CẢNH SẮC SÀI GÒN XƯA
QUA CÁC BÀI CA DAO
N ói đến Sài Gòn, người dân lục tỉnh nghĩ ngay đến cái chợ. Vì chợ Sài Gòn (tức chợ Bến Thành) vừa to vừa đông vui. Hãy nghe người lục tỉnh so sánh chợ Sài Gòn với chợ nơi quê nhà:
Chợ Sài Gòn cẩn đá,
Chợ Rạch Giá cẩn xi-măng;
Giã em ở lại vuông tròn,
Anh về xứ sở không còn ra vô.
Người con gái ở lại thành tiêm nhiễm nếp sống Tây phương, chàng trai xa nàng khỏi sao thắc mắc, lo nàng ở lại chẳng vuông tròn chàng yên tâm về xứ sở.
Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy,
Chợ Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa;
Viết thư thăm hết mọi nhà,
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em!
Sài Gòn và Mỹ Tho, hai thị trấn cách nhau trên sáu chục cây số ngàn, nay tuy gần nhưng xưa thật là xa, vì phương tiện di chuyển đâu có dồi dào như nay; chàng và nàng dù yêu nhau, nhưng không mỗi lúc tới thăm nhau dễ dàng, đôi bên đều cùng bận làm ăn buôn bán, nàng ở chợ Sài Gòn, chàng ở chợ Mỹ Tho. Nhớ nhung nhau, chỉ biết tin thư thăm hỏi, lấy giấy thay lời. Chàng yêu nàng vì duyên vì tình, vì tình yêu chân thật, đâu có thấy nàng giàu mà ham hoặc thấy nàng nghèo mà chê:
Chợ Sài Gòn, đèn xanh đèn đỏ,
Anh coi không tỏ anh ngỡ đèn Tàu;
Lấy anh em đâu kể sang giàu,
Rau dưa mắm muối có nơi nào hơn em.
Chàng lấy nàng đâu có kể sang giàu, vì tiền tài bao nhiêu cũng có thể hết, duy tình nghĩa mới bền lâu, như người xưa đã nói:
Tham vàng bỏ ngãi ai ơi,
Vàng thời đã hết ngãi tôi vẫn còn.
Chính vì nghĩa mới bền lâu nên khi xa người nghĩa người con trai đứng ngồi không yên:
Chim quyên xuống đất tha mồi
Tôi xa người nghĩa đứng ngồi không yên!
Giấy tây bán mấy;
Mua lấy tờ nguyên,
Làm thơ hỏi bạn tình duyên chuyện gì?
Mến thương nàng, đem nàng, cô gái Sài Gòn so sánh với các nàng lục tỉnh, cô gái Sài Gòn thật hơn:
Nội trong Lục tỉnh Nam kỳ
Mấy ai được nết nhu mì như em;
Hai hàng lụy ngọc ướt mèm
Làm sao cho đặng anh với em giao hòa;
Chợ Sài Gòn ngày nay ta vẫn gọi chợ Bến Thành, nhưng Bến Thành trước đây chính là bến tàu và hàng ngày thường 10 giờ thì tàu tới bến này:
Mười giờ, tàu lại Bến Thành,
Xúp lê còi thổi, bộ hành lao xao!
Sao lại mệnh danh Bến Thành? Phải chăng đây là bến của Gia Định thành? Còn khách bộ hành lao xao vì muốn tới ngắm tàu Tây.
Anh ngồi quạt quán Bến Thành,
Nghe em có chốn anh đành quăng om!
Anh ngồi quạt quán Bà Hom,
Hành khách chẳng có, đá om quăng lò.
Chàng trai ngồi quạt ở quán Bến Thành với bình trà Huế, được tin người mình thương đã có nơi có chốn, chàng ta buồn rầu quẳng cả bình trà đi! Kể cũng đáng buồn, tưởng được cùng người thương thưởng thức bình trà (om) ngon, ngờ đâu nàng là hoa có chủ, chàng đành ôm hận, trút mối hận vào om, cái bình trà vô tội!
Nhắc đến Bến Thành, quên sao được thành Tây:
Dân đất Bắc
Đắp thành Tây,
Đông thật là đông,
Sầu Nam vời vợi.
Câu này gồm đủ Đông, Tây, Nam, Bắc! Dân đất Bắc phải chăng là những dân miền Bắc bị đưa vào Nam làm phu, đắp thành cho người Tây? số dân phu nhiều lắm, đông thật là đông, Sự đông đúc này quả là một niius sầu vời vợi, cho nước Nam, cho dân Nam! Đắp thành Tây rồi xây Soái phủ cho Tây, người dân Nam trong cảnh căm hờn muốn nói không ra, đành gửi tâm tình vào ca dao tục ngữ:
Trên Thượng thư bán giấy,
Dưới Thủ ngữ treo cờ!
Kìa Ba còn đứng trơ trơ!
Nào khi núp bụi, núp bờ,
Mũi Di đánh dạo bây giờ bỏ em!
Thượng thư, xưa chính là Soái phủ Nam kỳ ở vào góc đường Tự Do và Gia Long ngày nay. Nơi đây có bán ấn chỉ cho dân, trong Nam quen gọi là bán giấy.
Thủ Ngữ là nơi Thủy quân Pháp đóng, có dựng cột cờ.
Con người ái quốc trông hai nơi này càng căm gan sôi ruột! Ai đã khéo đặt ra câu ca dao trên để kích thích lòng căm hờn của người dân Việt, đã nhắc tới tượng Gambetta.
Tượng một người Pháp, gọi là Ba, ai là dân Việt ắt phải thấy cái nhục vong quốc này! Nếu câu ca dao chỉ có ba dòng đầu, có thể gợi sự nghi ngờ của người Pháp, bởi vậy phải thêm hai hàng sau gắn vào. Mượn lời , tình nhân oán trách tình nhân để che giấu ý kín của câu hát. Tuy đây là lời tình nhân oán trách tình nhân, nhưng cũng là lời đồng chí oán trách đồng chí, đã cùng nhau núp bụi ngồi bờ, đã cùng nhau đánh dạo ở mũi Di, vậy mà quên nhau, về đầu thú người Pháp để cầu công danh phú quý.
Sài Gòn, nơi đô hội lớn, phố xá rộng rãi, cây cao và râm mát.
Đường Sài Gòn cây to bóng mát
Đường Chợ Lớn, hột cát nhỏ dễ đi.
Đường Sài Gòn đúng có cây to bóng mát, còn đường Chợ Lớn có lẽ trước đây với đất phù sa của đồng bằng sông Cửu Long nhỏ cát dễ đi chăng? Dưới thời Pháp thuộc, đường Sài Gòn cũng như đường Chợ Lớn đều đã rải đá và sau này rải nhựa… Ngày nay, với thời gian đường hư hỏng dù rải đá tráng nhựa, nên có thể có người than:
Đường Sài Gòn ổ gà đi xóc,
Đường Chợ Lớn đi xóc ổ gà.
Ca dao Sài Gòn có những câu rất ngộ nghĩnh, nhắc tới địa danh một cách rất khéo léo:
Chị Hươu đi chợ Đồng Nai,
Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.
Trong câu này chúng ta bắt gặp bốn con vật ăn cỏ là Hươu, Nai, Nghé, Bò với hai địa danh là Đồng Nai và Bến Nghé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét