân Sinh với bút hiệu Vương Trùng Dương, ngoài các bút hiệu khác trước năm 1975 như Trần Lư Nguyên Khanh và Hoàng Bích Yên. Lần gặp nhau cuối năm ngoái ở quán café Đen Đá, anh tiết lộ bút hiệu Vương Trùng Dương không có chi là bí mật, chẳng qua phát xuất từ phong trào dùng các nhân vật trong truyện Kim Dung… Chẳng hạn, Kha Trấn Ác là bút hiệu viết phiếm luận của nhà văn Chu Tử trong mục Ao Thả Vịt trên báo Đời hay Kiều Phong là bút hiệu ký dưới các phiếm luận của nhà văn Lê Tất Điều, nhà thơ Nguyên Sa với bút hiệu Hư Trúc, nhà văn Hoàng Ngọc Phan với bút hiệu Hà Túc Đạo…

Nhà văn Vương Trùng Dương tên thật Trần Ngọc Dưỡng sinh năm Giáp Thân tại Quảng Nam. Quê nội Duy Xuyên, quê mẹ Thăng Bình. Học trung học ở Hội An. Anh xuất thân Khóa I Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Giai đoạn I, các sinh viên sĩ quan CTCT học quân sự tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Đó cũng là nơi anh có mặt trong Ban Biên Tập SVSQ liên khóa 23 & 24 (cuối năm 1966, đầu năm 1967) của nguyệt san Bộ Binh Thủ Đức và kết bạn với hàng loạt văn nghệ sĩ tên tuổi như Nguyên Sa, Lưu Trung Khảo, Lâm Chương, Chu Tân, Trần Hoài Thư, Cao Thoại Châu, Hồ Minh Dũng, Phan Nhự Thức, Phạm Văn Bình v.v… Sau nhiều năm tù đày, nhà văn Vương Trùng Dương qua Mỹ trong diện HO vào năm 1990.

Tại Mỹ, tuổi tác không còn trẻ nữa và cộng thêm những năm tháng tù đày, nhưng nhà văn Vương Trùng Dương chẳng những không dừng lại mà còn tiếp tục đóng góp tích cực hơn vào sinh văn văn hóa, văn nghệ. Trong suốt hơn 30 năm qua nhà văn đã cộng tác với nhiều tờ báo Việt ngữ. Anh là Tổng Thư Ký các tờ Việt Press, nguyệt san Thế Giới Nghệ Thuật, Tuần báo Tình Thương, tuần báo Đất Nước, tuần báo Rạng Đông, bán nguyệt san KBC (2002-2005), nguyệt san văn học Tân Văn, Nguyệt san Hồn Việt, Chủ Nhiệm báo Cali Weekly, Chủ Bút nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa từ năm 2008 tới nay.

Nhà văn Vương Trùng Dương viết rất nhiều và viết liên tục nhưng chỉ mới in hai tác phẩm: Ngẫm Chuyện Nhân Sinh (2004) và Văn Nhân & Tình Sử (2015). Trong thời đại tin học ngày nay, việc in sách không còn là nhu cầu quá bức thiết. Độc giả muốn tìm bài của nhà văn Vương Trùng Dương chỉ cần vào ‘google’ gõ tên anh trong ngoặc kép, ví dụ “Vương Trùng Dương”, là các bài viết của anh hiện ra theo thứ tự thời gian.

Tác phẩm mà quý vị đang cầm trên tay là tác phẩm thứ ba của nhà văn: Âm Nhạc & Người Muôn Năm Cũ. Với tựa sách, chúng ta dù chưa đọc cũng có thể đoán ra một phần, tác phẩm tập trung vào lãnh vực âm nhạc và những người muôn năm cũ là những nhạc sĩ tiêu biểu đã đóng góp những phần ý nghĩa vào nền âm nhạc Việt Nam.

Nhà văn Vương Trùng Dương yêu âm nhạc từ những ngày còn nhỏ, nhất là thời ở Hội An. Thành phố cổ này ngày xưa còn cổ hơn bây giờ. Những mái ngói rêu phong, những tường vôi loang lổ, tiếng guốc khuya, những con đò nhỏ bắt qua Cẩm Nam, Cẩm Kim v.v.. nhưng với những người học trò mới lớn yêu văn thơ những nét cổ kính đó là những nguồn sáng tác.

Dù bụi phủ rêu phong, dù không kiêu sa lộng lẫy, Quê Hương vẫn là thánh tích và ai ra đi cũng mang theo thánh tích trong lòng.

Hội An còn giữ dấu chân của những người đi trước. Trên những con đường Cường Để, Nguyễn Thái Học, Phan Đình Phùng, Trần Hưng Đạo, Trần Quý Cáp, Lê Lợi v.v.. nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ tên tuổi đã đi qua và để lại những nguồn cảm hứng cho đời sau. Hồi nhỏ mỗi lần trên đường ra các tổ đình Phước Lâm, Chúc Thánh, tôi luôn dừng lại một phút trước mộ nhạc sĩ tài ba La Hối, tác giả của Xuân và Tuổi Trẻ. Nhà thơ Bùi Giáng đã qua đời 26 năm nhưng với người dân Hội An tưởng chừng ông vẫn còn đang sống đâu đây trong Mưa Nguồn và Ngàn Thu Rớt Hột. Vợ của nhà thơ cũng là người Hội An.

Năm nay nhà văn Vương Trùng Dương 80 tuổi. Tác phẩm Âm Nhạc & Người Muôn Năm Cũ anh cố tình in để đánh dấu một chặng đường đời.

Trong danh sách khá dài những nhạc sĩ mà nhà văn viết về có nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Khác với anh Vương Trùng Dương, tôi được làm quen với nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng rất trễ. Anh em biết nhau không bao lâu thì anh qua đời nhưng mỗi khi được nói chuyện tôi thường đem hai nhạc phẩm của anh ra bàn, đó là Kinh Khổ và Đêm Nhớ Về Sài Gòn.

Đặc biệt với Kinh Khổ, anh bảo đó là một trong những nhạc phẩm anh yêu thích và viết trong thời gian ngắn sau khi anh rời Đại Lộc vào Sài Gòn. Khi còn nhỏ tôi đến quê hương anh mấy lần. Con đường bụi đỏ chạy từ Ngã Ba Hòa Cầm lên Ái Nghĩa hai bên là ruộng. Dòng sông Vu Gia và vùng đất “cày lên sỏi đá” đã để lại trong anh niềm trăn trở sâu đậm về tương lai đất nước. Tại Sài Gòn, nhạc sĩ trẻ còn trong tuổi hai mươi đã đưa những trăn trở đó vào âm nhạc và hình thành nên nhạc phẩm để đời: Kinh Khổ. Kinh khổ với lời nhạc như những tiên tri cho một đoạn đường đầy bi tráng mà dân tộc sắp phải trải qua.

Ngoài Trầm Tử Thiêng – người con Quảng Nam – nhà văn Vương Trùng Dương cũng viết về một nhạc sĩ khác mà tôi yêu thích và ngưỡng mộ: nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn. Lý do đơn giản, nhạc của ông gắn liền với hành trình tỵ nạn.

Những năm sau này, mỗi khi ôm đàn nghêu ngao tôi thường hát nhạc Nguyễn Đình Toàn. Tôi hân hạnh được cùng ăn cơm tối với ông trong một sinh hoạt văn hóa ở Dallas và được nhà văn Bích Huyền và nhà thơ Nguyễn Thanh Huy dắt đi ăn cơm trưa với ông trong một lần tôi ghé thăm Orange County nhiều năm trước. Nhạc Nguyễn Đình Toàn thấm đậm nỗi đắng cay, mất mát, tủi buồn của một nhạc sĩ VNCH trở về sau những năm dài tù CS. Anh trở về để đối diện với một cuộc đời khác còn đau khổ và chịu đựng hơn cả trong thời chiến. Trong chiến tranh ít ra anh còn đồng đội để chia sẻ buồn vui, bây giờ anh một mình trong cô đơn trống vắng. Anh ngồi xuống “tháo đôi giày, gỡ khuy cài nghe tóc bay” và nhớ đến những “ai đi không về”.

Nhà văn Vương Trùng Dương tóm tắt về cuộc đời của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn: “Ông bà Nguyễn Đình Toàn có 4 người con: Nguyễn Đình Thức, Nguyễn Đình Tri, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Đình Thư. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Bà Tú Xương của Nguyễn Đình Toàn – vĩnh biệt chồng con, cháu… ngày 15 tháng 2 năm 2021, hưởng thọ 79 tuổi. Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi. Ông đã vĩnh viễn ra đi nhưng để lại di sản văn học nghệ thuật quý báu cho người ở lại.”

Hai nhạc sĩ gốc Quảng Nam khác cũng được nhà văn Vương Trùng Dương viết về là Lan Đài và Lê Trọng Nguyễn. Họ là hai người bạn thân đã trải qua một thời cam go trong giai đoạn từ 1945 đến 1954. Từ 1955, nhạc sĩ Lan Đài dạy nhạc tại nhiều trường trung học, đồng thời xuất bản nhiều sách dạy nhạc từ sơ cấp đến trung cấp.

Một nhạc sĩ tôi hân hạnh uống café chung hai lần là nhạc sĩ Nguyễn Hiền. Cả hai lần đều do anh Nhật Ngân rủ. Theo nhà văn Vương Trùng Dương, nhạc sĩ Nguyễn Hiền là một người chồng chung thủy dù không biết mặt vợ mãi cho tới ngày cưới: “Ngoài tài hoa về âm nhạc, ông biết sử dụng nhiều nhạc cụ trong đó hawaiian (hạ uy cầm) và accordéon (phong cầm) rất tuyệt, thông thạo Anh, Pháp. Ông được nhiều người gọi là “tự điển sống” với trí nhớ rất tốt. Ông am tường về nhạc sử và các nhạc sĩ cổ điển Tây Phương.

Nguyễn Hiền học nhạc năm 8 tuổi với thầy dạy nhạc người Pháp, sau đó ông ghi tên học bốn năm tại École Université de Paris, tốt nghiệp năm 1951 rồi trở thành nhạc trưởng trong Hotel de Paris tại Hà Nội. Năm 1953 theo lời ông “Tôi cưới nhà tôi, tôi không hề biết mặt và hai cụ bà gặp nhau ở chùa, hứa hẹn với nhau, móc ngoặc với nhau, thế thành ra chúng tôi thành vợ chồng”, là nghệ sỹ dưới ánh đèn màu nhưng một đời thủy chung với vợ.”

Nhà văn Vương Trùng Dương viết về lý do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không đi Mỹ theo diện HO dù bị tù CS mười năm: “Năm 1990, diện H.O cho cựu Tù Nhân Chính Trị định cư tại Hoa Kỳ, Nguyễn Văn Đông không đi với suy nghĩ của ông ‘’Do những căn bệnh ngặt nghèo tưởng như ‘hết thuốc chữa’ và do tinh thần suy sụp đến tột cùng, có lúc tôi đã nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa nên chẳng còn thiết tha bất cứ chuyện gì, chỉ muốn từ bỏ tất cả để được thảnh thơi yên nghỉ ở cuối đời’’. Vẫn theo lời nhạc sĩ ‘Không hiểu do đâu, mà Trời Phật đã nhìn lại ông và, cho ông sống, dù là một đời sống ‘rất lê lết’ cho đến ngày hôm nay’. Ông bà không có con cái nên tự chăm sóc cho nhau.”

Bên cạnh các nhạc sĩ kể trên, nhà văn Vương Trùng Dương còn viết về nhiều nhạc sĩ khác như Trần Thiện Thanh, Song Ngọc, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Vũ Đức Nghiêm, Đan Thọ v.v… Nếu không có những nhà văn như anh, thật khó biết những câu chuyện sống động chung quanh cuộc đời các nhạc sĩ.

Ở hải ngoại có vài nhà văn làm công việc gom góp di sản văn học, nghệ thuật miền Nam nhưng mỗi người làm mỗi cách. Nhà văn Trần Hoài Thư trong những ngày hệ thống truy cập ‘online’ chưa phổ biến phải lái xe từ New Jersey lên thư viện Cornell như anh kể lại trên đài VOA “Lúc đó thì cực lắm vì từ nhà đi Cornell năm tiếng đồng hồ một lần đi và thêm năm tiếng lần về. Mình khởi hành 4 giờ sáng, trời tuyết giá, đường đèo đường núi, có khi tai nạn. Cám ơn bà xã, khuyến khích mình, ngồi bên cạnh và lái giúp mình.”

Anh Vương Trùng Dương khỏe hơn. Anh có trí nhớ tốt, quen biết rộng nên viết xong anh tìm tài liệu ‘online’, gọi chính tác giả, trong trường hợp tác giả qua đời, anh gọi bạn bè, người thân của họ để kiểm chứng.

Thế hệ trẻ Việt Nam sinh ra vài năm trước 1975 cũng như sinh ra và lớn lên sau 1975 là những thế hệ chịu nhiều mất mát. Hôm nay trên đường phố Sài Gòn, các nhạc phẩm Nắng Chiều của Lê Trọng Nguyễn, Đưa Em Vào Hạ của Trầm Tử Thiêng, Anh Cho Em Mùa Xuân của Nguyễn Hiền hay Căn Nhà Xưa của Nguyễn Đình Toàn vẫn được các em, các cháu cất lên nhưng các em các cháu không biết gì ngoài những bút danh xa lạ. Nhưng thế nào cũng có em, có cháu đi tìm để biết Nguyễn Hiền, Nguyễn Đình Toàn, Trầm Tử Thiêng, Lê Trọng Nguyễn… là ai. May mắn thay, vẫn còn những nhà văn như Vương Trùng Dương viết lại, kể lại tiểu sử và đoạn đường đầy chịu đựng mà các tác giả đó đã trải qua. Không có anh, hành trình đi tìm cội nguồn văn hóa của các thế hệ trẻ hôm nay sẽ gặp nhiều cam khổ.

Lịch sử là một dòng sông và nhà văn Vương Trùng Dương như ông lão chèo thuyền trên sông Thu. Anh không thể chèo từ thượng nguồn ra cửa biển. Mỗi thế hệ hay mỗi người có một số việc để làm. Năm nay, nhà văn đã vào tuổi 80 nhưng như anh viết “nhiều bài viết về các nhạc sĩ VNCH rất là sai lạc nên mình phải cần minh chứng lại cho rõ ràng”. Nhà văn Vương Trùng Dương đang chèo và nhiều tác giả mai sau sẽ chuyên chở tiếp. Ước nguyện đưa âm nhạc trở về cội nguồn văn hóa Việt Nam chính thống của anh sẽ được hoàn thành. Cám ơn anh.

Boston 10 tháng 1, 2024
Trần Trung Đạo

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ