Thứ Năm, 28 tháng 12, 2023

bài đáng đọc :Trang Châu in 2 tác phẩm ; Nét văn Buồn như Quê Nhà ... / Phan Tấn Hải / Hoa Kỳ -- trích: http://vietbao.com/author/po...

 

Trang Châu In 2 Tác Phẩm: Nét Văn Buồn Như Quê Nhà

15/11/2013
Nhà văn Trang Châu vừa xuất bản 2 tác phẩm tuần qua -- trong đó có cuốn “Người Ăn Trưa Trong Xe” là tuyển tập truyện ngắn mới, và cuốn “Y Sĩ Tiền Tuyến” là bút ký được tái bản tới lần thứ 8.

Nét văn học trong ngòi bút Trang Châu đã biểu lộ cá tính riêng, rất độc đáo kiểu của ông từ thời còn là sĩ quan y sĩ chiến trường trong Cuộc Chiến Việt Nam từ thập niên 1960s, cho tới bây giờ nhiều thập niên sau tại quê người ở Montreal, Canada.

Họa sĩ Khánh Trường, một thời cũng là chiến binh Nhảy Dù, ghi lại kỷ niệm lần đầu gặp Trang Châu nơi quân y viện sau khi bị thương ở Hạ Lào:

“Tôi bị thương ở căn cứ A Lưới, Hạ Lào. Từ quân y viện Huế, tôi được chuyển về Đỗ Vinh, bệnh viện riêng của binh chủng Nhảy Dù. Như thường lệ, buổi san1g, sau một vòng khám bệnh, vị y sĩ bước ra khỏi phòng, dáng cao to như muốn chiếm trọn khuôn cửa. Người năm bên cạnh hỏi tôi:

- Biết ai đó không?

Tôi chuư kịp trả lời, anh bạn trẻ đã tiếp:

- BS Trang Châu, tác giả Y Sĩ Tiền Tuyến...”(hết trích)

Và nhiều thập niên sau, Trang Châu và Khánh Trường mới gặp nhau lại ở Montreal,Canada, trong dịp triển lãm phòng tranh của họa sĩ Võ Đình.

Văn bút ký của Trang Châu có nét buồn riêng. Và đặc biệt ngay cả khi viết về cảnh thu dọn chiến trường, chữa trị thương binh... vẫn không mang nét bạo lực nào. Văn dịu dàng, buồn như khi đất nước chứng kiến hình ảnh những đứa con trai bắn vào nhau, tìm giết nhau...
trang-chau-y-si-tien-tuyen-resized
Hình bìa 2 tác phẩm mới xuất bản.

Thử đọc trích đoạn từ Y Sĩ Tiền Tuyến các trang 51-53, ấn bản taí bản lần thứ 8 năm 2013:

“...Cánh quân được lệnh di chuyển. Phải di tản thương binh theo. Chỉ có hai người đi được, ba phải dìu, hai phải khiêng cáng, một xác chết phải gánh theo. Một số binh sĩ được huy động giúp di tản.Tôi phụ khiêng cáng ông Thiếu Úy Toàn nằm. Trông ông co quắp, rên rỉ thật tội nghiệp.

Quần áo ướt dầm làm tôi lạnh run. Súng vẫn nổ nhưng thưa và xa dần. Trời đã tối hẳn, mưa vẫn không ngừng. Chúng tôi khó nhọc theo đuôi toán quân. Bờ đê ruộng bùn trơn hết người này trợt chân đến người khác. Hết bờ đê đến một can nhà sàn. Trạm cứu thương được chỉ định đóng đêm tại đó.

Đại Đội 64 ngoài Trung Úy Vân còn thêm bảy binh sĩ thiệt mạng, hai bị thương. Phía Tiểu Đoàn 5 Dù, sáu binh sĩ tử thương, ba bị thương. Bên Thiết Vận Xa, hai xạ thủ đại liên tử trận, năm bị thương. Tất cả thương binh được trạm cứu thương của Tiểu Đoàn 5 săn sóc.

Đã chín giờ đêm. Tiếng súng im hẳn. Mưa cũng tạnh. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn yêu cầu tôi báo cáo tổn thất và tình trạng thương binh. Trong báo cáo tôi nói rõ tình trạng khẩn cấp của Thiếu Úy Toàn. Ông sẽ không qua khỏi đêm nay nếu không được di tản. Và thật là một niềm vui sướng cho tôi khi biết tin sẽ có trực thăng đến tải thương. Tôi huy động nhân viên đưa các thương binh ra cánh đồng, bãi đáp. Gặp Bác Sĩ Cơ của Tiểu Đoàn 5 Dù, chúng tôi vui vẻ bắt tay nhau, phụ lực khiêng cáng. Chúng tôi sắp thương binh theo thứ tự ưu tiên di tản. Ba chiếc trực thăng trong hai đợt đã cho Bác Sĩ Cơ và tôi trút được mối lo canh cánh bên lòng. Còn lại mười mấy xác chết phải chờ đến sáng mai...”(hết trích)

Tuyển tập Người Ăn Trưa Trong Xe không kể những chuyện nơi chiến trường nữa, nơi đây là những hình ảnh chúng ta có thể gặp nơi đời thường, nơi mọi người cũng lo toan trong những nỗi đau đớn nhân sinh.

Hãy đọc những dòng văn rất buồn mở đầu, nơi trang 7 của Người Ăn Trưa Trong Xe, Trang Châu viết:

“Điều khó khăn cho tôi trong dự tính bước đi một bước nữa là sợ bị lợi dụng. Tôi sợ đàn ông đến với tôi không vì tình mà vì quyền lợi của họ. Góa chồng vào tuổi 45 quả là một điều bất hạnh. Tôi không còn trẻ để nhờ cậy vào nhan sắc. Nhan sắc không phải tôi không có nhưng tôi sợ cái có đó không bền. Hình như càng lớn tuổi thời gian đi càng nhanh...”(hết trích)

Những dòng chữ lăn như dòng nước mắt.

Phải chăng, khi người bác sĩ viết văn, tâm hồn trải ra ngòi bút đã thâm cảm những đau đớn của con người sâu sắc hơn?

Theo tiểu sử trên trang Luân Hoán, Trang Châu tên thật Lê Văn Châu, sinh ngày 28 tháng 3 năm 1938 tại Huế. Ông là con trai thứ của cựu trung tướng Việt Nam Cộng Hòa Lê Văn Nghiêm (từ trần tại Sài Gòn năm 1988) và bà Trần Thị Thuận, (qua đời lúc Trang Châu lên 9 tuổi). Thuở nhỏ theo học tại các trường Pellerin, Thiên Hựu (Huế), Yersin (Đà Lạt). Tốt nghiệp Y khoa năm 1966. Là bác sĩ quân y, phục vụ trong binh chủng nhảy dù, kể từ 1966 đến năm 1971. Đã lập gia đình cùng bà Hoàng Kim Uyên (ái nữ của nhà thơ Hoàng Trọng Thược, Á hậu Việt Nam năm 1976) và có hai con trai. Trước 1975, Trang Châu cộng tác với các tạp chí: Tiền Phong, Khởi Hành, Văn Học… Tỵ nạn tại Montréal Canada từ năm 1977, hiện hành nghề tại phòng mạch tư. Tiếp tục sáng tác, nhưng ít gởi bài đăng báo.Tháng 6 năm 1987, được bầu làm Chủ tịch hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại tại Canada, trung tâm Quebéc. Đã có nhiều tác phẩm xuất bản.

Tuyển tập Người Ăn Trưa Trong Xe dày 228 trang, bìa Khánh Trường, giá 20 Mỹ Kim.

Bút ký Y Sĩ Tiền Tuyến dày 220 trang, giá 20 Mỹ Kim.

Liên lạc với tác giả:

Lê Văn Châu
3835 Charlotte Boisjoli
Saint Laurent, Québec, H4R-0E7, Canada
Phone: 514-747-2789
Email: lvtrangchau@yahoo.ca

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ