THANH LÃNG VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO NGHIÊN CỨU VĂN HỌC VIỆT NAM
Giáo sư Thanh Lãng (1924 – 1978) tên thật là Đinh Xuân Nguyên, quê ở xã Tam Tống, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông được biết tới chủ yếu do công sức tổ chức biên soạn tư liệu về Phê bình văn học thế hệ 1932 và 13 năm tranh luận văn học, với cuốn sách Bảng lược đồ văn học Việt nam.
Ông năm 12 tuổi được gửi vào học tại chủng viện Ba Làng, sau 1945 đã tốt nghiệp trung học, hai năm sau học triết ở Đại chủng viện Xuân Bích, rồi du học trường Truyền giáo La Mã, năm 1953 được thụ phong linh mục. Sau đó ông theo học văn chương và đậu bằng tiến sĩ tại Đại Học Frisbourg ở Thụy Sĩ. Về nước ở tuổi 33, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Chủng Viện Tân Thanh ở Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 1957 ông được mời dạy học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, văn khoa Huế. Ông từng làm chủ tịch Hội Bút Việt và làm chủ bút cho một số tờ tạp chí thiên tả.
Sự nghiệp trước tác của ông bắt đầu từ cuốn Văn chương chữ nôm, Hà Nội, 1953, Văn chương bình dân, Hà Nội, 1954. Sau 1954 ông vào dạy học ở Sài Gòn có cuốn Biểu nhất lãm văn học Việt Năm 1862 – 1945, 1957. Sau này sách này hợp chung thành tập 2 của bộ Bảng lược đồ văn học Việt nam, Trình Bày xuất bản, 1966-1967, dày trên 1700 trang chữ bé. Năm 1968 ông nghiên cứu sách chữ quốc ngữ tối cổ, trong sách Sách sổ Sang chép các việc. Năm 1969 ông có cuốn Văn học Việt nam – đối kháng Trung Hoa (từ đầu đến thế kỉ 1428) do Phong trào văn hóa xuất bản 1969. Cùng năm ông có sách Văn học Việt nam: Thế hệ dấn thân yêu đời(1428-1505). Trong quá trình dạy học ông và sinh viên tổ chức sưu tầm tư liệu phê bình trên báo chi và viết bộ sách Phê bình Văn học thế hệ 1932 (2 tập, Phong trào Văn Hóa 1972, 1973, vốn đã in ronéo từ năm 1966). Còn toàn bộ tự liệu cuốn 13 năm tranh luận văn học thì sau này, năm 1995 được Hội nghiên cứu văn học thành phố Hồ Chí Minh xuất bản thành 3 tập. Ngoài ra ông còn có 10 tập sách lúc sinh thời chỉ mới in ronéo. Có thể nói toàn bộ cuộc đời của mình Thanh Lãng đã dành cho việc nghiên cứu văn học Việt Nam, từ chữ Hán, chữ Nôm, đến chữ quốc ngữ. Trong nghiên cứu ông để tâm dựa vào sưu tầm, khảo sát tư liệu, từ tư liệu mà đưa ra nhận định. Đặc điểm nổi bật của ông là nhìn văn học theo thế hệ nhà văn, mỗi thế hệ có tư tưởng và vấn đề của họ. Tiếp theo, đối với lịch sử văn học dân tộc Thanh Lãng đưa ra nhận định riêng của mình.
Đóng góp lớn nhất cho nghiên cứu văn học Việt Nam của Thanh Lãng trước hết là phương pháp nghiên cứu thực chứng và quan niệm về thế hệ phê bình văn học với bộ sưu tập tư liệu về văn học hiện đại từ đầu thế kỉ đến 1945. Cho đến nay nhiều nhà văn học sử khi viết sách đều rất coi nhẹ mảng phê bình văn học, coi đó là mặt phụ, thì Thanh Lãng là người đầu tiên lấy đó làm đề tài nghiên cứu chủ yếu của ông, mà tất cả những ai làm sách về các cuộc tranh luận văn học sau này đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Thanh Lãng. Người Trung Quốc hiện đại rất quan tâm sự vận động của tư tưởng nghiên cứu, phê bình văn học, họ gọi đó là “tư trào văn học”. Thanh Lãng cùng Nguyễn Văn Trung là những người đi đầu trong tác phong nghiên cứu coi trọng tự liệu. Từ sưu tập mà ông đã chia ra được 10 cuộc tranh luận lớn nhỏ trên báo chí, để sau này các nhà nghiên cứu khác có tư liệu để quy thành 6 cuộc. Mười cuộc của ông là vụ án báo chí, vụ án cũ và mới, vụ án Phan Khôi và Trần Trọng Kim, vụ án Tản Đà, Phan Khôi, vụ án quốc học, vụ án thơ cũ, thơ mới, vụ án duy tâm duy vật, vụ án vụ án nghệ thuật vị nghệ thuật/vị nhân sinh, vụ án Cô giáo Minh, Tấm lòng vàng, vụ án Hàn Mặc Tử. Ông đã ghi nhận 15 nhà phê bình, là Thiếu Sơn, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Trương Chính, Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Bách Khoa, Hoàng Ngọc Phách, Phan Trần Chúc, Hoài Thanh và Hoài Chân, Ngô Tất Tố, Đào Duy Anh, Kiều Thanh Quế, Lê Thanh. Ông không liệt Hải Triều và Đặng Thai Mai vào nhà phê bình văn học đương thời. Danh sách của Thanh Lãng cho ta thấy có những nhân vật bị bỏ quên, như Hoàng Ngọc Phách, Phan Trần Chúc. Tư liệu của ông cho thấy Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố viết rất nhiều, mà chưa có sách công bố về tác phẩm của ông. Về khuynh hướng phê bình ông chia ra 6 khuynh hướng, và có những khuynh hướng khác với cách hiểu của người khác, vị dụ phê bình xã hội mà đại diện là Trần Thanh Mại. Nhưng ông lưu ý khuynh hướng giáo điều cổ điển thời ấy còn rất thịnh hành. Thanh Lãng đã bám sát tư liệu văn học, nhận định cụ thể, dễ nhận, dễ nhớ, nhưng sự khái quát còn có lúc chưa tinh. Trong trình bày, ông thích trích dẫn nguyên văn, hoặc thuật lại dàn bài, có hiện tượng lạm dụng tư liệu, nên thường quá dài, trong khi người ta có thể vừa tóm lược, vừa trích dẫn những chỗ cần thiết thì văn phong gọn hơn. Nhưng mặt khác, nguyên văn hay tóm tắt nhiều giúp cho người lười đọc thấy có giá trị riêng, nhất là sách viết cho học trò, cho nên sách của ông vẫn có sức hấp dẫn. Trong Phê bình văn học thế hệ 1932, bên cạnh trình bày các “vụ án” văn học, với rất nhiều văn bản, còn trình bày, phân tích, đánh giá 15 nhà phê bình của thế hệ này khá cụ thể và chi tiết, mà nhiều sách về sau vẫn còn trích dẫn. Ông phê bình Dương Quảng Hàm cách phân chia lịch sử theo năm học, theo triều đại là không hợp lí. Ông phê bình Vũ Ngọc Phan phê bình theo lối khen –chê, nặng tính chủ quan, bảo thủ. Ông đánh giá cao Nguyễn Bách Khoa năm 1940 mở ra một kỉ nguyên mới cho phê bình theo hướng duy vật. Thanh Lãng không đánh giá cao phê bình của Hoài Thanh và Hoài Chân như mọi người vẫn thường thấy. Trong sách này ta có thể đọc thấy phê bình của Hoàng Ngọc Phách, Hoa Bằng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đổng Chi, Kiều Thanh Quế, Phan Trần Chúc mà các sách khác ít thấy nói đến.
Về quan niệm thế hệ nhà văn, mà ông gọi là “phương pháp thế hệ.” Ông định nghĩa thế hệ là : “Một thời gian vắn nào đấy (thường là không quá mấy chục năm) đã được quy định nên do những sự kiện lịch sử, xã hội, chính trị khiến cho khoảng thời gian ấy được coi như là một hướng rẽ, một đường quặt sánh với cái thời gian đi trước nó, và đồng thời từ đấy là trường sở hoạt động và xuất hiện: của những đường lối sống giống nhau, chung; của những đường lối tư tưởng chung, của những đường lối tình cảm chung, của những nghệ thuật chung.”[1] Ông định nghĩa thế hệ bằng khoảng thời gian, cho rằng các nhà văn thế hệ có những điều kiện xã hội, lịch sử, chính trị chung, đường lối sống chung, đường lối tư tưởng chung, đường lối tình cảm chung, đường lối nghệ thuật chung, thật ra cũng chưa rõ lắm. Xếp nhà văn vào thế hệ không căn cứ vào năm sinh tháng đẻ, mà chỉ dựa vào sản phẩm văn nghệ ra đời trong khoảng thời gian này. Cách hiểu thế hệ nhìn bề ngoài có vẻ giống như khái niệm thời gian, giai đoạn văn học mà người ta quen dùng, thực ra có một sự khác biệt. Đó là vì tiêu chí giai đoạn chỉ là tiêu chí thời gian bề ngoài. Nếu hiểu lịch sử là lịch sử của con người, lịch sử văn học suy cho cùng cũng là lịch sử của con người, thì nó phải do con người làm nên, chủ thể con người là chủ thể của lịch sử. Vì thế nghiên cứu thế hệ có lí do của nó. Trên thế giới có lẽ triết gia Tây Ban Nha Jose Ortega-i-Gaset (1883-1955) là người đề ra “phương pháp thế hệ” trong nghiên cứu lịch sử từ những năm 1933[2]. Mỗi thế hệ có cái chung trong thể nghiệm, kinh nghiệm sống, cách hành vi và khác biệt với các thế hệ khác và xung đột thế hệ có tác dụng thúc đẩy lịch sử. Lí luận mácxít phủ nhận khuynh hướng này, vì nó coi trọng đấu tranh giai cấp hơn. Trong quan niệm thế hệ, các sự kiện lịch sử nhìn theo con mắt bên trong của thế hệ. Rất có thể Thanh Lãng đã tiếp nhận lí thuyết này vì ông đã dùng đúng từ “phương pháp thế hệ” và phát triển trong lịch sử văn học Việt Nam. Trong Lời Tựa sách Văn học Việt nam – Đối kháng Trung Hoa (từ đầu đến 1428) , Phong trào văn hóa, SG 1969, ông viết: “Cái mới, cái độc đáo của Bảng lược đồ này là lối nhìn văn học một cách sống và động, là lối chia văn học theo phương pháp thế hệ. Ngần ấy thứ làm cho Bảng lược đồ này khác hẳn tất cả những bộ văn học sử đã có từ xưa cho đến nay. Và đấy là phần tôi muốn đóng góp – có lẽ rất nhỏ – vào nổ lực chung: viết ra sau này một bộ sử văn học Việt nam cho thật đầy đủ.” Có thể thấy phương pháp thế hệ rất quan trọng đối với tác giả. Muốn vận dụng phương pháp thế hệ thì trước hết điều then chốt tác giả phải lập danh sách tác gia cùng thế hệ, tìm ra cái chung của họ, phân biệt họ với thế hệ trước và sau, rồi nghiên cứu cái thể hiện của họ trong sáng tác. Trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam, tập 1 có vẻ như Thanh Lãng chưa vận dụng phương pháp thế hệ một cách triệt để. Trong cái khung hai thời đại lớn của văn học Việt Nam: cổ điển (thế kỉ XIII – 1862. Có lẽ do thiếu tư liệu hoặc do chịu ảnh hưởng của các bộ sử văn học đương thời, trong đó có sách của nhóm Lê Quý Đôn (1957), của M. Durand và Nguyễn Trần Huân (1969) cho nên khởi điểm văn học chỉ tính từ thế kỉ XIII) và thời đại mới (từ 1862 đến nay). Dưới thời đại ông lại chia ra các “thời” nhỏ hơn, như Thời Đối kháng Trung Hoa (Đời Trần), Thời phát huy văn hóa dân tộc (1428-1505), Thời kì gặp gỡ Tây phương (1592-1729). Ở thời này Thanh Lãng có đóng góp mới cho văn học sử nước nhà bằng các tư liệu văn học công giáo, 12 tác phẩm văn xuôi ghi bằng chữ Nôm, sự hình thành chữ quốc ngữ. Thời văn học thác loạn (1729-1788). Sở dĩ vẫn dùng “thời” có lẽ là vì dưới thời trung đại, con người sồng hòa với thiên nhiên, chậm chạp, ít biến đổi, không dễ chỉ ra các thế hệ. Tác giả phải gọi là “thời” có lẽ do tác giả chưa có tư liệu đầy đủ về các nhà văn cùng diện mạo của thế hệ, ngay thơ văn Nguyễn Trãi cũng chưa có. Thời “Văn học đối kháng Trung Hoa” cũng cho thấy rõ, ông không có ví dụ, trích dẫn. Nói cho đúng, đây là chỗ yếu của văn hóa và văn học Việt Nam thời cổ, ông cha ta chưa phân biệt rõ ràng với văn hóa và văn học Trung Quốc, vẫn tự hào là không thua kém Trung Quốc. Nhưng văn học giữa thế kỉ XVIII với các tên tuổi như Đặng Trần Côn, Đoàn thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Hữu Hào, mà không xem như một thế hệ, lại gọi là “thời văn học thác loạn”, thì hơi khó hiểu. Chữ “thác loạn” vốn nghĩa là “không trật tự, tinh thần thất thường” dùng vào đây cũng không được thích hợp, bởi đây là thế hệ khát vọng được sống hạnh phúc, tuổi trẻ. Từ chương VII tác giả bắt đầu sử dụng khái niệm thế hệ: Văn học thế hệ Nguyễn Du(1788-1820).Văn học thế hệ Nguyễn Công Trứ(1820-1892). Bởi vì lịch sử lúc này biến đổi dồn dập, số phận các thế hệ nổi lên. Tuy nhiên, Thanh Lãng lại chen vào đây rất nhiều tác phẩm khuyết danh khiến cho khái niệm thế hệ bị hụt hẫng. Trong văn học thời đại mới ông chia làm ba thế hệ. Thế hệ đối kháng từ 1862 – 1913, có ba thế hệ tiếp nhau; thế hệ đối kháng, thế hệ liên hiệp từ 1913 – 1932; thế hệ đoạn tuyệt từ 1932 đến 1945.
Vận dụng vào phê bình văn học thế hệ 1932, Thanh Lãng nêu 10 lí do, sự kiện lịch sử, không phân biệt chính phụ, làm cái chung cho thế hệ, nêu một số nét trong quan niệm và hành vi của thế hệ, như không còn hòa hợp đông tây, mà đã dứt khoát đoạn tuyệt truyền thống phương Đông, đi theo văn hóa phương Tây. Nói chung, phương pháp thế hệ có cơ sở của nó, vì nó hướng tới giải thích nội dung con người đối với lịch sử văn học. Trên thế giới người ta nói đến thế hệ vứt đi (1883-1900), thế hệ vĩ đại (1900-1927), thế hệ im lặng (1928-1945), thế hệ bùng nổ sinh nở (1945-1962)…Tuy nhiên khi vận dụng vào văn học, vào thế hệ phê bình, phương pháp thế hệ của Thanh Lãng gặp khó, bởi cái chung thế hệ thì ít, trong khi sự khác biệt, đối lập thì nhiều, bởi nó không do thế hệ quy định, mà do thời đại quy định. Khả năng phát hiện con người của lịch sử cũng chưa được triển khai đủ rõ. Ví dụ như cuốn Phê bình văn học thế hệ 1932, thực chất là cuốn sách về các trào lưu tư tưởng văn học 1932 – 1945 nhiều hơn là sách kể về thế hệ. Khái niệm thế hệ thực chất là khái niệm chỉ những người cùng thời đại mà thôi, trong khi nghĩa gốc của từ thế hệ là chỉ những người cùng lứa tuổi, cùng trang lứa, tĩnh tại. Do đó theo tôi khái niệm này được vận dụng chưa thật sự thành công. Mặc dù vậy Thanh Lãng vẫn cho ta một gợi ý để tiếp tục nghiên cứu ý tưởng về phương pháp thế hệ.
Cái khó của giáo sư Thanh Lãng khi viết cuốn Bảng lược đồ văn học Việt nam là thời đó tư liệu văn học còn thiếu sót nhiều. Chẳng hạn Nguyễn Trãi toàn tập, phải đến năm 1969 mới có. Thơ văn Lí Trần cũng phải đến năm 1977 mới có. Nhưng tư liệu chỉ một phần, phần nghiên cứu sâu, khái quát thỏa đáng các hiện tượng văn học còn quan trọng hơn. Những trang viết về thơ chữ Hán của Nguyễn du với 12 nhận định có tính ngẫu nhiên, bề ngoai, nào hiện hữu quái gỡ, mồ mả, tha ma, nghĩa địa, điêu tàn, tàn rửa, hủy diệt, tuyệt vọng, mối tình dang dở, niềm tin dị biệt, thi sĩ của bệnh hoạn, thi sĩ của nghèo khổ, túng đói, thi sĩ dưới sức ám thị của tuổi già, tóc bạc, thi sĩ của hốt hoảng, xao xuyến, băn khoăn, tuyệt vọng, thi sĩ kiêu kì trong bi đát, thi sĩ của tiếng đàn tuyệt vời, công tố viên kết án xã hội, tuy nói đến các hiện tượng thơ có thật, nhưng thiếu hẳn những khái quát chuẩn xác toàn diện về nội dung tác phẩm của Nguyễn Du và con người của Nguyễn Du. Đó cũng là một điều đáng tiếc. Nhưng sang năm 1971, trên tạp chí Văn học ông đã công bố ba bài báo về Truyện Kiều, giải thích tác phẩm bằng lí thuyết hiện sinh và lí thuyết phân tâm học theo cách Trương Tửu đã làm.
Hà Nội, ngày 24 – 6 – 2022.
TRẦN ĐÌNH SỬ
-----------
[1] Thanh Lãng, Phê bình văn học thế hệ 1932 tập 1, Phong trào văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, tr. 98.
[2] Nicolai Mininkov, Phương pháp thế hệ của H. Ortega-i-Gatset và lịch sử vùng sông Đông, thế kỉ XVII, tạp chí Logos, số 5 (44), năm 2004, tr. 255-265.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét