Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

HỠI LINH HỒN TÔI ( IV) / Thế Phong / Sài Gòn -- trích: Việt Văn Mới, 23/ 11/ 2023 -NVA 2534 .( Troyes/ P{háp).

 Việt Văn Mới

      

tranh của cố danh họa Tạ Tỵ

HỠI LINH HỒN TÔI



             IV.

hụ tá Tham mưu phó kiêm đại đội trưởng đại đội ứng chiến gọi Đỗ vào văn phòng.

- Trung sĩ nhất Đỗ...., số quân 56/600595 trình diện đại tá.

- Mời anh ngồi. Có việc này tôi mời anh vào, về chuyện hạ sĩ Lê Biên bị anh đá vào ống quyển bằng bốt đờ xô, rồi bị giữ ở Tổng hành dinh. Sáng nay tôi đã cho anh ta về để sáng còn dạy học cho con chuẩn tướng. Anh thông cảm, vì anh là kỹ sư ở Pháp về, bạn với Tư lệnh, cũng như anh ấy mà - đồng hoá nên chưa hiểu mấy tác phong quân ngũ, ăn nói hàm hồ, cứ tưởng anh cho phép hạ sĩ Trần Công Khai miễn điểm danh lúc mười giờ tối, thì anh ấy cũng được như vậy. Tôi đề nghị anh du di cho, nghĩa là chỉ điểm danh lúc hai mươi giờ mà thôi, trừ trường hợp cấm quân, cấm trại trăm phần trăm, cho trường hợp của hạ sĩ Biên.

- Thưa đại tá, nếu ở vào địa vị tiểu đội trưởng thì thật khó làm việc đối với trường hợp hạ sĩ Biên ỷ thế, cậy quyền, ăn nói chông chênh, cư như ngữ cậu ta xách mé như vậy; thì thưa đại tá, rất khó chỉ huy anh em khác. Họ sẽ lấy gương hạ sĩ Biên không ở lại trại điểm danh lúc mười giờ tối, và một khi thiếu tá đại đội phó điểm danh bất thường tiểu đội một, tôi sẽ phải trả lời ra sao, thưa đại tá đại đội trưởng?

- Theo anh, tôi phải làm sao?

- Đại tá cho ra khỏi tiểu đội ứng chiến, khỏi điểm danh, điểm lợi gì cả?

- Như vậy đâu có được? Như anh, hoặc anh gì làm ở hãng Reuters còn phải vào trung đội ứng chiến cơ mà. Tư lệnh biết được chỉ có nước độn thổ. Nhất là lúc này Việt Cộng pháo vào Tân sơn nhất ngày ba lần, theo đúng giờ giấc, sáu giờ sáng, mười hai giờ trưa, và sáu giờ chiều.

- Thưa đại tá, hạ sĩ Biên còn ở tiểu đội một thì tôi vẫn phải điểm danh thường lệ, vắng mặt phải kỷ luật, không làm khác được.

- Theo anh còn cách nào khác không?

Suy ngẫm, dõng dạc, chậm rãi báo cáo:

- Không đưa tên cậu ta khỏi danh sách ứng chiến, thì tốt nhất chuyển qua tiểu đội khác.

Good idea ! cảm ơn anh.

Sau buổi điểm danh sáng, Đỗ được thông báo tám giờ trình diện đại tá Dinh, Tham muu phó CTCT. Đầu óc anh rối tung, đặt câu hỏi- có thể ra lệnh cho Biên hít đất nên thầy dạy Pháp văn cho con gái đại tá mách bu chăng? Hay là đã mấy lần được thông báo trước hàng quân, từ binh nhất đến thượng sĩ nhất có hai năm thâm niên cấp bậc phải khai với thượng sĩ thường vụ văn phòng đại tá, mà anh lại không chịu lên khai báo, bô bô nói chỏng, nào là đi lính như anh, được đeo lon trung sĩ, thì không phải lập bàn thờ tổ tiên nữa, vì như vậy đã làm rạng rỡ gia đình lắm rồi! Trước khi lên văn phòng, anh xốc quần áo chỉnh tề đứng trước gương soi, rồi gõ cửa phòng đại tá. Bước vào, giơ tay lên trán chào kính, xưng hô cấp bậc, tên thật, số quân. Thì anh đã liếc thấy đại úy trưởng phòng xã hội ngồi ghế khách. Nhìn thấy trung sĩ Đỗ, đại úy không vui, bởi nhớ tới tối hôm nào điểm danh, gọi một hạ sĩ đến ra lệnh:

- Mày buông mùng cho tao ngủ nghe mậy? và chỉ tay ba lô của xếp ở cuối phòng.

Hạ sĩ gằn tiếng hỏi lại:

- Đại úy nói lại một lần nữa, được không?

- Có gì không được mày? Thằng này láo, tao nói mày đi buông mùng, tao buồn ngủ quá trời!

- Ông ở bộ binh chuyển về không biết đó thôi. Không quân, từ lính đến quan, thằng nào cũng giống thằng nào, tự buông màn lấy cha nội.

Quả thật đại úy không biết lối sống không quân, ông tên là Trường, cách đây ít lâu từng là quận trưởng Nhà Bè. Bị thay thế, chạy chọt về làm phòng xã hội không quân, mà thường ra chức vụ này do nữ quân nhân đảm trách. Ông không thể quên sau khi hạ sĩ nói vậy, kẻ cười lớn tiếng nhất là trung sĩ Đỗ đầu têu làm tất cả lính có mặt cười họa theo. Và ông không thể quên bản mặt thằng này.

- Báo cáo nhanh, gọn - đại tá ra lệnh.

- Bố tôi đi cày, mẹ đi cuốc, khuyên con nếu sau này đi lính được thăng chức trung sĩ thì không phải lập bàn thờ tổ tiên nữa, thưa đại tá.

Đại tá ra lệnh cho đai úy Trường:

- Đại úy áp tải xuống Tổng hành dinh nhốt chờ lệnh.

Mặt ông nóng bừng, giọng sừng sộ, thân hình cao lênh khênh, nói giọng Huế, tiếng chửi thề theo tiếng Nam đù mả nghe thật tức cười! Đang trong tình trạng bối rối, anh không thể bật cười nhớ tới hình ảnh bà cố vấn Trần Lệ Xuân thời Tổng thống Diệm; bà ngồi trên ghế bành đỏ chót, hiên ngang đứng dậy lắc đầu làm duyên, hô khẩu hiệu: “Phụ nữ Việt Nam muôn năm” nói giọng Huế như “Phụ nữ Việt Nam muốn nằm

Đại úy hỏi anh câu đầu tiên:

- Trung sĩ không được giải ngũ kỳ này nên bất mãn hả?

Việt Cộng tổng tấn công xuân Mậu thân, đúng ba mươi rạng ngày mùng một tết âm lịch. Ngay sau đó Bộ Tổng tham mưu ra lệnh đình chỉ lệnh cho giải ngũ, sĩ quan hạ sĩ quan và binh sĩ đều ở lại quân ngũ. Đại úy tưởng Đỗ bất mãn bị lưu ngũ, và không biết rằng mới được đồng hoá. Song đại úy vẫn không thể quên bản mặt đáng ghét đêm nào. Đỗ trả lời:

- Không.

- Tôi chưa gặp trường hợp nào như thế này. Thâm niên cấp bậc hai năm thì khai để lên lon, thêm tiền lại sớm thăng chức quan quản, lên lương cho vợ con nhờ. Anh có đông con không?

Đỗ trả lời bằng cái gật đầu.

Đại úy thương xót trung sĩ, tỏ ra mình thân cận với cấp trên:

- Anh không biết đó thôi, đại tá thuộc gia đình vọng tộc, thân sinh Tổng đốc; ông nghiêm khắc, nhưng tâm phật, thương lính tráng như con, cháu; chẳng nỡ hại ai bao giờ? Anh không biết câu trả lời vừa rồi làm hại anh đó!

Không nói ra, anh biết đại tá không phải con trai Tổng đốc Võ Chuẩn, chỉ gọi tổng đốc là bác ruột thôi. Nữ văn sĩ Linh Bảo mới đúng con gái Võ Chuẩn. Vị đại úy nói tiếp:

- Anh không biết rằng, câu nói chạm nọc ổng. Tuy công tử thật, không bằng bối, đi lính Tây đóng vai thầy đội như anh, rồi được quan Tây thương, đề bạt theo học khóa 4 Trường Võ bị Đà Lạt. Ổng là xếp cũ Tư lệnh không quân đấy.

- Có phải ổng là chỉ huy trưởng Phi đoàn quan sát 110, còn tư lệnh lúc ấy là phó?

- Thế sao anh nói mới vào lính?

Khi Tổng hành dinh, đại úy trao đổi với chuẩn úy Trâm, giao anh lại cho họ, vẫy tay thân thiện bai bai .

Đỗ ngồi đây để nhận lệnh mới, có thể bị nhốt giam tại trại giam khu vực Tân sơn nhất thuộc Không đoàn 33; hoặc xa hơn được gửi sang trại giam Tổng tham mưu, có lần thượng sĩ Cường bị nằm ở đây mười lăm ngày. Cường viết báo chuyên trách mục châm biếm trên tuần báo Con Ong chủ nhiệm Minh Vồ. Một buổi sáng ở Câu lạc bộ Bộ Tư lệnh, có hai vị mang sao, một đại tá ngồi trong bàn ăn dãy dành cho hạ sĩ quan, binh sĩ. Tư lệnh nói lớn với hai vị bên cạnh:

- Ê mầy Bôn Lành có sước danh mới, sao chưa nấu nồi chè khao mầy?

Tư lệnh phó thưa lại:

- Thưa Tư lệnh tui có tên mới hồi nào cà?

- Làm bộ giả nai mầy? Mầy không đọc báo Con Ong sáng nay sao?

- Dạ chưa, thưa Tư lệnh.

- Thiệt sao mầy?

- Thiệt đó Tư lệnh.

- Mầy tên Võ Xuân Lành, phải dzậy không? Nhà báo Dê Húc Càn đoi tên cho mầy có sước danh Bôn Lành, cấm nói lái ạ! Như em ơi, tên em mỹ miều quá ha, Thu Đạm, cũng không được nói lái ạ nghe.

Tư lệnh phó chậm hiểu, Tư lệnh lại bồi thêm:

- Thu Đạm nói lái là tham đụ , còn Bôn Lành thì mầy tự hiểu lấy.

Rồi bật cười khà khà, cười lớn đến nỗi rung mép, hàm ria rậm tua tủa như bàn chông rung theo. Tham mưu trưởng hiểu nhanh hơn, mặt tái đi; vì biết thượng sĩ Cường thuộc khối CTCT viết báo châm chọc Tư lệnh phó như thế này, thì xếp trực tiếp chỉ còn cách độn thổ. Nháy mắt gọi nhà hàng như ghi tiền vào sổ bụi đời , rồi xin phép hai xếp lớn về văn phòng trước. Ông tới nơi làm việc hùng hục, ngồi vào bàn bấm chuông gọi đại úy Khải, xếp trực tiếp thượng sĩ Cường lên nhận lệnh.

Ít tiếng đồng hồ sau, bị đưa sang Trại giam Tổng tham mưu, cùng giấy phạt mười lăm ngày trọng cấm. Đỗ nghĩ tới câu trả lời vừa rồi khiến đại tá bực bội, mặt nóng bừng, hẳn mười lăm ngày cũng không là chuyện lạ. Bỗng có người vỗ vai, quay lại gặp trung tá Ẩn:

- Ê, sao mày bị giam hả?

Đỗ gật đầu thay lời. Vì thường ra, cặp trung tá trung sĩ này, đi với nhau mặc quân phục hẳn hoi, xưng hô tao mày bình đẳng, kể cả trung sĩ xưng hô tao mầy với trung tá. Trung tá tiếp:

- Tao mới được báo mày bị giữ ở đây. Tao trình Tư lệnh, ổng bảo xuống lãnh mày về hồi sau phân giải. Ra lệnh cho chuẩn úy Trâm, với lời ngắn, gọn: “tao lãnh nó nghe mầy” . Hai tên lại xuống Câu lạc bộ, ngồi vào bàn gọi cà phê, Ẩn hỏi:

- Mày nói gì để ổng lên cơn?

Đỗ kể lại đầu đuôi xong, Ẩn bình:

- Mày chọc vào ổ rắn lửa chết chắc rồi. Hổng biết ai báo với Tư lệnh rồi ổng gọi tao lên biểu: “... Ê bạn mày lâm nạn rồi, xuống Tổng hành dinh lãnh rồi báo cáo tao nghe mầy”. Mầy có nhớ khi tập truyện ngắn Chết non của ổng chưa xuất bản, thì Dê Húc Càn nhận lệnh xếp Khải cầm bản thảo về đọc, viết phê bình văn chương kiểu nâng bi tướng đái, khen không kịp thở trên báo nhà Lý Tưởng . Tác giả đọc xong, đỏ mặt như gái sắp lên giường chung gối với tân lang, lắc đầu quầy quậy; thế là xếp Khải lẫn lính lác mất điểm. Tao thấy ổng còn tư cách, chứ xếp lớn làm văn chương thì dở khen hay, khá hay thì được bốc tuyệt vời, chẳng hạn vậy.

Đỗ kể đầu đuôi câu chuyện cho Ẩn nghe, về Khối làm việc; xếp Khải gọi lên buộc trình bầy nguyên cớ nào xếp lớn ra lệnh nhốt?

- Ông nhớ giải trình với Sao nhé, còn phía đại tá tôi sẽ lo xong, mà xong ngay thôi. Nhưng tôi hỏi thật, ông không biết xưa ổng là trung sĩ như ông bây giờ, sau được đề bạt đi học sĩ quan, và ông không cố ý nói móc xếp, có phải vậy không?

Đỗ gật đầu cầm nón kết ra khỏi phòng thì xếp Khải gọi giật lại:

- À này ông Đỗ, với mấy cậu lính văn nghệ thì điểm danh phiên phiến thôi, đại tá cũng chỉ thị vậy rồi.

Đỗ gật đầu tuân lệnh, giơ tay chào kính, về nhà trong khu gia binh. Vừa ra khỏi cổng Bộ Tư lệnh thì như có tiếng ai gọi phía sau. Ẩn hỏi:

- Nhà mầy còn gạo không?

- Còn.

- Cho tao vài lon, nhà tao hết gạo rồi mậy.

Trung tá phi công từng rớt máy bay khu trục nhiều lần, từng giữ chức Chỉ huy trưởng Căn cứ 92, một vơ sáu con lóc nhóc, đang tuổi lớn, ăn như tằm ăn rỗi; nhà ở khu gia binh sĩ quan, vợ trông nhà nuôi con. Và phu quân tuy giữ chức trưởng phòng hành quân chiến cuộc có tiếng không miếng, viết báo Lý Tưởng chẳng được đồng xu, bạc cắc. Nó thường than với Đỗ có cách gì kiếm tiền lương thiện, chứ không thể buôn thuốc phiện, buôn vàng từ Lào về như bạn bè có đứa đã giầu sụ. Nó coi Đỗ cố vấn văn chương, đọc thơ, và truyện của nó; liệu có thể đưa ra báo ngoài đăng kiếm tiền đong gạo không? Và cả việc đem bán tác phẩm cho nhà xuất bản bên ngoài in, như Đỗ từng giới thiệu Chết non với NXB Vàng Son in lại, được trả bản quyền một trăm ngàn in một ngàn cuốn. Ẩn nhắc lại giai thoại tác giả được trả bằng chi phiếu, đai tá chánh văn phòng xin ý kiến ra ngân hàng lãnh; thì ổng lắc đầu, bắt lộng dưới kiếng bàn cho biết túng tiền mấy cứ để đó ngắm chơi. Đỗ ngồi bên trái xe díp, Ẩn lái sang toà báo quân đội Tiền Tuyến đưa bài in. Chủ bút Phan Lạc Phúc nghe thấy họ xưng hô trò chuyện mày, tao thật ngạc nhiên; bởi cả hai mặc quân phục, đeo lon lá đàng hoàng. Sĩ quan xưng hô với hạ sĩ quan mầy, tao đâu có gì lạ - nhưng hạ sĩ quan gọi trung tá mầy, tao thì chẳng lẽ chúng nó đều cá mè một lứa cả. Có lần Phúc hỏi Ẩn “thế ra hai ông xưa kia bạn học với nhau, phải không?”/-Không, Ẩn đáp/ - Vậy thì cách xưng hô của hai vị làm tôi bỡ ngỡ lạ thường!

Từ đó Ẩn có thêm tiền bài, sau còn in được tập truyện ngắn Bay trong hoàng hôn tiếp Đào ngũ... Có lần Đỗ nói đùa:

“Ê mày, viết cho trúng hỏi ngã, mày là dân Sóc Trăng thường lẫn lộn hỏi ngã- nên tác phẩm “Đào ngũ” của mày trở thành: “đào ngũ rồi kiếm đào ngủ đấy” . Đỗ kể cho bạn nghe thêm vài chuyện nữa, một nữ đồng nghiệp thấy bạn mình xuống ca, vẫn cứ nán lại nói chuyện chưa chịu về nhà. Cô ta nhắc bạn: “Về đi còn đi chợ nấu cơm cho chồng con ăn chứ”. Người khách nói chuyện với cô bạn tiếp lời: “-Cô nói “nấu cơm cho chồng con ăn” , thì đúng là chồng của cô mà con cũng là con của cô. Chứ nói ”...nấu cơm cho “con chồng” thì nhất định đứa con này không phải là con của cô và chồng cô - mà là con riêng của chồng đấy.” Cả ba cùng cười thoải mái.

Xúc gạo cho bạn rồi, Đỗ thấy hoàn cảnh sống của vợ chồng anh ít lâu nay có khá hơn. Xưa có lần, nhà hết tiền mua sữa cho con bú, anh lặn lội chạy đôn đáo đến nhà bè bạn xoay sở. Lúc cầm được năm trăm đồng từ tay Tuấn Kiệt, anh mừng tủi rồi nhớ thấm thía nỗi cay đắng chạy gạo của Nguyễn Hoàng Quân. Anh còn nhớ bài thơ đăng trên báo Tia Sáng Đặc San trước năm tư ở Hà Nội. Anh nhẩm đọc một mình:

Chân đã mỏi rời lê mấy phố
     Bạn bè tình nghĩa có bao nhiêu?
     Em tôi mắt nhỏ bên song cửa
     Trông đợi tiền đong bữa gạo chiều

     Bụng lép ra đi từ sáng sớm
     Mấy thằng bạn kiết rủ chơi rong
     Chè tầu thuốc lá “la cà sĩ”
     Bấm bụng cho qua phút đói lòng

     Thiên hạ có đi thì có lại
     Kiếp nghèo tình nghĩa cũng bằng không
     Bao giờ bẻ bút xoay nghề khác
     Em khỏi bên thềm đứng ngóng trông

     Trở về cát bụi đầy hai túi
     Em bảo: : “Chiều nay hết gạo rồi”
     Chớp chớp hàng mi tôi nói nhỏ
     Kinh thành đen bạc lắm em ơi!

     Thăm thẳm trời xanh như mắt em
     Thơ tôi vàng úa mộng im lìm
     Thơ vàng mắt thắm không ra gạo
     Gạo hết em ơi vũ trụ chìm.

     N.H.Q.

Đỗ nhủ thầm, phải trải qua cơn đói rồi đọc thơ Bữa cơm chiều mới thấm thía. Nhà Ẩn hết gạo, sáu cái tàu há mồm cùng kêu la đói quá thì “Ẩn ơi thơ mày có hay mấy, thì vũ trụ cũng chìm” như lời thơ Nguyễn Hoàng Quân thôi, chẳng khác hơn được đâu? Còn tao, con khát sữa còn khổ gấp bội, phải chạy rạc cẳng kiếm ra tiền mua sữa; không có không thể về nhà được. Nên sau này gặp thằng Kiet ở đâu, tao vẫn không thể quên tờ giấy bạc năm trăm đồng bữa nào. Và khi thấy nó đói rách không cần nói thành lời, tao cũng chia xẻ ngay đồng tiền với nó. Cũng không thể quên lần nó giới thiệu Du Tử Lê với tao, cung tập thơ đầu tay cần được viết tựa; thì tao không thể không cầm, cầm về rồi không thể không đọc, và thơ bạn trẻ ấy hợp với khẩu vị thưởng thức của tao, tất nhiên tao không thể chối từ. Vì lý do đó mày thấy trên đầu tập thơ ấy có hai câu thơ của tao thừa nhận tài năng thi ca chàng Du Tử.

Về đến nhà, Khuê nhắc chồng về nước uống không còn một giọt chảy. Nhìn mấy robinets khô ran, Đỗ cầm hai xô không chạy sang nhà Ẩn, rồi nói như đùa:

- Nhà mày có nước không? Có, thì cho tao hai xô tràn đầy lòng yêu nước. Mày nhớ rằng không cần phải kích động lòng yêu nước của lính tráng thuộc quyền như tướng huấn dụ sĩ quan, binh sĩ, nữ quân nhân ở sân cờ. Mày có biết tại sao lại như vậy không? Bởi Sài Gòn mùa hè hừng hực nóng, ít ra đòi hỏi mỗi chúng ta, từ tướng đến binh nhì có “ít nhất hai lần cần yêu nước trong ngày. Có phải vậy không?”

Đỗ nhìn qua bên kia hàng rào, dãy barrack dành riêng cho cố vấn Mỹ, nay vắng như chùa Bà Đanh. Họ đã cuốn cờ sao sọc ở sân bay Tân sơn nhất về nước từ 1973. Nhìn nhà cửa không người ở mới cảm được sự lạnh tanh, không còn sinh khí sự sống. Cho đến khi anh nhìn thấy sự sống khác đang từ những robinets khoá ri rỉ dòng nước, sức sống nơi đây vẫn tồn tại. Trong óc nảy ra ý thử sang bên đó xem và có thể chỉ cần mở khoá dẫn nước về là có lòng yêu nước tràn trề. Quả đúng như ý nghĩ của anh, mở con tán ra nước ào chảy, rồi khoá lại về nhà tìm ống nhựa “chiến lợi phẩm” của Mỹ bỏ lại dùng vào việc dẫn nước về dùng. Anh không có kinh nghiệm của thợ ống nước, nối đầu mỗi ống với nhau thì nước chảy tràn lan. Anh đào hai hố lớn thật sâu đủ chôn hai thùng phi nối nhau chứa nước dẫn đến vườn nhà khi nào đầy thì khoá lại ở phía dãy barrack của Mỹ. Một lần khi vừa khoá xong leo rào về đến vườn nhà, thì bên dãy barrack có tiếng gọi anh. Quay lại nhìn thấy một đại úy cùng một quân cảnh đeo Colt 45 xệ ngang hông vẫy gọi, hỏi tên một cách xách mé:

- Có phải là trung sĩ Tường thì trả lời?

- Đúng, có việc gì, nói?

Giọng anh sấc không kém viên đại úy. Bây giờ đã đến gần nhau, anh nhìn rõ bảng tên P. THAI và quân cảnh tên HỔ. Thượng sĩ quân cảnh mang tên Hổ, đã nổi danh trong Không quân hắc ám, sĩ quan ra cổng không giấy xuất trại còn ngán ngẩm, huống hồ hạ sĩ quan, binh sĩ. Đại uý Thái còn trẻ, tốt nghiệp Võ bị Thủ Đức được chuyển về làm Phòng kiến tạo Sư đoàn 5 KQ. Thấy viên hạ sĩ quan cởi trần, tướng tá đô con, ăn nói ngang ngửa, đại úy hỏi như hỏi khẩu cung:

- Ê, từ lâu dãy barrack này mất rất nhiều đồ, nay mới bắt gặp lính tráng trèo rào sang bẻ khoá lấy nước; thì sao lại không thể không dính líu vào vụ trộm cắp đồ trong barrack sĩ quan Mỹ nhỉ?

- Không thể vu cáo láo lếu như vậy được, một khi chưa có preuve palpable .

- À thằng này lại nói tiếng Tây, lý sự cùn, ông cho ra Toà án mặt trận cho biết mặt.

Biết không thể đấu lý, anh trả lời gióng một:

- Cứ làm theo ý thích!

Rồi lừng lững vào nhà, đóng chốt cửa sau lại, ra phía phòng trước, Vợ đi làm chưa về, các con đi học cũng chưa về - nhà chỉ một mình cảm thấy rờn rợn, sợ hãi. Nhìn khẩu Carbin mới lãnh được treo trên tường, lấy xuống đặt bên cạnh sa lông. Rút điếu thuốc lá trong bao Chesterfield, bật quẹt châm lửa, gác chân lên thành ghế nhìn khói thuốc bay lên trần. Cần suy nghĩ thì đó là thói quen khó bỏ, lại nghe thấy ai léo nhéo giọng quen quen, hóa ra biết số nhà rồi, ghi lại, mai đầu giờ mời lên làm việc - tiếng đại úy Thái chỉ thị cho thượng sĩ quân cảnh. Anh vẫn ngồi, án binh bất động, và nghĩ rằng việc chưa đến nỗi nào, dầu hung hăng mấy cũng không dám phá cửa vào. Nhưng anh vẫn đề phòng, với lấy khẩu Carbin lên đạn, đặt vào chỗ cũ, nghe thấy tiếng léo nhéo càng lúc càng xa.

- Thế là tìm được thủ phạm rồi, trình lên trung tá Sơn Yểm cứ cho nó đi tù là vừa!


Nhớ lại buổi sáng uống cà phê, Ẩn kể chuyện trung tá Sơn, chỉ huy trưởng Liên đoàn Yểm cứ báo cáo Tư lệnh sư đoàn 5 KQ, đã bắt được thủ phạm ăn cắp trang bị nội thất, giường sắt, nệm, bàn sắt, ghế quay.. ở những barrack của Mỹ bên hông sân trực thăng là trung sĩ Tường, báo Lý Tưởng, nhà số 5 dãy 3989 khu gia binh Phi Long. Chánh văn phòng, thiếu tá Chấn cười ồ bảo Sơn tin này hoàn toàn phịa, tướng Tiên đọc báo cáo xong, phê:

“... Dẹp, ông ấy trèo tường sang mở “robinet” lấy nước mà thôi, còn đồ dùng thất thoát trong khu “barrack” Mỹ thì các ông lấy rồi đổ tội cho nhà báo sao? Dẹp”. Lại còn hý hửng kể thêm chuyện mới vừa biết đươc:

- Này mày có biết lái xe không?

Lái xe gì mới được chứ?

- Lái xe díp chứ xe gì mậy?

- Rất tiếc tao cóc biết lái; ngoại trừ xe gắn máy.

- Biết, tại sao không? Bởi lẽ tướng muốn can thiệp đưa nữ đại úy bạn cũ của mày ở Quân khu I về BTL làm trưởng phòng xã hội thay đại úy Tâm.

Phải rồi, Đỗ nhớ ra cô Tâm là bạn của Mỵ từ ngày còn học nữ trợ tá xã hội ở Tú Xương. Khi ấy cô Tâm có một anh bồ (nay là chồng), chẳng có công ăn việc làm chắc chắn, nay đóng vai ông nội trợ cho nữ đại úy coi sóc nhà cửa, con cái cho cô chủ đi làm. Nữ đại úy Tâm ở cùng khu gia binh không quân, đôi khi Đỗ gặp anh ta lái xe díp cho phu nhân dạo chơi. Mỗi lần Tâm gặp Đỗ, chỉ mỉm cười, để nhớ lại một thời xa xưa. Chẳng hạn Tâm đã lập gia đình với người mình yêu; còn Mỵ thì ngược lại. Nên Tâm đùa cợt khi gặp trung sĩ Tường thùng thình trong bộ quân phục treilli bốn túi không sửa, lon lá chỉnh tề “... chúng em mời anh sang nhà chơi vào thứ bẩy này, Mỵ nó sắp từ Đà Nẵng vào đó”. Đỗ không hỏi lý do nào nữ đại úy Tâm xin thuyên chuyển đến đơn vị khác, trưởng phòng xã hội có nhà quân đội cấp, công việc làm thoải mái trong đơn vị nổi tiếng hào hoa, bay bướm.

- Mày có cảm thấy vui không? Ẩn hỏi. Đỗ điểm nụ cười hài hước.

- Vui quá đi chứ!

Vì khi nữ thiếu tá Mỵ Nhân về đây thì hồn thơ và người thơ thường gặp nhau hàng ngày- Ẩn tiếp theo nụ cười hài hước lần hai, rồi kể tiếp với giọng nói oang oang:

- Sáng nay ổng ới tao đi ăn sáng, Tư lệnh hỏi tao có phải Mỵ Nhân là người được nhà văn chúng ta viết trong tự sự kể không?

Đỗ không hiểu là Ẩn có rành sáu câu về Mỵ Nhân không, nhưng theo anh kể lại cho Tướng nghe tuy hai là một đó. Và tướng bảo một khi tân trưởng phòng về đây, sẽ đưa Đỗ về lái xe díp cho Mỵ Nhân, hy vọng có xếp mới này, thì Đỗ sẽ bớt ngang bướng hơn chăng? Khi Đỗ nghe xong, hiểu ngay rằng xếp lớn Không quân đã nhieu lần bình phẩm về một lính kiểng, giữ đúng tác phong: quân phong, quân kỷ; lại không giống binh lính khác. Ngay tư lệnh không quân cũng chẳng giống tướng nào khác. Rất nhiều văn nghệ tính; ngay chính với Đỗ đôi khi cũng bị hẫng trước việc xử sự hàng ngày. Có một lần Ẩn xuống chỗ làm việc của Đỗ rất sớm, chuyển lời tướng gọi Đỗ lên văn phòng tư lệnh. Quân cảnh gác trước phòng chẳng hỏi han khi anh vào phòng, họ biết Đỗ đến đây là được tướng mời, chỉ vào báo trước không sợ la rầy. Buổi ấy tướng mời Đỗ sang Câu lạc bộ Mây Bốn Phương Trời ăn sáng. Câu lạc bộ nằm trong khuôn viên Không đoàn 33, trước đây Lưu Kim Cương tư lệnh không đoàn mới tử trận qua chiến dịch Mậu Thân đợt hai, vào giữa năm 1968 ở Nghĩa trang Pháp. Khi tử trận, Cương mang cấp bậc đại tá, lúc chôn cất ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi vinh thăng chuẩn tướng. Buổi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng rất đông văn nghệ sĩ từng giao du yêu mến luyến tiếc, như nhạc sĩ sáng tác bài Anh nằm xuống, tác giả Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Nhưng điều lạ nhất, tác giả ca khúc ấy hôm nay không có mặt. Buổi sinh thời, Trịnh Công Sơn giao du thân mật với Cương, được yêu mến giúp đỡ, nên có lần đã đề nghị với tư lệnh đưa Sơn vào lính Không quân tránh đi quân dịch, ẩn náu cơn phong ba binh đao. Nhưng tư lệnh trả lời Trịnh Công Sơn không thích hợp với quân chủng này. Và nếu nhận Sơn làm lính KQ giống nhiều ca nhạc sĩ khác như Duy Quang, Nguyễn Trung Cang, Trí khùng... thì chưa chắc Sơn làm được hoàn hảo. Buổi ấy có một nhà văn đùa cợt kể lại với bạn bè về cuộc đời hàn vi tướng Cương thuở thiếu thời. Ngày xưa, còn là học sinh ở Hà Nội trước năm 1954, chàng phi công đã từng làm lơ xe. Có một buổi, lái xe chính đậu xe chở hàng ở Bần Yên Nhân ăn cơm trưa, sau đó lái tiếp về Hải Phòng. Lái xe châm điếu thuốc lá phì phèo trên môi hút rồi chợp mắt ngủ lúc nào không hay, chỉ chờ cơ hội này, anh phụ lái Cương mới có cơ hội leo lên buồng lái cầm vô lăng luyện nghề; chẳng may xe đụng phải một người đi đường. Rồi bước vào vòng từ tội, diện bích trong bốn bức tường lao lý. Và Cương đã học chữ ở đấy cho đến khi ra tù, anh chạy được cấp một chứng chỉ trung học đệ nhất cấp đủ nộp vào hồ sơ tuyển phi công Việt Nam sang Marrakeck của Quân đội viễn chinh Pháp. Sau khi tốt nghiệp trở về nước mang lon phi công trung sĩ, dần dần leo lên chức chỉ huy trưởng Liên đoàn Thần Phong, bên cạnh bạn thân có sước danh Khoa Đen, trưởng phòng hành quân đem máy bay AD5 ra Vĩnh Linh dội bom. Cánh diều danh vọng của Cương càng ngày càng lên cao. Cương bay bổng rất nghề, nên có một lần tư lệnh Không đoàn 33 gặp một nhà văn mới được đồng hoá vào Không quân, thì Cương hỏi ngay bạn kia đã có lần nào nghe đến tên phi công tài danh số một Cương chưa nhỉ?” Nhà văn này, bạn học Khoa Đen và buổi ấy Khoa Đen được chứng kiến bạn cũ thưa lại như thế này. Đại để: “... Thưa tư lệnh Không đoàn, tôi cũng là dân học sinh Hà Nội, thật mà nói, quen với Ngài thì chưa, nghe đồn về danh Ngài từ thuở xa xưa thì có chút ít”. Tư lệnh không đoàn chưng mắt nhìn, hỏi tiếp: “Rồi sao nữa, hỡi nhà văn trung sĩ không quân, xin cứ cho được nghe tiếp”, Đỗ thủng thỉnh đáp: “...Chẳng hạn Ngài lái máy bay giỏi trên không trung, cũng như xưa kia lái xe ô tô trên đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. Ngài thuộc “virages” như nắm trong bàn tay, kể cả ổ gà, ổ trâu, cả khúc gập ghềnh, đoạn nào lồi, đoạn nào lõm; Ngài đều sử dụng tuyệt chiêu như hiệp sĩ thượng thừa. Về sau này Ngài lại nổi tiếng là tay “lady-killer” hoặc trả “cachet” hậu hĩnh đối với nghệ sĩ đàn ca được mời. Ngài mời ca sĩ thượng tầng như Thái Thanh, Lệ Thu... vào câu lạc bộ “Mây Bốn Phương Trời” đàn ca, thù lao được gửi lại trong phong thư. Chỉ một bài thôi, còn nhiều hơn lương lính không quân một vợ bốn con như tôi đây chẳng hạn. Ngài rất say đắm âm nhạc, dùng cả mot phi cơ “Cargo 123” bay sang Tokyo chỉ để mua ván ép chở về để đóng trần câu lạc bộ cho âm thanh vang dội ép phê hơn. Ngài rất kỷ luật trong việc cấm trại, cấm quân. Kể cả lính đến quan phi công, ai mắc phạm quân kỷ, Ngài đều xử công bằng...”

Khoa Đen cười vang nắc nẻ, khích thêm “vậy đâu là bằng cớ cơ chứ nhà văn?” Nhà văn trung sĩ tiếp tục: “... Như người ta kể lại cứ mỗi lần cấm trại, Ngài cùng bộ sậu tham mưu ra ngay cổng Phi Long chặn quân nhân xuất trại; đến nỗi ngay cả đại tá Lành, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Không quân lái chiếc Lambrettis “trâu già” cà tàng ra gần đến cổng Phi Long và nhìn thấy cảnh Ngài xua đuổi quân nhân vô lại trại, đại tá đành lái xe hai bánh về lại và lái xe díp ra – mà lòng vẫn chột dạ chưa chắc ăn, nhưng chắc là xuất trại được chứ mặt mũi nào đuổi ổng vào! Người kể lại câu chuyện này chính là trung tá bạn thân của ổng, trung tá Tiệp co bộ râu quai nón, thời đệ nhất cộng hoà từng đặc trách an ninh KQ. Có lần Ngài đem xe díp ra phố Lê Lợi, Tự Do... chặn bắt bất cứ quân nhân nào ở ngoài phố và hình như Ngài đã buộc một phi công cấp tá ở Biên Hoà lên ngồi sau xe Dodge 4 cùng với chiếc xe gắn máy Suzuki 12 về Tân sơn nhất chỉ vì không giấy xuất trại ...”.

Khoa Đen tiếp tục khích, cười vang lấy làm thích thú rồi kể lại rằng:

- “... Thằng này từng là bạn thân của tôi, cả anh ruột tôi, khi tôi ở Hà Nội đang theo học Albert Sarraut. Chính ông trung sĩ này đi xe “cuốc” hiệu Follis nhìn thấy đoạn đường đào ngang mắc ống nước lại không thèm giắt qua, mà lấy trớn từ xa nhẩy qua cùng xe và qua ngon lanh. Tôi bảo nó rồi ra trên đường đời mày sẽ còn giữ được chất gan lì ấy ...”.

Cương cũng cười vang theo Khoa Đen rồi quay sang nhà văn trung sĩ:

- “... thế ra ông biết về tôi cũng đáng nể lắm!” Sau này Cương qua đời, như lời nhạc tha thiết của Sơn là “bỏ bạn bè ở lại bỏ cuộc rong chơi đường đời nửa gánh”. Cương còn hỏi nhà văn trung sĩ có biết nhà báo Phan Nghị, và có đọc cuốn sách viết về Cương khi làm tư lệnh ở Vương quốc Cần Thơ không? Nhà báo Phan Nghị đề cao tài năng phi công tài danh Cương còn là một người yêu văn nghệ đầy mình, và chỉ có thể so sánh với một ông tướng quân khu tư hồi nào. Nhà văn này cười rồi đáp “... thì nhà báo kia đã được đền đap bằng những ngàn cuốn sách được Ngài đặt mua; ấy là chưa kể đến hậu đãi đền bù tiền tài như một Mạnh Thường Quân coi đồng tiền không lớn hơn Trung Hoa lục địa”.

Bỗng tư lệnh Không quân quay sang bảo trung sĩ Tường:

- Chung ta đi ăn sáng chứ ông!

Đỗ bận bộ quân phục treillis bốn túi, lon lá đàng hoàng, cái mũ calot xanh giắt ở lưng quần đi theo sau Tướng xuống bậc tam cấp Bộ tư lệnh. Chiếc xe díp của tư lệnh mang số ... 13 cuối cùng, bên canh có cái xẻng, phía hàng ghế dàn hàng ngang; là đại tá phi công Chung, Tham mưu phó CTCT, xếp của Đỗ đang chờ. Đỗ giơ tay chào ông, và ông giơ tay chào lại, cả ba đi lại phía xe díp, Tư lệnh lên ngồi ghế lái chỉ tay sang ghe bên cạnh :

- Ông ngồi đó đi.

Trước cảnh khó xử này, xếp của anh ngồi băng ngang phía sau, với tư thế ngồi quay lưng lại; đây là cách bố trí ghế đặc biệt dành cho cận vệ hoặc quân cảnh ngồi cầm súng hộ tống tướng mỗi khi di chuyển, để canh chừng từ phía sau. Đỗ thưa với tướng:

- Thưa tướng, lẽ đời như là quan trên trông xuống và người ta trông vào, tôi xin phép được ngồi băng ngang phía sau.

Tướng cười đến nỗi đôi ria mép rung lên, giọng nói ồ ồ ra lệnh:

- Ông cứ ngồi, mặc nó.

Và chiếc xe díp bon bon chạy hướng về Câu lạc bộ vừa kể trên kia có trần đóng bằng ván ép ngoại nhập do đưa máy bay sang tận Nhật chở về buổi nào. Đỗ còn như nhớ rõ là khi tướng nói vậy, đại tá Chung nói với anh “xin ông cứ ngồi băng trên như tư lệnh chỉ thị”. Qua năm phút đến Câu lạc bộ, không ai nói với ai lời nào thêm, và Đỗ nghĩ đến chuyện, trung sĩ Đỗ không biết lái xe cho xếp mới, nếu là nữ thiếu tá Mỵ Nhân được chuyển về Bộ tư lệnh KQ. Giờ này đây người lái xe díp, tướng ba sao đang chở một trung sĩ nhất ngồi cạnh, và một đại tá phi công ngồi băng sau xe díp nhìn đường chạy lui.


...... CÒN TIẾP ....




VVM.23.11.2023-NVA2534.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét