Trầm tư về thơ Trần Thiện Hiệp
Trần Tuấn Kiệt
Ở hai ngoại Trần Thiện Hiệp là một thi sĩ có tầm vóc lớn. Khi về thăm lai quê hương năm 2001, ông đã giao cho nhà xuất bản Trẻ ấn hành tập thơ lấy tên mình – Thơ Trần Thiện Hiệp – gồm 100 bài thơ chọn lọc trong số thơ ông đã xuất bản từ lâu ở Hoa Kỳ, Canada. Xuyên qua thơ ông sáng tác từ bàn viết tạm dung trong suốt thời gian dài gần 30 năm, ta có thể nói Trần Thiện Hiệp là một thi sĩ sống đầy đam mê và thủy chung với sự nghiệp thi ca. Với một bút pháp thâm hậu, nhà thơ họ Trần đưa người đọc vào thế giới tinh thần của mình bằng những vần thơ ý tưởng mới mẻ, suy nghiệm sâu sắc về thân phận con người trong cõi mênh mông vô thường.
Thơ Trần Thiện Hiệp cao nhã, sâu xa, có nhiều kỳ tứ đượm phong vị thiền, triết, và đặc biệt đầy nhạc tính, giúp cho thơ ông bay bổng và hấp dẫn khách yêu thơ. Đôi khi tiếng thơ Trần Thiện Hiệp cũng có những bước nghịch hành của người cô lữ luôn hoài vọng về quê hương cố quận. Đôi khi lại rất trữ tình như thơ của thi sĩ Nguyễn Hoàng Quân xưa kia:
Em bước trong thơ
Em đùa trên sóng
Em du mình trên khắp nẻo kinh thành...
với Trần Thiện Hiệp thì:
Em tượng thời thiên cổ
Xiêm y một vầng trăng
Thơ ta mềm dải lụa
Đón em về hoa đăng
hay là:
Khi về chải tóc em nghiêng
Nghe hồn chợt ấm giữa miền long đong
Hiên trưa lá biếc như lòng
Ta như bướm nắng lạc dòng tóc phơi
khiến ta cũng nhớ đến thơ của Tất Nại Am “Chuyện đời một nửa vô cùng vô biên”, đó là đôi câu tuyệt bút sau đây của Trần Thiện Hiệp:
Phù du còn lại nửa đời
Vẫn chân bám đất vẫn trời vô biên
cõi đời đạt lý, huyền nhiệm khôn cùng thì cái chân hạnh phúc là đâu, Trần Thiện Hiệp trả lời:
Hạnh phúc là suối mát cỏ hoa
Vâng, bởi vì có nó người ta mới có được ánh sáng của tạo vật, soi rọi từng bước đi qua nẻo đường trần:
Tôi yêu con đường hồng trần
Và yêu em bốn mùa tóc xõa gió bay
Cùng mặt trời mặt trăng
Sương mỏng mây thưa
Hương trầm ân ái
Dù cho mai sau có mở ra địa ngục thì hôm nay chân hạnh phúc đã tạo hồng ân cho chính bản thân mình hưởng được vô tận cái giờ phút mầu nhiệm, đã uống cạn ngọn nguồn của cõi hồng trần đầy ánh sáng trăng sao và lạc thú ân ái “bốn mùa tóc xõa gió bay”. “Có bóng em và tôi quyện vào nhau bằng sợi tóc mềm đượm nồng kỷ niệm”. Sợi tóc mềm huyền diệu quá khiến cho ta nhớ đến “Sợi tóc trăm năm” của một danh tài họa sĩ vừa tạ thế: đó là anh Nghiêu Đề của chúng ta! Đọc thơ Trần Thiện Hiệp lại hiện ra họa của Nghiêu Đề, của Nguyễn Trung và nhạc của Phạm Đình Chương, của Trầm Tử Thiêng sao mà có nhiều âm hưởng đến thế!
Trần Thiện Hiệp cứ trầm tư và truy vấn càn khôn như Bùi Giáng, Trang Chu – mở tâm tình dâng hiến của mình với thiên nhiên sự vật, trăng, em với hoa, hay quanh quẩn với “Đường non hoàng thảo nở” như Lưu Trần, Nguyễn Triệu đã dấn thân lên cõi vô cùng:
Hoa lưu động chủ ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi
Trần Thiện Hiệp đã hạ những câu truy vấn thật lạ lẫm, thật thơ mà sâu sắc:
Nghiêng-đời-nửa-bóng tìm ta mãi
Truy vấn càn khôn một nỗi mình
(Nhật Thực)
Đêm vây tôi giữa trùng trùng
Tôi vây tôi giữa vô cùng hoài nghi
Lượng đời bàng bạc tà huy
Núi nghiêng bóng núi mãi truy vấn mình
(Bóng Núi Tà Huy)
Tinh thần của Đức Phật cứ như hoa nở trên trang thơ Trần Thiện Hiệp, những trầm tư về kiếp người, về dòng thời gian vô tận, về những “Rừng kia thay màu lá, những đời trăng nối Xuân Hạ vào Thu”, thật tiếng thơ lạ lùng bí ẩn và nhiếp hồn ta biết bao nhiêu. Thơ chợt ẩn chợt hiện, chợt “Thấy em mây ngàn năm trên tóc”, rồi lại “Mây tan hóa đời mây” cơ hồ như Chu Mạnh Trinh vịnh Kiều vẽ hình Kim Trọng và Kiều Nương:
Dưới hoa khép mặt gương lồng bóng
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình
Thơ hay là ở chỗ xuất thần, khi như hình ảnh “giao long hiện giữa trời, khi như kình ngạc nép vi miền Bắc Hải” đó mới là nét thần diệu của thơ – Đễ cuối cùng ánh sáng đạo thể lại xuất hiện trong bài “Thơ Ở Buổi Sáng Trên Đồi”:
Từng bước chậm lên đồi nghe gió hát
Gặp mặt trời đỏ rực ở trên vai
Ta nghĩ đến kẻ thiền sư tìm đạo
Đạo vô bờ giữa trần thế chông gai
...
Cõi sinh diệt đời đời thơ lồng lộng
Nhật nguyệt tròn-vòng-nối khúc thiên ca
Kẻ thiền sư tìm chân nguyên đường ngộ
Ta tìm nguồn thiện mỹ giữa muôn hoa
Đọc lên như một bản đạo ca hợp xướng theo “Từng bước chậm lên đồi nghe gió hát, Gặp mặt trời đỏ rực ở trên vai”, nó gợi ta nhớ đến một bài thơ lớn của người xưa “Một gánh kiền khôn quảy tếch ngàn” của Trần Khánh Dư, hay Mặt Trời của Đinh Hùng:
Ta ung dung đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đỏ rực hiện sau lưng
Thời đại chúng ta còn có nhiều màu sắc của Mặt Trời vẽ lên bức tranh siêu thực của thế kỷ lầm than, như Trần Dạ Từ có câu:
Mặt Trời Đen lăn xuống đường rầy khô
Còn Bùi Giáng sau những tang thương vô tận, những sinh diệt, suy tư như Trần Thiện Hiệp, Bùi Giáng gởi gấm vào nàng thơ:
Em bảo rằng đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng
Cõi trần thế vô thường, Đạo đã mở ra vô bờ bến trước mọi thảm họa nghiệt ngã. Trần Thiện Hiệp đã tìm về lẻ Đạo để đạt tới cõi thanh tịnh vô vi chăng? Hay để giữ cho thân tâm mình được an bình giữa “trần thế chông gai” này! Đốn ngộ chân lý không có nghĩa chỉ có đạo, hay các nhà tôn giáo. Đốn ngộ chân lý của nhà thơ thì “Ta tìm nguồn thiện mỹ giữa muôn hoa” và chân lý hằng cửu, và cuộc đời trên mọi thay đổi bể dâu, Trần Thiện Hiệp chỉ biết mình là một nhà thơ đầy tình yêu với đời, với người yêu, với quê hương từ tấm lòng tha thiết – Đó là một nguồn sống cao cả vừa huyền diệu nhất mà thi sĩ đã cảm nhận ra điều ấy. Điều mà người làm thơ đạt tới cõi mầu nhiệm vừa của đạo thể, vừa của một đời sống chân tình của thi nhân:
Nếu như có một kiếp sau
Tôi lại mong được làm thi sĩ
Vì như có người đã nói “Thi sĩ là người xây dựng lên tất cả! Thơ đạt tinh thể của nó. Là cõi bất diệt của Đạo”. Thi sĩ là một con chim lạ trong cõi đời này. Hót lên những giọng “âm vàng gióbay”, nhưng mà cõi đời thì lắm chông gai, đôi khi lại bao nhiêu điều ngộ nhận, tai ác khiến con chim lạ đó phải hót lên những điệu máu xương giữa đời. Tiếng thơ đã bù đắp cho Trần Thiện Hiệp những điều mà nhà thơ thiếu vắng:
Em về cho gót chân son
Cho môi hạt lựu, cho tròn vòng tay
bây giờ thì:
Bây giờ trôi dạt nơi đây
Nhìn thu lá đổ lòng đầy nỗi ta
Nỗi ta trôi với nỗi nhà
Nỗi non nước ấy đã xa nghìn trùng
Những nhịp điệu lập đi lập lại nỗi ta, nỗi nhà, nỗi non nước ấy gợi cho lòng người dấy lên một nỗi buồn căm, một sự cô độc của một người tha hương đi khắp nơi, càng ngày càng thấy xa xăm biền biệt về cội nguồn, về đất nước. Ngày nào Tản Đà trầm buồn viết “Nước đi ra bề lại mưa về nguồn”, còn bây giờ với Trần Thiện Hiệp “Nỗi ta, nỗi nhà, nỗi non nước ấy...” gần như một thứ vong thân đau đớn nhất của một người Việt hải ngoại không bao giơ quên quê hương đất nước. Tiếng thơ quê hương của Trần Thiện Hiệp đã nói lên nỗi cay đắng của một người làm thơ hoài vọng cố hương trong từng hơi thở. Ta hãy lắng nghe tiếng lòng của nhà thơ họ Trần trong bài “Chào Paris” đễ cùng chia xẻ:
Chào Paris
Chào đồng hương cùng tôi luân lạc
Vẫn một tấm lòng ở với quê hương
Vẫn dành trọn tình thương cho quê mình nghèo
Bên kia bờ đại hải
và, bài “Người Lính Già” thì lắng sâu niềm chua xót dài giằng dặt theo bước chân nhà thơ:
Hai mươi lăm năm dài hai thế kỷ
Xa cội nguôn sét rỉ mộng đời trai
Người lính già còn nặng trên vai
Nguyên khối tình sông núi
Trong bài “Trên Đồi Gió” nỗi buồn nhớ quê của nhà thơ cũng đầy ngậm ngùi mà rất đẹp, rất thơ:
Ngồi với chiều nay ngang đỉnh gió
Ta mong nắng gọi bước em về
Ngâm bài thơ cổ ngàn xưa ấy
Thấy nỗi nghìn trùng ta nhớ quê
“Bước chân vô định biết đâu là nhà...kể từ lạc bước bước ra” ôi Nguyễn Du! Sao thơ của người xưa lại buồn đến thế. Người xưa và người đời nay quả là chịu một kiếp nạn “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” vậy!
Nhưng Trần Thiện Hiệp còn có thơ, còn có nàng thơ, chưa đến nỗi phải tuyệt vọng! Điều đó thật đơn giản nhưng mà hiếm lắm thay!
Tóc em bạc sợi thủy chung
Nỗi ta tóc ấy xin cùng có nhau
Đó là hạnh phúc, là cội nguồn, là hồng ân của tạo hóa ban tặng cho nhà thơ! Có ai đi suốt cuộc đời, đến sự thất bại cuối cùng của kiếp người mới hiểu thấu được cái nghĩa thâm sâu của “Tóc em bạc sợi thủy chung” đó. Đó là sự viên mãn mà cụ Khổng Tử đã bao lần nhắc đến. Khổng Tử nói về Đạo, Trần Thiện Hiệp nói về Thơ. Tuy có khác nhau, nhưng “nhất dĩ quán chi” cả vậy. Đôi lần ta nghe Trần Thiện Hiệp nói về sự phù du của kiếp người:
Nghe trong vần chuyển đất trời
Có tôi hạt bụi giữa đời phù du
Tuy là phù du mà thực sự là một sự hiện hữu có sự đóng góp tiếng nói – tiếng thơ của mình giữa vũ trụ vô biên, giữa hồng trần đau khổ, thì sự hiện hữu đó đã tạo ra giá trị của một con người dấn thân vào lịch sử vậy. Bài “Rừng Trăng” dưới đây của nhà thơ họ Trần thì giá trị nghệ thuật đã thành tuyệt bút ngang với bài Ông Lão Ngồi Câu Tuyết của Liễu Tông Nguyên:
Giang Tuyết
Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu thoa Lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết
dich:
Ngàn ngọn núi chim bay đi hết
Muôn con đường mất vết chân người
Ông già nón lá, áo tơi
Đậu thuyền sông tuyết, riêng ngồi buông câu
Và “Rừng Trăng” của Trần Thiện Hiệp thì:
Vũng nước đóng băng. Trăng chết lạnh
Vũng hồn trăng lạnh cũng thành băng
Chợt đâu tiếng sói gào trăng muộn
Vang dội rừng sâu. Động cánh bằng
Bài thơ đẹp quá, đã xóa nhòa cả cái lạnh của sự vật, của tâm hồn băng giá và bất chợt nó hóa thân từ thi ngữ ra tiếng sói gào trăng. Động cánh bằng! Đó là cái lý đẹp cuả thơ Việt hiện tại.
“Những Con Đường Không Quên” từ những nẻo đường xa xứ gợi nhớ lại càng nồng, càng tha thiết, càng trắc ẩn và đau thương của nhà thơ:
Con đường khuya em khóc
Hạt lệ mềm trên tay
Ngày chia lìa Tổ Quốc
Lời nào cho đắng cay
Con đường từ luân lạc
Hai mươi năm tàn phai
Sầu sóng dâng Đông Hải
Đêm nghe gió thở dài...
Bài “Về Nánh Sông Gầy Soi Bóng Ta” dường như tiếp nối nhịp đi của bài “Những Con Đường Không Quên”, nó gợi nhớ âm thầm não buồn với:
Tiếng sáo người xưa đêm giả biệt
Chừng đâu còn đọng giọt âm vang
Trần Thiện Hiệp đã mượn rượu để ru nỗi khắc khoải của đời mình, làm cho người đọc cùng cảnh ngộ dễ chia xẻ và cảm thông sâu sắc cái tâm cảnh xa quê rất thơ, rất nhân bản trong thơ ông:
Tí tách tàn bay
Tan vào bóng tối
Rượu thấm men cay
Quên đời trôi nổi
hoặc:
Rượu cạn tưởng rồi quên nỗi nhớ
Hai mươi năm cũ, mới ngày qua
Đã đi mòn gót đường thiên hạ
Về nhánh sông gầy soi bóng ta
và , hãy đọc:
Ru em thơ cổ ngọt nào
Ru ta mượn chén ba đào rượu cay
Uống rượu để tiêu tan cái sầu vạn cổ như Lý Bạch, uống rượu để say vì phiêu bạt giang hồ bốn phương, vì quá cô độc một kiếp người – cái say vì thân phận trong bài “Tháng Chạp”:
Tháng chạp cuồng ca nào đã tắt
Hồ Trường ngất ngưởng hóa xa xưa
Chí trai còn lại vuông trời nhỏ
Mỗi bước cưu mang chiếc bóng thừa
Nhà thơ họ Trần đôi lúc còn muốn chia xẻ cái say cô đơn, luân lạc của minh với mây gió, cỏ cây như trong bài “Thèm Gió”:
Nhìn lên cành lá đầy hoa nắng
Ta bỗng dưng thèm cánh gió lay
Để lá chuyển mình hoa nắng rụng
Đem về hâm ấm rượu đêm nay
hay, những câu:
Tôi viễn khách
Giữa rừng phong
Men rượu nồng
Thơ biệt xứ
Trần Thiện Hiệp đem tâm tình để viết lịch sử . Lịch sử một giai đoạn biến chuyển của dân tộc, và lịch sử ghi đậm nét hoàng cảnh cùng tâm tình của dòng người luân lạc xa quê, tỏa ra khắp năm châu bốn biển, mà nhà thơ là một chứng nhân cùng chung cảnh ngộ. Tập “Thơ Trần Thiện Hiệp”, một thi phẩm trải rộng tâm hồn thi sĩ khắp bốn phương trời, và khép lại trong lòng mình dấu tích của một nhà thơ có tầm vóc trong hàng ngũ ít ỏi những nhà thơ Việt đương đại. Tiếng thơ của thi sĩ họ Trần đã buông ra như tuyết, như hoa dưới vầng nhật nguyệt đầy ánh sáng và tiếng vọng của thời gian, tiếng gọi của tâm tình nhân loại. Đôi khi người ta còn lắng nghe dược:
Ở từng chữ
Hạt lệ treo
Đọc bài “Trường Trượng”ta cứ ngỡ như thơ Vũ Hoàng Chương còn ẩn kỳ tứ đâu đây. Với thi sĩ họ Vũ thì:
Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lỡ này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương
Ta xin cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vươn gót này
Cho ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay núi trời
Riêng với nhà thơ họ Trần thì:
Ý. Tâm ta dải sương mù
Hoa kinh gối chữ cõi tu lối nào
Huyền vi trường trượng trời cao
Hồng trần những đoạn chiêm bao vô đề
Ai phân bến giác, bờ mê
Thu không nào điểm lối về nẻo tâm
Với bản lĩnh thơ vững vàng, Trần Thiện Hiệp đã trải qua phần tư thế kỷ tha hương mà vẫn giữ được tinh thần Đông Phương, phong thái của thi sĩ Việt. Mặc dầu thế, màu sắc và thời gian, không gian trong thơ ông không thu hẹp trong “khí hậu thơ” trong nước mình, mà thơ ghi nhận được rất nhiều hình ảnh xa lạ của thiên nhiên sự vật trên bước đường dài ở xứ người. Điệu thơ cũng như phong thái Trần Thiện Hiệp lúc nào cũng đầy nét hào sảng, biểu hiện tâm tình nhẫn nại vô song trước mọi cảnh huống trong đời. Lấy tư tưởng cao siêu của nhà Phật làm nền tảng cho đời sống tinh thần – trước mọi đau thương, bi hận của định mệnh con người – nhất là giữ được sự thủy chung với tình yêu, với bạn hữu như trong 2 bài Lục Bát thật đẹp như sau:
Chim lao xao, trời hồng đào
Da thơm má ửng mắt chao thuyền về
Em vin tay, cành hoang mê
Lá xanh mươn mướt thỏa thê tiếng chào
Như yêu em từ chiêm bao
Mùa xuân nhân thế ngọt ngào vẫn nguyên
Đường trăm năm qua bao miền
Trong thơ em đứng bóng hiền như thơ
Ngày chia nhau vui tình cờ
nắng soi hồng nụ ban sơ hương nồng
Đời lê thê niềm chờ mong
Ai ngồi khắc đá cho dòng thơ bay
(Ngày vui tình cờ)
và:
Yêu người lá nở trong tim
Rừng ta xanh biếc lạc tìm dung nhan
Yêu người núi nở trăng vàng
Sông ta trăm nhánh quyện ngang hình hài
Yêu người ngày nở sao mai
Suối ta ngàn dặm nối dài tóc sương
Yêu người gió nở buồm dương
Biển ta trường trượng vô lường thủy chung
(Ngày trở lại)
Giữa cái sống và sự chết, giữa ánh sáng và đêm tối, lúc nào lộ trình của mình vẫn chan chứa trăng sao hoa lá, mặt trời và tình yêu – Trần Thiện Hiệp có chiều sâu hơn đời của một thi nhân là ở đó vậy. Đến với bài “Dõi Chuyến Phà Sương” thì thật là một tinh thần lãng mạng phong phú vô cùng với thơ, với nghệ thuật hiện đại – Vì thế mà nhiều lúc người yêu thơ thích và thuộc tiếng thơ lãng mạng hơn các loại thơ siêu hình chỉ bàng bạc những khuông sáo của những kinh điển đạo lý, hoặc những tư tưởng triết lý qua các nền triết học hiện đại, rất đỗi nhàm chán! Lãng mạng bao giờ cũng tân kỳ, cũng mênh mông vô cùng của tiếng thơ từ Lamartine đến Tagore, và những điệu thần linh ca của Hoelderlin. Thân phận con người được triết học nói nhiều, những nhà thơ Hiện sinh như Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, nhất là Viên Linh với tập “Cúc Hoa” hết sức lạ thường. Trần Thiện Hiệp thì vừa cao cả vừa cô quạnh như pho tượng “chênh vênh phận người” ở giữa cuồng phong, giữa mùa tuyết tan, giữa cơn thịnh nộ của trời đất và thảm họa của con người, của chiến tranh gây ra – Lúc đó ông mặc kệ, và hầu như “thách thức với số phần”, gần gũi với bằng hữu, với tình yêu, với sợi khói với hạt rượu, với thơ...và ngây ngất suốt đời làm kẻ “say thơ, em và rượu”. Nhưng người đọc thơ Trần Thiện Hiệp phải ghi nhận một điều, thi ngữ của nhà thơ, đó là chữ Em. Em trong thơ, có thể, là dòng sông, có thể là sao mai một đóa, là ánh sáng thiên hà, là đêm trăng rằm tình sử, là chiêm bao mộng mị...Em cũng có thể là Tạo hóa v.v...Dường như tâm hồn Trần Thiện Hiệp là một cõi đại đồng hòa hợp nhân ái, từ tâm với mọi sự vật trong đời, cho nên thơ ông cũng vậy. Hãy đọc “Những Với Cùng Thương” thật là một cõi Tâm rạng ngời đạo thể!
Với rừng
Thương đá buồn tênh
Với đời thương những lênh đênh phận người
Với thơ
Thương chữ rạng ngời
Vin thơ tôi sống giữ đời lưu vong
Với em
Thương cả dị đồng
Tựa nhau tìm phút ấm lòng ngày qua
Với người
Xin rất thật thà
Đạo tâm tôi giữ đậm đà mến thương
Với tôi
Thương cái dị thường
Ngoài thơ toàn những cái ương lạ đời
Với say
thương phút tuyệt vời
Thả hồn theo khói chơi vơi quên sầu
Với ngày
thương nắng nhiệm mầu
Soi tôi bóng ngả qua cầu nước trôi
Với đêm
Thương chiếc bóng ngồi
Cùng thơ và với cái tôi chụp chùng
Nhưng không chỉ để tâm hồn thả mông lung vào cái đại ngã, cái cao thâm của vũ trụ vạn vật, Trần Thiện Hiệp còn nêu lên rất rõ mình là một người Việt Nam, có một truyền thống kiêu hùng, có một bản sắc văn hóa tâm linh từ quê hương dân tộc. Như thế mặc dù xa quê đã lâu, Trần Thiện Hiệp vẫn giữ được bền bỉ một cội nguồn dân tộc trong dòng máu. Điều đó khiến cho chúng ta thêm yêu quí thơ ông. Ở bài “Việt Nam Trong Tôi” nhà thơ đã hạ bút:
Trong xương thịt tôi
Có Trường Sơn, có Cửu Long
Có Cao-Bắc-Lạng, có sông Hồng
Có trời, biển rộng Nam-Trung-Bắc
Có máu cha ông giữ nước nhà
Đôi khi thơ Trần Thiện Hiệp có điệu như cổ thi, lắm lúc xưa hơn cả người xưa, điều hiếm thấy của các nhà thơ ngày nay – Vẫn là rượu:
Ru em thơ cổ ngọt ngào
Ru ta mượn chén ba đào rượu cay
hoặc là:
Vạc kêu cuối lũng mù sa
Non đoài nửa mảnh trăng tà hắt hiu
Sao mà nó buồn xa thẳm đến thế. Nếu không nhập được hồn mình vào cảnh ngộ, không chân tình làm sao người thi sĩ có thể viết được những dòng sầu mộng như thế được. Đôi khi thơ quá buồn nhập vào cái lạnh của vách đá khiến cho người và đá vô tri cũng lạnh lẽo như nhau:
Tựa lưng vách đá
Thân cùng đá
Hai khối niềm riêng, một lạnh chung
rồi ta lại đọc:
Trăng tự hồng hoang muôn dặm xa
Rừng đêm vẫn lạnh dải thiên hà
Nay ta muốn đốt câu thần chú
Cho đá nở bừng ngọn lửa hoa
Người xưa quan niệm cuộc đời là hư ảo, là một giấc mộng. Tản Đà có giấc Mộng lớn, giấc Mộng con. Riêng nét nhìn đời như Trân Thiện Hiệp thì... Đời như một cơn say, để rồi:
Năm mươi năm nhìn lại
Tuổi dài như mây bay
năm mươi năm thành bại
Gẫm đời một cơn say
...
Nẻo tâm lồng lộng mở
Đêm hâm rượu trăng chờ
hoặc:
Chung vui men rượu đắng
Rồi đi, rồi bâng khuâng
Say đời, say tình say nghĩa hay say về sự cuồng bạo của dòng lịch sử, say về sự thất bại của kiếp người luân lạc, của mộng ước trở thành hoang mạc, hư không! Bao hoài bão thả dài theo khói thuốc! Sau buổi tiệc rượu trần gian, bữa tiệc đã tàn, đã vắng, nhà thơ trở về với cái thế giới yên lặng, mênh mông để ẩn mình trong cõi bờ thanh tịnh vô vi của Lão Trang, như trong bài thơ “Tịnh” đầy phong vị thiền sau đây:
Ta về ở ẩn lưng đồi
Rạng đông bắt gặp mây trôi ngang nhà
Tự tay đun nước pha trà
Ngắm đào nở rộ tháng ba quanh vườn
hay là trong bài “Trà Sáng”:
Thức dậy sáng nay, trời thật gần
Chung trà vàng giọt nắng bên sân
Ta nghe rất rõ lòng thanh tịnh
Cây lá quanh vườn hóa bạn thân
“Đêm Bát Nhã” một bài thơ xếp câu ba chữ như điệu gõ mõ theo nhip tụng niệm mà nhà thơ họ Trần tặng cho nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, cũng là bạn ngày trước của người viết ở trường Quốc Gia Âm Nhạc. Bài thơ câu ngắn, lạ lẫm nhưng ý thật sâu xa nêu lên được cái chân lý Phật pháp của Bát Nhã Ba La Mật. Và từ đó cho ta thấy Trần Thiện Hiệp giàu có thi ngữ, và cái triều suy nghiệm của ông thật phong phú trong nhiều góc cạnh của đời sống:
Trong trí nhớ
Tiếng thở dài
Giữa tàn phai
Cơn sóng biển
Lời kinh điển
Tiếng mõ đưa
Ngày Đại thừa
Đêm Bát nhã
Rừng bản ngả
Lối u minh
Cõi chúng sinh
Người hành giả
Giữa gian trá
Kẻ tịnh tu
Vạch sương mù
Đi tìm Đạo
Nghe lòng bảo
Phật tự tâm
Diệt tham sân
Yêu vạn vật
Lấy lượng Phật
Độ trần gian
Ánh Đạo vàng
Soi bể khổ
Tâm giác ngộ
Chữ từ bi
Là bước đi
Đấng Bồ Tát
Với bài “Lục Bát Rời” Trần Thiện Hiệp vừa khép lại tập thi tuyển của ông, một tập thơ mà ý thơ, cùng cảm xúc, hứng khởi và sự suy niệm lẻ tử sinh, thành bại của cuộc đời:
Ta đi thiên địa mù không
Ta về nối lại những vòng khói tan
Ta đi mòn bước quan san
Ta về nghe lửa bếp tàn đông reo
Ta đi trăm lũng nghìn đèo
Ta về hiên vắng cành treo trái sầu
Ta đi rừng biển say nhầu
Ta về nhật nguyệt trên đầu ngón tay
Với thi tuyển “Thơ Trần Thiện Hiệp” nhà thơ họ Trần đã chứng tỏ giá trị của một người làm thơ có bản lĩnh, phong thái của một thi sĩ Đông Phương. Đó là một tập thơ đầy giá trị trong cõi thơ hôm nay, và nhất quán từ đầu đến cuối. Tập thơ này xứng đáng đặt chung với “Thủy Mộ Quan” và “Cúc Hoa” của Viên Linh, “Lời Tỏ Tình Trong Đêm” của Trần Dạ Từ, hoặc “Hồn Thiên” của Nhất Hạnh, và những tập của Hoàng Trúc Ly, của Hoài Khanh trong những nhà thơ hiện đại vậy.
Trần Tuấn Kiệt
==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét