Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

bài đáng đọc : " Sẽ có còn một nơi chỗ nảo khác nữa "/ Ngọc Tự ( Trần ) 1947- / Houston -- trích: T.Vấn & Bạn Hữu ( Mỹ )

 logo t-van

NgọcTự: Sẽ có còn một nơi chỗ nào khác nữa

 
 
 
 
Cõi người ta (5) – Tranh: Thanh Châu

Tính đến tháng mười hai năm 2021 vừa rồi, tôi đặt chân tới Hoa Kỳ được mười lăm năm. Và đến hôm nay, dọn tới chỗ ở bây giờ, hai năm bốn tháng hơn. Đây là lần dọn nhà đầu tiên nơi xứ người, và chắc cũng là lần dọn nhà duy nhất. Nhiều bạn hữu sang đây từ hồi tháng Tư năm 1975, hay đi theo chương trình H.O sau này; kể rằng đã luôn phải thay đổi chỗ ở, cứ xoành xoạch, vì đủ thứ lý do bất khả kháng. Hết apartment này đến apartment kia. Có chỗ vài tháng, có nơi được vài năm. Đến lúc tìm được một chỗ ở ổn định, cũng trần ai khoai củ, cuộc đời đã bao phen bầm dập nắng mưa đất Mỹ. Cho nên việc dọn nhà là chuyện nhỏ.

Nghĩ nhớ lại chuyện dọn nhà mà cứ giật thót cả người. Mãi rồi cũng mới xong xuôi. Dễ chừng phải mất đến cả tháng trời, mọi thứ quần áo, đồ đạc lỉnh kỉnh các loại của cả nhà chúng tôi tại nơi vừa dọn tới, mới coi như được sắp xếp tạm ổn. Ấy, cũng chỉ toàn chổi cùn rế rách của một gia đình ngụ cư bần bạch, chứ có đồ gia bảo quý hóa gì cho cam đành. Chỉ vì vẫn còn quen thói nết quê mùa, thấy cái gì cũng quý cũng tiếc, không dám mạnh tay vứt bỏ.

Chẳng cần so sánh ba lần dọn nhà với việc cháy nhà, chỉ cần một lần dọn nhà này, đủ cho tôi biết thế nào là lễ độ, là biết lạnh khi đi dưới mưa. Các cụ mình nói an cư mới lạc nghiệp. Tôi đã bước qua tuổi bẩy mươi được mấy năm rồi, cuộc đời vẫn cứ làng nhàng như đã làng nhàng, lại vừa thêm một lần chuyển cư, chả biết đã an cư chưa, mà cũng đã nghỉ hưu rồi, nên chẳng có thứ nghiệp nào ra hồn để mong hớn hở hoan lạc tươi vui. Nhẽ ra vào tuổi này, theo như xưa Thất Thập Nhi Tòng Tâm Sở Dục Bất Du Củ (Khổng Tử), có người dịch vui là cái độ tuổi muốn làm gì cứ làm, ấy có sợ thằng cha con mẹ nào nữa. Nhưng tôi vẫn còn thuộc thành phần đã già mà vẫn chưa ra làm sao cả Thất Thập Lão Nhi Bất Lập; cho nên có muốn làm cái gì cũng không thể nào thực hiện được. Thật thấm thía biết mấy về sự cần phải có được một chỗ ở yên ổn.

Đối với tôi, đây chỉ là việc thêm một lần thay đổi chỗ ở. Suốt cả cuộc đời, từ lúc bắt đầu trưởng thành lập thân, rồi can đảm lấy vợ, cho đến nay, chưa bao giờ tôi đủ khả năng tài lực để mua, tự mình làm chủ một căn nhà thực sự đúng nghĩa. Hết nương náu nhà bố mẹ đẻ, tiếp đấy ở nhờ bên gia đình bố mẹ vợ, rồi vợ chồng con cái lại dắt díu nhau quay về nhà nội. Qua tới đất khách quê người, ở nhà abc (là nhà đi thuê) thời gian dài mười ba năm, bây giờ dọn đến ở với vợ chồng cô con út. Chắc tôi là người thuộc trường phái nương nhờ thì phải.

Vào mười lăm năm trước, khi đặt chân đến Houston, may mắn có bà chị cả sinh sống ở đây, giúp thuê sẵn được căn nhà vừa dọn đi này, nằm gần khu vực Bellaire, nơi đông người Việt cư ngụ, gần chợ, gần trường học, gần nhà thờ, nói theo kiểu quảng cáo địa ốc.

Một lần tình cờ đọc được dòng chữ mờ nhạt in trên tờ giấy nhãn khô queo, ghi ngày lắp đặt, dán bên khung ngoài hệ thống máy sưởi trên attic, tôi mới biết tuổi của căn nhà. Từ đó hiểu ra tại sao mọi thứ trong nhà cũ kỹ thảm hại đến vậy, nhưng tôi cũng chẳng đòi hỏi hay mong muốn gì hơn. Còn may mắn hạnh phúc chán, so ra với biết bao người khác, đang khổ nhọc về nơi ăn chốn ở, hay so với ngay căn nhà bên bờ kênh Nhiêu Lộc, nơi trải qua nhiều năm tháng dài tuổi tôi.

Từ khi vào đời, tôi luôn dễ chấp nhận và bằng lòng với những gì có được, học theo lời dậy của ông Khổng Tử, rơi vào hoàn cảnh nào cũng tìm thấy niềm vui (vô nhập nhi bất tự đắc yên_Sách Trung Dung). Với lại, biết mình là con nhà lính, nên chỉ sống theo tính nhà lính, chứ không bao giờ đua đòi bầy đặt theo tính nhà quan.

Và chưa khi nào tôi nghĩ đến việc thay đổi chỗ ở. Cứ tưởng rằng ở yên mãi một chỗ như vậy, gắn bó lâu dài với nơi cư trú cũ ấy, với cuộc sống bình lặng tạm đủ cho ngày qua ngày của mình, nhất là sau ngày vợ chồng tôi nghỉ hưu, và cô con gái út lập gia đình.

Vậy mà rồi cũng đến lúc phải thay đổi chỗ ở. Chẳng là sau ngày làm đám cưới chưa tròn năm, vợ chồng cô con gái út tìm mua được căn nhà cũng khá rộng rãi, có mấy phòng riêng cách biệt trên lầu, và ngỏ ý muốn bố mẹ về ở chung, trong thành tâm sợ nhỡ có chuyện gì bất thường xẩy ra cho tuổi già bố mẹ giữa đêm khuya, con cái còn kịp thời lo liệu. Nơi này thuộc thành phố Richmond, lân cận với Houston, cách nhà cũ hơn mười bốn miles.

Khi từ giã Sàigòn đi định cư, vợ chồng tôi cũng chỉ đem theo được cô út này vì còn tuổi vị thành niên, đang vào năm cuối trung học. Gia đình ông con trai cả và gia đình cô con gái lớn, cùng lũ cháu nội ngoại vẫn ở lại quê nhà. Ước mong được đoàn tụ sum họp đầy đủ bố mẹ, ông bà, con cháu vẫn còn trong tình trạng chờ đợi kết quả hồ sơ giấy tờ bảo lãnh.

Tôi cứ đắn đo phân vân suy nghĩ mãi trước khi bằng lòng việc sẽ về ở với bọn hắn. Chẳng hiểu do đâu mà rất nhiều người Việt Nam sống lâu ngày bên Hoa Kỳ, có cả các bạn hữu quen biết, nói rằng khi về già, cha mẹ không nên sống chung với gia đình con cái, nhất là con gái và con rể, vì sẽ nẩy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp. Tôi cũng đọc thấy trên báo chí những tin tức không hay lắm liên quan đến việc này. Hãy quên đi hình ảnh tam tứ đại đồng đường cổ lỗ sĩ ngày nào. Ngay tự thân tuổi già rồi ra cũng sẽ là một gánh nặng cho con cái mình. Mọi thứ của cuộc sống tuổi già xứ này đã có chính phủ chăm lo, qua nhiều chương trình phúc lợi xã hội. Tôi không thuộc thành phần muốn lạm dụng điều đó.

Một ông bạn thân thiết biết tin, dọa rằng ở xứ Hoa Kỳ, nếu sống chung một nhà với con rể, bố vợ dễ bị phải đấm lắm đấy. Dù dọa nhau cho vui theo nghĩa bạo lực như thế, giả dụ có xẩy ra, không phải là mối bận tâm cho một người cũng võ vẽ tí chút quyền cước các món như tôi. Cũng mừng trong trường hợp gia đình tôi, không nẩy sinh bất cứ vấn đề gì.

Tuần lễ cuối sát ngày dọn nhà, thêm một lần tôi đưa đẩy xa gần chuyện mưa nắng hai mùa, để đề cập đến việc ăn chung ở đụng. Bà bí thư chi bộ hai người của tôi nói con cái đã có ý tốt như vậy, phải lấy làm vui, không nên bàn ra cho rách việc, mất hết tình nghĩa. Tôi còn nghe phán thêm rằng mấy mươi năm trước, khi lỡ dại dột bằng lòng lấy tôi, bà đã xuất giá tòng phu. Bây giờ xuất ngoại thì tòng tử, dù là đi theo con gái và con rể, dù ông phu của bà vẫn còn đây. Thôi thì cũng gật đầu cho xong. Mà không đi theo bà ấy thì tôi biết đi đâu.

Tôi nhớ có một ông thầy Tý Sửu Dần Mẹo đã phán về hậu vận cái mệnh đồ tuổi Đinh Hợi của tôi, may ra chỉ ăn được tí chút quanh chữ quý, nôm na là có phần nhàn nhã thảnh thơi, chứ tuyệt nhiên đừng bao giờ mơ nghĩ đến cửa phú. Thêm nữa, chớ đứng tên sở hữu chủ bất cứ thứ tài sản lớn nhỏ nào, vì tay không giữ được của. Lại nữa, trong mọi trường hợp, phải tuyệt đối nghe lời vợ, mọi chuyện mới hanh thông tốt đẹp.

Vậy là cứ tiếp tục tuân thủ chế độ mẫu hệ, nói cho ra vẻ văn hoa cũng xa gần với mệnh số của một anh chàng thân cư thê. Ngẫm nghĩ trong trường hợp của tôi có lẽ như thế thật rồi.

Tôi xin vâng cho tiện việc sổ sách, chẳng còn ý kiến gì, cũng là để không ảnh hưởng đến hòa bình thế giới. Đồng thời tránh được các buổi đàm thoại tiếng Việt kéo dài không cần thiết trong sinh hoạt chi bộ hai người trẻ lớn tuổi hàng ngày. Tôi vốn ít chữ kiệm lời, đâu phải cứ một câu nhịn là có được ngay chín câu cự. Ông nói gà, bà nói vịt cũng còn có tí chút gần nhau, sự việc không đi quá xa. Chứ khi ông nói gà, bà nói lợn, sợ rằng có nhiều diễn biến bất lợi cho mối giao hòa vốn  sẵn tốt đẹp của tình già, từ hơn năm mươi năm qua.

Không bạn bè với mười ba con ma, nhưng quen lo xa, tôi cũng nghĩ đến đường thủ. Hơn nữa, cuộc sống phải luôn biết dự liệu. Vì vậy, tôi nói với vợ chồng cô út, vào bất cứ lúc nào đó, nếu cảm thấy sự có mặt của bố mẹ trong nhà trở thành vấn đề, cứ thẳng thắn nói ra, đừng ngại ngần, để việc giải quyết được dễ dàng. Đừng chịu đựng điều nặng nề kéo dài, không khí gia đình đâm ra căng thẳng, đưa đến đổ vỡ mất vui. Sự sòng phẳng bao giờ cũng đem lại thanh thản cho cuộc sống.

Lúc nghe tin tôi chuẩn bị dọn nhà, có hiền hữu phát biểu đầy tính chất cật vấn rằng tại sao bỗng dưng lại đổi chỗ ở, xa Houston yêu dấu như thế. Rồi đây sẽ như Hóc môn với Sài gòn, ngoại thành với nội đô. Ơ hay, có chết ông tây nào đâu. Cũng do hoàn cảnh đưa đẩy và là điều kịp thời, cùng tắc biến, biến tắc thông chứ chẳng chơi.

Ngay từ dạo mới qua và ở căn nhà đó, rồi may mắn quen biết và lấy được cảm tình yêu mến của một bà cụ người Việt ở nhà thờ, nên bà đã bảo người con là chủ căn nhà tôi thuê, không được tăng giá thuê nhà.

Qua được hơn mười năm, cùng lúc với việc con cái đang tính toán việc mua nhà, bỗng nhiên ông chủ nhà bắt đầu bóng gió xa gần việc phải điều chỉnh giá thuê nhà hàng tháng, vì những lý do thế này thế kia. Đấy mới chỉ là một chuyện. Thêm nữa, sắp cuối đông rồi xuân tàn, và mùa hè rực rỡ sẽ lại tiếp tục quay vòng trở về tới nơi. Trong thực tế, căn nhà đã cũ nên các thứ đồ đạc liên quan đến điện như quạt trần, máy lạnh, tủ lạnh…cũng cũ kỹ hơn cả con người tôi, ngốn điện y như cái xe Toyota Corolla Lếch thếch (nhãn hiệu này khác với xe Lexus) cũ mèm đang sử dụng ngốn xăng. Tât cả đều sản xuất từ năm nảo năm nào, khi tôi đang còn lang thang đâu đó nơi các trại tù cải tạo ngoài Bắc. Lại còn bao nhiêu thứ hằm bà lằng xắng cấu khác nữa trong cuộc sống. Khoản tiền hưu khiêm tốn, cộng với sự trợ giúp của chính phủ, liệu tri túc, tiện túc được mãi không, thưa cụ Nguyễn Công Trứ.

Vậy chứ lúc giao trả căn nhà, lòng tôi cũng bồi hồi bịn rịn làm sao. Dẫu gì cũng từng là một nơi chỗ đi về, qua hơn mười năm tình cũ gắn bó, biết bao vui buồn ở đây. Đa sầu đa cảm đâu khác gì các bà các cô tín đồ của nữ sĩ Quỳnh Dao. Cũng may chỉ là căn nhà chứ không phài Dòng sông ly biệt.

                                   .

                                                                 *

Từ xưa tới nay, dù trong hoàn cảnh nào, đối với con cái, tôi luôn cư xử thẳng thắn đúng mực, hết lòng thương yêu và trọn vẹn chân tình trong tâm thành chia sẻ, cảm thông, hiểu biết. Vì vậy cũng nhận được sự đáp trả của con cái. Đối với vợ chồng cô con gái út của tôi cũng thế. Cô út tôi và ông rể này thân quen nhau ngay hồi vừa mới sang, thường năng lui tới nhà nhau, nâng đỡ dìu dắt nhau học hành, từ trung học rồi đại học. Ra trường có việc làm ổn định và tổ chức đám cưới. Có thời gian dài thân gần gắn kết như vậy, nên bố vợ và con rể rất hiểu nhau, không có một ranh giới hay xa cách nào. Kể cả với bên gia đình sui gia, chúng tôi cũng thân tình, cảm thông nhau trong mọi chuyện. Điều tôi lo xa, dự liệu cũng mong đừng bao giờ xẩy ra.

Về nhà mới, ngoài các thứ cần dùng, chắc muốn mang đến cho bố niềm vui, cô con gái út còn thường hay mua cho bố cả những thứ lặt vặt, nhiều thứ tôi không dùng đến. Còn ông con rể, là nguồn cung cấp cho tôi hai thứ nhu yếu phẩm Marlboro và Heineken, những món mà bà mẹ vợ ông luôn muốn phong tỏa và cấm vận tôi.

Có đi có lại, tôi làm Catsit (chữ này tôi phịa, tự điển Hoa Kỳ chắc không chấp nhận) cho con mèo của bọn hắn. Chả là vừa xong xuôi nhà cửa, một buổi chiều, hai đứa hân hoan vác từ đâu về một chú mèo con. Tôi đâu có lạ gì loại vật nuôi thường xuyên nghịch ngợm leo trèo này, sẽ luôn gây ra bao nhiêu thứ bực mình, phiền toái. Vì vậy liền dõng dạc và kiên quyết tuyên bố rằng nếu chú mèo hiện diện trong nhà, tôi sẽ là người đi ra. Lực lượng gìn giữ hòa bình vội vàng can thiệp cấp thời, và giải pháp trung dung được hai bên chấp nhận: garage sẽ là địa chỉ thường trú của thành viên mới.

Vẫn biết việc nuôi trong nhà một con vật nào đó, chó hay mèo, là chuyện thường tình của đám trẻ bên xứ Hoa kỳ. Nhưng thoạt đầu tiên, tôi cũng không vui vẻ gì cho cam, mãi sau mới chấp nhận vì thương, rồi quen dần với mối giao tình gần gũi quyến luyến của chú mèo vô cùng hiếu động, quậy phá. Cũng là học theo ông thánh Phanxicô Assisi, người có lòng yêu thương các con vật quanh mình.

Tôi có thêm việc làm, nói cho dễ hình dung, công việc Catsit là như thế. Bọn hắn chỉ phất phơ ngó ngàng, vui đùa tí chút với chú mèo vào buổi tối sau khi đi làm về hay những ngày nghỉ cuối tuần, không có chương trình gì bên ngoài. Hàng ngày, ngoài các sinh hoạt cá nhân và phụ giúp vài thứ việc trong nhà, tôi hoàn tất mọi công việc của một ông Catsit: dọn dẹp, vệ sinh cái chậu đựng cát làm toa lét, châm thêm cho đầy đĩa thức ăn hạt khô, mở sẵn hộp thức ăn tổng hợp có mùi vị khác hôm qua, thăm chừng bình nước uống có vòi phun tia, sắp xếp lai cái giường gỗ nho nhỏ xinh xinh, bên cạnh cái thùng nhựa lót vải làm ổ nằm, luôn lộn xộn các thứ khăn trải bên trên, gom nhặt các thứ đồ chơi bị quăng vất bừa bãi khắp chỗ…

Tôi nhớ đến con mèo mướp xám mẹ tôi nuôi thuở xưa, lúc nào cũng thui thủi, trông tiu nghỉu, buồn thiu; ngày ngày lặng lẽ nhai vài mẩu xương cá và đĩa cơm thừa canh cặn dưới xó bếp.

Từ chuyện nuôi mèo, tôi nhớ chuyện ông Lý Tư người nước Sở, sau làm Thừa tướng cho Tần Thủy Hoàng, chép trong sách Sử Ký Tư Mã Thiên. Ông đã có dịp quan sát những con chuột sống chui rúc ở nơi chỗ tối tăm, ăn các thứ đồ ăn bẩn thỉu kiếm được; và những con chuột khác sống trong nhà kho, được ở chỗ mát mẻ rộng lớn, hàng ngày tha hồ ăn lúa thóc no nê.

Từ hai hình ảnh trái ngược đó của cùng một loài vật, ông liên tưởng và cho rằng con người ta cũng thế, may mắn được trở nên người hiền tài, sung sướng hạnh phúc; hay phải chịu phận chịu kém cỏi, thấp hèn, nghèo khó, chẳng qua là do hoàn cảnh mà thôi.

Tôi cứ hay nghĩ ngợi, vương vấn về các điều chuyện như thế, những khi bắt gặp một hình ảnh nào đấy trong cuộc sống, liên quan đến những con người.

                                                                *

Cũng mới vừa đến nơi ở mới được ít lâu, chưa kịp quen thuộc đường đi lối về thì Covid Vũ Hán xuất hiện. Thế rồi cấm cung cấm trại triền miên. Ở rịt trong nhà mãi riết thành quen, đâm ra lười biếng việc ra khỏi cửa. Chỉ đến ngày hẹn với bác sĩ khám sức khỏe định kỳ, phải đi lấy refill thuốc uống, hay đưa bà cụ thân mẫu các con tôi ra chợ mua bó rau muống, tôi mới đụng đến chìa khóa xe.

Từ những thời gian trống rỗng ngày qua ngày cứ kéo dài suốt như thế, tôi đâm ra suy nghĩ vẩn vơ loanh quanh đủ thứ chuyện, chuyện mình, chuyện người, chuyện đời, kể cả những thứ chuyện chẳng đâu vào đâu.

Thế rồi, dù thuộc thành phần i tờ nét, còn dốt đặc và ngu đần trong việc sử dụng computer, nhưng nhờ ở trong nhà mãi, lại thêm bạn bè xúi dục chỉ bảo, tôi vầy vò vọc vạch lung tung, cũng biết đến thế giới youtube và facebook, mà có người nói là chỗ khoe của, khoe giầu, hợm hĩnh chứng tỏ đẳng cấp, ra vẻ ta đây, vạch áo cho người xem lưng, thậm chí vạch quần cho người xem mông… Youtube và facebook thì chẳng có giới hạn hay quy định nào, cứ việc tha hồ nói năng, tùy thích. Hình như để giải tỏa một thứ dồn nén hay ẩn ức nào đó từ lâu.

Qua việc ngày ngày mở xem mấy thứ này, cùng ngồi hàng giờ điểm tin tức trên báo mạng, tôi được biết đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, ở khắp mọi nơi chỗ có người Việt định cư. Và được đọc rất nhiều những bài viết đủ loại, của nhiều tác giả, thường là không biết ai vào ai. Họ phát biểu, bình luận về đủ thứ vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế xã hội, cuộc sống…, không thiếu việc đả kích người này, lên án người kia, kể cả các nhân vật thuộc về một giai đoạn lịch sử đã qua, khi có dịp nhắc đến (mà đúng ra chỉ có lịch sử mới đủ thẩm quyền để luận bàn về các nhân vật này), bằng luận điệu phán xét dường như theo cảm tính cá nhân, đầy thiên kiến, có khi rất gay gắt nặng nề. Chẳng hiểu họ nhân danh cái gì và với tư cách nào, có được sự chính danh hay không.

Thực tế cuộc sống ít nhiều cũng cho thấy tràn ngập những điều chuyện như thế. Đúng là thời đại của kỹ thuật số cùng với sự tiến bộ, phát triển không ngừng của các loại công nghệ và quyền tự do cá nhân tại xứ sở tự do (nhiều khi đã bị lạm dụng quá đáng, có lẽ do giới hạn của nhận thức từng người).

Sự có mặt của người Việt tại hải ngoại sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, khi Việt Nam Cộng Hòa, vì nhiều nguyên nhân, bị rơi vào tay chính quyền Cộng sản Hà nội, là một giai đoạn thật đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cũng như thế giới.

Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, nơi có số lượng người Việt đông đảo nhất, cũng cho thấy từ việc hoàn cảnh đất nước bất ngờ thay đổi, đã đưa đến sự thay đổi của bao nhiêu số phận con người và gia đình.

Ngoài Hoa Kỳ, người Việt cũng còn có mặt tại nhiều quốc gia khác nữa trên thế giới.

Rồi những cuộc hôn nhân giữa người Việt với người thuộc chủng tộc khác, hình thành thêm các thế hệ Việt Nam mới nữa. Ở đây, chúng tôi không nói tới những người dân sống dưới chế độ Cộng sản, cũng rời khỏi Việt Nam qua nhiều hình thức, để nhập cư tại các nước.

Nói cách khái quát kiểu nhân quả hay bắt đền như ông Nguyễn Thanh Việt, một trong những người Mỹ gốc Việt đã thành công và khá nổi tiếng (ông sinh năm 1971, hiện là Giáo sư tại Đại học Nam California, tác giả cuốn The Sympathizer_Cảm Tình Viên, tên bản dịch Việt ngữ, tác phẩm đoạt giải Pulitzer 2016), rằng: “vì người Mỹ có mặt ở Việt Nam, nên hôm nay người Việt Nam mới có mặt ở Mỹ”.

Cũng có người đã giả dụ cách khác rằng, sau ngày 30 tháng Tư, nếu không có việc phải đi tù cải tạo Cộng sản lâu dài của các sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa, không có chương trình H.O., sự kiện Thuyền nhân, đánh động lòng trắc ẩn nhiều người, nhiều quốc gia trên thế giới… thì chắc gì người Việt có được những hình ảnh như ngày hôm nay tại hải ngoại.

Hầu như mọi người Việt Nam và gia đình qua tới đây, dù trong thời điểm nào, theo phương cách nào, vượt biên hay chương trình H.O., rồi bảo lãnh… đa số đều thành công và thành đạt trên nhiều lãnh vực. Có những trường hợp, những cá nhân rất nổi trội. Quả là điều đáng mừng và phải chúc mừng, thán phục những con người đã biết dựa vào hoàn cảnh mới của mình để vươn lên và làm thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tốt đẹp.

Tại các địa phương có nhiều người Việt sinh sống, đều hình thành tổ chức cộng đồng, sinh hoạt thường xuyên đủ mọi mặt và ngày càng lớn mạnh. Mục đích cũng để cố gắng duy trì, gìn giữ bản sắc Việt nơi quê người, và nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc.

Nhưng cũng có những bi quan khi cho rằng dường như các thế hệ con cháu người Việt được sinh ra và lớn lên sau này ở Hoa Kỳ đang mất dần, rồi sẽ đi đế chỗ mất hết cả gốc lẫn rễ Việt Nam.

Cũng có những tổ chức, đoàn thể, tích cực lên tiếng bầy tỏ ước vọng và quyết tâm trở về quê hương, giải thể chế độ Cộng sản, gầy dựng lại một Việt Nam mới, tự do hạnh phúc. Thế nhưng không biết có được Thời_Thế_Lực nào cho công cuộc đại sự này. 

Gần năm mươi năm trôi qua, cũng đã có nhiều người Việt trở về thăm lại quê hương cố thổ, nhưng hình như không có ai phải cảm thán như ông Hạ Tri Chương, một thi sĩ đời nhà Đường, cũng là kẻ xa quê năm mươi năm, về thăm lại quê xưa, qua bài Hồi hương ngẫu thư. Ngày ông về, đương nhiên phải già đi, nhưng giọng nói cố thổ vẫn như cũ, thế mà đám trẻ không nhận ra người cùng quê, tưởng một khách lạ nào. Khác hẳn hoàn cảnh của ông họ Hạ, Việt kiều về Việt Nam, ai trông cũng trẻ trung đẹp đẽ, đi đến đâu, quá dễ để mọi người nhận ra, dù giọng phát âm tiếng Việt đã lơ lớ giọng Mỹ, luôn chêm vào Ô kê…Ô kê…

Rồi thêm năm mươi năm nữa, và thời gian tiếp theo thì sao đây. Những người Việt từ nhiều thế kỷ trước, vì từng hoàn cảnh khác nhau mà lưu lạc sang Tầu, sang Tây, ở Algérie, Nouvelle-Caledonie, hay một nơi chỗ nào đấy trên thế giới, hình như bây giờ các thế hệ con cháu của họ đã chìm lắng, tan khuất đâu đó mất rồi.

Tin tức trong nước có nói kể câu chuyện cá biệt về ông Lý Xương Căn, công dân Hàn Quốc, thế hệ dòng dõi con cháu vương triều nhà Lý, sau 8 thế kỷ, đã tìm về thăm lại quê gốc và thắp hương bái yết tổ tiên dòng tộc tại tổ đường họ Lý ở Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh hồi năm 1994. Ông là hậu duệ đời thứ 31 của vua Lý Thái Tổ, hậu duệ đời thứ 26 của Hoàng tử Lý Long Tường, người đã đem gia đình và hàng ngàn quân binh dưới quyền chạy trốn, sau cuộc chính biến tại triều đình năm 1225, do Thái sư Trần Thủ Độ chủ xướng, lật đổ ngai vàng nhà Lý. Bước đường lưu vong trên biến đã đưa Hoàng tử Lý Long Tường đến Cao Ly (Hàn Quốc ngày nay) sinh sống rồi lập nghiệp tại đây.

Ông Lý Xương Căn đã đem gia đình về Việt Nam định cư và nhập tịch vào đất nước gốc rễ của mình.

Báo chí cũng từng đưa tin, có những người rời khỏi Việt Nam trước đây lúc còn thơ dại, theo chương trình con nuôi quốc tế, hay trên các chuyến bay khẩn cấp cuối tháng Tư năm 1975, đưa các trẻ em mồ côi Việt Nam sang Hoa Kỳ qua chiến dịch Operation Babylift; sau vài chục năm ly hương, đã trưởng thành trong suy nghĩ, hiểu biết, nên quay về Việt Nam, đi tìm lại gốc gác của mình. Con số này không nhiều, nhưng cũng nói lên một tâm tư sâu kín.

Ngược lại, cũng có những người gốc Việt, dường như đã trở thành một con người khác hoàn toàn, cắt đứt mọi liên lạc với quá khứ. Họ đã hòa nhập rồi hòa tan trong dòng chảy tại hoàn cảnh mới, quê hương mới, nơi họ sinh sống.

Không biết mai rồi, một khi chế độ Cộng sản hoàn toàn sụp đổ, đất nước sang trang, sẽ còn có ai giữ ý định quay về Việt Nam sinh sống.

Tôi có đứa cháu trai con bà chị ruột, lên sáu lên năm hồi đó, được người cậu là ông anh trên tôi, đem theo sang Hoa Kỳ vào những ngày Sài gòn hấp hối năm 1975. Khi trưởng thành, đã tách ra khỏi gia đình người đã cưu mang nuối nấng mình nơi xứ người. Tôi nghe anh tôi nói rằng đã nhiều lần điện thoại nhắc kể, bảo ban, nhưng đứa cháu dường như không có một chút rung động nào về nghĩa tình ruột thịt. Anh chàng cũng không cần biết là bên quê nhà, mình còn có một bà mẹ nay đã già yếu và mấy cô em gái dưới mình.

Cả mấy đứa cháu khác, con của anh tôi cũng như của chú em trai kế, hoặc cô em út, được sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, Việt Nam là một cái tên hoàn toàn xa lạ. Các hắn không biết một câu chữ tiếng Việt nào. Cũng vì nơi chỗ sinh sống chỉ có được vỏn vẹn vài gia đình Việt Nam.

Có lẽ đây không phải là trường hợp quên gốc, mất gốc riêng lẻ. Nhưng thôi cũng là những trường hợp hoàn cảnh, thay đổi nơi chỗ sinh sống đã làm thay đổi con người.

Và cho đến nay, thời gian cũng chưa quá nửa thế kỷ, tính từ ngày ấy. Không biết mai này với chiều dài thời gian tiếp theo nữa, sẽ như thế nào.

Bây giờ gia phả hay phổ hệ là những chuyện càng thêm lạ lẫm hơn ở đây, không còn cần thiết nữa.

Quanh chuyện nguồn gốc của những sắc dân nhập cư ở Hoa Kỳ, chắc hẳn rất nhiều người biết đến tiểu thuyết “Roots: The Saga of an American Family” (Cội Rễ, tên bản dịch Việt ngữ) của nhà văn người Mỹ gốc Phi: Alex Haley (1921-1922, ông tên thật Alexander Palmer Haley). Tác phẩm đã đoạt giải Pulitzer và National Book Award năm 1977, và là một hiện tượng vô cùng đặc biệt, gây chấn động văn học sử Hoa Kỳ. Chỉ trong vòng hai tháng, ngay sau khi xuất bản vào tháng 8 năm 1976, gần một triệu ấn bản đã được tiêu thụ vì độc giả xôn xao tìm đọc. Được tái bản nhiều lần, dựng thành phim và dịch sang 30 thứ tiếng khác nhau. Chuyển thể phim đã vượt qua cả thành công của cuốn phim kinh điển quen thuộc Cuốn Theo Chiều Gió.

Cuốn truyện đã đánh thức những người Mỹ gốc Phi vì những hồi ức, ôn nhớ vô cùng quý giá về nguồn gốc, cội rễ của họ. Cũng chính vì nỗi khắc khoải khôn khuây với điều này, tác giả đã cất công dành ra hơn mười lăm năm dò tìm, hỏi han, tra cứu tài liệu, nơi này chỗ kia, để xây dựng nên nhân vật chính Kunta Kinte và hành trình cuộc đời nhân vật này, như là chính hình ảnh ông tổ của mình, từ quê nhà rồi sang đến Hoa Kỳ, qua hơn 700 trang in. Cách thời của tác giả 230 năm về trước và đã nối tiếp qua 7 thế hệ tại Hoa Kỳ. Ngày đó, vào năm 1767, cậu thiếu niên mười bẩy tuổi Kunta Kinte, từ làng quê nghèo của một bộ tộc thuộc xứ Gambia, đã bị đưa đến Mỹ trên một chuyến tầu nô lệ, cùng với hàng ngàn người khác đồng cảnh ngộ.

Thế rồi trải qua biết bao sóng gió, cay nghiệt, khổ nhọc vất vả, cơ cực trăm bề, các thế hệ tiếp nối dần trưởng thành và thành đạt nơi xứ người, trong đó có chính tác giả.

Không biết đến khi nào sẽ có một tác phẩm tương tự, của một nhà văn người Mỹ gốc Việt. Hãy cứ chờ đợi trong hy vọng.

Thật ra cách đây mười một năm, khoảng tháng Ba năm 2011, cũng đã có một chương trình với tên gọi “Lịch sử người Mỹ gốc Việt” do Hội Bảo Tồn Lịch sử & Văn Hóa người Mỹ gốc Việt” thực hiện, dưới hình thức Oral History. Chương trình đã phỏng vấn riêng lẻ hàng trăm người, được mời chọn ngẫu nhiên, nhằm mục đích giới thiệu những lý do và hoàn cảnh đến Hoa Kỳ khác nhau của những người Việt, đủ mọi thành phần xã hội, giới tính, địa phương, nghề nghiệp…Chương trình được sự tài trợ của Đại học Rice để soạn thành tài liệu giảng dậy về sự hiện diện của người Việt Nam tại Hoa Kỳ. Được phát hành rộng rãi trên Youtube mấy năm gần đây và số lượng người tìm xem từng vidéo clip, cũng tùy theo nhân vật chính cũng như nội dung cuộc phỏng vấn.

                                                               *

Hình như cứ mỗi lần có sự thay đổi nơi chỗ trong cuộc sống, hòa vào một hoàn cảnh mới, thường mang đến những đổi thay nào đó cho người ta thì phải. Tôi hồi tưởng và cảm nghiệm về những nơi chỗ đã qua, nơi suốt chiều dài thời gian đời mình.

Như thường biết trong đời sống, khoa tử vi đẩu số hay bói toán, có nói về mệnh vận của một con người, từ quá khứ cho tới tương lai, hậu vận, có khi đúng, có khi sai. Tôi là con cái của Chúa và trong đức tin, tôi cảm nhận đời mình qua những ân ban. Nhưng nói theo dân dã, tôi là thành phần được xếp vào loại thánh nhân đãi kẻ khù khờ. Chỉ cần một lần phải dừng lại nơi đoạn đời nào đó, mọi thứ đã kết thúc rồi, không còn tiếp theo nữa.

Từ lúc bắt đầu có trí khôn và tôi nhớ bằng trí nhớ của một chú bé con lên sáu lên bẩy, giã từ căn nhà ngói năm gian lợp ngói của ông bà nội, có khu vườn rộng lớn bao quanh, ở làng quê Văn Hải, nơi sinh ra, rồi lên thị trấn Phát Diệm sống với bố mẹ, để bắt đầu chập chững cắp sách đi học tại ngôi trường tiểu học Trần Lục, sát bên ngôi nhà thờ đá cổ kính lâu đời. Tôi nhớ hình ảnh thầy Thọ, người thầy đầu tiên trong đời, với cặp kính trắng trên khuôn mặt hiền từ. Thầy luôn đội mũ bê rê đen và quấn phu la mầu vàng đất kẻ sọc ca rô quanh cổ. Tôi nhớ cây nhãn xum xuê, trĩu quả trên cành, nằm ngoài sân, sát cửa sổ lớp học, ngay chỗ bàn tôi ngồi, cứ chờn vờn theo từng cơn gió.

Nhưng chưa hết niên học, là cuộc di cư 1954, theo gia đình vào Nam. Ngày ngày cùng lũ bạn nhóc tì chạy nhẩy vui đùa dưới sân trường tiểu học Tôn Thọ Tường, đối diện rạp hát Đại Nam bên kia đường, một địa điểm tạm cư. Chỉ ít lâu sau, về căn nhà sàn bố tôi mua được ở xóm nghèo ven bờ rạch, dòng nước lúc nào cũng đen ngòm, gần bên có xưởng gổ súc, nằm cuối con hẻm đoạn đầu đường Trần Quang Khải Tân Định. Về sau này, nơi đầu hẻm có rạp xi nê Văn Hoa. Tết năm đó, chú bé Bắc kỳ tôi biết đến sòng bầu cua cá cọp, quen với tờ giấy bạc một đồng xé làm đôi, lẽo đẽo chạy theo đoàn múa lân có ông địa béo phục phịch tay cầm quạt, đi vòng vòng khắp xóm từ sáng đến trưa, quên cả về nhà ăn cơm.

Rồi lại dọn nhà liên tục. Một hai năm tiếp theo, qua mấy căn nhà gia đình ở thuê, quanh khu xóm lao động cuối đường Nguyễn Thông, nằm dọc theo đường xe lửa, gần với khu đất có những toa tầu bỏ hoang, sau sửa sang xây cất làm nhà ga; để lại trong tôi nhiều ghi nhớ. Mé bên kia là xóm chơi bời bình dân của chị em ta, lúc nào đi ngang qua cũng ngửi được thoang thoảng mùi nhang trầm ngai ngái, lờm lợm làm sao. Những buổi tối nghe tin có chiếu phim, bọn tôi phải đi qua đó, rồi hết chiều dài con hẻm ngoằn ngoèo mới ra tới đầu ngõ, băng qua đường Lê Văn Duyệt, đi thêm một đoạn mới tới chỗ, nằm sâu bên trong sân thành pháo thủ (tên gọi thời Tây, sau là Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô). Lêu lổng suốt cùng đám trẻ trong xóm, nghịch ngợm quấy phá đủ trò, kể cả tập tễnh bài bạc, may sao tôi không hư hỏng. Chắc nhờ ở việc gia đình dọn về khu Bùi Phát trên đường Trương Minh Giảng, rồi khu xóm muống bên bờ kênh Nhiêu Lộc, cạnh cư xá kiến thiết gần cổng xe lửa số 6. Qua những lần thay đổi nơi chỗ và hoàn cảnh như thế, học hành vẫn trường cũ Đa Kao, ngày ngày đi về bằng xe buýt, phải một lần đổi lộ trình xe ở bến trung tâm bùng binh chợ Bến Thành. Có những chiều tan học, tôi đi bộ về để được tha thẩn lang thang qua nhiều con đường, góc phố. Có lẽ vì vậy mà tôi sớm khôn lỏi, so với lũ bạn cùng lứa chăng.

Khi lập gia đình, tôi có thêm Hàng Sanh, một nơi chỗ đi về nữa.

Còn học hành, dù chẳng thông minh cho lắm, nhưng cũng may không bị dở dang. Hết bậc tiểu học rồi trung học, bay nhẩy qua ba bốn ngôi trường. Từ Nguyễn Khuyến, đến Lê Quý Đôn, Lê Bảo Tịnh và xong tú tài II ở trường Hưng Đạo. Cũng qua được vài năm ở trường Luật Sàigòn trước khi nhập ngũ, bỏ lại phía sau những loáng thoáng tình yêu thuở mới lớn và những trang chữ tấp tểnh chuyện thơ văn.

Suốt thời gian mấy năm mặc áo lính, an thân phục vụ ở văn phòng, không một ngày trận mạc.

Rồi cái ngày 30 tháng Tư quái quỷ đáng nguyền rủa ấy và những địa danh các trại tù cải tạo, ghi dấu chặng đường thương khó… Hóc Môn, Phú Quốc, Long Giao, Yên Bái, Phong Quang (Lào Cai), Vĩnh Quang (Vĩnh Phú). Tiếp theo nữa, trại tù số 4 Phan Đăng Lưu và Chí Hòa. Chưa chỗ nào là nơi dừng chân cuối cuộc đời, ở thời khoảng đó. Sau cuộc lưu đầy, ngày trở về với gia đình, may mắn thay, thân thể vẫn lành lặn nguyên vẹn.

Tôi đã ngỡ tưởng căn nhà bố mẹ để lại nơi xóm muống ven bờ kênh Nhiêu Lộc Phú Nhuận ấy, sẽ là chỗ chờ đợi cho trạm cuối đời mình.

Nhưng rồi, lại có một chuyển đổi để đi sang nơi chỗ mới hoàn toàn xa lạ. Dù lớ ngớ thấp thỏm vì bỡ ngỡ với đủ thứ ngổn ngang trong đầu, của một người sang Mỹ định cư trễ muộn, khi tuổi không còn trẻ, tôi và vợ con cũng từng bước ổn định được cuộc sống ở Houston, nơi chính ngay căn nhà dọn đi đó.

Và bây giờ ở đây, căn nhà này. Không biết tôi sẽ còn có một nơi chỗ nào khác nữa không. Người ta thường nói, hành trình cuộc sống của con người là hành trình đi từ nôi đến mộ. Tôi đã khởi hành và đi qua được hơn bẩy mươi bốn năm. Phía trước kia là nơi chỗ cuối cùng. Những ngày tháng chờ đợi này, tôi cứ vẩn vơ trong nhiều thứ suy nghĩ không đâu, nhiều khi dằn vặt mông lung vô cớ. Phận mình giữa cuộc đời và những mối dây ràng buộc tương quan, những tháng ngày ngụ cư đất khách quê người này, nỗi cô đơn thinh lặng nào bủa vây…

Lời Kinh Thánh dậy rằng, hãy cố sống vui và thoải mái với những gì mình đang có, vì đấy là hạnh phúc. Đừng để ý đến điều gì khác, bởi có những điều hiện hữu, tưởng rằng gần gũi, nhưng rất xa vời, sâu thăm thẳm, khó có thể nào hiếu thấu hết.

Tôi sẽ ghi nhớ thêm và học theo lời dậy này, để được sống thanh thản, cho đến lúc hành trình cuộc sống mình đã đến lúc phải kết thúc.

Khi một người từ giã cuộc sống, thường có những lời bầy tỏ tiếc thương của những người còn ở lại. Như hiền huynh Đào Vũ Anh Hùng vừa mới đây. Anh là một phi công tên tuổi, nên trong những tâm tình tiễn biệt bầy tỏ, có lời chào tiễn anh vừa cất cánh bay phi vụ cuối cùng.

Phần tôi, một thứ lính ngồi văn phòng, ở Căn cứ Không Quân Tân Sơn Nhất. Hồi ấy xe lam là phương tiện giao thông dân sự rất quen thuộc hàng ngày trong căn cứ. Vì thế, rồi đây khi nghe tin tôi không còn hiện diện nơi trần gian, có thể bạn hữu sẽ nói lời tiễn chúc một kẻ vửa ôm cái máy đánh chữ Remington và ram giấy, bước lên chuyến xe lam đi về bến cuối cõi người. Hoặc là một lời nào đó khác nữa chăng. Nhưng cũng chẳng có gì quan trọng lắm đâu, bởi vì:” …Nào có ai cho con người biết điều gì sẽ xẩy ra dưới ánh mặt trời, sau khi mình đã nhắm mắt xuôi tay.” (Kinh Thánh Cựu Ước, Sách Giảng viên 6, 12).

                                                            ngọctự

                                              (Richmond, Texas 12.3.2022)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét