VĂN CHƯƠNG (Tâm Bút TTBG)
| 21:45 4 thg 10, 2023 (16 giờ trước) | |||
VĂN CHƯƠNG
(Tâm Bút TTBG)
[]
*/ San Jose, thứ Tư Oct. 4, 2023.
Văn Chương vẫn có cái êm đềm dịu dàng hơn Âm Nhạc. Những người yêu Văn Chương vẫn thấy mơ hồ trên dáng vẻ sự trầm tĩnh sâu sắc hơn những người yêu Âm Nhạc. Đó là điều nói chung, nghĩa là, chỉ con chữ và con notes mà không chen vào thể loại phân biệt. Một người cầm cuốn sách vẫn có khuôn mặt hiền hòa cô đơn hơn một người thét gào theo tiếng nhạc dồn dập.
Ở cả hai lãnh vực, tôi đều thấm cảm suốt cuộc đời, nên cái nhìn dẫu riêng tư thì cũng có thể được xem (một cách nào) ở dạng số chung.
Ba giờ sáng thức giậy, ngồi với những con chữ, tâm tư dịu hẳn. Mọi lo toan ban ngày biến đâu mất. Những khuôn mặt bạn bè, người thân mang cùng tâm cảnh. Âm nhạc Lê Đức Cường nhạt nhòa trước những dòng viết Uyên Thao, Thế Phong. Khuôn nét yêu đời của con dâu Ngọc Tú mờ đi hẳn trước bóng hình con gái Âu Cơ cúi đầu bên cuốn sách dầy cộm.
Đó mới chỉ là những hình tượng hằng ngày nhìn thấy. Ngoài ra, còn biết bao ví dụ để suy xét. Những khi lắng sâu tâm hồn trong đáy cùng tìm kiếm, tôi càng nhận rõ hơn điều đã viết ở trên.
Tôi vẫn nhắc nhủ hoài với những người bạn trẻ, những độc giả đọc tôi, những ai quen biết, về sự ích lợi của việc đọc sách, bước thứ nhất dẫn đến lãnh hội làm thăng hoa trí tuệ. Đó là một ngõ thoát rất kỳ diệu trong cuộc đời đầy bể khổ, y như lời Thomas Mann nói: “Không có gì giúp con người đi vào đời sống hay cho bằng Nghệ Thuật. Cũng không gì giúp con người thoát khỏi đời sống hay hơn bằng Nghệ Thuật.”
Nghệ Thuật ở đây, tôi muốn nói riêng hai chữ Văn Chương.
Dù gì, trong bất cứ lãnh vực học hỏi nào cũng cần có thầy giỏi hướng dẫn. Thời đại công nghệ ồn ào, sách vở đầy dẫy trên các trang mạng trong tất cả mọi quốc gia; nhưng, để kiếm ra một cuốn sách đáng đọc cho con trẻ, thật khó như mò kim đáy bể. Ngay cả những cuốn sách hồng thần tiên “công chúa ngủ trong rừng”, bây giờ đều trở thành là thứ… phải nằm mơ!
Năm xưa ở Paris, có anh bạn tên Michel. Mỗi ngày sau giờ làm việc, anh đều đến giúp tôi trau giồi tiếng Pháp. Anh là một linh mục. Việc làm cu-li (chung chỗ với tôi) nằm trong dòng tu tập của anh (tôi không rõ mấy). Anh lấy ngay cuốn Les Misérables của Victor Hugo và Bonjour Tristesse của Francois Sagan làm bài tập.
Từ anh, tôi học được điều: “Tất cả tinh hoa ngôn ngữ của một xứ sở đều gom tụ trong các tác phẩm kinh điển văn chương.”
Anh nói: “Trong nước Pháp, ai nấy đều nói tiếng Pháp, nhưng không phải ai cũng nói tiếng Pháp đúng văn phạm chính tả, khoan nói là hay, là đẹp, là thanh lịch.”
Câu này được tôi áp dụng khi nhận lời dạy tiếng Việt cho anh bạn nhạc sĩ luật sư Brent Jorgenson ở San Jose. // Cuốn sách thứ nhất tôi đưa ra là Nước Chảy Qua Cầu, giảng giải kỹ cách dùng chữ, hành câu, tóm ý, gợi nghĩa theo lối văn chương.
Kết quả không tệ. Trong buổi giới thiệu cuốn Một Truyện Dài Không Có Tên I ở San Jose, Brent chẳng những là người đệm trống cho tôi kéo Bóng Cây Kơnia mà còn lên sân khấu phát biểu những lời tiếng Việt rành rọt (âm giọng có chút ngọng ngịu):
“Trước khi gặp chị BG, tôi chỉ mơ đến chuyện cầm một tờ báo Việt ngữ đọc được tựa bài là quý lắm. Bây giờ chẳng những đọc mà còn hiểu rành rẽ từng câu văn chị viết trong nhiều tác phẩm.”
Văn Chương là thế, tôi không nói ngoa, bạn ạ. Tôi chẳng bao giờ có mặc cảm “nhỏ xíu” (như lời một anh luật sư người Việt ồn ào ở San Jose lúc nói về “tiếng nói cộng đồng VN nhỏ xíu” bằng giọng điệu khinh miệt, trong khi tự khoe ra tựa đề những cuốn sách Mỹ best seller ồn ào chửi bới!).
Trên đủ mọi lãnh vực của kẻ sống nhờ đất khách, tôi BIẾT thân phận mình, trừ ra mặt văn chương VN. // Với văn chương VN, tôi vẫn có niềm tự hào về nét tao nhã, điệu thanh lịch, sự tuyệt vời của những-con-chữ-Việt-Nam-thật-
Đêm khuya tĩnh mịch, ngồi nơi bàn viết, tìm lại niềm tin bị đánh mất giữa ban ngày, cứ muốn đêm dài hoài, dài hoài. Chỉ trong bóng tối, mọi thứ đều như nhau, cái Thiện lẫn cái Ác, cái Đẹp lẫn cái Xấu. Tất cả cùng trà trộn, mà, chỉ ánh sáng đầu óc, kết tinh từ những con chữ, mới làm cho tỉnh táo để phân biệt được mọi điều sai-đúng.
Những lo toan thực tế còn đó, chình ình ra đó. Nhưng hơn tất cả, dáng vẻ đại lượng trang nghiêm của thần Văn Chương giúp làm mờ đi hết trong khoảnh khắc ngắn ngủi, gầy lại cho tôi sức mạnh kiên trì để đối diện, khi mặt trời bắt đầu hừng sáng chút nữa đây.
[]
Trần Thị Bông Giấy
(Những giòng ghi vội. Thứ Tư, Oct. 4, 2023. 4:30 AM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét