XẤP ĐÔ LA NHẶT ĐƯỢC
N hiều ngày sau, chị Quế vẫn chưa quên cảm xúc lạ lùng tối ấy. Buổi tối chị tình cờ nhặt được món tiền lớn.
Gọi “lạ lùng” vì trong đời, chưa bao giờ chị Quế có cảm xúc tương tự thế: Phấn khích, bối rối, lo lắng, nửa muốn cười nửa muốn… mếu.
Phải mất nhiều phút qua, chị Quế mới dần hoàn hồn, dụi mắt xem kỹ vật đang cầm trong tay có đúng tiền không hay là cục gạch hoặc tập vé số người ta dò không trúng nên quăng đi? Và chị xác nhận đúng là tiền, chủ nhân cẩn thận sắp xếp rất ngay ngắn, buộc bằng nhiều sợi dây thun chặt chẽ, đều tăm tắp và… mới toanh.
Ối trời đất, cha mẹ ôi! Lại toàn là đô la đấy!
Dù trước giờ chị Quế chỉ nghe vài đồng nghiệp bàn tán khoe nhau chứ chưa sở hữu một tờ ngoại tệ nào, thì chị cũng biết trị giá xấp đô la này lớn lắm. Không dưới 100 tờ… À không, có thể 200 tờ hoặc hơn thế nữa kia! Chỉ ước lượng thôi, hai tay chị đã run lẩy bẩy rồi, làm gì còn can đảm mở bung ra mà đếm?
Xấp tiền lớn lại đựng trong cái túi giấy khá tầm thường, miệng túi có hai dây vải đen làm quai xách, không khiến chị Quế thắc mắc. Chẳng phải vì đang choáng vì “của trời cho” bất ngờ, mà chị vốn vô tâm, không hay nghĩ ngợi nhiều. Nhà sản xuất tạo ra cái túi với công dụng làm bao bì đựng món hàng gì đó, không thứ này thì thứ kia. Ngay cả như với một cái vali hàng hiệu, chủ nhân dùng chứa váy áo hay cất vài chai mắm tôm thì vẫn đúng chức năng sử dụng của vali. Chả việc gì phải… lăn tăn!
Chân run run đứng không vững, chị Quế ngồi phệt xuống lề đường, nghe chính nhịp tim mình đập dồn dập như… trống thúc quân trong vở cải lương xem nhờ nhà hàng xóm.
Chị dáo dác nhìn quanh, xem có ai đã nhìn thấy chị vừa xuống xe nhặt cái túi lên không.
Con đường vốn nhỏ lại không có nhiều tuyến đường cắt ngang nên thưa thớt xe cộ, ít hàng quán. Đi thêm hơn chục mét mới có một Motel quy mô trung bình, khá im ắng. Khoảng trống phía trước làm bãi giữ xe nên Motel xây lùi vào trong, hẳn người bảo vệ cũng không thấy rõ chuyện ngoài lề đường.
Mà có người nhìn thấy thì đã sao? Lộc Trời cho ai, nấy hưởng! Chị may mắn nhặt được của rơi chứ có ăn trộm ăn cắp gì? Chỉ nhấc lên một cái túi giấy vô chủ lăn lóc giữa đường cũng thành tội phạm à?
Nghĩ thế, chị Quế thấy nhẹ nhõm hẳn. Và chị bắt đầu mơ mộng, tính toán xem dùng số tiền này vào việc gì cho được dài lâu, cho thật hữu ích, cho khỏi uổng phí đây? Điều xui xẻo có thể đến liên tiếp chứ vận may đâu dễ gặp nhiều lần, thực tế cuộc sống dạy chị vậy.
Bao năm qua, nhất là từ khi anh Quế mất, nào chị có dám mong gì viễn vông? Ngay mơ ước nhỏ nhoi tưởng trong tầm tay, mẹ con chị còn chưa đạt được, huống gì chuyện cao xa?
Thật vậy, mỗi ngày chị Quế chỉ dám ước mua và bán được đầy một xe ve chai; Con Hà ước có vài bộ đồng phục mới toanh để không phải mặc mãi cái áo cũ từ hai năm trước đã ngả màu cháo lòng lại ngắn cũn cỡn, mỗi lần nó giơ tay viết bảng là lòi cả lưng; Mơ ước của thằng Phú đơn giản hơn: được một lần ăn món xôi lạp xưởng đến no căng! Thằng bé khoái khẩu món này nhất.
Phú mê lạp xưởng sau một tối mưa lạnh, mẹ con nằm ôm nhau, chăn kéo tới cổ, chị Quế đã kể mẩu chuyện BA ĐIỀU ƯỚC thế này:
Ngày xưa, có gia đình kia gồm ba người: chồng, vợ và đứa con nhỏ, đều là những người hiền hậu tốt lành, nên một bà tiên hiện ra ban cho mỗi người một điều ước.
Vợ nhanh nhảu nói trước:
-Ước gì tôi có một cây lạp xưởng.
Lập tức, cây lạp xưởng mỡ màng hiện ra trên mặt bàn.
Thấy vợ dại quá, không ước vàng bạc hay nhà cao cửa rộng, làm uổng phí một điều ước hiếm hoi, chồng tức giận trừng phạt vợ:
-Ước gì cây lạp xưởng này dính lên mũi vợ tôi.
Tức thì, cây lạp xưởng bay lên dính toòng teng trên chóp mũi vợ, như vòi “chú voi con ở bản Đôn”!
Vợ hoảng sợ, khóc bù lu bù loa.
Đứa con thương mẹ, vội nói:
-Ước gì cây lạp xưởng rơi xuống.
Dĩ nhiên điều ước cũng thành hiện thực.
Thế là mất toi cả ba điều ước quý báu của bà tiên!
Nghe kể, con Hà ré lên cười, còn thằng Phú nằm im, mơ màng. Nó đang hình dung món lạp xưởng nướng than thơm nức, đâu chú ý nội dung ám chỉ điều gì.
Cả đêm đó chị Quế thao thức không ngủ, đầu nặng như đeo đá, thỉnh thoảng thái dương lại nhói buốt. Không ngờ xấp tiền kia làm khổ chị đến thế. Chị mơ hồ cảm thấy hình như có gì đó sai sai. Nhưng sai ra sao, từ đâu thì chị không biết.
“Nếu bây giờ biết chủ nhân tiền rơi, mình có trả lại không?” Chị Quế tự hỏi, trong đầu vang lên hai giọng nói đối nghịch nhau:
-Có! Phải trả lại tài sản cho người ta chứ!
-Không! Mình cũng đang rất khó khăn mà... Nên Trời xanh cho cơ hội để mình có vốn mở một quán cơm chay, không phải mua bán ve chai vất vả, bấp bênh nữa. Để con Hà được mặc nhiều bộ áo đẹp. Nhất là để thằng Phú hết thèm thuồng món xôi lạp xưởng.
Nhớ tới Phú, mắt chị Quế rơm rớm. Thương biết mấy! Mong ước của thằng bé nhỏ nhoi thế mà chị cũng chưa thể đáp ứng. Số tiền chị kiếm được từ xe ve chai mỗi ngày còn không đủ góp trả nợ thuốc thang cho anh Quế.
Lúc này hai đứa con như động lực giúp người mẹ an tâm phần nào. Thế là chị lại mạnh dạn biện minh:
-Chủ nhân tiền này chắc chắn là người giàu, giàu mới tiêu xài bằng đô la. Mình đâu có làm thiệt hại người nghèo?
-Ha ha ha… Ngụy biện của lòng tham! Người giàu cũng phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới tạo ra đồng tiền chứ! Vốn càng to, gian nan lao nhọc càng nhiều… Biết đâu lỡ để rơi số tiền này mà đổi một mạng người hay tan nát một gia đình thì sao?
Tâm trạng giằng xé làm chị Quế nặng nề, mỏi mệt quá.
Chị bật dậy, ra ghế ngồi, mắt thôi miên vào cái túi giấy trên bàn đựng xấp tiền mà chị vẫn giữ nguyên trạng, chưa tháo một sợi thun. Kéo nhẹ túi lại gần, chị lơ đãng nhìn vào một lần nữa, như xác định bên trong còn là tiền hay đã biến ra cục đá xanh? Dĩ nhiên làm gì có cục đá nào?
Bỗng, chị Quế giật mình khi phát hiện mặt trong mép túi có đính mẩu giấy nhỏ. Mẩu giấy viết tay một cái tên kèm địa chỉ.
Chị Quế rùng mình, bàng hoàng lẫn sợ hãi. Nhìn lên di ảnh cha trên tường, chị cảm tưởng cha đang khiển trách: “Cái gì không phải của mình thì chẳng thể cưỡng cầu”. Cha chị -một nhà giáo mẫu mực luôn dạy chị sống tự trọng, liêm khiết- hẳn vẫn dõi theo nhắc nhở mỗi khi chị yếu lòng, va vấp.
Trong thoáng chốc, chị Quế quyết định rất nhanh: Sáng ngày, chị sẽ theo địa chỉ tìm nhà chủ nhân, để “châu về Hợp Phố”!
Lúc chị Quế đến được nơi muốn đến thì trời đã gần trưa.
Ngôi nhà ba tầng lầu, nước sơn còn rất mới. Nhà nằm trong hẻm cụt rất yên tĩnh. Hẻm rộng, đủ cho hai chiếc Taxi ngược chiều nhau.
Chị Quế đứng bên ngoài cổng sắt đóng kín khá lâu, ngần ngại mãi mới rụt rè đặt ngón tay ấn lên chuông cửa.
Lát sau, một cô gái đeo tạp dề -ý chừng là người giúp việc- ra mở cổng.
-Xin lỗi, cô cho tôi hỏi, đây có phải nhà bác Trình không?
-Phải ạ. May quá, ông chủ tôi cũng vừa về xong.
Cô giúp việc dẫn chị Quế vào phòng khách.
Vài phút sau, chủ nhân, một ông to béo, dáng bệ vệ, thong thả đi ra.
1
Nghe chị Quế nhỏ nhẹ kể lý do chị đột ngột đến đây, ông Trình hai mắt mở to -gần như trợn trừng-, chắc vì bất ngờ nên “sốc” quá chăng?
Tay run run nhận xấp tiền thẳng thớm vẫn buộc chặt trong nhiều sợi thun chị Quế đưa ra, ông Trình thở hắt như trút một gánh nặng:
-Chị thật tốt. Tôi bất ngờ quá… Vợ chồng tôi lo lắng mất ngủ suốt đêm qua. Tôi sẽ hậu tạ chị xứng đáng. Cám ơn chị nhiều lắm.
Chị Quế nhẹ nhàng đáp lại:
-Xin bác đừng nói ơn nghĩa… “Nhặt của rơi tìm người trả lại” là câu cha tôi dạy từ bé. Giúp bác tìm lại của rơi, tôi cũng vui.
Ông Trình gật gù, rất hài lòng. Ông rót nước trà vồn vã mời khách một cách thân tình. Nhưng chị Quế chưa kịp nâng chén thưởng thức hương trà thơm ngát thì ông đột ngột hỏi:
-À, thế “cái kia” chị có đem đến luôn không, hả chị?
Chị Quế ngớ người, không hiểu:
-Sao ạ… thưa bác?... Tôi không hiểu bác hỏi… cái gì?
Ông Trình xoa tay, cười:
-Thì cái hộp đỏ đựng chiếc nhẫn kim cương hôm qua tôi làm rơi cùng với xấp đô la này ấy.
-?
-Nó là kỷ vật người vợ đầu tiên vắn số của tôi để lại. Mất nó, tôi đau lòng lắm…
-Ô! Có cái hộp đỏ hay chiếc nhẫn nào đâu?… Tôi chỉ thấy số tiền này thôi.
-?
-Bác xem… Tôi còn chưa dám mở một sợi thun… Tôi nói thật đấy, tôi không giấu cái nhẫn…
Nghe giọng chị Quế run rẩy, như thất thần, như sắp òa khóc, ông Trình vội lấp liếm:
-Không, không! Tôi chỉ hỏi chứ có bảo chị giấu nó đâu? Tôi biết chị là người tốt… Xin lỗi chị, tôi bậy quá… Chị thông cảm, tôi đàn ông đàn ang ăn nói vụng về… Thôi, bỏ đi, coi như tôi chưa nói gì cả, chị nhé!
Rồi ông thấp giọng, lẩm bẩm một mình:
-Nhất định chị ấy không tham lam đâu… Quái lạ! Thế thì nó biến đi đâu?
Nước mắt đã vòng quanh, chị Quế nghẹn ngào, vừa xấu hổ vừa uất ức vì tự nhiên gánh nỗi hàm oan… lãng nhách. Chị nức nở, lắp bắp:
-Tôi xin thề… Tôi không…
Ông Trình lại xua tay cuống quýt:
-Chết, chết!... Chị thề làm tôi tổn đức! Tôi tin chị rồi... Mong chị bỏ qua…
Rồi ông nhanh tay mở bung xấp đô la, đếm xoèn xoẹt:
-Đây, đây! Coi như chút quà “hậu tạ” chị… Xin chị nhận cho.
Còn lòng dạ nào nán lại, chị Quế đứng phắt dậy, đi một mạch ra cửa, không chào cũng chẳng thèm ngó ngàng mấy tờ đô la ông Trình đang chìa ra khoảng không.
Cắm cúi vừa đi vừa khóc, chị Quế hối hận đã đến đây để nhận bẽ bàng này. Cái giá làm người tốt sao quá đắt? Biết giải trình thế nào cho gia đình ông Trình thấu tỏ nỗi hàm oan? Điều chị tiếc nuối còn là đã bỏ phí mất nửa ngày thu mua ve chai.
Nhìn theo hút người đàn bà, ông Trình rung đùi, nở nụ cười đắc ý:
-Biết ngay mà! Nghe mình nói thế, chị ta có mặt mo mới xòe tay nhận tiền “hậu tạ”!
Rồi ông hướng mặt vào trong, gọi vợ:
-Mình ơi, ra mà cất tiền vào. Không sứt mẻ nửa tờ, nhé!
Giọng ông nhuốm đầy ân hận:
-Thì ra tối qua thằng Hải làm rơi túi tiền thật. Thế mà tôi cứ chửi nó đểu cáng “qua cầu rút ván”! Thằng này sòng phẳng, chơi đẹp đấy, mình nhỉ?
Lúc chị Quế đến được nơi muốn đến thì trời đã gần trưa.
Ngôi nhà ba tầng lầu, nước sơn còn rất mới. Nhà nằm trong hẻm cụt rất yên tĩnh. Hẻm rộng, đủ cho hai chiếc Taxi ngược chiều nhau.
Chị Quế đứng bên ngoài cổng sắt đóng kín khá lâu, ngần ngại mãi mới rụt rè đặt ngón tay ấn lên chuông cửa.
Lát sau, một cô gái đeo tạp dề -ý chừng là người giúp việc- ra mở cổng.
-Xin lỗi, cô cho tôi hỏi, đây có phải nhà bác Trình không?
-Phải ạ. May quá, ông chủ tôi cũng vừa về xong.
Cô giúp việc dẫn chị Quế vào phòng khách.
Vài phút sau, chủ nhân, một ông to béo, dáng bệ vệ, thong thả đi ra.
2
Nghe chị Quế từ tốn thuật lại, ông Trình chỉ lẳng lặng lắng nghe.
Đợi chị nói xong, ông ôn tồn bảo:
-Chị tốt quá! Làm chị phải vất vả rồi. Cám ơn chị nhiều lắm.
Ông rút ngay trong túi mấy tờ giấy xanh, đưa cho chị:
-Coi như tôi phụ chị tiền xe đi lại… Chị đừng từ chối, cho tôi vui nhé!
Ông chủ nhà khéo ăn khéo nói thật. Chị Quế mất vài lượt xe bus đi về, đáng là bao mà ông ấy “phụ” hậu hĩnh thế? Dĩ nhiên chị sẽ nhận mà không áy náy băn khoăn: Số đô la chị vừa đem trả lớn lắm, vài triệu này có là cái đinh gỉ gì?
Chị hân hoan vì việc làm của mình đem đến nhiều niềm vui: Ông Trình vui khi tìm lại của rơi, chị vui vì có thể thanh thản cầm tiền của ông ấy. Thằng Phú càng vui hơn: nó sắp được bữa xôi lạp xưởng no căng!
Đột ngột, ông Trình cầm xấp đô la còn buộc nguyên mớ dây thun, quăng vào cái sọt nhỏ dưới chân bàn:
-Còn cái này… trễ rồi! Tôi không cần đến nó nữa.
Sửng sốt, chị Quế ngây mặt, trố mắt không hiểu:
-Là… là… sao?
Ông Trình cười xòa, giải thích:
-À, vì sáng sớm hôm nay tôi đã làm giỗ 100 ngày cho mẹ tôi xong xuôi rồi… Đây là tiền âm phủ đốt cho người chết, chị ạ. Tại chị không mở xem kỹ mặt bên kia nên tưởng tiền thật đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét