HỠI LINH HỒN TÔI / Thế Phong -- trích: Việt Văn Mới/ Paris -- 11/11/ 2023.
tranh của cố danh họa Tạ Tỵ
HỠI LINH HỒN TÔI
II.
M ùng năm tết âm lịch đến Đà Lạt với hành lý quần áo, chẳng đồ sính lễ, áo cưới cô dâu chưa may mà mùng 10 là ngày cưới. Coi như chỉ còn bốn, năm ngày nữa làm sao sửa soạn cho kịp? Đà Lạt vẫn còn đắm trong sương của không khí mùa xuân, hoa anh đào năm nay nở hai lần đỏ hồng đẹp mắt. Và phố xá Đà Lạt đông người nhưng đa số cửa hiệu im lìm đóng. Cũng rất may cho Đỗ, trong số các khoá sinh ở Trung tâm Huấn luyện Vũng Tầu thì có rất đông các co cậu là học trò Đỗ. Như Giăng ở 33 Hoàng Diệu (chắc gia đình này ngày xưa quốc tịch Pháp có tên Tây) nhận làm phù rể cho thầy. Giăng lại giới thiệu một cựu khoá sinh khác có người cậu ruột mở tiệm thợ may Túy ở đường Phan Đình Phùng, chuyên may áo dài các cô, các bà. Còn bác Bảo lại quen một gia đình làm bánh ngọt trên đường Hàm Nghi, thế là hai tiệm này có thể bị gõ mở cửa hiệu sớm đầu năm. Tiệc cưới đặt ở khách sạn Nam Đô, phong cưới rước dâu về khách sạn sang trọng nhất Đà Lạt là Palace , tại phòng A - một trong bốn phòng đắt tiền nhất - trông ra hồ Xuân Hương. Cô dâu theo đạo Báp tít Ân điển làm ở phòng đọc sách trên đường Minh Mạng. Đỗ von là con cầu tự chùa Quán Thánh ở Yên Bái chưa tin Chúa, nên được dặn dò trước ngày cử hành hôn lễ, chú rể tới tư thất giáo sĩ học giáo lễ. Đỗ biết đây là một đặc ân, bởi lẽ phải là tín hữu đã làm báp têm, thuộc viên hội thánh, là một Cơ đốc nhân mới được phép cử hành hôn lễ. Khi Đỗ và Khuê đến nhà ông bà giáo sĩ người Mỹ Roberston thì gặp một bà giáo sĩ Betty Merrel, và chính bà này là người đệm dương cầm ở nhà thờ cho đám cưới hai người. Bà Merell nói ngay:
- Một là Chúa có thêm một tín đồ; hai là Chúa mất thêm một tín đồ.
Đỗ không thể quên ngày 30 tháng 1 năm 1966 khi hôn lễ được cử hành xong, rước dâu về khách sạn Palace , một giáo sĩ khác nhìn thấy căn phòng rộng, có bốn giường, hai lò sưởi, hai phòng toa lét rộng thênh thang, sa lông tiếp khách thật đẹp, điện thoại đầu giường, đã quay lại hỏi nữ giáo sĩ Betty Merell :
- Này, ông ấy làm nghề gì?
- Toi không rõ lắm, nhưng mục sư Roberston cho biết ông này là một trí thức Việt nam làm việc ở Vũng Tàu. Đây là đám cưới mà chúng ta quay phim 16mm để đem về Mỹ làm quảng cáo.
Sau ngày cưới, vợ chồng Đỗ đã phải đem chiec nhẫn cưới bán cho tiệm vàng, để có tiền chi dụng hàng ngày. Ba ngày sau, hai vợ chồng Đỗ lên phi trường quân sự Cam Ly đợi chiếc Cessna bốn chỗ đưa về Vũng Tầu. Khuê nhắc đến chuyện bà cô bỏ về nửa chừng không làm chủ hôn, chỉ vì một lý do chẳng đáng gì? Tối hôm ngủ ở nhà ông bà giáo Bảo, bà nhìn thấy cuốn sách trên kệ đầu giường rồi vớ lấy đọc chờ giấc ngủ. Bà rướn đôi mắt nhìn cho kỹ, cuốn sách này viết về năm nhà văn, trong đó có chú rể là cháu ruột bà. Tác giả cuốn sách, Du Tử Lê viết về Thế Phong, cho rằng anh này từ Hà Nội vào Sài Gòn trước di cư 1954, như kẻ tứ cố vô thân. Bà cô ruột giận nhất khi đọc đoạn này:
“...Ông ngồi vừa nói chuyện với tôi vừa đánh máy “Nhà văn, tác phẩm, cuộc đời”. Nghĩ đến đâu ông đánh máy tới đó, không viết trước. Bên cạnh chiếc máy đánh chữ là một ly cà phê to (loại ly sành) cùng hai bao Bastos xanh, “gu” đặc biệt của ông. Ông uống cà phê như uống nước trà, và hút thuốc liên miên, ngay cả lúc đánh máy. Ngồi một lát, ông rủ tôi ra quán cà phê. Sau một thời gian giao tiếp, tôi cũng không biết ông lấy tiền đâu để sống! Ngoài việc viết sách, ông không hề làm việc gì khác, cũng không hề viết báo. Chỉ biết về sống tại đây nhờ một người anh họ. Điều lạ hơn nữa là không bao giờ thấy ông than phiền về các vấn đề tiền nong, hay kêu ca về những đau khổ mà cuộc đời đã dành cho ông. Không phải đời sống ông đầy đủ, không phải cuộc đời hậu đãi ông. Dĩ nhiên là thế! Hay ông là con người vô tư, đang sống trong hạnh phúc, trong tình yêu tràn đầy? Tôi biết chắc cũng không phải. Thơ văn và thái độ của ông chứng tỏ hùng hồn điều đó. Tất cả những chuyện ông nói với tôi, tuy có chua chát, đắng cay, nhưng ông kể lại với một giọng hài hước, dí dỏm, không một chút hậm hực, không một chut oán hờn , than trách. Bất cứ ở đâu chỗ nào, ông cũng chỉ có một vẻ mặt : tươi cười, vui vẻ, một giọng nói vang động, vỡ nát. Nhưng tôi không tin tiếng cười, giọng nói đó phản ảnh mặt thực của tâm hồn ông.
Ở quán về, đêm đã khuya lắm, ông còn cố giữ tôi lại. Chúng tôi ra ngồi một chiếc bàn gỗ ngoài sân dưới dàn hoa bông giấy. Chiếc “transistor” để bên cạnh, phát ra những âm thanh kích động của một bản nhạc ngoại quốc. Chúng tôi im lặng hút thuốc. Mỗi khi đốm lửa xoè lên, lại một lần soi sáng khuôn mặt nhăn nheo, dữ tợn, lì lợm của ông. Nhưng không như mọi lần, ở đây mỗi khi liếc nhìn, tôi thấy ẩn sau những nét nhăn, có vẻ hung hãn kia, có mot cái gì rất mỏng manh, rất khó nhận, nhưng cảm được. Một nỗi buồn, một vẻ ưu tư trầm kín, cái cảm gíac mơ hồ về một đớn đau, một khắc khoải quằn quại, một chán chường, một khốn nhục... Tôi không biết trong thâm tâm lúc đó ông nghĩ gì? Hay không nghĩ gì cả? Tôi bỗng thấy buồn. Bỗng thấy một niềm thương tiếc không đâu dâng lên rào rạt trong tâm hồn tôi.
Xa xa tiếng súng đại bác từ miệt Phú Lâm vọng tới. Ông thở dài như nói một mình:
... tôi không còn thân thích nào ở đây cả? Trong đời tôi, tôi chỉ quý mến và nghe lời một người đó là mẹ tôi. Nhưng mẹ tôi không còn nữa, bố tôi cũng vậy. Tôi không anh em ruột thịt, một thân một mình, chả có nhu cầu gì nhiều. Sống theo những gì mà mình muốn, làm những gì mà mình thích làm. Vợ con chưa có, lỡ có chết, có tai tiếng hay điều gì cũng chỉ một mình gánh chịu...”
Dừng một lát, ông tiếp, giọng thật nhẹ, xa xôi, khác hẳn bình thường; khiến tôi có cảm tưởng như tiếng nói đó không phải của ông mà của một ai xa lạ. Tôi nhớ mãi câu nói của ông: “...Tôi không muốn để ai biết tôi buồn, nỗi buồn của tôi chỉ có tôi biết mà thôi. Và tôi cũng không muốn nhận hay mang ơn ai cả...”
Sáng hôm sau, bà Thảo nói với ông bà Nguyễn Quốc Bảo rằng không thể làm chủ hôn cho cháu ruột, trưa nay phải về Sài Gòn gấp. Ông bà giáo Bảo báo tin cho Đỗ biết giữ bà ở lại, dầu bà cô giận cháu ruột thế nào đi nữa cũng không thể có thái độ, hành động như đem con bỏ chợ vậy. Nhưng dầu ai nói sao, kể cả cháu đích tôn còn là trưởng tộc Đỗ; bà cũng xách va li ra bến xe trước ngày cưới. Anh Huyến thấy vậy, thưa với ông bà giáo:
- Xin ông bà thương chú em nghĩa tử của tôi mà không chấp thái độ cố chấp của bà Thảo, ngày mai đây ông bà nhạc vui lòng cho tôi được phép thay thế đứng chủ hôn.
Ông giáo Bảo là đồng nghiệp vơi bố Đỗ, có tình bạn thâm giao, mặc dầu ông giáo Đỗ Văn Đức hơn trên một giáp tuổi. Ông hỏi Đỗ:
- Con có thể cho hai bác biết lý do nào cô của con nhất định bỏ về?
Cầm cuốn Năm Sắc Diện Năm Định Mệnh / Du Tử Lê l Đỗ trả lời:
- Thưa hai bác, chỉ vì cuốn sách chết tiệt này có câu nhà văn nói rằng mình tứ cố vô thân. Chỉ cần hai bác đồng ý thì anh Huyến thay mặt nhà trai chủ hôn là được.
- Khuê là thứ nữ, còn chị lớn hơn bốn tuổi chưa ai hỏi han tới, cô em đã ra ở riêng trước; thì đây cũng là một tiến bộ vượt bực của gia đình Việt Nam.
Một ông chấp sự trong hội thánh trả lời giáo sĩ Betty Merrel vậy.
Nữ giáo sĩ chưa hết thắc mắc:
- Cô chị lớn không đẹp, lại không có duyên bằng cô Khuê, quả ông Đỗ có mắt tinh đời thật! Và còn cô em nữa cùng bốn đứa em trai, xem ra thì chỉ một cô Khuê và ông bố đã tin Chúa. À quên, cô chị lớn tin Chúa mới đây, khi tin nhận mặc cả thế này thế kia với Chúa. Không gì khốn nạn cho bằng tin Chúa chỉ mong kiếm “ma na” Chúa ban cho như không.
Ông chấp sự, người chuyên dạy tiếng Việt cho các giáo sĩ, như có đôi chút động lòng:
- Và từ khi đạo Thiên Chúa được rao giảng ở Việt Nam, thì có câu “...theo Đạo lấy gạo mà ăn” mà bà giáo sĩ!
- Thế ông có biết nhiều về ông Đỗ không?
Ông ấy là tác giả tập thơ Asian Morning Western Music tôi đã đưa cho giáo sĩ Roberston đọc. Có những câu thơ, như lời ông Roberston đọc xong lại không mấy vui!
Nữ giáo sĩ Merell càng thắc mắc:
- Ông có thể cho tôi mượn đọc được không?
Đưa tay với lấy từ trên kệ, ông chấp sự giở sẵn trang có những câu:
“...This land of ours counts on you
Men who have convictions
Men who are not servants
Men who have dignity
Men who do not allow wives to work for Americans
Men who have hopes
Men who bring salvation
I know you will hate me
I tell you
You must learn American
(If you want to know
what the hell is going on...)
Bà Merrell chau mày khó chịu, khi giở ngược lên mấy trang trên, mắt dán vào bài tựa viết cho cuốn thơ:
... “He is against those who would “use literature in the same way as bar hostesses do”. In “Truoc mat nhin thi si” (Under the Poet’s Eyes), he declares:
“The million lines of poetry which can become/ directives for this nation in the future/Should be preceded by the million lines of poetry/ cataloguing the hardship of to-day...”
His poetry, like his prose, is deeply committed, passionate, and supremely just...”
Bà đọc tên người viết tựa: Llyod Fernando, Pr. of English, University of Malaya, rồi quay sang ông chấp sự, vừa cười vừa nói:
“Chắc ông không cần phải dịch sang tiếng Việt, phải không ông chấp sự?”
- Vâng đúng, thưa giáo sĩ. Và, thật mà nói không phải ai cũng như tôi, rất thân thiện với người Mỹ đồng đạo. Ông Đỗ thì không thế bà giáo sĩ ạ!
- Nhưng ông này hiện đang làm ở Vũng Tầu cho người Mỹ mà.
- Đúng vậy, nhưng đây là một trung tâm huấn luyện do Toà đại sứ Mỹ đài thọ, các giảng viên này làm việc ở đây đa số được hoãn nhập ngũ.
Về gần tới Cát Lở đã nghe đồn ầm lên là trung tá Châu được người Mỹ ủng hộ để thay thế đại úy Lê Xuân Mai chỉ huy trưởng. Phe cánh của ông này: Cường, Duyệt, San, Sáng... đang tổ chức rầm rộ làm áp lực không cho phe của người mới nhậm chức. Gặp Đỗ và Khuê, Cường vẫy lại báo tin, và như ra lệnh cho phe ta phải tham dự đảo chính trung tá Châu. Đỗ giữ thái độ im lặng, không phản đối phe mới, cũng không tham dự với phe thân đại úy Mai. Anh giải thích cho vợ, dầu có làm gì chăng nữa cũng không thể thay đổi tình thế. Người Mỹ đã muốn thay ngựa giữa dòng, thì dầu có làm gì chăng nữa cũng vô ích. Anh không quên người giới thiệu anh vào làm ở đây, ăn lương giảng viên để làm tờ tập san, tiếng nói của trung tâm. Anh làm ma két tờ tập san, ngoài phần bài vở của trung tâm đưa là phải in; còn phần văn nghệ anh đăng thơ, truyện của bạn bè và của chính anh.
Hai vợ chồng thuê được một căn nhà ở xã Thắng Tam, Rạch Dừa và vợ anh cũng được tuyển làm giảng viên y tế, nhờ ở có một hai năm từng học Dược khoa. Ăn cơm chiều xong, Khuê bảo chồng:
- Tối nay ra thăm vợ chồng ông quân cảnh Lượt đi. Em mới gặp Bích ở Đà Lạt ra Vũng Tầu thăm chồng đấy.
Đỗ gật đầu, nhớ lại ngay cô Bích, con gái nhà in lớn nhất ở Đà Lạt, và là bạn thân của Khuê. Đại úy trưởng đồn quân cảnh Vũng Tầu lên Đà Lạt chơi, đi qua nhà in Công Đồng gặp cô con chủ, quen, yêu, làm lễ cưới và cô phù dâu cho Bích, là vợ Đỗ bây giờ. Đỗ cũng không quên Lượt và Đỗ từng đến quán Aux Délices uống cà phê, cả hai đều phải lòng cô Tỵ, con chủ quán. Lần ấy, Đỗ có việc phải sang Bà Rịa công tác, anh đến rủ cô nàng cùng đi. Chiếc xe Dodge 4 chỉ có tài xế, Tỵ và anh. Đỗ nói với Tỵ:
- Cảm ơn một buổi chiều tuyệt đẹp được ngồi bên cô. Trong đời tôi sẽ không bao giờ dễ quên được, cho dầu điều tôi bầy tỏ với cô là tin vui, haylà ngược lại.
Quay sang nhìn Tỵ, sự cảm động dâng lên đôi mắt đen láy bồ câu “càng nhìn lâu càng đắm đuối” .
Đỗ nắm lấy tay nàng trong bàn tay anh, Tỵ không nói năng gì, thế là anh bầy tỏ điều giấu tận đáy lòng, là anh muốn xin cưới Tỵ càng sớm càng tốt. Tỵ nhắm mắt lại rồi thở dài. Từ lúc đó trở đi, Đỗ không nói gì nữa tự cảm thấy anh đã bị tước khí giới, nếu Tỵ thuận mà không nói năng gì, ít nhất cũng bầy tỏ một cử chỉ trả đáp nhẹ nhàng để anh có thể cảm, hiểu được. Lúc Tỵ bước vào cửa hiệu nhà nàng, anh ngồi trên xe vẫy tay nhè nhẹ, lòng buồn không sao tả được! Trên đường về trại Seminary Camp , anh nhớ lại nhiều khuôn mặt người nam theo đuổi Tỵ. Lượt ra ngoài danh sách tiếp đến một chàng thiếu tá bộ binh có gia đình rồi, mà hằng đêm vẫn ngồi đồng dán mắt vào quầy thâu tiền có cô chủ quán. Anh nhớ đến một sáng chủ nhật, nhớ thật chính xác 9 giờ 5 buổi sáng hôm ấy, đang ngồi uống cà phê một mình. Anh để mũ, giây đeo súng lục, dao găm ở dưới ngăn bàn, tay cầm điếu thuốc lá, mắt nhìn ra ngoài đường Phan Thanh Giản đông người qua lại. Bỗng có tay một người từ phía sau vỗ vào vai, tưởng chừng bạn quen. Khi quay lại nhìn thì không phải bạn quen, mà là một thiếu tá lục quân lạ hoắc, mặt đằng đằng sát khí, hạnh hoẹ:
- Mai tao tới quán này thì không muốn nhìn thấy bản mặt mày. Nghe rõ năm trên năm?
Thiếu tá Lục quân nói chuyện với anh như thường ra lệnh cho lính tráng thuộc quyền. Đỗ coi như không nghe thấy và chẳng quan tâm. Có ý gây cho đối tượng vô danh tức hơn để dò thái độ phản ứng tiếp theo. Thở ra hơi rượu nồng nặc, thiếu tá hét lớn:
- Tao nói vơi mày đó! Mày bị điếc và câm hả?
Tỵ thấy to tiếng giữa hai khách đều quen cả, nàng đi ra rồi lôi thiếu tá ra ngoài:
- Anh về đi say quá rồi đấy!
- Ai bảo tôi say? Cô em để tôi thanh toán thằng này.
Lực lượng cơ hữu bán quân sự trung tâm đều mặc bà ba đen, và chỉ huy trưởng đã trả tiền cho nhạc sĩ sáng tác ca khúc, có câu:
... “kẻ thù ta đâu có phải là người/ giết người đi ta ở với ai?” ... như để trả lời đối phương.
Lúc này Đỗ mới ra oai, bằng cách đứng dậy cầm mũ lưỡi trai đội lên đầu, thắt giây lưng có khẩu Browning, trả tiền xong đi ra cửa. Tỵ nói với anh:
- Ông ấy say, anh đừng chấp, tối nhớ ra đây, em nhờ việc này.
Đối tượng kia nghe được la toáng lên, với lời chửi rủa càng tỏ ra tính khí hung hãn:
- Em lại còn hẹn hò với nó à? Bắn bỏ mẹ mày, khôn thì đừng để tao nhìn thấy mặt.
Đúng lúc ấy chiếc xe díp sơn ngụy trang biệt kích trờ tới trước cửa hiệu đón anh về trung tâm. Bước lên ghế trước, Đỗ hất giây lưng có khẩu Browning sáng loáng ra một bên, làm ra vẻ hách dịch không thèm chấp thằng say rượu vẫn đang la toáng chửi bới khách vô danh, hy vọng được lòng cô chủ quán.
Tiếp đến làTrịnh Cùng, chàng hoạ sĩ này không có kí lô nào đối với nàng; nếu không, Tỵ đã chẳng cho anh bức chân dung vẽ nàng có hàng chữ ghi tặng la fille Aux Délices. Vậy thì tại sao Tỵ không bầy tỏ dấu hiệu ưng ý để anh tiến tới? Có thể nào nàng nghĩ rằng Đỗ muốn cưới vì nàng là con nhà giầu? Chỉ điều này thôi là dễ bị chạm tự ái nhất, nhược điểm lớn nhất nếu đối thủ biết được chỉ cần đánh nhẹ vào, anh sẽ tự động bỏ cuộc ngay. Giá như thiếu tá luc quân kia hiểu được vậy. Đỗ buồn bực với chính anh, tự trách chưa tỏ lời đúng lúc khi tình trạng chưa chín mùi. Một quyết định tình thế cho chính anh là sẽ không ra quán nàng trong một thời gian xem sao? Nhưng ý nghĩ này bị đanh đổ ngay, như vậy là sợ chàng thiếu tá lục quân đe dọa vu vơ sao? Lên giường nằm không sao ngủ được, anh đành vặn nút chiếc radio để nghe nhạc thính phòng dỗ dành. Lại là thói quen mỗi khi khó ngủ anh thường làm vậy. Và, bản nhạc “Que sera sera...” đánh đúng tâm lý Đỗ, chuyện gì xảy đến sẽ đến, có lo nghĩ chỉ bằng thừa. Anh với tay tắt radio và ánh sáng của đèn ngủ đầu giường.Và sáng hôm sau nhân có chuyến máy bay C.130 đưa khoá sinh mãn khoá về Đà Lạt, anh theo đi. Và lần ấy gặp vợ chồng Duật biết tin Khuê, con ông bà giáo Bảo ở Nghĩa Lộ trước, nay cô đang làm thủ thư viện Hội thánh Báp Tít Trung Tín Đà Lạt. Rồi ít tháng sau tổ chức đám cưới, nhưng chú rể vẫn không quên buổi chiều hôm nào ngỏ lời xin kết hôn với Tỵ, nàng cho cầm tay giữ thật lâu, nhắm mắt mà không trả lời cũng như chỉ cần gật đầu nhè nhẹ đủ để Đỗ ấm lòng. Nhưng không có hai điều nho nhỏ ấy khiến Đỗ như bị chạm tự ái, cho đến khi làm đám cưới xong, anh vẫn chưa dễ quên nàng.
Hai cặp vợ chồng giắt nhau vào hiệu Aux Délices , riêng Đỗ ước thầm trong lòng tối nay Tỵ không có mặt thì hay biết bao! Lượt nhìn thấy Tỵ có nét mặt không vui, quay lại nói cho Bích, vợ Lượt – và, cho cả Khuê, cả Đỗ cùng nghe:
- Ở Vũng Tầu này, chúng tôi thường chỉ đến quán này uống nước. Và cô chủ là bạn thân của anh Đỗ đấy chị Khuê ạ!
Tiếng cười của Lượt khiến Khuê phải quay sang nhìn cô chủ quán, đúng có nét không vui tỏ lộ. Đỗ thú thật ngay với vợ rằng, nhà văn thì phải giỏi tâm lý nhân vật; riêng với nhân vật Tỵ này tác giả lại mù tịt. Anh kể cho vợ, kể cả vợ chồng Lượt nghe buổi chiều đi chơi với Tỵ ở Bà Rịa và cả điều nói với Tỵ mà chưa được trả lời; rồi đến khi gặp Khuê như gặp định mệnh, thì không thể đợi cái gật đầu nho nhỏ muộn mằn ấy nữa! Khuê chê chồng không mấy tâm lý, và anh nhận ra chính nhà văn ở trường hợp này thật tồi tệ, chẳng hiểu tâm lý phụ nữ là bao! Chẳng lẽ khi bầy tỏ xin cưới nàng làm vợ, bắt buộc phải trả lời ngay tức khắc, như hỏi, đáp sao? Nếu nàng không có cảm tình, hẳn đã không nhận đi chơi tay đôi với anh đôi lần và lần này lại đi xa, từ Vũng Tầu đến Bà Rịa. Ấy là chưa kể đến chân dung nàng do hoạ sĩ Trịnh Cùng vẽ, Tỵ đem tặng lại cho Đỗ, như vậy chưa đủ là bằng chứng bầy tỏ tình yêu thật chân tình và tế nhị biết chừng nào! Quả thật tâm lý Đỗ quá yếu!
- Thế mà anh cũng viết được tiểu thuyết, với em quả thực là lạ!
Đỗ nhận thấy vợ mình nhận xét rất chính xác, và nếu Khuê viết truyện có khi lai hay hơn chồng không chừng?
Cuộc đảo chính ở Trung tâm Huấn luyện thất bại. Đại úy Mai bị trở về Phòng quản trị Tổng Tham Mưu, và trung tá Châu lên nhiệm chức chỉ huy trưởng. Cả ba trại huấn luyện nay trở về một mối duy nhất. Tất cả các giảng viên, huấn luyện viên cũ, như San, Cường, Duyệt, Minh -Ma- Ní, Tôn, Khoa... cả người đứng ngoài không tham dự đảo chính cũng lần lượt không được ký hợp đồng tiếp, và đương nhiên là bước hàng hai vào Trường Võ Bị Thủ Đức hoặc Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.
Đỗ trở về Đà Lạt với vợ đang mang bầu bước lên bậc thang máy bay C.130, anh nhìn lại sân bay lần chót. Hai bên vệ đường bay, cỏ lau có hoa đang bay theo chiều gió thổi thật mạnh. Nơi này xưa kia, mỗi sáng anh từng đếm được trên dưới năm chục chiếc trực thăng HU. I.B cất cánh khỏi bãi đậu như đàn chuồn chuồn kim khổng lồ lên đường hành quân. Lần về Đà Lạt này mang nhiều sự lo lắng, anh không biết sẽ làm nghề ngỗng gì ở nơi này. Với anh thì Đà Lạt là nơi tiêu tiền, không phải nơi kiếm được tiền. Hơn nữa cái gươm vô hình vẫn còn ở tuổi động viên treo lủng lẳng trên đầu, đưa đầu vào công sở nào, hồ sơ có hợp lệ quân dịch không, vẫn là ưu tiên được xét đến trước. Thắng về nội, bại về ngoại; sao câu kinh thi xử thế này ở đâu đưa đến giúp anh có cách giải quyết tình huống nan giải bủa vây. Nhưng Đỗ cũng không quên là rể ở nhà vợ như chó chui dưới gậm chạn, và lại càng hơn khi thất nghiệp cùng trốn lính trốn nhui trốn nhủi. Vợ anh vẫn là người bạn an ủi chồng nhiều nhất.
Bố vợ là nhà giáo về hưu có lương hưu, mẹ vợ lo chuyen bếp núc gia đình. Hai em trai bên vợ còn nhỏ đang theo trung học, em gái kế Khuê vẫn cắp sách đến Trường Nữ Bùi Thị Xuân. Nguyễn Quốc Văn đã vào Trường Võ Bị Thủ Đức khoá 24. Hàng ngày Đỗ đi bộ loanh quanh khu Hòa Bình, vòng ra bờ hồ Xuân Hương, đi bộ gần hết nửa vòng, ra công viên Bích Câu, chân mỏi tìm băng ghế ngồi nhìn mặt nước gợn sóng lăn tăn. Đưa hai tay vào túi quần lục lọi, mà chính bản thân biết chắc chắn một đồng bạc lẻ cũng không có. Cà phê ở quán cóc, khói bốc nghi ngút giá chỉ một đồng rưỡi, nhấp lên môi ngọt đắng vừa khẩu vị, thèm ơi là thèm! Ý nghĩ trong đầu nảy ra, hãy lội bộ đến quán cóc bến xe, ki-ốt đầu tiên là Domino, chủ quán cô Sau họ hàng với Cà phê Tùng, có chịu một ly đen nhỏ trả tiền sau, chắc không đến nỗi bị chối từ. Bỗng dưng lính tráng, cảnh sát ùn ùn tới trên xe Dodge 4 , sắc phục nghi lễ, thổi còi đuổi khéo khách bộ hành la cà đi chỗ khác. Chẳng cần phải hỏi ai cũng biết rằng quan chức cỡ lớn sắp đi qua. Nếu là phái đoàn Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương, thì phía sau có đoàn nhà báo tháp tùng, và trong số ấy không thể không có bạn bè anh là phóng viên đi theo viết bài. Anh muốn tìm con đường nào vắng nhất lẻn đi, không muốn gặp khi anh đang trong tình trạng thất cơ lỡ vận này. Cữ thèm cà phê uống chịu không còn thúc giục nữa, anh đổ dốc lên sân Cù, hướng thẳng lên đồi chờ cho đến khi nào phái đoàn đi qua rồi xuống phố về nhà lúc nào cũng được.
Không công ăn việc làm đối với một người viết văn là chuyện thường xuyên trong đời. Tất nhiên đói khổ, lo âu cơm áo hàng ngày không phải là chuyện đùa với khách thơ. Các văn nghệ sĩ tiền bối, như Tản Đà chẳng hạn, than van đem văn lên bán ở chợ trên Trời, đăng báo quảng cáo xem bói, hình như mỗi quẻ ba tiền, nhưng kiếm được tiền thì lý sự: chỗ ăn, thức ăn, bạn ăn phải hợp nhãn, đại để vậy. Rồi còn đào gạch nền nhà trồng rau húng để tự thưởng thức cho phỉ chí. Nhưng có cậu em họ làm bí thư cho Hoàng hậu Nam Phương, thấy vậy xin trợ cấp cho người anh họ thì ngoai ngoải lắc đau; nói theo kiểu bây giờ là chê đồng tiền dơ bẩn kia, kể cả có cách rửa tiền làm sạch đi nữa! Với hoàn cảnh của Đỗ bây giờ, vợ lại sắp sinh con đầu lòng, không nhà, ở nhờ bố mẹ vợ. Chuyện như rể chui dưới gầm chạn nhà bố mẹ vợ, với ai thì không biết; chứ với Đỗ, đã nhìn thấy cám cảnh của mẹ vợ đã như có thái độ đối xử khác thường rồi. Đỗ chẳng dám oán trách gì, tất cả việc xảy ra là do thiếu thốn bạc tiền. Lãnh trọn tháng lương lần cuối vào tháng 12 năm 1966 thì vừa đủ chi cho vợ đi nằm nhà thương phụ sản tư. Mẹ vợ săn sóc con gái, còn chồng thì chỉ chạy qua chạy lại thăm hỏi, và được cái từ hẻm 279 Phan Đình Phùng đến nhà hộ sinh tư chỉ cách hai chục căn nhà là tới nơi.
Lần đầu tiên trong đời nhìn thấy con trai cân nặng hơn 3 ký- lô đỏ hoẻn, khá bụ bẫm; tự dưng lòng người bố xúc động và hiểu được trách nhiệm làm cha là như thế nào? Khi lên đây ngay vài ngày đầu tiên, anh đã liên lạc với thiếu tá phó Nội An tỉnh Tuyên Đức để trông coi đoàn Xây dựng nông thôn Đà Lạt, mà đa số là khoá sinh của anh mới tốt nghiệp ở Vũng Tầu. Thiếu tá phó Nội an đồng ý để anh làm Thị đoàn trưởng, theo hệ thống chỉ huy của Tỉnh đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn tỉnh Tuyên Đức và việc này chỉ cần thông qua đại úy Vũ Đức Nghiêm là xong. Cầm giấy giới thiệu của phó Nội An đến nhiệm sở tìm đôi ba lần đều được báo là đi vắng, mặc dầu xe díp xếp đậu bên ngoài. Anh tùy phái nói với anh là ông ấy có mặt đấy. Đỗ đành đến bưu điện thoại gọi,Vũ ức Nghiêm không thể không trò chuyện ở công sở, hãy đến nhà ở Trần Hưng Đạo. Buổi tối đi bộ trên con đường heo hút vắng lặng này, giúp anh suy nghĩ được nhiều chuyện triết lý sống thật bổ ích. Vũ ĐứcNghiêm xuất thân khoá sĩ quan đầu tiên của Quân đội Quốc gia, khoá 1 Nam Định - bạn cùng khoá trong quân ngũ có kẻ đã bước lên thang danh vọng tột đỉnh. Như tướng Nguyễn Cao Kỳ, tướng Nguyễn Đức Thắng đặc trách bộ Xây dựng Nông thôn chẳng hạn. Còn Vũ Đức Nghiêm mới chỉ là thiếu tá, Tỉnh đoàn trưởng một tỉnh, nhưng Nghiêm tự hào kể lại với bạn bè:
“nó là tướng thì cũng thua tao, tao là nhạc sĩ tài danh không chỉ nổi tiếng trong nước mà hy vọng còn vang dội ra bốn bể năm châu” .
Nghiêm đã bác bỏ việc thiếu tá phó Nội An đề bạt Đỗ làm Thị đoàn trưởng, và trong thâm tâm nghĩ rằng rất có thể sau này Đỗ có thể thay thế. Tối hôm ấy, Nghiêm tiếp nhận sách The Phong, The Writer, The Word, the life chuyển ngữ qua tiếng Anh của Đàm Xuân Cận. Khi Nghiêm đưa ra lý do:
...“tôi thật tiếc là xếp Phó Nội An thay đổi ý, vì không có ngân sách đài thọ, nên chúng ta không có cơ hội làm việc với nhau...” ;
thì Đỗ đã thấy rằng anh không làm được công việc như Virgil Gheorghiu đã làm như tác giả kể lại trong cuốn tự sự của ông trong L’homme qui voyagea seul (Lữ hành đơn đoc). Bởi lẽ khi ông đến gặp ông tướng này thì cầm cuốn sách đã ký tặng để cảm ơn trước về một việc đã hứa với ông, nhưng không thực hiện. Việc đổi ý là từ phía ông tướng. Nên Gheorghiu không tặng cuốn sách mang theo kia nữa; sau khi rời khỏi nơi này, trên đường về xé một trang ký tặng. Còn Đỗ lại không làm được vậy đối với Nghiêm, vừa bầy tỏ lá mặt lá trái, nên anh chỉ xé giấy giới thiệu của phó Nội An gửi cho Nghiêm- còn cuốn sách đã ký tặng thì chót đưa mất rồi.
Buổi sáng hôm ấy, ông Phó Nội An chủ tọa lễ ra quân cho đoàn Xây Dựng Nông thôn tỉnh Tuyên Đức trên Đồi Eo Gió, anh được mời tham dự để làm quen với công việc sau này. Như vậy quả Nghiêm đã không muốn Đỗ nhận việc, chứ không phải từ cấp trên anh ta. Đi bộ từ đồi Eo Gió về đường Phan Đình Phùng Đà Lạt không dưới mười cây số, chân bước lê bước cao bước thấp với tâm trạng rối bời. Lại một lần nữa, ý nghĩ này lại lẩn quẩn trong tâm trí anh;
“Đà Lạt với anh không phải là nơi có thể kiếm được tiền mà chỉ để tiêu tiền mà thôi” .
Hai bên đường hoa quỳ dại nở vàng, với anh thật tuyệt vời khi ngắm chúng vào thời xa xưa; bây giờ lại thật trở nên vô vị. Trong đầu óc Đỗ bây giờ chỉ nghĩ làm sao có việc, hàng tháng được lĩnh lương cố định nuôi vợ con. Trên đường về, khát nước, chân mỏi rã rời; thì có người ới gọi tên anh. Quay lại, nhìn là nhận ra ngay Bùi Thức, một sĩ quan giảng dạy tại Trường Võ Bị Đà Lạt. Anh bạn này có viết văn, truyện ngắn thường đăng trên tạp chí Thẩm Mỹ ở Sài Gòn, trong tập đoàn báo chí của bà Bút Trà Sài Gòn Mới rất nổi tiếng ở miền Nam thập niên năm mươi. Bùi Thức cho anh địa chỉ ở khu cư xá quân đội Chi Lăng và nhắc đi nhắc lại thế nào cũng tới chơi. Anh ta còn nói thêm, vợ anh biết Đỗ ở Đà Lạt mà không tới thăm họ, hẳn là một sự bất nhã không thể tha thứ được! Bùi Thức còn nói đùa đi bộ ở đây thật tốt, và anh ta còn chỉ cho Đỗ biết từ Chi Lăng về chợ Đà Lạt có xe ca đấy. Đỗ gật đầu, chân vẫn lê bước, và khát nước kinh khủng, túi không còn lấy một đồng bạc. Và Đo vẫn nhớ vào năm 1957 ở Sài Gòn, khi đi dự đám cưới thằng bạn thân, túi cũng như bây giờ không có một đồng; phải xin Thức hai mươi đồng.
Ít ngày sau nhằm ngày chủ nhật, Đỗ lại lội bộ lên khu Chi Lăng đến nhà vợ chồng Bùi Thức ăn cơm rồi đánh chắn, được thì mang về, còn thua thì không cần phải trả nợ vay của họ. Thâm tâm Đỗ chỉ mong được bạc, như là đánh chắn kiếm gạo; nhưng may mắn chưa lần nào được đáp ứng.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ