đọc thêm (3) : " Thương nhớ mãi thầy Nguyễn Đăng Mạnh"/ Nguyễn Tiến Thi / Hà Nội -- trích: văn việt>
Thương nhớ mãi thầy Nguyễn Đăng Mạnh
Đào Tiến Thi
Những gì về văn chương của thầy Nguyễn Đăng Mạnh, tôi đã viết trong bài “Thầy Nguyễn Đăng Mạnh: nhà giáo – nhà khoa học – nhà văn”[*] và tôi còn muốn viết nhiều hơn nữa về sự nghiệp nghiên cứu, phê bình văn học của thầy khi có điều kiện. Hôm nay, để ngùi nhớ khi vừa tiễn đưa thầy về nơi an nghỉ, xin chỉ nói về con người thầy – cụ thể là những kỷ niệm về tôi với thầy – cũng là một thứ di sản tinh thần không thể quên.
Tuy vậy, về văn chương cũng cần nói thêm điều này: Trong mấy năm sôi nổi của làn gió “Đổi mới”, cùng với các tên tuổi Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Hiến, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Văn Hạnh, Lê Ngọc Trà, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương,… thầy là một cây bút lý luận, phê bình “tả xung hữu đột”. Những năm tháng ấy, cầm tờ báo Văn nghệ là thấy thích, có bài thầy Mạnh càng thích. Có khi chỉ là lời phóng viên tường thuật phát biểu của thầy trong hội thảo thôi cũng rất độc đáo. Thầy nói ít, viết ngắn nhưng cách nói “ác khẩu” của thầy (thực chất là dùng ngôn từ chính xác để gọi tên sự vật một cách chính xác) gây ấn tượng mạnh, khiến người nghe cảm nhận ngay bản chất của vấn đề. Khác hẳn nhiều ông cứ phải vòng vo Tam quốc, rào đón nhiều quá, khiến người nghe phải nghĩ mãi mới đoán ra cái ý thực là gì. Và cũng vì ngôn từ “ác khẩu”, thầy làm cho nhiều kẻ có thói quen xu nịnh chính thống tức tối. Tôi còn nhớ vì câu “Có một thời Đảng khinh bỉ sâu sắc giới văn nghệ sỹ”, thế là thầy bị một trận đòn hội chợ. Kể ra nói về lý thì họ đúng, thầy sai, vì bất cứ nghị quyết nào, nhà lãnh đạo nào mà chả nói những lời vô cùng “có cánh” về văn nghệ sỹ, nhưng thực tế đâu phải như lời nói. Tuy nhiên, tại thời thời điểm đó, phong trào dân chủ đang mạnh nên nhìn chung những kẻ phò cường quyền tạm thời im lặng, nhưng chỉ vài năm sau, cánh cửa dân chủ khép lại, thì họ phản công thầy, nhất là khi xảy ra vụ “Hồi ký” năm 2008.
GS. Nguyễn Đăng Mạnh đến thỉnh giảng tại lớp bồi dưỡng lý luận phê bình (2008) của Trung tâm viết văn Nguyễn Du. Ngay sau khi lớp học bế giảng thì xảy ra vụ Hồi ký.
Đầu những năm 2000, tôi dạy ở Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc. Trường thường xuyên đón các thầy nổi tiếng ở Hà Nội về dạy: Nguyễn Đăng Mạnh, Đỗ Ngọc Thống, Chu Văn Sơn, Phạm Quang Long,… Những buổi dạy của thầy Mạnh (cho cả HS giỏi và GV tổ Văn) có vẻ không thu hút lắm với học sinh phổ thông so với những người vừa trẻ lại vừa có cách giảng mượt mà, như anh Chu Văn Sơn chẳng hạn. Với giáo viên thì chia hẳn hai loại: loại rất thích và loại không thích. Ông tổ trưởng của tôi là người không thích. Ông thường kêu thầy dài dòng lan man quá. Tôi hiểu: ông này không thích văn chương, cũng không nhiều chữ để cảm nhận, nhưng lại cần thực dụng. Tức là dạy thế nào để HS của ông ta đoạt giải cao, chứ không phải là kiến thức hay năng lực gì hết. Anh ta đặc biệt sợ phải ngồi “hầu rượu” thầy Mạnh, bảo thầy “rề rà” quá, mệt! Tôi bảo: “Thế sao bác không “nhờ” em. Rượu thì em uống ít thôi nhưng chuyện thì em có thể tiếp thầy Mạnh không bao giờ dứt”. Khốn nỗi, tôi là dân “bạch đinh”, tiếp đãi các thầy Hà Nội lên phải từ tổ trưởng trở lên.
Tôi về Nhà xuất bản Giáo dục, đang chiến dịch làm sách giáo khoa, thầy là tác giả “ruột” của Nhà xuất bản nên tôi thỉnh thoảng có dịp gặp thầy. Cũng không nhiều. Vì tôi làm ở Ban Tiểu học, thầy thì làm việc với Ban Ngữ văn. Những cuộc gặp chỉ là tranh thủ trước giờ họp của thầy. Có lần thấy thầy đang đọc soát bản thảo Tuyển tập Nguyễn Đăng Mạnh. Thầy dừng lại ở trang ảnh có chú “GS. Nguyễn Đăng Mạnh và phu nhân”, có vẻ băn khoăn lắm. Thấy tôi, thầy bảo: “Này, chỗ này sao lại là phu nhân nhỉ?”. Tôi cầm bản thảo xem và nói: “Chỗ này nên dùng là người bạn đời thầy ạ”. Thầy gật gù: “Phải đấy. Chứ ai lại phu nhân. Nghe cứ như Trần Đức Lương, Phan Văn Khải vậy”. (Sau này không hiểu sao bức ảnh ấy không đưa vào Tuyển tập (2006). Mãi đến khi in Người và nghề (2010) mới thấy với lời chú: “Với cô giáo Nguyễn Thị Thoại – bạn đời”).
Một hôm thầy bảo tôi: “H. nó lại vừa đánh mình đấy. Có lẽ tại mình vừa được tái bản Chân dung và phong cách. Lại mới đây, trong hội thảo về kinh tế tri thức, mình bảo: Tôi chưa hiểu kinh tế tri thức là gì, chỉ thấy trí thức bị đánh”. Tôi nói: “Tay ấy nó đánh thầy mãi rồi, thầy bận tâm làm gì… À, nhưng mà sao nó đánh thầy nhiều đến thế, thầy có hiềm khích gì không?”. Thầy lắc đầu: “Không. Không hề. Hồi “Đổi mới”, hai vợ chồng H. còn đến nhà mình chơi và chụp ảnh chung…”. “Vâng, thế thì chỉ có lý do chính trị thôi”. Thầy chua chát bảo: “Có lần mình đã phát biểu: Tôi thấy Đảng dùng TMH, tôi thương Đảng quá”.
Vào khoảng mùa thu năm 2007, thầy tiết lộ với tôi (và có lẽ nhiều người còn biết trước tôi) rằng thầy đang viết hồi ký. Tôi thầm nghĩ sẽ rất nhiều chuyện thú vị đây, vì thầy là cả một kho về chuyện các nhà văn hiện đại và đương đại, chẳng kém gì cụ Tô Hoài, lại nhìn bằng con mắt của nhà phê bình nữa thì đáo để lắm! Thế rồi mùa thu năm sau (2008), Hồi ký bất ngờ bị được đưa lên mạng, gây chấn động dư luận. Thầy bị đánh tới tấp. Những kẻ nịnh hót bị thầy “phang” cho thời “Đổi mới” bây giờ được dịp đánh lại thầy. Thóa mạ, vu cáo, quy kết, thôi thì đủ trò. Có ông tiến sỹ nọ viết: “Mạnh muốn gi? Mạnh muốn Tổ quốc này sụp đổ”. (Kỳ thực, trong Hồi ký, thầy chỉ nhắc lại một câu nói của một nhà văn: “Chế độ này thế nào cũng sụp đổ, chỉ có chưa biết nó sụp đổ theo kịch bản nào”). Đánh nhằng và đồng nhất tổ quốc với chế độ ở ai chứ ở một ông tiến sỹ học ở nước ngoài về chắc chắn không phải do ngu dốt. Một ông khác tung tin nhảm về đời tư của thầy (nhân một tai nạn của thầy trước đó nhiều năm), giải thích theo cách hoàn toàn khác. Sự đời đúng là tre lướt là cò đậu, giậu đổ bìm leo.
Thầy lâm nạn Hồi ký, rất nhiều học trò thương thầy và lo cho thầy. Có bạn viết cho tôi: “Đưa lên mạng chưa phải là xuất bản, không thể quy tội, anh nhỉ? Nhưng em lo cho thầy quá”. Anh Đỗ Ngọc Thống gọi điện cho tôi bảo: “Tranh thủ lúc này “nó” chưa làm gì, nếu viết gì được về thầy hãy viết ngay đi, để ít nữa là khó đăng đấy”. Tôi vội viết ngay một bài (Thầy Nguyễn Đăng Mạnh: nhà giáo – nhà khoa học – nhà văn), và nhân dịp 20-11 năm ấy, gửi đăng ở tạp chí Thế giới mới. Thế giới mới lúc ấy do anh Trọng Thanh, phó tổng biên tập, phụ trách bài vở, là người tốt và hiểu biết, nên đăng ngay, chứ phải người khác có khi lại ậm ờ rồi “quên”, để khỏi liên lụy.
Anh Thống dự báo đúng. Chuyện Hồi ký mỗi ngày một nóng lên. Thỉnh thoảng tôi điện hỏi thăm thầy, thầy đều bảo “mình chưa thấy một công an nào đòi gặp mình cả”. Ấy thế mà đã có người bảo tôi: “Thầy Mạnh bị công an trói giật cánh khỉ đưa đi rồi”. (Khiếp quá! Ở cái đất nước này, nói khác đi cái tiếng nói đồng thanh của người ta cũng đồng nghĩa với “phản động”; công an đã làm việc nghĩa là có tội; công an đã bắt là phải “trói giật cánh khỉ”). Sau này tôi nhắc lại chuyện ấy, thầy bảo: “Chả biết đồn đại thế nào mà đến Hội Nhà văn Thụy Điển cũng tưởng mình đã bị bắt. Nhân chuyến sang Việt Nam, họ đến thăm mình, cho mình xem một cái tuyên bố phản đối của họ!”.
Cũng thời điểm ấy, một thầy là giảng viên cũ của ĐHSP Hà Nội cho tôi biết: Nghe nói sắp tới người ta định một chiến dịch đánh thầy Mạnh. Đánh bằng cách phỏng vấn từng giảng viên một, bắt mỗi người cho ý kiến về Hồi ký, về con người thầy Mạnh. Tôi lo cho thầy nhưng cũng nói cứng: “Không dễ gì làm thế đâu. Hầu hết giảng viên trong trường là học trò thầy Mạnh, đều yêu quý thầy, chẳng lẽ phản thầy cả sao?” Sau rồi cũng thấy im, không thấy một động thái nào hết. Như thế là họ khôn ngoan. Làm to chuyện chưa biết ai mất điểm nhiều hơn ai.
Tuy nhiên tất cả những lời thóa mạ, vu cáo cũng như những lo lắng của gia đình, học trò, bạn bè đã khiến thầy bất an. Trong một cuộc gặp mặt giữa Hội đồng biên tập và cộng tác viên của tạp chí Văn học và tuổi trẻ, tôi thấy thầy rộc rạc hẳn đi. Lúc liên hoan, thầy ngồi ăn một cách lủi thủi vì rất ít người đến “cụng li”, chúc tụng thầy như thường lệ. Tôi xót xa vô cùng. Ít lâu sau, theo lời khuyên của anh Đỗ Ngọc Thống, thầy “tạm lánh” vào Sài Gòn ở với con trai một thời gian (về sau hình như thành thói quen, cứ mùa đông là thầy vào Sài Gòn, cũng là để tránh rét nữa).
GS. Nguyễn Đăng Mạnh trong lễ mừng thọ 80 tuổi, đồng thời cũng ra mắt sách Người và nghề – tiểu luận chân dung về Nhà giáo – nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh.
Chuyện Hồi ký rồi cũng lắng dần xuống. Tuy nhiên, năm 2010, để in được cuốn sách về thầy nhân dịp thầy 80 tuổi cũng còn hết sức khó khăn trong việc xin giấy phép xuất bản. Anh Chu Văn Sơn là người rất giỏi định danh (đặt tên) các hiện tượng trong văn chương, đã lấy tên sách là “Nguyễn Đăng Mạnh – từ bục giảng đến văn đàn”, thế nhưng không xin được giấy phép xuất bản. Cuối cùng phải lấy một cái tên rất mơ hồ và gần như chẳng dính dáng gì đến thầy Mạnh: “Người và nghề” (Người nào? Nghề gì?) và tiêu đề phụ “tiểu luận chân dung” (Chân dung ai?). Chữ “tiểu luận chân dung” bé tí, như là cơ quan xuất bản cố ý làm giảm sự chú ý, sợ người ta lại mò ra là chân dung Nguyễn Đăng Mạnh! Đến nỗi một bài viết trong đó của nhà văn Thụy khuê (Việt kiều tại Pháp, cũng là tác giả “có vấn đề”) cũng phải bịa ra một cái tên là Yên Cơ. Sau này tôi biết đấy là cái mẹo nghề của một biên tập viên nhà xuất bản, để qua mắt kiểm duyệt. Nhưng thôi, đó là cái đáng xấu hổ của ai đó chứ đâu phải thầy Mạnh và các học trò của thầy cũng như nhà xuất bản. Hậu thế sẽ biết rõ điều này và sẽ phán xét. Trong bối cảnh ấy, in được sách là tốt rồi. Thầy (và cô) và các học trò, bè bạn, vì vậy, rất vui. Lễ mừng thọ thầy tám mươi tuổi là một cuộc sinh hoạt học thuật và gặp gỡ, giao lưu thật chân tình, ấm cúng. Thầy tạm thời vượt qua một “tai nạn nghề nghiệp”, như tươi trẻ lại.
Từ giữa 2013, tôi chuyển nhà về Hà Đông, hằng ngày đi làm qua đường Láng Hạ, nơi có nhà con gái thầy mà thầy thường ở trong nửa năm mùa nóng. Nghĩ rằng từ nay sẽ có dịp qua lại trò chuyện thường xuyên với thầy nhưng thực ra đâu có dễ thực hiện. Phần vì công việc bận rộn, phần vì thầy mỗi ngày một nặng tai, nghe một cách khó khăn.
Một hôm đi đường thấy thầy đang đi bộ thể dục, tôi dừng xe, rủ thầy vào một quán nước vỉa hè. Thầy kể: “Vừa mới hôm nọ, mình cũng ngồi ở quán này, có một ông bắt chuyện mình. Thấy mình ở Khoa Văn ĐHSP, ông ấy hỏi: “Có biết tay Nguyễn Đăng Mạnh không?”, mình bảo biết. Ông ta bảo: “Nguyễn Đăng Mạnh là một tay phản động rất nguy hiểm”. Mình cười bảo: “Tôi chính là Nguyễn Đăng Mạnh đây. Thế là ông ta chuồn luôn”. Nghe câu chuyện này, tôi vừa thú vị, vừa tiếc ngẩn ngơ: “Sao thầy vội để lộ thế, cứ để cho hắn nói thoải mái. Để biết hắn là ai, ngu muội đến mức nào. Hắn chuồn vì bị hớ hay là sợ tiếp xúc với “phản động” đây”.
Lần khác, tôi cũng thấy thầy cũng đi bộ trên vỉa hè đoạn ấy, nhưng đang vội, tôi không dám dừng lại. Tôi nhìn theo dáng thầy nhỏ bé, cô độc, trông rất thương. Nhớ lại cách đấy chưa lâu, một hôm rủ thầy đi uống cà phê, thầy bảo: “Mình thấy mình già quá rồi, sống lâu quá rồi, chả có ích gì nữa”. Ôi, những lúc đi một mình như thế, lại nghĩ như thế thì chắc là buồn lắm.
Liền mấy kỳ họp mặt tạp chí Văn học và tuổi trẻ, tôi thấy vắng thầy. Hỏi các bạn Ban biên tập thì các bạn ấy bảo thầy bây giờ yếu lắm, sợ thầy đi vất vả. Tôi nói: “Thế thì từ nay cứ mời thầy đi, thầy OK là mình sẽ đến đón”. Tháng 11-2014, tạp chí này tổ chức hội nghị cộng tác viên rất to, vì nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập và đón nhận huân, huy chương gì đấy. Nhận được “nhiệm vụ” của Văn học và tuổi trẻ giao cho, tôi rất hăm hở. Nhưng khi thầy ngồi lên xe máy tôi cũng thấy lo lo. Lúc lúc tôi lại nhắc: “Nếu thấy không ổn, thầy bảo em dừng ngay nhé. Em sẽ bắt taxi để thầy đi”.
GS. Nguyễn Đăng Mạnh (Ủy viên Hội đồng biên tập tạp chí Văn học và tuổi trẻ)
trong lễ kỷ niệm 20 năm thành lập tạp chí.
Đến nơi, các bạn Văn học và tuổi trẻ lại “giao” cho tôi nhiệm vụ “săn sóc thầy” từ A đến Z. Khách mời rất đông. Có nhiều nhà văn, giáo sư thuộc hàng có tên tuổi. Thầy gặp rất nhiều người thân quen cũ (trong số ấy có khá nhiều người tôi cũng quen hoặc biết ít nhiều). Chuyện Hồi ký đã qua rồi, lúc này ai cũng tay bắt mặt mừng được gặp thầy, nhiều người lấy làm hãnh diện nữa. Gặp ai, thầy cũng hồn nhiên giới thiệu tôi: “Đây là một anh hùng chống Trung Quốc”. Nghe câu ấy, có người không hiểu, có người người ngài ngại, sờ sợ, lảng lảng. Thế đấy, người chống Trung Quốc xâm lược cũng có nghĩa là người “nguy hiểm”, người đang bị theo dõi. Tôi thấy mình không nên và cũng không cần thiết “kèm” thầy nữa, để thầy tùy ý. Việc đưa thầy về nhà cũng đã có người xin đảm nhận vì họ có ô tô.
Cách đây chưa lâu, khoảng giữa năm 2015, thầy có tập bản thảo, lúc đó gọi tên là gì tôi không nhớ, đại để là sách viết về dạy văn học trong nhà trường. Ấy thế mà đưa cho Nhà xuất bản Hội nhà văn họ không thể lấy được giấy phép xuất bản. Tôi xem bản thảo, thấy chỉ có một ít bài mới, còn hầu hết là những bài đã in (hoặc những tư tưởng đã công bố), thậm chí in nhiều lần, một số bài thầy có sửa chữa bổ sung chút ít. Tất cả các bài của thầy không có chút “gợn” nào. Chỉ có lời bạt của nhà văn Nguyên Ngọc, một bài hay, nhưng cái tên tác giả thì mắc vào loại “có vấn đề” (theo cách nói của Nguyễn Tuân). Tôi bảo thầy: “Có lẽ tắc ở chỗ này đây”.
GS. Nguyễn Đăng Mạnh tại nhà riêng tháng 11-2014
Tôi xin thầy đưa bản thảo để in ở Nhà xuất bản Giáo dục. Tôi phác ra một kế hoạch. Nếu sếp tôi ngần ngại về chuyện tác giả “có vấn đề”, tôi sẽ thuyết phục bằng được. Còn nếu Cục xuất bản không cấp giấy phép, tôi sẽ gặp Cục để chất vấn. Tôi tin chắc họ không thể đưa ra được bất cứ lý do nào để từ chối. Tuy nhiên, tôi cũng bảo thầy, nếu cần, thầy cứ tạm rút lời bạt của bác Nguyên Ngọc ra, bao giờ yên yên, ta lại đưa nó vào. Sau này tôi hỏi anh Nguyễn Văn Sơn, biên tập viên bên NXB Hội Nhà văn, anh cho biết chỉ cần cái tên tác giả là tác giả của Hồi ký là họ “stop” tồi, chứ họ có khi cũng chưa để ý đến có lời bạt của nhà văn Nguyên Ngọc đâu. (Ối giời, thù dai thật! Nhưng như thế càng làm cho Hồi ký trở nên bất hủ thôi).
Thế nhưng cuối cùng lại tắc ở chỗ khác: đối tác phát hành không nhận vì kêu loại sách này bán được ít và bán chậm (ấy là sếp tôi giải thích thế, chứ không chừng vẫn là chuyện “nhạy cảm” cũng nên). Tôi đành ngậm ngùi đem trả bản thảo cho thầy và an ủi: “Thầy không in được cuốn này nữa thì cũng chả sao thầy ạ. Những cái gì hay nhất của thầy đã đến với bạn đọc rồi. Mà hay nhất là Hồi ký, chả cần nhà nào in”.
(Quả thật, tôi thấy “Hồi ký” cũng giống như “Đi tìm cái tôi đã mất” của Nguyễn Khải, đều là những “Cái chết của con thiên nga”)
Khoảng đầu tháng 11 năm vừa rồi, anh Văn Giá mời tôi cơm trưa ở một nhà hàng đường Hoàng Cầu, có cả thầy Mạnh và các anh Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Ngọc Thống, Lê Thống Nhất, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Xuân Diện,… tôi bàng hoàng vì thấy thầy xuống sức nhiều quá, nhanh quá. Người thầy nhỏ thó, gầy guộc, hai má tóp lại, miệng móm mém, da tái đi. Tôi định bụng dịp 20-11 sẽ viết một bài về thầy, để thầy đọc trước khi đi xa… Ấy thế nhưng rồi không làm được. Vì bao nhiêu việc của đời cứ cuốn đi… Sau hôm thăm thầy tháng 12-2017 về cũng muốn viết ngay, nhưng rồi việc đời cứ lôi tuột đi… Và cũng hy vọng thầy hãy còn cầm cự được. Rồi tin thầy ốm nặng. Việc đầu tiên là tính vào thăm thầy. Ấy thế mà đâu có đi ngay được. Công việc. Ốm đau. Trời rét đậm… Cái gì cũng khiến cho mình có lý do “để mai”. Tối thứ sáu (9.2) tuần trước, trong bữa cơm tối, tôi bảo vợ con: “Mai sáng bố vào thăm ông Mạnh, không thể để chậm hơn nữa”. Nhưng ít phút sau, vợ tôi vào mạng, kêu lên: “Ôi, thầy Mạnh mất rồi…”. Tôi lặng người đi. Vợ tôi vốn không học thầy Mạnh, không gặp thầy Mạnh bao giờ, chỉ biết về thầy qua những trang sách và qua những lời kể của tôi, cũng lặng người đi…
Tôi chỉ được học thầy Nguyễn Đăng Mạnh có đúng một chuyên đề hồi học cao học (Phương pháp luận nghiên cứu tác giả) và sau đó là một số tiết ngồi học cùng đội tuyển HS giỏi của Chuyên Vĩnh Phúc. Còn gặp vì công việc thì không. So với nhiều người được học và được gần gũi thầy Mạnh, có lẽ tôi đứng ở cuối hàng. Tôi như người chỉ thích gặp thầy vì thầy có sức hút nào đó. Ở thầy có cái cao sang. Mà cái cao sang trước hết là sự giản dị. Giản dị trong giao tiếp. Giản dị trong phương pháp nghiên cứu, giản gị trong trong ngôn từ, cả ngôn từ trong khoa học lẫn ngôn từ đời thường. Mỗi lần gặp ít nhất cũng được nghe từ thầy một câu nói hay, một câu chuyện hay. Nhiều chuyện thầy kể đi kể lại vẫn thấy hay. Vì trong đó luôn chứa đựng sự thật, chứa đựng óc phê phán (mà phần đông chúng ta ngày nay đã đánh mất). Thầy hay buông ra những câu “ác khẩu” với cả đồng nghiệp (mà có người coi là “nói xấu”), nhiều người ghét, nhưng người yêu quý vẫn nhiều hơn. Có lần tôi gặp ở nhà thầy rất nhiều ông bà bạn già của thầy. Hỏi ra mới biết hầu hết các cụ đều từng học ở Trung Quốc. Thầy Mạnh chẳng liên quan gì đến Trung Quốc, nhưng hôm ấy Hội Hữu nghị Việt – Trung tổ chức lễ lạt kỷ niệm gì đấy, số cụ này được mời nhưng không đi, lại kéo nhau đến nhà thầy Mạnh. Thầy Mạnh nói: “Dân mình đánh Pháp, đánh Mỹ ác vậy nhưng lại không ghét Pháp, ghét Mỹ. Chỉ ghét Trung Quốc. Lúc nào cũng ghét”. Những khái quát đột xuất như thế thường chính xác, khiến cho người ta thích được nghe thầy nói, dù thầy không có tài hùng biện.
Ngày tiễn đưa thầy Mạnh về nơi an nghỉ cuối cùng, tôi ghi vào sổ tang: “Ở thầy còn phảng phất một chút Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, một chút Tản Đà, một chút Nguyễn Tuân,… những giá trị mà ngày nay người ta vẫn nhắc đến nhưng thực sự đã đánh mất”. Cái đánh mất ấy là dám sống thật, sống như mình nghĩ, mình thích. Vì sinh thời, nhiều lần tôi nghe thầy Mạnh nói: “Nhà văn có cái hạnh phúc là được sống sâu sắc với chính mình”. Sống sâu sắc với chính mình, trước hết phải sống thật với chính mình. Khó lắm. Nhưng thầy Mạnh cho tôi có thêm can đảm để sống thật với chính mình. Sống thật, sống sâu sắc với chính mình, tôi có cảm giác “được sống”. Và cảm giác “được sống” cho tôi cái hạnh phúc làm người, dù là hạnh phúc trong khổ đau.
Mấy trang này của tôi nhân ngày vĩnh biệt thầy, như một sự tri ân thầy, chỉ tiếc thầy không được đọc. Thương nhớ mãi thầy!
(Dương Nội, 13-2-2018, 28 Tết Mậu Tuất)
ĐỖ NGỌC THỐNG
------------
[*] Tạp chí Thế giới mới số 810 (năm 2008) – nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam và tập Người và nghề (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2010) nhân dịp thầy Nguyễn Đăng Mạnh 80 tuổi.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ