LTS- Trước khi đọc bài ở dưới đây, xin đọc 4 câu thơ của Tố Hữu cổ động giết người trong Cải Cách Ruộng Đất để biết thêm về trình độ “thi ca” của Tố Hữu và cách mà báo chí và các nhà thơ nhà văn ngoài Bắc tung hô đảng để được sống còn
“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt”
( Tố Hữu)
HỒI KÝ NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
NÓI VỀ TỐ HỮU
:’… theo tôi, tốt nhất là thuật lại những lần được trò chuyện cùng ông, trước 1986. Chính những lời phát biểu của ông về chính trị, về thơ ca, sẽ giải thích cụ thể sự thăng trầm của số phận ông, …, vì vẫn phải giảng thơ ông trong nhà trường, vì, dù sao, ông cũng là một nhà thơ tiêu biểu nhất, có vị trí quan trọng trong nền thơ ca Việt nam hiện đại và trong chương trình môn văn ở các trường phổ thông và đại học … ‘
Nguyễn Đăng Mạnh
Nhớ lại ba, bốn chục năm về trước, vào những năm 60, 70 của thế kỷ vừa qua, biết bao thế hệ đã từng mê thơ Tố Hữu. Mê thật sự. Đọc những bài như Bài ca mùa xuân 61 mà chảy nước mắt. Hồi ấy, ông rất xứng đáng với danh hiệu ‘lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam’. Để phục vụ cách mạng và kháng chiến, thơ ca hồi ấy bám rất sát từng nhiệm vụ chính trị, nên, thường viết chung một số đề tài: anh bộ đội, anh giải phóng quân, Bác Hồ, anh Trỗi, mẹ Suốt, chị Trần thị Lý, miền Nam thành đồng Tổ quốc, miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội…
Ngẫu nhiên mà thành ra những cuộc thi thơ toàn quốc. Trong những cuộc thi như thế, Tố Hữu hầu như chiếm giải nhất.
Vinh quang Tố Hữu đâu chỉ ở tư cách nhà thơ. Về chính trị, ông cũng vọt lên vòn vọt, có lúc tưởng như là người kế cận Lê Duẩn, thay Lê Duẩn đến nơi. Cho nên ngày Tết, người ta sắp hàng nối đuôi nhau ra tận ngoài đường, để chúc tết Tố Hữu.
Loại như Nguyễn văn Hạnh, Hà xuân Trường, thì, phải xếp hàng mãi tít ngoài đường, rất xa. Còn Hoàng xuân Nhị, thì, chỉ rình chen ngang…
Lúc bấy giờ, viết về Tố Hữu cũng danh giá lắm!
Tôi nhớ, có lần anh Lý hải Châu [giám đốc nhà xuất bản Văn học] ngỏ ý giao cho tôi làm Tuyển tập thơ Tố Hữu. Định thế thôi, chứ đã giao thật đâu?. Vậy mà, tiếng đồn ra, nhiều người đã mừng cho tôi. Anh Xuân Diệu gặp tôi, bắt tay, chúc mừng:
‘ … thế là, Mạnh bắt đầu tiếp cận với nhà đỏ rồi đấy!’
Thế mà bây giờ, không thể ngờ Tố Hữu xuống giá nhanh chóng, và, thảm hại đến thế – ở cả 2 tư cách: nhà chính trị và nhà thơ.
Hầu như, các thế nhà thơ bây giờ không còn làm theo phong cách Tố Hữu nữa.
Ở khoa Văn đại học Sư phạm Hà nội (có lẽ khoa Văn trường đại học khác cũng thế) – có điều này – nếu, Tố Hữu sống lại, chắc sẽ buồn lắm:
‘ hàng năm cán bộ giảng dạy phải hướng dẫn hàng trăm sinh viên cao học, hàng chục nghiên cứu sinh làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Đề tài ngày càng bí, quanh đi quẩn lại, khai thác mãi những Vũ trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Thạch Lam, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Nguyễn Khải, Nguyễn minh Châu …, hầu như đã cạn kiệt. Rất bí. Cả thầy lẫn trò đều bí [như nhau] .
‘vậy mà, không ai chịu làm về Tố Hữu, tuy, Tố Hữu vẫn chiếm một vị trí quan trọng, trong chương trình phổ thông và đại học, như một tác giả lớn của nền văn học hiện đại Việtnam.’
Kể cũng lạ !
Tôi cho rằng: hiện tượng này này cần được giải thích, nhất là đối với thế hệ lớn lên sau 1975, đặc biệt, là sau 1986 – khi đất nước bước vào thời kì đổi mới. Tất nhiên, giải thích theo quan niệm lịch sử.
Theo tôi, tốt nhất là, tôi thuật lại những lần được trò chuyện với Tố Hữu trước 1986. Chính những lời phát biểu của ông về chính trị, về thơ ca, sẽ giải thích cụ thể sự thăng trầm của số phận ông.
Ngoài ra, cũng phải hiểu ông, đã quan niệm về thơ như thế nào và làm thơ như thế nào? Vì, vẫn phải giảng thơ ông trong nhà trường – vì – dù sao , ông cũng là một nhà thơ tiêu biểu nhất , vẻ vang nhất, có vị trí quan trọng nhất trong nền thơ ca Việt nam hiện đại va trong chương trình văn ở các trường phổ thông và đại học .
Tôi được gặp riêng Tố Hữu 2 lần – không kể những lần được nghe ông nói chuyện ở hội nghị. Qua 2 lấn tiếp xúc, tôi thấy ông là người thông minh, nói rất giỏi. Một nhà hùng biện. Ông rất tin ở những điều mình nói, như là những chân lý tuyệt đối. Nói rất sôi nổi, say sưa, không cho ai cắt ngang dòng biện thuyết của mình.
Cuộc tiếp xúc lần thứ nhất vào năm 1967: Địa điểm: nhà riêng Tố Hữu, Phan đình Phùng [Hà nội] .
[ … tạm lược khoảng 7, 5 trang A.4 … ]
***
Tố Hữu trông người nhỏ nhắn, nhẹ nhõm như một thư sinh. Nhưng, rất hách. Tôi đã nghe [nhà thơ] Hoàng Cầm nói: ông đã từng ra lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác… bằng 6 tiếng ngắn, gọn ,
‘Gọi nó về, bắt lấy nó’.
Tôi đã chứng kiến Nguyễn đình Thi sợ ông như thế nào, tôi ví,
‘như con cua co rúm người lại trước con ếch’.
Tôi đã nghe Hoàng ngọc Hiến thuật lại về Tố Hữu, trong cuộc họp nhà văn đảng viên, hồi tháng 6, 1979.
Nguyên Ngọc trình bày bản đề cương chống … , Tố Hữu đã quạt cho Nguyên Ngọc một trận, cho đây là hiện tượng ngược dòng – ông có cách nói mỉa mai rất ác.
Nhân thấy Nguyên Ngọc, người thấp, nhân [dịp] làm đổ cái micro trên bàn chủ tịch đoàn, ông nói,
‘Cái bục này đối với tôi hơi cao, [nhưng] đối với anh Nguyên Ngọc thì cao quá’! .
Ông còn đến vuốt râu Nguyên Hồng,
‘… để râu sớm quá đấy, để, trốn họp chi bộ chứ gì!’.
Gần đây, Kim Lân còn cho tôi biết, hôm ấy, Tố Hữu đến chỗ Kim Lân, nói, ‘Dạo này viết ít quá đấy!’ -Kim Lân buột miệng, nói, ‘Bác lại phê bình em rồi!’.
Có vậy thôi, nghĩ mà sợ quá, Kim Lân [lại] nói,
‘ … tôi nhớ, trong truyện Tam quốc, có 2 anh bạn thân, sau, một anh làm to , anh kia đến chơi, nói suồng sã về những kỉ niệm thuở hàn vi. Sau, bị tay kia cho người đuổi theo thủ tiêu – Sợ quá!… ‘.
Tôi chắc Kim Lân sợ, thì có sợ – nhưng làm gì đến nỗi thế,
‘Bọn nhà văn là chúa hay phóng đại!’
Nguyễn Khải cũng kể lại: hôm ấy anh ngồi chủ tịch đoàn. Có một cậu, nói nhỏ với anh,
‘ Ông Lành đang nói, sao cậu lại cười?’ .
Nguyễn Khải sợ quá, vội chối, ‘không, răng tôi nó bị hô đấy chứ, tôi có dám cười đâu…?’.
Gần đây, anh Hoàng Dũng, [cán bộ giảng dạy khoa Văn đại học Sư phạm tp. HCM] học trò thân thiết của Nguyễn tài Cẩn, cho biết,
Tố Hữu có lần gọi Huy Cận, bảo, phải biên soạn cuốn từ điển về thơ Tố Hữu,
‘Pouckhine có từ điển, sao Tố Hữu lại không có từ điển?’.
Huy Cận nhờ nhà ngôn ngữ học Nguyễn tài Cẩn giúp cho việc này.
Nguyễn tài Cẩn từ chối không được, bèn, dùng mẹo nhận mà không làm – tuy vậy- thỉnh thoảng lại giả vờ đến Tố Hữu xin ý kiến về câu này, chữ khác của thơ ông.
Bây giờ Tố Hữu chết rồi, [ Nguyễn Tài Cẩn] vẫn chưa có một trang từ điển nào cả.
‘Anh đồ nghệ láu thật !’
***
Năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI, Tố Hữu mất hết mọi chức vụ , từ đột đỉnh vinh quang tụt xuống đất.
Đau lắm !
Từ Sơn đến chơi thấy nhà như có tang.
Ông nói với Từ Sơn,
‘ … chúng nó tiếc gì mà không cho mình làm cố vấn!’
rồi , kéo Từ Sơn ra ngoài vườn, như, sợ có kẻ nào nghe trộm,
‘ Có gan lên chiến khu làm cách mạng lại không?’
Đúng là cay cú đến mức điên rồi!
Tố Hữu rất ghét thi hoa hậu. Ông nói với Hoàng Điệp: [nxb Văn hóa -thông tin]
‘ … thi hoa hậu để khoe mông, khoe đùi chứ gì! Làm như thế, những phụ nữ xấu người ta tủi. Sao không thi bắn súng …?’
Tất nhiên Tố Hữu rất ghét Goocbachốp, chị Tố Nga [vợ Hoàng ngọc Hiến] bắt chước giọng Huế của ông, rất vui,
‘ Miềng có Hồ chí Minh của miềng chứ! Thấy người ta chốp chốp cũng chóp chóp …’
Những năm cuối đời, ở Tố Hữu, có chuyện này cũng lạ :
‘thường phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm’.
Trong cuốn Chân dung & đối thoại, Trần đăng Khoa nói chuyện [về] Phù Thăng – có một thời bị quy chụp rất nặng – Khoa cũng thuật lại cuộc phỏng vấn Tố Hữu về việc sáng tác bài Hoan hô chiến sĩ Điện biên – Tố Hữu trả lời: không hề biết chuyện Phù Thăng. Còn những điều Trần đăng Khoa hỏi ông về bài Chiến thắng Điện biên, là bịa.
thực ra, Tố Hữu từng viết bài phê phán Phù Thăng, còn về cuộc phỏng vấn ông về bài Hoan hô chiến thắng Điện biên , thì, Khoa nói với tôi, ‘Em có ghi lại hẳn hoi, đậu có bịa …’
Lại còn chuyện Nhật Hoa Khanh công bố một bài phỏng vấn Tố Hữu rất dài.
Đọc bài phỏng vấn này, thì, Tố Hữu nói ngược hẳn [với] những điều ông nghĩ, ông viết.
‘và việc ông làm trước đây, đối với các nhà văn, nhóm ‘Nhân văn giai phẩm’. Ngược hẳn lại, như quay 180 độ, khiến, rất có tin là có thật.’
Trần đăng Khoa cho rằng : Tố Hữu quả là hay phủ nhận những điều mình đã nói, đã làm; nhưng, không đến nỗi quá quắt, như, trong bài phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh.
Tô Hoài nói: những sự kiện, những chi tiết trong bài phỏng vấn đều có thật cả, chỉ có điều, Tố Hữu nói ngược lại.
Nhật Hoa Khanh nói: đã ghi âm, còn giữ băng ghi âm.
Tố Hữu, sau khi mất hết chức vụ, vẫn rất hách [ xằng],
Trong một cuộc gặp mặt các nhà văn lão thành – Hữu Thỉnh tổ chức vào đầu xuân hàng năm, mời các văn Hà nội, từ 70 tuổi trở lên, gặp nhau chúc tết, mừng tuổi – thì -Tố Hữu đến muộn, nhìn khẩu hiệu treo trên tường:
‘ Hoan nghênh các nhà văn cách mạng lão thành’
bèn, thủng thẳng, ‘Láo, nhưng liệu có ‘thành’… không chứ!’
Tính cách như thế, văn nghệ sĩ đều không ưa. Khi Tố Hữu có chức, có quyền, người ta sợ, người ta phải đến – như xếp hàng chúc tết ông ta chẳng hạn .
Nay, hết chức, hết quyền, người ta lảng hết.
Tôi nhớ đến đám tang Lưu quang Vũ + Xuân Quỳnh, ở 51 Trần Hưng Đạo, người đến viếng đông lắm. Viếng xong, mọi người sang phòng bên uống nước, trò chuyện.
Tôi thấy Tố Hữu ngồi một mình. Chẳng có ai [thèm] nói chuyện với , ngồi một lúc, lặng lẽ ra về.
Hết quyền lực rồi, Tố Hữu vẫn có tật nói nhiều. Hôm báo Văn nghệ [trung ương] tổ chức hội thảo về cuốn Chân dung & đối thoại của Trần đăng Khoa,
Tố Hữu có đến dự: một mình ông nói hằng tiếng đồng hồ.
Lúc ông đã mệt nặng, Nguyễn Khải có đến thăm.
Nguyễn Khải nói : ông đã mệt lắm, nói không ra tiếng, vậy mà, miệng vẫn mấp máy, lắp bắp, đúng là mắc bệnh nói nhiều, thì phải .
Ca dao có câu :
Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm, dẫu hay cũng nhàm
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH
==================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét