Thơ Nguyễn Quốc Thái: Nỗi Buồn Ẩn Mật

Phan Tấn Hải

z 0 z nguyen quoc thai nqthai-2016
Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái

Tôi đã đọc thơ Nguyễn Quốc Thái từ hơn một thập niên. Và nhiều người đã đọc thơ anh hơn một nửa thế kỷ. Hình như, tôi chưa thấy dòng thơ nào vui của anh. Và ngay cả những dòng thơ có thể được suy đoán là vui, cũng vẫn có một nỗi buồn thần bí trong đó – nơi đây, đành nói là thần bí, vì không giải thích minh bạch được.

Cũng có thể vì tôi thấy nét mặt anh lúc nào cũng buồn. Đó là những lần tôi được gặp anh, khi anh có dịp thăm Quận Cam. Cũng có thể vì Nguyễn Quốc Thái là một nhà thơ ra đời trước tôi khoảng một thập niên, thuộc một thế hệ có nhiều chia ly hơn là gặp gỡ, nhiều tan vỡ hơn là hàn gắn.

Cũng có thể vì một vài câu thơ của Nguyễn Quốc Thái, tôi đã đọc qua, và chợt nhớ một vài ý trong đó. Như bài thơ có nhan đề Todo Passa. Anh làm bài thơ này từ Sài Gòn, vào tháng 12 năm 2017. Trích năm dòng đầu như sau.

Một mình tôi với những câu thơ đau đớn mới
Lời vỗ về an ủi như tiếng gió lùa qua bến bờ lau sậy
Tôi ngã xuống như một hẹn ước dở dang
Ngày đầu năm gió quất vào mặt lời cỏ úa
Những nhịp buồn thôi thúc tôi ngợi ca ngày thứ Năm thần thánh

Câu thơ đau đớn… Anh không nói là người đau đớn. Kiểu làm thơ của anh là thế. Nguyễn Quốc Thái ngay dòng đầu đã tự nhận là cô đơn (một mình tôi) với những “câu thơ đau đớn” mới. Thế rồi anh ngã xuống với một hẹn ước dở dang nào đó. Rồi nhịp buồn xui giục anh… Tôi cũng không biết chính xác nhan đề “Todo Passa” có nghĩa là gì, nên tra tự điển, và được biết có hai nghĩa chính: (1) mọi chuyện rồi sẽ qua, (2) mọi chuyện xảy ra đều có lý do.
Như thế, có vẻ như lúc đó anh có chuyện gì không vui. Thế rồi tôi chợt nhớ ra, không mấy khi thấy thơ anh có những niềm vui. Nhưng tại sao dùng ngoại ngữ? Tôi suy đoán rằng anh không muốn để lộ minh bạch tất cả những gì anh suy nghĩ. Tuy nhiên, viết như thế sẽ có thể gây ngộ nhận, hay làm cho khó hiểu với nhiều người. Ngay cả với người mỗi ngày đều phải đọc đủ thứ như tôi cũng không chắc hiểu hết ý nhà thơ.

Nguyễn Quốc Thái nói rằng anh dự định gom tất cả những bài thơ của anh đã đăng gần đây để in thành một tập thơ với tên:

“VỚI MẸ,
TỰ DO VÀ EM”

Nhan đề ngắt dòng, xuống thành hai hàng. Đó là kiểu của anh. Nhan đề phải viết toàn chữ hoa. Tôi đọc, nhưng không ưa lý luận, thấy ngay tức khắc rằng, mẹ và em là hai người cụ thể, có da thịt, có đi đứng, có nói cười… Còn tự do là một khái niệm, một trạng thái, một cảm thọ, và thường được nhắc tới khi chợt ý thức rằng mình đang thiếu tự do. Đó cũng là kiểu của Nguyễn Quốc Thái: khái niệm “tự do” trở thành một người cụ thể, và người cụ thể đó nằm giữa Mẹ và Em. Nói khác, có vẻ như anh nói về tự do như chức năng của nhà thơ, hay là khát vọng sáng tạo của thi sĩ? Tôi nghiệm ra rằng không có gì khẳng định nơi thơ anh, tất cả đều là một nỗi buồn rất sương mù.

Thơ anh không nói nhiều. Cũng không phải kiểu thơ bí hiểm, nhưng là những gì được nói rất cân nhắc, rất kiệm lời. Nguyễn Quốc Thái có một bài thơ chỉ có bốn dòng, nhan đề nghe “tâm tư” rất mực, khi so sánh thi sĩ và thập giá mà nhà thơ gánh vác. Bài như sau0:

Thi sĩ và thập giá nhà thơ Huế 2010

Tự do! Tự do!
Tai họa của niềm tin vụng dại
Ập xuống
Không kịp hôn từ giã.

Tôi không nghĩ ra chuyện gì ở Huế năm 2010 có liên hệ tới nhà thơ và tự do. Nhưng thấy rõ, đó là những dòng thơ rất buồn, nói về một ước mơ tự do trong niềm tin vụng dại, và chuyện gì đó đã lôi nhà thơ đi vội mà không kịp hôn từ giã. Tôi tự thấy mình rất gần với những cảm xúc đó của anh, tự thấy có những lời muốn nói và chỉ nói ra được một phần, và rồi có những lời không muốn nói ra hết, rồi vẫn luôn luôn ngập ngừng…

Đọc thơ Nguyễn Quốc Thái cũng cần có kiến thức uyên bác. Ý tôi muốn nói là phải vừa đủ uyên bác để hiểu vài chuyện. Thí dụ như bài thơ trên, tôi không hiểu chuyện gì dính tới Huế năm 2010. Hay như trong bài thơ “Todo Passa” đã trích đầu bài, ngày “thứ Năm thần thánh” là gì thì tôi không hiểu, có lẽ mơ hồ đoán là có liên hệ gì tới Mùa Chay của Công Giáo, vì biết anh là một giáo dân siêng đi nhà thờ.

Trong khi đó, bài thơ sau rất là ngậm ngùi. Nhan đề bài thơ ngắt thành 2 dòng. Bài thơ có 2 đoạn, đoạn đầu gồm 5 dòng, đoạn thứ nhì (và là đoạn cuối) có ba dòng. Toàn bộ bài thơ như sau.

Chiều Tháng Tư
ở Bến Bạch Đằng

Buổi chiều trần truồng
bơi qua sông sang bờ bên kia
Tiếng chuông nhà thờ tha thẩn trong công viên
Ly cà phê nóng uống chung không hết
lấy gì làm vốn nhớ nhau

Ngày chia tay chỉ có tiếng còi tàu ngoái nhìn anh
Những sợi tóc đẫm nắng như tổ chim trong gió
Sayonara. Bon voyage. Tình yêu dấu.

Bài thơ rất buồn. Nơi dòng cuối bài, Nguyễn Quốc Thái dùng chữ từ biệt tiếng Nhật “Sayonara” — chữ này có nghĩa là “vĩnh biệt” hay là “xin chia tay, không biết bao giờ gặp lại.” Trong khi đó chữ kế tiếp là từ biệt bằng tiếng Pháp “Bon voyage” có nghĩa là “Chúc chuyến đi bình an.”

Khi đọc tới dòng chữ cuối bài, mới hiểu nhan đề “Chiều Tháng Tư ở Bến Bạch Đằng” hẳn là tháng tư 1975, và từ biệt người đi ở Bến Bạch Đằng có nghĩa là không biết bao giờ gặp lại, và chuyến đi dĩ nhiên đầy bất trắc. Buồn tới nỗi hai đứa không uống hết một ly cà phê chung. Buồn tới nỗi buổi chiều trong nắng vàng được thi sĩ nhìn thấy là “trần truồng” — để buổi chiều có thể bơi từ bờ này qua bờ bên kia. Nơi đây, tôi suy đoán theo cảm nhận riêng. Không chắc gì Nguyễn Quốc Thái đã có những hàm ý như thế. Một hình ảnh đẹp tượng trưng cho sự cứu rỗi là tiếng chuông nhà thờ vẫn tha thẩn trong công viên, nghĩa là xa lìa những quay quắt dằn vặt của người đời. Và hình ảnh rất buồn là khi anh viết rằng “còi tàu ngoái nhìn anh” cũng như những sợi tóc đẫm nắng. Khi người ta chia tay, khi người ta nhìn nhau lần cuối, và chỉ thấy sợi tóc đẫm nắng, hẳn là, hoặc lúc đó nước mắt làm cho không thấy rõ các hình ảnh khác, hoặc là nhà thơ không dám nhìn thẳng mặt người sắp chia tay, sợ là nỗi buồn sẽ làm trôi cả buổi chiều.

Đọc thơ Nguyễn Quốc Thái, rất nhiều khi chúng ta thấy anh làm thơ như riêng cho anh, bởi vì rất kiệm lời, không dài dòng, đôi khi lửng lơ không nói trọn câu, và có thể có những dòng thơ chỉ có anh và một người nào đó hiểu. Như bài thơ có nhan đề thơ ghi một phần thời gian với số La mã. Có lẽ, anh không muốn ghi bằng số thường, và đã chọn cách ghi bằng số La mã cho một kỷ niệm đặc biệt. Bài thơ như sau, chỉ có ba dòng, cộng thêm nhan đề là bốn dòng.

Cali, XII.1994
Gặp người xưa, vết thương chưa…
Nắng bay vàng phố
sầu vơ tôi về.

Hóa ra, gặp người xưa mà không vui? Thế là nhà thơ trôi vào một cơn sầu muộn. Thơ tình Nguyễn Quốc Thái cũng cứ kiểu như thế: luôn luôn là ngăn cách, là chia xa. Cuộc đời không mấy khi chia tay là sẽ gặp lại.

Anh cũng có một bài thơ tình ngắn, nhưng là hình ảnh chờ nhau nơi sân bay. Nếu chúng ta nhớ tới những bài thơ tình nửa thế kỷ trước, thơ tình sẽ có hình ảnh hoặc là chia tay hay gặp lại ở nhà ga xe lửa. Nếu nhớ tới những bài thơ tình vài trăm năm trước, hình ảnh nơi chia ly hay gặp lại có thể là bến đò cổ độ, hay là qua ngõ thiên san tiễn rượu vừa tàn. Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái lại kể về nơi “gió nhớ bay cồn cào” ở sân bay. Bài thơ có nhan đề là Vỹ Thanh, hẳn là cách viết thi ca của vĩ thanh, nói về những gì nối tiếp, những gì theo sau phần chính, ngắn gọn là phần bổ sung sau đoạn kết. Có phải thi sĩ muốn nói về một đoạn kết của một mối tình, rồi chợt nhớ ra còn phần sau đoạn kết, thế là lấy giấy mực ra viết những dòng thơ tình nơi phòng đợi sân bay.

Vỹ Thanh

Anh nhớ em gầy đi như phố cổ
Như mùa thu kiễng chân
ôm Hà Nội
Như gió cồn cào ngoài sân bay,
Ly cà phê trong phòng đợi
Như những câu thơ rời
Anh đăng trên
Vành tai em phơn phớt hoa đào.

Đọc bài thơ trên, tôi nghe âm vang của chữ như giọng Hà Nội. Tôi nghiệm ra, theo cách chủ quan từ kiểu quen giọng Sài Gòn, thơ anh có một giọng Hà Nội ẩn tàng, trầm lắng. Hình ảnh ngỡ như cổ điển, nhưng lại rất lạ, “như những câu thơ rời / anh đăng trên / vành tai em phơn phớt hoa đào.” Hiển nhiên, vành tai em không bao giờ là giấy để anh chép thơ lên, vành tai em không bao giờ là màn hình vi tính để anh gõ chữ lên, vành tai em không bao giờ là các trang báo để anh bấm nút chạy máy in thơ lên… nhưng nơi đây, gió cồn cào thì thầm những câu thơ rời của anh đăng trên vành tai em. Mọi chuyện tự nhiên trở nên siêu thực, như dường hình ảnh gầy như phố cổ, như mùa thu phải kiễng chân để ôm cho trọn Hà Nội, và trong trí nhớ của chàng là những câu thơ rời…

Nguyễn Quốc Thái có một bài thơ mang chủ đề Giáng Sinh. Bài thơ này lẽ ra phải là vui lắm, nhưng ngay dòng đầu đã là một hình ảnh rất buồn: “Nửa đêm, Chúa ướt đẫm mồ hôi trốn khỏi hang đá đến rủ tôi: Đi chơi.” Như dường Chúa cô đơn nên muốn tìm nhà thơ làm bạn. Tuy nhiên, Chúa trong ngày Giáng Sinh lẽ ra chỉ là một em bé mới ra đời, nhưng nơi đây thi sĩ Nguyễn Quốc Thái lại hình dung ra một đấng rời thập giá lâu ngày chạy không quen… Nghĩa là, Giáng Sinh không thuần túy là hình ảnh ra đời nơi hang đá, mà đồng thời cũng là hình ảnh Phục Sinh — và thực sự, chỉ có nơi Phục Sinh, Chúa mới tương tác với nhà thơ qua các hình ảnh “Chúa giắt tôi chạy… Chúa nằm quay lơ trên đất thở hổn hển, Chúa nằm gối đầu lên tay nhìn bầu trời… Chúa nhìn tôi nháy mắt…  Và tôi với Chúa nắm tay nhau chân sáo nhỏ, Và tôi với Chúa vật nhau trên cỏ...” Bởi vậy, nơi đây, trong thơ Nguyễn Quốc Thái, Giáng Sinh và Phục Sinh là một. Bởi vậy, nơi đây niềm vui và nỗi buồn hòa vào nhau… để tới một thực tế sẽ phải trở về “Ở trong nhà thờ mãi ốm yếu và nhức đầu“…

Bài thơ có nhan đề hai dòng:
Giáng Sinh
Món Quà Nhỏ Thân Tặng

Nơi đây, chúng ta trích hai đoạn cuối bài thơ rất thơ mộng này (đoạn áp chót dài 13 dòng, và đoạn chót chỉ 4 dòng):

Chúa kêu mệt quá mệt quá,
chạy chơi mệt nhưng khỏe
Ở trong nhà thờ mãi ốm yếu và nhức đầu
Ở trong nhà thờ mãi có cái chẳng biết gì
Ở trong nhà thờ mãi thiếu nắng gió
da dẻ tớ xanh xao
Cậu như vậy mà sướng, thi sĩ,
trái đất này quyến rũ quá phải không
Cậu hãy bay nhẩy cùng thơ và hy vọng
Hãy bay nhẩy cùng mồ hôi và sáng tạo
Hãy bay nhẩy cùng thương yêu nhân loại
Hãy bay nhẩy cùng người yêu cùng kỷ niệm
Cùng Giáng Sinh, món quà nhỏ tặng cậu.

Và tôi cất cánh bay cùng trái đất
Bay cùng Giáng Sinh hồng hào khỏe mạnh
Bay khắp vũ trụ
với những ngọn nến run như nụ hồng nhỏ.

Hình ảnh bay cùng Giáng Sinh, bay khắp vũ trụ, với những ngọn nến rung như nụ hồng nhỏ… hiển nhiên là một niềm vui sau những lời rầy la cõi này rất buồn rằng “Ở trong nhà thờ mãi ốm yếu và nhức đầu”…

Nguyễn Quốc Thái có một bài thơ về mẹ. Bài thơ làm sau Tết Mậu Thân 1968, khi bùng nổ những trận khói lửa khắp các tỉnh Việt Nam. Đó là những ngày Tết không mấy người quên. Bản thân tôi là học sinh lớp 10 Chu Văn An SG, sau đó tình nguyện vào xây dựng khu tạm cư Lý Thái Tổ cho đồng bào bị bom đạn mất nhà có nơi ở mới, cảm xúc còn rất là thơ dại, chẳng hiểu hết những bi thảm vừa xảy ra trên toàn quốc. Bài thơ Nguyễn Quốc Thái hiển lộ những hình ảnh rất mực bi thảm: mẹ phải trốn (hiển nhiên là chạy loạn, trốn cái chết), người chết như than, chết co quắp, súng trên tay anh súng trên tay em (huynh đệ tương tàn), đạn nổ ngoài đường đạn nổ trong tim… Bài thơ rất buồn, nhiều hình ảnh đầy thi tính chết người (cỏ non như nước mắt, ta mừng nhau máu đỏ, canh máu đầy nồi cơm)…

Bài thơ này của anh có sức mạnh rất lạ: với những  độc giả đã từng trải qua những ngày thảm sát của Tết Mậu Thân, đọc qua một lần là khó quên. Toàn văn bài thơ Ngày Về Mừng Tuổi Mẹ đăng lại trên Việt Báo Xuân 2018 (nghĩa là, tưởng niệm 50 năm Tết Mậu Thân), không nói gì về hình ảnh người lính (dù bên này hay bên kia), không nói gì về sức mạnh chiến tranh (dù xe tăng hay chiến đấu cơ), không nói gì về những khái niệm trừu tượng như chính thể hay màu cờ, chỉ nói về những người gánh chịu khổ nạn như mẹ, như người chết, như em thơ. Bài thơ toàn văn như sau.

Ngày Về Mừng Tuổi Mẹ

Đọc lại thơ từ Tết Mậu Thân

Nhà đây rồi mẹ trốn ở đâu
Trưa vàng khô thõng tay buồn rầu
Mùa xuân ngơ ngác trên rầm bếp
Người ngược xuôi xốc xếch thương yêu

Thưa mẹ trên đường về nhà ta
Con thấy bao nhiêu người vội chết
Người chết như than, người chết co quắp
Người cụt tay và người bẹp đầu

Tháng Giêng cỏ non như nước mắt
Đạn nổ ngoài đường đạn nổ trong tim
Súng trên tay anh súng trên tay em
Năm mới rồi ta mừng nhau máu đỏ!

Mẹ ơi mặt trời đã bỏ chúng ta
Đêm than đá ngày than đá mắt than đá
Ôi em thơ môi mím mắt dại khờ
Tay run đỡ tiếng rít răng hau háu

Mùa xuân mở tươi từng dây máu đỏ
Máu cha máu mẹ máu chị máu anh
Máu đầy xoong canh máu đầy nồi cơm
Đấy, anh em dùng cho no mộng ước

Mẹ ơi bây giờ mẹ trốn ở đâu
Mẹ gặp gốc cây cửa sổ mái lầu
Mẹ gặp người đi kẻ lại
Tay khẳng khiu nhớ giơ khỏi đầu

Con len lỏi về đây mừng tuổi mẹ
Ánh sáng thiu đen trên những cột đèn
Mùa xuân bứng mất từng chân trẻ em
Cây thơm lộc nôn nao chùm thịt tím

Đạn nổ ngoài đường đạn nổ trong tim
Mẹ ơi bây giờ mẹ trốn ở đâu?

(Trích tạp chí Đất Nước,
Tháng Tư, Sài Gòn 1968)

Thơ Nguyễn Quốc Thái rất buồn, rất ẩn mật. Khi nói về chiến tranh, về thời điểm chết chóc nhất của quê nhà, anh chỉ nêu câu hỏi: Mẹ ơi bây giờ mẹ trốn ở đâu? Anh không lý luận, không quy lỗi, không giải thích, không đòi hòa bình, không lên án chiến tranh… Anh làm thơ trong vị trí đứng bên nạn nhân, viết cho nạn nhân, kể chuyện rồi nêu câu hỏi rằng mẹ trốn nơi đâu. Anh cũng ẩn mật khi nói về tình yêu. Ghi lại một hình ảnh giai nhân, anh lặng lẽ kể chuyện ngồi bên cơn gió cồn cào ở sân bay, rồi thắc mắc chuyện gặp người xưa mà sao vết thương chưa… Hay là, khi kể về một chia biệt thời rất xa nơi Bến Bạch Đằng, anh ghi lại hình ảnh ly cà phê hai đứa uống chung vẫn chưa cạn trong khi người đã xuống tàu rời bến… Khi viết về khát vọng tự do năm 2010 (không rõ sự kiện nào), anh chép xuống rằng đó là tai họa niềm tin vụng dại… Và rồi có lúc nhìn lại thì “Một mình tôi với những câu thơ đau đớn mới.” Chúng ta phải đọc rất chậm, mới thấy trong những chữ dịu dàng, tinh tế của Nguyễn Quốc Thái là một nỗi buồn ẩn mật, nơi đó anh tự thấy hình ảnh các dòng thơ của anh cũng khẳng khiu như cánh tay những bà mẹ trong Tết Mậu Thân bước đi giữa phố với “Tay khẳng khiu nhớ giơ khỏi đầu.” Thơ của Nguyễn Quốc Thái cũng buồn khẳng khiu như thế.

Phan Tấn Hải