Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

đọc thêm: Nhà thơ, dịch giả DƯƠNG TƯỜNG qua đời / Thiên Điểu / Sài Gòn -- trích : tuoitreonline (tphcm).

 

24/02/2023 22:25 GMT+7

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời

Nghe đọc bài
5:12
1x

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường vừa qua đời lúc 20h08 tối nay 24-2 tại Bệnh viện 108, Hà Nội, hưởng thọ 92 tuổi.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời - Ảnh 1.

Nhà thơ Dương Tường tại nhà riêng năm 2019 - Ảnh: T.ĐIỂU

Tin từ gia đình nhà thơ, dịch giả Dương Tường cho biết ông vừa qua đời tối nay sau một thời gian nằm viện vì tuổi cao, sức yếu.

Dương Tường - người thơ

Sinh thời, ông được nhiều thế hệ bạn bè văn nghệ, đặc biệt là ở Hà Nội yêu mến - một nhà thơ, dịch giả có nhiều bạn bè vong niên, bởi ông thích giao thiệp với những người trẻ, những điều mới mẻ, vừa chia sớt tình thân vừa cho mình những cơ hội học hỏi những điều mới.

Cuộc đời ông đã dành nhiều trang viết để ủng hộ những người viết, vẽ trẻ, đặc biệt là những người trẻ sáng tạo, tìm kiếm những bờ bến mới của không gian sáng tạo tưởng không bao giờ có đường biên.

Căn gác nhỏ nơi con ngõ nhỏ trong khu phố Pháp ở Hà Nội của ông luôn ngập tràn sách, những bức tranh chân dung ông do nhiều lứa họa sĩ tài danh vẽ tặng và những cuộc thăm viếng bạn bè văn nghệ cả nước yêu quý ông.

Nhà thơ, dịch giả mới học dở dang bậc trung học này được nhiều bạn văn, độc giả yêu mến không chỉ bởi tài năng thơ văn, niềm đam mê với văn chương nghệ thuật, sự tận tụy với chữ nghĩa, mà còn bởi ông là cái gì đó rất Hà Nội, thuộc về Hà Nội, từ cái máu văn nghệ cho tới những đối đãi tình nghĩa người - người.

Nhiều người sẽ không tránh khỏi cảm giác như Hà Nội mất đi nhiều phần Hà Nội khi những văn nghệ sĩ như Dương Tường dần ra đi.

Thành công theo nghĩa được nhiều người biết đến và mến mộ hơn cả với vai trò là một dịch giả, nhưng Dương Tường trước nhất là một nhà thơ.

Trong giới văn nghệ, Dương Tường ghi tên mình như một nghệ sĩ lớn với một hồn thơ đắm đuối, nhạy cảm, nhiều sáng tạo trong nghệ thuật thi ca.

Thơ ông, cùng với những người bạn của mình như Lê Đạt, Đặng Đình Hưng... từ rất sớm đã có rất nhiều những thể nghiệm mới mẻ. 

Nghệ thuật thơ ca của ông trước hết là nghệ thuật của chữ, của những "con âm", với rất nhiều nhạc tính, và nhất thiết phải có nhạc trong thơ. Tâm hồn thì tất nhiên phải có.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời - Ảnh 4.

Dịch giả Dương Tường và cuốn Kiều in Dương Tường’s version ra mắt năm 2020 - Ảnh: T.ĐIỂU

Nhiều bài thơ tình của ông đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, thành những bài hát nổi tiếng, rất được yêu thích như bài Tình khúc 24, Dương cầm lạnh...

Yêu thơ và tìm thấy sự bung tỏa của năng lượng sáng tạo với thơ nhưng Dương Tường sinh thời lại khẳng định ông "còn nợ thơ".

Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ năm 2019, ông tâm sự thơ mới là cái nghiệp chính của ông, nhưng bởi cơm áo nên ông phải chuyên chú cho dịch thuật. Thế là, cả đời ông mãi vấn vương với món nợ nàng thơ không thể trả.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời - Ảnh 5.

Chân dung Dương Tường do Bùi Xuân Phái vẽ tặng

Dương Tường - người tử tế

Nhưng trong dịch thuật, dù chỉ là cái "nghề kiếm cơm", ông vẫn đưa tên mình lên hàng những dịch giả uy tín.

Dương Tường bắt tay vào dịch những tác phẩm lớn của thế giới như Anna Karenina (Lev Tolstoy), Lolita (Vladimir Nabokov), Cái trống thiếc (Gunter Grass)... đặc biệt là các tác phẩm của những tác giả mà văn chương của họ thật sự thách thức độc giả như Bên phía nhà Swan và Dưới bóng những cô gái đương hoa của Marcel Proust...

Từ năm 1961 đến nay, ông đã dịch trên 50 tác phẩm, xuất bản 5 tập thơ (trong đó 2 tập in chung) và cả tập tạp văn Chỉ tại con chích chòe. Tập này vừa được gia đình cho tái bản, có bổ sung thêm tư liệu.

Năm 2020, cuốn Kiều phiên bản tiếng Anh do dịch giả Dương Tường chuyển ngữ - Kiều in Dương Tường’s version được ông cho ra mắt độc giả sau nhiều năm soi kính lúp ngồi dịch.

Trước đó là một cuốn sách dịch rất thách thức với bất cứ dịch giả tài năng nào, Chết chịu của Céline.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời - Ảnh 6.

Chân dung Dương Tường của họa sĩ Nguyễn Quân

Ngoài ra ông còn viết văn, viết báo, viết phê bình nghệ thuật, từ mỹ thuật tới sân khấu.

Nhưng trên cả thơ, văn, phê bình, dịch thuật, điều khiến ông thấy "thích" nhất ở mình chính là "Tôi đã sống như một người tử tế. Tôi đã không ăn gian của Trời một ngày nào trong cái cuộc sống mà Trời đã cho tôi".

Và ông đã sống đúng như vậy cho tới hơi thở cuối cùng.

Dương Tường sinh năm 1932, quê gốc ở Nam Định, cha ông là một nhà thầu khoán ở Hà Nội. Ông học tiểu học tại Nam Định, học trung học tại Hà Nội tới khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông đi theo cách mạng.

Năm 1955, Dương Tường giải ngũ về Hà Nội sinh sống.

Từ năm 1955 đến giữa thập niên 1960, Dương Tường là phóng viên tổ văn xã (văn hóa xã hội) của Thông tấn xã Việt Nam.

Từ năm 1967, ông làm biên dịch tại Ủy ban Điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.

Ông về hưu năm 1979, chuyên chú hơn cho văn chương, dịch thuật cho tới tận cuối đời.

Dịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nàoDịch giả Dương Tường: Tôi không ăn gian của Trời một ngày nào

TTO - Tối nay (3-9), tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, Dương Tường có một cuộc gặp gỡ với người yêu văn chương nhân ra mắt cuốn sách mới nhất do ông chuyển ngữ: "Chết chịu" của Louis-Ferdinand Céline





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét