Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

đọc thêm: Nhà nghiên cứu văn học LƯU KHÁNH THƠ / Lê Minh Quốc [ 1959- / Tp. HCM -- trích: congannhandan online

  NINH THẾ GIỚI - AN NINH THẾ GIỚI CUỐI THÁNG - VĂN NGHỆ CÔNG AN

     Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ: 

                                    LÊ MINH QUỐC

Thứ Sáu, 01/09/2017, 07:29

  •                                             (...)

Trong 2 ngày, từ ngày 26-4 đến ngày 27-4-1994, tôi đã có dịp làm quen với nhiều người viết cùng thời trên mọi miền đất nước. 

Những người đã quen ấy, có người đã đi về cõi khác, có người đã nhợt nhạt tình bạn nhưng đến nay vẫn còn lại một thân tình: nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ.

Sở dĩ gọi đó là kỷ niệm, với tôi cũng là đầu tiên ra Thủ đô với tư cách khách mời, cùng chuyến bay với những Bùi Chí Vinh, Lý Lan, Đoàn Vị Thượng, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Thái Dương... Ngày ấy, lòng say mê văn chương còn trong trẻo, tinh khôi, nhiều khát vọng và những tưởng phía chân trời ngập tràn ánh sáng. 

Chà, khoái vô cùng, có thể sướng rêm mé đìu hiu khi đồng chí lãnh đạo cao nhất của Hội đã kề tai nói khẽ dù lúc ấy chỉ có hai người, như tiết lộ một thông tin tầm cỡ “bí mật quốc gia”: “Không có Q. ra Hà Nội, Đại hội chỉ thành công một nửa”. Nghe câu nói ấy, tự dưng thấy mình quan trọng hẳn lên. Ghê gớm hẳn lên.

Mừng quá, bèn mời anh em cùng đoàn đi nhậu lai rai rồi vênh váo mặt mày nhắc lại câu nói ấy. Chớ tưởng bịa nhá. Đố ai dám bịa rồi gán cho đồng chí lãnh đạo Hội đã khen mình? Anh em sẽ phục mình lăn chiêng đèn cù. 

Nào ngờ, khi vừa dứt câu, Đoàn Vị Thượng nói: “Ơ hay, ổng cũng nói với tao y chang”. Chỉ vậy thôi à? Sau đó, nhiều người khác nhao nhao cho biết họ cũng từng nghe câu “phán” tương tự. Họ tin sái cổ lời nói ấy. Nào ngờ, cùng một câu nói chỉ đổi tên riêng. Mỗi lần nhớ lại, chỉ thấy buồn cười về sự cả tin.

Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ.

Nhớ lại kỷ niệm khác có phải hay hơn không? Vâng ạ. Trong đêm 25-4-1994 là đại hội trù bị. Những tưởng những người được bầu vào chủ tịch đoàn, thư ký đoàn phải được bàn bạc, trao đổi và tất cả đại biểu sẽ quyết định. Thế nhưng lúc vào họp, bọn tôi mới biết danh sách đã sắp xếp từ trước. 

Những nhà văn trong Chủ tịch đoàn là Vũ Tú Nam, Hữu Thỉnh, Phan Thị Vàng Anh, Trần Hòa Bình, Đà Linh, Nguyễn Thị Mai, Lý Lan, Mai Văn Phấn và Cao Duy Sơn. Thư ký đoàn là Trần Ninh Hồ, Phạm Sỹ Sáu, Kim Ba, Võ Thị Xuân Hà và Lưu Khánh Thơ.

Tôi đã quen với Lưu Khánh Thơ vào đúng dịp đó. Cuộc làm quen này thể hiện qua bài viết Em gái Lưu Quang Vũ nói gì về anh mình, in Báo Phụ nữ TP HCM ngày 25-5-1994. Nhắc lại cụ thể thời gian để thấy rằng, một khi còn trẻ, con người ta ham viết lắm. Lúc nào cũng viết được. Say mê. Cần cù. 

Thỉnh thoảng sau này, Thơ hay trêu chọc tôi trước mặt mọi người: “Ngày đó, hắn ta lễ phép lắm. Gọi Thơ bằng chị. Được làm chị ngon ơ”. Tôi lại phì cười, rất vui bởi vì rằng, sau đó, là một tình bạn đi cùng năm tháng.

Nhắc lại bài viết trên để nhớ vài chi tiết hay. Thơ kể: “Xuân Quỳnh rất thích hoa cúc. Có lần tôi hỏi: “Chị Quỳnh ơi, vì lẽ gì mà chị yêu hoa cúc đến thế?”. Chị trả lời: “Hoa cúc khi héo không rụng cánh”; “Anh Vũ mới nhận tặng thưởng kịch bản của Hội Nhà văn (tiếng thì oai lắm nhưng giải chỉ có 10 ngàn”.

Số tiền ấy, nay khoảng bao nhiêu? Không rõ, nhưng tôi biết chắc nhận xét của nhà thơ Xuân Quỳnh về tính cách của hoa cúc hoàn toàn chính xác. Tôi chưng hoa cúc ngay trên bàn làm việc nên đã thấy rõ.

Cùng bạn bè viết lách, ham mê đọc sách, văn nghệ văn gừng nên lần sau, những chuyến ra Hà Nội, tôi cùng một vài đồng nghiệp như nhà báo Hữu Thân, Xuân Thái... thường được Thơ đảm nhận vai trò hướng dẫn viên, dẫn đi thăm thú nơi này, nơi kia. 

Nhớ nhất là lúc thăm Nhà lưu niệm Vũ Trọng Phụng, Nam Cao... Đi đến nơi quan sát và ghi chép. Nhớ lại kỷ niệm và cảm thấy tiếc nuối, ấy là lúc con người ta đã già, dù nay, muốn thực hiện lần nữa e rằng khó quá. Nhất là thời gian và sức khỏe.

Mà này, có cần phải “gạch đầu dòng” về Lưu Khánh Thơ không nhỉ? Tại sao lại không? Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1981); Bảo vệ luận án tiến sĩ tại Viện Văn học (1995); Học hàm, học vị: Tiến sĩ (1995), Phó Giáo sư (2003), Nghiên cứu viên cao cấp (2011). 

Những công trình nghiên cứu văn học nào của Thơ đã thực hiện? Rằng thưa, chuyên luận Thơ và một số gương mặt thơ VN hiện đại; tham gia biên soạn Thơ Mới - tác giả tác phẩm; Xuân Diệu về tác giả, tác phẩm, Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam v.v...

Phải đọc nhiều, cảm và nhận, Lưu Khánh Thơ mới có thể đưa ra một nhận định về phong trào Thơ mới - như là một đóng góp: “Vậy là trong khi tiến hành một cuộc cách mạng thơ ca, Thơ mới vẫn không cắt rời với truyền thống thơ dân tộc - từ đỉnh cao Nguyễn Du "bất diệt, nhà thi sĩ cho muôn đời" (Lưu Trọng Lư), đến Tản Đà - người "đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đương sắp sửa" (Hoài Thanh). 

Có ồn ào, có cãi cọ trong lời lẽ vào buổi khởi đầu, và qua hơn mười cuộc diễn thuyết trong Nam ngoài Bắc; nhưng căn bản Thơ mới đã thắng thế nhờ vào lao động nghệ thuật say mê của một thế hệ thơ do sự đào luyện của trường học Pháp - Việt và do sự tiếp nhận trực tiếp các ảnh hưởng của phương Tây mà dứt bỏ được một cách triệt để mọi trói buộc của truyền thống. 

Và là một sự thắng thế không phải bằng lý luận, mà chính là bằng sự xuất hiện của chính các bài thơ hay được công bố trên báo, và in thành tập trong hơn 10 năm, đem đến sự rút lui dần trong lặng lẽ của cả một biển thơ cũ. 

Một cuộc cách mạng thật mau lẹ, bởi nó nằm trong một chuyển động lớn, một cuộc chuyển giao lịch sử lớn chỉ diễn ra có một lần trong lịch sử thơ ca Việt Nam từ xã hội trung đại sang xã hội hiện đại, trong đó thơ ca nói riêng và văn chương học thuật nói chung vừa là hệ quả của một cuộc sinh thành, vừa là một tác nhân thúc đẩy”.

Đúng lắm. Mọi chủ thuyết, mọi tuyên ngôn về nghệ thuật dù sang trọng, ầm ĩ khua chiêng gõ trống cũng chẳng là gì, nếu không có tác phẩm cụ thể chinh phục người đọc.

Ngoài các chuyên luận về thơ, gần đây nhất Thơ còn là người chủ biên tập sách Cha và con (NXB Trẻ) đã gây được tiếng vang lớn trong dư luận.

Hãy nghe Thơ tâm tình: “Cha và con, tập hợp gồm 45 câu chuyện của người con kể về cha mình, phần lớn là những người nổi tiếng, từ vị tướng trong quân đội, giáo sư, nhà khoa học đầu ngành đến những người nghệ sĩ tài năng lẫy lừng, được xã hội tôn vinh và ngưỡng mộ. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, họ đã góp phần vào nền văn hiến của đất nước. Và trong số đó, cũng có những người cha bình thường, một ông giáo làng, một người nông dân, một viên chức mẫn cán, tận tụy suốt cả cuộc đời, về hưu với hai bàn tay trắng...

“Mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ/ Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?”. 

Những câu thơ của nhà thơ Nga nổi tiếng E. Eptusencô đã khái quát khá trọn vẹn và đầy đủ ý tưởng này”.

Có lẽ nhiều người đồng tình với suy nghĩ này, khi nghe Thơ thổ lộ: “Đặc biệt hạnh phúc là những người cha có đứa con nối nghiệp mình. Hơn ai hết, người con nối nghiệp đã thấu hiểu và đồng cảm với cha mình trong cuộc đời, cũng như trong nghề nghiệp. 

Họ là người đồng hành tri âm, tri kỷ, chia sẻ mọi nỗi niềm với cha mình - người đã sinh thành, dưỡng dục và trao cho họ những truyền thống quý báu để nối tiếp cuộc đời của người trên cõi nhân gian này. Không ít người con đã thật sự vững vàng bước đi trên con đường của cha mình, thực hiện những điều trao gửi của đấng sinh thành. Và như thế, người cha đã lưu dấu khoảng không gian, thời gian tồn tại của mình trong cõi nhân sinh, vũ trụ một cách đầy ý nghĩa”.

“Điều lớn nhất cha tôi để lại cho chúng tôi là nhân cách của một người nghệ sĩ một đời trong sạch. Tình yêu và niềm tự hào về cha mình đã đi theo chúng tôi suốt đời. Ngay cả khi cha tôi đã mất, chúng tôi vẫn cố gắng sống và làm theo những điều mong mỏi của ông. Chúng tôi vẫn sợ làm ông phiền lòng nếu như mình làm điều gì đó không đúng. Phải chăng ý nghĩ và tình cảm ấy đã giúp chúng tôi nên người”.

Hơn ai hết, một khi Thơ đảm nhiệm công việc chủ biên cho thể loại sách như Cha và con là rất phù hợp. Như đã biết, Thơ thuộc con nhà nòi: con gái Lưu Quang Thuận, em ruột Lưu Quang Vũ - hai nhà viết kịch, nhà thơ rất nổi tiếng. Có thể nói, Lưu Quang Vũ là nhà viết kịch lừng danh nhất của Việt Nam trong thập niên 1980 của thế kỷ XX. 

Nếu Lưu Quang Thuận được trao Giải thưởng Nhà nước, thì Lưu Quang Vũ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh. Con hơn cha là nhà có phúc. Hiện nay, tại Đà Nẵng - nơi sinh quán của nhà viết kịch lỗi lạc, ta thấy có tên đường của cả hai cha con, hiếm có trường hợp tương tự nếp nhà Lưu Khánh Thơ. Sự tôn vinh này rất xứng đáng.

Chưa hết, chú ruột là nhà thơ Lưu Trùng Dương cũng được trao Giải thưởng Nhà nước. Em là nhà báo Lưu Quang Định, trước công tác ở Báo Lao động, nay là Tổng Biên tập Báo Nông thôn ngày nay cũng là người yêu và am hiểu nhiều về văn hóa nghệ thuật. Và nhà thơ Xuân Quỳnh, chị dâu - người bạn đời của Lưu Quang Vũ - mới vừa nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Phải nói ngay rằng, Thơ là người có công lớn trong việc tìm kiếm, sắp xếp một khối lượng khá lớn di cảo thơ ca, kịch bản sân khấu, truyện ngắn, nhật ký của người thân trong gia đình để công bố các tập sách như Lưu Quang Thuận - thơ và sân khấu; Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, tình yêu và sự nghiệp; Lưu Quang Vũ - thơ và đời... Đây là những tư liệu đáng tin cậy về các tên tuổi trên mà người ngoài khó có thể biên soạn, sắp xếp, phân tích đầy đủ hơn.

Cái gien di truyền của nếp nhà tài hoa, liệu chừng có ảnh hưởng đến phong cách nghiên cứu của Lưu Khánh Thơ? Tại sao lại không? Đọc nhiều về Thơ với tư cách bạn bè, và cũng ít nhiều biết nhau qua tính cách, tôi nhận ra rằng lúc cảm về tập sách Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp đã nói một câu rất chính xác: “Sự nhạy cảm là một phẩm chất nổi bật của chị”.

Bây giờ nhớ đến Lưu Khánh Thơ, bên tai tôi còn nghe rổn rảng tiếng nói cười rạng rỡ của nhiều bạn trẻ: “Em là học trò của cô Thơ đấy”. Và nhất là nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim đã có lần bảo: “Cô Thơ đã hướng dẫn em bảo vệ luận án tiến sĩ. Mừng cho em nhá?”. Ơ hay, mừng quá đi chứ. Trên con đường của tình bạn, những gì bạn đã làm có ích, dù không nói ra, trong thâm tâm đã tự hào và mừng.

Lê Minh Quốc

=============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét