Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

HÀNH TRÌNH " TÌM LẠI" THÂM TÂM / Thiên Điểu /Tp. HCM -- trích tuoitreonline /TpHCM

 

07/01/2024 10:41 GMT+7

Hành trình 'tìm lại' Thâm Tâm

Gia đình nhà thơ Thâm Tâm vừa công bố tìm thấy bản in đầu tiên bài thơ Tống biệt hành của ông trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 325 ngày 7-9-1940.

Nhà thơ Thâm Tâm, bìa tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy có in truyện ngắn của Thâm Tâm Người hủi ở làng Liêu và một số minh họa vẽ bìa Bắc Hà tuần báo của Thâm Tâm

Nhà thơ Thâm Tâm, bìa tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy có in truyện ngắn của Thâm Tâm Người hủi ở làng Liêu và một số minh họa vẽ bìa Bắc Hà tuần báo của Thâm Tâm

Hóa ra bản gốc có nhiều khác biệt với bài thơ Tống biệt hành quen thuộc nhiều năm in trong sách giáo khoa và các tập Thi nhân Việt Nam.

Và hóa ra sự nghiệp của Thâm Tâm lớn hơn một Thâm Tâm nhà thơ quen thuộc với hai bài thơ nổi tiếng là Tống biệt hành và Chiều mưa đường số 5.

Dù chỉ sống hơn 30 năm, trong đó có vài năm đi kháng chiến, nhưng Thâm Tâm đã để lại một gia tài khá lớn, không chỉ có thơ mà còn nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện vừa, kịch và tranh minh họa.

Trong một căn hộ chung cư ở Hà Nội, ông Nguyễn Tuấn Khoa - nguyên viện trưởng Viện Thông tin y học Bộ Y tế, con trai duy nhất của Thâm Tâm - bên chồng Tiểu Thuyết Thứ Bảy ngả màu thời gian và những cuốn sách in lại các tác phẩm của cha mình kể lại hành trình tìm lại tác giả Thâm Tâm.

Hành trình khiến chính ông cũng phải kinh ngạc bởi khối lượng sáng tác đồ sộ mà bao năm ông cũng như nhiều người tưởng chỉ có một số ít bài thơ.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa và chồng báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Nguyễn Tuấn Khoa và chồng báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy - Ảnh: T.ĐIỂU

Từ dấu hỏi trong đầu

Ông Khoa chỉ gặp lại cha năm ông 2 tuổi. Đó là năm 1948, Thâm Tâm từ chiến khu Việt Bắc bất ngờ về thăm gia đình đang tản cư ở Hải Dương.

Lần về này Thâm Tâm viết bài thơ xúc động Chiều mưa đường số 5, để lại vài bức ảnh ông chụp con trai với ông nội. Hai năm sau, nhà thơ hy sinh ở Cao Bằng.

Bao năm ông Khoa chỉ biết bố để lại một số bài thơ.

Những lần được mời đọc thơ của cha mình, ông Khoa cũng đọc bài Tống biệt hành quen thuộc. Rồi ông được một số nhà nghiên cứu cho biết bài Tống biệt hành còn có một khổ thơ cuối đã bị cắt khi đưa vào Thi nhân Việt Nam.

Năm 1988, NXB Văn Học xuất bản cuốn Thơ Thâm Tâm do Mã Giang Lân sưu tầm và tuyển chọn, ông Mã Giang Lân đã tặng ông Khoa tập thơ mỏng hơn hai chục bài này. Ông Khoa ngạc nhiên nhận ra bản này in Tống biệt hành có hai từ khác.

Đó là hai từ "ngươi" chứ không phải "người" trong hai câu thơ: "Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước", "Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay".

Băn khoăn tìm lại những bản gốc của cha mình bắt đầu nảy ra trong đầu con trai Thâm Tâm, người vốn có năng khiếu văn chương nhưng chọn theo nghiệp toán khi giành giải nhất toán toàn miền Bắc năm học 1963-1964.

Tuy nhiên, phải đợi tới cuối những năm 1990 thì hành trình tìm lại tầm vóc văn chương của cha mới mở ra với ông Khoa.

Khoảng năm 1997-1998, nhà phê bình Văn Giá - một người yêu Thâm Tâm và nghiên cứu về Thâm Tâm - sau khi tìm tư liệu trong thư viện của Thành ủy TP.HCM thấy nhiều truyện ngắn của Thâm Tâm in trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy giai đoạn 1939-1944.

Ông Giá cho ông Khoa biết tin vui này. Đến năm 2000 thì tập truyện ngắn đầu tiên của Thâm Tâm, gồm 38 truyện ngắn, ra đời từ những nỗ lực tìm kiếm của Văn Giá đứng tên sưu tầm và biên soạn cùng Nguyễn Thanh Hương - người ở Thư viện Thành ủy TP.HCM đã tìm giúp ông microfilm chụp lại các số Tiểu Thuyết Thứ Bảy có in truyện ngắn Thâm Tâm.

Cũng chính năm này, gia đình tìm thấy vị trí đầu tiên từng chôn cất Thâm Tâm tại một bản ở xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng.

Không ngờ sau tập truyện ngắn đó, ông Khoa được nhà văn Triệu Xuân mách bộ Tiểu Thuyết Thứ Bảy đã được số hóa của Thư viện Quốc gia còn có nhiều truyện ngắn thơ, tiểu thuyết, kịch của Thâm Tâm.

Vậy là công cuộc tìm kiếm, gõ lại bản thảo của ông Khoa và vợ bắt đầu. Lần này, ông Khoa tìm được 30 số Tiểu Thuyết Thứ Bảy có in tác phẩm của cha. Tập Truyện ngắn Thâm Tâm ra đời.

Nhưng gia tài văn chương của Thâm Tâm vẫn chưa kết thúc. Ông Khoa có người con rể nổi tiếng là Tùng John trong ban nhạc Desire - rất mê sưu tầm thư tịch cổ, đã sưu tầm được 322 bản Tiểu Thuyết Thứ Bảy của 284 số báo từ 1935-1945.

Từ bộ sưu tập của con rể và nhiều ngày cặm cụi của hai vợ chồng ông Tuấn Khoa, ba cuốn văn Thâm Tâm ra đời là tập truyện ngắn Gió thu hoa cúc gầy rồi cùng hai tiểu thuyết Thuốc mê và Nỗi ân hận dài. Thêm các tập truyện cổ tích, truyện đồng thoại khác.
Thâm Tâm (người đội mũ hàng đầu) cùng các đồng nghiệp báo Vệ Quốc Quân tại chiến khu Việt Bắc

Thâm Tâm (người đội mũ hàng đầu) cùng các đồng nghiệp báo Vệ Quốc Quân tại chiến khu Việt Bắc

Cuộc trở về của Tống biệt hành bản gốc

Khi gia đình nghĩ việc sưu tầm tư liệu về Thâm Tâm vậy là xong thì trong một buổi ra mắt sách ở Hội Nhà văn Việt Nam, ông Khoa gặp các con của nhà thơ Trần Huyền Trân.

Trước đây, bộ ba Trần Huyền Trân - Nguyễn Bính - Thâm Tâm thân thiết không khác anh em ruột thịt, gọi là nhóm Áo bào gốc liễu.

Các con của Trần Huyền Trân đã cho ông Khoa mượn bộ sưu tập Bắc Hà tuần báo in các tác phẩm văn chương của cha mình, tất cả bìa các số báo Bắc Hà từ năm 1935-1938 đều do Thâm Tâm vẽ bìa với nhiều bút danh khác nhau như Tuấn Trình, Trái Tim, Thanh Giám.

Ông Khoa mượn thêm bộ sưu tập tuần báo này còn khá đầy đủ ở Thư viện Quốc gia. Kết quả cuộc tìm kiếm lần này thêm được khoảng 30 truyện và trên 10 bài thơ, đưa tổng số thơ của Thâm Tâm lên đến khoảng 60 bài. Ông Khoa dự định sẽ in tiếp các tác phẩm mới phát hiện này và tập thơ cho cha mình.

Cuối tháng 12-2023, bất ngờ con rể Tùng John của ông mua được tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 325 ra ngày 7-9-1940 có in bài thơ Tống biệt hành.

So với bản phổ biến hiện nay thì bản gốc thêm một khổ cuối và có mấy từ khác. Trong đó, hai từ "ngươi" Thâm Tâm dùng giống như bản in trong tập thơ Mã Giang Lân biên soạn năm 1988 từng khiến ông Khoa rất băn khoăn.

May mắn, trước đó gia đình có được một bản số hóa cuốn Thi nhân Việt Nam xuất bản lần đầu tiên năm 1942, hiện thuộc lưu trữ của Thư viện Quốc gia Pháp. Trong đó, bài Tống biệt hành giống với bản mà Mã Giang Lân từng dùng với hai chữ "ngươi" chứ không phải "người" như các bản in sau này.

Ông Khoa cho rằng sự thay đổi một số từ và bỏ đoạn cuối bài Tống biệt hành trong lần in đầu của Thi nhân Việt Nam chắc chắn có sự đồng ý của Thâm Tâm. Nhưng những lần in sau không rõ vì lý do gì mà hai chữ "ngươi" đã được thêm dấu huyền.

Việc thêm dấu huyền thành "người" như lâu nay bạn đọc biết, theo ông Khoa, đọc có vẻ thuận hơn về thanh âm, giai điệu của thơ nhưng thực ra lại không hợp lý về nghĩa.

Bởi Tống biệt hành là một cuộc độc thoại nội tâm của tác giả, là cuộc trò chuyện giữa ta và chính mình nên "ngươi" chính là nói với chính mình, còn nếu là "người" thì lại thành đối thoại, nói về một người khác, không hợp lý lắm.

Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh năm 1917 ở Hải Dương, ông mất ngày 18-8-1950 tại Cao Bằng trên đường đi công tác trong chiến dịch Biên giới.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Thâm Tâm tham gia ban biên tập báo Tiên Phong, rồi lên chiến khu làm thư ký tòa soạn báo Vệ Quốc Quân - tiền thân của báo Quân Đội Nhân Dân.

Thâm Tâm được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Năm 2004, Hải Dương đặt tên Thâm Tâm cho một con đường.

Ngày 20-1 tới, lễ gắn biển phố Thâm Tâm sẽ diễn ra trên một đoạn phố ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) song song với phố Lưu Quang Vũ. Cao Bằng, nơi Thâm Tâm hy sinh, cũng đã đưa tên nhà thơ vào ngân hàng tên đường phố của tỉnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét