bài đáng đọc : " SỎI ĐÁ ... GÓP NHẶT / Ngộ Không / Mỹ -- trích : T.Vấn & Bạn Hữu ( Mỹ ).
T.VẤN
& Bạn Hữu
Văn Học và Đời Sống
SỎI ĐÁ…GÓP NHẶT (2)
Tuỳ bút Phở của Nguyễn Tuân
Bài tuỳ bút nhan đề Phở của Nguyễn Tuân được đăng lần đầu ngay ở số 1 (10/5/1957) và đăng phần tiếp ở số 2 (17/5/1957) của tuần báo Văn. Xin nhớ tuần báo Văn chỉ hiện diện trong làng báo Hà Nội từ 10/5/1957 đến 17/1/1958, chấm dứt ở số 37, với lý do tạm dừng để kiểm điểm, và trên thực tế là dừng lại vĩnh viễn.
Hơn 4 tháng sau, sau đợt tập trung chống Nhân văn – Giai phẩm, bộ máy Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật VN và Hội Nhà văn VN được chấn chỉnh lại, Hội Nhà Văn mới xuất bản tờ Văn học với định kỳ ban đầu 10 ngày/ 1 số (“tam cá nguyệt san”), đánh số từ 1, thư ký toà soạn là Nguyễn Đình Thi, tuyên bố là tờ báo mới, “mới cả về tinh thần lẫn tên gọi”, tức là không vương vấn gì với tờ tuần báo đã đăng Phở, Tiếng bạc cuối cùng (truyện của Hồ Dzếnh), Phòng số 6 (truyện dịch của Chekhov), Lời mẹ dặn (của Phùng Quán), Đống máy (của Minh Hoàng), Ông Năm Chuột (của Phan Khôi), v.v…, tờ tuần báo đã bị tạp chí Học tập và tạp chí Văn nghệ phê phán nghiêm khắc nhưng không chịu tiếp thu, cuối cùng bị ngừng lại mãi mãi.
(Lại Nguyên Ân – Những hư cấu văn học sử cần đính chính)
***
Bài thơ ông (Xuân Sách) viết về rượu nhưng chính là nói về cuộc đời: “Đừng rót nữa tôi không sành rượu / Uống không say thì uống làm gì / Vui chẳng thêm buồn không quên được / Cứ như thừa từ cái mặt thừa đi / Cứ như thừa trong cõi đời náo nhiệt / Hay hớm gì nhìn gan ruột người ta / Giữa thời buổi cạnh tranh quyết liệt / Cứ tỉnh quoeo lắm lúc cũng phiền hà…” (bài “Rượu”).
***
Sẵn cái mạch quê hương bản quán vạn kiếp tha phương nghìn đời thê thảm ấy trong óc tôi lại hiện lên mấy câu thơ ông viết: “Tôi về với bến sông xưa / Hút tàn điếu thuốc mà chưa gọi đò / Nhìn theo ngọn khói vu vơ / Nhớ thương thì có đợi chờ thì không…” (Bài “Bến quê”). – Phạm Lưu Vũ
***
Nguyễn Bính nhớ quê thì: “Quê nhà xa lắc xa lơ đó / Trông lại tha hồ mây trắng bay”.
***
Gió bấc, gió nồm
Gió bấc là gió bắc. Gió nồm là gió nam
Ca dao lịch sử có câu:
Lạy trời cho có gió nồm
Cho thuyên chúa Nguyễn giong buồm ra khơi
Nghĩa là mong có gió nam thổi lên phía bắc để chúa Nguyễn Ánh kéo quân ra Đàng Ngòai đánh nhà Tây Sơn
Thành ngữ dân gian có câu:
Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam
Ý là làm nhà hướng nam để đón gió nam thổi lên cho mát mẻ.
Vì không ai làm nhà hướng bắc, gió bắc (tức gió bấc) từ hướng bắc (từ Tây Bá Lợi Á) thổi xuống lạnh lăm.
Nhà Minh bãi bỏ bế quan tỏa cảng, các thương thuyền người Hoa từ Quảng Đông, Hải Nam tấp nập đi thuyền về hướng nam ghé nước ta. Dựa theo gió bắc vào mùa xuân, họ đến trao đổi hàng hóa và đợi đến gió nam vào mùa hạ, họ dương buồm trở về bắc.
***
Nó được làm bằng cây tre già ngâm nước càng lâu càng tốt, để tre dẻo, chắc và khỏi mục. Tôi đã thơ thẩn hàng giờ nhìn người ta đục đẽo chiếc đòn gánh. Thật cũng lắm công phu! Sau khi chỉ lấy đoạn gốc tre già ngâm nước chừng vài tháng, người ta làm hai chiếc máng ở hai thân đòn. Hai cái máng nầy phải giống nhau như một, giữa khắc một cái rãnh sâu dùng để móc quang vào cho khỏi lệch. Cái máng nầy cũng lắm chuyện. Gặp tay thợ đẽo giỏi, nó là hình tròn, hình ô van có khi còn được tạc vào dấu thập hoặc chữ vạn mà tôi không biết để làm gì. Có lẽ lấy hên mua may bán đắt khi gánh trên vai chiếc đòn gánh ấy chăng, hay chỉ là khắc lên cho đẹp … Chưa hết, còn phải gọt đẽo thân đòn cho thật thẳng, đoạn ở giữa mỏng hơn hai bên đầu làm đòn đong đưa cho nhẹ sức hơn khi gánh nặng … Khoảng hơn tiếng đồng hồ đẽo gọt thì chiếc đòn gánh ra đời. Nó có thể dùng hết đời nầy đến đời khác trong một gia đình quê tôi vì hiếm khi bị gãy. Đến khi nước bóng ở thân đòn nổi lên màu đen mun thì không biết chiếc đòn đã thấm biết bao nhiêu mồ hôi từ trên đôi vai những người đàn bà tần tảo …
***
đầu năm 1966 tôi vượt Trường Sơn về chiến trường miền Nam, trèo đèo, lội suối, đi bằng đôi chân với dép cao su, ngày đi đêm nghỉ, ròng rã ba tháng hai mươi lăm ngày, về đến khu rừng già Tây Ninh, đôi chân vẫn vững vàng! (Nguyễn Quang Sáng)
***
“Ở chợ Dầu có hàng cà-phê… có một cô nàng bé bé xinh xinh bài ca Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh-Thân – Chợ Dầu thời đó, cái thuở nằm trong khu kháng chiến, không khí sinh hoạt giống như chợ Vân-Ðình, chợ Ðại, Cống-Thần thuộc tỉnh Hà-Ðông,
***
Truyện-trong-truyện
“Thế Lữ là tác giả của những tập văn xuôi với những truyện mang chất liêu trai được viết bằng một ngòi bút hiện đại đến bất ngờ. Ông tạo được khung cảnh cho những câu truyện của mình để khêu gợi trí tò mò và dẫn dụ được người đọc. Thế Lữ là nhà văn nhất ở truyện ngắn “Câu chuyện trên tàu” (in trong tập Bên đường thiên lôi, 1936)”.
&&&
Nhưng nó cho thấy khả năng nghệ thuật truyện ngắn của Thế Lữ.
Đó là truyện trong truyện.
Nhân vật “tôi” nghe chuyện từ một người đàn ông trạc năm mươi tuổi, dáng vẻ như ông ký về hưu cùng đi trong toa hạng ba chuyến tàu chạy Hòn Gai với mình. Câu chuyện “ông ký” này kể lại cho “tôi” lại là được nghe chính từ miệng Hai Nhiêu. Trước đó, “ông ký” đã giới thiệu Hai Nhiêu là bậc “quân tử trong phường kẻ cắp”, nghĩa là không lấy của người nghèo và coi việc ăn cắp là một nghệ thuật, nghĩa là càng khó lấy càng thích, càng được dịp trổ tài.
***
Trong một cuộc hội thảo về thời sự văn học của Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến đặt vấn đề phân biệt hai cách viết văn xuôi : “kể lại nội dung” và “viết nội dung”. Ông đưa ra một nhận xét thú vị:
90 phần trăm nhà văn “kể lại nội dung”, chỉ có 10 phần trăm “viết nội dung”. Theo ý riêng của ông, sự phân biệt hai phạm trù “ kể lại nội dung”, “viết nội dung” là một mặt quan trọng trong sự đánh giá tình trạng văn xuôi hiện nay.
– “Kể lại nội dung” chỉ quan tâm đến việc: kể cái gì.
– “Viết nội dung” còn quan tâm đến mặt : kể như thế nào.
“Kể lại nội dung” dễ đưa văn xuôi trôi trượt theo văn đưa tin, nếu đưa tin những chuỵện lạ, sẽ được người đọc rộng rãi mến mộ.
Trong văn xuôi “viết nội dung”, sự kết hợp “viết cái gì” và “viết như thế nào” tạo ra sức căng cho câu văn, mạch văn, làm cho câu văn có giọng, có hồn, không bị “bẹt”, bị ỉu sìu.
***
Theo tôi, môi trường phê bình hiện nay vẫn còn yếu kém. Ða phần phê bình tác phẩm hoặc dựa trên cảm tính, hoặc viết về tác giả, hoặc bàn chuyện ngoài lề hơn là đi sâu vào văn bản. Riêng với tác phẩm của tôi, độc giả chê hoặc khen đều cực đoan. Nghĩa là ai thích rất thích hoặc ai ghét rất ghét, không ở lưng chừng. Những tác phẩm của tôi đa phần được giới phê bình quan tâm. Một số độc giả cho biết tác phẩm của tôi khó hiểu, muốn hiểu được thì phải đọc kỹ 2-3 lần, mỗi lần đọc lại khám phá ra điều thú vị và mới mẻ. Một số khác nhận xét tôi viết táo bạo quá! Thật ra, khi viết bao giờ tôi cũng cố gắng với cao, vượt lên trên khả năng, sức lực của tôi rất nhiều. Vì thế người đọc cũng phải với lên để thưởng ngoạn tác phẩm của tôi. Tôi viết không phải để làm vừa lòng độc giả.
(Lê thị Thấm Vân)
***
Xóc đĩa
(Văn Quang)
Thực ra từ hồi trước năm 1945, tôi chỉ biết vài thứ cờ bạc ở làng tôi. Miền Bắc hồi đó chỉ có xóc đĩa hay còn gọi là “lắc đĩa”. Ngay trong nhà tôi, cứ vào dịp Tết hoặc ngày giỗ ông nội tôi, thường tổ chức một canh xóc đĩa gồm nhiều vị “chức sắc” và điền chủ trong huyện đến chơi, đôi khi có cả các vị ở huyện khác thân quen với gia chủ cũng tới ngồi sòng. Có khi lên đến 50-60 người. Canh xóc đĩa này được coi là khá lớn, giấy “bạc con công” như bươm bướm. Thường là chừng hơn chục cái chiếu hoa cạp điều được trải dài trong dãy nhà khách khá lớn của nhà tôi. Nhà khách được thắp sáng trưng bởi mấy cái đèn “măng sông” và đèn đất. Canh bạc bắt đầu ngay từ chiều cho tới sáng hôm sau. Nhà tôi chỉ lập sòng mỗi năm một lần.
Tôi khoái nhất là khi sắp mở đĩa để quyết định thắng thua. Nhà cái hô hoán lung tung, khi cả “làng” đặt tiền và đặt cược xong mới mở. Cái cử chỉ mở bát rất phóng túng, rất “tay chơi”, rất chuyên nghiệp. Cái bát được nhón lên cho khỏi va chạm, khỏi ảnh hưởng tới cái đĩa, nhưng vừa lên khỏi đĩa là cái bát được vung mạnh bật ra xa nằm quay cu lơ. Mọi con mắt đổ dồn vào 4 đồng trinh trong đĩa sấp ngửa ra sao, nó có ảnh hưởng tới số phận hên xui, có khi tới cả vận mạng mình. Bởi có những ván bài rất lớn, bằng cả cơ nghiệp của một số “bá hộ” trong làng.
***
Bia cây số
Tôi (Nguyễn Văn Tuấn) nghĩ bất cứ gì khắc trên bia thì phải cẩn thận vì là kiến trúc lâu dài. Cẩn thận trong sự suy nghĩ và thực hành như bia cây số với quy ước chung là viết đơn vị đo lường và số cách nhau một khoảng trống.
Không nên viết 14km mà phải viết đúng là 14 km.
Thật cẩu thả! Thật đáng tiếc.
(Nguyễn Văn Tuấn – báo Sài Gòn Nhỏ)
***
Chữ nghĩa làng văn III
Cầm thử bất cứ một cuốn đặc san nào đó xuất bản ở hải ngoại mà xem. Khỏi cần coi kỹ, chỉ cần đọc tựa của mấy bài viết không thôi là cũng đủ thấy ngậm ngùi, xót dạ và buồn rầu quá cỡ:
Quê xưa – chốn cũ, thầy xưa – trường cũ, chiến trường xưa – đồng đội cũ, người xưa – tình cũ, giòng sông xưa – con đò cũ, xóm làng xưa – bè bạn cũ…
Và đó mới chỉ là những nỗi buồn hạng nhẹ, chỉ tầm tầm cỡ thường dân – những kẻ mà tâm sự có thể giải bầy trong những bài thơ nhỏ, hoặc vài ba trang tùy bút. Những nhân vật quan trọng thì họ viết nguyên cả một cuốn hồi ký đàng hoàng.
Cuốn nào cũng đều mang nặng cả “trời tâm sự”. Ðôi khi, tâm sự của người này lại đụng chạm đến tâm sự của người kia – nên sinh ra tùm lum xung đột, hiềm khích, oán thù, tranh chấp …rất ồn ào và (thuờng khi) rất không cần thiết!
Ðó là chưa kể đến những bài khảo cứu công phu về “chuyện xưa tích cũ” cùng với những giòng thơ văn hoài cổ…đầy nhóc trong sách báo xuất bản ở hải ngoại. Một đám người thua cuộc, nhà tan cửa nát, hớt ha hớt hải bỏ của chạy lấy người – thoát thân, rồi nằm buồn rầu thoi thóp ở một góc trời xa lạ – và cứ ngoái trông về cố lý mà thương nhớ mãi bến nước xưa, cây cầu cũ, hay cứ tiếc nuối hoài những ngày tháng an bình (hoặc vàng son) đã mất thì (tưởng) cũng là chuyện bình thường thôi chớ? Có gì lạ đâu mà kiếm chuyện (cà khịa) nẫy giờ vậy, cha nội?
Ý Trời, đừng nói vậy chớ! Như vậy là gieo tiếng ác và mang tội chết (mẹ) à nha. Tui thiệt tình không (bao giờ) dám kiếm chuyện đâm hơi hay châm chọc gì ai. Nói tình ngay, chả qua vì sợ dĩ vãng của chúng ta quá nặng nề khiến mọi người hoá lề mề (khi xoay trở với hiện tại) và ái ngại khi nghĩ đến tương lai nên tôi thấy có hơi kỳ (và “bàn ra”) chút đỉnh – vậy thôi.
(Tưởng Năng Tiến – Mùa xuân (chợt) nhớ chuyện mai sau)
NGỘ KHÔNG
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 20:47 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ