LÊ MINH KHUÊ giữa ngôi sao xa xôi và bi kịch nhỏ
(...)
Ý NHI
1.
Một buổi chiều, khoảng cuối năm 1989, chúng tôi có cuộc gặp gỡ tại nhà Trần Thị Khánh Hội, trong một con hẻm rộng, quận Phú Nhuận. Thường dân văn nghệ gặp nhau thì trò chuyện lan man, chuyện nọ chồng lên, đan chéo qua chuyện kia. Có ai đó nhắc đến Lê Minh Khuê. Dương Thụ quay sang tôi, nói nhỏ: “Tôi không biết nhiều về cô này. Có phải là cái cô có đôi mắt đa tình không?”. Tôi cười: “Như vậy là biết nhiều quá rồi đấy”.
Quả thật, Lê Minh Khuê có một đôi mắt rất đẹp: to, sáng và… đa tình. Ai bắt gặp cái nhìn của đôi mắt này khó mà quay đi. Tôi ngờ là Dương Thụ đã có lần tình cờ “bị” nhìn. Với nước da ngăm ngăm, gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt đẹp và một lúm đồng tiền nhỏ nơi khóe miệng, Lê Minh Khuê có một vẻ duyên dáng, mặn mà đặc biệt. Sau này, khi viết truyện, những lúc mô tả vẻ duyên dáng của các cô gái, tôi thường gán cho họ cái lúm đồng tiền kín đáo nơi khóe miệng là vì nhớ đến Khuê.
Tôi quen Khuê khi chị ở chiến trường mới ra Hà Nội và làm phóng viên báo Tiền Phong. Tôi lập tức có cảm tình với cô gái mặc sơ-mi trắng, tóc tết đuôi sam, vẻ mặt hiền hòa, giọng nói nhỏ nhẹ ấy. Hồi đó Khuê đang sống tại khu tập thể của báo ở phố Hồ Xuân Hương, cùng với một nữ họa sĩ cũng còn trẻ, Đoàn Thanh. Sau này Khuê dời đến một khu tập thể khác ở Hàng Trống. Những khu nhà tập thể này có một dấu ấn đặc biệt trong cuộc sống cũng như trong tác phẩm của Khuê.
Thỉnh thoảng tôi ghé qua chỗ Khuê, mời Khuê một buổi xem phim (hồi đó, những bộ phim đặc sắc chỉ được chiếu trong phạm vi hep) hay trò chuyện về công việc viết lách và những chuyện linh tinh liên quan đến nghề nghiệp. (Còn trẻ, mới bước chân vào nghề, tôi và Khuê đều ngỡ ngàng trước mọi sự, gặp một nhà văn, một nhà thơ tên tuổi hay đọc một bài thơ, một truyện ngắn thú vị có thể khiến mình mất ngủ vì hạnh phúc). Khuê lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dễ mến. Có lần Khuê kể cho tôi nghe chuyên một ông “to đùng” trong cơ quan ngỏ lời hẹn hò với ba cô cùng một lúc. Ba cô là bạn của nhau, thì thầm to nhỏ rồi cười lăn cười bò vì chẳng cô nào có cảm tình với ông ta. Tôi cũng được một trận cười, đôi lần gặp hay nhìn thấy ông ta trong chỗ đông người, lại nhớ chuyện, tủm tỉm cười một mình. Tôi có cảm giác mình và cô gái này có mối giao cảm đặc biệt.
Nhưng sẽ chỉ dừng lại ở một sự cảm mến như vậy nếu như Lê Minh Khuê không về Nhà xuất bản Tác phẩm mới, cùng làm việc với tôi, Xuân Quỳnh trong thời gian đủ dài cho một sự gắn bó, thông hiểu. Lê Minh Khuê ít nói, hay nhường nhịn hai bà chị. Hai bà chị có lúc nào tức bực điều gì hay giận dỗi nhau, Khuê là người khuyên giải. Lại cũng hay nhường nhịn những người khác. Hồi đó, mọi thứ vật dụng hàng ngày, từ cây kim sợi chỉ đến đôi dép nhựa, chiếc may ô đều được phân phối qua căng-tin. Người nhiều, hàng ít, thế là xảy ra cảnh chen chúc, tranh giành, hơn thua. Khuê tránh xa những việc kiểu như vậy. Cười cười nhìn mọi người rồi dắt xe ra về. Thật nhẹ nhàng.
Nhưng điều tôi quý nhất ở Khuê là sự chung thủy với bè bạn. Khuê biết yêu mến, tôn trọng và gìn giữ tình bạn. Bạn có thể kể cho Khuê những điều bí mật của mình và biết chắc rằng mọi việc sẽ được Khuê giữ kín, không bao giờ hé lộ với người khác. Vì đức tính này mà mọi người thường tìm Khuê để trò chuyện, để gửi gắm, để nhờ vả. Khuê phải ôm giữ không biết bao nhiêu là bí mật của bạn bè. Mà giữ bí mật là một việc làm khó lắm thay! Không biết Khuê có lúc nào phải ghé miệng thì thầm với cõi vô cùng một mẩu chuyện nào đó không.
Đầu năm 1988, chúng tôi cùng một đoàn nhà văn sang dự khóa học ngắn ngày tại học viện M. Gorki. Sống cùng một phòng trong ba tháng. Cùng ăn, cùng đến lớp, cùng hưởng những ngày tuyết phủ trắng thành phố Maxkva, cùng ngắm nhìn mùa xuân, những vạt hoa vàng trên sườn đồi, những cành lá non mềm mại, tươi mới, những khóm hoa tuy líp bên đường… Và quan trọng hơn cả, được đắm chìm trong những bài giảng sâu sắc, đầy hấp lực về Triết học, về Văn học Nga cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, những năm sau cách mạng tháng 10, về văn học Tây phương… Rồi chạy đến tức thở trên đường phố để kịp có những bông hồng tặng thầy trong buổi chia tay. Chúng tôi cùng rơi vào trạng thái “bồng bềnh trong một cõi riêng, xa vắng và lơ đãng” (Hồ Anh Thái, “Lê Minh Khuê – người đàn bà viễn thị”. Trong Họ trở thành nhân vật của tôi, NXB Trẻ, 2012). Những bức ảnh ngày ấy vẫn còn lưu dấu vẻ ưu sầu – rạng rỡ trên khuôn mặt mỗi chúng tôi.
Rồi một ngày mùa đông bất chợt rủ nhau lên tàu chợ đi Hải Phòng. Gặp Tường Vân, Nguyễn Quang Thân, Thọ Vân, Thanh Tùng, Thi Hoàng, Đào Cảng, Nguyễn Tùng Linh, trò chuyện lan man (Nguyễn Tùng Linh còn nháy mắt nhờ tôi giúp làm thân với Khuê), rồi lại lên tàu, chen chúc giữa mọi người, trở về, nhìn Hà Nội khác đi một chút, căn nhà khác đi một chút, để vui. Cũng nhiều khi, sau những ngày xa, mọi điều vẫn vậy, lại buồn.
Rồi những ngày lang thang cùng Hồ Anh Thái, Wayner Karlin trên Đà Lạt se lạnh, nhiều hoa và thông, những ngày mùa thu tôi trở ra Hà Nội, hai chị em đi bộ qua bao nhiêu con phố, chẳng nói với nhau điều gì thật rõ ràng mà lòng lại xao xác, phấp phỏng như có điều chi hệ trọng đã xảy ra, rồi những bức thư gửi vào Sài Gòn: “Mọi thứ ở Hà Nội nó cứ cũ đi trước mắt, cảm thấy mình cũng cứ cũ đi mà nói đến thay đổi thì ngại… Nhưng em cũng ngại lên máy bay, ngại trở lại những chỗ mình biết. …Em lo sợ mình trở nên nhàm chán trước mắt người khác, và người khác cũng nhàm trước mắt mình… Cũng buồn thật chị ạ. Chả cái gì được như ý mình. May mà mình đã chớp lấy thời gian, có đôi chút niềm vui để mà dùng trong quãng ngắn…”.
Tôi yêu mến và gần Khuê nhất khi Khuê rơi vào trạng thái chân không này, khi “Em không đói. Từ nay em có thể nhịn hàng tháng” như lời một nhân vật của Khuê trong Cơn mưa cuối mùa.
2.
Tôi gặp Lê Minh Khuê (hình như trong một cuộc họp công tác viên của tạp chí Văn nghệ Quân đội hay một cuộc hội họp chung ở đâu đó) đúng vào những ngày các truyện ngắn đầu tay của chị như Những ngôi sao xa xôi, Anh kỹ sư dạo trước, Chuyện nhỏ hồi chiến tranh xuất hiện và ngay lập tức được giới cầm bút và bạn đọc quan tâm. Khuê viết khỏe. Các truyện ngắn tiếp sau như Bầu trời trong xanh, Anh kỹ sư dạo trước, Một ngày đi trên đường… rồi các tập truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, Đoạn kết liên tục được xuất bản, khẳng định vị thế của một cây bút văn xuôi tài năng. (Phải nói thêm rằng, thành công ngay từ những sáng tác đầu tay là điều hiếm nhưng giữ được một vị thế trong làng văn cho đến mấy chục năm sau là điều vô cùng hiếm. Không ít người xuất hiện khá rực rỡ nhưng đã lụi tắt chỉ ít lâu sau đó. Viết văn âu cũng là chuyện đường trường, chuyện dài lâu, không đủ sức thì đành dừng lại giữa đường, thậm chí, ngay sau khi xuất phát).
Đọc văn rồi gặp người, tôi có chút ngạc nhiên vì người còn trẻ quá. Hình như vì cái sự “quá trẻ” này mà dạo đó có người ngờ rằng các truyện ngắn “già tay” ấy là của một ai khác. Thời gian này, các tác phẩm văn chương viết về chiến tranh rất nhiều, chiếm một vị thế quan trọng trong nền văn học. Những tên tuổi nổi bật như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Hồ Phương… rồi Lê Lựu, Đỗ Chu, Chu Lai, Nguyễn Thị Như Trang… đã có truyện và tiểu thuyết về chiến tranh được người đọc đón nhận.
Xuất hiện trong một bối cảnh như vậy, một cây bút trẻ, xa lạ như Lê Minh Khuê thực sự là điều khó khăn, nếu không muốn nói là một thách thức. Cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi không hề biết đến những khó khăn, thách thức ấy. Cô hồn nhiên bước tới. Và cô được thừa nhận, ngay lập tức, với bạn đọc, với đồng nghiệp. Vì sao ư? Vì tác giả là một thiếu nữ. Vì tác giả còn trẻ. Vì tác giả là người trong cuộc, những trang viết của chị hầm hập hơi thở của cuộc chiến tranh, vì những nhân vật của chị thật đẹp. Tất cả những điều đó đều đúng, đều hợp lẽ nhưng chưa đủ để lý giải cho sự thành công của Lê Minh Khuê.
Tôi nghĩ, điều chính yếu làm nên giá trị văn chương của Lê Minh Khuê là văn phong của chị. Thường thì, những người viết trẻ khó thoát khỏi sự ảnh hưởng, sự bắt chước một ai đó hoặc bị hòa lẫn trong giọng điệu chung của những người cùng thời. Lê Minh Khuê không rơi vào điều này. Ngay từ đầu, chị đã có cho mình một giọng văn riêng biệt. Một cách viết khác biệt. Đó là một may mắn. Bởi vì, ai cũng biết, viết như thế nào mới thực sự là điều quan trọng. Chẳng phải tất cả các cuộc cách mạng văn chương cũng chỉ nhằm tìm cho được một cách viết, một cách thể hiện đó sao?
Những câu văn ngắn, có câu chỉ gồm hai, ba từ, thậm chí có câu chỉ một từ, đanh gọn, rắn rỏi như một nhát cắt, một tiếng nổ, tạo nên bầu khí căng thẳng, quyết liệt, gấp gáp đầy ám ảnh của cuộc chiến. Xin đọc vài trích đoạn trong truyện ngắn của chị.
“…Chúng tôi ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Con đường qua trước hang, kéo lên đồi, đi đến đâu đó, xa! Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy… Đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần… Thần kinh thì căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp xung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ… Cao điểm bây giờ thật vắng. Chỉ có Nho và chị Thao. Và bom. Và tôi ngồi đây. Và cao xạ đặt bên kia quả đồi. Cao xạ đang bắn… Vắng lặng đến phát sợ. Cây còn lại xơ xác. Đất nóng. Khói đen vật vờ từng cụm… Tôi dùng xẻng nhỏ đào đất dưới quả bom. Đất rắn. Những hòn sỏi theo tay tôi bay ra hai bên. Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm vào quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt… Hồi còi thứ hai của chị Thao. Tôi nép người vào bức tường, nhìn đồng hồ. Không có gió. Tim tôi cũng đập không rõ. Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến 5 lần. Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng là một cái chết mờ nhạt, không cụ thể… Mùi thuốc bom buồn nôn. Ba tiếng nổ nữa tiếp theo. Đất rơi lộp bộp, tan đi âm thầm trong những bụi cây. Mảnh bom xé không khí lao vào rất vô hình trên đầu… Tôi rửa cho Nho bằng nước đun sôi trên bếp than. Bông băng trắng… Tôi tiêm cho Nho. Nho lim dim mắt, dễ chịu, có lẽ không đau lắm… Nói chung, trên cao điểm này, chúng tôi không ưa nước mắt… Hơn nghìn khối. Bốn quả nổ chậm, ít thôi. Tôi,1 quả trên đồi. Nho 2 quả dưới lòng đường. Chị Thao, 1 quả dưới chân cái hầm barie cũ…”. Người đọc bị chinh phục, bị lôi cuốn, bị “chìm” vào cuộc đối đầu khắc nghiệt giữa những cô gái và bom đạn, và cái chết.
Trên cái nền chiến tranh, hủy diệt ấy, các nhân vật của Lê Minh Khuê hiện lên với một vẻ đẹp kỳ diệu. Họ không ngần ngại khi khẳng định: “Cao điểm của chúng tôi, nơi ra đời những ước mơ và khao khát”… “Trong suy nghĩ của tôi, những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”… Trong những giây phút yên tĩnh hiếm hoi giữa hai trận bom, họ cặm cụi chép bài hát, họ thêu những cành hoa lên chiếc gối nhỏ, họ “mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa lời ra mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn và ngớ ngẩn”, và họ mơ mộng. Nho muốn sau chiến tranh sẽ xin về một nhà máy thủy điện, sẽ tham gia vào đội bóng chuyền, sẽ thành tuyển thủ quốc gia, chị Thao thì muốn làm y sĩ và có một người chồng là sĩ quan có râu quai nón và hay đi công tác xa. Phương Định nhớ về Hà Nội: “…Ở Hà Nội tôi có một căn phòng bé, gác hai. Căn nhà của tôi cổ và sâu trong ngõ, có nhiều cây xanh. Những cây ấy cũng qua bao nhiêu năm tháng rồi,dây tầm gửi leo đầy… Mà tôi nhớ một cái gì đấy, hình như mẹ tôi, cái cửa sổ hoặc những ngôi sao to trên bầu trời thành phố… hoặc là cây, hoặc là cái vòm tròn của nhà hát, hoặc bà bán kem chở đầy thùng kem, trẻ con háo hức vây xung quanh. Con đường nhựa ban đêm, sau cơn mưa mùa hạ rộng ra, dài ra, lấp loáng ánh đèn trông như một con sông nước đen. Những ngọn điện trên quảng trường lung linh như những ngôi sao trong câu chuyện cổ tích nói về những xứ sở thần tiên. Hoa trong công viên. Những quả bóng sút vô tội vạ của bọn trẻ con trong góc phố. Tiếng rao của bà bán xôi sáng có cái mủng đội trên đầu. Chao ôi, có thể là tất cả những cái đó. Những cái đó ở thật xa… Rồi bỗng chốc, sau một cơn mưa đá, chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi…”, họ ao ước: “…Con đường chúng tôi bảo vệ đây sẽ rải nhựa phẳng lì. Điện sẽ giăng vào rừng sâu và những nhà máy gỗ sẽ đêm ngày không ngủ”…
Những câu văn đã được kéo dài ra, mềm mại, hư ảo. Sự đối nghịch giữa không gian sống và tâm hồn con người, giữa thực tế và mơ ước đã tạo nên một hiệu ứng thẩm mỹ cần thiết cho tác phẩm.
Bấy giờ, hẳn Lê Minh Khuê chưa thể có ý thức về tất cả những điều đó, nhưng những truyện ngắn của chị đã hiển hiện dấu vết của một tài năng bẩm sinh. Và đó là lý do cho sự chinh phục của cô gái trẻ này. Tôi gọi đây là thời kỳ của Những ngôi sao xa xôi, theo tên gọi một truyện ngắn tiêu biểu của Lê Minh Khuê giai đoạn đầu tiên – giai đoạn mà nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng nó “là tất cả những gì trong trẻo, dịu dàng, vô nhiễm”.
3.
Có lẽ, “Bi kịch nhỏ” là tập truyện đánh dấu cho bước chuyển của Lê Minh Khuê. Những tập truyện tiếp theo như Trong làn gió heo may, Một mình qua đường, Màu xanh man trá, Nhiệt đới gió mùa ngày càng chứng minh cho bước chuyển này, khiến những ai từng yêu mến Những ngôi sao xa xôi phần nào ngỡ ngàng trước một Lê Minh Khuê khác. Nhà phê bình Lê Hồ Quang cho rằng đây là thời kỳ mà: “Cảm hứng sử thi dần được thay thế bằng cảm hứng nhân sinh, thế sự” trong các sáng tác của Lê Minh Khuê. Nhà phê bình nhận xét tác giả đã “tập trung khai thác sự tối tăm hèn nhược của con người trong một bối cảnh xã hội cụ thể cùng với khả năng rút tỉa những chi tiết cốt lõi của đời sống nhằm nhận chân tinh thần của một thời kỳ lịch sử đầy những hoang mang xáo trộn đã tạo nên một không khí “đương đại” rất rõ trong các tác phẩm của Lê Minh Khuê”. (“Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Lê Minh Khuê”, Nghệ thuật mới, 9/2012). Sự thay đổi này cũng được nhà văn Tạ Duy Anh thực sự quan tâm: “Nhưng hóa ra còn một Lê Minh Khuê khác, Lê Minh Khuê của những hiện thực không thể tàn khốc và trần trụi hơn được nữa… Nó thường khiến người đọc ngột ngạt bởi những gì chị mô tả. Những bức tranh vừa bẩn thỉu vừa tiềm tàng đầy bóng tối, đầy sự hoang tàn cứ lạnh lùng hiện lên bởi những con chữ không có lấy mảy may chút trang điểm gọi là…”. (“Bà chị Lê Minh Khuê”, Nghệ thuật mới, 4/ 2012).
Chừng như cảm nhận được sự “hoang mang” của một số độc giả khi đọc mình ở giai đoạn sau, trong một bài viết ngắn (“Hôm qua hôm nay”, Nghệ thuật mới, 9/ 2012), Lê Minh Khuê đã nói về không khí sống và sự thay đổi của con nguời trước và sau chiến tranh: “Trở về Hà Nội thì không tìm đâu ra không khí bình an. Tất cả như tổ kiến bị dội nước rồi. Đời sống tiền bạc đã đánh thức bản năng, đã khơi dậy dục vọng. Không thể viết lãng mạn nữa! Điều đó là có thật là không thể tránh. Tất cả các nhân vật giản đơn của chiến tranh đã bị tiền bạc xóc dậy đặt đúng cái chỗ mà họ vốn phải như vậy. Tôi đã từng viết Những ngôi sao xa xôi. Và giờ tôi đã viết Đồng đô la vĩ đại, Những kẻ chờ sung – những câu chuyện đầy chết chóc và bạo lực. Nhiều khi đọc lại thấy sốc – thấy sao không bay đến với các hình thức xa vời để thoát hiện thực cuộc sống? Dù trong các tác phẩm viết sau chiến tranh tôi đã không hề nệ thực. Tôi đã tưởng tượng về nó và cho nó một dáng vẻ khác. Nhưng đời sống khắc nghiệt, ngày càng khắc nghiệt và dù có “bay” đi đâu cái cuộc sống thực đấy vẫn là của nhà văn – Tôi phải sống với nó. Phải viết về nó”.
Rõ ràng, đây là một sự thay đổi đầy ý thức. Lê Minh Khuê đã thay đổi vì cuộc sống đã thay đổi, hiện thực đã thay đổi. Không phải chị “có khả năng phân thân rất giỏi” giữa lãng mạn và hiện thực như nhà văn Tạ Duy Anh từng nghĩ. Chị đã thay đổi. Và, đây là giai đoạn chín muồi của cây bút Lê Minh Khuê. Chị đã “không ngần ngại “thọc tay” vào những góc cạnh dữ dằn, gai góc của đời sống, kêu gọi sự tỉnh táo nhận thức, nhìn thẳng vào sự thật, bóc trần ảo tưởng… đặt ra một cách trực diện nhiều vấn đề thiết cốt của đời sống đương đại” (Lê Hồ Quang, bài đã dẫn). Tôi thích từ “thọc tay” và “trực diện” của nhà phê bình, bởi sự chính xác, bởi sự dứt khoát của một nhận định. Tôi có cảm giác, nó cũng hàm ý “khoanh vùng” cho Lê Minh Khuê, bởi hình như chỉ có duy nhất Lê Minh Khuê dám “thọc tay” và trực diện” trong lúc này. Đây chính là giai đoạn tạo nên sự vững vàng của một giá trị mang tên Lê Minh Khuê.
Tôi vẫn tiếp tục đọc Lê Minh Khuê và thán phục cây bút giàu nội lực này. Nhưng tôi yêu thời của Những ngôi sao xa xôi. Vì sao ư? Vì những kỷ niệm của một thời, vì cái tạng của tôi, vì những Thao, những Phương Định, những Cần, những Thi, những Cay, những người lính trẻ… vẫn nguyên vẹn một vẻ đẹp, riêng biệt, không hòa lẫn, không lu mờ, vì những gì ta từng yêu, sẽ mãi mãi còn lại.
4.
Trong một bài trả lời phỏng vấn, khi phóng viên hỏi về những thành tựu chị đã đạt được, Lê Minh Khuê đáp, đại ý: “Tôi cũng không biết sao tôi lại làm được thế”. Tôi tin đây là một lời nói thành thực. Có lần, khi đến thăm Khuê tại khu tập thể ở phố Hàng Trống, tôi nhìn thấy Khuê tay cầm một tệp giấy, một cây bút, đang sà vào chơi đùa với lũ trẻ trong khoảnh sân hẹp. Hình ảnh này còn lại cho đến hôm nay, nó khiến tôi nghĩ đến cách làm việc của Khuê, không thật chăm bẳm, không thật cố đạt đến một điều gì. Cứ từ tốn, nhẩn nha, viết khi thấy muốn viết, chỉ viết những gì thực sự cảm thấy bị thúc bách.
Những giải thưởng, những bản dịch ra tiếng nước ngoài, những khen tặng, những vinh danh… nằm ngoài “tầm ngắm” của chị.
Và, đó là một trong những nguyên do để tôi yêu mến chị.
Ý NHI
============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét