BUỔI TRƯA MÙA THU SÀI GỎN / khải Triều [ i.e. Nguyễn Văn Tuy 1936 - / Sài Gòn -- trích : Việt Văn Mới/ Paris .
BUỔI TRƯA MÙA THU
SÀI GÒN
Đ ã có những buổi sáng vào cuối tuần tháng 8 này, tôi trở dậy trễ sau giấc ngủ muộn từ đêm hôm trước, gọi được là êm ả và yên lặng. Có lẽ là trời đã đổi mùa, từ cái nóng của những tháng sau tết, trước khi mùa mưa của phương Nam trở lại, Trước đây, điều này tôi không nghĩ đến. Còn nay, tôi đang ở vào thời kỳ cuối của dòng đời nơi trần ai, chân tôi đã mệt mỏi, đầu óc đã vơi đi nhiều điều vốn làm khổ biết bao người khốn cùng và bất hạnh, trong ngục tù, trong cuộc sống hằng ngày, người lao động cũng như những phần tử trí thức bất mãn với thời thế. Tôi nói, chỉ có “vơi” mà không “cạn” vì “cạn” sao được khi con người không thấy hiền mà chỉ thấy dữ. Con người hôm nay dữ hơn hôm qua nhiều lắm, hung bạo nhiều lắm. Tuy vậy, tôi cũng thấy có người dịu lại khi họ bước vào tuổi già. Họ nhìn thời cuộc, đánh giá thời cuộc khác với khi họ còn trẻ. Cũng có những người khi còn ở tuổi trung niên, rất nhiệt thành, mạnh mẽ như vũ bão trong tranh đấu, trong biểu lộ chính kiến, quan điểm, lập trường chính trị của mình trước những vấn đề phức tạp của đất nước. Có trường hợp đã dẫn họ đến “vành móng ngựa” và lãnh một bản án nặng: 10 năm, 20 năm! Những người này khi ra tù, họ “im lặng” trong cuộc sống với gia đình, với thân hữu và chiến hữu. Mỗi người khi về già đều có những lý do để sống thầm lặng. Tôi có đọc ở một cuốn sách nào đó của triết gia Kim Định, trước năm 1975. Đại khái tôi nhớ rằng, người đàn ông khi về già thì nét mặt hiền lại. Còn đàn bà thì vững vàng hơn, hay một phong cách nào đó nói lên con người họ đã trải nghiệm nhiều. Nói chung triết gia Kim Định nhận xét về con người, đàn ông, đàn bà khi về già rồi thì xuất hiện trên khuôn mặt những nét biểu hiện ẩn chứa sự khôn ngoan, ít ra là hơn trước. Nhưng cũng còn tùy người, vì có người chết trong khi bị giam cầm. Thỉnh thoảng tôi lại nhớ đến cái chết trong ngục tù của triết gia Socrates bên cạnh các bạn ông. Ông thản nhiên cầm chén thuốc độc uống.
Tôi cũng có đọc một giáo sư dạy triết, viết về triết học Karl Marx rất tuyệt, nói rằng, không biết làm thế nào mà người ta có thể sống được với chế độ độc tài. Rồi cũng vị này, sau năm 1975, ông đã sống, viết sách, giảng dạy tại một hai trường đại học ngoài Hà Nội. Khi đọc được ý tưởng của ông, làm sao người ta có thể sống được dưới một chế độ độc tài, tôi không nghĩ là người này nói một cách bao quát, song là muốn nói về một hai trường hợp đặc biệt nào đó. Đến như Adolf Hitler Đức Quốc Xã trước kia và Pol Pot với Khmer Đỏ sau này, vẫn có người theo, ca ngợi và phục tùng. Cho nên câu nói của vị giáo sư kia chỉ nên coi như một câu nói để mọi người sống dưới chế độ độc tài gẫm suy. Ở khía cạnh này, thì câu nói ấy hàm chứa một ý tưởng về triết lý xã hội, là một đề tài hấp dẫn cho triết gia theo khuynh hướng xã hội. Nó cũng là một đề tài cho nhà văn sống dưới chế độ ấy.
Cái tuổi già làm cho tôi đã đi xa đề tài ở mấy dòng đầu, khi thức dậy trễ bởi thời tiết đã sang mùa thu, nên tôi có một đêm êm ả và lặng lẽ. Cả sau lúc đã thức dậy, trời rất dịu, gió hơi lạnh. Điều này thúc đẩy tôi nghĩ đến việc cần phải có những khoẳnh khắc dài hơn để hưởng được mảng không gian này ở tuổi già của tôi. Mặc dù đã trưa rồi, song tôi muốn vào công viên vì ở đây có thể giúp tôi sống với những giây phút rất hiếm có ở Sài Gòn nơi hiện rất đông người và rất ồn ào. Công viên tôi đến là nơi nhiều cây cối, có một dải sông đào hình cung, như bao bọc mấy gò đất cao, có người ngồi hai bên bờ thả câu, có những chiếc lá vàng rụng trên bờ cỏ cũng như trên dòng nước lặng lẽ, lâu lâu mới có tiếng cá đớp mồi. Trên gò đất là một điểm cà phê, bán các món ăn cho khách vãng lai. Cà phê không thuộc hàng dành cho khách sành điệu, kén chon, đắt tiền, song cũng kể là ngon, đậm đà. Quán có một sân khấu nhỏ, rộng chừng vài chục mét vuông. Đây là nơi gặp gỡ, giải trí, có ca nhạc để kỷ niệm một việc gì đó của một nhóm người hay mừng sinh nhật, ngày cưới của ai đó. Hôm nay, trước khi vào công viên, tôi ghé nhà sách phía ngoài, mua ít giấy, bút, bì thư. Từ trong nhà sách, tôi đi lối cửa bên hông để vào bên trong công viên. Lúc này, trời đã trưa trưa, nên không gian, cảnh trí nơi đây đẹp lắm. Lối đi trong công viên ít người qua lại. Có điểm ăn, giải khát nghỉ trưa, các cánh cửa bằng tre nứa hạ xuống. Trên bờ sông chỉ có vài người ngồi câu cá. Qua một cây cầu gỗ bắc qua dòng nước, tôi vào một quán cà phê. Mấy cái bàn đặt bên ngoài, nhìn xuống dòng nước, đã có người. Tôi chọn một cái bàn dài phía trong để ngồi, ghế bằng mây. Hoàn toàn lặng lẽ. Mấy cánh bướm nhỏ bay lượn trước mặt tôi. Công viên có những hàng cây cao, những cành lá nối nhau như che kín bầu trời. Nhưng có lúc, tôi đã nhìn lên những ngọn cây này, thấy những tia nắng dọi xuống những ngọn cây ấy. Những tia nắng rất trong, pha loãng một chút màu xanh của lá cây, tạo nên một cảnh trí thiên nhiên, ẩn chứa điều Chân Thiện Mỹ từ Đấng Tạo Vật, mà nếu tôi ở nhà thì không thấy được. Tôi biết đó là giờ chính ngọ. Chỉ một lát sau, những tia nắng này lại lịm tắt.
Tôi vừa được thấy một cảnh trí thiên nhiên thiện hảo, một dấu hiệu dẫn tôi vào những giây phút cầu nguyện và cảm tạ Đấng Tạo Vật. Ngài đã đưa tôi đi qua những cây cầu gian nan, thử thách, những cám dỗ, những phản bội, những khủng bố, ngộ nhận và chống đối. Tôi không biết những kẻ tạo ác nghiệp, có khi nào họ nhìn thấy cảnh thiện hảo của thiên nhiên, mà tôi tin vẫn có ở nơi này nơi khác, giữa một Sài Gòn như tôi lúc này, hay ở thôn dã, núi cao và rừng sâu, để rồi họ ngừng chân đi trên máu và nước mắt, cả xác chết của đồng loại, ngừng bàn tay vấy máu đã không còn nguyên vẹn hình hài. Nếu trong lúc còn quyền bính, những kẻ tạo ác nghiệp không thể hay không muốn dừng, thì họ sẽ “hiền” lại trong nhà tù hay trước lúc bị dẫn ra pháp trường. Tôi không biết nhưng vẫn cứ hy vọng.
Một ông khách, có vẻ “trần ai”, từ bộ quần áo đang mặc đến cái mũ trên đầu, đi tới dẫy bàn tôi ngồi, tay vừa kéo ghế phía trước mặt tôi ở đầu cái bàn dài này, miệng nói như muốn nhắn tôi, “đừng để cái túi đồ như thế” (cái gói giấy tôi vừa mua ở nhà sách, giá chỉ hơn 100 đồng, tôi để có vẻ hớ hênh ở trên một cái ghế gần chỗ tôi ngồi). Có lẽ ông khách này đã có một kinh nghiệm về sự mất mát vặt ở nơi nào đó trong cái công viên này chăng? Nhận thấy cũng quá trưa rồi, tôi cầm gói giấy, đứng lên, ra về.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ