Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

truyện đáng đọc: BỒNG -BÔNG / Từ Vũ [ i.e. Dương Từ Vũ 19xx- / Troyes ] -- trích: Việt Văn Mới .

 Việt Văn Mới

         


BỒNG-BÔNG




            * chuyện thực của một thoáng thời gian trong hơn 40 năm gia đình tôi sống trên đất Pháp.

               Từ Vũ


  M ùa Xuân thứ Nhất năm đó :


Từ công ty sản xuất những sản phẩm chịu lửa cao độ (réfractaires) tại Saint-Aulay-Perigeux chồng tôi được đổi về nhà máy sản xuất các bồn rửa tay rửa mặt bằng gốm sứ tại Vendoeurve-sur-Barse, một thị trấn nhỏ ở vùng quê cách thành phố Troyes hơn 40 cây số. Gia đình chúng tôi, cũng như hai gia đình cán bộ khác của nhà máy, thuê một căn nhà trong khu chung cư vừa được thị trấn xây cất.

Hàng ngày, khi các anh chị lớn đi học thì YVan, con trai út tôi, chưa đầy 2 tuổi, ở nhà quanh quẩn với tôi nhưng lúc tôi bận rộn với việc thu dọn nhà cửa, bếp núc ... thằng bé chỉ loay hoay một mình với đám đồ chơi của nó, trong số những đồ chơi đó có một con chó bằng gỗ bốn bánh xe YVan vừa chập choạng kéo vừa bắt chước theo các anh chị lớn tiếng của chó sủa: "gấu gấu".

Ba tháng sau, tình cờ vào một buổi sáng, bà phát thơ của bưu điện Vendoeuvre, lúc giao cho tôi một lá thơ bảo đảm, nghe trong nhà có tiếng trẻ con "gấu gấu" bà nhìn vào rồi vừa cười vừa nói với tôi:

- Chó nhà tôi vừa đẻ được 3 con chó nhỏ, rất dễ thương, mẹ nó là loài chó berger–catalan (*), tôi muốn đem lại cho thằng bé của bà một con để nó có bạn chơi ... khỏi cần chơi với con chó gỗ ...

- Vâng, cảm ơn bà, nhưng tôi cần phải hỏi ông chồng tôi trước đã. Tôi vừa nói vừa cười .

- Ngày mai bà cho tôi biết. Bà phát thư cũng cười rồi nói thêm: giống chó này ở vùng mình hiếm lắm, dưới Pyrenée loài chó này chỉ biết đi giữ cừu với mấy ông chăn cừu thôi. Dứt lời bà nhẩy lên xe đạp tiếp tục đi một vòng làm nhiệm vụ thường nhật.

Tối đó, khi mọi người cùng quân quần trong bữa ăn tối, tôi lên tiếng vừa nói với chồng nhưng cũng như vừa nói với các con:

- Sáng nay, bà phát thư nói là con chó của nhà bà vừa mới đẻ được 3 con, bà ấy muốn tặng 1 con cho thằng YVan, em bảo là em hỏi ý kiến anh ngày mai mới trả lời bà ấy, anh nghĩ thế nào cho em biết ?.

Chồng tôi chưa kịp trả lời thì các anh chị YVan đã nhao nhao :

- Nhận đi mẹ ơi, nhận nó đi mẹ ơi ...

Tú, con gái lớn nhất trong nhà nói thêm:

- Nó vừa chơi với YVan lại vừa giữ nhà cho mình đó mẹ ...

- Ờ, chị Tú nói đúng, YVan có một con chó nhỏ để chơi ... mà nó màu gì hở mẹ ?... cu Mỹ, anh trai lớn hơn YVan 10 tuổi hỏi tiếp.

- Phải chờ ba các con quyết định, mẹ cũng không biết nó màu gì nữa , chỉ biết theo lời bà phát thư, mẹ nó là giống chó phụ giúp những người đi chăn cừu ở dưới vùng Pyrenée ...

- Lấy đi, lấy đi, loại chó này qúy lắm mẹ ơi !. A.Cơ, con gái thứ hai, làm như biết sành sỏi về chó, chen vào.

- Đúng đây mẹ !. Tú nhấn mạnh.

- Phải chờ ba các con quyết định... Tôi chận lại vì nếu tiếp tục thì nhà sẽ là một cái chợ trời với đám con này, cũng may là YVan còn nhỏ vừa nhai cơm vừa nhìn ba mẹ và các chị, anh bàn chuyện.

Nghe tôi nói , cả nhà cùng ngưng ăn dõi 12 con mắt nhìn chồng tôi chờ đợi.

- Chó với má, nuôi một đám "chó" này bà chưa "sợ" hay sao mà lại còn muốn lôi về thêm một con chó nữa !. Bà phải biết ở bên xứ Tây này nuôi chó phải đưa nó đi tiêm chủng, khám bệnh, giấy tờ ... chứ không phải cứ nuôi là nuôi !. Nó mà cắn người ta là mình mệt lắm đó bà ơi. Chồng tôi trả lời bằng một giọng không được "nhiệt tình" lắm.

Tôi chưa kịp lên tiếng thì A.Cơ đã trả lời ba :

- Lấy nó về để nó chơi với YVan ba ơi. Con tin rằng nó sẽ là bạn thân của YVan đó ba... phải không chị Tú ?.

- Cơ nói đúng đó ba, bọn con đã lớn, ban ngày tất cả đều đi học, YVan lủi thủi một mình... Thì mình sẽ đưa nó đi tiêm chủng làm giấy tờ ... không tốn kém rắc rối gì đâu ba ơi. Mấy đứa bạn con, nhà đứa nào cũng nuôi chó... Nó vừa là bạn của YVan lại vừa giữ nhà cho mình nữa ba.

- Con cũng đồng ý với chị Cơ, lời Mỹ Tâm, con gái thứ 4.

- Con cũng vậy, ba yên tâm bọn con sẽ lo cho nó. La, con gái thứ 5 náo nức hỗ trợ chị .

Đến đây thì tôi quyết định vì đồng ý với tất cả các con, nên nhấn mạnh với chồng:

- Em đồng ý với tất cả các con !.

Gục gặc đầu suy nghĩ, một lát sau ông cười, nhìn tôi lên tiếng:

- Thôi thì anh phải chiều theo ý mọi người ... vì ... nhà mình theo chế độ "dân chủ", đa số thắng thiểu số .

Mọi người đều reo lên: hoan hô ba ba, ba là số một !.

Tôi cũng đã đoán trước được câu trả lời ưng thuận của chồng tôi, giản dị, vì ông sẽ chấp nhận tất cả những gì có thể làm được cho "cậu" con trai út của ông.

Sáng hôm sau, khi gặp bà phát thư tôi trả lời bà rằng tôi nhận món quà bà muốn cho. Nhưng bà phát thơ nói:

- Một tháng nữa tôi mới đem nó lại giao cho bà. Bây giờ nó còn qúa nhỏ phải đúng một tháng, sau khi dứt sữa, tôi mới mang nó tới được.

Mỗi khi đi học về các con tôi lại chỉ một câu hỏi với tôi:

- Bà phát thư đã đem con chó lại cho YVan chưa hở mẹ ?.

Và tất nhiên tôi trả lời chỉ cũng bằng một câu:

- Chưa, chưa được một tháng mà !.

Rồi ... , buổi sáng ngày thứ 31 bà phát thư đến.

Trong cái lồng để những chồng bưu kiện trước chiếc gui-đông xe đạp của bà, một chú chó đen nhỏ xíu tròn trịa, nằm dương đôi mắt tròn xoe lúc lắc đầu nhìn hết bên này lại nhìn qua mé khác...

- Bữa nay tôi đem nó lại giao cho bà.

Bà phát thư cười nói với tôi sau đó bà dựng xe, cúi bồng con chó- mày về với chủ mới của mày nghe. Vừa nói bà vừa vuốt đầu chú chó nhỏ rồi trao cho tôi và nói thêm: nó là chó đực.

Tôi đưa hai tay ra bế con chó, cảm ơn bà.

Khi bà phát thư đã lên xe tôi bồng chú chó đen vào nhà đưa hai tay đang bế con chó đen nhỏ lên cao ngắm nghía. Con chó là một cục bông gòn tròn trịa, vô cùng dễ thương, đôi mắt mở lớn to như hai hạt nhãn nhìn tôi, đuôi quãy quãy. Tôi nói với nó :

- Từ hôm nay mày về ở với gia đình tao, mày là bạn của YVan, mày phải ngoan ngoãn nghe "con" !.

Không biết chú chó nhỏ có hiểu được tôi nói gì hay không chỉ thấy là nó vẫn liên tục quãy quãy chiếc đuôi.

Lúc này thằng con trai út của tôi đang lúi húi ngồi chơi với đám logo trong phòng khách. Nó ngước đầu lên nhìn tôi, nhìn thấy con chó đang nhúc nhích trên tay tôi thế là nó liệng mấy cái logo trên tay đứng lên, chập choạng tiến về phía tôi và con chó. Tôi vội bước nhanh lại chìa con chó giới thiệu với con:

- Đây là, đây là con chó, đồ chơi mới của con, YVan ạ !.

- Đ...ồ ...chơi ... con tôi bập bẹ nhắc.

- Ừ – tôi cúi xuống đưa hẳn hai tay đang bế con chó về phía con tôi: con ôm nó đi, nó là con chó thật, nó sủa "gấu gấu" thật không như con chó bằng gỗ con hay kéo mà con phải sủa "gấu gấu" .

YVan đưa hai bàn tay bé bỏng của nó lên đỡ con chó trong lúc tôi vẫn còn nâng giữ , tuy rằng sức nặng của "chú bạn mới" không được bao nhiêu nhưng hai cánh tay con tôi chĩu hẳn xuống. Tôi nói với con :

- Thôi, con ngồi xuống, mẹ đưa nó cho con.

Chờ con tôi ngồi xếp bằng hẳn trên nền thảm phòng khách, tôi đặt chú chó đen vào giữa vòng chân con.

Chú chó bụ bẫm loay hoay trong vòng chân của cậu "bạn mới", nó hít ngửi, lúc lắc người trong khi YVan vuốt ve, ôm kéo nó. Ban đầu thì con chó chưa chiều theo ý thằng bé nhưng một lát sau như đã quen hơi quen mùi nó ngoan ngoãn chịu cho YVan ôm ẵm.

Tôi nói với con :

- Từ nay nó là bạn con !.

Chiều hôm đó, khi các con tôi từ trường về, nhà tôi ồn ào như một cái chợ. Tất cả, năm người, hết các chị lớn tới anh chị nhỏ, xúm lại tranh dành vuốt ve, bồng bế, bàn tán về "chú bạn mới" của YVan.

Được một lát, bất chợt, A.Cơ hỏi tôi:

- Tên nó là gì hở mẹ ?.

Tôi chưng hửng, chưa biết trả lời ra sao .

- Đặt tên nó là thằng Đen !. Mỹ , con trai thứ 3, anh lớn của YVan đề nghị.

- Không, Đen !. Không đẹp, cái tên không đẹp như nó. Nó như thế này mà lại tên là Đen !. Mỹ Tâm vừa vuốt ve con chó vừa trả lời Mỹ.

- Hay là mình đặt nó là Bon Bon (Bông Bông). Mỹ Tú đề nghị , rồi nói tiếp : Bon Bon là cục kẹo, Bon Bon là tốt .

- Ờ, được đó chị Tú ơi !. La, con gái thứ 5, chị út reo lên – tên đó hay mà lạ lại có ý nghĩa nữa, em nghĩ không có con chó nào có cái tên là Bon-Bon cả.

Tất cả đều tán thành và tôi cũng đồng ý vì cái tên đúng là hay như con gái La nói:

- Từ nay trở đi, tên nó là Bon-Bon.

Khi đi làm về nhìn thấy YVan loay hoay với Bon-Bon chồng tôi rất vui, cười nói với con trai út :

- Bây giờ con có bạn để chơi rồi, con không cần phải kéo con chó bằng gỗ nữa, khỏi mất công "gấu gấu" con ạ. Muốn gọi bạn con là Bồng Bông hay là Bông-Bông cũng được.

Kể từ đó cả nhà gọi con chó đen nhỏ bằng tiếng Việt là "thằng" Bồng-Bông.

Vendoeuvre không có trường trung học cấp hai. Để thuận tiện cho việc học hành của các con nên vợ chồng tôi quyết định dọn nhà về thành phố Troyes. Lần này, tôi sẽ mua nhà, định cư hẳn lại, chớ không muốn còn "a,b,c không có nhà đi ở thuê" hoặc cứ phải đem bầy con tháp tùng chồng tôi đi hết tỉnh này qua tỉnh khác như mấy lần thuyên chuyển trước đây của ông nữa.

Ngày nào cũng thế, khi chồng tôi đã vào nhà máy, ở nhà tôi đọc báo tìm các rao vạt có nhà bán. Một buổi sáng may mắn rơi đúng vào một quảng cáo : Bán một căn nhà cần tu chữa lại , gồm 4 phòng tại số 2200 đường Lacoste – giá bán 250.000 quan – liên lạc với ông Michel Viellard , điện thoại số 36789101112.

Khi chồng tôi về ăn trưa tôi nói lại với ông, sau đó liên lạc với người bán để hẹn tới xem nhà vào hai giờ chiều thứ bảy cuối tuần.

Chồng tôi đậu xe bên mé trái trước căn nhà số 2200. Chúng tôi rời xe xuống ngắm căn nhà bên kia đường. Căn nhà hệt như một cái hộp vì không có nóc. Mé bên phải nhà là một ngôi nhà đồ sộ kiểu cũ – "cổ điển" - 2,3 tầng thật đường bệ. Một chiếc cổng đang đóng kín có hai cánh bằng sắt lớn hệt như cổng ra vào của các xe vận tải nằm giữa hai nhà. Ngắm nghía căn nhà không nóc chồng tôi lắc lắc đầu.

Một chiếc xe hơi chợt chạy tới, ngừng lại, đậu ngay phía sau xe chúng tôi, người lái xe bước xuống. Một ông Tây đứng tuổi, mặt mũi phúc hậu trong bộ trang phục rất lịch sự tiến về phía chúng tôi lên tiếng hỏi:

- Ông bà đến xem nhà phải không ?.

- Vâng, thưa ông. Thay chồng, tôi đáp lại.

- Nếu vậy thì để tôi tìm chìa khoá... Hy vọng rằng tôi mang theo trong xe ... vì thú thực với ông bà tôi không chắc chắn ông bà tới theo như lời hẹn qua điện thoại ... vì lẽ cũng có mấy lần tôi bị ... cho leo cây, nói tới đây thì ông Tây cười, nụ cười hoà nhã nhu mì.

Sau khi về xe ông Tây quay lại trên tay một chùm chìa khoá có vẻ nặng. Cả ba chúng tôi cùng bước qua đường.

Khi chúng tôi vừa định dừng bước cạnh cửa sổ của căn nhà không nóc vì không trông thấy lối vào thì ông Tây quay lại nói:

- Nhà này cửa không mở ra đường, muốn vào chúng ta phải đi nhờ bằng cổng căn nhà này... Vừa nói ông Tây vừa chỉ căn nhà "cổ điển" nằm mé phải cổng có hai cánh bằng sắt lớn.

Cả ba chúng tôi đứng lại trước chiếc cổng sắt nhỏ của ngôi nhà "cổ điển". Trong lúc đợi ông Tây tìm được chìa khoá, trong một chùm chừng hơn 15 cái lớn nhỏ, để mở, chồng tôi ngẩng cao đầu nhìn lên ngôi nhà rồi gật gật đầu nói nhỏ với tôi: Đây mới gọi là nhà em ạ !.

Theo ông Tây, vợ chồng tôi bước vào sân ngôi nhà "cổ điển" rồi băng qua con đường của chiếc cổng sắt lớn đang đóng để đi qua căn nhà không nóc.

Thất vọng hiện ra rõ rệt trên khuôn mặt chồng tôi khi xem nhà này: tuy có hai tầng đúc nhưng diện tích so với căn nhà chúng tôi đang ở tại Vendoeuvre thì chỉ bằng một phần tư, qúa nhỏ hẹp. Chuyện ngủ nghê cũng không thể giải quyết được nhất là với đám con tính nết "con nhà lính nhưng tính nhà quan". Ngay cả dù có "ép" được 2 đứa vào 1 phòng cũng không có đủ phòng.

Sau khi làm một vòng quan sát khá nhanh vợ chồng tôi đi ra khỏi căn nhà không nóc. Trong lúc chờ đợi ông Tây khóa cửa, chồng tôi lại ngước cao đầu nhìn ngôi nhà bên phải.

Khi quay về sân ngôi nhà "cổ điển", đột nhiên như được người xui khiến, tôi lên tiếng hỏi ông Tây:

- Thưa ông, căn nhà này ông có bán hay không ?.

- Bộ bà muốn mua hay sao ?. Ông Tây ngạc nhiên hỏi tôi.

- Ông có thể cho chúng tôi vào xem được hay không?. Tôi không trả lời mà chỉ hỏi ông.

- Được chứ !. Tôi cũng bán nếu ông bà muốn mua.

Bây giờ thì chồng tôi bước hẳn vào sân trước mặt tiền của ngôi nhà, vì nhà cất dựa lưng lại phía đường phố xe chạy. Chồng tôi ngắm nghía rồi tiến nhanh lại nói với tôi :

- Đẹp lắm, chắc chắn lắm em ạ, nhà như nhà ở Đà-Lạt mình !.

- Thì nhà ở Đà-Lạt là do Tây xây cất lúc đó mà anh!.

Lục đục thử tới thử lui một hồi sau thì ông Tây mới tìm ra được chìa khoá mở cửa chính, một cánh cửa gỗ sồi nặng trĩu.

Chúng tôi cùng tiến vào bằng một hành lang dài nền lót đá mài, tường dán giấy nhung đỏ tuy đã bạc màu nhưng còn rất sang, trần nhà cao khoảng 3 thước với những - moulures - khuôn trang trí. Tiến theo hành lang, trước mặt chúng tôi là 5 chiếc cửa phòng khép kín, mé góc khuất cuối hành lang dường như có thêm lối đi nữa.

Ông Tây mở chiếc cửa đầu tiên : Phòng khách. Góc trái là một lò sưởi, góc phải còn nằm trên tường một tấm gương thật lớn sáng rỡ. Một dãy cửa sổ cao nhìn ra đường đi bên hông nhà và một cửa sổ nằm về mé lộ xe. Trần và tường trang trí bằng các moulures.

Ông Tây lại mở cửa phòng kế bên. Đấy là phòng ăn. Ông quay lại nói với vợ chồng tôi:

- Tôi tìm cửa để đi lên lầu.

- Bộ ông không biết hay sao ?

- Không. Đây là lần đầu tiên tôi vào nhà này.

- Thật vậy sao ?. Tôi hỏi.

- Vâng, tên tôi là Veillard , tôi là một "marchand de bien". Ông Tây tự giới thiệu tên tuổi nghề nghiệp mình.

Tôi gật đầu, à thế ra !.

Vì sợ tôi không hiểu nên ông Veillard giải thích thêm :

- Tôi chuyên mua những lô nhà đất cũ rồi sau đó phân "lot" (phần) bán lại. Ngày trước, tại đây là một công ty buôn bán than đá. Căn nhà nhỏ bên kia làm văn phòng, còn nhà này là nhà gia đình chủ công ty cư ngụ. Ngoại trừ hai căn nhà, phần đất lớn ở phiá trong lúc trước là kho chứa than đá tôi đã bán cho một người bạn, người này đang xúc tiến kế hoạch xây cất một khu 6 căn nhà mới.

Tôi yên lặng nghe ông nói rồi bước tới cánh cửa thứ ba nằm mé trái, cánh cửa như đang đợi tôi. Không suy nghĩ, tôi tiến nhanh tới vặn núm đẩy : Đấy chính là cửa bước vào một cầu thang bằng gỗ sồi đen thẫm dẫn lên các tầng lầu.

Ông Veillard ngạc nhiên nhìn tôi hỏi :

- Bộ bà đã vào nhà này rồi hay sao mà bà biết đường lên lầu ?.

Tôi không biết trả lời ông Veillard như thế nào nên cứ thản nhiên tiếp tục bước lên các bậc thang.

Tầng lầu thứ hai có tất cả 4 phòng lớn cao rộng, một nhà vệ sinh và một nhà tắm khang trang. Tất cả đều có cửa sổ. Hai phòng chính mở ra là một balcon lớn chạy dài ngó xuống vườn nhà và những nhà lối xóm.

Tầng thứ ba: một phòng lớn với một cửa sổ có tầm nhìn bao quát trên những nóc nhà chung quanh và toàn khu vực. Chưa kể đến chuyện nếu muốn còn có thể tạo thêm ít nhất là hai phòng nữa.

Hết quan sát ở trên, chúng tôi đưa nhau xuống xem hầm nhà: căn hầm lớn chia làm hai, một bên nằm trong một góc có chiếc bình bằng sắt thật lớn chứa khoảng 5000 lít dầu cho máy sưởi, phần bên kia là nơi dành chứa rượu ... với chiếc cầu thang dẫn lên hành lang trên nhà.

- Quả thật đây mới đúng là một ngôi nhà, tôi lẩm bẩm. Nhà này cấu trúc rất hợp lý, không một vết ẩm mốc khỏi cần phải sửa chữa mà chỉ cần thay giấy mới trên tường , lau chùi sơn phết trần nhà, sơn lại tường bên ngoài cho đẹp. Nếu mua được nhà này thì, thì ... Tôi tưởng tượng!.

Sau khi đã quan sát tất cả, cả ba chúng tôi cùng bước ra sân đứng ngắm nghiá ngôi nhà. Tôi nói với ông Veillard rằng tôi ao ước mua được căn nhà này rồi hỏi ông về giá cả.

- Đối với ông bà, tôi không khách sáo bán buôn gì, tôi chỉ lấy 500.000 quan thôi!.

- Cảm ơn ông, thú thực với ông đây là lần đầu tiên chúng tôi mua nhà, tuy nhiên ... chúng tôi không thể có đủ 500.000 quan được. Ông có thể giúp đỡ chúng tôi trong các thủ tục vay mượn tiền nong được không?. Không đắn đo rụt rè suy nghĩ, tôi nói sự thật với ông Veillard.

- Được, ông bà cứ đến gặp tôi tại nhà tôi. Ông Veillard nhanh nhẹn trả lời.

Số tiền 500.000 quan Pháp, một nửa triệu, quả thực quá lớn đối với chúng tôi nhưng sau đó nhờ vào sự quen biết rộng rãi của ông nên việc chúng tôi đi vay mượn tiền nong ở ngân hàng cũng suôn sẻ, dễ dàng .

Mùa Hạ năm đó:

Tháng 7, sau ngày ăn sinh nhật lần thứ ba của YVan, gia đình tôi dọn nhà về ngôi nhà mới . Tại đây chỉ duy nhất chồng tôi là người phải thức dạy sớm lái xe tới nhà máy cách hơn 40 cây số còn tất cả các cô con gái và cậu con trai lớn đều theo học tại các trường trung học Pithou hay Marie de Champagne, gần nhà, đi bộ khoảng 10 phút.

Con trai út tôi đã đi đứng chạy nhẩy vững vàng. Phần Bồng-Bông, "chàng ta" lớn hẳn ra, tuy nhiên không lớn con như các loại berger khác. Bồng-Bông đen tuyền từ đầu cho tới móng chân ... chỉ trừ hai vành tai màu sám trắng, lông dài mịm phủ khuất đôi mắt. Ban ngày YVan và Bồng-Bông cùng chạy chơi trong các phòng trệt dưới nhà hoặc ra sân dưới bóng cây anh đào, chơi thẩy banh, đá banh mà Bồng-Bông là "thủ môn" phải đi lượm hoặc bắt banh cho YVan. Bồng-Bông chơi không biết mệt, chỉ thỉnh thoảng chạy thật nhanh vào nhà tìm chậu nước đã đặt sẵn uống một hơi rồi lại chạy ra tiếp tục. Gần đến giờ các anh chị tan trường sắp về Bồng-Bông ra gác mỏ lên cánh cửa sắt chờ chực sau đó chạy trước dẫn đường cho các anh chị vào nhà. Trưa trưa chiều chiều dưới nắng đẹp YVan nhông nhông chạy trước, Bồng-Bông lót tót chạy sau, tôi bưng đĩa cơm đuổi theo để múc cho con trai ăn.

Ăn uống thì hễ YVan ăn món gì là Bồng-Bông ăn thức đó, không chê bai, chẳng kén chọn. Vệ sinh Bồng-Bông tự động ra sân nơi góc tường cuối vườn dưới gốc hoa hồng để giải quyết. Nói chung , từ ngày Bồng-Bông về, tôi cũng không có thêm nhiều việc để phải làm ngoại trừ chuyện đưa "cậu ta" đi gặp ông Boulanger, bác sĩ thú y tiêm chủng ... Tắm gội, đã có Mỹ Tâm và La, hai cô con gái áp út lo liệu, đều đặn cứ mỗi tháng 4 lần. Buổi tối, ở đây Bồng-Bông phải ngủ một mình dưới tầng chệt trong khi YVan, bạn "cậu ta" ở tầng trên chỉ tại Bồng-Bông không thích ở trên lầu. Chúng tôi không một ai có thể hiểu được lý do, dầu rằng đã mấy lần YVan thử ôm "anh bạn bốn chân" lên lầu ngủ chung như lúc ở Vendoeuvre nhưng chỉ được một chốc một lát thì Bồng-Bồng cũng đi ra khỏi cửa phòng đứng trước thềm cầu thang nhìn xuống rồi quay trở lại sột xoạt loay hoay.

Điểm đặc biệt nữa là Bồng-Bông ít khi "gấu gấu" mà thường chỉ "gừ gừ" trong chốc lát khi không hài lòng về một điều nào đó.

Chính vì ít "gấu gấu" nên những người thường xuyên đi bộ ngang nhà tôi phải "tự động" né qua hè đường bên kia để khỏi bị Bồng-Bông chơi trò "du kích": "Cậu ta" im lìm nằm dưới chân bụi cây bông rậm rạp trồng trong sân sát hàng rào hoặc nằm dài dưới véranda trước cửa chính, nơi "cậu ta" thích nằm nhất. Khi nghe có ai đi qua mà vô tình đứng lại trước cổng nhà trao đổi chuyện trò là "cậu ta" nhẩy chồm ra "gừ gừ" làm người bên ngoài giật nẩy mình né tránh rồi buông tiếng "merde, merde" – đồ chết tiệt.

Bồng-Bông không "hiếu khách" cho lắm và "cậu ta" tự động biết những người ngoài gia đình, giao tiếp một đôi lần hay những bằng hữu thân thiện. Đối với cả hai thành phần, Bồng-Bông ít khi phe phẩy đuôi của "cậu ta" mà chỉ đứng xa xa đưa đôi mắt tròn xoe cực sáng, che khuất trong đám lông sù đen, để nhìn. Bồng-Bông chỉ chịu cho 8 người trong nhà xoa đầu, vuốt ve, lôi kéo ... mà thôi.

Câu mà chúng tôi luôn phải nhắc bạn bè lần đầu tới nhà ngay khi vị này vừa bước qua cổng:

- Lần sau đến nhà xin đừng bao giờ vịn vào hàng rào mà chỉ nhấn chuông thôi cũng xin chớ có rờ tới nó !.

Tuy vậy, đã đôi lần, một hai ông khách Tây thân quen, người Tây thường thích ve vuốt nậng nịu chó, hoặc quên lời căn dặn hoặc nghĩ rằng vuốt ve thì chó sẽ thích, nên đã bước tới định vuốt ve nhưng họ đã phải vội vàng rụt tay lại để tránh bị Bồng-Bông "sực".

Nhắc tới Bồng-Bông là tôi nhớ ông Paul, một vị cảnh sát Tây đã về hưu ở bên một chung cư gần nhà, người thường hay nói với tôi rằng lẽ ra ông đã có vợ Việt vì khi còn trẻ ông đồn trú ở Hải Phòng trong thời kỳ Pháp có mặt tại Việt Nam. Cho tới nay Việt Nam vẫn luôn có trong từng bữa ăn hàng ngày của ông.

- Đừng kể tới chuyện chấm, mỗi sáng tao uống một ly 25 centilitres nước mắm. Khi nào nhà mày thiếu nước mắm cứ sang bên tao tao đưa cho. Tao mua mỗi lần là 10 thùng, 100 lít.

Ông Paul thân với Bồng-Bông. Cứ mỗi dịp sang nhà chơi ông luôn đem hoặc mấy miếng jambon, hoặc vài món ăn tây đưa cho Bồng-Bông ăn. Ông để thức ăn trong lòng bàn tay, Bồng-Bông bước tới cắn ăn nhưng ông thò tay định vuốt đầu nó thì Bồng-Bông "gừ gừ" thụt lùi, vượt khỏi tầm tay ông. Nếu ông cố ý còn muốn vuốt ve nữa thì Bồng-Bông phản ứng thực sự: cắn ngay bàn tay ông. Việc này xảy ra rất nhiều lần : mỗi ngày thả bộ qua cổng nhà, ông hay cầm thức ăn đưa qua kẽ lưới cho Bồng-Bông ăn, sau khi ăn nếu ông Paul vẫn còn đặt tay trên cánh cửa sắt hàng rào là Bồng-Bông "sực" bàn tay của ông, điều này có nghĩa rằng ông cho tôi ăn thì tôi đồng ý tuy nhiên ông đụng chạm tới nhà cửa của tôi là không được. Ông Paul chính lại là người lo liệu cho Bồng-Bông ăn uống những dịp cả gia đình tôi đi chơi xa. Tôi giao tất cả chià khóa nhà cho ông để ông mở cổng, mở cửa vào ... nhưng lần nào cũng vậy, khi trở về, dù ông Paul không nói năng, than vãn gì vì ông luôn luôn trả lời tôi bằng câu : "tout-va-bien" – mọi việc đều ổn định – song chỉ cần nhìn bàn tay với vài vết trầy trụa là tôi biết ông đã lại bị Bồng-Bông "sực".

Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thời gian cứ thế tuồn tuột trôi.

Không đồng ý với người giám đốc mới của nhà máy, chồng tôi đổi xuống Limoges, một thành phố nằm ở phía Nam nước Pháp, cách Troyes chừng 500 cây số. Tôi không muốn bán ngôi nhà Lacoste nên ủy thác việc chăm sóc nhà cửa cho một bà bạn nha sĩ người Tây. Bồng-Bông cũng theo gia đình xuống Limoges. Ở Limoges được gần 1 năm qua hai lần dọn nhưng không thể thích hợp cho mọi người nhất là về phần ăn học của đám con tôi vì các trường nằm qúa xa nhà. Bồng-Bông hết được tung tăng chạy nhảy thoải mái như ở Lacoste mà bị hạn chế trong garage để xe chỉ hơn 10 thước. Tôi đề nghị chồng tôi tìm cách trở về Troyes.

Dù phải chịu bồi thường vài tháng tiền lương, đầu mùa Hạ năm đó chồng tôi cũng từ bỏ trách vụ đang làm ở Limges để ký nhận một nhiệm vụ mới tại công ty sản xuất bồn tắm bằng nhựa ở Troyes. Bồng-Bông cùng mọi người trong gia đình lại "Come Back to Sorrento"(**), trở về Lacoste.

YVan bây giờ đã vào học năm thứ hai tiểu học trong một trường rất gần nhà. Bồng-Bông tìm lại được những thói quen khi trước, tìm lại chỗ nằm dưới vérande, "lãnh thổ" rộng rãi của cả một tầng chệt một cái sân, chờ đợi các anh chị lớn và "anh" YVan cùng đi học về, chơi lại những màn đánh "du kích" hù dọa người tản bộ qua đường, gặp lại ông Paul già với những món qùa của ông, thực hiện những cuộc "phiêu lưu" khi chiếc cổng chính xe ra vào quên đóng: "anh chàng" thản nhiên ra khỏi cổng định "tham dự" trò cút bắt với mấy cô con gái nhỏ trong xóm làm mấy cô bé này thất kinh hồn viá bỏ chạy tán loạn hoặc Bồng-Bông thư thái, chậm rãi đánh một vòng khám phá khu vực mình ở rồi tà tà quay về nằm, rất ngoan ngoãn , che dấu việc sai phạm mình vừa làm.

Tới cơ sở mới chồng tôi không cần phải lái xe hơn 40 cây số để tới sở, ngược lại buổi trưa nếu không bận đi ăn cơm khách, ông còn về nhà ăn cơm trưa.

Tôi không tài nào quên được những dịp ông đi công tác xa như tới Francfort chẳng hạn. Ông thức dạy rất sớm lái xe từ 4 giờ sáng ngay khuya đó lại quay ngược về Troyes, hơn 1000 cây số, nếu không bị ở lại một đôi ngày vì công việc của công ty.

Những khuya đó, hệt như tôi, ở hành lang dưới nhà Bồng-Bông chờ đợi người đi xa về . Lần nào cũng vậy : khoảng 3 giờ khuya là "anh chàng" bỏ chỗ nằm rồi đi tới đi lui, trong lúc tôi vẫn còn trong phòng ngủ trên lầu. Như đã bắt được mùi của người đi xa, Bồng-Bông úng ắng , chỉ khi Bồng-Bông sủa lớn thành tiếng hẳn, đều đặn hẳn kèm tiếng chân nhiệt náo chạy thì tôi biết là xe chồng tôi sắp về đến cổng nhà. Tôi ra khỏi phòng, xuống nhà. Nhìn thấy tôi, Bồng-Bồng ngưng sủa chạy ra đứng trước cửa nhà đợi. Tiếng xe ngừng trước cổng chính. Tôi mở cửa đi ra sân, Bồng-Bông chộn rộn chạy trước. Tôi mở cổng để chồng tôi lái xe vào.

Mùa Đông, Bồng-Bông thích nhất là được lăn cuộn mình dưới lớp tuyết trắng phủ đầy sân nhà, chạy tới chạy lui chồm bắt những cục tuyết vo tròn của anh Mỹ, chị Tâm, chị La ... trong những bộ mũ áo dầy cộm, tửng dỡn ném liệng nhau sau đó tất cả đều ướt nhẹp kéo vào nhà bếp ngồi tụm lại hít hà trước những khúc củi sồi rực lửa trong lò sưởi mà chú Manuel, một chú thợ hồ trẻ đáng mến trong nhà máy của chồng tôi xây lại bằng đá tảng.

Bầy chim cũng lìa tổ..

Năm người con gái con trai lớn của tôi lần lượt rời cha mẹ để tiếp tục việc học ở các trường lớn tại các thành phố Reims, Paris, Lyon ... Quanh quẩn chỉ còn lại 4 người kể cả Bồng-Bông với đám lông dần dần đổi màu .

Hai tầng trên lầu chỉ 2 phòng có người ở , mùa thu mùa đông vẫn bắt buộc phải chạy máy sưởi tất cả nhà, chồng tôi ngày càng lớn tuổi vài năm nữa thì ông sẽ nghỉ hưu, nên tôi tính đến chuyện bán nhà, tìm một căn nhà nho nhỏ cũng gần trường học cho cậu con trai út nếu có thể nhà này nằm được kề cận trung tâm thành phố càng tốt.

Tôi bán ngôi nhà Lacoste, mua một căn nhà khiêm tốn cũ kỹ, gần 100 tuổi làm theo kiểu champenoise với những sườn cột kèo bằng gỗ sồi, cách trung tâm thành phố chừng 5 phút đi bộ. Tránh làm bận bịu chồng, tôi mua một chiếc xe nhỏ để di chuyển, chợ búa, đưa đón YVan đi học hoặc đem Bồng-Bông tới thăm bác sĩ Boulanger .

Ở đây, vườn nhà rộng rãi hơn ở Lacoste. Bồng-Bông nay đã hơn 10 tuổi (***), màu lông đen tuyền ngày trước chuyển hẳn sang màu xám bạc, ít còn hoạt động mà chỉ thường nằm dài trên tấm thảm dành cho mình trong phòng khách cùng lắm là xoải mình trên bâc tam cấp ngay cửa ra vào.

Rồi ... điều phải đến nó cũng đến dù muốn hay không !.

Mùa Thu thứ Mười năm đó:

Sau bữa ăn trưa hôm đó, chồng tôi đã lên xe đi làm. Chiều được nghỉ học, con trai tôi và một cậu bạn học thân của nó đang trò chuyện ở trong sân. Chợt YVan nghe có tiếng "ấc-ấc" lớn rồi cứ thế tiếp tục nhưng nhỏ hơn. Ngạc nhiên, YVan quay đầu lại nhìn lên thềm nhà thì nhận được rằng những tiếng "ấc-ấc" phát ra từ cổ họng Bồng-Bông. Hai cậu con trai cùng chạy lại, tiếng "ấc-ấc" đã tắt, YVan nâng đầu Bồng-Bông lên nhưng nó vẫn bất động.

- Mẹ ơi, Bồng-Bông nó làm sao đó lạ lắm mẹ ơi ! Mẹ ơi, Mẹ !.

Từ nhà bếp còn đang lục đục với việc chén bát, tiếng kêu thảng thốt của con trai làm tôi giật mình, tôi vội vàng chạy ra cửa.

- Việc gì đó hở con ? Tôi vừa nhìn Bồng-Bông đang nằm vừa hỏi con trai .

- Lúc nãy thằng Bồng-Bông nó "ấc-ấc" lạ lắm mẹ, bây giờ nó nằm im rơ ... YVan trả lời, hai tay vẫn nâng đầu Bồng-Bông.

Tôi vội vã cúi xuống, tiếp tay đỡ đầu Bồng-Bông lên, nó thở thật yếu, cố đưa cặp mắt lờ đờ thoáng nhìn tôi rồi lại nhắm mà không có phản ứng như mọi bữa.

- Nó bị cái gì vậy mẹ ?. Con trai hỏi tôi.

- Mẹ cũng không biết... Mình phải đưa nó đến bác sĩ Boulanger gấp. Tôi nói nhanh với con trai. Để mẹ vào thay quần áo, lấy carnet santé -hồ sơ sức khỏe- của nó. Hai đứa ôm nó lên xe trước cho mẹ.

Trên xe , phía băng ghế sau, YVan ôm Bồng-Bông trong lòng còn cậu bạn ngồi bên cạnh cúi đầu nhìn con chó. Tôi đề máy rồi nhấn ga cho xe cố chạy nhanh đến bác sỹ thú y. Khi gần đến nơi tôi ngoảnh đầu lại nói với con trai :

- Khi mẹ tắt máy ngừng xe con ôm Bồng-Bông đi nhanh vào phòng mạch của ông Boulanger cho mẹ nghe con.

- Dạ mẹ !.

Dù không bị kẹt xe nhưng cũng gần nửa tiếng sau chiếc xe cà-cộ của tôi mới ngừng được trong bãi đậu của phòng mạch.

Như mọi lần trước, ông Boulanger tiếp chúng tôi ngay, ông bảo YVan đem Bồng-Bông đặt lên bàn khám.

Trên chiếc bàn trắng dài, Bồng-Bông, nhỏ bé, phập phều thở thỉnh thoảng cong mình lại "ực ực" như có cái gì làm cho nó rất đau đớn. Tôi hồi hộp chờ đợi, linh tính báo trước có điều không ổn sẽ xảy ra. Một lát sau, ông Boulanger quay lại nói với tôi:

- Nó đang hấp hối ... tôi phải làm "euthanasie" để cho nó khỏi phải kéo dài sự đau đớn.

Nghe bác sĩ nói, nước mắt tôi tuôn chảy, cạnh tôi YVan cũng bắt đầu sụt sịt. Cả hai mẹ con tôi bước nhanh lại bàn khám cùng đưa tay vuốt đầu, vuốt mình Bồng-Bông. Nhìn Bồng-Bông, qua làn nước mắt một lát sau tôi cố gắng trả lời bác sĩ Boulanger duy nhất chỉ được một tiếng :

- Dạ!.

- Bây giờ bà và cháu cứ về, tôi sẽ lo liệu cho nó. Bác sĩ thú y nói với tôi.

- Dạ!. Cũng vẫn chỉ một tiếng vẫn qua làn nước mắt tôi trả lời.

Tôi nhìn vào đôi mắt yếu đuối mất thần của nó:

- Thôi, con đi nghe con !... Tôi chỉ nói được với Bồng-Bông vài tiếng như thế. Nói xong tôi và con tôi vẫn loay hoay ve vuốt Bồng-Bông.

Ông Boulanger, khuôn mặt thản nhiên chắc vì đã quen với cảnh tượng này, lại nói:

- Bà yên tâm, tôi sẽ lo liệu chu đáo cho nó ... Bác sĩ nói để đuổi chúng tôi về.

- Dạ !. Tôi trả lời ông Boulanger rồi gạt nước mắt cúi đầu xuống thật gần nhìn cho thật rõ thằng Bồng-Bông, ve vuốt an ủi nó lần cuối, tôi lại nói: thôi con đi nghe con .... Tuy nói thế, nhưng tôi và YVan vẫn đứng yên tại chỗ nhìn thằng Bồng-Bông, tay chúng tôi vẫn đặt trên mình nó.

Bác sĩ Boulanger phải tiến lại, vịn lấy vai tôi :

- Bà đừng quá buồn, nó đã già rồi nên nó phải đi, thôi bà về đi. Dứt lời ông đẩy nhẹ lưng tôi đưa ra phiá cửa.

Tôi cố quay đầu lại để nói câu cuối cùng:

- Giã từ con, mẹ giã từ con... chúc linh hồn con sớm được phiêu diêu...

Hai mẹ con tôi thiểu não dời phòng khám của ông Boulanger.

Mùa Thu, bầu trời đột nhiên đen xám.

Suốt đường trở về, YVan sụt sịt trên băng ghế sau, cậu bé bạn im lặng mặt xanh mét như tầu lá chuối, phần tôi vừa lái xe vừa quẹt nước mắt.

Tối đó, sau bữa ăn qua loa trong bầu không khí ảm đạm, nặng nề mà cả ba chúng tôi, không ai bảo ai, đều tự động "tiết kiệm" hẳn lời nói. Tôi nói con trai lên lầu tắm rửa nghỉ ngơi để mai sáng còn đi học.

Căn phòng khách trống vắng, lạnh lẽo. Chiếc ghế sô-pha đột nhiên như dài, rộng hẳn ra, hai chúng tôi tựa sát hẳn người vào nhau, tôi thấy chồng tôi thỉnh thoảng đưa mắt nhìn tấm nệm mà Bồng-Bông nằm rồi dơ tay áo quẹt nước mắt hệt như tôi, việc rất hiếm có vì ông luôn luôn che dấu sự "yếu đuối" này - chữ mà ông nói.

Bên ngoài, rả rích mưa.

Mùa Đông rồi cũng lại tới, nhưng mùa Đông năm này, tôi, chúng tôi, sẽ không bao giờ còn được nhìn thằng Bồng-Bông lăn mình say mê tắm tuyết như mùa Đông những năm trước.

Xuân, Hạ, Thu, Đông. Thời gian vẫn cứ thế trôi tuồn tuột .

Nay thì vợ chồng tôi cũng đã bước vào mùa Đông, đầu bạc răng long. May mắn, sáu người con của chúng tôi đều đã thành đạt, lập gia đình, sự nghiệp ... nhưng tản mác mỗi đứa một nơi, đứa thì Paris, đứa thì Lorient, Toulouse, Bordeau...YVan giờ là một trung niên với hai đứa con. Những dịp được tụ hợp về Troyes với cha mẹ, các con tôi vẫn không quên nhắc đến thằng Bông-Bông với nhiều kỷ niệm quá đẹp rồi xúm lại lục tìm các hình ảnh ngày trước mà tôi còn cất giữ trong những tập album đã ngả màu.

Đôi lần, nếu có dịp cùng chồng tôi đi qua đường Lacoste, ông không ngừng xe lại mà chạy thật chậm để cả hai chúng tôi cùng ngước mắt nhìn ngôi nhà "cổ điển kiểu Đà-Lạt" đó. Ngôi nhà vẫn đường bệ đứng không chút thay đổi về kiến trúc chỉ khác có màu sơn, màu trắng thay cho màu gạch nhạt trước đây do chính tay ông chồng tôi sơn. Sáu căn nhà trong xóm đều mấy lần đổi chủ, ông Paul cũng đã qua đời, Manuel cũng mất sớm.

Dù xe chạy thật chậm nhưng vẫn lướt qua ... bỏ lại sau lưng ngôi nhà của một khoảng thời gian trôi rất nhanh của tôi. Tôi ngậm ngùi nghĩ tới những câu "có hợp thì có tan", "có gặp gỡ thì có phân ly", "có đó để rồi cũng sẽ không còn"....

Tro cốt của Bồng-Bông, ba ngày sau khi Bồng-Bông ra đi tôi lên bác sĩ Boulanger lấy mang về rải khắp vườn nay cũng tan thấm từ lâu vào những rễ cây hồng, cây cúc, thược được, mẫu đơn, lavende , mận, táo...

Tôi tin rằng thằng Bồng-Bông của chúng tôi, đã được đầu thai chuyển kiếp từ lâu. ./.

Ghi chú :
(*): Chó có nguồn gốc từ vùng Catalan Pyrenees còn gọi là chó chăn cừu Catalan là giống chó đẹp , lanh lợi , thông minh, hiền lành rất trung thành với chủ và vô cùng thích hợp với trẻ em. Trong cuộc Nội chiến tại Tây Ban Nha xảy ra từ năm 1936 đến năm 1939 những con chó này đã được sử dụng làm "lính" gác và đưa tin liên lạc.
(**): Bài hát lừng danh của Ý - Phạm Duy chuyển sang lời Việt là Trở Về Mái Nhà Xưa.
(***) 75 tuổi nếu tính theo tuổi người.

Troyes-Pháp, ngày 13-17.11.2023-20.30'.


VVM.17.11.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ