Chủ Nhật, 1 tháng 10, 2023

bài đáng đọc ; ' Những Điều Ít Biết Về Giáo Sư, Nhà Văn Lớn Đặng Thai Mai [ 1902- 1984 ] ' / Nguyễn Khôi / Hà Nội -- trích : - e Magazine.

 nhung-dieu-it-biet-ve-giao-su-nha-van-hoa-lon-dang-thai-mai--n4.png

nhung-dieu-it-biet-ve-giao-su-nha-van-hoa-lon-dang-thai-mai--n5.jpg

Những ngày cuối tháng 7, Hà Nội vẫn nóng bức với nền nhiệt 370C. Tôi tìm đến nhà của cố GS Đặng Thai Mai trên phố Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng. Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đặng Thái Hoàng (con trai GS Mai) năm nay đã ngoài 80 tuổi, dẫn tôi từ tầng một lên tầng hai mà đập vào mắt tôi là những hình ảnh về gia đình, về người cha của ông trong các hội nghị hoặc với bạn bè thân hữu và rất nhiều bức tranh đẹp do ông sưu tập. Ngồi vào chiếc bàn nhỏ trong phòng khách, tôi hỏi Phó Giáo sư (PGS) Hoàng: Lúc sinh thời khi các anh chị, em anh ở tuổi hoa niên, cụ Mai có hay quan tâm đến chuyện học hành của con cháu không ? Ông Hoàng thủng thẳng: Ba anh nhiều việc, lại giáo dục con tính tự giác; có một lần ông nhắc nhở là ba không thể kèm cặp các con học được, tùy ở sự chăm chỉ và tư chất của các con. Nhưng ngoài học ở trường, nhà mình nhiều sách, các con cố gắng đọc mà thâu nhận kiến thức. Chỉ có anh rể cả là Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trong nhà thường gọi anh Văn) hay nhắc nhở và động viên việc học của mấy chị em thôi. Cho nên bốn chị đầu (Đặng Bích Hà, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Đặng Thanh Lê) có con đường đi riêng, còn anh và cô út Đặng Xuyến Như lại có đường hướng khác trong sự nghiệp. Vui là 6 chị, em anh người trước, kẻ sau đều trở thành Giáo sư và Phó Giáo sư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ.

nhung-dieu-it-biet-ve-giao-su-nha-van-hoa-lon-dang-thai-mai--n5.png
Chân dung Giáo sư Đặng Thai Mai và bức tượng GS Đặng Thai Mai đặt tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội

GS. Đặng Thai Mai xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng yêu nước tại làng Lương Điền (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thân phụ của ông là Phó Bảng Đặng Nguyên Cẩn, từng làm Đốc học Hà Tĩnh và là bạn thân của các chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng. Khoác áo quan trường nhưng Đặng Nguyên Cẩn luôn tìm cách ủng hộ các phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục và nhất là phong trào chống sưu cao, thuế nặng ở Trung Kỳ những năm đầu thế kỷ XX. Bởi vậy cụ đã bị thực dân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo suốt mười ba năm liền. Còn tú tài Đặng Thúc Hứa (em trai cụ) nối gót anh cũng rời quê tham gia phong trào Duy Tân Hội, là cánh tay đắc lực của Phan Bội Châu và sau đó ông chuyển sang gây dựng các cơ sở Việt Kiều yêu nước tại Xiêm trong thời gian 1910 - 1924. Đặng Thai Mai sinh ra và lớn lên dưới chế độ thực dân - phong kiến, khi mà người Pháp chủ trương phổ biến chữ quốc ngữ và tiếng Pháp nhằm xóa bỏ nhà trường Hán học. Cho nên khoa thi năm Kỷ Mùi (1919) là khoa thi nho học cuối cùng ở Việt Nam.

nhung-dieu-it-biet-ve-giao-su-nha-van-hoa-lon-dang-thai-mai--n9.png
Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và GS Đặng Thai Mai (ngoài cùng bên trái) trong một lần tiếp khách Quốc tế

Thuở ấu thơ và tuổi vị thành niên, Đặng Thai Mai gắn bó nhiều với bà nội, một người phụ nữ sắc sảo và khảng khái ở vùng quê Lương Điền nghèo khó. Được bà chăm sóc, cho đi học và dạy dỗ, lại thừa hưởng "gen" khoa cử của hai bên nội, ngoại, Đặng Thai Mai vừa học chữ Hán, quốc ngữ theo chương trình của các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục, vừa học tiếng Pháp ở Vinh. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương (1928), Đặng Thai Mai được bổ vào dạy ở Trường Quốc học Huế. Từng tham gia phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, là thành viên của các Hội Hưng Nam, Đảng Tân Việt; rồi ông tiếp cận với sách báo Mác xít như "Người cùng khổ", L'Humanite - Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp... đã nung nấu trong tâm can người thầy giáo trẻ phải làm gì cho quê hương, đất nước. Trước sự kiện vang động Xô Viết - Nghệ Tĩnh năm 1930 "Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước bước lên/ Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên/ Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi" (Tố Hữu), nơi xứ Huế, Đặng Thai Mai tham gia phong trào "Cứu tế đỏ" nhằm quyên góp cứu trợ đồng bào quê hương đang gặp nguy biến. Và dĩ nhiên, không lâu sau đó, vào một buổi sáng đang giảng bài tại Trường Quốc học Huế, xe của mật thám Pháp đã ập đến bắt thầy Mai giải đi. Sau một năm bị tù đày và cách chức khỏi trường công, từ 1932 Đặng Thai Mai ra Hà Nội dạy học tư để kiếm sống. Tại đây ông đã gặp những bạn bè đồng chí hướng như Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám và sáng lập nên trường tư thục Thăng Long nổi tiếng một thời. Vài năm sau, thời kỳ 1936 - 1939, Mặt trận Dân chủ Đông Dương thành lập, Đặng Thai Mai được gặp gỡ đồng chí Trường Chinh, Hải Triều; ông đã cùng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Văn Tố lập nên Hội Truyền bá chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ, đồng thời tham gia Viện Dân biểu Trung Kỳ và tích cực viết bài cộng tác với các báo Tin tức (tiếng Việt), Le Travail (Lao Động), Notre voix (Tiếng nói chúng ta)... Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ; Mặt trận Dân chủ Đông Dương bị đàn áp; các chiến sĩ cách mạng yêu nước phải rút vào hoạt động bí mật. Đặng Thai Mai vẫn bám trụ Hà Nội, vừa dạy học, ông vừa bước đầu nghiên cứu văn học Pháp; giới thiệu và dịch thuật một số tác giả của Văn học Trung Hoa như Lỗ Tấn đăng trên các báo Văn Mới, Tri Tân. Sau này có điều kiện nghiên cứu sâu hơn đã giúp Đặng Thai Mai giữa những năm 50 của thế kỷ trước trở thành "người mở đường", là chuyên gia hàng đầu về Văn học Trung Quốc ở Việt Nam....

nhung-dieu-it-biet-ve-giao-su-nha-van-hoa-lon-dang-thai-mai.jpg
Giáo sư Đặng Thai Mai và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (con rể)

Sự kiện đánh dấu cột mốc trong cuộc đời và sự nghiệp của GS Đặng Thai Mai, như con trai Đặng Thái Hoàng cho biết, là năm 1944 ông công bố tác phẩm Văn học Khái luận. Năm 1943, từ bối cảnh thế giới và tình hình trong nước, nhận rõ thời cơ đánh đổ chế độ thực dân - phát xít và bè lũ tay sai, Tổng Bí thư Trường Chinh đã khởi thảo Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Gọi là "đề cương" nhưng nó đã chỉ rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách đô hộ của thực dân - phát xít; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn và xây dựng đường lối văn hóa mới của Đảng; tập hợp các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tham gia vào công cuộc giải phóng dân tộc... Đề cương về Văn hóa Việt Nam được coi là bản Tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về hoạt động của nền văn hóa, văn nghệ cách mạng. Với sự nhanh nhạy của mình,một năm sau, Đặng Thai Mai cho ra đời công trình Văn học khái luận do nhà xuất bản Hàn Thuyên ấn hành. Cuốn sách được bố cục tuần tự: Chương 1, định nghĩa thế nào là văn học?; Chương 2, văn học biểu hiện ý thức hệ và phát triển cùng sự tiến hóa xã hội; Chương 3, vấn đề sáng tác của nhà văn; Chương 4, bàn về nội dung và hình thức; Chương 5, về điển hình hóa và cá tính trong văn học; Chương 6, trao đổi về tự do sáng tác của nhà văn; Chương 7, về tính dân tộc và quốc tế. Bỏ qua một vài khiếm khuyết trong cách lý giải chưa thật thấu đáo và có yếu tố lạm dụng từ Hán-Việt, có thể nói cuốn "Văn học khái luận"   thể hiện một trí tuệ quảng bác của nhà trí thức trước những ba đào lịch sử của dân tộc cách đây 80 năm. Giới lý luận phê bình nước ta coi đây là tác phẩm tiên phong cho lĩnh vực phê bình, lý luận của nền văn học Việt Nam hiện đại. GS Hà Minh Đức cũng như GS Trần Đình Sử (học trò và là đồng nghiệp về sau) cho rằng Văn học Khái luận ra đời 1944 nhưng đã có ảnh hưởng lâu dài và sâu rộng đến các nhà văn nghệ, đến những công trình lý luận về văn hóa, văn học nghệ thuật suốt nhiều thập niên sau đó.

nhung-dieu-it-biet-ve-giao-su-nha-van-hoa-lon-dang-thai-mai--n1.jpg
Thủ tướng Phạm Văn Đồng và gia đình Giáo sư Đặng Thai Mai

Sinh thời Đặng Thai Mai tham gia hoạt động trên nhiều "địa hạt". Ông từng đảm nhiệm các vai trò: Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ liên hiệp (1946), Hội trưởng Hội Văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở Giáo dục Liên khu 4, Hiệu trưởng Đại học sư phạm văn khoa, Viện trưởng Viện Văn học đầu tiên (gần 20 năm), Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. GS Đặng Thai Mai cũng là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, IV và V... Với những công lao đóng góp của mình, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh (1982), Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội đợt đầu (1996) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên ông đã được đặt tên đường phố và trường học ở Thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và một số địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, trên hết giới trí thức, văn nghệ sĩ coi GS Đặng Thai Mai là nhà Văn hóa lớn của thế kỷ XX. Theo ông Đặng Thái Hoàng, khi còn sống cha ông hay được Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu mời lên gặp gỡ để trao đổi các vấn đề về văn hóa, văn nghệ. Còn giới trí thức, văn học - nghệ thuật, Đặng Thai Mai là bạn bè chí cốt của Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh; là tri kỷ tri âm với Nguyễn Tuân, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Điềm Phùng Thị... Về quan hệ quốc tế, GS Đặng Thai Mai có không ít bạn bè ở một số quốc gia Châu Á, Châu Âu nhưng ông thường xuyên liên lạc mật thiết hơn cả là các ông Quách Mạt Nhược (Nhà văn hóa kiêm chính trị gia nổi tiếng Trung Quốc), Pierre Abraham (Tổng biên tập Tạp chí Châu Âu), Sharles Forniou (Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp - Việt).

nhung-dieu-it-biet-ve-giao-su-nha-van-hoa-lon-dang-thai-mai--n8.png
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà (con gái cả Giáo sư Mai)
nhung-dieu-it-biet-ve-giao-su-nha-van-hoa-lon-dang-thai-mai--n4.jpg
Vợ chồng Giáo sư Đặng Thai Mai và các con

Và cũng theo ông Đặng Thái Hoàng, trong quan hệ gia đình có một chuyện rất ít người biết là cuối tháng 10/1946, bà Nguyễn Thị Thanh (hiệu Bạch Liên) chị cả của Bác Hồ - một chiến sĩ hoạt động cách mạng trên nhiều địa bàn vùng Trung Bộ, từ quê ra Hà Nội thăm em. Vì công việc bộn bề của chính quyền còn non trẻ sau cách mạng tháng 8, nên Bác chỉ tiếp chị gái trong thời gian chóng vánh và hẹn tối chị em gặp nhau. Chia tay em, bà Thanh được đưa về một ngôi nhà trên phố Lý Thường Kiệt, đó là gia đình của GS Đặng Thai Mai. Tối hôm đó, như đã hẹn bà Thanh gặp em trai một lần nữa và cũng là lần gặp cuối cùng trong đời. Ở đây một hai hôm, được người thân của GS Mai dẫn đi thăm thú một số công trình lịch sử -văn hóa của Hà Nội rồi bà trở về quê nhà tiếp tục tham gia kháng chiến cho đến khi trút hơi thở cuối cùng…

Nguyễn Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét