Thứ Ba, 21 tháng 11, 2023

bài đáng đọc : Kỷ niệm nghe đài địch / Nguyễn Thọ / Hà Nội -- nguồn: https://baotiengdan.com/202... -- trích : Giao Blog ( Hà Nội).

 

Kỷ niệm nghe đài địch

Nguyễn Thọ

21-11-2023

                  Hình ảnh còn lại của đài truyền hình Rostock CHDC Đức. Khi đó cái máy ghi hình to bằng   một tủ  máy lớn, cuộn băng 60 phút to như cái bánh xe máy.   --   ảnh tư liệu.

Tôi lớn lên trong một gia đình có đặc quyền, đặc lợi, dù không nhiều. Những năm 1960, miền Bắc Việt Nam hầu như không có nền kinh tế nên cán bộ không sướng hơn dân là mấy. Chiếm đặc quyền muốn nhũng cũng chẳng có gì để tham. Nhưng cái khoản thông tin thì chắc chắn là tôi hơn bọn trẻ cùng lứa.

Xài đồ sang mãi hóa nghiện. Năm 1967, tôi sang Đông Đức học nghề. Đang từ đói ăn, sang chỗ thừa bơ sữa mà chẳng thấy sướng. Đó là vì thiếu các nguồn tin “mật” lấy từ đài địch. Ở sát nách Tây-Berlin nhưng vì mù chữ Đức nên có đài, có TV cũng như không. Thức ăn tinh thần chủ yếu là các bản tin của Đại sứ quán gửi về hàng tháng, toàn chuyện giáo điều, ta thắng địch thua. Đã thế còn luôn phải nâng cao cảnh giác cách mạng, cảnh giác cả với các bạn Đông Đức. Họ đang cưu mang mình mà luôn bị phê là ăn phải bả xét lại của Liên Xô. Những trò đó tôi thuộc lòng từ hồi 10 tuổi.

Nạn đói tin kéo dài hơn hai năm. Mãi cho đến đầu năm 1970, nhóm chúng tôi lên thực tập tại đài truyền hình Ostsee Studio ở Rostock thì tôi mới vớ được cái ti sữa. Đài cho nhóm tôi ở chung với sinh viên trong ký túc xá của trường đại học và cấp cho 1 cái TV. Vì anh Tửu tổ trưởng ở với tôi nên máy TV để ngay trong phòng. Cái TV này cũng bị tháo các “kênh đen”, nhưng lúc đó tôi đã có tay nghề nên chỉ sau vài tuần là tôi đã khôi phục được một kênh chuyên bắt đài NDR từ Hamburg.

Trong ký túc xá cũng có vài sinh viên Bắc Âu và mấy con nhà giàu từ các nước Ả-Rập sang học nên họ cũng có TV riêng trong phòng, bắt được tất cả các loại đài. Còn các bạn Đông Đức phải xem TV trong câu lạc bộ bị tháo “kênh đen”. Tất nhiên tôi phải xem lén kênh NDR. Anh Tửu biết, nhưng nhắm mắt làm ngơ, vì anh nể tôi lắm. Là cán bộ đi học, anh chỉ biết công tác đảng, còn học hành thì khổ sở. Tôi luôn làm giúp bài thi cho anh. Vả lại, anh yên tâm vì đài Tây không sexy như đài ta. Chuyện tôi xem “kênh đen” ở Rostock có thể đọc ở đây.

Tuy ở Rostock đã có nguồn tin “địch”, nhưng vẫn phải ăn vụng, khổ lắm. Tôi vẫn mong khi về nước lại chui vào cái chĩnh gạo Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX).

Nhưng thời thế đã thay đổi. Số là từ 1966, vụ “Nghị Quyết 9” [1] bắt đầu lan đến VNTTX. Ông Hoàng Tuấn, tổng biên tập VNTTX và một số người khác, trong đó có ba tôi bị chuyển ra khỏi VNTTX. Ông Tuấn chuyển sang Tổng cục Thông tin và lập tức được bên đó xếp nhà ở khu Kim Liên. Ba tôi phải sang Cục Đào tạo nghề Bộ Lao Động để giảng dạy chính trị cho thanh niên trước khi đi các nước XHCN học nghề. Cái may trong cái rủi là nhờ làm bên dạy nghề mà ông xin cho tôi một suất học nghề ở CHDC Đức. Lúc đó, tôi đang học cấp III với mục tiêu sẽ vào đại học, nhưng nghe nói đi học nghề ở Đức là tôi bỏ học để đi Đức, rồi làm thợ cho đến bây giờ. Bên Cục đào tạo không có nhà cấp cho ba tôi nên VNTTX vẫn để cho gia đình tôi tiếp tục ở đó.

Thế nên, dù không còn là “Ông thông tấn”, ba vẫn có tin mật đọc hàng ngày. Các cô chú nhân viên cũ của ba vẫn nể và cung cấp bản tin cho ông mỗi buổi chiều ông đi làm về, ghé qua phòng in tin. Trong những năm ở Berlin, tôi vẫn gửi thư về nhà số 5 Lý Thường Kiệt. Vậy mà đầu năm 1971, khi tôi về đến Hà Nội thì nhà tôi đã ra khỏi VNTTX, chuyển sang 14 Lý Thường Kiệt được mấy tháng. Lại đói tin.

Ba tôi là người quảng giao và rất hào hiệp với bạn bè (nhất là về khoản tin tức) nên ông được bạn bè giúp lại. Tôi nhớ mãi hai người bạn của ông.

1- Đó là nhà báo Nguyễn Văn An, trưởng ban Quốc tế của đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) từ 1972-1975. Lúc đó chú mới cưới người vợ trẻ nên thuê căn phòng trên gác nhà 14 Lý Thường Kiệt để ở. Chú nhỏ hơn ba tôi 6-7 tuổi (ba tôi sinh 1924) nên coi ông như anh, thường mang tin mật xuống “Anh Mai coi này”. Tôi vẫn giữ hình ảnh một chú An đẹp trai, lịch lãm, thông tuệ. Là trưởng ban Quốc tế chú có rất nhiều thông tin từ phía bên kia. Thời kỳ này tôi cũng làm ở ban Vô tuyến Truyền hình đài TNVN tại 58 Quán Sứ nên hai chú cháu hay gặp nhau, cả ở cơ quan lẫn ở nhà.

Tháng 10.1973 ở Trung Đông nổ ra cuộc chiến tranh Yom Kippur giữa Israel và các nước Ả-Rập. Cuộc chiến này đã tạo ra nhiều bước ngoặt cho thế giới: Các nước Ả-Rập xuất khẩu dầu lửa bị thua, nổi khùng lập ra tổ chức OPEC để cắt giảm dầu, trừng phạt phương Tây đang hậu thuẫn Israel. Phương Tây khủng hoảng năng lượng, đường cao tốc ở Đức không một bóng ma. Sự kiện này cũng gây ra việc đổi giờ mùa đông/mùa hè ở Bắc Bán cầu, với hy vọng tiết kiệm năng lượng. Mỹ khủng hoảng năng lượng, tuyên bố cắt viện trợ cho VNCH, mở đầu cho cái kết của cuộc chiến tranh 30 năm.

Đài TNVN tổ chức cho cán bộ, nhân viên nghe, nói chuyện về chiến tranh Trung Đông. Chú An, chuyên gia nghe đài địch, trưởng Ban Quốc tế, lên nói về đề tài này. Lúc đó Việt Nam coi PLO của Palestine là đồng chí, coi Israel là kẻ địch, tay sai của Mỹ, nên mọi tuyên truyền đều hướng theo đó. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là khi phân tích nguyên nhân xung đột Israel-Palestine, chú An tuy bênh vực Palestine vẫn không quên nói đến thảm kịch mà dân Do Thái đã trải qua trong lịch sử và khả năng chiến đấu của họ. Thường thì dân ta ít quan tâm đến các cuộc sinh hoạt chính trị. Phụ nữ thì đan len, đàn ông thì ngủ gật. Nhưng tôi nghe chăm chú và thú vị những nhận định về Israel mà xưa nay tôi chưa hề biết.

Sau 30.4.1975, chú An vào làm việc ở “Đài Truyền hình Sài Gòn Giải Phóng”, nghe đâu cũng làm phó TBT. Tôi không gặp lại chú nữa. Ai có tin tức gì về nhà báo Nguyễn Văn An có thể bổ sung. Cảm ơn.

2- Chú An vào Nam rồi, người hay cung cấp “tin địch” cho ba là chú Nguyễn Hữu Chỉnh, Trưởng ban Quốc tế báo Nhân Dân, có thể coi là chuyên gia số 1 về Mỹ ở Việt Nam lúc đó. Chú Chỉnh quê Nha Trang, trẻ hơn ba vài tuổi. Chú được đào tạo nghiêm chỉnh về báo chí ở Liên-Xô (Ba tôi chỉ học tại chức ĐH Tổng hợp văn). Tuy là ủy viên Bộ biên tập báo Nhân Dân, nhưng chú ở trong một căn hộ khiêm tốn, phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm. Trong nhà chú có rất nhiều báo Anh, Mỹ. Với vốn tiếng Anh ở cấp ABC, nên tôi chỉ mượn các bản tin mật của VNTTX về đọc.

Nhiều người ở lứa tuổi tôi có thể nhớ những bài bình luận về Mỹ ký tên Nguyễn Hữu Chỉnh trên báo Nhân Dân. Tuy là tuyên truyền, nhưng chúng phân biệt với các bài chửi Mỹ khác ở tính khoa học, ở những lời lẽ chừng mực. Chú Chỉnh bảo: Mình đọc báo người ta thì người ta cũng đọc báo mình, phải nghiêm túc! Chú Chỉnh quý tôi, không chỉ vì tôi chữa cho chú mọi thứ đồ điện trong nhà, mà còn vì các đàm luận về thế cuộc giữa hai chú – cháu.

Ai cũng biết rằng vào những năm 1970 – 1980, Việt Nam và Mỹ căng nhau về nhiều chuyện: Thuyền nhân tỵ nạn, tù cải tạo, hồi hương con lai, binh sỹ Mỹ mất tích, rồi vấn đề Campuchia… Báo chí chửi Mỹ như hát hay. Vậy mà chú kể với tôi về những cố gắng của Việt Nam từ thời Tự Đức đến thời Việt Minh để bang giao với Mỹ và chú luyến tiếc các cơ hội bị bỏ lỡ.

Tôi sang Đức lập nghiệp tháng 3.1991 thì vài tháng sau, ba gửi thư nói là chú Chỉnh đã qua đời. Tôi nhớ là chú có một cậu con trai, nhỏ hơn tôi 7-8 tuổi. Em hay nói chuyện với tôi. Hy vọng rằng em có thể đọc được những dòng này.

Ngày nay, những ý kiến như của chú An, chú Chỉnh không có gì mới cả. Người ta còn tranh luận rất trái ngược nhau về nhiều điều. Chỉ riêng về chiến tranh Israel-Palestine người Việt đang có vô vàn ý kiến khác nhau. Hãy tưởng tượng ngược lại nửa thế kỷ trước, khi mà sinh hoạt tinh thần ở Việt Nam còn ấu trĩ vô cùng, thông tin một chiều tuyệt đối, nhưng những trí thức được tiếp xúc với thông tin đa chiều như hai người bạn kể trên của ba tôi đã nói đến những việc giúp tôi mở mắt.

Với thông tin đa chiều, người có tri thức có thể đi trước thời đại và người bình thường có cơ thoát khỏi mê muội.

NGUYỄN THỌ

_______

[1] Nghị quyết hội nghị Trung Ương 9, khóa III của Đảng Lao Động Việt Nam phê phán “Chủ nghĩa Xét lại Hiện đại” của đảng CS Liên Xô và ủng hộ đường lối cứng rắn của đảng CS Trung Quốc. Ở Việt Nam, hai khuynh hướng này thể hiện trong đường lối đấu tranh thống nhất đất nước: Hoặc bằng bạo lực, hoặc bằng đấu tranh chính trị và kinh tế. Nhiều cán bộ cao cấp theo đường lối mềm mỏng, chống chiến tranh (theo kiểu Liên-Xô dưới thời Khrushev), bị bắt hoặc kỷ luật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét