Nhà văn Ngọc Trai:
NHỮNG CHUYỆN ÍT BIẾT
VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN TUÂN
Thứ Ba, 14/06/2011, 08:10
Với nhà văn Ngọc Trai, cuốn sách chỉ là một phần nhỏ những câu chuyện, những kỷ niệm mà bà đã lưu giữ về nhà văn Nguyễn Tuân. Gặp bà trong ngôi nhà bình yên ở làng Võng Thị, nghe bà kể chuyện về cụ Nguyễn, thấy thêm yêu và trân trọng tài năng, nhân cách của một người cầm bút có ảnh hưởng lớn trên văn đàn Việt Nam hiện đại.
- Thưa nhà văn Ngọc Trai, là người được nhà văn Nguyễn Tuân tin tưởng, xem như con cháu trong nhà, có cơ hội được trò chuyện, phỏng vấn cụ nhiều lần, điều gì ở cụ khiến bà có ấn tượng mạnh nhất? Đối với công việc viết văn, bài học nào từ Nguyễn Tuân có ảnh hưởng tới bà?
+Tôi là người có đến hơn 20 năm được quen biết, gần gũi với nhà văn Nguyễn Tuân và gia đình cụ. Càng tiếp xúc với cụ Nguyễn, tôi càng thêm yêu mến, kính trọng tài năng, nhân cách cũng như những ứng xử của cụ. Trong nghề viết, tôi học được ở Nguyễn Tuân sự cẩn thận. Cụ Nguyễn là người cẩn thận đến sốt ruột, bản thảo bao giờ cũng chữa chi chít bằng 4-5 màu mực khác nhau. Câu chữ còn nằm trên bản thảo là cụ còn tư duy, suy nghĩ để nó trở nên hoàn thiện nhất. Gần gũi, trò chuyện với cụ trong nhiều năm, tôi hiểu được một điều cốt tử trong nghề viết, là nhà văn phải biết nâng niu từng con chữ. Chữ phải đẹp, phải hay, phải đắc địa thì mới có khả năng chuyển tải hết tư tưởng của người cầm bút. Nguyễn Tuân đặc biệt ghét sự cẩu thả trong việc sử dụng ngôn từ.
- Nhà văn Nguyễn Tuân sinh thời nổi tiếng là người quảng giao. Bà có thể kể lại một vài kỷ niệm của nhà văn với bạn bè mà bà được chứng kiến?
+ Đầu tiên phải nói đến việc cụ đặc biệt yêu những người trẻ có tài. Người ta cứ nói cụ Nguyễn kênh kiệu là không phải đâu. Tôi nhớ có lần Nguyễn Tuân gặp một số văn nghệ sĩ từ Huế ra như Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, lúc đó họ đều còn rất trẻ, cụ đã ân cần trò chuyện và yêu cầu mọi người gọi bằng anh cho thân mật. Nhà văn Nguyễn Minh Châu vốn là người dè dặt, có lần nhờ tôi đưa đến gặp Nguyễn Tuân để hầu chuyện cụ. Nguyễn Minh Châu rất bất ngờ về thái độ tiếp đón niềm nở, trân trọng của nhà văn bậc đàn anh. Riêng với các nhà văn Nguyễn Khải và Anh Đức (lúc bấy giờ đều còn trẻ) thì Nguyễn Tuân có ý thức nâng đỡ rất rõ ràng. Cái gì của hai vị này viết ra cụ Nguyễn cũng đọc rồi viết thư trao đổi rất bình đẳng. Nguyễn Tuân không giấu giếm sự yêu mến dành cho những người trẻ có tài năng, và cả những người gần gụi, "điếu đóm" xung quanh.
Tôi chứng kiến có lần nhà văn Đoàn Minh Tuấn ở Sài Gòn ra, khi về, cụ Nguyễn gửi quà chu đáo cho vợ con anh Tuấn, còn dặn dò rất kỹ lưỡng, ân cần nữa. Một ví dụ khác về sự chiều bạn của cụ Nguyễn, là khi có một cuộc triển lãm tranh của một số họa sĩ trẻ người Huế tại Hà Nội, cụ Nguyễn đến xem và rất thích thú. Kết thúc triển lãm, các họa sĩ trẻ vì yêu mến nhà văn mà có nhã ý mời cụ ra quán nhậu một bữa. Cụ gợi ý về nhà tôi để tôi nấu một số món ăn (chẳng là cụ thích một vài món Huế tôi làm). Cả nhóm đồng ý và cụ hẹn cuối tuần gặp lại. Đến ngày thứ sáu cụ đi khám bác sĩ và được các bác sĩ cảnh báo tim cụ có vấn đề, phải nhập viện ngay. Nhưng vì lời hẹn với các họa sĩ trẻ, cụ nói dối các bác sĩ là cho về nhà để chủ nhật cụ phải làm việc với Nhà xuất bản rồi thứ hai sẽ nhập viện. Chiều thứ hai cụ vào viện thì đêm thứ ba cụ mất.
Nhà văn Nguyễn Tuân "chiều" bạn là như thế, nhưng ngược lại cụ cũng rất được mọi người chiều chuộng lại. Có lần cụ đến chơi nhà tôi, rồi sang chơi nhà ông hàng xóm của tôi nữa. Ông hàng xóm này trồng nhiều cây trong vườn, lúc nào cũng nâng niu từng cành, từng nhánh, tưởng chừng chẳng bao giờ ông cho ai đụng vào cây cối của mình. Trong vườn nhà ông này có duy nhất một cây mai nhỏ, đang nở một cành hoa trắng rất đẹp. Cụ Nguyễn nhìn thấy cây mai thì ngỏ ý xin cành hoa đẹp nhất. Ông hàng xóm nhà tôi vội vàng đi lấy kéo, cắt cành hoa mai biếu cụ. Tôi bảo: "Hàng xóm nhà cháu phải chiều bác lắm mới biếu bác cành mai đấy, chứ xóm cháu chả ai xin ông ấy được đâu", cụ Nguyễn chỉ cười.
Lần khác đến chơi nhà họa sĩ Sỹ Ngọc, thấy giò phong lan đang trổ một nhành hoa dài rất đẹp, Nguyễn Tuân cũng xin ngay. Ông Sỹ Ngọc chiều cụ Nguyễn, bảo cụ cứ về nhà, sẽ bê cả cây sang biếu cụ. Ngay cả trong gia đình Nguyễn Tuân, vợ và các con cũng rất chiều chuộng cụ. Con cả cụ là ông Nguyễn Xuân Đào, đã trở thành tiến sĩ rồi mà cụ vẫn sai đi "đưa thư cho cô Trai". Thư cụ viết cho tôi lúc nào cũng chỉ mấy dòng, chỉ là cho mượn cái xe hoặc đi mua giúp cụ tí rượu. Đến cả các anh công an cũng rất chiều Nguyễn Tuân. Số là một lần Nguyễn Tuân đi uống rượu ở Đại sứ quán Pháp trên đường Trần Hưng Đạo. Lúc về, cụ say quá, đi bộ đến cổng Sở Công an Hà Nội thì ngồi bệt ở vỉa hè. Mấy anh công an nhận ra nhà văn Nguyễn Tuân nên dìu cụ vào văn phòng, pha nước chanh cho cụ uống rồi cho hai anh công an mặc thường phục đưa xe chở cụ về tận nhà.
- Cụ bà Nguyễn Tuân là người phụ nữ rất quan trọng góp phần làm nên sự nghiệp của cụ Nguyễn. Bà có ấn tượng thế nào về người phụ nữ ấy?
+Tôi cho rằng cụ bà Nguyễn Tuân chính là một trong những người phụ nữ hay nhất trong đời mà tôi đã được gặp. Bà đóng vai trò không chỉ là một người vợ của cụ Nguyễn, mà là một người tri âm tri kỷ. Nguyễn Tuân rất nể vợ. Có lần cụ Nguyễn tâm sự với vợ là "Giữa tôi với bà thì ai nên "đi" trước". Cụ bà bảo ngay: "Chỉ có tôi mới chăm sóc được ông trên đời. Ông ăn không nhiều nhưng ăn tinh. Giò phải mua của ai thì ông mới ăn, rượu phải mua của ai thì ông mới uống, món ăn nấu thế nào thì mới hợp khẩu vị ông, chỉ có tôi biết. Nên nếu tôi đi trước thì tôi thương ông lắm".
Cụ Nguyễn lại bảo: "Nhưng nếu tôi đi trước thì tôi biết bà rất buồn. Hay là tôi với bà "đi" một lần vậy". Đấy, chỉ cần nghe câu chuyện hai cụ chia sẻ với nhau đã thấy cảm động vì tình yêu họ dành cho nhau rồi. Tôi nhớ một hôm tôi đến nhà hầu chuyện Nguyễn Tuân. Nói chuyện với cụ được một lúc lâu thì cụ bà về. Cụ Nguyễn bảo vợ: "Bà ngồi quạt một tí cho mát rồi đi mua cho tôi quả trứng gà". Tôi mới cắt lời cụ Nguyễn: "Bác buồn cười thật đấy, bác gái vừa đi về còn đang mệt. Có quả trứng gà thôi, cháu đến từ lâu, lại có xe đạp, sao bác không bảo cháu chạy ù đi mua cho bác. Hoặc là bác không sai cháu thì bác sai cô Giang con gái bác đi mua, đỡ vất vả bác gái". Nhưng cụ Nguyễn thủng thẳng đáp: "Nếu là rượu hay giò thì tôi có thể sai cô, vì cô cứ đến những nhà mà tôi vẫn mua là có rượu ngon, giò ngon. Còn trứng gà thì chỉ có bà nhà tôi mới biết cách chọn trứng gà tươi thôi. Tôi chỉ ăn trứng gà bà ấy mua về". Tôi rất phục cụ bà Nguyễn Tuân, đúng là chỉ có bà mới hiểu và chiều được ông chồng nhà văn cá tính độc đáo ấy mà thôi.
- Nguyễn Tuân là nhà văn được yêu mến không chỉ bởi tài năng mà cả nhân cách. Tuy nhiên, sinh thời không phải lúc nào ông cũng được hiểu đúng. Gần gũi Nguyễn Tuân, bà thấy ông thường có ưu tư về việc người ta có những lúc nhìn nhận không đúng về mình?
+ Những năm cuối đời, Nguyễn Tuân từng thổ lộ với tôi, trong lòng cụ có nhiều điều day dứt, trăn trở muốn viết ra lắm, mà không thể viết. Tôi thấy có hai điều ở Nguyễn Tuân mà một số người chưa hiểu đúng về cụ. Điều thứ nhất, như tôi đã viết trong cuốn sách, và chính là báo Văn nghệ Công an đã có lần phân tích, là việc Nguyễn Tuân đi tù. Cụ Nguyễn có hai lần ngồi tù là do bệnh ham đi, ham "xê dịch" chứ không phải vượt biên hoạt động yêu nước như nhiều người suy diễn.
Chuyện thứ hai là khi nói về tinh thần cách mạng của cụ, có người còn hoài nghi. Tôi phải nói rằng, Nguyễn Tuân là người đi theo ánh sáng cách mạng từ rất sớm. Trước Cách mạng Tháng Tám, cụ đã viết vở kịch "Cỏ độc lập" với những câu như sau: "Cỏ này vốn tên là Cỏ Độc Lập, chất của nó ngọt như thuốc trường sinh, vị nó chữa được bệnh Chán Đời, và giã nhuyễn ra gạn lấy nước mà chép sách thì thứ mực này cầm cự được cả sức tàn phá của thời gian".
Sau giải phóng miền Nam, Nguyễn Tuân là nhà văn vào Nam sớm nhất, tìm gặp một số anh em văn nghệ sĩ trong đó. Có một người, cũng là văn nghệ sĩ nói: "Anh Tuân ơi mình bị lừa rồi". Nguyễn Tuân phản ứng ngay: "Tôi đi theo con đường giải phóng dân tộc là đúng chứ ai mà lừa được tôi". Từ đó Nguyễn Tuân không bao giờ gặp lại người này nữa vì cụ cho rằng họ nhận thức như thế là chưa đúng.
Nguyễn Tuân còn là một nhà văn có tầm nhìn xa. Cụ đã từng nói với ông Trần Lâm, khi đó là Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, rằng phải giữ lấy những văn hóa hát ả đào vì nó là tinh hoa dân tộc. Lúc đó đã có người lên tiếng nói Nguyễn Tuân có tư tưởng tư sản. Nhưng hôm nay thì các bạn thấy đấy, ca trù đã trở thành văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn. Những người có khả năng đi trước thời cuộc như cụ Nguyễn thì có lúc gặp nạn trong cuộc đời cũng là dễ hiểu.
- Xin cảm ơn nhà văn Ngọc Trai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét