Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

bài đáng đọc : Thơ Tình Hồ Xuân Hương Gửi Nguyễn Du / Trần Nhuận Minh [ 1944- Quảng Ninh -- trích: Việt Văn Mới. 05/ 01/ 2024 --/ Troyes- France.

 

Việt Văn Mới



THƠ TÌNH HỒ XUÂN HƯƠNG GỬI NGUYỄN DU


B ài thơ chữ Nôm, nguyên văn như sau:


CẢM CỰU KIÊM TRÌNH
CẦN CHÁNH HỌC SĨ NGUYỄN HẦU
(Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân)



Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ mong
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không
Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập
Phấn son càng tủi phận long đong
Biết còn mảy chút sương siu mấy
Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong

Nguyên tác ghi rõ  Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân, tức người có tước Hầu này là người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân. Như vậy, Nguyễn Hầu ở đây đúng là Nguyễn Du, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, được phong tước Hầu (Du Đức hầu). Tháng 2 năm Quý Dậu (1813), vua Gia Long nhà Nguyễn bổ nhiệm ông làm Cần chánh điện học sĩ, rồi cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Nguyễn Du còn là chú ruột vợ vua Gia Long, con Nguyễn Nghiễm, tể tướng triều trước của nhà Hậu Lê, em ruột Nguyễn Khản, sau đó nhiều năm cũng nối chức cha làm tể tướng của nhà Hậu Lê, điều hành công việc của chính phủ ở phủ của chúa Trịnh. Căn cứ vào bài thơ, có thể hiểu Hồ Xuân Hương yêu Nguyễn Du từ năm 1810 (“ chữ tình chốc đã ba năm vẹn” ), vì bà viết bài thơ này năm 1813, khi Nguyễn Du từ kinh đô Phú Xuân ra Bắc, nghỉ tại Bắc thành Hà Nội ( có một đêm nghe hát – bài Thăng Long cầm giả ca) rồi lên đường qua biên giới Lạng Sơn lên xứ Bắc. Trong bài có chữ “sương siu”, Xuân Diệu giải thích là “quyến luyến” một từ cổ, lúc đó vẫn còn dùng, có còn một chút quyến luyến nhau chăng? Cũng là rất phải lẽ. Thời gian này, Hồ Xuân Hương đã yêu Trần Phúc Hiển, khi ông Hiển từ Tri phủ Tam Đới, được vua Gia Long thăng làm Tham hiệp trấn An Quảng. Bà đã hai lần đi thuyền về thăm ông tại An Hưng và làm 2 bài thơ tình chữ Nôm bên bờ sông Bạch Đằng, lời lẽ rất quí phái, “ hào hoa phong nhã” đẹp cả ý lẫn lời. Năm 1815, Hồ Xuân Hương mới lấy Trần Phúc Hiển và theo chồng về ở tại An Hưng. An Quảng, tức Quảng Yên ngày nay.

Bài thơ này in trong tập Lưu Hương kí, tập thơ duy nhất của tác giả Hồ Xuân Hương. Chính Hồ Xuân Hương đã tự xác nhận như thế, rằng: “Đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi , từ trước đến nay” in trong lời TỰA của Tốn Phong, là lời của bà nói với Tốn Phong khi giao bản thảo cho Tốn Phong và nhờ ông viết lời tựa như Tốn Phong đã ghi lại trong lời mở đầu tập thơ này. Theo nhà nghiên cứu rất uyên bác là Trần Thanh Mại, thì chữ Lưu có bộ ngọc ở bên, chỉ quê hương Quỳnh  Lưu, không phải là  lưu biệt hay lưu truyền, Hương là tên bà, còn kí là ghi lại. Vậy đây là thơ của người Quỳnh Lưu tên là Xuân Hương, được ghi lại. Nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại cũng khẳng định: “Lưu Hương kí là một tài liệu chân chính, đáng tin cậy, và trong trường hợp này, không thể có vấn đề, có kẻ nào đó muốn chơi khăm, làm ra tài liệu giả mạo để đánh lạc hướng nghiên cứu của chúng ta”. (Lưu Hương kí và lai lịch phát hiện nó - Trần Thanh Mại, toàn tập, tập III. Nxb Văn học, 2004 – Công trình khoa học được tặng Giải thưởng Nhà Nước).

Bài thơ rất hay, bút pháp hào hoa phong nhã "xuất phát từ cảm hứng nhưng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa. Vui mà không đến nỗi buông tuồng... thơ đúng phép mà văn hoa...", đúng như Tốn Phong đã nhận xét về thơ bà trong Lời Tựa nói trên, viết tháng 3 năm Giáp Tuất ( 1314).

Căn cứ vào những chỉ dẫn của Tốn Phong được ghi trong bài TỰA này, các nhà nghiên cứu đã tìm ra được năm sinh ( 1772) và năm mất ( 1822) của bà. Tại đầu làng Quỳnh Lưu hiện nay, dân làng đã xây một biểu trưng văn hóa rất có ý nghĩa, đã ghi tên tuổi của bà với năm sinh và năm mất như trên. Tốn Phong viết tiếp: “Khi hỏi đến tên họ, mới biết cô ta là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu”. Làng Hoàn Hậu nay là làng Quỳnh Đôi. Và theo đó, bà là con Hồ Sĩ Danh, chứ không phải con Hồ Phi Diễn, như các sách giáo khoa đã ghi từ mấy chục năm nay, vì Hồ Phi Diễn không có con đỗ Hoàng Giáp và làm ông lớn. Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là anh em con chú con bác, lại rất xa nhau, kể ngược lên đến đời thứ 10 mới cùng một ông tổ. Bà là em ruột Hồ Sĩ Đống (1738 - 1785), đậu Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, (tức Hoàng Giáp), làm quan đến Hành tham tụng, (quyền Tể tướng) tước Quận công, cùng với Bồi tụng Bùi Huy Bích, đứng đầu chính phủ thời Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Hồ Sĩ Danh (1706 - 1783), chỉ đậu Hương cống (tức Cử nhân), không ra làm quan, nhưng có con làm tể tướng, được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ, hàm Thái Bảo. một trong 3 tước cao nhất của triều đình.

Trong tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, có bài viết về cô gái hái hoa sen ở Hồ Tây, có người cho rằng cô gái này là Hồ Xuân Hương, vì nhà nàng ở Hồ Tây, nhưng tôi thấy chưa đủ căn cứ để xác định, Còn Hồ Xuân Hương yêu Nguyễn Du, kể ra cũng “ môn đang hộ đối” theo quan niệm lúc bấy giờ thì đã có thơ của chính bà và và các cơ sở khoa học đã nêu trên để xác định.

Cũng là một trong những mối tình đẹp nhất và tài hoa nhất trong các nhà thơ Việt Nam từ xưa đến nay.-./.




VVM.05.01.2024-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét