NGƯỜI CỦA NGÀY XƯA
C hị là một người phụ nữ có tật xấu là hay thương thân, rất thương thân, thương đến mức chị coi thân là bạn, lúc nào cũng tìm mọi cách để có thể bảo vệ và che chở cho thân. Hồi đó Má chị thường nói: “Không có tiền thì lấy thân che của, còn nếu có tiền thì lấy của che thân”. Chị chỉ là một cô thợ thêu trong xóm nhỏ, không nghèo không giàu, không đẹp không xấu, cũng không có một chút xíu của nào để che thân. Chị chỉ biết thương thân bằng một tình cảm tự nhiên; thân là của chị thì chị thương yêu vậy thôi.
Là thợ thêu nhưng chị không thêu hàng chợ, mà chỉ nhận thêu những tấm khăn trải bàn sang trọng, những vạt áo dài của ca sĩ Việt Kiều, những dãi khăn choàng đầu của các mệnh phụ phu nhân, những bức tranh được treo trong phòng khách của các đại gia… Khách hàng của chị thường là những phụ nữ xồn xồn và lắm tiền. Mỗi khi tiếp xúc với những bà “yamaha” đã luống tuổi rồi mà vẫn còn thích chụp hình đăng báo, hoặc chụp hình lộng kiếng, họ thường nói với chị rằng, cái gì mất đi có thể kiếm lại được chứ tuổi xuân mà mất rồi thì chẳng có ông Bành Tổ nào giúp cho đâu, nên họ chụp hình để lưu lại những khoảnh khắc đó. Nghe họ nói cũng có lý, thỉnh thoảng chị cũng ra tiệm chụp vài tấm hình chân dung và sau đó… xếp vào một xó!
Và anh chính là người thợ làm công trong cửa tiệm chụp hình đó!
Lần đầu tiên gặp chị, anh hơi ngỡ ngàng nhưng cũng cười cười làm quen: “Bộ hôm nay không có hàng thêu hay sao mà quá bộ ra ngoài ngả tư này chụp hình vậy?” Chị ngạc nhiên, trả lời anh bằng một câu hỏi: “Ủa, anh biết tui hả? Sao tui lại không biết anh cà!” Anh có nụ cười nhẹ nhàng thật dễ thương khi trả lời: “Ai mà không biết chị là thợ thêu nổi tiếng ở trong xóm, ngày nào tui cũng tà tà đạp xe đạp đi ngang, ngắm nghía mấy bức tranh thêu của chị treo trên tường. Hai bàn tay của chị ngó… xấu xí heng, vậy mà mấy bức tranh long lân quy phụng của chị thiệt là đẹp!” Khuôn mặt chị thoáng ửng hồng, chị nói lảng: “Thôi làm ơn chụp giùm cho tui mấy tấm hình đi ông nội”.
Anh hỏi chị có muốn trang điểm không, chị lắc đầu. Anh hỏi chị có muốn thay quần áo của mấy nương tử trong xóm thích giả dạng làm ca sĩ không, chị lắc đầu. “Thôi chụp hình đi ông nội, cái mặt của tui làm sao cứ để yên nó làm vậy đi”. Anh lại cười cười, và bỗng dưng anh muốn chụp cho chị những tấm hình thiệt mộc mạc nhưng cũng thiệt đẹp. Bởi vì con người chị là như vậy, đơn giản đến mức tối đa, không son không phấn, không đồng hồ không nhẫn vàng, cứ như chị là một người phụ nữ được nặn lên từ cát bụi.
Thấy chị cứ nhìn trừng trừng vào ống kính, anh nói chị nhìn lơ đi chỗ khác hoặc là nhìn anh cũng được. Chị đảo mắt một vòng rồi không biết nhìn đâu, nên nhìn thẳng vào mặt anh. Click. Click. Anh bấm liền hai pô ảnh rồi biểu chị ra ngoài chờ đợi. Mấy phút sau anh cầm hai tấm hình ra nói với chị: “Không được rồi, nét mặt chị buồn lắm. Chị bước vô trỏng lại đi, tui chụp thêm vài tấm hổng lấy tiền, mà làm ơn cười lên cho cái mặt tươi tươi một chút nghen”. Lần này chị nhìn anh, chị cười. Nụ cười của chị rạng rỡ và dễ thương quá khiến anh cầm lòng không đặng, chịu khó lọ mọ rửa thêm một tấm hình phóng to lên và đem chưng trước cửa tiệm. Đặng quảng cáo.
Cũng nhờ tấm hình phóng đại mà anh được làm quen với chị. Thỉnh thoảng tiện đường đi làm, anh ghé vào nhà và đứng ngó chị ngồi thêu. Rồi anh mua cho chị một bịch me ngào đường ăn cho vui miệng. Anh mua cho chị một bịch khoai mì trộn dừa ăn lót dạ bữa xế. Anh mua cho chị một đôi dép nhựa đi lẹp xẹp trong nhà. Anh mua cho chị những cái ống cuốn màu hồng phấn để chị quấn tóc. Và thậm chí anh mua cho chị một hộp kim thêu với những bím chỉ màu óng ả tuyệt đẹp. Anh nói đi đâu thấy cái gì hay hay cũng muốn mua về cho chị. Chị mỉm cười cảm ơn. Và trái tim trong lồng ngực anh muốn ngừng đập vì nụ cười dễ thương của chị.
Những ngày cửa tiệm chụp hình được đóng cửa, anh bạo gan rủ chị đi công viên hoặc sở thú để chụp hình với cảnh thiên nhiên. Chị gật đầu cái rụp liền. Ngồi dưới ngọn đèn vàng thêu thùa hoài cũng muốn đui hai con mắt nên chị thích ra đường phố để thay đổi không khí. Anh chở chị bằng chiếc xe đạp 650 sơn màu sặc sỡ của anh, thỉnh thoảng trên đường gặp nhằm ổ gà ổ vịt, hai bánh xe chạy tưng tưng khiến chị phải bám chặt vào vạt áo của anh vì sợ té xuống đất. Những lúc như vậy anh khoái chí lắm, cứ ngoảnh đầu ra phía sau tìm ánh mắt của chị mà cười cười hoài.
Anh không nói “yêu” chị và chị cũng không thổ lộ chữ yêu anh vì họ nghĩ đó là điều mặc nhiên. Vả lại hàng xóm cũng chẳng xa lạ gì với người đàn ông có khuôn mặt hiền lành và giọng nói Sài Gòn ngọt xớt, vẫn thường ghé vào nhà đưa cho chị khi thì ổ bánh mì thịt hoặc hộp cơm tấm bì, khi thì gói xôi mặn hoặc ly trà sữa trân châu. Hàng xóm họ mừng cho chị gặp được người đàn ông biết chăm sóc. Ở tiệm chụp hình họ mừng cho anh kiếm được một phụ nữ giỏi giang.
Chuyện tình cảm giữa chị thợ thêu và anh thợ chụp hình tưởng đâu gạo sắp thành cơm thì đùng một cái, anh nhận được thư mời lên Lãnh Sự Quán Hoa Kỳ phỏng vấn. Thì ra anh đã được thân nhân làm hồ sơ bảo lãnh từ cả chục năm trước mà anh không nhớ, cũng không nghĩ rằng anh sẽ được đi. Có ngờ đâu bắt đầu từ đó mọi chuyện xảy ra nhanh như một mũi tên bắn, nào là chích ngừa, nào là khám sức khỏe, nào là đi phỏng vấn, nào là nhận VISA, khiến anh chao đảo, lao đao như một cái chong chóng được treo trước cơn gió mạnh. Ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ còn một ngày nữa thôi là anh leo lên máy bay để đến một chân trời lạ, nơi những người thân của anh đang chờ đợi sau mười mấy năm không gặp mặt.
Anh đến gặp chị một lần cuối cùng trước khi ra đi. Chị ngồi im lặng sau khung thêu, không nói gì với anh, nhưng hai bàn tay run run khiến những lớp vải mềm như lụa cũng run run theo. Anh đến gần bên chị và ôm nhẹ bờ vai chị, giọng nói của anh thật nhẹ như cơn gió thoảng: “Cho anh ba năm, ráng chờ anh ba năm rồi anh sẽ về lại Sài Gòn đón em sang với anh. Mình sẽ sống chung với nhau, mình sẽ có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Anh sẽ chăm sóc em, lúc nào anh cũng muốn chăm sóc và thương yêu em”. Lúc này chị mới ngước mặt lên nhìn anh, buông một tiếng “dạ”. Dạ là hứa. Dạ là hẹn. Dạ là thề. Dạ là nguyền. Dạ nghĩa là chị sẽ chờ đợi anh trong ba năm như lời anh dặn dò đinh ninh.
Sau khi qua Hoa Kỳ mới được hai tháng, anh đã có đầy đủ Thẻ Xanh, thẻ An sinh Xã hội, bằng lái xe, một chiếc xe hơi Toyota đời mới màu trắng sữa, và có cả một công ăn việc làm tại một hãng may van tim ở tận thành phố Irvine. Từ đó cuộc đời của anh bắt đầu thay đổi. Anh không còn cọc cà cọc cạch trên chiếc xe đạp 650 của ngày xưa, của một thời anh thích chở chị đi dạo quanh Sở thú chụp hình, của một thời anh thích lội bộ xục xạo trong chợ Bà Chiểu để tìm mua cho chị một đôi dép nhựa.
Hãng may van tim của anh có tới vài trăm công nhân là phụ nữ, mà chỉ có năm người đàn ông! Và trong số năm người đàn ông đó, chỉ một mình anh là vẫn còn sống độc thân nên anh là tâm điểm, là tầm ngắm của - ít nhất là - vài chục cô nàng tuổi xồn xồn nhưng vẫn phòng không chiếc bóng! Biết mình đang trở thành một nhân vật quan trọng, anh bắt đầu quan tâm đến quần áo và giày dép. Sau khi qua Hoa Kỳ mới được bốn tháng, đã có người tuyên bố rằng, nếu anh bằng lòng thì người đó sẵn sàng bỏ chồng để đi theo anh!
Cuộc sống của anh giờ đây cũng đang quay cuồng và chao đảo, nhưng mà là quay cuồng và chao đảo giữa đám đàn bà đang chực đợi một cái ngoắc tay của anh là… nhảy lên giường với anh!
Trong số đó có Hường!
20 năm trước Hường có mặt trên một chiếc tàu gỗ vượt biên sang Hoa Kỳ, và cho đến giờ này thì cơ ngơi của Hường quá vững chắc sau khi chồng chết vì bệnh ung thư. Hường làm chung một team với anh và trong thâm tâm Hường quyết tâm phải chinh phục anh cho bằng được. Đến giờ ăn chiều, Hường tự nhiên kéo ghế ngồi chung bàn với anh, chia sớt thức ăn mà Hường mang theo cho anh. Toàn là thức ăn ngon lành do chính tay Hường nấu. Hôm thì cà ri gà, hôm thì thịt đùi kho măng, hôm thì cá kho tộ. Lần nào Hường cũng làm ra vẻ bẽn lẽn, rồi nói nhỏ bên tai anh: “Em tự nấu lấy, anh đừng có chê dở nghen!” Mỗi ngày anh nếm một món ăn của Hường mang tới, và anh cảm thấy cái tài nấu ăn của Hường thật là tuyệt cú mèo, không ai có thể sánh bằng!
Không chỉ phục vụ từng bữa ăn chiều cho anh, mà Hường còn tận tình đón anh đi làm và đưa anh về nhà. Biết tay lái của anh chưa vững, không rành đường Free-way, Hường đề nghị mỗi ngày sẽ làm tài xế cho anh. Vì không thể phản đối nên anh vui vẻ gật đầu. Kể từ ngày đó hàng trăm phụ nữ trong hãng may van tim của thành phố Irvine ôm mối sầu thất vọng kéo dài đến thiên thu. Họ biết anh đã là hoa đã có chủ. Họ biết anh đã trở thành kẻ nô lệ của Hường. Họ biết đêm nào Hường cũng ở lại phòng trọ của anh đến một, hai giờ sáng. Họ cũng biết Hường hứa hẹn sau khi cưới, Hường sẽ cho anh dọn về ở chung với Hường và anh không phải tốn tiền thuê phòng trọ nữa.
Chỉ mới sáu tháng sau khi rời khỏi Việt Nam, anh gọi điện thoại về cho chị và thông báo bằng một giọng nói lạnh lùng vô cảm: “Anh sắp cưới vợ, em đừng chờ đợi anh nữa. Em kiếm người yêu mới đi vì anh sẽ không bao giờ trở về Sài Gòn nữa đâu!”
Chị ngồi chết lặng. Hai bàn tay run bần bật không cầm nổi chiếc điện thoại bàn. Chị ngồi yên lắng tai nghe âm thanh uuuuuuuuuuu từng tràng không dứt sau khi anh cúp máy. Chị không hiểu chuyện gì đã xảy ra - với anh - và với chị. Chị không biết cần phải làm gì sau câu thông báo “anh sắp cưới vợ” của anh. Chị ngước mặt nhìn lên trần nhà. Ánh mắt chị ráo hoảnh không một giọt lệ. Chị không buồn anh. Chị không giận anh. Nhưng chị đau vì thương thân. Thương cái thân này từ nay đã mất anh và mãi mãi. Thương cái thân này chưa từng nghĩ đến chuyện phụ tình anh, nhưng lại bị anh phụ tình chỉ sau sáu tháng xa cách. Thương cái thân này sinh ra làm kiếp cô đơn và khi chết đi cũng vẫn là kiếp đơn cô.
Chị cúi xuống lượm đôi dép nhựa lên, cầm trên tay và ngắm nghía. Đôi dép của anh đã mua cho chị vẫn còn đây. Hộp kim thêu anh đã mua cho chị vẫn còn đây. Những ống cuốn màu hồng phấn anh đã mua cho chị vẫn còn đây. Nhưng anh thì không còn nữa trong trái tim chị. Anh chỉ còn là một “người của ngày xưa” mà thôi. Vừa lúc đó một vật gì đó trong bụng chị thúc mạnh giúp chị choàng tỉnh, quay trở về với hiện thực. Chị áp bàn tay lên cái bụng tròn vo lum lúp, xoa xoa nhè nhẹ. Bên tai chị bất chợt vang lên giọng hát ru con buồn rầu của Má chị: “Ầu ơi… Ví dầu tình bậu muốn buông, bậu theo duyên mới ơ à… Bậu theo duyên mới, bậu ruồng rẫy tui”.
(Westminster, CA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét