Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một trong những nhà văn quan trọng của dòng văn học miền Nam 1954-1975, với những đóng góp to tát vào nền văn học nước nhà.
Tên thật là Doãn Quốc Sỹ. Sinh ngày 17/02/1923 tại xã Hạ Yên Quyết, Hà Đông, ngoại thành Hà Nội. Thuở thanh niên, ông đã từng tham gia Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Sau đó, khi phong trào này để lộ bộ mặt Cộng sản, ông đã rời bỏ kháng chiến. Năm 1954, khi hiệp định Geneva chia đôi đất nước, ông theo làn sóng di cư đem vợ con vào miền Nam sinh sống.
Năm 1946, ông lập gia đình với bà Hồ Thị Thảo, ái nữ của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu.
Doãn Quốc Sỹ có hai sự nghiệp song song: nhà văn và nhà giáo. Ông vẫn thường nói rằng: “Nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp.” Trong cương vị nhà giáo, ông đã dạy tại các trường Trung học Công lập Nguyễn Khuyến (Nam Định, 1951-1952); Chu Văn An (Hà Nội); Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn, 1961-1962); Trường Sư phạm Sài Gòn, Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn. Từng là hiệu trưởng trường Trung học Công lập Hà Tiên (1960-1961). Từng đi tu nghiệp về Sư phạm tại Hoa Kỳ (1966-1968).
Với cương vị nhà văn, ông là đồng sáng lập viên nhà xuất bản Sáng Tạo, và tạp chí văn nghệ cùng tên vào năm 1956, cùng với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh, Ngọc Dũng, mà ông vẫn gọi là “Thất Tinh.” Ông cũng có những bài viết được đăng trên những tạp chí văn nghệ như Sáng Tạo, Văn Nghệ, Bách Khoa, Văn Học, Nghệ Thuật…
Sau ngày Miền Nam thất thủ 30/04/1975, vào tháng Tư năm 1976, Doãn Quốc Sỹ cùng nhiều nhà văn miền Nam khác bị bắt đi tù cải tạo. Ông bị giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 km, cùng với nhiều văn nghệ sĩ như Trần Dạ Từ, Thanh Thương Hoàng, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, Nguyễn Sỹ Tế, Chóe…
Đến năm 1980, ông được thả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Trong thời gian chờ đợi được con gái là Doãn Thị Ngọc Thanh bảo lãnh đi Úc, ông tiếp tục viết thêm nhiều tác phẩm nữa, trong đó có quyển Đi được ký với bút hiệu Hồ Khanh. Ông đã gửi tác phẩm này sang Pháp để xuất bản tại hải ngoại. Cũng vì lý do này, ông đã bị bắt lần thứ hai vào tháng Năm năm 1984, chỉ trước ngày đi Úc vài tháng, cùng với một số văn nghệ sĩ khác như Duy Trác, Dương Hùng Cường, Hoàng Hải Thủy, Lý Thụy Ý… Ông bị kết án mười năm tù. Ông mãn hạn tù lần thứ hai vào tháng 11 năm 1991.
Năm 1995, ông được con trai là Doãn Quốc Thái bảo lãnh di dân sang Houton, Hoa Kỳ. Hiện nay đang sống tại Quận Cam, California.
*
“Cách giữ nước hiệu nghiệm là phải phát triển ngay khu rừng văn hóa. Quân địch không thể giẫm lên khu rừng này mà chiếm được đất. Quân địch cũng không thể san phẳng khu rừng, vì nó bắt rễ tự trong tim óc của con người, chặt đi, lập tức với cảnh máu đào xương trắng, nó lại mọc lên xanh tốt hơn bao giờ hết.”
– Doãn Quốc Sỹ (Trích “Khu Rừng Lau”)
*
Ngày 26/01/2020 (mồng Hai Tết Canh Tý) vừa qua là sinh nhật thứ 97 của ông. Nhân dịp này Việt Báo hân hạnh được ông tiếp chuyện trong một buổi chuyện trò thân mật mà nội dung xin ghi lại dưới đây:
Việt Báo (VB): Sang tuổi 97 mà ông vẫn còn khỏe mạnh, an lạc. Ông có thể nói về bí quyết sống thọ, giữ cho thân an, tâm lạc?
Doãn Quốc Sỹ (DQS): Bí quyết của tôi thật đơn giản: nếp sống thiền. Tức là giữ cho tâm thanh thản, xem mọi chuyện nhẹ nhàng. Mỗi ngày tôi làm vườn, cắt vụn cây lá cành đã bỏ để tái sinh ngay trong vườn. Làm vậy để tập thể dục, mà cũng với niềm vui tinh thần là đang “dọn dẹp nội tâm”. Tôi giúp cho cây lá tái sinh, và tin rằng sau này mình cũng sẽ tái sinh an lành.
VB: Xin ông nói một chút về trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau.
DQS: Có nhiều khi đọc lại Khu Rừng Lau, tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể hoàn tất được bộ tiểu thuyết ngàn trang này. Tôi nhớ là vào thời đó, có khi tôi ngồi viết như người lên đồng, viết giống như có ông bà tổ tiên nhập vào vậy. Tôi nghĩ rằng tôi chỉ được Trời cho năng khiếu sử dụng ngòi bút của mình. Còn lại, tôi viết như theo lời nhắn nhủ siêu hình của tổ tiên, viết theo hồn thiêng dân tộc để phục vụ tổ quốc.
VB: Với gần một thế kỷ đời người, trải qua những biến động lịch sử khốc liệt nhất của đất nước, dân tộc, trong tư cách một nhà văn, một chứng nhân lịch sử, ông có lời nhắn nhủ gì cho những thế hệ mai sau?
DQS: Hãy luôn luôn yêu nước, thương nòi. Hãy luôn luôn nuôi dưỡng tình thương yêu. Có được căn bản này, thế hệ trẻ sẽ luôn hành động vững chãi theo luân lý truyền thống của dân tộc.
VB: Sau cuộc di cư lịch sử vĩ đại 1954, tại miền Nam ông cùng một số văn nghệ sĩ khác thành lập “nhóm Sáng Tạo.” Và, mặc dù tờ Sáng Tạo có mặt chỉ trên 30 số báo, nhưng nhờ tính khai phóng và những vận động làm mới văn chương đã khiến ảnh hưởng của nhóm lan tỏa sâu rộng đến sinh hoạt văn chương sau đó trong một thời gian rất dài. Theo ông thì nhờ đâu “nhóm” có được cơ duyên như thế? Nhờ vào tài năng xuất sắc của những thành viên trong nhóm? Nhờ vào thời điểm khi người viết cũng như người đọc khao khát một chân trời ngôn ngữ và một tư duy mới về lý tưởng tự do? Hay là nhờ vào các hậu thuẫn chính trị tốt đẹp đã giúp đẩy văn học đến một biên cương mới?
DQS: Theo tôi, miền Nam là vùng đất mới, cho nên là cơ hội thuận tiện cho những ngòi bút trẻ từ miền Bắc di cư vào có dịp thi thố tài năng. Hãy tưởng tượng ở miền Bắc thời đó, đã có rất nhiều cây đại thụ trong văn học nghệ thuật. Thế hệ văn nghệ sĩ trẻ như chúng tôi chắc chắn là sẽ ngần ngại vươn lên hơn do ảnh hưởng “cây cao bóng cả” của thế hệ đi trước. Thành công của nhóm còn là do tinh thần yêu nước, yêu nghiệp cầm bút, và khát vọng đem lại một luồng gió mới cho nền văn học miền Nam.
VB: Trong tác phẩm thuộc dạng khảo luận Người Việt Đáng Yêu, xuất bản năm 1965, ông có viết một câu như sau: “Họ [người phương Bắc] hủy diệt văn hóa chúng tôi bằng cách san thành bình địa những đền đài, miếu mạo, phá hết bia lăng, thu đốt sách vở… Duy có một cái họ không phá nổi: Năng lực sáng tạo của chúng tôi.” Sau hơn nửa thế kỷ, theo ông thì điều này vẫn còn đúng không? Và giá trị câu nói của ông vẫn không hề suy giảm?
DQS: Khả năng dung hóa với nhiều nền văn hóa khác nhau vẫn là một đặc điểm của dân tộc Việt Nam. Nằm ở ngã tư giao lưu của nhiều nền văn hóa, dân tộc Việt không thể nào ngăn chặn sự xâm nhập của nhiều nền văn hóa. Tuy nhiên, người Việt khi đưa hai tay ra đón nhận, chúng ta còn biết chọn lọc những điều hay, loại bỏ những điều không phù hợp của những nền văn hóa ngoại nhập. Nhờ vậy mà nền văn hóa Việt đã không bị diệt vong, mà còn trở nên nhiều màu sắc hơn.
VB: Trong mắt nhìn của ông thì người Việt Nam là một dân tộc có nhiều tính ưu việt, thể hiện qua văn chương bình dân cũng như bác học. Nhưng tại sao trong suốt một thời gian thật dài, nhiều trăm năm, từ Trung đại Phong kiến cho đến Cận đại Thực dân và ngày nay Hiện đại Cộng sản, dân tộc Việt Nam vẫn không biết tự do dân chủ thực sự là gì? Làm sao giải thích được hiện trạng đó? Và quan trọng hơn, hành trạng của chúng ta ở thế hệ ngày nay và mai sau phải như thế nào hầu đem lại những thay đổi mới cho dân tộc?
DQS: Trong vở kịch Trái Cây Đau Khổ tôi đã từng viết, tôi có ý nói rằng đau khổ không nên chỉ nhìn từ góc cạnh tiêu cực. Đau khổ là lò tôi luyện tốt nhất cho đức tính nhẫn, cho sự trưởng thành. Tôi để câu trả lời cho thế hệ trẻ, và tin là thế hệ trẻ sáng suốt hơn tôi trong việc tìm câu trả lời. Lời khuyên cho thế hệ trẻ, tôi đã nhắn nhủ trong phần đầu tiên.
VB: Xin cảm ơn nhà văn Doãn Quốc Sỹ, Việt Báo xin chúc ông một sinh nhật tươi vui, đầm ấm bên cạnh những người thân yêu
(Nguồn: Việt Báo)
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét