Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2023

bài đáng đọc : " Nguyễn Bắc Sơn , gã giang hồ hảo hán " / Ban Mai [ i.e. Nguyễn Thị Thanh Thuý 1963- Quy Nhơn -- trích: VOA, https://www.voatiengviet.com...

 Tìm

 
Nguyễn Bắc Sơn, gã giang hồ hảo hán

Nguyễn Bắc Sơn, gã giang hồ hảo hán

25/08/2015

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn (ảnh: Facebook).

Mười năm nhỉ, mười năm khuất nhục
Ngồi khua ly trong quán cô hồn
Cô độc quá người thanh niên khí phách
Trời đất bao la mà không chỗ dung thân.
Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi.
(Bỏ xứ - Nguyễn Bắc Sơn)

“Đời kẻ làm thơ thường nhục nhiều hơn vinh, buồn nhiều hơn vui, những kẻ vừa làm thơ vừa hành tập Đông Phương triết đạo thì thường thanh thản, thường có những niềm vui nội mật, thường mỉm cười an thân lập mệnh, khi qua đời, tôi xin được mỉm cười” Tự bạch Nguyễn Bắc Sơn (1)

Nguyễn Bắc Sơn, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, Bình Thuận, một miền biển nhỏ ở Miền Nam Trung bộ Việt Nam. Ngay từ nhỏ ông đã ngang tàng, sống yếm thế, nhiều lần tử tự nhưng không chết, năm 15 tuổi, ông lên nghĩa địa, cắt gân tay, nằm chờ, may có người thấy đã cứu. Sau đó, ít nhất 3 lần nhà thơ nhảy lầu tự tử nhưng thần chết thấy ông chưa tới số nên còn nhẹ tay. Sinh ra và lớn lên trong thời loạn ly, như bao người thanh niên khác Nguyễn Bắc Sơn cũng vào lính, ông là binh nhì, lính địa phương quân của chính quyền Sài Gòn trước năm 1975.

Năm 1972, Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi, lập tức được giới văn nghệ và đặc biệt lính chiến Sài Gòn yêu thích vì lối viết phóng túng, giang hồ như các nhân vật du đãng trong tiểu thuyết thời thượng của Duyên Anh ngày đó. Nhưng là loại giang hồ hảo hán không phải loại du côn. Thơ của ông không câu nệ hình thức, với lối viết thoải mái, nghĩ đến đâu viết đến đó, phóng bút rất nhanh bất cứ ở đâu và hào phóng tặng bạn bè.

Một trong những đoạn thơ nổi tiếng mà bất cứ người lính Miền Nam nào cũng thuộc lòng:


Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui
(Mật khu Lê Hồng Phong)

Mới nghe chừng mang chất du đãng, nhưng đoạn thơ trên phản ánh nỗi sầu đời, bi phẫn của một thế hệ thanh niên, sống không biết ngày mai, cuộc đời phó thác cho mũi tên đường đạn, đọc thơ ông tôi liên tưởng đến những câu thơ của gã lãng tử Bùi Chí Vinh, một nhà thơ sống sau ông một thập kỷ cũng có lối viết ngang tàng, bất cần đời như vậy:


Bằng sáng tác của mình
Tôi nhổ nước bọt vào những điều lừa mị
Tôi hôn thiết tha người con gái nghèo làm đĩ
Và bạt tai đứa công chúa hợm mình
Tôi cho Lệnh Hồ Xung nói tục với Doanh Doanh
Và Trương Vô Kỵ gọi Triệu Minh bằng ả
Tôi theo phò người giang hồ quân tử
Và tẩy chay đám quyền quý nịnh thần
Tôi sẵn sàng đạp xích lô đến chỗ hẹn với tình nhân
Và mặc quần rách dìu nàng đi ăn phở


(Mở - Bùi Chí Vinh)

Có lẽ cùng một nòi tình nên khi gặp Bùi Chí Vinh, Nguyễn Bắc Sơn không hết lời ca ngợi: “Rằng thơ ta ngông như Tạ Tốn/Câu trước câu sau Đồ Long đao/Vần dưới vần trên Ỷ Thiên kiếm”. (2)

Tôi biết Nguyễn Bắc Sơn hơn mười năm trước, khi tìm tài liệu viết về chiến tranh Việt Nam. Ngày ấy, tài liệu in trong nước viết về Văn học Miền Nam hầu như không có, nên tôi truy tìm trên mạng, tình cờ đọc được bài thơ “Chiến tranh Việt Nam và tôi” trong Tổng tập văn học Miền Nam của Võ Phiến với giọng thơ lạ, nói với kẻ thù như nói với một người bạn, những câu thơ tức khắc thấm vào tôi và tôi đã dẫn chứng trong chuyên luận của mình, nhằm so sánh ý thức về chiến tranh của người lính Cộng hòa Miền Nam và bộ đội Miền Bắc.

Để minh chứng cho một thời đại đầy biến động này, chúng ta hãy đọc bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn khi viết về bộ đội miền Bắc với một giọng thơ ngất ngưởng:

Kẻ thù ta ơi, những đứa xăm mình
Ăn muối đá và điên say chiến đấu
Ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
Đi hành quân, rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem chiến cuộc như tai trời ách nước
Ta bắn trúng ngươi, vì ngươi bạc phước
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”...


(Chiến tranh Việt Nam và tôi)

“Những đứa xăm mình”, những con người ấy cũng một dòng máu như ta thôi. Trong lúc người lính Cộng hòa đã nhận ra cuộc chiến này “cũng chỉ một trò chơi” thì... phần đông “Kẻ thù ta ơi” đều “điên say chiến đấu”, đều tin chắc vào chính nghĩa của cuộc chém giết, đều hô hào cổ võ tàn sát một cách trịnh trọng. “Kẻ thù ta ơi” là một thế hệ tươi sáng, họ là những học sinh, sinh viên đầy nhiệt huyết, được đào tạo từ nhỏ về lòng yêu nước, yêu nước ở đây đồng nghĩa với ý thức của chủ nghĩa cộng sản về nhiệm vụ và sứ mệnh. Yêu nước ở đây đã gắn liền với một thể chế. Đây lại là một bi kịch khác.

Một người lính Cộng hòa nói với một bộ đội miền Bắc, như nói với anh em và quả thật họ là anh em cùng giống “da vàng mũi tẹt” mà ra. Ta đối với chú mà nói được lời như thế vì lòng ta đã tới độ nguội lạnh, không còn gì khuấy động nổi một cơn điên say nữa. Đao to búa lớn: vô ích. Danh từ cao đẹp: vô ích. Lý tưởng thiêng liêng: vô ích.

Chính vì vậy, sau khi kết thúc chiến tranh, đã có những cuộc gặp kỳ lạ. Năm 1974, trong lúc làm biên tập viên phần văn hóa văn nghệ tờ Quân đội nhân dân, nhà thơ Anh Ngọc ở Hà Nội có tổ chức một trang chuyên đề về nền văn học trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Nhà nghiên cứu Thạch Phương đã mở đầu bài viết của mình bằng những dòng: “Có một thời những người lính Sài Gòn truyền nhau mấy câu thơ của Nguyễn Bắc Sơn:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm
Vung tiền mua vội một ngày vui


Cái tên Nguyễn Bắc Sơn đã gợi cho đại tá Anh Ngọc bao nhiêu tò mò, ông thổ lộ: “Với một người lớn lên ở Miền Bắc, được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, thì cái thế giới trong thơ Nguyễn Bắc Sơn quả là xa lạ, đó là một thế giới mà ông không bao giờ có ngày gặp gỡ và thông cảm được. Ấy thế mà lịch sử xoay chuyển thật nhanh. Sau ngày 18-4-1975 nhà thơ Anh Ngọc, một đại tá trong Quân đội nhân dân, tiếp quản Phan Thiết, trong một buổi mít tinh của giáo chức thị xã, ông giật mình khi nghe anh Vĩnh Giên giới thiệu, anh Nguyễn Bắc Sơn, thi sĩ... sau đó, nhà thơ Anh Ngọc đã đón đầu nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn và trong vòng 5 phút, bằng bản tính nồng nhiệt và sự hào sảng của cả hai, họ đã biến thành bạn tri kỷ của nhau. Nguyễn Bắc Sơn chở Anh Ngọc trên chiếc xe đạp mini của mình về căn nhà nhỏ và tặng bạn tập thơ Chiến tranh Việt Nam và tôi, Nguyễn Bắc Sơn hóm hỉnh hỏi: Ông có dám mang nó trong ba lô không? Anh Ngọc trả lời: Sao lại không? (3).


Nếu họ gặp nhau vài ngày trước đây, họ là kẻ thù trên hai chiến tuyến, và tôi không bắn anh thì anh bắn tôi, đơn giản như vậy thôi.

Một lần vào Sài Gòn, thăm tòa soạn Quán Văn, chủ biên Nguyên Minh mời gọi tôi viết bài về Nguyễn Bắc Sơn, tạp chí sắp ra chuyên đề này, tôi thích thú, vì đã biết tên ông lâu rồi, thật tiếc, lần đó tôi không có thời gian để viết bài kịp in trong chuyên đề này.

Sau này tham khảo tài liệu, tôi mới biết ngoài những bài viết về chiến tranh với lối viết ngang tàng, ông còn là một hảo hán, sống kiểu giang hồ Lương Sơn Bạt, yêu thích bạn bè:

Vì ta nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Bởi đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi


(Mai sau dù có bao giờ)

Trong Chân dung Nguyễn Bắc Sơn ông tự họa:

...Trên trái đất có rừng già, núi non cùng sông biển
Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc làm thơ theo khí hậu từng mùa

Nguyễn Bắc Sơn thường ví mình là du đãng, theo kiểu như vầy:

Tiếc mày không gặp ta ngày trước
Ta cho mày say quắc cần câu
Rượu bia bốn chục chai đồ bỏ
Uống từ chạng vạng suốt đêm thâu
Thành phố giới nghiêm ta ngất ngưởng
Một mình huýt sáo một mình nghe
Theo sau còn có vừng trăng lạnh
Cao hứng cười buông tiếng chửi thề
Thời đó là thời ta chấp hết
Lửng lơ hoài trên chiếc đu bay
Đời mình như rượu còn ly cặn
Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày


(Tha lỗi cho ta)

Và chìm khuất sau những câu thơ ngông nghênh ấy là đau xót không nguôi cho phận người trong chiến tranh:

Mày về thăm ta như chuột lột
Thất thểu chỉ còn xương với cốt
Tráng sĩ kia hề qui cố hương
Thê thảm còn hơn thằng cốt đột
Tráng sĩ kia hề qui cố hương
Chinh chiến sao mày không chết tốt
Dăm đồng rượu trắng vội bày ra
Nhậu để khói sầu lên ngút ngút


...


Ngửi mày một tị xem làm sao
Thân thể mày bay mùi binh đao
Ngày trước mày hiền như đất cục
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
(Bài hát khổ nhục)

Với chiến tranh ông bất cần đời, với bạn bè ông hào sảng. Người đời gọi ông là trang hảo hán, có nghĩa khí, với mọi người ông chỉ biết cho đi. Nghe kể có lần con gái mua cho Nguyễn Bắc Sơn chiếc xe đạp mới, khi về ông đi tay không, hỏi ra mới biết ông cho một đứa nhỏ hàng xóm đi học xa mà không có xe đạp. Bạn bè của ông nhiều vô kể, ai cũng quý cái tâm trong sáng của nhà thơ, việc ông hàng ngày ra đường gặp ai cũng vơ hết tiền trong túi cho từ một người quét rác ở công viên, đến người bạn văn chương túng quẫn, một em bé bán vé số... là việc bình thường, mỗi ngày giúp đỡ được ai là lòng ông hạnh phúc. Với nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn tiền bạc là phù du, ngày ba bữa, vui chơi rong ruổi cùng bạn bè. Ông giúp người cũng theo kiểu của mình. “Cái thằng, con lóc nhóc cả năm đứa. Nghèo rớt mồng tơi. Thuê xích lô trả tiền ngày để đạp, mong kiếm đủ tiền đong gạo. Nó ở sát nhà cũ của tui. Thương mấy đứa nhỏ, tui hay lén lão bà bà xúc gạo cho nó. Bửa đó, tự nhiên nó xuất hiện ở ngõ hẻm nhà tui. Tui thấy, bèn dắt xe đạp về cất. Rồi leo lên xích lô cho nó chở đi lòng vòng suốt đường này qua phố nọ, sau đó trực chỉ quán cà phê”. Thì ra, ông đã giúp người nghèo rất tự nhiên. Và Bảy xích lô đã nhận tiền xe gấp năm gấp bảy lần mà không hề áy náy. (4)

Như một thiền sư, thơ ông đôi lúc đậm chất Lão Trang, Phật:

Nằm ngữa mặt ở bên trời lận đận
Ta và ngươi, hai gã cóc cần đời
Đời mạt pháp, con người mạt hậu
Có một tấm lòng, rồi cũng chỉ rong chơi
...


Sương mù, sương mù, ừ sương mù
Khuya về trăng mọc ngọn mù u
Cầm ống sáo đồng, gõ vào vách núi
Tráng sĩ hề! Lạnh thấu thiên thu
...
Em ni cô ta là thi sĩ
Có lúc thần tiên, lúc ngạ quỷ
Cầm kinh địa tạng ở trong tay
Mà uống rượu sầu, say bí tỉ
...


Nhảy tòm xuống suối giỡn trăng khuya
Hát khúc vọng tình, khúc nhớ quê
Quê Nhà xa tít và xa tắp
Non nước cháy hương chẳng chịu về
Bát cơm Hương tích Phật
Thọ dụng suốt đời vẫn thấy dư
Nhưng thiếu tình yêu và tình bạn
Làm sao cho khỏi ngất ngư


(Tháng chạp sầu đời bên núi lạnh)

Nhưng thiếu tình yêu và tình bạn, làm sao cho khỏi ngất ngư, thật vậy, đời ông không thiếu bạn bè, nhưng tình yêu của ông là những cuộc tình khắc khoải, đi qua đời nhau nhưng không dừng lại:

Chiều mù sương vì tình yêu mù sương
...Con phố thân quen bất ngờ con phố lạ
Nơi hàng cây rụng tiếng tắc kè kêu
Nơi lầu cao khung cửa sổ đìu hiu
Soi thấp thoáng ngọn đèn hoa thiếu nữ
...Đi ngang qua, đi ngang qua
Đi ngang qua
Đi ngang qua không dừng trong đời nhau...
(Mùa thu đi ngang qua cây phong du)

hay những mối tình thầm lặng của những người lính trẻ trong thời chiến như ông, bạn bè ông, yêu nàng nhưng chỉ dám nhìn nàng từ xa qua khung kính, chỉ để thấy má em ửng hồng, khi trên lưng còn cõng chiếc balo trên đường hành quân. Trong thời chiến tranh “Tình yêu đôi khi là xa xỉ phẩm” nói như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng.

Ừ Đà Lạt ngoài khung cửa kính
Giàn su xanh thuở má em hồng
Và ta, kẻ mười năm không áo lạnh
...
Đà Lạt, lạc đà dăm bảy đứa
Còng lưng ra mà cõng ba lô
Những hào sĩ đứng bờ nhật nguyệt
Vỗ tay cười thương lớp sóng lô nhô


(Chiêm bao về Đà Lạt)

Ngày trước, có lần nghe bạn tôi ngâm nga

Ta đọc ba ngàn quyển sách
Xong rồi chẳng nhớ điều chi
Ta chỉ nhìn em một cái
Sao mà nhớ đến mê si

mà không biết rằng đó là bài thơ “Giai nhân và sách vở” của Nguyễn Bắc Sơn.

Trong lời tự bạch, nhà thơ viết “... còn lòng trần? Tôi vẫn còn, nói như thiền sư Nhất Hạnh trong ‘Giấc mơ Việt Nam’, tôi vẫn còn ‘Giấc mơ Việt Nam’. Đã biết ‘nhân sinh nhược đại mộng, hồ vi lao kỳ sinh’ mà vẫn sống nồng nàn với ‘Giấc mơ Việt Nam’. Ấy là lòng kẻ làm thơ. Ai cũng vậy thôi...” (5)

Tôi tin rằng, trước khi qua đời “gã giang hồ, hảo hán” này sẽ mỉm cười, như “đứa trẻ nghìn năm trước/ Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta”.

Ban Mai
18/8/2015


---------------------------------


Tài liệu tham khảo:


(1)(5) Trần Hữu Dũng - Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn- TC Quán Văn số 23 06/2014.

(2) Bùi Chí Vinh- Cách nhậu của Nguyễn Bắc Sơn.


(3) Anh Ngọc - Cuộc hội ngộ lạ lùng quá sức tưởng tượng-
 

    TC Quán Văn số 23 06/2014.


(4) Nguyễn Thị Liên Tâm - Đồng tiền rong chơi 

 - Sách Đã Dẫn

Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Ban Mai

     

    Tiểu sử:

    Ban Mai, bút  hiệu của thạc sĩ văn chương Nguyễn Thị Thanh Thúy, hiện làm việc tại trường Đại học Quy Nhơn.

    Đã có bài viết trên các tạp chí Văn học, Hợp lưu, Quán Văn; các trang web talawas, damau, hopluu, baotre, vanchuongviet…

    Đã xuất bản tập chuyên luận Trịnh Công Sơn Vết Chân Dã Tràng, NXB Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ ĐôngTây; Hà Nội 2008; Tái bản tại Hoa Kỳ năm 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét