đọc thêm: Nhà văn TOAN ÁNH với những giá trị truyền thống dân tộc / Hà Đình Nguyên / Tp. HCM -- trích: Internet.
Nhà văn Toan Ánh với những giá trị truyền thống dân tộc
* Cuối tháng 5-2004 NXB Trẻ đã ký hợp đồng xuất bản tác phẩm của cụ. Xin cụ cho biết chi tiết bản hợp đồng này?
Trước đây sách của tôi cũng đã được xuất bản lẻ tẻ ở các NXB: Nam Chi tùng thư, Lá Bối, Khai Trí. Sau 1975 có các NXB TP Hồ Chí Minh, An Giang, Cà Mau, Văn học, Thanh niên, Phụ nữ... in.
Riêng với NXB Trẻ, chúng tôi ký Hợp đồng nhượng quyền có thời hạn để họ độc quyền xuất bản trên toàn quốc Toan Ánh toàn tập (gồm 124 tác phẩm đã in và chưa in) trong thời hạn 10 năm (2004-2015). Trong đó có nhiều bộ sách giá trị và quan trọng như bộ Nếp cũ gồm 11 cuốn, nói đầy đủ về những tập tục xoay quanh vòng đời của một con người Việt Nam (từ lúc thai nghén, sinh ra, đi học, đi làm, lập gia đình, chết, cải táng v.v..., đã in sáu cuốn).
Toan Ánh tên thật là Nguyễn Văn Toán, sinh năm 1914, tại Đáp Cầu (Bắc Ninh). Thuở nhỏ ông thường được bố công kênh đi thăm các lễ hội quanh vùng; được mẹ, ngày đi bán hàng xáo, tối về vừa xay gạo vừa dạy chữ Hán và đạo làm người cho con; được thọ giáo với thầy đồ Chu Phượng Nghi nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Chính vì thế mà những chi tiết về tập tục, lễ hội và cả những khuôn phép đạo lý phương Đông đã thấm nhuần trong ông. Lúc trưởng thành, làm nhiều công việc khác nhau (thuế vụ, thanh tra, quản thủ thư viện, dạy học...), việc luôn thay đổi nhiệm sở đã đưa ông đến nhiều vùng của đất nước. Đến đâu ông cũng chú tâm tìm hiểu tập quán, hội hè, ca dao... và ghi chép lại một cách rất cẩn thận (thế nhưng tác phẩm đầu tay của ông lại là một truyện ngắn: Chiếc nhẫn quý in trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1935)... |
Bộ Việt Nam chí lược gồm năm cuốn mới in được ba: Người Việt đất Việt, Miền Bắc khai nguyên, Cao nguyên miền thượng (hai cuốn còn lại là: Miền Trung kiên dũng, Miền Nam phú cường).
Nếu tập truyện Trong lũy tre xanh (viết năm 1957) phê phán hủ tục làng quê thì Phong lưu đồng ruộng (1958) ca tụng nét đẹp của đời sống tinh thần nơi thôn xóm. Nếu Bó hoa Bắc Việt (1958) đề cao phẩm chất hiền thục, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam thì Tiết tháo một thời (1957) nêu gương khí phách của sĩ phu Việt Nam.
Cuốn Hương nước hồn quê (1999) dùng những câu chuyện tình để giải thích ca dao. Lại có hai tập truyện ngắn khá thú vị là Những truyện ăn trộm và Nghệ thuật bắt trộm, rồi Cầm ca Việt Nam, Hồn muôn năm cũ, Trong họ ngoài làng, Ta về ta tắm ao ta...
* Trong những tác phẩm của cụ, đặc biệt có cuốn hồi ký Nhớ thương rất cảm động. Được biết sau khi người vợ qua đời ở tuổi 46, cụ lúc ấy mới 55 tuổi - đã đóng cửa ngồi trước di ảnh vợ để miệt mài viết nên cuốn sách này?
Vâng, thời trẻ tôi đã cùng các trai làng đi hát quan họ thâu đêm suốt sáng với các liền chị xinh đẹp, duyên dáng vùng quê nhưng chẳng có cô nào làm tôi rung động. Ấy thế mà khi tôi đến vùng Vĩnh Yên (Vĩnh Phú) công tác thì thật sự bị "sét đánh" ngay lần đầu tiên thoáng nhìn thấy cô bé chung xóm: "Biết em năm ấy tuổi mười lăm. Mơn mởn trăng tơ giữa buổi rằm. Cô nữ học sinh trường tỉnh lỵ. Nhiều chàng trai trẻ vẫn yêu thầm... Biết em cách đó chẳng bao lâu. Anh đến anh xin bỏ miếng trầu. Bà nội bảo là em nhỏ quá. Nhưng thôi, đôi trẻ đã thương nhau!... Nghỉ học vắng em cô giáo mong. Kém vui lớp học lạnh như đông. Hỏi thăm lũ bạn tranh nhau đáp: - Chị ấy, thưa Cô sắp lấy chồng !" (trích bài thơ Biết em năm ấy).
Đã "bỏ miếng trầu" tức là đã đính hôn, thế nhưng cả hai đứa chưa bao giờ nói với nhau được nửa lời hoặc gặp riêng nhau. Mỗi khi tôi đến nhà thì cô ấy vụt chạy vào nhà sau, mà cô ấy có muốn ngồi lại cũng không được bởi thế nào cũng bị bà nội đuổi vào nhà trong (cô ấy mồ côi mẹ từ lúc sáu tuổi, ở với kế mẫu và bà nội).
Tôi không buồn bởi lúc nào cũng bắt gặp đôi mắt đen láy của cô ấy đang nhìn trộm sau bức màn. Đôi mắt của cô gái từng được tôn xưng là hoa khôi Vĩnh Yên ấy trao gởi cho tôi biết bao điều... Chỉ đến lúc bà nội cô ấy từ trần chúng tôi mới được phép làm lễ cưới chạy tang. Chàng rể đứng chờ cô dâu ra lễ gia tiên mãi mới thấy cô dâu thẹn thùng bước ra trong chiếc áo dài xanh nước biển... cũ nát, rách lòi khuỷu tay (mồ côi mà !).
Lập hôn thú rồi vẫn chưa "động phòng" mà phải gìn giữ đợi đến cận tết Canh Thìn (1940), nhà trai từ Bắc Ninh lên Vĩnh Phú đón dâu về mới thực sự là của nhau trọn vẹn, lúc ấy nhà tôi 17 tuổi. Sống với nhau 30 năm, có 11 người con. Nhà tôi đột tử vì đứt mạch máu dạ dày ngay trong ngày cưới đứa con gái thứ hai (20-12-1969).
Tôi viết Nhớ thương từ ngày 26-12-1969 đến ngày 14-3-1970 thì hoàn thành.
Sau khi đọc cuốn sách này, nhà thơ Bàng Bá Lân đã viết cho tôi một bức thư dài, có đoạn: "...Tình chăn gối ở đây không cũ với thời gian. Hay đôi lứa là lứa đôi lý tưởng. Nếu không thì phải "có cái gì" khác thường. "Cái gì" ấy, tôi đã suy nghĩ nhiều mà không tìm ra. Anh có thể cho tôi biết được không?
Tôi đã trả lời : "Tôi cho rằng chúng tôi "có cái gì" là do sự giáo dục của cả đôi bên. Nền giáo dục đã phối hợp sự ăn ở giữa chúng tôi: luôn luôn kính trọng nhau. Thực ra gia đình hòa thuận bình yên, bền vững là ở trong tay người đàn bà...".
* Ở cái tuổi đại thọ như cụ, điều gì cụ đã hài lòng và còn điều gì khiến cụ băn khoăn?
Nói gần thôi nhé, điều hài lòng là lúc cuối đời cũng đã tìm được nơi để ký gởi toàn bộ tác phẩm của mình bởi đã nhiều năm rồi cứ ngồi nhìn chồng bản thảo chưa in mà... thở dài.
Băn khoăn là xã hội bây giờ thay đổi quá nhanh, những nét đẹp truyền thống ngày mỗi mai một trong khi đó lại du nhập nhiều thói quen sinh hoạt theo ngoại quốc, nhưng lại không chắt lọc những cái tốt mà lại thu nhận cả những điều xấu.
Khi đạo đức có dấu hiệu đi xuống, chúng ta nên quay về với những giá trị truyền thống, những chuẩn mực về đạo đức và nét đẹp thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt.
* Xin cảm ơn cụ!
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ